Trang

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

01-05-2013 : THỨ TƯ TUẦN V MÙA PHỤC SINH - LỄ THÁNH GIUSE LAO CÔNG


Ngày 1 tháng 5
Lễ Thánh Giuse Lao Công



Bài Ðọc I: St 1, 26 - 2, 3
"Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất". Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất".
Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.
Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc: Cl 3, 14-15. 17. 23-24
"Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chớ không phải cho người đời".
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa.
Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chứ không phải cho người đời; vì anh em biết rằng anh em sẽ lãnh nhận phần thưởng gia nghiệp do Thiên Chúa trao ban, nên anh em hãy phục vụ Chúa Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 2. 3-4. 12-13. 14 và 16
Ðáp: Lạy Chúa, xin củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra (c. 17c).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, vẫn có Ngài. - Ðáp.
2) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người". - Ðáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài! - Ðáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con được mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. - Ðáp.

Alleluia: Tv 67, 20
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Chúa trong mọi ngày, Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, Người vác lấy gánh nặng của chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 54-58
"Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: "Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?" Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: "Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình". Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Giuse Trong Xóm Nhỏ Ðiêu Tàn
"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...
(Veritas Asia)

Thánh Giuse: người lao động.
“Con bác thợ mộc”! Lời phát biểu này không có gì là khinh chê, chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, người ta không thể tưởng tượng được cậu con trai tầm thường, mà mọi người trong làng Nadarét đều biết con của Giuse sống trong tối tăm. Thế mà mọi người đều thấy cậu khôn ngoan, đầy quyền lực làm phép lạ. Luca đã dẫn hai câu châm ngôn ngắn gọn: Ngôn sứ không ở quê nhà! thầy thuốc không thiêng cho bà con! để giải thích hoàn cảnh này, họ còn đi xa hơn nữa biến đổi sự ngạc nhiên ra sự xúc phạm: họ dận dữ và quyết định giết đi cho khuất mắt. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều có nói: Đức Giê-su không muốn và cũng không thể làm được phép lạ vì họ cứng lòng tin... Những Phúc Âm hoang đường đã viết, Người đã làm nhiều điều kỳ diệu để tỏ cho họ biết Người là vị anh hùng vĩ đại, chỉ giản dị với danh hiệu: “Con bác thợ mộc”. Bác thợ mộc không có một ngôn sứ, không biết ăn nói, Giêsu chỉ là con ông Giuse thinh lặng thôi...
Giuse, Ngài đã nhận những lệnh của trời không qua cuộc đàm thaoị như Ma-ri-a và Giacaria, nhưng qua giấc mơ, Ngài không thể nói gì; chỉ biết tỉnh dậy vâng lời Giouse chỉ nói một tiếng như thiên sứ bảo; đặt tên con trẻ sinh ra bởi Ma-ri-a là Giêsu (có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ như Giosuê). Ngài đã nhận lệnh đặt tên, để biểu lộ Ngài được những đặc quyền thuộc dòng dõi David. Đó là dấu chỉ ân phúc cho Ngài như thiên sứ nói để giải tỏa nỗi âu lo của Ngài trước sự mang thai của Ma-ri-a: Giuse con dòng David... đó là vai trò thừa kế, không phải bằng đời sống huyết nhục, nhưng bằng sự nghiệp phong phú của lịch sữ Israel để thực hiện lời hứa với David. Nơi người con nuôi duy nhất của mình... vâng, Giuse chỉ nói một tiếng Giêsu, nhưng tiếng nói này quyết định cho lịch sử cứu độ. Rồi Ngài lại đi vào thinh lặng. Như Claude đã viết: “Khi những dụng cụ được xếp vào chỗ của chúng rồi thì công việc trong ngày đã xong. Khi con lạc đà ở sông Giócdan Israel ngủ trong cánh đồng, lúa về ban đêm... thì Giuse đi vào trong cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với những tiếng thở dài không dứt...”.
L.P

Suy niệm Mt 13,54-58
Tôi có một tình cảm rất đặc biệt đối với Thánh Giuse. Tình cảm nơi tâm hồn tôi phát xuất từ một sự khâm phục và yêu mến Ngài, qua cuộc sống niềm tin vào Thiên Chúa và thái độ sống âm thầm, khiêm tốn, nhẫn nại trước bao vất vả khó khăn của cuộc sống. Chính niềm tin đã làm cho Thánh Giuse có được một sự tự do, sáng suốt dám chọn lựa để làm theo ý Thiên Chúa muốn.

            Dân thành Nagiarét thiếu mất niềm tin như Thánh Giuse, nên họ không có được sự tự do, không có được một khả năng chọn lựa hay nhìn nhận một sự thật. Thật tiếc thay!!! Nhìn lại chính mình điều gì đang cản trở bạn tin vào Chúa Giêsu?


            Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin sáng suốt, liều lĩnh, vui tươi để chúng con nhận ra Chúa luôn bên cạnh qua những người nghèo khổ, để chúng con dám sống tất cả vì yêu Chúa và thương mọi người, để chúng con cảm nhận được niềm hạnh phúc vì biết mình được yêu thương. Amen

Dmp

Đức Giêsu về quê 
Dân làng Nazareth đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng. Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi, để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên

Suy nim:
Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,
có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.
Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nazareth dấu yêu với bao kỷ niệm.
Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.
Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.
Nazareth như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.
Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),
và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.
Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
Đức Giêsu là một người thợ tại Nazareth, phục vụ cho nhu cầu dân làng.
Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.
Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.
Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.
Cũng tại Nazareth, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.
Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,
nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.
Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.
Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.
Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.
Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,
Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nazareth lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.
Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.
Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.
Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ?
Làm sao từ ngôi làng Nazareth vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.
Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến
khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.
Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.
Dân làng Nazareth đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.
Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,
để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
5 PHÚT LỜI CHÚA THÁNG 5/2013

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG: 01.05.2013
LỄ THÁNH GIUSE THỢ
Mt 13,54-58
1. Ghi nhớ: “Ông không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55).
2. Suy niệm: Ngày 01. 05 cũng là ngày Lao Động quốc tế, Ngày này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII vào năm 1955, Ngài đã nhận thánh Giuse làm Bổn mạng giới lao động. Thánh Giuse là bổn mạng giới lao động, không phải là do ngẫu nhiên, nhưng vì Ngài là một gia trưởng gương mẫu, là người thợ lao động gương mẫu, cho giới lao động nuôi sống gia đình. Hằng ngày, thánh Giuse âm thầm làm việc nuôi sống Chúa Giêsu và Đức Mẹ, công việc thật khiêm tốn và bình thường. Đến nỗi người ta không tin Chúa Giêsu, chỉ vì Chúa Giêsu là “con bác thợ mộc Giuse”. Nhìn thánh Giuse là “kiểu thức các tài công noi theo”, chúng ta biết lao động là phương thế để con người trở nên giống Thiên Chúa.
3. Sống lời Chúa: Hãy ra công làm việc, không chỉ vì của ăn hay hư nát!
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương thánh cả Giuse, tích cực lao động phục vụ sự sống trần gian, và phát triển sự sống thiên đàng. Amen
Thứ Tư 1-5

Thánh Giuse Thợ


H
iển nhiên là để ứng phó với việc cử hành "Ngày Lao Ðộng" của Cộng Sản mà Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.
Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Người huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.

Lời Bàn

"Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Êđen, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn" (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Chúa Cha. Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, "Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, 'Hãy đến cùng Thánh Giuse''" (xem Sáng Thế 41:44).

Thứ Tư sau Chúa Nhật V Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 15, 1-6
"Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.
Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: "Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê". Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa"(c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.

Alleluia: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 1-8
"Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.
"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
"Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".
Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Cây Nho Và Nhánh

Mở đầu cho vở kịch mang tên: "Chiếc hài bằng Satin" của Paul Rolden, một văn thi sĩ người Pháp đầu thế kỷ XX là một cảnh thật xúc động. Một trận cuồng phong bỗng dưng kéo dài tới nhận chìm chiếc tàu đang di chuyển đơn độc giữa đại dương. Chiếc tàu vỡ nát và mọi người trên tàu đều bị mất tích, ngoại trừ một vị thừa sai sống sót nhờ cột chặt người vào chiếc cột buồm.
Nhận thấy chiếc cột buồm đang chồm nổi với cơn sóng ác nghiệt và mình cũng đang gần kề cái chết, vị thừa sai đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện như sau: "Ôi lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa đã cho con đón nhận cái chết như thế này. Cuộc đời con không ít lần con cảm thấy lời dạy của Chúa quá khó khăn và con đã cưỡng lại lời mời gọi của Chúa. Giờ đây con đang gần Chúa hơn lúc nào hết, thân thể con đang bị trói chặt vào chiếc giá gỗ và con sắp chết trên chiếc giá gỗ này. Con có thể tháo gỡ thân thể con khỏi sự trói buộc, nhưng con không muốn, vì sự trói buộc sẽ cho con cảm giác được gần và giống Chúa hơn".
Anh chị em thân mến!
Ðược gần và giống Chúa, được hiệp nhất với Chúa, không đơn thuần chỉ là những ước mơ trong cuộc sống của người Kitô hữu, mà chúng là những điều kiện căn bản cho sự sống Kitô hữu như lời Ngài dạy cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
"Vườn nho" hay "cây nho" là hình ảnh quen thuộc của Kinh Thánh Cựu Ước. Vườn nho được ví là nhà Israel. Các tiên tri lớn như Isaia, Giêrêmia, Ézekiel đều nhìn mối liên lạc giữa người trồng nho và cây nho để nói lên sự quan tâm của Giavê Thiên Chúa đối với dân Ngài, cũng như để khiển trách dân tộc Israel vì vườn nho đã trở nên hoang tàn, dây nho biến thành dây nho dại không còn sinh hoa kết trái.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lấy hình ảnh "cây nho" để ví Ngài như là cây nho: "Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho". Vườn nho của Thiên Chúa phát xuất từ một gốc duy nhất là Chúa Giêsu. Ngoài Ngài không có sự sống: "Thầy là cây nho, các con là ngành". Ngành không thể sống, nếu tách lìa xa thân cây.
"Ở trong Thầy và Thầy ở trong các con", đó là điều mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc đi nhắc lại. Cần thông hiệp với Ngài để có sự sống. Tuy nhiên, một khi đã có sự sống từ thân chuyển sang thì ngành cần phải sinh hoa trái. Sinh hoa trái sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, và đây cũng là điều kiện cho ngành tồn tại. Ngành nào không sinh trái sẽ bị chặt đi ném vào lò lửa. Muốn được sinh hoa trái, ngành nho phải được cắt tỉa. Chẳng có sự cắt bỏ nào mà không gây đau đớn, dù cho phần cắt tỉa chỉ là phần thừa thãi tác hại đến cơ thể. Thế nhưng, chẳng thấy được hoa trái nếu không chấp nhận sự đau đớn của việc cắt tỉa. Chắc hẳn người trồng nho sẽ đau lòng khi cắt tỉa, sẽ xót xa vì phải bỏ đi những phần không sinh lợi, nhưng vì lợi ích của cây nho nên chẳng thế nào làm khác đi được.
Khi thông hiệp vào Ðức Kitô, đời sống của người môn đệ sẽ được cắt tỉa nhờ lời của Ngài. Lời của Ngài sẽ đặt các môn đệ trước những quyết định chọn lựa. Chọn lựa con đường hẹp nhọc nhằn, chọn lựa Thập Giá khổ đau. Những hy sinh đau đớn ở đời này sẽ mang lại phần thưởng mai sau. Và những hy sinh ấy tạo cho họ có cơ hội để được trở nên giống Thầy: "Họ ở trong Thầy và Thầy ở trong họ".
Thật thế, mọi đau khổ sẽ trở nên phí phạm, nếu không hướng về Thập Giá Ðức Kitô, nguồn ơn cứu độ. Cắt tỉa chỉ là cắt bỏ, nếu không nhằm mục đích sinh hoa trái. Mọi hy sinh của người tín hữu cũng sẽ không mang lại hoa trái, nếu từ đầu không vì Ðức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là cây nho đích thực. Xin cho chúng con luôn gắn chặt và hiệp thông với Chúa, để được hưởng nguồn sức sống dồi dào từ Ngài. Chúng con vẫn biết rằng, một khi gắn chặt với Chúa, chúng con sẽ phải đón nhận sự cắt tỉa, phải chấp nhận hy sinh. Xin cho chúng con xác tín rằng: cần phải có hy sinh để mang lại hoa trái. Ðó là điều làm vinh hiển cho Cha, Ðấng ngự trên trời. Amen.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần V PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô Giáo?

Mỗi dân tộc trên địa cầu đều có một truyền thống, một văn hóa, và một giá trị khác nhau cần được tôn trọng. Khi Kitô Giáo được rao giảng vào dân tộc đó, các nhà truyền giáo cần phải nghiên cứu cẩn thận các truyền thống, văn hóa, và giá trị của họ. Mục đích là để làm sao cho dân tộc đó có thể đón nhận và thực hành đức tin, mà vẫn không xung đột với những truyền thống và văn hóa của họ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội thời sơ khai phải đương đầu với nhiều vấn đề khi phải làm một sự chuyển tiếp từ Do-thái Giáo qua Kitô Giáo: Nên giữ những gì và nên bỏ những gì khi dân Do-thái và Dân Ngoại gia nhập Kitô Giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân Ngoại có phải cắt bì và giữ Lề Luật khi theo Kitô Giáo? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một điều khẩn thiết hơn cả: Các tín hữu phải sống kết hợp mật thiết với Ngài như cây nho và cành; nếu không sẽ không thể sinh hoa trái, sẽ bị khô héo, và sẽ bị cắt bỏ ra ngoài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Có cần phải cắt bì và giữ Lề Luật để được cứu độ?

1.1/ Theo các tín hữu Pharisees: Phải cắt bì và giữ Lề Luật.
(1) Về việc cắt bì: Những người Do-thái từ Judah tới nói với Dân Ngoại: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ." Cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và tổ-phụ Abraham (Gen 17). Chúa Giêsu chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lk 2:21); Phaolô cũng chịu cắt bì (Phi 3:5). Bằng việc cắt bì, một người Do-thái biết họ thuộc về dân của Thiên Chúa, và là con cháu của tổ phụ Abraham.
Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin yêu nơi Thiên Chúa, cắt bì chỉ là dấu hiệu bề ngoài để chứng tỏ niềm tin yêu bên trong. Nếu cắt bì mà không tin yêu vào Thiên Chúa, cắt bì có ích chi đâu, Dân Ngoại nhiều nơi cũng có thói quen như vậy. Ngôn sứ Jeremiah (Jer 4:4, 9:24-26) đã từng nói lên sự cần thiết phải cắt bì trái tim và lòng trí. Thiên Chúa yêu mến sự công bằng và tình yêu hơn là cắt bì.
(2) Lề Luật: Có những người thuộc phái Pharisee đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: "Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Moses." Trước tiên, chúng ta cần phân biệt Lề Luật của Thiên Chúa và của con người (thói quen hay truyền thống): Luật của Thiên Chúa không thể thay đổi; luật do con người làm ra có thể thay đổi.
- Lề Luật chính yếu là là Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai qua ông Moses đại diện cho toàn dân (Exo 20:1-17). Thập Giới này không thay đổi và mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, đều phải tuân hành.
- Những luật của con người do thói quen hay do truyền thống: luật thanh sạch, hay những chi tiết về giữ ngày Sabbath. Dân Ngoại không phải giữ các truyền thống này. Chính Chúa Giêsu cũng từng tranh luận với các kinh-sư và biệt-phái về những truyền thống này, và sửa sai họ: Các ông dùng truyền thống của các ông để bãi bỏ Lề Luật của Thiên Chúa (Mt 15:2-6, Mk 7:3-13).

1.2/ Theo Phaolô và Barnabas: Dân Ngoại không có truyền thống cắt bì và giữ luật thanh sạch như người Do-thái. Hơn nữa, Lịch sử Cứu Độ đã bước sang giai đọan mới và bao gồm các Dân Ngoại. Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Chúng ta không biết những lập luận của hai ông khi tranh luận với họ; nhưng theo Phaolô trong các Thư sau này: Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mang Lề Luật tới chỗ kiện toàn. Vì biến cố sinh ra, chết đi, và sống lại; giờ đây, không còn nhất thiết phải trở thành người Do-thái trước khi trở thành Kitô hữu. Con người được cứu độ không do bởi việc cắt bì và giữ Lề Luật; nhưng do bởi niềm tin của họ vào Đức Kitô.
Tuy vấn đề cắt bì và Lề Luật đã được giải quyết trong Công Đồng Jerusalem; nhưng nó vẫn còn là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Mỗi khi có những xung đột như thế, chúng ta cần ngồi xuống để phân tích xem điều gì quan trọng phải giữ và điều gì không quan trọng có thể bỏ hay thích ứng được. Bắt một người ngoại kiều hay một dân tộc phải theo văn hóa và truyền thống của mình trong việc thực hành đức tin dễ đưa đến bất đồng và gây nhiều trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng; một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng tổ tiên tại Việt-nam.

2/ Phúc Âm: Sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là điều khẩn thiết hơn cả.

Mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là trung tâm điểm của Đạo. Vì thế, tất cả những gì giúp đưa con người tới Thiên Chúa, và giúp cho mối liên hệ này phát triển tối đa là những điều cần thiết hơn cả. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu ví mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa như sau: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn."
(1) Lời Kinh Thánh: cần thiết để con người biết Thiên Chúa là ai, những gì Ngài mong muốn, và những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Lời Kinh Thánh có sức tẩy sạch những gì là gian trá và mờ ám của thế gian như Chúa Giêsu nói hôm nay: "Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em."
(2) Các Bí-tích: giúp thông chuyển đời sống thần linh và ơn thánh từ Thiên Chúa đến cho con người. Hình ảnh những cành nho cần nhựa sống nuôi dưỡng của cây nho dẫn chứng sự cần thiết của các Bí-tích, nhất là Bí-tích Thánh Thể: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được."
(3) Sinh hoa kết trái bằng việc giữ các giới răn: Hoa trái đây là những gì con người làm cho Thiên Chúa và cho tha nhân, từ việc yêu mến, đến việc giữ Lề Luật của Thiên Chúa, và tất cả những gì con người có thể làm cho tha nhân. Khi con người sinh hoa kết trái, con người làm Thiên Chúa được tôn vinh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong lãnh vực đức tin, chúng ta cần chú trọng tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, biểu lộ qua việc tin và yêu Ngài bằng những việc làm cụ thể.
- Mỗi khi có xung đột về truyền thống, văn hóa, và giá trị; chúng ta cần cùng nhau cầu nguyện và giải quyết, để xem coi những gì quan trọng về đạo lý cần giữ, những gì cần thích ứng với hoàn cảnh, và những gì có thể bỏ được.
- Việc bắt người khác phải theo truyền thống và văn hóa của mình sẽ đưa đến chia rẽ và làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi và mọi người.

Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 15,1-8

A. Hạt giống...
Bài giáo lý thứ 10 : Dụ ngôn Cây Nho. Về sự sống trong Chúa Giêsu
Dụ ngôn này dạy chúng ta một cách vừa cụ thể dễ hiểu nhưng vừa rất sâu sắc về cuộc đời kitô hữu :
- Kitô hữu nếu muốn sống phong phú thì phải sống trong Chúa Giêsu và sống bằng sức sống của Ngài "Thầy là cây nho, các con là nhành... Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều trái"
- Kitô hữu cũng phải chấp nhận để cho mình "được Cha Thầy tỉa sạch" bằng những việc xảy ra không đúng ý mình làm cho mình đau khổ.
- Chúa Giêsu còn hứa một điều rất tốt đẹp : "Nếu các con ở trong Thầy và Lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được"

B.... nẩy mầm.
1. Chữ "Kitô hữu" có nghĩa là "người thuộc về Đức Kitô". Cho nên cuộc sống kitô hữu đương nhiên phải là sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài. Muốn thế thì đương nhiên phải kết hợp chặt chẻ với Đức Kitô : bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành nhưng lời Ngài dạy... Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là kitô hữu thật, người ấy là nhành nho khô, sớm muộn cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.
2. Cắt tỉa : cuộc đổi đời nào cũng thường được đánh giá bằng những cái mất và những cái được. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất... Đức Hồng Y Etchegaray có lần đã nói "Đứng trước cánh rừng, chúng ta không nên dừng lại ở tiếng ngã đổ của cây rừng, nhưng hãy lắng nghe âm thanh những mầm non đang mọc lên" ("Mỗi ngày một tin vui")
3. Thánh Anphonxô đã được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà ngài làm luật sư. Thánh Inhaxiô được cắt tỉa khi bị thương què chân trong một trận chiến. Các ngài mất một điều nhưng được lại một điều khác quý giá hơn nhiều.
4. "Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi"
Mỗi ngày đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, tôi lại nghe đến vụ giết người dã man ; những thảm hoạ của chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, hạt nhân ; những cái chết đầy thương tâm do các căn bệnh thế kỷ gây ra như Sida, Êbôla v.v... Đâu đâu cũng thấy tang thương và chết chóc.
Có lần tôi đã phải bàng hoàng sửng sốt trước mẩu tin : "Một thanh niên đã chĩa súng bắn chết bố mẹ chỉ vỉ ông bà không cho cậu tiền tiêu vặt".
Tại sao cuộc sống hôm nay lại có nhiều tội ác đến thế ? Nguyên nhân chính phải chăng là vì con người xa lìa Thiên Chúa, chạy theo cuộc sống vật chất, do đó trở nên thái hoá, buông thả, vô đạo. Đức tin khô héo rồi chết đi.
Lạy Chúa, xin cho biết lưu lại trong Chúa qua cuộc sống yêu thương và phục vụ. (Epphata)
5. (những mầm khác)
                                       
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ



Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Giáo Hội, nhiệt kế hay nhiệt ổn


Giáo Hội, nhiệt kế hay nhiệt ổn

Giáo Hội là nhiệt kế hay nhiệt ổn? Nói cách khác, chúng ta chỉ được kêu gọi để phản ảnh nhiệt độ (nhiệt kế), hay chúng ta được kêu gọi để tác động trên nhiệt độ (thermostat)? Nhiều người ngày nay hết sức mơ hồ về vai trò của Giáo Hội trong thế giới hiện đại và nghĩ rằng ta chỉ cần phản ảnh phong hóa thời nay, hơn là đóng vai trò tiên tri trong việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. 

Vâng, quả có nhiều người vẫn chỉ muốn Giáo Hội “đi với thời cuộc… Cập nhật hóa giáo huấn… trở nên hiện đại hơn trong suy nghĩ, trong giáo huấn và trong cơ cấu của mình”. Giáo Hội phải “lắng nghe người trẻ nhiều hơn và nói ngôn ngữ của họ cũng như chia sẻ viễn kiến của họ”. 

Với những người “ngược ngạo” hơn, thì Giáo Hội “cần loại bỏ các đường lối trung cổ đi, ngưng đừng chống đối, đừng phán đoán, đừng bất khoan dung, đừng cuồng tín, đừng kỳ thị phái tính, đừng kỳ thị người đồng tính, đừng căm thù v.v…” (và hàng loạt những tố cáo thông thường vốn chỉ phản ảnh các vấn đề bản thân của người tố cáo chứ không phải của Giáo Hội). 

Thời cơ mật viện gần đây, truyền thông tha hồ phỏng vấn những người Công Giáo ít nhiều bất mãn. Những người này mặc tình trình bày đủ thứ ước mong, hay đòi hỏi Giáo Hội phải thay đổi ra sao để còn có chỗ đứng trong xã hội hiện đại và được chính họ gắn bó. Dĩ nhiên, phần lớn những đòi hỏi này liên quan tới tính dục và quyền lực: Giáo Hội phải thừa nhận ngừa thai và cổ vũ nó, sinh hoạt và kết hợp đồng tính phải được chấp nhận, ly dị và tái hôn phải được công nhận, phải truyền chức cho phụ nữ và những người đồng tính, phải để các linh mục kết hôn, phải ủng hộ phá thai và an tử v.v…. Nếu Giáo Hội chịu làm những việc như thế, thì các giáo xứ của ta sẽ tràn ngập “tín hữu” và Giáo Hội sẽ thuận hảo với thế giới ngày nay. 

Họ đâu có ngờ rằng người Thệ Phản Cấp Tiến (chính dòng) đã làm những việc đó cả mấy thập niên qua, chấp nhận bất cứ những gì người ta và các cuộc thăm dó đòi hỏi, ấy thế nhưng con số của họ vẫn xuống thấp, hơn cả tỷ lệ của bất cứ giáo xứ Công Giáo nào. Họ cũng không ngờ rằng các hệ phái duy nhất đang gia tăng số tín hữu chính là Người Thệ Phản Tin Lành; họ bảo thủ hơn về Thánh Kinh và thẳng thừng bác bỏ các đòi hỏi trên. 

Nhưng nói cho cùng, bảng liêt kê các đòi hỏi trên chỉ cho thấy một hiểu lầm căn bản về bản chất và mục đích của Giáo Hội. Giáo Hội không hiện hữu để chỉ phát biểu hay biểu lộ các quan điểm bình dân hay văn hóa đương thời. Giáo Hội Công Giáo không hề và không thể rút tỉa linh hứng từ những quan điểm ấy, mà rút tỉa từ Lời Thiên Chúa như đã được trung thành chuyển tải qua hơn 20 thế kỷ qua. 

Giáo Hội không hiện hữu để chỉ phản ảnh hay nhắc lại như con vẹt các quan điểm của giáo dân, hay mót lượm các cuộc thăm dò và các nhóm quyền lợi. Giáo Hội hiện hữu để phản ảnh quan điểm của vị sáng lập và đứng đầu mình là Chúa Giêsu Kitô. Và Đấng Giêsu được nhắc ở đây không phải là Đấng Giêsu ngụy tạo do những người thời nay chuyên dùng các phương pháp luận đầy hoài nghi và lắt léo dựng lên để tái giải thích Thánh Kinh một cách triệt để khiến nó không còn “có ý nói” điều chính nó nói rõ ràng nữa. Mà đúng hơn, chúng ta gắn bó với Đấng Giêsu thực sự, Đấng Giêsu của Thánh Kinh. 

Nền văn hóa hiện nay thường đòi Giáo Hội, các giáo sĩ, các giáo lý viên và các nhà lãnh đạo khác nên hạn chế bất cứ loại giáo huấn hay giảng giải nào qui kết các hành vi vô luân là tội lỗi. Nhiều người, ngay trong hàng giáo sĩ, nhấn mạnh tới não trạng “đừng gây thiệt hại” và bất cứ lời nói nào có thể xúc phạm một ai đó, dù rất xa xôi, cũng cần được tránh né và cực lực lên án. Ngay những câu trực tiếp trích dẫn từ Thánh Kinh hay Sách Giáo Lý Công Giáo cũng bị trâng tráo tố cáo là lời lẽ xúc phạm, gây hận thù. Đối với những người chỉ muốn Giáo Hội là chiếc nhiệt kế, thì đây là một vi phạm tệ hại. 

Và do đó, thái độ “ổn nhiệt” truyền thống của Giáo Hội, tức thái độ lên tiếng rõ ràng về tội lỗi cũng như thúc đẩy con người tìm kiếm ơn thánh và lòng từ nhân của Chúa phần lớn bị chỉ trích là “thiếu yêu thương” thậm chí “gây hận thù”. 

Vì chủ trương rằng “Thiên Chúa là tình yêu”, và Chúa Giêsu yêu thương mọi người, nên mọi sự đều tốt cả và bất cứ chỉ trích nào cũng là “thiếu yêu thương” và “không giống Chúa Kitô”. 

Các câu Thánh Kinh dưới đây muốn chứng tỏ rằng lời khuyên mục vụ hết sức nhất quán trong Thánh Kinh đã củng cố phương thức truyền thống của Giáo Hội. Những câu này, tuy chưa đầy đủ, nhưng rõ ràng cho thấy Chúa Thánh Thần mong muốn Giáo Hội, hàng giáo sĩ cũng như các bậc cha mẹ và các nhà lãnh đạo khác trong Giáo Hội giải quyết các vấn đề luân lý của thời đại một cách rõ ràng, không mơ hồ. Những câu này cho thấy mục tiêu của Giáo Hội không phải là ghép mình vào, và, như một nhiệt kế, chỉ biết phản ảnh các giá trị và ước muốn của thời đại. Đúng hơn, như một chiếc ổn nhiệt, Giáo Hội phải loan báo và tìm cách ảnh hưởng trên thế gian bằng cách nói lên sự khôn ngoan cổ xưa và đã được thử nghiệm mà chính Thiên Chúa đã chuyển giao qua Truyền Thống Thánh Kinh và Thánh Truyền. Hiểu như thế, đây quả là hành vi yêu thương, vì nó là thực hành mục vụ tốt đẹp được chính Chúa Thánh Thần dạy dỗ. 

I. Một số lời cảnh báo trong Cựu Ước cho các tư tế và tiên tri

Malaki 2: 7-8: “Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó; quả thế, nó là thần sứ của Ðức Chúa các đạo binh. Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã huỷ hoại giao ước với Lê-vi, Ðức Chúa các đạo binh phán”.

Nói cách khác, tư tế có nhiệm vụ hàng đầu phải duy trì và chuyển tải sự khôn ngoan xưa hơn là chỉ xào xáo những lối bóng gió và quan điểm thời đại. Họ phải là sứ giả của Chúa, chứ không phải của những chính nghĩa hay căm thù hiện đại. Không làm được thế, họ khiến nhiều người sai phạm.

Isaia 56: 10-11: “Những người canh gác Ít-ra-en đui mù hết, chẳng hiểu biết gì;cả bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi… Chúng là thứ mục tử chẳng biết phân biệt gì. Cả bọn - chẳng trừ ai - mạnh ai theo đường nấy”

Nói cách khác, tư tế, tiên tri, cha mẹ và các lãnh tụ của Giáo Hội không được là những con chó câm. Chó là phải biết sủa để ngăn ngừa và xua đuổi những kẻ đột nhập gây rối. Quá nhiều linh mục và nhà lãnh đạo Giáo Hội im lặng, trở thành chó câm, không biết xủa. Nhưng họ nên xủa! Những người có não trạng “đừng gây thiệt hại” đã không theo huấn thị làm chó trông nhà. Họ làm ngơ cho lầm lạc và sự ác. 

Êdêkien 3: 17-19: "Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Chắc chắn ngươi sẽ phải chết’, và nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác đó biết, không nói để cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, cho nó được sống, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác, mà nó không từ bỏ hành vi gian ác và lối sống xấu xa của nó, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình”.

Cả ở đây nữa, mục tử, người chăn dắt, nhà lãnh đạo có nhiệm vụ cảnh cáo kẻ tội lỗi, chứ không phải vui vẻ khẳng nhận họ, đùa dỡn và tránh mọi xúc phạm. 

II. Chúa Giêsu đòi buộc Giáo Hội lên tiếng chống tội lỗi và sự ác, không được dung túng sự ác và lầm lạc ở trong mình. Ngoài ra, Giáo Hội phải sẵn sàng chịu đau khổ vì việc loan truyền sự thật. 

Matthêu 18:17 : “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”.

Như thế, Giáo Hội phải kỷ luật một số người, và trong những vấn đề trầm trọng hơn, phải áp dụng biện pháp trừng phạt, thậm chí phạt tuyệt thông. Và điều này không phải là không giống Chúa Kitô, vì chính Người đã dạy như thế

Matthêu 5: 13-16 : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. 

Mà muối và ánh sáng ảnh hưởng tới thế gian bao quanh chúng, chứ không đơn giản phản ảnh nó. 

Gioan 15:18-23: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy. Giả như Thầy không đến và không nói với họ, họ đã chẳng có tội. Nhưng bây giờ, họ không thể chữa tội được. Ai ghét Thầy, thì cũng ghét Cha Thầy" . 

Nếu nhiệm vụ của ta chỉ là ghép mình vào, không xúc phạm tới ai, không gây tổn hại cho ai và không nói điều gì gây tranh cãi, nếu nhiệm vụ của ta chỉ là phản ảnh nền văn hóa và suy nghĩ của thế gian, phải tân tiến và hợp thời, thì ai còn ghét ta nữa? Câu trích này cho thấy thế gian ghét ta không nhất thiết là dấu chỉ ta đã làm sai điều gì, mà chỉ vì ta đã đồng hành tốt với Chúa Giêsu và các vị tử đạo. Một Giáo Hội của nhiệt kế không thể nào thể hiện được câu trích này. 

Khải Huyền 2:6 (với Êphêsô): “Nhưng ngươi được điều này: ngươi ghét các việc của bè Ni-cô-la, như chính Ta cũng ghét” Chà, phải Chúa Giêsu nói chữ “ghét” ở đây không? Há Người không nhận được chỉ thị cho hay ta không nên ghét thực hành của bất cứ ai, ngược lại phải khẳng nhận mọi người, và không phải chỉ mọi người mà còn phải mọi việc họ làm nữa, vì người ta tự đồng hóa với chính điều họ làm? Chúa Giêsu há đã không nhận được chỉ thị đừng “phê phán” đó sao?

Khải Huyền 2:14-16: (với Pergamum): “Nhưng Ta có ít điều trách ngươi: ở đó ngươi có những kẻ nắm giữ đạo lý của Bi-lơ-am. Ông này đã dạy Ba-lác gây cớ vấp ngã cho con cái Ít-ra-en, khiến chúng ăn đồ cúng và làm chuyện gian dâm. Cả ngươi nữa, ngươi cũng có những kẻ nắm giữ đạo lý bè Ni-cô-la. Vậy hãy hối cải; bằng không, Ta đến với ngươi ngay tức khắc và sẽ dùng lưỡi gươm từ miệng Ta mà giao chiến với chúng”. 

Khoan chút đã, có phải Chúa Giêsu bảo Giáo Hội rằng khẳng nhận tội lỗi là điều sai? Vậy mà tôi tưởng không những ta phải chấp nhận người tội lỗi mà cả các thực hành của họ nữa! Một lần nữa, hình như Chúa Giêsu đã không nhận được chỉ thị của phe duy hiện đại. Xem ra Người rất giận khi Giáo Hội khoan thứ cho sự ác!

Khải Huyền 2:20-23 (với Thyatira): “Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi dung túng I-de-ven, người đàn bà xưng mình là nữ ngôn sứ; nó mê hoặc các tôi tớ của Ta, dạy chúng làm chuyện gian dâm và ăn đồ cúng. Ta đã cho nó có thời giờ hối cải, nhưng nó không muốn hối cải mà từ bỏ thói gian dâm. Này đây, Ta bắt nó phải liệt giường, và làm cho những kẻ ngoại tình với nó phải lâm cảnh gian truân khốn khổ, nếu chúng không hối cải mà từ bỏ những việc chúng làm. Ta sẽ giết chết con cái của nó. Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ, và Ta sẽ tuỳ theo việc các ngươi làm mà thưởng phạt mỗi người”. 

Ủa, phải Chúa Giêsu quở trách Giáo Hội vì đã “dung túng” điều gì chăng? Há Người không biết rằng ta buộc phải dung túng mọi sự và ta sẽ bị coi là thù hận nếu không dung túng như thế. Hình như Người không thể cải thiện được rồi! 

III. Lời khuyên mục vụ cho các giám mục, mục tử, thầy dạy và các lãnh đạo khác của Giáo Hội: 

1 Thessalonica 2:2-8 : “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em; còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban: bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a. Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa”. 

Hãy để ý: Thánh Phaolô làm gì ở trong tù? Ngài có xúc phạm đến ai không? Ngài có nói điều gì gây tranh cãi hay hận thù không? Nên lưu ý điểm chính của ngài: mục đích của ta là làm vui lòng Chúa, chứ không làm vui lòng người ta. Phải chăng vị giảng thuyết nào cũng lên tòa giảng với động cơ này và sự can đảm này? 

2 Timôtê 4: 1-5: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh”. 

Nhưng chuyện gì sẽ xẩy ra nếu có ai bị xúc phạm? Lạy Thánh Phaolô, há ngài không lưu tâm sao? Há ngài không được chỉ thị chỉ nên rao giảng Tin Mừng khi nó hợp lòng người hay sao? Lúc “không thuận tiện” là lúc nào? Ai nói chuyện túc cầu vào mùa hạ? Xin hợp thời chút đi! Và làm thế nào ngài cả gan gợi ý rằng người ta không “dung túng” sự thật đâu! Chỉ có Kitô hữu mới là người bất khoan dung. Người hiện đại đầy cởi mở không thể bất khoan dung được, chỉ có người Công Giáo tin Thánh Kinh và một số Kitô hữu là bất khoan dung thôi. Xin ngài nói cho đúng ạ. Há người ta (trừ các Kitô hữu truyền thống) và thời hiện đại không là duy nhất đúng mà thôi hay sao, và do đó, cần phải thích ứng sứ điệp của ta với họ?

Titô 1:10-11, 16 : “Thật vậy, có nhiều kẻ bất phục tùng, nói năng rỗng tuếch, lường gạt, mà đa số là những kẻ được cắt bì. Cần phải khoá miệng họ lại. Hạng người đó làm đảo lộn nhiều gia đình từ trên xuống dưới; vì lợi lộc thấp hèn, họ dạy những điều không được phép… Họ tuyên bố là biết Thiên Chúa, nhưng trong hành động họ lại chối Người. Họ là đồ ghê tởm, không vâng lời, và không có khả năng làm việc gì tốt”. 

Trời đất, giọng nói đầy kết án! Chắc hẳn một ai đó sẽ gửi cho Thánh Phaolô (và Chúa Thánh Thần, Đấng viết những lời trên) một lời nhắn để cho ngài rõ ngài rất có thể xúc phạm một ai đó! Giọng nói này cũng chẳng thể tương ứng với cái nhìn “tử tế tốt lành hơn” về Giáo Hội. Thời đại ta, kiểu nói này ít thông dụng lắm và chỉ nên sử dụng một cách sáng suốt.

2 Timôtê 2:24 – 26: “Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó?”. 

2 Cor 4:2-6: “Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa. Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Ki-tô, là hình ảnh Thiên Chúa. Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giê-su. Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô”.

Trời, phải ngài muốn nói rằng nếu thế giới hiện đại không “nắm” được sứ điệp, không hiểu nó, thì vấn đề là họ chứ không phải sứ điệp? Một lần nữa, Thánh Phaolô đã không nắm được thông báo rằng vấn đề luôn luôn là Giáo Hội chứ không bao giờ là thế giới cả. Cũng nên biết: Thánh Phaolô cho rằng mình lên tiếng vì Chúa Kitô. Ở đây nữa, thế giới cũng nhún vai và dành lại đặc ân ấy cho riêng mình, chống lại Thánh Phaolô. Cũng lưu ý điều này nữa: Thánh Phaolô trình bày lời Chúa một cách minh bạch, trong khi quá nhiều giáo sĩ trong những năm qua thích nói cách trừu tượng và chung chung, và nói về bất cứ điều gì ngoại trừ việc nói rõ ràng về các vấn đề luân lý của thời đại. 

2 Cor 5:11, 13, 20: “Vì biết kính sợ Chúa, chúng tôi cố gắng thuyết phục người ta… Chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn, thì cũng là vì anh em… và Người giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa”.

Chỉ cần Thánh Phaolô lặp lại thế giới cũng như nghị trình tin tức buổi tối như con vẹt mà thôi, thì hẳn ngài không bị coi là “điên”. Nhưng vì ngài cứ một mực nói tới “ăn năn”, và “phán quyết” rằng ta cần đến hòa giải, nên ngài “điên” một cách tiền kết! 

1 Cor 4:9-10 : “Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người! Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi”.

Ồ, nếu Thánh Phaolô và Giáo Hội chịu rón rén, thì mọi sự đâu đã vào đó cả rồi. Nếu… ngài bằng lòng làm nhiệt kế thay vì làm chiếc ổn nhiệt gây phiền phức và lộn xộn, thì ngài đã được tôn vinh rồi. Một lần nữa, hình như Giáo Hội sơ khai và lời khuyên dạy của Thánh Kinh không phù hợp với điểm nhấn của thời hiện đại đòi phải lấy lòng người đời. 

Công Vụ 20: 26-28: “Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can.Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa. Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình".

Xin nhớ rằng ở đây Giáo Hội có trách nhiệm công bố trọn vẹn sứ điệp, chứ không phải chỉ những gì hợp lòng người hay yên ổn. 

IV. Phải tiếp tục cuộc nói chuyện và kiên tâm khuyên nhủ: 

2 Timôtê 2:24 – 26: “Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó”.

Do đó, ta không nên tìm kiếm biện bác, cũng không đi tìm hận thù. Ta hy vọng mọi sự sẽ theo đường hướng của ta, nhưng ta luôn cố gắng tiếp tục cuộc nói chuyện, hy vọng rằng ít nhất mình cũng đã gieo được hạt giống. 

Galát 6:1 : “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ”. 

Do đó, lời lẽ có tác dụng là lời lẽ hiền hòa, thiên hướng tác động là thiên hướng khiêm nhu. Minh bạch và bác ái. 

Thiển nghĩ các câu trích trên đã đủ cho thời buổi này. Nhưng ta nên nhớ kỹ: trường phái chủ trương “đừng gây tổn hại”, “đừng bao giờ xúc phạm”, “khiển trách là hận thù” không bao giờ có chỗ đứng trong các sách gối đầu giường của mục vụ. Giáo Hội thực sự có nhiệm vụ phải nói với tội lỗi của thời ta, phải mời gọi người ta ăn năn và đem ơn và lòng thương xót của Chúa đến cho người tội lỗi, những người này phải nhận mình như thế. Nhưng phải làm việc ấy cách kiên nhẫn và đầy tình bác ái. Nhưng việc ấy là việc phải làm. Nó là tôn giáo cổ xưa, nhưng còn hơn thế, nó là sự thật. 

Theo Đức Ông Charles Pope, Tổng Giáo Phận Washington D.C. (http://blog.adw.org/2013/04/is-the-church-a-thermometer-or-a-thermostat-a-biblical-reply-to-those-who-prefer-a-trendy-and-compliant-church) 

Vũ Văn An 4/29/2013