Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

01-12-2013 : (phần II) CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG năm A

CHÚA NHẬT 01/12/2013
Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A
(Phần II)


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm A, ngày 1.12.2013
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM A
Sách Ngôn Sứ Isaia 2.1-5; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 13.11-14a
 và Phúc Âm Thánh Matthêô 24.37-44

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Ngày cánh chung xảy ra bất ngờ như Lụt Đại Hồng Thuỷ xảy ra thời Ông Noe và như giờ tên trộm đến.
Hãy sằn sàng chuẩn bị chờ đón ngày quang lâm, ngày Chúa đến bất ngờ.

II.   Vấn nạn P.Â.    
Phụng Vụ năm A
Phúc Âm Thánh Matthêô (dựa theo CD Vietcatholic mục tìm hiểu Tân Ước)

            Mathêô là một trong nhóm 12 tông đồ (Mathêu 10:24; Marcô 3:16-19; Luca 6:14-16; CV 1:13). Ngài là nhân viên thu thuế (Mt 10:3), được Chúa Giêsu gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế (Mt 9:9).Theo Papias (Giám mục thành Hierôplis khoảng năm 138) thì Mathêu cũng được gọi là Lêvi, đã soạn phúc âm bằng tiếng Aram, nhưng bản đó đã bị thất lạc. Hiện nay người ta chỉ tìm được những bản bằng tiếng Hy Lạp.
            Thánh Mathêô viết Phúc Âm vào khoảng năm 75 sau Chúa Giáng Sinh. Matthêô trích dẫn Cựu ước rất nhiều trong phúc âm của Ngài, nhằm mục đích chứng minh Chúa Giêsu Nazarét chính là Đấng Messia Thiên Chúa đã hứa; và như thế ngài nhắm vào số thính giả người Do Thái, những người chỉ biết Kinh Thánh Cựu Ước.
            Thánh Matthêô chứng minh Chúa Giêsu là con vua Đavít, thuộc dòng dõi Abraham, đến để tái lập vương quốc Đavít (Mt 1:1-17) mà thánh vịnh 72 câu 10; Isaia 49:7 và 60:10 đề cập tới việc các vua chúa trần gian tới bái lạy Chúa Hài đồng. Mãi sau này, vào thế kỷ thứ 8 tên ba vị đó mới được xác định là Gasparê, Melchior và Balthazar. Gia đình thánh gia trốn qua Ai Cập (Mt 2:13-15) để ứng nghiệm lời tiên tri Hôsêa: "từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta về" (Hôsêa 11:1).
Việc Giuđa ném trả 30 đồng tiền bán Chúa vào đền thờ, Các thượng tế và niên trưởng đã lấy bạc ấy mà tậu ruộng của người thợ gốm (Mt 27:3-10 trích Za 11:12).
            Thường những chuyên gia Kinh Thánh chia nội dung Phúc Âm thánh Matthêô làm bốn phần:
            Chương 1-2 nói về tin mừng thời niên thiếu của Chúa.
            Chương 3-18 đề cập tới sứ vụ của Chúa tại Galilê.
            Chương 19-25 nói về sứ vụ của Chúa tại Giêrusalem.
            Chương 26-28 tường thuật về cuộc thương khó và phục sinh của Chúa.
            Những nhà chú giải Kinh Thánh cũng nêu lên bốn đặc điểm Phúc Âm Thánh Matthêô như sau:  
1)      Mathhêô  trình bày giáo huấn qua năm bài diễn từ: Bài giảng trên núi (chương 5-7);  Sứ vụ trao cho 12 tông đồ (chương 10); Các dụ ngôn về nước trời (chương 13);  Địa vị cao nhất và sự tha thứ (chương 18); Diễn từ chung luận (chương 24-25).
2)      Phúc Âm trình bày theo cặp ba và cặp bảy:
            Cặp ba:
            Ba lần thiên thần báo mộng cho Giuse: chớ sợ nhận Maria làm vợ (Mt:20), chỗi dậy đem             Hài Nhi và mẹ Người trốn qua Ai Cập (Mt:13) và chỗi dậy đem Hài nhi và mẹ Người hồi         hương (Mt 2:20).
            Hai chương, mỗi chương kể lại ba phép lạ: chương 8:1-15 và chương 9:19-34.
            Ba lần cầu nguyện trong vườn cây dầu (Mt 26:36-45).
            Ba lần Phêrô chối Chúa (Mt 26:69-75).

 
            Cặp bẩy:
            7 dụ ngôn ở chương 13,
            7 thần dữ (Mt:45),
            7 chiếc bánh và 7 giỏ bánh dư (15:34,37),
            7 lời chúc dữ ở chương 23.

 
3)      Minh chứng những gì Cựu ước đã nói đều được thực hiện: Ngài đã chứng minh Đức Kitô là "đầu và cùng đích", "Chúa không đến để phá hủy lề luật mà kiện toàn" như các tiên tri đã loan báo. Tám lần ngài nhắc tới Chúa xưng mình là con vua Đavít, Đấng xuất hiện vào thời viên mãn. Đấng mà các tiên tri và dân chúng trông đợi lâu đời. Đấng đến để đổi mới luật cũ, ban luật mới cho Giáo Hội và sinh ra để làm vua…

4)      Phúc âm Mathêô mang nhiều chiều kích Hội Thánh: Thánh Mathêu là người duy nhất dùng danh từ "HỘI THÁNH" (Mt 16:18; 18:17). Cũng từ trong phúc âm của Ngài mà giáo hội rút ra công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi (Mt 28:19).

Thánh Matthêô được tặng biểu tượng con bò,  vì ngài trình bày cuộc đời của Chúa Giêsu như của lễ toàn thiêu hoàn hảo vẹn toàn theo như luật phụng tự thay cho toàn thể nhân loại. Lể thánh Mathêu được giáo hội mừng kính vào ngày 21 tháng 9 dưới tước hiệu tông đồ thánh sử. Năm 1956 Đức Thánh Cha Pio XII đã đặt ngài làm quan thày cho những người thủ thư viện.

Mùa Vọng
Nguồn: Maylangthang, Joseph Minh Nguyen SVD

            Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh "Adventus", có nghĩa là "đến". Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Mùa vọng được Giáo Hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12 để các tín hữu Công giáo chuẩn bị Mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng trần.
Mùa Vọng nhắc nhở cho mọi Tín Hữu Công giáo 4 nghĩa sau đây:

            Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia, tức Chúa Kitô đến để "giải phóng" dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài "đã đến" lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.

            Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.

            Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25.12.

            Điều quan trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình tức giờ chết, để Chúa đưa chúng ta về Nước Chúa muôn đời.

            Vòng hoa 4 cây nến:
            Bốn cây nến tượng trưng cho tuần trước lễ Chúa Giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây. Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng dùng cho Chúa nhật thứ 3, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Hãy vui lên... vì Chúa đang đến!

            Vòng hoa mùa vọng với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu. Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô.

            Kể từ thời xưa cổ, một vòng hoa là tượng trưng cho sự chiến thắng. Hình tròn của vòng hoa là nhắc nhở cho chúng ta biết về tình yêu thương bất tận của Thiên Chúa, dành cho chúng ta.

            Màu xanh lá cây chính là màu chỉ năm phụng vụ, vốn diễn tả về niềm hy vọng trong tình yêu thương bất diệt của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Những cành của cây thông quanh năm suốt tháng đều có màu xanh lá cây. Những cành cây lúc nào cũng có màu xanh này cùng gộp lại với nhau để hình thành nên một vòng hoa là nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa và sự Mạc Khải của Ngài thì không bao giờ thay đổi, cũng giống như cây thông, lúc nào cũng xanh tươi vậy.

            Có 4 cây nến được phân chia ra theo đúng khoảng thời gian của Mùa Vọng. Mỗi cây tượng trưng cho một trong "4,000 năm" mà Thánh Kinh được trao ban cho chúng ta kể từ khoảng thời gian mà Ông Adong qụy ngã vì tội lỗi cho đến khoảng thời gian sinh hạ ra Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

            Cây nến màu tím (purple) đầu tiên được thắp sáng lên vào ngày Chủ Nhật Đầu Tiên của Mùa Vọng và trong suốt tuần lễ đầu tiên đó. Màu tím tượng trưng cho khoảng thời gian chuẩn bị, và ăn năn hối cải, cũng như tượng trưng cho sự vương giả.

            Vào Chủ Nhật Thứ Ba của Mùa Vọng, vốn được biết đến như là Chủ Nhật Gaudete (Gaudete Sunday), thì cây nến có màu giống như bông hồng được thắp sáng lên cùng với hai cây nến màu tím. Bông hồng tượng trưng cho sự mừng rỡ, sướng vui và niềm hân hoan sắp tràn dân của mọi người tín hữu. Đây là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta hồ hỡi với niềm vui và sự rạo rực về việc Chúa Kitô sắp sửa đến với chúng ta trong hình hài của một Hài Nhi Bé Nhỏ.

            Và cây nến màu tím cuối cùng sẽ được thắp sáng lên trong ngày Chủ Nhật Thứ Tư của Mùa Vọng ám chỉ đến việc chúng ta mãi sốt sắng và kiên trì hơn rất nhiều trong việc chuẩn bị cả thể xác, tâm hồn lẫn con tim để đón nhận Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh.

            Mùa Vọng chính là mùa của Sự Đợi Chờ cùng với niềm Hy Vọng về Ánh Sáng của Chúa Kitô: Ánh Sáng của Cả Thế Giới !

III.      Thực hành P.Â.:
Kinh Lạy Cha, kinh của hy vọng:
            Vào cuối thập niên 80, tại Rumani,một trận động đất lớn đã xảy ra làm hơn 10 ngàn người chết. Ngay sau trận động đất, một người cha đã chạy đến nhà trường tìm đứa con trai của mình.

            Ngôi trường nhiều tầng đã sập đổ, nhưng người cha cố đào bới trong đống gạch vụn để tìm con. Những người cứu hộ và cảnh sát bảo ông hãy về nhà và đừng đào bới nữa vì rất nguy hiểm. Nhưng ông không nghe và cứ tiếp tục đào bới.

            Ông đào bới trong suốt 12 tiếng đồng hồ cũng chẳng thấy tăm hơi người con đâu. Ông vừa đào bới vừa nghĩ: “Mình đã hứa thì phải thực hiện lời hứa, biết đâu nó còn sống trong đống gạch này thì sao?”

            Nghĩ thế rồi, ông lại tiếp tục đào bới, 24 tiếng rồi 48 tiếng đồng hồ trôi qua . .. ông chợt nghe tiếng động. Ông gọi tên người con và ông nghe thấy tiếng kêu rất nhỏ từ xa vọng lại: “Ba ơi”. Nước mắt ông tuôn trào và ông hăng hái đào tiếp đến tận phòng của đứa con.

            Thằng bé còn sống cùng với 20 đứa khác trong một góc phòng chưa bị sập. Nó ôm chầm lấy người cha và nói: “Con đã bảo với các bạn của con rồi: “ba tôi đã nói, dù thế nào ba cũng đến đón tôi. Các bạn cứ yên tâm đi, chắc chắn ba tôi sẽ đến”.

            Tiếng kêu ba ơi của đứa bé nghe như âm vang lời kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Lời kinh Lạy Cha, là điệp khúc được lập lại nhiều nhất trong cuộc đời người tín hữu. Lời kinh này chúng ta có thể thốt lên bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu. Khi vui, khi buồn. Khi thành công hay khi thất bại. Khi ở nhà hay hành hương nơi xa. Tất cả trong mọi hoàn cảnh chúng ta đều có thể thưa lên Lạy cha chúng con ở trên trời. Đây là điệp khúc được lập đi lập lại mà không bao giờ nhàm chán. Vì lời đó là gạch nối cho tình cha con luôn gần gũi đậm đà yêu thương, là nhịp cầu cho tình con người vươn lên làm con Thiên Chúa.
            Kinh lạy Cha cho niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa là Cha. Kinh Lạy Cha cho chúng ta quả quyết là: đời mình có Cha, và có những anh chị em khác chung quanh cùng gọi Chúa là Cha. Cuộc đời vô vọng là cuộc đời không Cha Mẹ và thiếu vắng tình nghĩa anh chị em. Có Cha Mẹ, có anh chị em, có gia đình, có tình yêu thương và nâng đỡ.

            Mỗi ngày đọc đôi lần Kinh lạy Cha, đọc chậm với tâm hồn hy vọng vui vẻ của Mùa Vọng.

            Dọn đường cho Chúa đến

            Những danh xưng được nhắc nhiều trong Mùa Vọng: Tiên Tri Isaia, Gioan Tiền Hô, Đức Trinh Nữ Maria…Những người được dùng để loan báo về Đấng cứu Thế hay mang Đấng Cứu Thế đến cho trần gian. Họ đã chu toàn trách nhiệm “nầy tôi là tôi tá Chúa! Tôi xin vâng y như lời sứ thần truyền!”
            Ước gì chúng ta cũng là một công cụ hữu hiệu hay như một cây chổi quét dọn sạch sẽ, chuẩn bị đường cho Chúa đến như câu chuyện chị Benadeta dưới đây.
             Sau khi được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức nước Pháp chị Benadeta đã xin vào tu viện một dòng kín ở Nevers .Một ngày Chúa nhât kia vào năm 1876 một nữ tu đưa cho Benadeta xem bức ảnh người ta đã chụp chị ở hang đá Lộ Đức trước đây để xem phản ứng chị thế nào. Đang chăm chú xem bức hình của mình, đột nhiên Benadeta hỏi : "Người ta dùng chổi làm gì hả chị?"
             Để quét nhà.
             Quét xong họ để chổi ở đâu?
              Trong góc nhà, sau cánh cửa, chỗ cư trú thường lệ của nó .
              Đời em cũng thế chị ạ! Đức Mẹ đã dùng em rồi để em vào chỗ của em .Em sung sướng lắm và em muốn ở yên trong chỗ đó mãi .
             Tự quét dọn cuộc đời mình thật sạch sẽ, để xứng đáng cho Chúa đến bất ngờ. Giúp người trong nhà, bạn bè thân quen một quét dọn như mời đọc Lời Chúa hằng ngày hay mời xem tin tức về việc thực thi bác ái hay thiện nguyện trong Giáo Hội Công Giáo. Có nhiều bạn bè chúng ta không bao giờ biết làm một việc từ thiện bác ái nào. Sau nhiều năm tháng làm việc, giờ đây, tiền bạc, nhà cửa, phương tiện sinh sống đã đầy đủ. Phải hưởng: tiệc tùng và bia rượu, vui chơi giải trí. Ước gì chúng ta giúp nhau biết chia sẻ những ơn lành Chúa ban cho muôn người thiếu thốn chung quanh. Với tấm lòng thành, với vài lời đơn mọn và thật tình, chúng ta có thể giúp người khác làm cho tâm hồn họ và đời sống họ gọn sạch và đẹp hơn bằng những thực thi bác ái cụ thể.
      Lm. Phêrô Trần thế Tuyên

Chúa đến
Mùa Vọng là mùa trông chờ Chúa đến. Chúng ta trông chờ Chúa đến là bởi vì chúng ta không được thoả mãn với tình trạng hiện tại của chúng ta. Dầu có tận tâm tận lực, chúng ta vẫn gặp phải không biết bao nhiêu điều trái ý, chẳng hạn như bệnh tật, nghèo đói, cô đơn, chia ly và chết chóc. Chúng ta tin rằng Chúa sẽ đến để lấp đầy những khát vọng chính đáng của chúng ta, đồng thời sẽ mang lại một đời sống hạnh phúc:
Sẽ không còn chiến tranh, thù hận và hao tốn tiền của nữa, vì thời đại của Chúa là thời đại hoà bình. Bản thân Chúa chính là sự bình an như lời các thiên thần hát vang trên cánh đồng Bêlem: Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Thời đại của Chúa là thời đại hòa bình như tiên tri Isaia đã diễn tả: Khi Chúa đến, người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo mà rèn nên lưỡi hái. Nước này sẽ không còn tuốt gươm ra xông đánh nước kia. Mọi người sẽ chung sống với nhau trong hoà thuận và yêu thương. Sẽ không còn cái cảnh cá đớp cá, người trói người. Sẽ không còn cái cung cách người với người là chó sói của nhau bởi vì tứ hai giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em ruột thịt vì cùng là con của Cha trên trời.
Người ta sẽ không còn tranh chấp lừa đảo nhau nữa bởi vì Chúa sẽ dạy chúng ta đường lối của Ngài và chúng ta sẽ tuân theo ý định của Ngài. Mọi mơ ước của con người sẽ được thoả mãn, sẽ trở thành sự thật. Vậy cảnh địa đàng này bao giờ sẽ tới? Bao giờ Chúa mới ban cho chúng ta hoà bình và hạnh phúc đích thực và lâu dài?
Điều đó chúng ta không hay biết bởi vì Chúa đã phán: Vào lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến. Lúc Chúa đến có thể hiểu là giờ chết của mỗi người chúng ta, hay là ngày tận thế. Chúng ta không biết lúc nào sẽ xảy ra hai việc ấy. Do đó, lo lắng tìm biết lúc nào mình sẽ chết hay lúc nào sẽ là ngày tận thế? Đó là một việc làm luống công và vô ích. Trái lại hãy phó thác tương lai cho Chúa như lời Ngài đã phán: Chớ áy náy về ngày mai. Ngày mai sẽ lo cho ngày mai, ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy, nhưng tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Ngài.
Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta không phải là tìm biết ngày giờ lìa đời, hay ngày giờ tận thế, nhưng là chuẩn bị tâm hồn để có thể đứng vững trước mặt Con Người, khi Ngài đến. Hay như lời thánh Phaolô đã khuyên nhủ: Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang lấy khí giới của ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tỵ. Nhưng hãy mặc lấy Đức Kitô và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng của xác thịt.
Có sống như vậy thì khi Chúa đến, chúng ta sẽ được nghe những lời nói đầy êm dịu ngọt ngào và yêu thương của Chúa: Hỡi những người đã được Cha Ta chúc phúc, hãy đến, lãnh lấy phần gia nghiệp Nước Trời, đã được dọn sẵn cho các con từ muôn ngàn thuở trước.


Lectio: Chúa Nhật I Mùa Vọng (A)
Chúa Nhật, 1 Tháng 12, 2013
Hãy luôn sẵn sàng
Thiên Chúa có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào
Mt 24:37–44 


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen

2.  Bài Đọc 
a)  Chìa khóa cho bài đọc:

Trong phần Phụng Vụ của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Giáo Hội đặt trước chúng ta một trích đoạn bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế.  Mùa Vọng có nghĩa là Trông Đợi.  Đây là thời gian chuẩn bị cho sự xuất hiện của Con Người vào đời sống chúng ta.  Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta hãy tỉnh thức.  Người đòi hỏi chúng ta phải chú ý tới các sự kiện để khám phá trong đó dấu hiệu giờ khắc Con Người xuất hiện.
Vào đầu Mùa Vọng, thật là quan trọng phải thanh tẩy quan niệm của chúng ta và ôn lại cách đọc các sự kiện trong ánh sáng của Lời Chúa.  Và điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì Thiên Chúa đến không báo trước, vào lúc mà chúng ta không mong đợi nhất.  Để cho chúng ta thấy phải nên chú ý tới các sự kiện như thế nào, Chúa Giêsu nhắc lại trận đại hồng thủy thời ông Nô-e.
Trong lúc đọc bài Tin Mừng, chúng ta hãy chú ý tới những sự so sánh mà Chúa Giêsu dùng để chuyển tải sứ điệp của Người.
   
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 24:37-39:  Con Người sẽ đến giống như những gì đã xảy ra trong thời ông Nô-e
Mt 24:40-41:  Chúa Giêsu áp dụng sự so sánh để giảng cho những người đang lắng nghe
Mt 24:42:  Lời kết luận:  “Hãy tỉnh thức”; “Hãy canh phòng”.
Mt 24:43-44:  Một tỷ dụ để khuyên người ta nên cảnh giác.

c)  Phúc Âm:

37 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Trong thời ông Nô-e xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. 38 Cũng như trong những ngày trước nạn đại hồng thủy, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày Nô-e vào tàu, 39 mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thủy đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. 40 Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi.  41 Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi.
42 Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con đến. 43 Nhưng các con phải biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho nó đào ngạch khoét vách nhà mình.44 Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để cho Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

i)  Phần nào của bài Tin Mừng đánh động bạn nhất?  Tại sao?    
ii)  Ở đâu, khi nào và lý do tại sao Chúa Giêsu giảng bài giảng này?    
iii)  Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta phải cảnh giác như thế nào, việc cảnh giác bao gồm những gì?
iv)  “Một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi”.  Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì với lời khẳng định này?   
v)  Vào thời thánh Mátthêu, trong một nghĩa nào đó, cộng đoàn Kitô hữu đã mong đợi sự xuất hiện của Con Người.  Và ngày nay, chúng ta chờ đợi sự xuất hiện của Chúa Giêsu theo cách nào?
vi)  Theo bạn, đâu là trọng tâm hay nguồn gốc của lời giáo huấn này của Chúa Giêsu?    

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh bài giảng của Chúa Giêsu:


Tin Mừng theo thánh Mátthêu – Trong sách Tin Mừng của thánh Mátthêu có năm bài giảng tuyệt vời, như thể đó là một ấn bản mới của năm cuốn sách Luật Môisen.  Đoạn Tin Mừng mà chúng ta đang suy gẫm trong Chúa Nhật tuần này là một phần của Bài Giảng thứ năm của cuốn sách Luật Mới này.  Mỗi một bài trong tất cả bốn bài giảng trước đó soi sáng một khía cạnh khẳng định của Vương Quốc Thiên Chúa được công bố bởi Đức Giêsu.  Bài thứ nhất:  Công lý của Nước Trời và những điều kiện để được vào Nước Trời (Mt các chương 5-7).  Bài thứ hai:  Sứ vụ của các công dân Nước Trời (Mt chương 10).  Bài thứ ba:  Sự hiện hữu mầu nhiệm của Nước Trời trong đời sống người ta (Mt chương 13).  Bài thứ tư:  Đời sống Nước Trời trong cộng đoàn (Mt chương 18).  Bài giảng thứ năm nói về sự cảnh giác trong quan điểm khẳng định Nước Trời đang đến.  Trong bài giảng cuối cùng này, Mátthêu nối tiếp bản đề cương của thánh Máccô (xem Mc 13:5-37), nhưng thêm vào một số bài dụ ngôn nói về sự cần thiết của việc cảnh giác và việc phục vụ, của sự đoàn kết và tình anh em.

Chờ đợi sự trở lại của Con Người – Ở cuối thế kỷ thứ nhất, các cộng đoàn đã sống trong mong đợi sự trở lại ngay lập tức của Chúa Giêsu (1Tx 5:1-11).  Họ căn cứ vào một số lời của thánh Phaolô ( 1Tx 4:15-18), có một số người đã ngưng làm việc vì nghĩ rằng Chúa Giêsu sắp trở lại đến nơi (2Tx 2:1-2; 3:11-12).  Họ tự hỏi:  “Khi Chúa Giêsu đến, liệu chúng ta có sẽ được cất thẳng lên Thiên Đàng như Người chăng?”  (xem 1Tx 4:17).  “Chúng ta có sẽ được tiếp nhận hay sẽ bị bỏ rơi?” (xem Mt 24:40-41).  Ngày nay, cũng có một bầu không khí tương tự như thế, trong đó có nhiều người tự hỏi:  “Tình trạng khủng bố này có phải là một dấu hiệu báo cho biết ngày tận thế đã gần kề không?”  Chúng ta phải làm gì để khỏi bị ngạc nhiên?”  Một đáp án cho câu hỏi và điều quan tâm này đến với chúng ta từ Lời của Chúa Giêsu mà Mátthêu chuyển đến cho chúng ta trong Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này.

b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

Mt 24:37-39:  Chúa Giêsu so sánh sự trở lại của Con Người với những ngày của trận lụt đại hồng thủy
“Trong thời ông Nô-e xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy.”  Ở đây, để làm sáng tỏ lời kêu gọi phải cảnh giác, Chúa Giêsu nhắc tới hai cảnh trong Cựu Ước: ông Nô-e và Con Người.  “Những ngày thời ông Nô-e” có ý muốn nhắc tới thời kỳ đại hồng thủy (St 6:5-8:14).
Hình ảnh về “Con Người” xuất phát từ một thị kiến của tiên tri Đanien (Đn 7:13).  Trong thời ông Nô-e, đa số người ta đã sống mà không lo lắng bất kỳ một điều gì, không biết rằng giờ Thiên Chúa đã gần kề.  Cuộc sống vẫn tiếp tục “và họ đã không nhận thức được bất cứ điều gì cho đến khi cơn đại hồng thủy đến và nhận chìm tất cả”.  Và Chúa Giêsu kết luận:  “Khi Con Người đến thì cũng như vậy”.  Trong thị kiến của tiên tri Đanien, Con Người sẽ ngự giá mây trời mà đến một cách bất ngờ và sự xuất hiện của Người sẽ tiêu diệt mọi đế quốc thống trị, mà sẽ không có tương lai.

Mt 24:40-41:  Chúa Giêsu áp dụng sự so sánh để giảng cho những người đang lắng nghe lời Người.
“Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng:  một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi”.  Những chữ này không nên hiểu theo nghĩa đen.  Đó là một cách để nói lên số phận khác nhau mà người ta sẽ lãnh nhận tùy theo sự phán xét về các việc mà họ đã làm.  Một số người sẽ được tiếp nhận, nghĩa là, sẽ lãnh nhận ơn cứu rỗi, và những người khác sẽ không được nhận nó.  Đây là những gì đã xảy ra trong cơn đại hồng thủy:  “Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này”  (St 7:1).  Ông Nô-e và gia đình ông đã được cứu rỗi.

Mt 24:42:  Chúa Giêsu đưa ra kết luận:  “Vậy hãy tỉnh thức”, phải canh phòng.
Thiên Chúa là Đấng quyết định giờ xuất hiện của Con Người.  Nhưng thời giờ của Thiên Chúa thì không được đo bằng chiếc đồng hồ hoặc năm tháng của chúng ta.  Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, và ngàn năm cũng tựa một ngày (Tv 90; 2 Pr 3:8).  Thời gian của Thiên Chúa (kairos = kỳ hạn) thì độc lập với thời gian của chúng ta (cronos = ngày tháng).  Chúng ta không thể can thiệp vào thời gian của Thiên Chúa, nhưng chúng ta nên chuẩn bị cho giây phút mà giờ của Chúa trở thành hiện tại trong thời gian của chúng ta.  Nó có thể là ngày hôm nay, nó có thể là một ngàn năm nữa.

Mt 24: 43-44:  Sự so sánh:  Con Người sẽ đến vào lúc mà các con không ngờ.
Thiên Chúa đến khi chúng ta không ngờ nhất.  Nó cũng có thể xảy ra rằng Người đến và người ta không nhận thức được giờ khắc xuất hiện của Người.  Chúa Giêsu đòi hỏi hai điều:  việc luôn luôn cảnh giác chu đáo, và cùng lúc, sự dấn thân yên lặng của người sống trong bình an.  Thái độ này là dấu hiệu của sự trưởng thành vững chãi, trong đó mối quan tâm thận trọng được hòa lẫn với yên bình thanh thản.  Sự trưởng thành kế tiếp theo đó để kết hợp tính chất nghiêm trọng của thời điểm với việc nhận thức rằng mọi thứ đều tương đối.

c)  Phần phụ chú để hiểu rõ hơn về đoạn Tin Mừng:

Chúng ta nên thận trọng chuẩn bị cho bản thân như thế nào? – Đoạn Tin Mừng của chúng ta được dẫn trước bởi bài dụ ngôn cây vả (Mt 24:32-33).  Cây vả là biểu tượng của dân Do-Thái (Tl 9:10; Mt 21:18).  Trong việc xem xét cây vả, Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ hãy quan sát và phân tích các dữ kiện đang xảy ra.  Tưởng chừng như Chúa Giêsu đang nói với chúng ta:  “Các con nên học hỏi từ cây vả để đọc thấy các dấu hiệu của thời gian, và bằng cách này các con sẽ khám phá nơi đâu và khi nào Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của chúng ta!”

Điều chắc chắn được chia sẻ với chúng ta bởi Đức Giêsu – Chúa Giêsu để lại cho chúng ta một điều chắc chắn gấp đôi để định hướng cho cuộc hành trình của chúng ta trong cuộc sống:  (1) nhất định ngày sau hết sẽ đến; (2) chắc chắn, không ai biết bất cứ điều gì về ngày hoặc giờ khắc của ngày tận thế.  “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay ngay cả Con Người cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi!” (Mt 24:36).  Mặc dù tất cả các ước đoán hoặc tính toán mà người ta có thể làm để đoán về ngày tận thế, không ai có thể tính toán một cách chắc chắn.  Điều có thể cho sự an bình không phải là sự hiểu biết về giờ phút của ngày tận thế, mà là Lời của Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống.  Thế giới này sẽ qua đi nhưng Lời Chúa sẽ không bao giờ qua đi (xem Is 40:7-8).

Bao giờ ngày tận thế sẽ đến? – Khi Kinh Thánh nói về “ngày mạt thế”, điều này không đề cập đến sự kết thúc của thế giới, nhưng về sự kết thúc của một thế giới.  Nó muốn đề cập đến sự kết thúc của thế gian này, nơi mà sự bất công và quyền lực của sự dữ thống trị; những điều làm cuộc đời trở thành cay đắng.  Thế giới bất công này sẽ đi đến chỗ kết thúc và thay vào đó sẽ là “một trời mới và một đất mới”, điều này được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 65:15-17) và được dự kiến trong sách Khải Huyền (Kh 21:1).  Không ai biết khi nào hay cách nào thế giới này sẽ bị kết thúc (Mt 24:36), bởi vì không ai có thể mường tượng được Thiên Chúa đã dọn sẵn điều gì cho những ai yêu mến Người (1Cr 2:9).  Thế giới mới của cuộc-sống-không-có-cái-chết vượt trội tất cả mọi sự, giống như cây vượt quá hạt giống (1Cr 15:35-38).  Những Kitô hữu tiên khởi đã lo lắng để được hiện diện trong ngày tận thế này (2Tx 2:2).  Họ tiếp tục nhìn lên trời, chờ đợi sự quang lâm của Chúa Kitô (Cv 1:11). Có một số người đã ngưng làm việc (2Tx 3:11).  Tuy nhiên “Anh em không cần biết kỳ hạn hoặc thời giờ Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1:7).  Cách duy nhất để đóng góp vào ngày cuối cùng sắp đến “để Thiên Chúa có thể ban cho thời kỳ an lạc” (Cv 3:20), và làm nhân chứng cho Tin Mừng ở khắp mọi nơi, cho đến tận cùng của trái đất (Cv 1:8).   

6.  Cầu Nguyện:  Thánh Vịnh 46 (45): 
“Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu!  Chúng ta chẳng sợ hãi gì!”
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu và là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.

Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.

Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.”

Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Ngày 1-12-2013: KHÔNG MỘT AI BIẾT NGÀY GIỜ (Mátthêu 24,37-44 – CN I MV - A)
Chúng ta nhớ rằng chúng ta luôn luôn lệ thuộc vào Đức Giêsu và chúng ta luôn chịu trách nhiệm trước mặt Người.

Lm PX Vũ Phan Long, ofm

1.- Ngữ cảnh
Khối diễn từ cuối cùng gồm trọn chương 23 Mt, “Những lời nguyền rủa người Phariêu”, trước đây vẫn được coi như tách biệt, và phân đoạn Mt 24,1–25,46, “Diễn từ cánh chung”: Cả khối từ câu 23,1 đến câu 25,46 làm thành bài diễn từ duy nhất có chức năng nhắc nhở những người trong nhà sống một đời sống trung thực với những hành vi, công bình, nhân ái, dưới ánh sáng của cuộc chiến thắng cánh chung của Thiên Chúa và cuộc phán xét đang đến.  Bài Tin Mừng Mt 24,37-44 nằm trong khối diễn từ cuối cùng này.

Phụng vụ cho đọc từ c. 37, nhưng có lẽ nên đọc bản văn ngay từ câu 36, vì: 1) Tư tưởng của câu 36 này được trình bày trong cc. 37-44; 2) Hai từ ngữ “ngày và giờ” trong c. 36 được nhắc lại trong cc. 42 và 44 làm thành một lối hành văn “đóng khung”, khiến cả phân đoạn 24,36-44 thành một đơn vị thống nhất. Các nhà chú giải thường cắt phân đoạn ở c. 36 thay vì ở c. 37 như trong bản văn Phụng vụ.

2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Bài học thời Nôê (24,37-39), với công thức “cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy” ở c. 37 và c. 39 đóng khung đoạn văn thành một đơn vị; đơn vị này xoáy vào trọng tâm là “ngày Quang Lâm của Con Người”;

2) Cuộc phân rẽ vào ngày Quang Lâm (24, 40-41): Hai câu này vừa là kết luận cho đoạn 37-39, vừa là tiền đề (và cũng là kết luận) cho lời kêu gọi và dụ ngôn ở cc. 42-44;

3) Bài học về canh thức và sẵn sàng (24,42-44), với dụ ngôn “Kẻ trộm đêm khuya”, được đóng khung thành một đơn vị bằng hai công thức tương tự “ngày Chúa của anh em đến” (c. 42) và “giờ Con Người sẽ đến” (c. 44); đơn vị này xoáy vào hai từ cụ thể được tác giả Mtdùng để gọi ngày Quang Lâm, “ngày và giờ”.

3.- Vài điểm chú giải
- thời ông Nôê (37): Kinh Thánh kể việc Nôê đóng tàu trong sách Sáng thế (6,11-13).

quang lâm (37.39) (HL: parousía, nghĩa đen là “sự hiện diện”): Trong Mt 24,29-31, Đức Giêsu cho biết rằng Người sẽ trở lại “uy nghi” (= với quyền lực), “ vinh hiển” (= với vinh quang), “ngự giá mây trời” (= trên mây trời). Các hình ảnh đó cho hiểu Người sẽ trở lại trong tư cách Đấng chiến thắng. Đây là một cuộc khải hoàn.

một người được đem đi, một người bị bỏ lại (40.41): Hai động từ của bản văn Hy Lạp ở thái bị động paralambanetai và aphietai nên phải hiểu chủ ngữ là Thiên Chúa. Dựa theo truyền thống, có thể hiểu: sự kiện các thiên thần “tập hợp những kẻ được [Con Người] tuyển chọn” (c. 31; x. Mc 13,27) cho thấy paralambanetai (P: est pris; A: will be taken) có nghĩa là “được cứu thoát”, nên phải dịch là “được đem đi”, aphietai (P: est laissé; A: will be left) có nghĩa là “bị kết án”, nên phải dịch là “bị bỏ lại”.

canh thức (42) (HL: grêgoreô): có nghĩa là “không ngủ”. Đây là thái độ Đức Giêsu yêu cầu phải có nơi những người đang trông chờ Người đến (x. Mt 25,13; Mc 13,33-37; Lc 12,35-40). Sự canh thức, ở trong tình trạng “báo động”, giả thiết phải có một niềm hy vọng vững chắc và đòi hỏi tâm trí luôn sẵn sàng (đây cũng là “sự tiết độ”: 1 Tx 5,6-8; 1 Pr 5,8). 

không biết ngày nào (42): Đức Giêsu vừa khẳng định mạnh mẽ rằng Người sẽ lại đến, vừa nhấn mạnh rằng không ai biết được ngày giờ đó (24,36.42.44). Không ai biết và cũng không ai có thể tính toán để tìm ra ngày giờ ấy cả.  

kẻ trộm (43): Kinh Thánh dùng hình ảnh tên trộm để nói tới tính bất ngờ của ngày Chúa đến (x. 1 Tx 5,2; 2 Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15).

vào canh nào (43): Một đêm thường được chia thành bốn canh (HL: phylakê): chiều (từ khi mặt trời lặn đến 9g tối), nửa đêm (từ  9g tối đến 12g đêm), khi gà gáy (từ 12g đêm đến 3g sáng) và sáng (từ 3g sáng đến bình minh, khoảng 6g sáng).

khoét vách (43): Nhà dân Do Thái thời Đức Giêsu thường được làm bằng đất với cành cây khô, nên kẻ trộm có thể lọt vào nhà bằng cách khoét thủng vách tường đất.

4.- Ý nghĩa của bản văn
Bài Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay, nếu không được hiểu đúng, sẽ gây khó khăn cho chúng ta.

Trước tiên, can phải xem Đức Giêsu đang nói về chuyện gì. Tại sao Người đưa vào trong câu chuyện: ông Nôê, hai người đàn ông đang làm việc trên cánh đồng, hai người đàn bà đang xay bột, và một tên trộm? Câu trả lời nằm ở đầu chương 24: ở đây Đức Giêsu đang nói về những dân cư Giêrusalem không muốn hoán cải. Các môn đệ sửng sốt vì những lời Thầy nói, đã hỏi Người hai điều: khi nào chuyện ấy xảy ra và có dấu hiệu báo trước chăng (cc. 2-3). Thay vì trả lời họ, Đức Giêsu dạy họ những điều đến hôm nay vẫn còn giá trị: chúng ta phải luôn luôn canh thức. Rồi Người đưa ra ba ví dụ.

* Bài học thời Nôê (37-39)

Vào thời Nôê, có hai hạng người: những người chỉ biết hưởng thụ cho bản thân và những người tỉnh thức biết lắng nghe các lời lưu ý.

Những người hoàn toàn để mình bị cuốn hút vào trong cuộc sống trần thế, với những sinh hoạt cụ thể và những phương diện bề ngoài ai cũng thấy được (ăn uống, cưới vợ lấy chồng), thì chỉ biết vui hưởng đời này, không muốn quan tâm đến bất cứ điều gì khác nữa. Vả lại, nạn hồng thủy chỉ được loan báo, chứ chưa xảy ra. Cũng thế, cuộc Quang Lâm của Chúa Giêsu cũng chỉ mới được loan báo, chứ chưa xảy ra. Tính cụ thể của các sự việc trần thế và kinh nghiệm hiện tại dường như thực hữu hơn là bản thân Đức Chúa như Người đã loan báo. Do đó, người ta bị hút vào hiện tại và hoàn toàn không màng đến Người, không nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với Người. Dù sao, biến cố quan trọng ấy cũng đã được loan báo, nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về tình trạng bản thân khi Người đến. Cần phải luôn canh thức và sẵn sàng.

Bài học là: Vào thời Nôê, nhiều người đã bị chết; vậy những kẻ không chấp nhận Đức Giêsu hoặc tuân theo lời Người, cũng sẽ chết khi thành thánh bị tàn phá. Còn những ai đón nhận sứ điệp của Người, sẽ được cứu độ và sẽ trở thành những người đầu tiên thuộc đoàn dân Người.

* Cuộc phân rẽ vào ngày Quang Lâm (40-41)

Với ví dụ thứ hai rút ra từ cuộc sống thường ngày, Đức Giêsu cho thấy rằng mọi người bình đẳng trong các sinh hoạt trần thế, và không một hoàn cảnh bên ngoài nào bảo đảm cho người ta có một tư cách xứng đáng cả. Về bề ngoài, không có nét nào phân biệt giữa hai người đàn ông đang làm ruộng, hoặc hai người đàn bà đang kéo cối xay. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu quang lâm, sẽ xảy ra một cuộc phân rẽ tận căn: những ai đã sẵn sàng với Người thì được đón vào sống hiệp thông với Người, còn những người khác thì bị loại trừ. Số phận vĩnh viễn của mỗi người tùy thuộc cách thức mỗi người sống với Người trong thời gian này. Từ chỗ thấy rằng mọi người đều có phần công việc và lao khổ, hạnh phúc và bất hạnh, đau khổ và niềm vui, sống và chết, người ta dễ rơi vào ảo tưởng là sự vâng phục hoặc bất phục tùng đối với Thiên Chúa, sự ngay thẳng hay gian tà không hề quan trọng gì cả, là mọi sự đều như nhau, chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì mọi sự sẽ kết thúc giống nhau cho mọi người! Đức Giêsu điều chỉnh lối suy tư sai lạc này.

Bài học là: “
Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (c. 42).

* Bài học về canh thức và sẵn sàng (42-44)

Đến đây, Đức Giêsu cho ví dụ thứ ba. Nếu chúng ta biết ngày giờ Chúa đến, hẳn là chúng ta sẽ chuẩn bị và chờ đợi. Nhưng Đức Giêsu dùng dụ ngôn kẻ trộm đêm khuya để báo cho chúng ta rằng Người sẽ đến thật bất ngờ, chúng ta không thể tiên liệu. Do đó, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng, từng giờ từng phút: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (c. 44).

Tất cả những lời kêu gọi tỉnh thức này có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay? Phải chăng Thiên Chúa thật sự đến như một kẻ trộm, và gọi người ta đến mà xét xử vào lúc họ ít sẵn sàng nhất? Thật khó mà đặt lòng tin vào một vị Thiên Chúa như thế! Nếu đây là cách giải thích đúng các lời nói của Đức Giêsu, hẳn là chúng ta sẽ không có một sứ điệp cứu độ, mà chỉ có một lời đe dọa ác độc. Thật ra điều Người muốn nói với chúng ta hoàn toàn khác hẳn.

Trong mỗi khoảnh khắc, chúng ta phải sống một cuộc sống phù hợp với ý muốn của Người và có thể lãnh trách nhiệm trước mặt Người. Chính vì Người không cho thấy tất cả ý định của Người mà chúng ta phải hiểu rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Người. Sự kiện lúc này Người còn đang ẩn mình và rất “ở yên” không được khiến chúng ta bị lừa. Như thế, điều Đức Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay là Người luôn luôn muốn cứu chúng ta, làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng chúng ta phải luôn ý thức về sự hiện diện của Người.

+ Kết luận

Theo kinh nghiệm thông thường, người ta cho rằng chính loài người và các sức mạnh thiên nhiên
quy định dòng lưu chuyển của từng số phận con người và toàn thể lịch sử nhân loại. Quan niệm này khiến người ta nghĩ rằng sự việc vẫn cứ tiếp tục như thế, trừ phi là xảy ra một tai họa trên toàn thể vũ trụ. Nhưng Đức Giêsu lại đến loan báo rằng Nước Trời đã gần kề, có nghĩa là Thiên Chúa dứt khoát quyết định bung mở quyền chúa tể của Ngài ra (x. 4,17). Điều này sẽ được thể hiện khi Con Người đến với quyền lực và vinh quang Thiên Chúa (24,30). Khi Người tỏ mình ra vĩnh viễn cho hết mọi người với quyền lực thần linh của Người trước toàn thể thế giới, mỗi người sẽ xuất hiện ra trước mặt Người trong chiều hướng và giá trị đã đạt được. Với biến cố Đức Giêsu đến vĩnh viễn, mỗi người cũng sẽ đạt tới ánh sáng trong bản chất thâm sâu của mình. Mỗi người bị liên kết sâu xa với ngày Đức Giêsu trở lại, do đó phải sống trọn cuộc đời trong chiều hướng này. Và bởi vì không một ai biết chính xác ngày giờ Người trở lại (24,36.42.44), mỗi người cần luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng đón Người khi Người lại đến.

5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu khẳng định là không một ai có thể biết được ngày giờ Người trở lại trần gian và tính toán để tìm ra ngày giờ ấy. Do đó, điều hết sức hệ trọng là luôn sẵn sàng cho biến cố ấy, tức là lưu ý đến tính bất xác, tính bất khả tri và bất khả tiên liệu của ngày giờ đó, hầu tránh được lối sống mù quáng. Chúng ta vẫn đang hy vọng Người trở lại. Nhưng đây không phải là một nỗi niềm chờ mong khắc khoải, mà là một xác tín rằng Người cũng là Đấng đã đến và đang đến sống giữa chúng ta: chính Người đang và sẽ đưa lại ý nghĩa chân thật cho cuộc đời và vũ trụ chúng ta.

2. Vì đã được Đức Giêsu dạy là không thể tìm ra đáp án cho các câu hỏi “khi nào và cách nào”, người Kitô hữu chỉ càng chăm chú sống y như thể ngày đó đang đến rồi. Tuy nhiên, canh thức và sẵn sàng không có nghĩa là cứ đưa mắt nhìn về trời! Lời Chúa mời gọi chúng ta quan tâm đến những nhiệm vụ hằng ngày chúng ta đã và sẽ đảm nhận. Sống và làm việc đúng như Người đã giáo huấn chúng ta, đó là cách thức tốt nhất để đón Người vào ngày Người trở lại. Sự canh thức càng có tính thúc bách khi chúng ta không biết giờ cùng tận. Tiếng hô của bài Tin Mừng: “Anh em hãy sẵn sàng! Hãy canh thức!” phải vang lên trong tim của những người đang chờ mong cuộc gặp gỡ vĩ đại.

3. Nhìn bề ngoài, không có dấu chỉ nào giúp phân biệt người đang sống đúng thánh ý Thiên Chúa và người không sống như thế, khi mà ai nấy đều đang sống chìm vào giữa những thực tại trần gian. Do đó, chúng ta không được nhìn vào người khác để lượng định bản thân và nhất là để mình rơi vào một thứ yên tâm giả tạo. Tốt nhất là hãy nhớ lại các giáo huấn Đức Giêsu đã ban cho chúng ta, rà soát xem chúng ta đã đưa ra thực hành như thế nào. Bài Giảng trên núi trong TM Mt chính là một cẩm nang giúp người Kitô hữu sống canh thức và sẵn sàng. 


4. Chúng ta nhớ rằng chúng ta luôn luôn lệ thuộc vào Đức Giêsu và chúng ta luôn chịu trách nhiệm trước mặt Người. Đức Giêsu đến vào Ngày Quang Lâm không còn phải là trong tư cách Đấng Cứu thế, nhưng trong tư cách vị Thẩm Phán tối cao. Do đó, ngày Người đến sẽ là ngày giờ của sự thật, bởi vì sẽ là ngày giờ để trả lời (“trả lẽ”) với Người về những nhiệm vụ chúng ta phải chu toàn và là ngày giờ chúng ta được vén mở (= mạc khải) cho hiểu biết mọi sự.