01/10/2016
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến
sĩ Hội Thánh.
Bổn mạng các xứ truyền giáo.
Lễ kính
* Thánh nữ sinh năm
1873 tại A-lăng-xông, nước Pháp. Người nhập đan viện Cát Minh ở Li-di-ơ, lúc tuổi
còn rất trẻ, và nhận tên là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chị đã sống đời khiêm tốn,
đơn sơ theo tinh thần Tin Mừng và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa theo “con
đường thơ ấu”. Chị cũng đã dùng lời nói và gương sáng để hướng dẫn các tập sinh
trong Dòng. Chị qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 trong niềm khao khát được hiến
dâng mạng sống để các linh hồn được ơn cứu độ và Hội Thánh được tăng triển.
Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c
"Ðây Ta khiến sông bình an
chảy vào nó".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy vui mừng với
Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi
là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no
nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó.
Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con
sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được
ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ
nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy,
lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ
nhìn biết bàn tay của Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa, lòng con
không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc
lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. - Ðáp.
2) Nhưng con lo giữ linh hồn cho
thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con
cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3) Israel hãy cậy trông vào
Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: x. Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là
Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những
kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 18, 1-4
"Nếu không hoá nên như trẻ
nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa
Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?"
Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật,
Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được
vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong
Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Con Ðường Nhỏ
Ðây quả thật là một sự trùng hợp
hay ho vì chúng ta được dịp suy nghĩ hai lần theo hai biểu tượng khác nhau về
thái độ sống như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca nhắc
đến chi tiết này: các môn đệ còn suy nghĩ trong lòng xem ai là kẻ lớn nhất và
Chúa Giêsu đã hiểu thấu tâm tư của các ông nên Chúa gọi một trẻ nhỏ đến và dạy
các ông bài học nên giống như trẻ nhỏ. Hôm nay, mùng 1/10, đúng ngày lễ kính
thánh Têrêxa Hài Ðộng Giêsu, Giáo Hội chọn đọc Phúc Âm theo thánh Mátthêu nói về
cùng một vấn đề nhưng trong viễn tượng khác. Theo tác giả Phúc Âm theo thánh
Mátthêu thì các môn đệ không còn suy nghĩ trong lòng nữa nhưng đã tranh luận với
nhau mà không tìm được câu trả lời nên mới đến hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy,
ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Hai viễn tượng này không đối nghịch
nhau nhưng bổ túc cho nhau và mô tả cho chúng ta tâm thức quá ư phàm trần của
các môn đệ lúc đó, khi các ngài chưa được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Không những
các môn đệ đã suy nghĩ trong lòng mà còn đem ra thành đề tài tranh luận nữa.
Hành động này diễn tả thái độ nội tâm, lòng đã nghĩ xấu rồi, đã có sự ganh tị rồi
nên mới đưa đến sự ganh tị với nhau. Các môn đệ chưa nhận được Chúa Thánh Thần,
chưa được thanh luyện để trở nên con người mới, trở nên như trẻ nhỏ, có tâm hồn
đơn sơ, khiêm tốn, trong sạch để làm việc cho Chúa.
Ðọc đoạn Phúc Âm này, chúng ta
lưu ý thêm chi tiết này nữa, đó là Chúa Giêsu không trả lời liền câu hỏi mà các
môn đệ đặt ra: "Ai là kẻ lớn nhất?", nhưng Chúa nói tới việc phải sống
như trẻ nhỏ trước rồi sau đó mới trả lời: "Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này
thì người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Chúa Giêsu không nói đến địa
vị lớn nhỏ nhưng nói về giá trị tinh thần của con người sống như trẻ nhỏ, dễ
dàng gần gũi thân tình với Chúa trước. Chính tình thương và ân sủng của Chúa mới
làm cho con người được cao trọng chứ không phải những công việc do sức riêng của
con người tạo nên.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu
mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã nêu gương cho chúng ta về điểm này khi thánh nữ
đề ra con đường nhỏ để sống thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Cùng với thánh nữ
chúng ta hãy cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa của con,
Con muốn biết điều mà Chúa thực
hiện cho kẻ bé nhỏ nhất đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Chiếc thang máy để đưa con lên đến
trời cao là chính đôi tay Chúa, vì thế con không cần lớn lên mà hiện tại con cần
phải ở lại trong tâm tình bé nhỏ, cần phải càng ngày càng trở nên bé nhỏ hơn nữa.
Lạy Chúa của con,
Chúa đã cho con nhiều hơn điều
con hy vọng là con muốn hát lên chúc tụng tình thương nhân từ của Chúa. Xin
Chúa thương ban cho con một tâm hồn đơn sơ tươi trẻ, luôn tin tưởng phó thác
vào Chúa như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ và lúc nào cũng sống an vui, chân
thành yêu Chúa và anh chị em.
Veritas Asia
01/10/16 THỨ BẢY ĐẦU
THÁNG TUẦN 26 TN
Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng
Giê-su
Mt 18,1-5
Suy niệm: Không có khát vọng, chẳng có nỗ lực vươn lên.
Khát vọng lớn nhất của thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng không khác gì khát khao của
những trẻ nhỏ được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay, đó là khát khao được đến
bên Chúa, được chiếm lấy Chúa. Chị thánh tâm sự: “chỉ có Chúa Giê-su mới làm
cho con được thỏa mãn… con khao khát rước Mình Thánh Chúa” (Tự
Thuật). Với niềm khát khao ấy, chị nỗ lực làm mọi việc để nên thánh: từ
ước muốn vào Dòng Kín đến nguyện vọng đi xa thật xa để truyền giáo, từ việc vui
lòng đảm trách những công việc tầm thường đến việc luôn bằng lòng mọi sự Chúa
gởi đến. Như chị thánh đã viết, Chúa đã cho chị có chỗ trong trái tim Giáo Hội,
chỗ đó là tình yêu. Nói cách khác, niềm khát khao nên thánh nơi chị chính là
tình yêu của chị đối với Chúa và Giáo Hội.
Mời Bạn: Xã
hội thực dụng hôm nay đang rao mời chúng ta mọi thứ, chỉ trừ mời gọi chúng ta
nên thánh. Vậy, khát khao đến gần Chúa của trẻ nhỏ trong Tin Mừng và khát khao
nên thánh của chị thánh Tê-rê-xa có tác động gì đến tâm hồn và hướng đi của
bạn? Thánh nữ nhắc bạn: “Chỉ có Chúa Giê-su mới làm cho con được thỏa mãn.”
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày dành vài phút chuyện trò với Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, chỉ có Chúa
mới làm cho con được thỏa mãn.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con muốn lặp lại lời yêu thương của thánh nữ
Tê-rê-xa với Chúa: “Lạy Chúa, con ao ước được yêu Chúa như chưa từng có ai.”
Trở lại và nên như trẻ thơ
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh được yêu
thích, đơn giản chỉ vì Chị đã trở lại và trở thành như trẻ thơ.
Suy niệm:
“Thầy bảo thật anh em,
nếu anh em không trở lại và trở nên như trẻ thơ,
anh em sẽ chẳng bao giờ
được vào Nước Trời” (c. 3).
Đây là một câu nói long
trọng của Đức Giêsu.
Như thế điều kiện để được
vào Nước Trời là phải quay trở lại,
và trở nên như trẻ thơ,
sống theo tinh thần của trẻ thơ.
Trở nên như trẻ thơ không
phải là trở nên ấu trĩ, ngây ngô, khờ khạo,
nhưng là khiêm hạ, tin
cậy, phó thác cho Thiên Chúa.
Vì thế thiên đàng có chỗ
cho người lớn, người trưởng thành,
những người đã sống tinh
thần của trẻ thơ.
Để trở lại và trở thành
như trẻ thơ, cần nhiều hy sinh từ bỏ.
Đức Giêsu đã trả lời câu
hỏi của các môn đệ:
“Ai là người lớn nhất
trong Nước Trời ?” (c. 1).
Người lớn nhất chính là
người đã hạ mình xuống
như em nhỏ đang đứng ở
giữa các ông (c. 2).
Đoạn Tin Mừng này đã gợi
cho Chị Têrêsa bí quyết nên thánh,
mà Chị gọi là con đường
thơ ấu thiêng liêng.
Chỉ cần sống như trẻ thơ
là có hy vọng được nhận vào Nước Trời.
Têrêsa đã kiên trì đi con
đường này suốt cuộc đời ngắn ngủi của Chị.
Và Chị đã nên thánh, đã
thu hút bao người đi con đường này.
Con đường này thật ra
cũng chẳng phải là đường của Chị
cho bằng là con đường của
bài Tin Mừng hôm nay.
Chị Têrêsa đã muốn sống
cái đơn sơ, nhỏ bé của trẻ thơ.
“Tôi muốn tìm thấy một
cái thang để lên tới Đức Giêsu,
Vì tôi quá nhỏ bé không
lên nổi các bậc trọn lành.
Lạy Chúa Giêsu, thang
chính là cánh tay Ngài.
Con không cần phải lớn
lên, ngược lại con phải nhỏ mãi.”
Têrêsa không nên thánh
bằng những việc hãm mình kinh khủng,
nhưng bằng những hy sinh
nho nhỏ, những từ bỏ ý riêng.
“Ai không có gan đóng
đanh mình bằng những chiếc đanh lớn…
thì phải chịu tử đạo bằng
những chiếc ghim nhỏ.”
Chị tin vào sức mạnh của
những việc nhỏ bé được làm vì yêu.
“Nhặt một cái kim ở dưới
đất vì yêu mến,
cũng có thể cải hóa một
linh hồn.”
Mối quan tâm duy nhất của
Chị là làm vui lòng Chúa trong mọi sự.
“Tôi vui sướng chịu đựng
gian khổ,
ngay cả chỉ để làm Chúa
mỉm cười lấy một lần.”
Têrêsa phó thác cho Chúa
trong giây phút hiện tại.
“Nghĩ tới dĩ vãng và bận
tâm về tương lai dễ làm nản chí và thất vọng.
Tôi chịu đựng từng giây
phút một.
Chúa trao cho tôi từng
lúc điều tôi có thể chịu đựng, và chỉ thế thôi.”
Têrêsa nói với chúng ta
về cách cầu nguyện của Chị.
“Tôi làm như mấy đứa bé
chưa biết đọc.
Tôi nói với Chúa cách đơn
sơ điều tôi muốn nói với Người,
và Người luôn nghe tôi.”
Tuy sống tinh thần trẻ
thơ, nhưng Têrêsa lại mang nhiều ước mơ lớn.
Chị mong được đi truyền
giáo khắp nơi, được vào Dòng Kín ở Hà Nội.
“Nếu tôi là linh mục, tôi
sẽ học cho giỏi tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp,
để hiểu tư tưởng của
Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.”
Chắc chắn Têrêsa chẳng
bao giờ là linh mục, và cũng chẳng đi Hà Nội.
Nhưng lòng ao ước khiến
Chị đã thực hiện những điều lớn lao.
Đức Gioan Phaolô đệ nhị
đã tôn Chị làm Tiến Sĩ Giáo Hội,
dù Chị chưa học xong
trung học, và qua đời khi mới hai mươi bốn tuổi.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là
một vị thánh được yêu thích,
đơn giản chỉ vì Chị đã
trở lại và trở thành như trẻ thơ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như
một thân thể
gồm nhiều chi thể khác
nhau,
thì hẳn Hội Thánh không
thể thiếu
một chi thể cần thiết
nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái
Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho
Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh
vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng
rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng
chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy
ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là
tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong
Hội Thánh:
nơi Trái tim Hội Thánh,
con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất
cả,
vì tình yêu bao trùm mọi
ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
01 Tháng Mười
Chợ Hoa
Trong những thập niên vừa qua,
đã có rất nhiều hội chợ hoa được tổ chức khắp nơi. Nhưng vĩ đại nhất có lẽ là hội
chợ hoa Osaka, Nhật Bản, khai mạc dạo đầu tháng Tư và kết thúc ngày cuối tháng
Chín năm 1990 vừa qua.
Hội chợ hoa này được tổ chức tại
thị xã Tsurumi, một vùng đất đang phát triển theo kế hoạch xây dựng cho thế kỷ
21. Trên một khoảng đất rộng 140 mẫu tây, 3 triệu loại hoa và thảo mộc khác
nhau trên khắp thế giới đã tề tựu về để khoe sắc tranh hương chào đón du khách.
Vừa bước vào trung tâm hội chợ,
một bức tường lớn đan bằng đủ loại hoa, màu sắc rực rỡ đập ngay vào mắt du
khách. Khuôn viên phía tây dành cho các loại hoa cần chăm sóc trong nhà kiếng,
cùng với các loại hoa điện tử nhân tạo. Khách được xem các loại hoa lớn nhất thế
giới từ Nam Dương đưa sang. Du khách cũng có thể say mê với những loại hoa nhân
tạo mà hình dạng và màu sắc biến đổi không ngừng, tạo nên hình ảnh của thế giới
thần tiên.
Vắng người hơn, ở phía đông, là
khuôn viên dành cho các loại hoa: tất cả các loại hoa đều được trồng giữa núi rừng
thiên nhiên hùng vĩ.
Giữa hai khuôn viên là một con
sông nhỏ, dưới lòng sông có thiết kế những vòi phun nước. Nước lên mạnh yếu tùy
thuộc theo điệu nhạc phát ra từ dàn âm thanh nổi tuyệt hảo ở hai bờ sông. Cứ nửa
tiếng đồng hồ, có một câu chuyện thần thoại được dòng sông kể lại bằng hệ thống
phun nước, hòa với tiếng nhạc và ánh đèn màu về đêm, tạo nên một khung cảnh rất
nên thơ và thanh bình.
Hoàng đế Nã Phá Luân của nước
Pháp đã có lần phát biểu như sau: "Nơi nào hoa tàn, nơi đó con người không
thể sống...". Ai trong chúng ta cũng yêu hoa, ai trong chúng ta cũng thích
sống với sự hiện diện của hoa. Vui, chúng ta thích ngắm hoa, buồn, chúng ta
cũng thích nhìn hoa. Hoa dường như gần gũi và thông cảm với con người... Nhìn
hoa sen, chúng ta tưởng tượng ra cảnh gió mát trên bờ hồ. Ngắm hoa mai, chúng
ta như muốn đi vào mùa Xuân bất tận. Nhìn hoa hồng, chúng ta như thấy dậy lên
những tình cảm thanh cao. Ngắm hoa huệ giữa đồng, chúng ta chợt nghĩ đến cảnh đời
sớm nở tối tàn...
Tháng Mười hằng năm, cùng với những
cánh hoa dâng lên Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Mẹ. Mẹ là đóa hoa đẹp nhất của vũ trụ.
Nhìn lên Mẹ, chúng ta hưởng nếm được tất cả mọi hương sắc của thánh thiện...
Mẹ là đóa hoa luôn gần gũi và cảm
thông với chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể nở nụ cười của khích lệ, cổ vũ cho
chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể hướng ánh mắt cảm thông, tha thứ về phía chúng
ta...
Chạy đến với Mẹ, chiêm ngắm
hương thơm thánh thiện của Mẹ, chúng ta hãy xin Mẹ biến chúng ta thành những
cánh hoa để giúp cho đời thêm tươi thắm... Giữa sa mạc khô cằn tình người, xin
Mẹ luôn làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của yêu thương, bác ái, cảm
thông, tha thứ, phục vụ... Giữa sa mạc khô cằn niềm tin và hy vọng, xin Mẹ làm
nở lên trong chúng ta những cánh hoa của tin tưởng, phó thác, cậy trông...
Lẽ Sống
Lectio Divina: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy, 1 Tháng 10, 2016
Mùa Thường Niên
Lc 10:17-24
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Cha,
Chúa đã cho chúng con thấy sức mạnh
toàn năng của Chúa
trong lòng thương xót và tha thứ
của Ngài.
Xin Chúa tiếp tục đổ đầy chúng
con với ân sủng tình yêu của Chúa.
Xin Chúa giúp chúng con mau hướng
về sự sống đời đời Chúa đã hứa
và đến để chia sẻ niềm hạnh phúc
của Nước Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng con, Con Chúa,
Đấng hằng sống và hiển trị cùng
với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở
muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng –
Lc 10:17-24
Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về
vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng
phục chúng con.” Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như
luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp,
mọi quyền phép của kẻ thù, và chẳng có gì có thể làm hại được các con. Dù
vậy, các con chớ vui mừng vì thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì
tên các con đã được ghi trên trời.”
Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc
trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin
ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết
những điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, đó
là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết
Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài
Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết.”
Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các
môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt nào được xem thấy những điều
các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua
chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều
các con nghe, mà đã chẳng được nghe.”
3. Suy Niệm
- Bối cảnh: Trước đó, Chúa Giêsu đã sai nhóm bảy mươi
hai môn đệ ra đi, bây giờ họ trở về từ sứ vụ của mình và các ông thuật lại các
việc. Người ta có thể chứng minh rằng sự thành công của sứ vụ là do kinh
nghiệm về sự ưu việt hoặc là quyền lực tối cao của danh thánh Chúa Giêsu vượt
trên quyền lực ma quỷ. Sự thất bại của ma quỷ trùng hợp với việc Nước Trời
sắp đến: các môn đệ đã thấy điều đó trong sứ vụ hiện tại của mình.
Sức mạnh của ma quỷ đã bị suy yếu: ma quỷ đã chịu khuất phục dưới quyền
năng của danh Chúa Giêsu. Một nhận thức như thế không thể là căn bản cho
sự vui mừng và lòng hăng say cho sứ mạng làm nhân chứng của các ông; gốc rễ của
sự vui mừng nằm trong sự thực là được Thiên Chúa biết đến và yêu mến. Điều
này không có nghĩa là được bảo bọc bởi Thiên Chúa và có mối quan hệ với Ngài thì
luôn cho chúng ta lợi thế khi phải đối mặt với quyền năng của ma quỷ. Ở
đây có sự trung gian của Chúa Giêsu được xen vào giữa Thiên Chúa và chúng
ta: “Này, Ta đã ban cho các con quyền năng” (câu 19). Quyền năng của
Chúa Giêsu là điều giúp cho chúng ta có được kinh nghiệm thành công trong việc
đối lại với sức mạnh của ma quỷ và Chúa bảo vệ chúng ta. Một quyền năng
chỉ có thể được trao truyền một khi Satan đã bị bại, Chúa Giêsu đã hiện diện
trước sự sụp đổ của Satan, ngay cả khi hắn ta chưa dứt khoát bị đánh bại hoặc
trấn áp; các Kitô hữu được kêu gọi để cản trở, để đặt chướng ngại cho quyền
năng của Satan trên thế gian. Họ chắc chắn sẽ chiến thắng bất kể thực tế
rằng họ đang ở trong tình trạng nguy cập: họ dự phần dành lấy chiến thắng
trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Kitô mặc dù họ có thể bị lên án trong đau
khổ và cái chết. Chỉ cần như vậy, lý do cho niềm mừng vui không phải là
vì sự chắc chắn trở về bình an mà là vì được Thiên Chúa yêu thương. Câu
nói của Chúa Giêsu: “tên các con đã được ghi trên trời” là một bằng chứng
cho việc được hiện diện trong trái tim của Thiên Chúa (trí nhớ) bảo đảm sự liên
tục cho sự sống đời đời của chúng ta. Sự thành công của sứ vụ của các môn
đệ là hậu quả cho sự thất bại của Satan, giờ đây cho thấy lòng nhân từ của Chúa
Cha (các câu 21-22): sự thành công của Lời Chúa trong sứ vụ của nhóm bảy
mươi hai, được coi là chương trình của Chúa Cha và trong sự hiệp thông vào sự sống
lại của Chúa Con, nghĩa là, bắt đầu từ bây giờ, sự mặc khải về lòng nhân từ của
Chúa Cha; sứ vụ trở thành nơi mặc khải ý muốn của Chúa Cha trong thời kỳ nhân
loại. Kinh nghiệm như thế được truyền đạt bởi thánh Luca trong bối cảnh của
lời cầu nguyện: nó cho thấy một bên là phản ứng trên trời (“Con xin ngợi
khen Cha”, câu 21) và bên kia ở tại thế gian (các câu 23-24).
- Lời cầu nguyện của sự mừng vui hay hớn hở. Trong lời
cầu nguyện mà Chúa Giêsu nói với Chúa Cha, được hướng dẫn bởi tác động Chúa
Thánh Thần, nói rằng “hân hoan”, nghĩa là nói lên sự cởi mở của niềm vui mừng Cứu
Thế và lời công bố sự tốt lành của Chúa Cha. Điều này được thực hiện rõ
ràng trong những kẻ bé mọn, trong người nghèo khó và những kẻ cùng khốn vì họ
đã đón nhận Lời Chúa được truyền tải bởi những người được sai đi và vì thế họ
có được dịp tiến tới một quan hệ với cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Thay vào đó,
sự khôn ngoan và kinh nghiệm, theo sự việc mà họ cảm thấy chắc chắn, thì rất
hài lòng vì khả năng trí tuệ và thần học của mình. Nhưng thái độ như thế
đã ngăn cản không cho họ bước vào sự năng động của ơn cứu rỗi, được ban từ Chúa
Giêsu. Giáo huấn mà Luca dự định truyền lại cho từng tín hữu, không chỉ
nhắm vào các cộng đoàn giáo hội, có thể được tổng hợp như sau: Lòng khiêm
tốn mở cửa cho đức tin; sự tự mãn đóng lại ơn tha thứ, ánh sáng của Chúa, sự tốt
lành của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu có ảnh hưởng với tất cả
những ai để cho mình được bảo bọc bởi sự tốt lành của Chúa Cha.
4. Một vài câu hỏi
riêng
- Sứ vụ đem sự sống của Thiên Chúa đến với tha nhân ngụ ý một
phong cách sống đạm bạc và khiêm nhường. Cuộc sống của bạn có được thấm
nhuần bởi sự sống của Thiên Chúa, bởi Lời của ân sủng đến từ Chúa Giêsu không?
- Bạn có tin tưởng vào lời kêu mời của Thiên Chúa và vào
quyền năng của Người đòi hỏi phải được thực hiện qua sự đơn sơ, nghèo khó và
khiêm nhường không?
5. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,
giàu tình thương với mọi kẻ kêu
xin.
Lạy CHÚA, xin lắng nghe lời con
cầu khẩn,
tiếng con van nài, xin để ý lưu
tâm.
(Tv 86:5-6)