Trang

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

07-04-2017 : THỨ SÁU -TUẦN V MÙA CHAY

07/04/2017
Thứ sáu tuần 5 Mùa Chay.


Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13
"Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Tôi đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: "Người này gieo khủng bố khắp nơi. Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó". Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: "Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó". Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức. Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được.
Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù chúng cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa.
Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 7
Ðáp: Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi (x.c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Tảng Ðá, chiến luỹ, cứu tinh. - Ðáp.
2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù. - Ðáp.
3) Sóng tử thần đã bao bọc thân con, và thác nước ôn dịch làm con kinh hãi. Thừng chão địa ngục đã quấn lấy con, lưới tử thần đã chụp bắt con rồi. - Ðáp.
4) Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi; từ nơi thánh đài, Ngài nghe rõ tiếng, và tiếng tôi kêu thấu đến tai Ngài. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ed 33, 11
Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".

Phúc Âm: Ga 10, 31-42
"Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?"
Người Do-thái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".
Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần"? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha".
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả". Và có nhiều kẻ tin Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:
Mở đầu Bài Tin Mừng hôm nay nhắc ngay đến việc người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Người phạm thượng khi dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Luật Do-thái cho phép ném đá sau khi toà tuyên án tử hình cho phạm nhân. Còn đây, những người nghe Chúa Giêsu đã ném đá trực tiếp vào Người mà không cần xét xử, điều này cho thấy sự phẫn nộ của họ đã lên tới cực đỉnh. Họ coi việc phạm thượng đến Thiên Chúa như một tội tiền kết, đủ chứng cớ để tử hình mà không phải xét xử nữa.
Đối với Do-thái giáo, Thiên Chúa là Đấng duy nhất và không có thần nào khác ngoài Người. Giới răn thứ nhất và thứ hai trong thập điều dạy thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất và danh Thiên Chúa là chí thánh đến nỗi không được gọi danh Người. Cho nên ai dám xưng mình là ngang hàng Thiên Chúa thì là một trọng tội trên hết mọi tội trọng khác.
Có thể nói, người Do-thái không sai khi phản ứng lại mầu nhiệm đồng bản tính với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng, vì toàn văn Thánh Kinh Cựu Ước (Luật và các Ngôn Sứ) không có một mặc khải minh nhiên nào về Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Thật vậy, mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” chỉ được Chúa Giêsu là Đấng đến từ trời mặc khải cho nhân loại. Chính vì vậy, mà ở đây chúng ta không nói gì để lên án người Do-thái là cứng lòng tin, nhưng điều cần suy niệm hôm nay là ý thức nguồn gốc “con Thiên Chúa” của mình để sống sao cho xứng đáng, đồng thời tin tưởng vào Thiên Chúa qua những kỳ công Người thực hiện trong vũ trụ, trong con người và trong mỗi cuộc đời chúng ta.

1. Nguồn gốc thần linh.
Chúa Giêsu nhắc lại lời Thánh Vịnh 82 rằng: “Hết thảy các ngươi đây, đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao” (Tv 82,6). Nói lên nguồn gốc con người có nguồn gốc thần linh, là con của Thiên Chúa. Mà đã là con thì không phải mang kiếp nô lệ.
Ở đây, ta không nhất thiết phải hiểu làm con theo kiểu “con vua thì lại làm vua”, nhưng cũng không sai, vì Chúa Giêsu đã cứu chuộc và cho con người được đồng thừa kế và hiển trị với Người.
Lại nữa, theo cách chú giải của thánh Augustino: “Chúa đã làm người để con người làm chúa”. Thánh nhân sử dụng chữ Domini và domini vừa có nghĩa là Chúa (viết hoa) vừa có nghĩa là ông chủ (viết thường). Như thế, nhờ công ơn cứu chuộc mà con người lãnh nhận, họ trở thành “vương đế”, nghĩa là làm chủ được chính mình trước tội lỗi, thế gian và ma quỷ.

2. Tin vào công việc Chúa làm.
Chúa Giêsu nói: “dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc Tôi làm”.
Có vẻ như chính Chúa Giêsu cũng thừa nhận rằng, người Do-thái không thể tin được Người là một ngôi vị đồng bản thể với Thiên Chúa Cha, vì trong niềm tin của người Do-thái là độc thần, nên Người đành phải nại đến cớ “xem quả để biết cây” - nhìn những công việc Người thực hiện mà nhận ra quyền năng thiên tính của Người, mà cụ thể là chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và phục sinh kẻ chết. Đặc biệt cách thực hiện của người không như các lang y, mà là ra lệnh cho mọi quyền lực ma quỷ, sự chết và tội lỗi phải tuân lệnh. Ngài dùng Lời sáng tạo để phục hồi: “hãy chỗi dậy, hãy sáng mắt, hãy ra khỏi người này…” giống như ngay từ lúc sáng tạo, Thiên Chúa phán: “hãy có ánh sáng,hãy có tinh tú…” và tức khắc xảy ra như vậy.
Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ, chính Chúa Giêsu đã khẳng định, con người chỉ biết có Thiên Chúa hiện hữu qua công trình sáng tạo, qua muôn kỳ công của Người, sự quan phòng của Người, và đặc biệt Người được mặc khải tròn đầy qua Chúa Giêsu Kitô. Người ta cũng nhận biết có Thiên Chúa qua Hội Thánh và qua các chứng nhân: vũ trụ sẽ ra sao nếu không có sự an bài của một quyền năng thượng trí sắp đặt, sự khôn ngoan ở đâu khi những con người ít học như các Tông Đồ mà lại trở nên lợi khẩu và làm những việc phi thường…
Với người vô thần thì tất cả chỉ là ngẫu nhiên và là những sự trùng hợp nào đó, đến nỗi những phép lạ hiển nhiên nơi Phatima, Lộ Đức… cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Họ không tin có Thiên Chúa đã đành, họ cũng tìm cách chống chế những gì tốt đẹp mà Giáo Hội và mỗi người Công Giáo đã thực hiện.
Còn không ít người Công Giáo thì lại thích tin theo những cái “được coi là mạc khải tư” nào đó hơn là tin vào Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh và kho tàng đức tin nơi Giáo Hội.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con hôm nay biết ý thức vai trò làm con Thiên Chúa để sống cho xứng đáng là con thảo của Cha trên trời. Đồng thời luôn nhận ra Chúa hiện diện trong mọi kỳ công của vũ trụ, trong thế giới, trong con người và trong mọi biến cố cuộc đời. Amen.
Hiền Lâm, SOC.


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần V MC
Bài đọcJer 20:10-13; Jn 10:31-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn sứ của Thiên Chúa bị truy tố và bị ném đá.
Quyền hành đến từ Thiên Chúa. Khi con người nắm quyền hành, họ phải biết dùng quyền được trao để phân xử công minh: trừng trị kẻ gian ác và bảo vệ quyền lợi cho kẻ vô tội. Thế nhưng nhiều người khi có quyền, đã không làm như thế. Họ nghĩ họ có thể bắt mọi người làm theo lệnh truyền của họ, bất chấp sự thật và công bình.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lạm dụng uy quyền để đấu tố người công chính. Trong Bài Đọc I, tư tế Pathhur lạm dụng uy quyền của mình để bắt bớ, đánh đập, và bỏ tù tiên-tri Jeremiah, vì ông đã tuyên sấm tội lỗi và hình phạt của dân thành Jerusalem. Trong Phúc Âm, những người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu vì cho Ngài phạm thượng, là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để cắt nghĩa và dùng các việc làm để chứng minh Ngài được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian; nhưng họ vẫn ngoan cố không tin vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị truy tố.
1.1/ Jeremiah bị tư tế Pathhur chống đối: Là ngôn sứ của Đức Chúa, tiên-tri Jeremiah phải tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua Judah, các tư tế, và dân thành Jerusalem. Tư tế Pathhur, con ông Immer, tổng quản đốc Nhà Đức Chúa, chẳng những đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía kinh hoàng” là tên của Jeremiah đặt cho tư tế Pashhur, sau khi ông này bắt bớ, đánh đập, và giam cầm tiên tri (Jer 20:3).
Jeremiah nói tiên tri về vận mạng của Pathhur và của tòan dân: “Quả thật, Đức Chúa phán như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh hoàng cho chính ngươi và tất cả bạn bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm quân thù, chính mắt ngươi sẽ chứng kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể Judah vào tay vua Babylon; nó sẽ bắt chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm tàn sát chúng. Tất cả của cải thành này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ quý giá, cũng như tất cả kho tàng của các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù chúng; bọn này sẽ cướp phá, tịch thu đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pathhur, chính ông và tất cả những người ở trong nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi Babylon, sẽ chết tại đó và sẽ phải chôn tại đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức là những người đã nghe ông tuyên sấm láo!"
1.2/ Ngôn sứ Jeremiah tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải đương đầu với bao nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà vua, tiên-ri Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu không có sức mạnh của Thiên Chúa. Tiên tri tin tưởng và cầu nguyện: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Tiên-tri biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt và sức mạnh để giải thóat người công chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị người Do-thái ném đá.
2.1/ Lý do Chúa Giêsu bị ném đá: Chúa Giêsu chất vấn người Do-thái tại sao ném đá Ngài, người Do-thái cho Chúa Giêsu biết lý do: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." Lời mà họ vịn vào để ném đá Chúa Giêsu là “Tôi và Chúa Cha là một” (Jn 10:30). Chúa Giêsu biết rất khó để cắt nghĩa cho họ hiểu câu này, nên Ngài dùng cách cắt nghĩa bằng việc làm. Chúa Giêsu dùng lời Thánh Vịnh 82:6: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh (elohim), là con Đấng Tối Cao (benê Elyôn).” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường chọn các Quan Án và gởi họ đến cho dân để họ xét xử dân theo lẽ công bình. Các Quan Án này thường được coi như các vị thần của dân chúng. Ý tưởng này rõ ràng hơn trong Sách Xuất Hành khi Đức Chúa phán với ông Moses: "Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần (elohim) đối với Pharao, còn Aaron, anh ngươi, sẽ là ngôn sứ của ngươi” (Exo 7:1). Chúa Giêsu kết luận: “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa?"”
2.2/ Chúa Giêsu chứng minh bằng việc làm: Chúa Giêsu không chỉ chứng minh cho họ bằng lời Kinh Thánh, mà còn bằng các việc Người đã làm: nuôi dân chúng ăn, chữa lành mọi bệnh tật, trục xuất quỷ, cho người chết sống lại … Những việc này chứng minh Ngài có uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hỏi họ: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." Không thể tranh luận với Ngài lời, cũng không thể bắt lỗi Ngài bằng việc làm; lẽ ra họ phải phục thiện và tin vào Ngài, nhưng họ lại chọn dùng vũ lực để uy hiếp Người vô tội như trình thuật kể: “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.”
Chúa Giêsu trở về chỗ Ngài đã chịu Phép Rửa bởi Gioan và Ngài ở lại đó: Tại sao Chúa Giêsu tìm đến nơi này? Ngài biết giờ của Ngài trên dương gian sắp hết và Ngài muốn tìm lại nguồn sức mạnh nơi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng để có đủ sức đương đầu với những người chống đối. Đây là chỗ mà Thiên Chúa Cha đã làm chứng cho Ngài bằng tiếng vọng từ Trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.” Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: "Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." Họ nhận ra sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: Ông Gioan là ngôn sứ nói cho họ biết về Chúa Giêsu, nhưng không làm một phép lạ nào cả. Chúa Giêsu chứng minh những gì Gioan nói về Ngài là sự thật bằng các việc Ngài làm. Tổng hợp cả hai lời chứng và việc làm, “Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải sáng suốt để nhận ra sự thật, cho dù sự thật có phũ phàng và thiệt hại đến đâu đi nữa; vì chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người.
- Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa là phải đương đầu với quyền lực của thế gian và ma quỉ; chúng ta không được khiếp sợ những quyền lực này đến độ không dám nói và làm chứng cho sự thật.
- Chúng ta phải tôn trọng những người dám nói và làm chứng cho sự thật. Đừng bao giờ lạm dụng uy quyền để bịt miệng, đàn áp, bỏ tù, và thủ tiêu họ. Thiên Chúa là Đấng Chí Công, Ngài sẽ bảo vệ, giải thóat, và trả thù cho những người công chính.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

07/04/17     TH SÁU ĐU THÁNG TUN 5 MC
Th. Gio-an B. La-san, linh mục Ga 10,31-42

TIN HAY KHÔNG TIN?

“Nếu tôi làm các việc (của Cha tôi), thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc tôi làm.” (Ga 10,37-38)

Suy niệm: Cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giê-su và biệt phái, kinh sư mà Tin Mừng thuật lại cho chúng ta mấy ngày nay đã lên đến cao độ. Chúa Giê-su sắp bị khai tử chung quy cũng chỉ vì Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa. Không vì thế mà chùn bước, Chúa Giê-su trưng dẫn những dấu lạ Ngài làm như bằng chứng để thuyết phục họ. Nhưng kết cục thật bi đát, họ vẫn không tin. Nghịch lý thay! Kẻ thông thái am tường Kinh Thánh thì không tin, còn kẻ bình dân ít học thì lại tin vì “những lời Gio-an nói về Ngài đều đúng” (c. 41). Đức tin là một ơn nhưng không, Chúa ban thì con người mới có được. Về phía con người, Chúa chỉ đòi họ tấm lòng thành, điều mà các kinh sư và biệt phái không có.

Mời Bạn: Ý thức đức tin mà bạn đang có hôm nay là do Chúa thương ban, và hết sức gìn giữ đức tin đến cùng, noi gương thánh Phao-lô: “Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).

Chia sẻ: Cùng những người trong gia đình/nhóm của bạn rà soát lại niềm tin của mình. Điểm mặt những cạm bẫy đang hòng lôi kéo bạn ra khỏi niềm tin, để đề phòng kẻo vấp ngã.

Sống Lời Chúa: Thư gửi tín hữu Do thái đoạn 11 nói đến những mẫu gương đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng những điều ta không thấy...” Mời bạn đọc tiếp để xin Chúa ban cho đức tin của bạn thêm xác tín và vững mạnh.

Cầu nguyệnLạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn đức tin. Xin cho con thành tâm tin tưởng, quyết bảo vệ đức tin đến cùng, biết thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể, và luôn kiên vững trong niềm tin vào Chúa. Amen.

(5 phút lời Chúa)

Tôi là Con Thiên Chúa (7.4.2017 – Th sáu Tun 5 Mùa Chay)
Chúng ta cũng là nhng người được thánh hiến qua bí tích Thánh Ty, được sai vào thế gii này đ chia s s mng còn dang d ca Chúa Giêsu.


Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,
Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.
Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa
chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).
Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,
vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.
Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.
Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),
đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),
trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).
Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau,
Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.
Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,
Con luôn sống như người được Cha sai.
Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,
mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).
Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).
Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.
Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài:
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,
ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).
Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,
được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này
trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG TƯ
Được In Dấu n Sự Sống
Chúng ta hãy cảm tạ vì cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su Kitô. Chúng ta hãy cảm tạ vì Chúa Cha đã tôn vinh Người. Người là Đấng đã hủy mình ra không, “trở thành vâng phục cho đến chết, chết trên Thập Giá” (Pl 2,8).
Vâng, công cuộc cứu chuộc thế giới được hoàn tất trong cuộc Phục Sinh của Người. Dấu ấn của sự chết đã được tháo gỡ khỏi ngôi mộ đá lạnh lùng. Và dấu ấn sự sống đã được đóng vào trái tim của những người tin. “Đức Kitô đã chịu hiến tế để làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7).
Chúng ta hãy cảm tạ vì hy tế của Đức Giêsu – hy tế đã đạt tới chính ngai tòa của Chúa Cha. Chúng ta hãy cảm tạ vì tình yêu của Chúa Cha – tình yêu đã được mạc khải nơi cuộc Phục Sinh của Chúa Con.
Chúng ta hãy cảm tạ vì hơi thở của Chúa Thánh Thần Đấng trao ban sự sống. Hơi thở này được đón nhận bởi các Tông Đồ, qui tụ tại căn gác thượng theo chỉ thị của Đức Giêsu. Đức Kitô sẽ đến giữa họ, ngay cả xuyên qua những cánh cửa đóng kín. Người sẽ nói với họ: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha… “ (Ga 20,22-23).
Chính từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu mà chúng ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta. Cuộc hoán cải của chúng ta xảy ra nơi chính Thập Giá của Người. Và nơi cuộc Phục Sinh của Người, chúng ta chiến thắng trên tội lỗi của mình. Người đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Người đã trao cho chúng ta chính sự sống của Người, Người mở lối cho chúng ta bước vào sự sống vĩnh cửu bất diệt.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07 – 4
Thánh Gioan Lasan, linh mục
Gr 20, 10-13; Ga 10, 31-42.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi.”
Mặc dầu Chúa Giêsu đã làm biết bao điều tốt đẹp cho dân, chữa lành mọi tật nguyền, phục hồi sự sống phần xác, tái lập nhân phẩm cho người nghèo khó và người bị bỏ rơi, nhưng rồi Chúa Giêsu đã bị người Do-thái ném đá, bởi vì Người đã tuyên xưng mình: “Là Con Thiên Chúa” Với lời tuyên xưng này người Do-thái đã kết án: Người nói lời phạm thượng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xác định tất cả chúng con đều là con của Cha trên trời. Xin cho mỗi người chúng con sống xứng đáng với tước hiệu của mình, và chu toàn bổn phận với trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh và mọi nơi chốn.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 07-04
Thánh GIOAN LASAN
Linh Mục (1651 - 1719)

Thánh Gioan Lasan là bổn mạng của các nhà giáo dục, Ngài được thành công trong việc cung ứng một hệ thống giáo dục cho quảng đại quân chúng vào thời mà dân nghèo như bị bỏ rơi hoàn toàn. Nỗ lực của Ngài không phải chỉ trong việc mở trường mà là việc tạo lập nên một đoàn thể những nhà giáo dục được đào tạo chu đáo. Chính nỗ lực này đặt nền tảng bảo đảm cho sự thành công trong việc giáo dục.
Không phải khuynh hướng tự nhiên được đưa Ngài tới việc thực hiện công trình này. Thật vậy, hoàn cảnh gia đình với sự đào luyện từ thuở nhỏ khó có thể coi được là một chuẩn bị cho Ngài làm giáo dục. Sinh tại Reims ngày 30 tháng 4 năm 1651, Gioan Baotixita, là con trưởng trong một gia đình quý phái và được thừa hưởng địa vị lẫn gia tài của cha mẹ để lại. Những thứ này là vực ngăn cách Ngài với đám đông dân chúng nghèo khổ.
Vào tuổi 16, khi đang theo học ở Học viện dành cho trẻ em ưu tú (College des Bons enfants), thánh nhân được đặt làm kinh sĩ ở Reims. Sau đó Ngài tiếp tục theo học tại chủng viện Xuân Bích và đại học Sorbonne để làm linh mục. Ngài thụ phong linh mục năm 27 tuổi.
Cho đến lúc này, chưa có một yếu tố nào cho thấy rõ sứ mệnh tương lai của Ngài. Nhưng ít lâu sau, Ngài được chỉ định giúp vào việc lập trường ngay tại quê hương xứ sở mình. Việc này đặt Ngài và trách nhiệm săn sóc các giáo viên, dẫn Ngài tới chỗ đưa họ về nhà mình và đào luyện họ. Dần dần, Ngài hiểu rằng: Chúa quan phòng định cho Ngài làm dụng cụ kiến tạo một hệ thống giáo dục dành cho dân nghèo, lớp dân bị xỉ nhục trong "thế kỷ huy hoàng" vì sự hư dốn và ngu dốt của họ.
Chọn thánh ý Thiên Chúa làm nguyên tắc hứơng dẫn đời sống, Ngài quyết định hiến mình trọn vẹn cho công tác này. Ngài từ chức kinh sĩ, phân phát gia tài để mang lấy cũng một địa vị như các giáo viên Ngài chung sống. Làm như vậy Ngài làm cho những người đồng hương nặng đầu óc giai cấp tức giận. Nhưng điều ấy không thay đổi được quyết định của Ngài.
Năm 1684, Ngài biến đổi nhóm giáo viên của mình để thành một cộng đoàn an sĩ với danh hiệu Sư huynh. Các trường công giáo. Đây là nguồn gốc của hội dòng ngày nay, phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Để giới hạn hội dòng riêng cho nỗ lực giáo dục, Ngài nhận định rằng: sư huynh nào làm linh mục, cũng như không nhận một linh mục nào vào dòng. Luật này ngày nay vẫn còn được áp dụng.
Những năm đầu, hội dòng rất nghèo khổ và cực nhọc. Tuy nhiên thánh nhân vẫn kiên quyết chịu đựng và vững tin ở Chúa quan phòng. Người nói với những người lo âu : - Tại sao mà không tin tưởng ? Chúa thà làm phép lạ còn hơn để cho chúng ta phải thiếu thốn.
Mối quan tâm chính của Ngài là đào luyện đạo đức và nghiệp vụ cho anh em. Nhưng, thấy không thể thỏa mãn được mọi đòi hỏi của giáo viên nếu không huấn luyện giáo viên, năm 1678 Ngài lập ở Reims một học viện cho khoảng 40 trẻ. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục có một cơ sở giáo dục như vậy.
Sau khi lập trường ở những thành phố lân cận, năm 1683, Ngài coi sóc một trường ở xứ Thánh Xuân Bích (Sulpice), là nơi Ngài đặt bản doanh của mình. Tại thủ đô công trình lan rộng mau lẹ. Ngài lập thêm một trường đào tạo nữa với một trường miễn phí cho các bạn trẻ đã đi làm việc. Khi vua Giacôbê III trao phó cho Ngài săn sóc các thiếu niên Ai Nhĩ Lan, Ngài đã dành cho họ các giảng khoá đặc biệt theo nhu cầu của họ.
Mục đích tốt đẹp của Ngài bị chống đối bởi những giáo viên trường nhỏ, vì mất học sinh và học phí. Họ kiện cáo Ngài. Trường của Ngài bị cướp phá. Ngài bị kết án và bị cấm không được mở trường đào luyện miễn phí ở phạm vi Paris. Dĩ nhiên Ngài cũng bị trục xuất khỏi thủ đô một thời. Nhưng công trình của Ngài đã lan rộng sang nhiều nơi khác và những cấm đoán kia không thể phá hủy nổi.
Ở Rouen, Ngài đã lập hai cơ sở quan trọng: một trường nội trú phải trả học phí, cho học sinh miền quê muốn hiến thân, và một trường phục hồi cho những trẻ em bụi đời. Cả hai đều rất thành công. Cha Gioan Baotixita trải qua những năm cuối đời ở Rouen để kiện toàn thành tổ chức, viết luật dòng chờ các sư huynh và hai tác phẩm Meditations (nguyện ngắm), Methode de la prière mentale (Phương pháp thực hành tâm nguyện)
Ngài từ trần ngày thứ sáu tuần thánh 09 tháng 04 năm 1719.
(daminhvn.net)


07 Tháng Tư
Bình An Trong Tâm Hồn
Purna, một môn đệ của Ðức Thích Ca, xin thầy được phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Nhân lời xin này, người ta ghi lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò như sau: Ðức Thích Ca cho biết ý kiến: "Nhân dân vùng Sronapa-Ranta còn rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ là hiếu chiến, thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến đó, nếu họ nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống con, con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ lăng mạ con chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con". Ðức Thích Ca tiếp lời: "Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân chúng vùng Sronapa-Ranta thật tốt lành và thân thiện, vì họ không cột con vào cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con".
Nghe môn đệ xác quyết như thế, Ðức Phật không khỏi ngạc nhiên; Ngài hỏi tiếp: "Nhưng nếu họ thật sự ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đời?". Không cần suy nghĩ lâu, Purna đáp: "Nếu họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những người tốt lành và thân thiện, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư nát này". Nghe đến đây, Ðức Thích Ca bảo: "Purna, con đã tu tâm dưỡng tính đến nơi đến chốn để có được sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể sinh sống và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải thoát khỏi bẩm tính hiếu chiến và bất nhân như chính con đã tự giải thoát mình khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen ghét".
Thiết nghĩ tự tạo cho mình sự bình an trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu chúng ta. Và theo kinh nghiệm của tu sĩ Purna trong câu chuyện trên, để tạo cho mình nền hòa bình này, chúng ta phải cố gắng tự giải thoát mình khỏi mọi thiên kiến, nghi kỵ cũng như hằng ngày phải thanh luyện tâm hồn khỏi những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Gioan 10:31-42
Thứ Sáu, 7 Tháng 4, 2017

Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay     
                          

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Chúa là Thiên Chúa trung tín,
Mãi mãi chung thủy với lời hứa của mình.
Xin Chúa hãy củng cố đức tin của chúng con,
Để cùng với Chúa Giêsu, chúng con có thể luôn giữ lòng tín thác vào Chúa
Cho dù có những thành kiến, chế giễu hoặc mâu thuẫn.
Xin Chúa ban cho chúng con niềm tin vững chắc
Rằng Chúa không bao giờ thay đổi lời giao ước với chúng con
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Gioan 10:31-42 

Khi ấy, người Do Thái lượm đá để ném Chúa Giêsu.  Người lên tiếng hỏi rằng:  “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta.  Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”
Người Do Thái trả lời:  “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.  Chúa Giêsu đáp lại:  “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này:  ‘Ta đã nói:  các ngươi là thần’?  Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể hủy diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng:  ‘Ông nói lộng ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa?  Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta.  Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng:  Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ.
Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa.  Và Người ở lại đó.  Có nhiều kẻ đến cùng Người.  Họ nói:  “Gioan đã không làm một phép lạ nào.  Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”.  Và có nhiều kẻ tin Người. 

3.  Suy Niệm

-  Chúng ta đến gần Tuần Thánh, lúc chúng ta tưởng niệm và nhớ lại về Cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.  Bắt đầu từ tuần thứ tư Mùa Chay, các văn bản của bài Tin Mừng hằng ngày gần như độc quyền được trích từ sách Tin Mừng Gioan, hai chương nhấn mạnh đến mối căng thẳng bi thảm giữa việc mặc khải tăng dần lên; một phía, Chúa Giêsu cho thấy mầu nhiệm về Chúa Cha hoàn toàn phủ đầy trong Chúa Giêsu, và ở phía kia, việc đóng cửa lòng tăng dần lên của người Do Thái là những kẻ càng trở nên cứng lòng hơn với sứ điệp của Chúa Giêsu.  Khía cạnh bi thương của việc khép kín này là vì họ cho rằng đó là lòng trung thành với Thiên Chúa.  Họ nhân danh Thiên Chúa mà chối từ Chúa Giêsu.
-  Trong cách nàythánh sử Gioan trình bày cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và giới thẩm quyền tôn giáo không chỉ là một việc gì đó đã xảy ra trong quá khứ xa xưa.  Nó cũng là tấm gương phản chiếu những gì đang xảy ra ngày nay.  Nhân danh Thiên Chúa, một số người tự biến mình thành những trái bom và giết người khác.  Nhân danh Thiên Chúa, chúng ta, các thành viên thuộc ba tôn giáo của Thiên Chúa của Abraham, người Do Thái giáo, Kitô hữu và người Hồi giáo, cùng lên án lẫn nhau, tranh chấp lẫn nhau, trong suốt dòng lịch sử.  Chương trình đại kết thì thật là khó khăn giữa chúng ta, và đồng thời nó thật là cần thiết.  Nhân danh Thiên Chúa, nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra và chúng ta lại tiếp tục tái phạm mỗi ngày.  Mùa Chay là thời gian quan trọng để cho chúng ta dừng lại và tự vấn:  Hình ảnh nào về Thiên Chúa mà tôi có trong lòng?
-  Ga 10:31-33:  Người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu.  Người Do Thái chuẩn bị lượm đá để giết Chúa Giêsu và Chúa lên tiếng hỏi rằng:  “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta.  Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”  Họ trả lời rằng:  “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.  Họ muốn giết Chúa Giêsu vì Người phạm thượng.  Luật đã ra lệnh rằng những kẻ như thế phải bị ném đá.
-  Ga 10:34-36:  Kinh Thánh gọi tất cả mọi người là con cái Thiên Chúa.  Người Do Thái muốn giết Chúa Giêsu bởi vì Người nói mình là Thiên Chúa.  Chúa Giêsu trả lời đúng theo lề luật của Thiên Chúa.  “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này:  ‘Ta đã nói:  các ngươi là thần’?  Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể hủy diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng:  ‘Ông nói lộng ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa?”
-  Một cách khác thường, Chúa Giêsu nói “sách luật của các ngươi”.  Chúa đã có thể nói rằng:  “Lề Luật của chúng ta”.  Tại sao Người lại nói theo cách này?  Ở đây, một lần nữa xuất hiện sự chia rẽ bi thảm giữa người Do Thái và Kitô hữu, anh chị em, con cái của cùng tổ phụ Abraham, họ đã trở thành kẻ thù không đội trời chung cho đến nỗi mà các Kitô hữu nói rằng “sách luật của các ngươi”, như thể nói không phải là sách luật của chúng tôi.
-  Ga 10:37-38:  Ít ra là tin vào các việc tốt lành.  Chúa Giêsu lại nói về các việc mà Người đã làm và đó là những việc mặc khải về Chúa Cha.  “Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta.  Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng:  Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha.”  Đây cũng là những lời mà Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly (Ga 14:10-11).
-  Ga 10:39-42:  Một lần nữa, họ lại muốn giết Chúa Giêsu, nhưng Người thoát khỏi tay họ.  Không có dấu hiệu của sự chuyển đổi.  Họ tiếp tục nói rằng Chúa Giêsu lộng ngôn và nhất quyết đòi giết Người.  Không có tương lai cho Chúa Giêsu.  Cái chết của Người đã được định đoạt, thế nhưng giờ của Người chưa đến.  Chúa Giêsu đi ra và sang bên kia sông Giođan, nơi mà trước kia ông Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa.  Chúa giúp người ta nhận thức được cách Thiên Chúa cư xử trong lịch sử.  Người ta nhận ra rằng Chúa Giêsu là Đấng mà Gioan đã công bố.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

-  Người Do Thái nhân danh Thiên Chúa mà lên án Chúa Giêsu, nhân danh hình ảnh mà họ có về Thiên Chúa.  Đôi khi, tôi đã có nhân danh Thiên Chúa mà lên án một ai đó và tôi đã có khám phá ra rằng mình đã nhầm lẫn chưa?   
 Chúa Giêsu tự nhận mình là “Con Thiên Chúa”.  Trong kinh Tin Kính, khi tôi tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, tôi đã tuyên xưng đức tin của mình theo nội dung nào?

5.  Lời nguyện kết

Lạy CHÚA là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con;
Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
Là khiên mộc, là Đấng Cứu Độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.
(Tv 18:2) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét