Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

11-12-2016 : (Phần I) CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG năm A

11/12/2016
Chúa Nhật tuần 3 mùa vọng năm A
(phần I)

Bài Ðọc I: Is 35, 1-6a. 10
"Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ chúng tôi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng, và khen ngợi rằng: Ðã ban cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Carmel và Saron. Chính chúng sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa, và huy hoàng của Thiên Chúa chúng ta.
Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, và hãy làm cho tăng sức những đầu gối mỏi mòn. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.
Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Lạy Chúa, xin đến cứu độ chúng con (x. Is 35, 4).
Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.
2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục. Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Ðáp.
3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 5, 7-10
"Hãy vững lòng, vì Chúa gần đến".
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến. Kìa xem người nông phu trông đợi hoa màu quý báu của đồng ruộng, kiên nhẫn đợi chờ mưa xuân và mưa thu. Vậy anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi phải bị kết án. Này đây quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 12)
Alleluia, alleluia! - Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 2-11
"Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".
Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: "Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con". Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Vui Trong Ðợi Chờ
Ðã gần lễ Giáng sinh, ánh mắt các em vui lên rõ rệt. Giọng thánh ca đã có tác dụng trong lòng mọi người. Giáo hội là người mẹ rất nhạy cảm. Ðể chia sẻ niềm hân hoan đang dâng lên trong lòng con cái, Giáo hội đặt Chúa nhật này làm Chúa nhật màu hồng. Lễ phục có thể dùng màu hồng thay vì màu tím. Và các bài kinh, tiếng hát hôm nay như đi trước niềm vui Giáng sinh. Tuy nhiên đây chỉ là nỗi hân hoan trong bầu khí chờ đợi và thái độ cần thiết là biết nhẫn nhục.

A. Vui Trong Ðợi Chờ
Ngay những lời đầu tiên trong sách Isaia đã đầy những từ ngữ: hoan lạc, hân hoan, trổ hoa, nở hoa, nhiệt liệt, reo hò. Diễn được hết ý của nhà tiên tri, thật là khó! Niềm vui trong lòng ông rất to lớn. Nhưng đó chỉ là niềm vui trong tương lai mà khi trình bày tác giả chưa được nếm. Ông nói về niềm vui sau Lưu đày khi Dân Chúa được hồi hương. Quả thật, ai sung sướng bằng Dân được độc lập, giải phóng! Ngày đó người què cũng muốn nhảy, người điếc cũng muốn nghe, người câm chỉ muốn nói. Và đất nước tuy tan hoang nhưng hứa hẹn sẽ nở hoa. Isaia muốn diễn tả niềm vui đó, niềm vui được nhìn thấy quê hương sau những năm đô hộ, nô lệ và lưu đày. Giáo hội mượn lại lời ông để nói đến niềm vui khi Chúa đến. Và thật ra những lời tiên tri kia cũng chỉ thực hiện đầy đủ khi Chúa đến và cứu chuộc chúng ta. Thế nên đó là niềm vui của thời Thiên sai, của Ngày Chúa trở lại. Chỉ khi ấy mọi người què mới đi được, mọi người câm mới nói được, và mọi người điếc mới nghe được. Tất cả mọi khổ sở, đau phiền, bệnh tật, chết chóc bấy giờ mới chấm dứt; và người ta mới có thể nói như Isaia: vĩnh biệt phiền sầu than vãn.
Nhưng mọi sự sẽ xảy ra trong Ngày Chúa đến đều đã khởi sự từ ngày Chúa Giáng sinh. Và Ðức Kitô đã có lý khi bảo người ta: hãy về thuật lại cho Yoan những điều mắt thấy tai nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại. Những điều đó Chúa đã làm ngay từ Ngày Ngài xuất hiện. Ðó là dấu chỉ thời Thiên sai đã tới. Phải vui mừng! Nhưng chưa phải là Ngày Chúa đến lần sau hết. Nên niềm vui hiện nay còn là niềm vui đợi chờ.
Yoan có hiểu được bài học đó không? Chúng ta ngày nay có biết vui trong đợi chờ không? Hoàn cảnh của Yoan giúp ta đón nhận bài học của Chúa.

B. Hoàn Cảnh Của Yoan
Tin Mừng thánh Matthêô hôm nay nói: bấy giờ Yoan Tẩy Giả đang ở trong tù. Một người như ông sao lại phải như thế? Lần trước ông xuất hiện như một nhà đại tiên tri. Toàn dân công nhận nhân đức của ông. Nên từ mọi nơi, thôn quê cũng như tỉnh thành, người ta tuốn đến xin ông dội nước cho để thống hối tội lỗi. Uy tín của ông cao đến độ dám có những lời rất nghiêm nghị với bậc cai trị dân. Thế mà đột nhiên, ông bị bắt và ở tù. Tại ông đã cảnh cáo vua Hêrôđê loạn luân cướp vợ của anh mình. Yoan buồn vì số phận hiện nay ư? ông đã quá biết số phận của các tiên tri. Có lẽ ông đã không sai người đến hỏi Chúa Yêsu như Tin Mừng hôm nay kể, nếu ông đã không giới thiệu Ngài như Chúa nhật trước chúng ta đã thấy. Ông loan báo Ngài là Ðấng sẽ đến để xét xử công minh, để phân biệt thóc với trấu và để ném trấu vào lửa cháy. Thế mà sao Ngài vẫn dửng dưng đối với việc ông ngồi tù và trước hành vi bất chính rõ rệt của Hêrôđê. Vậy Ngài có phải là Ðấng sẽ đến để xét xử công minh không?
Ðó có thể là thắc mắc duy nhất trong đời Yoan. Chắc chắn đó là vấn nạn của mọi thời đại Cựu Ước và của chính chúng ta ngày nay. Ðiều làm cho mọi thế hệ loài người khó hiểu đến nỗi muốn vùng lên không tin tưởng gì nữa và thấy đời thật vô lý: là cớ sao kẻ dữ cứ sống phây phây và kẻ lành bị khổ cực đến thế? Chúa đã đến có phải là Ðấng phân xử công minh không? Trường hợp của Yoan là hoàn cảnh của chúng ta, là vấn đề của đời sống con người. Lời Chúa giải đáp cho Yoan thật đáng chú ý.

C. Giáo Lý Của Chúa
Chúa đã trả lời ngay câu hỏi của Yoan. Người bảo người ta hãy về nói cho ông biết Ðấng Thiên Sai, Ðấng Xét Xử đã đến rồi. Cứ xem các việc Người làm thì rõ. Kẻ què đi được, người câm nói được, kẻ mù xem thấy. Isaia đã tiên báo những điềm đó; nay đang ứng nghiệm. Nhưng Chúa đã thêm: "Phúc cho người không vấp ngã vì Ta" nghĩa là phúc cho người không bực bội khó chịu vì thái độ của Ta, khi thấy Ta không hoàn toàn như họ nghĩ. Chúa muốn nói với Yoan và chúng ta rằng: Ngài chính là Chúa, nhưng Ngài không hoàn toàn như ta nghĩ đâu! Ta phải tin Ngài chứ không được xét đoán Ngài. Nếu Ngài phải y như ta nghĩ, thì Ngài không còn là Chúa của ta nữa. Thiên Chúa vượt quá mọi khả năng của ta. Chúng ta phải tin Ngài, phó thác mọi sự nơi Ngài. Có như vậy, chúng ta mới là tín hữu.
Nhưng để giúp Yoan và chúng ta tin tưởng, Chúa đã quay ra nói với mọi người về Yoan. Ngài ca tụng ông là người lớn nhất sinh ra bởi người nữ. Ngài công nhận các nhân đức và sự thánh thiện của ông. Ngài là Ðấng phân xử công minh ngay từ khi Ngài đến. Nhưng việc phân xử của Ngài mới chỉ là khởi sự. Nó chỉ kết thúc khi Ngài sẽ trở lại. Lúc đó thóc sẽ được đưa vào lẫm và trấu sẽ bị quăng vào lửa. Ai tin ở Ngài mới được vào Nước Trời. Và bất cứ ai được vào Nước đó cũng sẽ lớn hơn Yoan nếu ông không tin và không chấp nhận đường lối của Chúa.

D. Thái Ðộ Của Ta
Chắc chắn Yoan đã sung sướng khi nhận được câu trả lời của Chúa và biết rằng Chúa thấu hiểu tâm can của mình. Ông tin ở Chúa và đã sống phó thác hoàn toàn. Thánh Yacôbê trong bài thư hôm nay khuyên ta noi gương cam khổ và kiên tâm, tức là các tiên tri, những vị đã tuyên ngôn Danh Chúa. Chúng ta hãy bắt chước Yoan Tẩy Giả là khuôn mặt đáng kính của Mùa Vọng Phụng vụ. Hoàn cảnh của ông giúp ta hiểu thân phận con người của mình sống ở trần gian trong thời kỳ trông đợi Ngày Chúa đến. Chúng ta hãy vui mừng hân hoan. Không phải vì tất cả đã sáng sủa, tươi tắn như lễ phục màu trắng đẹp trong ngày lễ Giáng sinh. Mọi sự sẽ chỉ được phơi bày ra một cách công khai trong Ngày Chúa trở lại. Nhưng ngay bây giờ, Chúa cũng đã đến rồi. Giáo lý của Ngài đã bắt đầu phân xử lương tâm mọi người. Mỗi người đọc giáo lý của Chúa và nghe tiếng lương tâm mình đã tự biết mình thánh thiện hay tội lỗi như thế nào. Chúa phán xử ngay trong lòng mọi người. Còn ở ngoài, chưa phải là lúc Chúa đến trong uy quyền thật sự, lành dữ chưa hoàn toàn phân minh. Ai tin vào đường lối của Chúa đã được an tâm, hân hoan trong tâm hồn. Ðời tuy chưa trắng đẹp hoàn toàn nhưng cũng đã mặc màu hồng vui hơn màu tím nhờ có niềm tin giúp ta nhìn đời.
Thế nên ta hãy chấp nhận lời khuyên của thánh Yacôbê: hãy kiên tâm chờ ngày quang lâm của Chúa. Kìa coi nhà nông, kiên tâm chờ cho đến mùa... Thế nên đừng phàn nàn oán trách nhau. Một thái độ như thế chắc chắn không dễ gì. Không dễ gì có thể sống hòa thuận như Phụng vụ dạy ta lần trước. Hôm nay, Phụng vụ chỉ thêm cho ta phương thức để tạo bầu khí thuận hòa. Ðó là theo gương Yoan kiên tâm nhẫn nhục tin tưởng vào đường lối của Chúa và không vấp ngã vì Ngài.
Và cũng như mọi lần, Phụng vụ cống hiến cho ta sức mạnh để thi hành các nhân đức khi mời gọi ta tham dự mầu nhiệm Thánh Thể. Ở đây, ta thấy Chúa kiên tâm trong mầu nhiệm đau khổ để đem niềm tin vào tâm hồn chúng ta, để ta bắt chước Chúa khởi sự thời đại Thiên Sai hầu dần dần đi tới ngày nhìn lại quê hương mặt đất này, chúng ta sẽ thấy như Isaia mọi nơi đều trổ hoa. Và cả những nơi hoang địa cũng hân hoan vì niềm vui vĩnh cửu đã đội trên đầu mọi người và vĩnh biệt phiền sầu than vãn.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm A
Bài đọc: Isa 35:1-6a, 10; Jac 5:7-10; Mt 11:2-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đấng Thiên Sai sẽ mang lại niềm vui và bình an cho con người.
Nhiều người lầm tưởng để có bình an và hạnh phúc, họ cần có uy quyền, danh vọng, giàu sang, sắc đẹp; nhưng thực tế chứng minh cho dù có những điều này, con người vẫn không có bình an và hạnh phúc. Con người chỉ có bình an và hạnh phúc thực sự, khi Thiên Chúa ngự trong tâm hồn, và hướng dẫn mọi khía cạnh trong cuộc sống.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban Đấng Thiên Sai, và niềm vui khi con người có được Ngài trong tâm hồn. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah nhắc lại lời Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Thiên Sai trong giòng tộc David, cho dù dân chúng đang sống lầm than khổ cực nơi lưu đày. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu phải luyện tập nhân đức trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô đến lần thứ hai, nhất là kiên tâm bền chí và ăn ở thuận hòa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen ngợi Gioan Tẩy Giả vì ông có một đức tin vững vàng, một cuộc sống đơn giản, và một cuộc đời làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Tuy thế, Chúa Giêsu nhấn mạnh người thấp nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.
1.1/ Thiên Chúa có thể làm mọi sự: Lời kêu gọi của tiên-tri Isaiah trong cảnh lưu đày: "Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Liban, vẻ rực rỡ của núi Carmen và đồng bằng Sharon. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta."
+ Làm sao sa mạc, vùng đất hoang, và đồng khô cỏ cháy có thể trổ bông? Điều này nhắc nhở con người Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Khi Đấng Thiên Sai đến, Ngài có thể biến những tâm hồn bi quan thành lạc quan, đau buồn thành niềm vui, thất vọng thành tràn trề hy vọng.
+ Núi Liban, núi Carmen, và đồng bằng Sharon của vùng Cận Đông tượng trưng cho vẻ đẹp huy hòang và sự màu mỡ. Khi Đấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ làm cho con cái Israel được hoành tráng như thế.
1.2/ Thiên Chúa mang lại sức mạnh, niềm vui, và hy vọng cho con người: Lời sấm của tiên-tri Isaiah có hai cấp độ hoàn thành:
(1) Thiên Chúa sẽ giải thoát Israel khỏi lưu đày: Điều này đã xảy ra vào năm 538 BC, khi vua Cyrus của Ba-tư ra chiếu chỉ cho con cái Israel hồi hương và giúp họ tài chánh để xây dựng lại Đền Thờ và tái thiết xứ sở.
Sống trong thời chiến tranh và hoàn cảnh lưu đày, con người dễ lâm vào cảnh lo âu, sợ hãi, khi nghĩ tới tương lai. Tiên tri Isaiah được Thiên Chúa sai tới để củng cố niềm hy vọng cho con cái Israel nơi lưu đày: "Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng."
(2) Đấng Thiên Sai sẽ giải thoát con người khỏi mọi bất hạnh: Điều này đã xảy ra khi Chúa Giêsu đến:
- Ngài sẽ mang ơn cứu độ đến cho con người: "Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em."
- Ngài sẽ chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng: "Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò."
- Ngài sẽ giải thoát con người khỏi tội: cho những tù nhân khỏi tù tội, và làm cho kẻ lưu đày được hồi hương: "Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất."
2/ Bài đọc II: Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì Ngày Chúa quang lâm đã gần tới.
2.1/ Phải kiên nhẫn chờ đợi trước khi nhìn thấy kết quả: Thời gian chờ đợi là kẻ thù của con người, vì nó làm cho con người mất kiên nhẫn; nhưng theo ý định của Thiên Chúa, con người làm việc gì cũng phải lệ thuộc vào thời gian. Thánh Giacôbê đưa ra một ví dụ nông nghiệp để khuyên các tín hữu phải bền tâm vững chí trong khi chờ đợi Ngày Đức Kitô đến lần thứ hai: "Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới."
2.2/ Phải chuẩn bị và luyện tập nhân đức: Vẫn theo ví dụ của nhà nông, trong khi chờ đợi mùa gặt hái, họ phải bón phân, tỉa cành, giết sâu bọ, để cây có thể cho nhiều trái và hoa quả tốt tươi. Con người cũng thế, họ không chỉ kiên nhẫn chờ đợi Ngày Chúa đến, nhưng còn phải kiên trì cầu nguyện và tập luyện các nhân đức cần thiết. Thánh Giacôbê liệt kê những điều cần thiết phải làm:
(1) Phải ăn ở thuận hòa: Con người thường có thói quen lấy mình làm tiêu chuẩn để phán xét tha nhân, dù nhiều khi rất thiển cận và bất công. Cách tốt nhất để giúp con người ăn ở thuận hòa là đừng bao giờ phán xét người khác khi không có trách nhiệm, để rồi sẽ không bị phán xét bởi Thiên Chúa; vì chúng ta đong đấu nào cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ dùng đấu ấy mà xét xử chúng ta. Ngài khuyên các tín hữu: "Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa."
(2) Noi gương các ngôn sứ: "Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa." Các ngôn sứ không sợ chấp nhận hậu quả của việc nói sự thật, các ngài sẵn sàng chấp nhận sự ghét bỏ và truy tố của con người. Hơn nữa, con người không dễ thay đổi, các ngài phải kiên nhẫn chờ đợi để thay đổi và giúp con người làm hòa với Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.
3.1/ Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Trình thuật kể ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, khi nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?"
+ Tại sao Gioan đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu? Phải chăng Gioan nghi ngờ hay các môn đệ của ông nghi ngờ Đấng Thiên Sai? Có lẽ Gioan đặt câu hỏi với Chúa không phải do nghi ngờ, vì chính ông đã chỉ vào Chúa và giới thiệu với các môn đệ khi Ngài đi ngang qua (Jn 1:29); nhưng ông muốn các môn đệ của ông được củng cố niềm tin bằng chính những lời từ miệng Chúa.
+ Đáp lại câu hỏi của Gioan, Chúa Giêsu không dùng lời nói để diễn tả; nhưng kêu gọi họ hãy nhìn bằng hành động. Đó là cách thức vững chắc nhất để củng cố niềm tin: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." Những điều này đã được tiên-tri Isaiah loan báo trong Cựu Ước ở trên. Khi một người chứng kiến những điều lạ xảy ra, họ phải nhận ra triều đại của Đấng Thiên Sai đã đến.
3.2/ Đức Kitô khen ngợi Gioan: Khi các môn đệ của Gioan đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan và khen ngợi:
(1) Niềm tin vững vàng của Gioan: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?" Cây sậy phất phơ trước gió biểu tỏ một niềm tin lung lay như những người "gió chiều nào, theo chiều đó." Gioan chắc chắn không phải là một cây sậy phất phơ trước gió; nhưng một người với một niềm tin chắc chắn.
(2) Cuộc sống đơn giản của Gioan: "Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua." Gioan không mặc gấm vóc lụa là và ở trong cung điện; nhưng ông mặc áo da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng, và ở trong sa mạc. Ông chứng minh con người có thể sống một cuộc đời đơn giản, không quá lệ thuộc vào vật chất, và sống gần gũi thiên nhiên; để còn có thời giờ chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Đấng Thiên Sai.
(3) Sứ vụ của Gioan: "Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa." Ngôn sứ là người nói thay cho Thiên Chúa. Cuộc sống ngôn sứ của Gioan chứng minh ông thi hành sứ vụ của ngôn sứ mà không sợ bất cứ một hậu quả gì. Chính vì nói thẳng và nói thật đã đưa ông vào tù, và bị chém đầu đặt trên đĩa sau này.
(4) Gioan là ngôn sứ cao trọng nhất: Chúa Giêsu khen ngợi Gioan: "Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến." Gioan dọn đường cho Đấng Thiên Sai bằng cách sửa dọn tâm hồn cho dân chúng và ông nhìn thấy và chỉ rõ cho dân chúng biết Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Các ngôn sứ khác của Cựu Ước chỉ mặc khải một số chi tiết có liên quan tới Ngài.
(5) Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông: Sau cùng, Chúa Giêsu kết luận: "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông." Khi nói những điều này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Gioan; vì cũng như khi Ngài trả lời những người cho Ngài biết Mẹ và anh em đến tìm Chúa: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Mẹ Ta và anh em Ta là những kẻ nghe và thực hành ý muốn của Thiên Chúa." Gioan đã thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao cách tốt đẹp và đầy đủ, ông cũng sẽ được thừa hưởng Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta chỉ thực sự có niềm vui và hạnh phúc khi Đức Kitô đến và cư ngụ trong tâm hồn chúng ta; chứ không lệ thuộc vào bất cứ điều gì hời hợt bên ngoài.
- Để đón nhận Đức Kitô, chúng ta cần phải kiên nhẫn cầu nguyện, thanh tẩy tâm hồn, và luyện tập các nhân đức.
- Noi gương Gioan Tẩy Giả, người thực sự có niềm vui và hạnh phúc, chúng ta cần luyện tập để có một đức tin vững vàng, một cuộc sống giản đơn, và trung thành làm chứng cho Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

11/12/16 CHÚA NHT TUN 3 MV – A 
Mt 11,2-11

Suy nim: Khi các môn đ đến bày t s ghen t vì thy dân chúng tun đến vi Đc Giê-su, Gio-an Ty Gi đã gii thích cho h rng Đc Giê-su mi là Đng Ki-tô, còn ông, trong vai trò phù r vui mng và chp nhn lu m đi khi thy chàng r, là Đng Ki-tô, được ni bt lên (x. Ga 3,26-30). Thâm ý ca Gio-an Ty Gi khi sai các môn đ đến hi Chúa Giê-su “có tht là Đng phi đến”, là mun h được trc tiếp gp g Đc Ki-tô. Hiu ý đó, Chúa Giê-su đã gii ta ng nhn cho các môn đ ca Gio-an và cho dân chúng bng cách chng t nhng li ngôn s tiên báo v Đng Thiên sai nay được ng nghim qua các du l Ngài làm mà h đang chng kiến: “Người mù xem thy, k què được đi, người phong được sch, người chết sng li, người nghèo khó được nghe Tin Mng” (x. Is 26,19; 29,18; 35,5-6; 42,7; 61,1). Nghin ngm Li Kinh Thánh và khám phá Li đó được ng nghim qua nhng du ch trong cuc sng, đó là bí quyết đ nhn biết và tin rng Đc Giê-su chính là “Đng phi đến”.
Mi Bn: Nhng lúc yếu lòng trong đc tin, nhng lúc hoang mang nghi ngi, mi bn ngi xung, m sách Tin Mng ra, đc và suy nim, đ nhn biết Li đang ng nghim trong tng biến c cuc đi bn và đ xác tín rng Ngài là Đc Ki-tô, là Đng cu đ, là Đng gii thoát chúng ta khi cái chết đi đi và đưa chúng ta đến hnh phúc vĩnh cu.
Sng Li Chúa: Đc và suy gm Li Chúa mi ngày đ gp g Đc Ki-tô và thêm lòng xác tín vào Ngài.
Cu nguyn: Ly Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng tin cho chúng con. Amen.

CÒN PHI ĐI AI? (11.12.2016 – Chúa nht 3 Mùa Vng, năm A)
Ta nghĩ Chúa đến mt cách n ào, oai phong lm lit, thì Ngài li đến cách âm thm lng l. Ta tưởng Chúa đến qua nhng đi l thênh thang, thì Ngài li đến qua ngõ hp tăm ti. 


Suy nim:
“Anh em ra xem gì trong hoang địa?”
Ðức Giêsu đã ba lần đặt câu hỏi như thế.
Hẳn không phải để xem một cây sậy bị gió lay,
vì Gioan chẳng phải là người dễ lung lay, khuất phục.
Cũng không phải để xem người mặc lụa là gấm vóc,
vì Gioan chỉ có áo lông lạc đà và dây lưng da.
Nhưng để gặp một vị ngôn sứ cao trọng hơn cả,
vì ông ở đỉnh cao kết thúc Cựu Ước,
đồng thời ông là người giới thiệu Ðức Kitô cho dân Israel.
Ðối với ông, Ðức Kitô là Ðấng mạnh mẽ.
Ngài đến sau ông, nhưng mạnh hơn ông (x. Mt 3,11).
Ngài như người cầm rìu chặt mọi cây không sinh trái
và quăng vào lửa (x. Mt 3,10).
Ngài còn như người cầm nia sàng sảy (x. Mt 3,12),
thóc lép thì cho vào lửa, thóc mẩy thì thu vào kho.
Ngài sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa (x. Mt 3,11).
Quả thực Ngài là vị thẩm phán đáng sợ.
Ngài trừng phạt tội nhân bằng ngọn lửa không hề tắt.
Khi ở tù, Gioan vẫn nghe biết các việc Ðức Giêsu làm.
Thật chẳng có gì giống với những điều ông đã loan báo.
Ngỡ ngàng, hoang mang, ông sai môn đệ đến gặp Ngài.
Ðức Giêsu kín đáo cho thấy Ngài thật là Ðức Kitô,
vì Ngài làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ Isaia loan báo.
Ngài không phải là một Mêsia đoán phạt, báo thù,
nhưng là một Mêsia xót thương cúi xuống người đau khổ.
Gioan đứng trước một thách đố.
Ông có chịu đổi quan niệm của mình về Ðấng Mêsia không?
Nếu không đổi, ông chẳng thể nào đón nhận Ðức Giêsu,
Ðấng mà ông đã giới thiệu là Kitô, là Mêsia.
“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Phêrô cũng đã vấp ngã sau khi tuyên xưng đức tin.
Ông không thể nào chấp nhận một Ðấng Mêsia chịu đau khổ.
Giona cũng nổi giận, vì Thiên Chúa không phạt dân Ninivê
như lời ông loan báo (x. Ga 3,4; 4,1).
Như thế cả Giona, Gioan hay Phêrô
đều phải mở ra để đón lấy Thiên Chúa bất ngờ.
Ngài không như điều ta tưởng,
thậm chí có khi Ngài ngược với điều ta rao giảng.
Gioan đã vượt qua chính mình khi nói:
“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
Ông đã giới thiệu môn đệ và dân chúng đến với Ðức Giêsu.
Nhưng ông còn phải vượt qua chính mình một lần nữa,
khi chấp nhận thanh lọc cái nhìn của mình về Ðấng Mêsia.
Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến.
Ta nghĩ Chúa đến một cách ồn ào, oai phong lẫm liệt,
thì Ngài lại đến cách âm thầm lặng lẽ.
Ta tưởng Chúa đến qua những đại lộ thênh thang,
thì Ngài lại đến qua ngõ hẹp tăm tối.
Ta chờ Ngài những câu trả lời, còn Ngài lại đặt câu hỏi!
Xin cho chúng ta đừng đi tìm Ngài, khi Ngài đang ở kề bên.
Cầu nguyn:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Nguời là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
R. Tagore

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG MƯỜI HAI
Một Người Mẹ Trong Trật Tự Ân Sủng
“Đức Maria Vô Nhiễm đứng dưới chân Thập Giá: Mẹ đã mang thai, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, dâng Người cho Chúa Cha trong Đền Thờ, chia sẻ đau khổ của Con mình khi Người chết trên Thập Giá. Vì thế, Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công cuộc của Đấng Cứu Thế bằng sự vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng cháy… Vì thế Mẹ là Mẹ của chúng ta trong ân sủng.” (LG 61). Đó là giáo huấn của Công Đồng.
Và đó là lý do tại sao Mẹ Thiên Chúa cũng gắn bó mật thiết với Giáo Hội. Mẹ là hình ảnh diễn tả Giáo Hội – như thánh Ambrôsiô dạy – trong trật tự của đức tin, của tình yêu và của sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Kitô. Thật vậy, ‘trong mầu nhiệm Giáo Hội, vốn được gọi rất đúng là ‘mẹ và trinh nữ’, thì Đức Nữ Trinh Maria đã đi đầu, đã tỏ ra là mẹ và trinh nữ trong một cách thế ưu việt và vô song” (LG 63).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11-12
Chúa Nhật III Mùa Vọng
Is 35,1-6a.10; Ge 5,7-10; Mt 11,2-11.

Lời suy niệm: “Thưa Thầy, Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Gioan Tẩy Giả là vị tiền hô dọn đường cho Chúa Giêsu, ông đã kêu gọi mọi người sám hối với những lời cảnh báo: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). “Tay người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẫy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (Mt 3,12). Giờ đây, ông đang ở trong tù và nghe Chúa Giêsu đã làm và cách Người sống với mọi người bằng một tình yêu tha thứ, một tình yêu phục vụ, giúp cho mọi người được hy vọng và tìm lại phẩm giá của mình. Gioan ngỡ ngàng hoan mang nên đã sai các môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu để nhận sự thật về Người. Chúa Giêsu kín đáo cho Gioan biết: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo nghe được Tin Mừng.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn nhận ra Chúa trong cuộc sống của chúng con, để chúng con biết yêu thương và phục vụ nhau trong tình mến Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 11-12: Thánh ĐAMASÔ I
Giáo Hoàng (305 - 384)

Đây là một vị giáo hoàng sáng chói trong Hội Thánh. Ngài đã xác nhận quyền tài thẩm trên toàn thể Giáo hội là do thánh Phêrô lãnh được bởi Chúa Kitô. Đức giáo hoàng Libêriô đã chú ý tới linh mục Damasô gốc Tân Ban Nha và đặt Ngài làm tổng phó tế cai quản Giáo hội. Khi hoàng đế Constance ủng hộ phái Ariô bắt Đức Libêriô đi đày. Damasô đi theo Ngài. Nhưng Đức Libêriô cảm thấy mình sắp chết, và để chiều theo ý Ngài, Damasô trở lại Roma, nơi Ngài sẽ được chọn làm giáo hoàng.
Giữa những phiến động, phân ly và xáo trộn, triều đại giáo hoàng của Ngài khổ não tột cùng. Dầu vậy, chính những điều đó làm nên vinh quang cho đức giáo hoàng. Là nhà trí thức, khảo cổ và thi nhân, Đức Damasô đã lưu giữ những chứng liệu quý báu về Roma của Kitô giáo thời xưa, Ngài đã sửa sang phần mộ các thánh tử đạo, trước tác những vần thơ để ở mộ bia. Những nét chữ đẹp trên các mộ mênh danh là "chữ Damasô". Ngài cho xây nhiều đại thánh đường và nhiều nhà từ thiện.
Chúng ta phải biết ơn thánh Damasô nhiều, vì Ngài đã nhận thức được tài năng giá trị của thánh Hiêrônimô và đã trao phó trách nhiệm hiệu đính bản dịch thánh kinh. Chính Ngài đã kết các thánh vịnh bằng kinhsáng danh.
Giữ cho đức tin được tinh ròng ở cộng đồng Nicêa chống lại phái Ariô, Đức Damasô đã triệu tập nhiều công đồng. Công đồng Constantinople đã đưa Ngài tới danh hiệu cao cả nhất là "viên ngọc của đức tin".
Đức Damasô đã viết nhiều vần thơ đề mộ bia. Có một tấm Ngài viết về chính mình và đăt ở nghĩa trang thánh Callistô: "Tôi, Damasô muốn được chôn cất tại đây, nhưng tôi sợ phàm tục hóa xương cốt các thánh nhân".
Bởi vậy, Ngài đã được chôn cất trong một thánh đường ở Via Ardeatina.
(daminhvn.net)


11 Tháng Mười Hai
Tiếng Khóc Của Sa Mạc
Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng: một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế, anh ta giải thích như sau: "Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi".
Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng thế tâm hồn con người luôn hướng về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao nghị lực, biết bao mồ hôi... để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt... Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét