Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

04-02-2017 : THỨ BẢY - TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

04/02/2017
Thứ 7 tuần 4 TN


Bài Ðọc I (Năm I): Dt 13, 15-17, 20-21
"Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Ðấng nhờ máu giao ước, làm cho anh em xứng đáng thi hành việc thiện".
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, nhờ Ðức Giêsu mà trong mọi lúc, chúng ta luôn luôn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ ngợi khen, tức là hoa quả của miệng lưỡi ta tuyên xưng danh Người. Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng về những của lễ như thế. Anh em hãy vâng lời và tùng phục các vị lãnh đạo anh em, vì chính các ngài canh giữ linh hồn anh em, như những người sẽ phải trả lẽ, để các ngài hân hoan thi hành việc đó, chớ không phàn nàn, vì điều đó không có lợi gì cho anh em. Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Ðấng nhờ máu giao ước vĩnh cửu, trở nên vị Mục tử cao cả, tức là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xin Người làm cho anh em trong các việc thiện, xứng đáng thi hành thánh ý Người, khi Người thực hiện trong anh em điều Người hài lòng, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng được vinh quang đến muôn đời. Amen.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sỡ dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 30-34
"Họ như đàn chiên không người chăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Dung mạo Chúa Giêsu
Manio Flajano, văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia, qua đời năm 1972, đã để lại những trang nhật ký thật cảm động: năm 1942, đứa con gái 8 tuổi của ông bị bệnh sưng màng óc và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đến năm 1992. Nhìn đứa con mà lòng đau xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa. Trong một trang nhật ký, ông viết: "Một người đàn ông nọ dẫn đến cho Chúa Giêsu đứa con gái bệnh tật và nói với Ngài: "Con không muốn chữa lành nó, nhưng chỉ xin Chúa yêu thương nó mà thôi". Chúa Giêsu cúi xuống hôn đứa bé mà nói: "Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều mà có thể cho được". Nói xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một đám đông tiếp tục bàn tán về các phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô tả các phép lạ".
Những dòng trên đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Thật thế, Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, Tin Mừng cũng không phải là một Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là một con người bằng xương bằng thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu thương. Ðọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không làm phép lạ như một phù thủy múa may cây đũa thần của mình, Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để làm lóe mắt thiên hạ. Phép lạ là dấu chỉ của ơn cứu độ, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ hóa thân làm người và sống thiết thân với con người.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói: "Chúa Giêsu thấh đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương". Ðây là tất cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.
Chiêm ngắm một Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" đã nói: Chỉ trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Con người bởi đâu mà đến? sẽ đi về đâu? chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài, chúng ta còn phải biết sống thế nào cho phải đạo làm người. Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên Thập giá, chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.
Tin mừng của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không ngừng được mời gọi để sống kết hiệp với Ngài, để đón nhận sức sống của Ngài và sống theo lý tưởng của Ngài. Ước gì chúng ta luôn được củng cố trong niềm xác tín rằng Ngài đang hiện diện và đồng hành với chúng ta trong từng phút từng giây cuộc sống.

Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy, Tuần IV TN2
Bài đọcHeb 13:15-17, 20-21; Mk 6:30-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên

Trong cuộc đời không ai là một hòn đảo để tự mình sinh sống. Con người cần sự giúp đỡ của tha nhân, và chính họ cũng phải giúp đỡ người khác. Một em bé chào đời không thể tự mình sinh sống. Về phương diện vật chất, em cần sự thương yêu và chăm sóc của cha mẹ cho đến khi em đủ khả năng để tự sinh sống một mình. Về phương diện tri thức, em cần sự giáo dục trong gia đình cũng như nhà trường, để giúp em thâu thập những kiến thức cần thiết để biết đối xử, suy luận, và làm việc với mọi người. Về phương diện tâm linh, em cần được hướng dẫn để nhận ra Đấng Tạo Thành, và sống mối tương quan với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến những mối liên hệ này, đặc biệt mối liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái nhấn mạnh đến việc cả hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau, và đoàn chiên phải vâng lời vị mục tử. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải biết quí trọng sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và sống mối liên hệ với Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã không thể cầm được lòng thương xót khi thấy dân Ngài vất vả “như chiên không người chăn dắt.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc ICùng giúp đỡ nhau để thi hành thánh ý Chúa.
1.1/ Bổn phận tương thân, tương trợ: Mục đích của tôn giáo là đưa con người tới Thiên Chúa. Để thể hiện điều này, con người phải thực hiện 2 điều:
(1) Thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh.” Việc thờ phượng biểu lộ qua cầu nguyện cá nhân và phụng vụ cộng đồng.
(2) Giúp cho mọi người có cơ hội đến với Thiên Chúa: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.” Theo cách cấu trúc của Giáo Hội, những người lãnh đạo tinh thần tại địa phương như các giám-mục, linh-mục, là những người có trách nhiệm trực tiếp lo cho phần linh hồn của các tín hữu. Tác giả khuyên các tín hữu hãy vâng lời những người lãnh đạo tinh thần này: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.” Ngoài việc vâng lời, các tín hữu còn phải tích cực hơn bằng cách biểu lộ sự biết ơn bằng cách cầu nguyện và săn sóc đến nhu cầu vật chất, để họ có sức khỏe và thời gian để phục vụ đoàn chiên. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính mình vậy.
1.2/ Phải thi hành thánh ý Thiên Chúa: Đây là mục đích chính của con người trong cuộc đời, vì tất cả mọi loài Thiên Chúa dựng nên là cho một mục đích. Đâu là mục đích hay thánh ý của Thiên Chúa cho con người? Tác-giả Thư Do-thái đã vạch ra rất rõ ràng: đó là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Như vậy, tuy là ý của Thiên Chúa, nhưng là vì lợi ích cho con người; vì thế, ý của Thiên Chúa cũng phải là ý của con người.
(1) Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: Để đạt mục đích của Thiên Chúa, Đức Kitô đã vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự ngay cả chấp nhận cái chết để thực hiện thánh ý Thiên Chúa: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu.”
(2) Chúng ta cũng phải trung thành thi hành thánh ý của Ngài: Nếu Đức Kitô đã sẵn sàng hy sinh đổ máu cho chúng ta được sống, lẽ nào chúng ta lại để cho máu cực thánh của Ngài trở nên vô hiệu nơi bản thân chúng ta. Tác giả cầu xin cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Đức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.”
3/ Phúc ÂmHãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.
3.1/ Người tông-đồ cần quí trọng sự thanh vắng để được nghỉ ngơi bồi dưỡng: Các tông-đồ cũng giống như chúng ta dễ cảm thấy mừng vui khi nhìn thấy kết quả những gì mình đã hy sinh và được dân chúng hoan ngênh nhiệt liệt. Những lúc như thế, đa số sẽ sẵn sàng hy sinh, ngay cả việc ăn uống, ngủ nghỉ, để có thời giờ làm việc hơn nữa để đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khôn ngoan nhắc nhở các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Có nhiều lý do cho lời khuyên khôn ngoan này:
- Thân xác con người có giới hạn của nó: Khi con người làm việc mệt mỏi, họ cần được nghỉ ngơi dưỡng sức; nếu không họ sẽ dễ dàng bị quá tải, và làm việc sẽ không đạt hiệu năng.
- Hoạt động tông đồ cần được thăng bằng qua đời sống cầu nguyện: Nếu không dành thời giờ cho việc cầu nguyện, người tông-đồ sẽ không có sức mạnh tinh thần cho những đòi hỏi của việc tông-đồ. Thánh phụ Đa-minh đã thăng bằng 2 cuộc sống bằng cách rao giảng ban ngày và cầu nguyện ban đêm.
3.2/ Con người khao khát được dạy dỗ và lắng nghe Tin Mừng: Tuy đã cùng với các tông-đồ xuống thuyền để xa cách dân chúng để Thầy trò có thể nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng khi ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông đã chờ đợi sẵn, Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Người lại bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Xưa cũng như nay, nhu cầu săn sóc phần hồn cho dân chúng luôn khẩn trương cần thiết, vì:
(1) Chiên không người chăn sẽ không biết đường đi: Người mục-tử tinh thần cần chỉ cho đoàn chiên của mình đường đi tới Thiên Chúa, đích điểm của cuộc đời. Không có đích điểm này, con người sẽ dễ lạc hướng, và sẽ bị cuốn hút vào những mời gọi bất chính của quỉ thần và thế gian.
(2) Chiên không người chăn sẽ không kiếm được thức ăn bổ dưỡng: Người mục-tử tinh thần cần chính mình nuôi dân hay chỉ cho dân tới những thức ăn tinh thần như Lời Chúa, các bí-tích, và đời sống cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.
(3) Chiên không người chăn sẽ làm mồi cho thú dữ: Người mục-tử tinh thần cần sớm nhận ra và chỉ cho đoàn chiên biết những cám dỗ nguy hiểm và cạm bẫy của cuộc đời: lối sống ích kỷ, hưởng thụ, tôn thờ vật chất, giết hại thai nhi, thay vợ đổi chồng, tự do quá trớn …

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mối liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên đòi hai chiều: mục-tử cần yêu thương và lo lắng cho đoàn chiên; trong khi đoàn chiên cần vâng lời và giúp đỡ mục tử chu toàn nhiệm vụ. Cả hai cần phải thi hành thánh ý của Thiên Chúa, làm sao cho mọi người đạt được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị.
- Mục tử cần cầu xin cho có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để biết cách dẫn dắt đoàn chiên sống theo lề luật của Thiên Chúa và tránh khỏi mọi nguy hiểm của ba thù.
- Các hoạt động tông đồ cần được thăng bằng với đời sống cầu nguyện. Một đời hoạt động tông đồ không có cầu nguyện sẽ lạc hướng và dễ rơi vào chán chường, thất vọng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Mc 6,30-34

KHAO KHÁT LỜI CHÚA

“Họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mc 6,34)

Suy niệm: Con người không chỉ có nhu cầu cơm bánh để nuôi sống thân xác, mà còn cần được nuôi dưỡng bằng lương thực tinh thần. Như thân xác biết đói và cần ăn, tâm hồn cũng biết khao khát và cần được bổ dưỡng. Chúa Giê-su thấu hiểu nỗi lòng khao khát đó của đám đông dân chúng khi thấy họ “từ khắp các thành chạy đến” với Chúa (c. 33). Với cặp mắt của người mục tử giàu lòng thương xót, Ngài thấy họ như “bầy chiên không người chăn dắt”. Và cũng với trái tim chạnh thương của người mục tử, Ngài quên cả mệt nhọc, quên cả nghỉ ngơi ăn uống; Ngài chỉ nghĩ đến tấm lòng khao khát của dân chúng và Ngài “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”

Mời Bạn: “Bầy chiên bơ vơ không người chăn dắt” đang khao khát nghe Lời Hằng Sống ngày nay thật đông đảo. Họ chiếm đến 2/3 dân số thế giới, cũng như trên 90% dân số Việt Nam. “Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong,” những con chiên không người chăn dắt cũng khao khát được nghe Lời Chúa. Họ là lời mời gọi mỗi Ki-tô hữu hãy nuôi dưỡng tấm lòng biết chạnh thương như Đức Giê-su để dấn thân rao giảng Tin Mừng cho họ. Bạn có thấy lòng mình thao thức khắc khoải trước đòi hỏi cấp bách đó không? Bạn có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu cấp bách này?

Sống Lời Chúa: Nhận một gia đình lương dân để thường xuyên cầu nguyện và loan báo Tin Mừng bằng cách chia sẻ tình bác ái với họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con được chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Xin cho chúng con cũng hăng say thi hành sứ vụ cao quý này bằng một tâm hồn giàu tình thương xót như Chúa.

Đến mt nơi thanh vng (4.2.2017 – Th by Tun 4 Thường niên)
Không d tìm được nơi hoang vng, đ cách ly mình khi công vic... Chúng ta vn c phi tìm ch vng riêng cho mình vi Chúa sut đi.


Suy nim:
Các môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu
sau cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị.
Họ cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy
và thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.
Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.
Những ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã,
trở thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.
Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy nét mêt mỏi nơi khuôn mặt họ.
Các tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây.
“Anh em hãy lánh riêng ra,
đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).
Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,
những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.
Họ cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc,
để đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm.
Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,
không bị vướng bận bởi công việc phục vụ.
Tĩnh tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống,
đọc lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình,
nhìn lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,
cả những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã…
Nhưng tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.
Các tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công.
Họ cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.
Lời mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay,
những con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng,
những con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.
Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,
đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.
Đó là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,
trôi đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.
Tuy nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.
Khi Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý,
thì chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.
Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.
Cầu nguyn:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG HAI
Đứng Về Phía Sự Sống
Trong cái nhìn Kitô giáo, con người – hình ảnh của Thiên Chúa – là sự diễn tả tột đỉnh của sự sống trong vũ trụ. Đích điểm của con người là Thiên Chúa; và đích điểm của vũ trụ là con người. Đấng Tạo Hóa đã thiết lập các định luật vận hành vũ trụ tự nhiên; cũng vậy, Ngài đã ghi tạc vào trong bản tính con người những chuẩn mực phổ quát của hành vi ứng xử. Những chuẩn mực này không lụy thuộc vào sự tùy tiện giải thích chủ quan. Chúng không phải là con phỗng để ai muốn kéo sao thì kéo.
Vâng, có những giá trị và những quyền rất căn bản gắn kết không rời với phẩm giá con người và với định mệnh vĩnh cửu của mỗi cá nhân. Trên tất cả chính là quyền sống – một quyền phải được bảo vệ trong suốt cuộc hiện sinh của mỗi con người. Thật vậy, ngày nay hơn bao giờ hết, quyền sống của con người đang bị đe dọa từ khi mới còn trong trứng nước cho đến tận giây phút cuối cùng. Bằng cách tôn trọng những chuẩn mực phổ quát liên quan đến phẩm giá con người, chúng ta chứng tỏ mình đang cộng tác với sự sống. Nếu chẳng vậy, chúng ta sẽ trở thành những tác nhân của sự chết.
Hãy đứng về phía sự sống!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
Thứ Bảy-tuần IV thường niên
Dt 13, 15-17.20-21; Mc 6, 30-34

LỜI SUY NIỆM: Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông”Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,30-31).

Hình ảnh các Tông Đồ trở về với Chúa Giêsu sau chuyến đi đầy thành công thật là dễ thương; cùng với lời nói quan tâm đầy sự ân cần săn sóc của Chúa Giêsu. Bởi nơi thanh vắng Thầy trò gắn kết với nhau hơn. Cho chúng ta một công thức sống và làm việc: Đời sống của người Ki-tô hữu từ chỗ gặp Chúa trở về gặp loài người, từ chỗ gặp loài người trở về gặp lại Chúa; để kết hiệp với Ngài. Trong ngày sống có thời giờ làm việc, thì cũng phải có thời giờ nghỉ ngơi thích hợp. để Chúa bồi bổ cho chúng ta

Mạnh Phương

04 Tháng Hai
Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời

Con gái ông Karl Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thủa nhỏ bà không được huấn luyện cho biết có Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng như chính bà không cảm thấy mình có một tâm tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào. 
Nhưng bà tâm sự tiếp: mộ ngày kia bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô mà bà thầm mong ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.
Nghe nói thế, người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Kinh gì mà hay thế?". Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông Karl Marx chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: "Vater unser im Hinmel Lạy Cha chúng con ở trên trời". 
Có một Giám Mục kia trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà lão. Người ta nói bà là một tấm gương cho cả lòng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám Mục hỏi: 
- Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất? 
- Thưa Ðức Cha con không biết đọc, bà cụ trả lời. Nghe nói thế, vị Giám Mục tiếp tục hỏi: "Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?". Thấy Giám Mục đã biết bí quyết của mình, bà cụ thật thà thưa: 
- Thưa Ðức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Một ngày con khởi sự đọc đến mười lần nhưng thường thì con không đọc xong. 
- Tại sao thế? Vị Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp: 
 - Tại vì khi con bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con Con bỗng không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến mực cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi ngài là Cha. Ðiều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:  
- À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo câu đó. 
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Gần chùa gọi bụt bằng anh". Ðó là tâm tình thông thường của con người. Bởi lẽ những thực tại dù to lớn đến đâu, nếu đã trở nên những công việc hằng ngày thường bị hạ thấp giá trị. 
Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng ta ý thức thật sâu đậm về sự thật: Thiên Chúa là Cha chúng ta, như bà cụ đơn sơ trong câu chuyện trên đã cảm nghiệm được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực hành những gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong kinh Lạy Cha.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét