Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

17-09-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN năm A

17/09/2017
Chúa Nhật 24 thường niên năm A
(phần I)

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 - 28, 9
"Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha".
Trích sách Huấn Ca.
Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?
Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.
3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. - Ðáp.
4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9
"Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 21-35
"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Phải Tha Thứ Không Cùng
Các bài đọc hôm nay không hoàn toàn tiếp nối tư tưởng của ngày Chúa Nhật trước; nhưng cũng bàn về một vấn đề tương tự. Chúng ta đã thấy trong Chúa Nhật trước Lời Chúa dạy bảo chúng ta những thái độ phải có đối với người anh em phạm tội làm cực lòng cộng đoàn tín hữu. Hôm nay Lời Chúa muốn giáo huấn chúng ta phải xử trí thế nào đối với người anh em lỗi phạm đến mình. Chúng ta sẽ thấy sách Huấn Ca của Cựu Ước chuẩn bị để lời loan báo Tin Mừng của Chúa Cứu thế được đón nhận như thế nào? Và thánh Phaolô đã có những tư tưởng nào để giúp đỡ chúng ta thi hành huấn thị của Chúa Cứu thế?

A. Không Ðược Giận Anh Em
Sách Huấn ca thuộc loại sách khôn ngoan của Cựu Ước. Ðó là loại sách - có thể nói - muốn bắt chước lối văn triết học đạo đức của trào lưu văn minh thời sau Lưu đày. Người ta bàn đến những thói ăn cách ở xứng đáng với thiên chức làm người "linh ư vạn vật". Nhưng ở các dân tộc kế cận, lý tưởng khôn ngoan chỉ tà tà mặt đất và không nhìn xa hơn cuộc sống trần gian của con người. Còn nơi Dân Chúa, những lời dạy khôn ngoan thường được đưa lên tới Chúa và được coi như phát xuất từ Người. Ðoạn sách Huấn ca hôm nay là một thí dụ rõ ràng.
Quyển sách này có cái tên như vậy vì nó được dùng như là thủ bản để giáo huấn Dân Chúa. Nó được viết theo kiểu thi ca cho dễ đọc dễ nhớ. Nó đề cập tới mọi khía cạnh trong đời sống con người. Ðoạn sách đọc hôm nay bàn về vấn đề giận hờn.
Mở đầu, sách Huấn ca nói luôn: oán hận giận hờn thảy là quái gở, tội nhân thường nổi tiếng cả hai. Ðó là một nhận xét thông thường. Kẻ tội lỗi vẫn có lòng hờn giận. Và kẻ khôn ngoan phải thấy đó là điều quái gở. Nhưng lập tức tác giả sách Huấn ca đã đem ánh sáng mạc khải chiếu trên hiện tượng ấy trong đời sống con người. Ông thấy ngay điều ấy không đẹp lòng Chúa và Người sẽ xử cứng với kẻ giận hờn. Thế nên ông khuyên người ta phải biết tha thứ cho anh em để được Chúa thứ tha tội lỗi. Ông không biết diễn tả hơn thế nào. Ông chỉ thấy người giận hờn sẽ không được tha thứ. Và ông khuyên người ta hãy nghĩ đến ngày chung thẩm, ngày đến trước mặt Chúa mà tha thứ cho anh em. Vì không thể nào Chúa có thể rộng rãi với người không biết tha thứ. Và lúc ấy có ai cầu bầu cho kẻ nhẫn tâm như thế? Do đó tác giả sách Huấn ca khuyên người ta hãy vâng lệnh Chúa và giữ giao ước của Người mà biết tha thứ và bỏ qua các xúc phạm của anh em.
Lời khuyên ấy vượt xa mọi lý lẽ thế gian và rõ ràng đã chuẩn bị cho người ta đón nhận giáo lý của Chúa Cứu thế. Nó làm nổi bật tính cách đạo đức của sách khôn ngoan trong Cựu Ước và còn đáng dùng để giáo huấn Dân Mới của Chúa. Nó khiến chúng ta liên tưởng tới câu kinh Lạy Cha: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con", để khi gặp cơn bực tức giận hờn, chúng ta biết suy nghĩ đạo đức hầu việc nhớ đến Chúa sẽ làm cho chúng ta nguôi giận và tha thứ.

B. Phải Tha Thứ Không Cùng
Tông đồ Phêrô có phải là người nóng tính nhất không? Có lẽ ông hăm hở muốn thi hành Lời Chúa hơn hết mọi người. Cũng có thể vì địa vị ông năng gặp người xúc phạm và ông phải tha thứ. Nên sách Tin Mừng viết ông đã đến bên Ðức Yêsu và thưa: Thưa Thầy khi anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Ðến 7 lần chăng?
Ðức Yêsu đã không ngần ngại đáp: Ta không nói đến 7 lần, nhưng đến 70 lần 7. Có thể Người đã muốn lấy lại một lời trong sách Khởi nguyên (4,24), Lamek tuyên bố "luật rừng" thời bấy giờ: phải báo thù đến 70 lần 7. Về sau Thập giới đã thu hẹp lại và chỉ cho phép người ta lấy mắt trả mắt, răng đền răng. Nhưng đến Ðức Yêsu, Người tuyên bố phải tha thứ và yêu thương cả kẻ thù địch. Và câu Người khẳng định trên kia, phải tha thứ đến 70 lần 7, chỉ có ý dạy phải tha thứ mãi mãi, tha không bao giờ cùng.
Tại sao như vậy, thì Người đã kể một dụ ngôn. Có tên "bầy tôi" kia mắc nợ hoàng đế một vạn nén vàng. Một số tiền khổng lồ không thể trả nổi. Hoàng đế ra lệnh không những bán của cải anh ta mà còn bán cả anh ta cùng vợ con. Chắc chắn sẽ chẳng được bao nhiêu. Nhưng đó là biện pháp cuối cùng, biện pháp chỉ có dân ngoại mới làm. Và như vậy để nói lên tính cách khắt khe của hình phạt vì món nợ thật lớn lao.
Nhưng tên bầy tôi đã vội quỳ mọp xuống xin nhà vua thư thả cho, để anh sẽ trả hết nợ. Hoàng đế làm quá điều anh xin. Ông tha trắng cho anh. Lẽ ra anh phải sung sướng vì ân huệ lớn lao vừa được. Nhưng lòng anh không tốt! Ơn bất ngờ kia không cảm hóa được anh tý nào. Anh đã túm cổ họng người bạn đồng liêu chỉ nợ anh có 100 đồng bạc. Số tiền này là gì sánh với một vạn nén vàng? Thế mà anh đã bỏ tù bạn cho đến khi lấy lại được một trăm đồng bạc.
Thái độ của anh thật ghê tởm! Và ai ai cũng thấy phải phạt anh ta mới được. Vậy Cha trên trời cũng sẽ xử với chúng ta như thế. Bởi vì chúng ta cũng là tội nhân ở trước mặt Người. Và tội chúng ta nhiều và nặng vô cùng. Thế mà Người vẫn tha thứ. Trông khi đó chúng ta lại không biết bỏ qua một vài xúc phạm nhỏ bé của anh em!
Bài dạy của Chúa Yêsu rõ ràng sáng sủa. Tuy như muốn nối dài và kiện toàn giáo lý của sách Huấn ca, nhưng không thiếu điều khác biệt. Nhất là rõ ràng Chúa Yêsu không nại đến ngày chung thẩm và đời sau. Việc Thiên Chúa tha thứ cho người ta không đi sau và tùy như việc người ta tha thứ cho anh em. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước. Và Người muốn chúng ta thấm ơn Người và theo gương Người mà tha thứ cho anh em.
Thế thì tại sao Kinh Lạy Cha không làm nổi bật tư tưởng này, mà lại như muốn kéo dài giáo lý của sách Huấn ca? Kinh ấy dạy: Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Chúng ta tưởng ở đây như có một so sánh hoặc như có một đòi hỏi bó buộc Thiên Chúa phải tha nợ cho chúng ta như chúng ta đã tha thứ cho anh em. Nhưng không, đây chỉ là một điều kiện, một thái độ chuẩn bị, chứng tỏ lòng chúng ta khi tha thứ cho anh em cũng ao ước được Chúa tha thứ rộng rãi cho mình. Người có tha thứ mới thật lòng muốn được tha thứ và mới đáng nhận được ơn tha thứ. Ơn này Thiên Chúa đã ban sẵn cho mọi người nơi Ðức Yêsu Kitô. Người ta sẽ nhận được khi đến với tâm hồn biết tha thứ. Và người ta phải nhìn vào lòng thương xót tha thứ của Chúa để biết tha thứ cho anh em.
Ðiều này cũng được thánh Matthêô nhấn mạnh trong câu vị hoàng đế nói với kẻ bầy tôi bất nhân bất nghĩa: "Ngươi không phải thương xót bạn đồng liêu với ngươi như chính Ta đã thương xót ngươi sao?" Và như vậy rõ ràng giáo lý của Chúa Yêsu là người ta phải nhìn vào lòng Chúa thương xót đã tha thứ rộng rãi quảng đại cho người ta để người ta cũng phải thương xót tha thứ cho anh em trong mọi xúc phạm thực ra quá nhỏ mọn sánh với các xúc phạm của người ta đối với Chúa.
Và cũng một tư tưởng nữa trong giáo lý của Ðức Kitô: Người ta chỉ là "đồng liêu" với nhau, hoặc như lời sách Huấn ca, người ta hết thảy đều là xác thịt. Tha thứ có là việc đáng kể gì sánh với việc Thiên Chúa tha thứ cho ta, vì Người là Ðấng Thánh khác hẳn với chúng ta và trổi vượt trên chúng ta bội phần? So sánh Người với chúng ta như vị hoàng đế với kẻ bầy tôi chỉ là một kiểu nói theo ngôn ngữ loài người. Khó tìm được lối so sánh nào mạnh hơn. Nhất là nếu còn muốn gợi lên hình ảnh xử án nữa!
Như vậy bài sách Tin Mừng quả thật đã không bỏ mất một yếu tố nào trong bài sách Huấn ca. Hơn nữa thay vì đưa chúng ta nghĩ về phiên tòa xét xử sau này trong ngày chung thẩm, thánh Matthêô cho chúng ta thấy việc phân xử đó đang thi hành trước mắt chúng ta, kể từ ngày Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho mọi người nơi Ðức Yêsu Kitô Cứu Thế.
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng có một quan niệm tương tự khi khuyên chúng ta phải biết rộng rãi tha thứ cho anh em. Và phải biết tha thứ đến độ không còn dám đoán xét anh em nữa. Chúng ta hãy tìm hiểu ý người.

C. Không Ðược Ðoán Xét
Người nói: chúng ta là gì mà lại đoán xét anh em, mà lại coi anh em là đắc tội? Chúng ta hết thảy chỉ là tôi tớ. Thật vậy, là tín hữu, chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô. Chúng ta tuyên xưng Người là Chúa nhờ cuộc khổ nạn-phục sinh của Người. Người đã được đặt làm Chúa kẻ sống và kẻ chết, tức là Chúa của các thế hệ đi trước chúng ta và của chúng ta cũng như của những kẻ đến sau chúng ta. Ðối với Người, chúng ta chỉ là bầy tôi hay là tôi tớ theo nghĩa rất mạnh là vận mạng của chúng ta hết thảy bây giờ ở trong tay Người. Có thể nói, chúng ta ngày nay không còn tự do gì nữa. Từ ngày cùng chết và sống lại với Người trong Bí tích Rửa tội để trở thành Kitô hữu, chúng ta đã tự bán mình cho Người, trở nên nô lệ của Người để được sự tự do của con cái Thiên Chúa.
Vậy thân phận chúng ta đã là những tên nô bộc sống hoàn toàn dưới quyền của Chúa thì chúng ta không còn quyền đoán xét và xét xử nhau nữa. Mọi xích mích giữa chúng ta bây giờ phải được đệ lên trước mặt Chúa để tùy Người phân xử. Chúng ta chỉ còn phận sự chu toàn trách nhiệm của mình và sẽ phải trả lẽ về chính mình ở trước mặt Thiên Chúa.
Bài học của thánh Phaolô như vậy có vẻ dứt khoát và quyết liệt hơn Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng. Không những không được giận hờn mà còn không được đoán xét. Không còn khuyên bảo theo gương Chúa nữa nhưng trắng trợn chỉ tay vào thân phận của mỗi người mà bảo im đi. Nghĩ như vậy là không hiểu tý gì về tư tưởng của thánh Phaolô. Ðối với người, không có vinh dự và hạnh phúc nào sánh được với ơn gọi Kitô hữu. Và người ta càng sống đúng với ơn gọi này khi chỉ còn sống chết cho Chúa Kitô. Sống như vậy là trở nên nô lệ của Người, nhưng đó là thứ nô lệ đem đến thống trị với Người, như chính Người đã tự hư vô hóa mình để được đưa lên trên hết mọi danh hiệu và làm Chúa của kẻ chết và kẻ sống. Người Kitô hữu đã thuộc về Chúa, trở nên sản nghiệp của Người, thì không còn ở dưới quyền ai nữa, một chỉ ở dưới quyền Thiên Chúa mà thôi. Ðó là sự tự do của họ. Thánh Phaolô bênh vực sự tự do này cho mọi tín hữu vì nó đã được mua chuộc bằng Máu của Ðức Kitô. Thế nên thánh nhân không cho ai có quyền đoán xét anh em. Và như vậy người bênh vực mọi Kitô hữu chứ không phản đối ai.
Bài học của người hiểu như vậy thật tích cực và đề cao mọi người. Có thể nói người đã làm cho mọi người được quyền bất khả bị xâm phạm nhân danh Kitô hữu, tức là nhân danh Ðức Kitô. Nói đúng hơn, người nhắc nhở hết thảy chúng ta trở nên thân phận của mình. Là đồng phận, đồng liêu với nhau ở trước mặt Chúa, chúng ta hãy sống hòa hợp với nhau như anh em. Và như vậy không còn được đoán xét giận hờn nhau nữa.
Tư tưởng của Người đã có trong bài sách Huấn ca và trong bài Tin Mừng. Ðọc lại cả ba bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy rõ Lời Chúa vẫn là một: người ta không được đoán xét oán giận nhau vì là những thái độ không tốt; hết thảy chúng ta đều như nhau trước mặt Chúa. Người đã thương xót tha tội vô vàn cho chúng ta thì lẽ nào chúng ta bất nhân đến nỗi còn muốn hạch tội anh em? Người đã đổ máu ra để chuộc anh em, thì làm sao chúng ta còn có thể kết tội anh em? Người sẽ phán xét mọi người thì chúng ta phải tỏ ra thương xót để sẽ được thương xót.
Tất cả những điều ấy đang thật sự xảy ra ở giữa cộng đoàn chúng ta trong giờ phụng vụ này. Ai có thể nói mình hơn ai ở trước mặt Chúa? Người không tỏ ra xót thương chúng ta vô vàn trong hành vi lễ tế này sao? Và Người hy sinh đến như vậy để muốn chuộc hết mọi người và nâng lên bậc làm con Chúa. Có thể nào chúng ta còn dám đoán xét anh em?
Và cuối cùng, mầu nhiệm Thánh Thể này đảm bảo việc Chúa Kitô sẽ trở lại phán xét, đưa tất cả về thiên quốc làm thành Thân thể sáng láng của Người. Ai có tâm nào muốn loại trừ anh em, đi trước quyền phân xử của Chúa và khiến Người sẽ không dung thứ cho chính mình? Không, để tham dự Thánh lễ này cho hữu hiệu, chúng ta hãy thi hành Lời Chúa: trước khi đem lễ vậy dâng trên bàn thờ phải làm hòa với anh em. Và khi đã dâng của lễ hòa giải này nơi bàn thờ, chúng ta lại càng phải duy nhất yêu thương phục vụ anh em hơn nữa. Vì có như vậy chúng ta mới thật sự là một đoàn chiên với một Chúa chiên.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 24 Thường Niên, Năm A
Bài đọcSir 27:30-28:7; Rom 14:7-9; Mt 18:21-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tha thứ.
Tha thứ là chuyện khó làm mà phải luôn tha thứ là điều quá vượt quá giới hạn của con người, thế mà các Bài đọc hôm nay lại khuyên con người làm chuyện đó. Những lý do làm cho con người khó tha thứ: (1) Tha thứ mãi để cho người ta lợi dụng. (2) Tha thứ mãi để cứ phải chết lần chết mòn. (3) Chắc gì người ta đã muốn nhận tha thứ của mình. (4) Làm sao quên được những đau khổ và xỉ nhục họ gây ra cho mình? Vì thế, nhiều người kết luận “Chúa tha nhưng tao không tha,” hay “sống giữ chết mang theo.” Có người căm hận người khác đến độ “Chúa có bắt xuống hỏa ngục cũng đành chịu chứ không thể tha thứ được!” Những lý do nêu trên đều chính đáng, nhưng không đủ để tránh tha thứ. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những lý do tại sao phải tha thứ luôn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tha thứ để được thứ tha.
Lý do đầu tiên và trên hết tại sao phải tha thứ là vì để được thứ tha bởi Thiên Chúa. Đã là con người, ai cũng có tội; nếu đã có tội, cần phải được tha thứ. Con người không những có tội, còn luôn luôn phạm tội; vì thế con người luôn luôn cần được tha thứ. Những lời của Sách Đức Huấn Ca lặp đi lặp lại điệp khúc này:
- Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
- Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.
- Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!
- Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình!
Điều làm cho con người khó tha thứ là con người tưởng mình tốt lành và coi người khác là tội nhân. Nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ nhìn thấy rõ hơn tội lỗi của họ. Hơn nữa, nhiều người biết mình có tội nhưng vẫn lên án tha nhân, là vì tội tha nhân đã được phơi ra ánh sáng, trong khi họ nghĩ tội của họ có thể che giấu được. Câu truyện Người Phụ Nữ Ngọai Tình trong chương 8 của Gioan là một ví dụ điển hình. Chúa thách đố mọi người đang muốn ném đá người phụ nữ: “Ai trong các ông không có tội thì hãy quăng viên đá trước.” Không ai dám quăng đá vì họ biết họ có thể giấu mọi người, nhưng không thể giấu chính họ, và Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong lòng họ.
Luôn nghĩ đến Ngày Phán Xét là động lực giúp con người dễ tha thứ: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn.” Trong ngày này, mọi bí ẩn giấu kín đều được phơi bày ra ánh sáng và Thiên Chúa là Đấng rất công minh sẽ thưởng hay phạt mỗi người tùy theo việc họ đã làm.
2/ Bài đọc II: Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.
Tha thứ để được thứ tha là chuyện công bằng nên làm. Tuy nhiên, thánh Phaolô còn cho chúng ta một nguyên lý tích cực hơn để tha thứ: cho Chúa và cho chính chúng ta. Ngài nói: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.”
Nguyên lý tích cực này đến từ thần học về thân thể của ngài: Mọi người đều là những chi thể của một thân thể là Hội-Thánh và Đức Kitô là Đầu. Theo thần học này, chúng ta được nối kết với nhau trong một tình tương thân tương trợ vì chúng ta cùng được nối kết vào thân thể của Chúa. Các chi thể không thể sống riêng lẻ, nhưng phải kết hợp với thân thể. Nếu một chi thể đau là tòan thân đau; và nếu tất cả các chi thể khỏe mạnh thì tòan thân khỏe mạnh.
Giống như trường hợp hôn nhân giữa hai vợ chồng: họ không còn là hai nhưng trở nên một xương thịt, vì thế cả hai không thể tách rời nhau vì bất cứ lý do gì cho đến chết; chúng ta có thể áp dụng thần học thân thể của thánh Phaolô vào sự tha thứ. Tất cả chúng ta là những chi thể của một thân thể là Chúa Kitô nên chúng ta không thể tách rời nhau vì bất kỳ lý do gì, không những cho đến chết mà còn cả khi sống lại nữa vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Vì vậy, tha thứ là chuyện phải làm để giữ cho thân thể Chúa Kitô luôn được vẹn tòan.
3/ Phúc Âm: Phải luôn tha thứ, không phải đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.
Chúng ta phải thầm biết ơn sự mau miệng và tính thành thật của Phêrô, vì nhờ thánh nhân mà chúng ta có được sự giảng giải rõ ràng của Chúa Giêsu về một vấn đề hết sức tế nhị và rất khó thi hành. Phải tha thứ bao nhiêu lần? Tục ngữ Việt-Nam có câu “Quá tang ba bận,” và phong tục của người Do-Thái cũng thế “tối đa là 3 lần.” Phêrô muốn tỏ ra chắc ăn, nên đã rộng lượng tăng lên hơn gấp đôi: “7 lần.” Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô và chúng ta giật mình: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." Các nhà chú giải thường tranh luận “bảy mươi lần bảy là bao nhiêu lần?” Có người cho là 70*7= 490 lần; người khác cho là 707 hay 777, một con số rất to lớn. Điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh nơi đây là bất cứ lúc nào anh chị em nói lời xin lỗi là chúng ta phải tha. Nhiều người đã lắc đầu và cho rằng: Nếu thánh trên bàn thờ còn phải nhảy xuống để can thiệp thì làm sao con người có thể tha thứ mãi, nhất là với những người cứ tái đi tái lại? Nhưng nếu chúng ta biết trở nên tốt là một tiến trình tập luyện lâu dài thì việc phải kiên nhẫn tha thứ là chuyện tất nhiên phải làm.
Tại sao phải tha thứ? Thay vì đưa ra câu trả lời, Chúa kể một ví dụ rất rõ ràng và có thể giải quyết nhiều vấn nạn khác chung quanh vấn đề tha thứ. Người nói: “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.”
Sự tương phản giữ hai món nợ và cách xử cho ta thấy rõ sự ác độc của kẻ đã được tha thứ này. Số tiền anh được tha là mười ngàn yến vàng (ta,lanton) tương xứng với khỏang 4.8 triệu Mỹ-kim (một yến vàng giá 5000-6000 quan tiền) trong khi bạn anh chỉ nợ 100 quan tiền (khỏang 10 Mỹ-kim). Nếu so sánh giữa hai món nợ, số tiền bạn anh nợ chưa đáng số lẻ của món nợ anh được tha. Chúng ta hãy xem cách xử của anh với người bạn nợ: Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!" Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.
Tại sao anh làm như thế? Vì anh nghĩ rằng sẽ không ai biết cách cư xử của anh, nhất là vị vua đã tha nợ cho anh. Nhưng tất cả những gì anh làm đã không giấu được các bạn của anh vì những người này có thể cũng là bạn với con nợ của anh. Họ buồn lắm và đến thuật lại cùng vị vua tất cả mọi điều xảy ra. Chúng ta thử tưởng tượng xem phản ứng của nhà vua sẽ ra sao khi biết được tin này: Vua đòi đầy tớ đến mà phán rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia! Ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi cầu xin Ta; tại sao ngươi không thương xót đồng bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?” Chủ nội giận, trao anh cho kẻ giữ ngục cho đến khi anh trả xong hết nợ.
Cũng vậy, trong mối tương quan của chúng ta với Chúa: Nếu chúng ta không chịu tha thứ những khuyết điểm nhỏ bé của anh em phạm đến chúng ta như kẻ bất lương hôm nay, làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ những tội lớn chúng ta đã xúc phạm đến Ngài? Vì thế, tha thứ không còn là chuyện có thể làm hay không làm, nhưng là một bổn phận phải làm kèm theo hình phạt nếu không làm như Chúa đã báo hôm nay: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tha thứ để được thứ tha.
- Tha thứ cho nhau là giữ cho thân thể của Chúa Kitô được luôn vẹn tòan.
- Phải tha thứ luôn luôn cho tha nhân vì Chúa vẫn hằng tha thứ cho chúng ta mỗi ngày.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

Mt 18,21-35

THA THỨ THỜI KỸ THUẬT SỐ


Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Chúa Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?” (Mt 18,21)

Suy niệm: Con số 7 trong Kinh Thánh vốn mang ý nghĩa tượng trưng diễn tả sự hoàn thành trọn vẹn (như Thiên Chúa sáng tạo trong bảy ngày…). Thế mà, để đánh giá sự tha thứ, Phê-rô đã giới hạn con số bảy hoàn hảo đó vào một dãy số chỉ có bảy đơn vị và coi đó như giá trị tối đa của lòng bao dung. Chúa Giê-su lưu ý rằng chính vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện và vô giới hạn - như trong dụ ngôn Chúa kể - chúng ta cũng không được hạn chế lòng bao dung thương xót vào cách tính toán hẹp hòi theo kiểu con người, mà phải hiểu “tha thứ đến bảy lần” có nghĩa là “bảy mươi lần bảy” nghĩa là cũng vô hạn và vô điều kiện như cung cách của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, người ta ngày càng muốn “số hoá” mọi sự, và với óc thực dụng, đòi “cân đong đo đếm” cả đến những thực tại tâm linh. Hậu quả là người ta muốn hạn chế ở mức tối thiểu những đòi hỏi của việc nên thánh, và ngược lại, cư xử hẹp hòi nghiệt ngã với tha nhân. Là con cái của Thiên Chúa, mời bạn cư xử cách bao dung quảng đại theo cung cách của Ngài trước tiên bằng việc tha thứ cho nhau đến vô hạn.

Chia sẻ về bí quyết sống sau đây: “Để có thể tha thứ đến vô hạn trong những việc cụ thể, phải thường xuyên sống tinh thần bao dung.”

Sống Lời Chúa: Luôn cười xoà mỗi khi có ai lỡ làm phiền bạn; vui vẻ chấp nhận những đau khổ nho nhỏ do người khác gây ra mà không bực bội thù oán.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.
(5 phút Lời Chúa)


HT LÒNG THA TH (17.9.2017 – Chúa nht 24 Thường niên, Năm A)
Ơn tha th như dòng sui chy vào đi tôi, nếu b ngăn li, nó s thành ao tù, nó ch trong lành khi được chy đến tha nhân.


Suy nim:
“Và bạn nữa, người bạn của giây phút cuối cùng.
Bạn không hiểu điều bạn đã làm.
Cầu xin cho hai chúng ta là những người trộm lành
được gặp lại nhau trên Thiên quốc, ...
Chúa là Chúa của hai chúng ta.”
Ðó là lời trối của cha Christian de Chergé
viết cho người Hồi giáo nào đó sẽ ám sát mình,
bởi cha biết cái chết là điều không sao tránh khỏi.
Ta không thấy có chút hờn oán nào.
Cha coi kẻ giết mình như một người bạn,
một người trộm lành như cha,
và cha mong được sống với anh trên trời.
Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên,
đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.
Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ.
Tha thứ để làm cho oán tiêu tan,
để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người.
Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác:
Tôi phải tha thứ cho anh em tôi
vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi.
Ðời tôi là một chuỗi những vấp ngã,
được đan kết với bao thứ tha.
Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi,
nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù,
nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân.
Tha thứ là khả năng của Thiên Chúa.
Tự sức riêng, ta không ra khỏi được vòng oán thù.
Chẳng ngày nào thế giới không có tiếng súng.
Luật mắt đền mắt là luật công bằng,
nhưng có thể làm cả thế giới hoá mù.
Chỉ sự tha thứ mới đem lại bình an.
Dám tha thứ là dám chịu thiệt thòi,
dám tin rằng cuối cùng tình thương sẽ thắng.
Quả tim chai đá phải tan chảy trước tình thương.
Ðức Giêsu mời gọi chúng ta tha thứ,
không phải 7 lần, mà là 70 lần 7,
nghĩa là tha thứ như Thiên Chúa,
tha vô giới hạn.
Cần biết chạnh lòng thương như Thiên Chúa,
để sẵn sàng tha cho bạn mình một món nợ nhỏ,
vì Chúa đã tha cho mình món nợ khổng lồ.
Chúng ta chỉ biết chắc mình đã được Chúa tha,
khi chúng ta không giữ ơn tha thứ cho riêng mình,
khi chúng ta mang quả tim thương xót
của Ðấng hay tha thứ.
Cha Chergé đã bị giết cũng với 6 đan sĩ khác.
Chắc nay cha hiểu rõ hơn câu này:
“Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ.”
Cầu nguyn:

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Thánh Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
17 THÁNG CHÍN
Thánh Thần, Đấng Dẫn Dắt Chúng Ta
Hội Thánh, được sinh ra từ Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, vẫn không ngừng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. “Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho anh em mọi sự và làm cho anh em nhớ lại tất cả mọi điều [Thầy] đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Hội Thánh trên trần gian vẫn không ngừng được dẫn dắt bởi Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh để đào sâu chính chân lý mà Hội Thánh đã nhận lãnh trực tiếp từ môi miệng của Thầy. Trải qua bao thế kỷ, Hội Thánh đã thấu hiểu hơn chân lý ấy nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là con đừơng giúp Hội Thánh ngày càng nhận hiểu Đức Kitô nhiều hơn. Sự hiểu biết có sức cứu độ này đã thật sự được sở đắc bởi Hội Thánh khải hoàn, là “Giêrusalem trên trời” (Gl 4,26). Chúa Thánh Thần khích lệ Hội Thánh tại thế bằng viễn cảnh huy hoàng của Hội Thánh vinh quang.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Gương Thánh Nhân
NGÀY 17-09 THÁNH RÔBERTÔ BELLARMINÔ (1452 - 1621)

Thánh Rôbertô Bellarminô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1452 tại Montepulcianô. Cha Ngài là Vinconzo Bellarminô. Mẹ Ngài là Cynthia Cervini. Em Đức giáo hoàng Marcellô II. Ngay khi còn là một học sinh tại trường các cha dòng Tên. Ngài đã tỏ ra thông minh đặc biệt. Cha Ngài đã định cho Ngài theo học y khoa. Dầu vậy năm 1560, Ngài xin gia nhập dòng Tên và đã được cha mẹ ưng thuận.
Theo học triết tại Roma, Ngài đã tỏ ra là một học sinh nổi bật. Từ Roma Ngài đã được gởi đi dạy học trong các trường của dòng Tên trong 4 năm tại Florence và Modevi. Lúc này Ngài đã thông thạo tiếng Hy lạp và được chỉ định dạy cho các bạn cùng lớp. Dầu chưa làm linh mục, Ngài thường được mời đi giảng và được coi như là nhà giảng thuyết từ bẩm sinh. Ngài học thần học trước hết ở Padua, rồi sau ở Louvain và thụ phong linh mục tại đây năm 1570. Các bài giảng của Ngài tại Louvain mang lại thành công đăc biệt. Anh em Tin Lành tại Anh cũng tìm đến nghe Ngài và nhiều người đã trở lại. Với dáng nhỏ bé, Ngài thường đứng trên ghế đẩu từ bục giảng.
Là giáo sư thần học tại Louvain, Ngài rất mộ mến các tác phẩn của thánh Tôma. Trong các bài diễn thuyết, Ngài đã chống lại một cách hữu hiệu nhưng đầy tình thương với các giáo thuyết khơi nguồn cho thuyết Giansenisme sau này. Thánh Robertô cũng thúc đẩy các sinh viên học tiếng Do thái và đã soạn cho họ một cuốn văn phạm ngắn gọn. Ngài đọc nhiều về các giáo phụ và các văn sĩ khác trong Giáo hội, một nỗ lực còn ghi lại trong tác phẩm "về các văn sĩ trong Giáo hội" (xb năm 1623).
Sau thời kỳ ở Louvain, Ngài được trao phó thi hành một công việc khó khăn là làm giáo sư phụ trách các cuộc tranh luận tại Roma. Các cha dòng Tên đã tổ chức việc diễn giảng này nhằm trả lời bằng ngôn ngữ thời đại đối với các cuộc tấn công của anh em tin lành. Suốt 11 năm, thánh Robertô đã nỗ lực cho công cuộc này với sự thành công rực rỡ. Nhiều sinh viên của Ngài đã trở thành thừa sai tại Anh và tại Đức. Một số người đã đổ máu vì đức tin tại Anh.
Các bài diễn thuyết của Ngài được xuất bản lần đầu tại Ingolstudt, từ năm 1586 - 1593 dưới tựa đề "các cuộc tranh luận về đức tin công giáo chống lại các người theo lạc giáo thời nay". Có 20 ấn bản khi Ngài còn sống và nhiều ấn bản sau này nữa. Đây là một công trình bảo vệ đức tin đầy đủ nhất của Giáo hội có được và suốt ba thế kỷ liền nó là áo giáp cho các nhà giảng thuyết và các văn sĩ.
Những trách vụ khác thánh Robertô đảm nhận thời kỳ này là tu chính tác phẩm chú giải của Salmeron, một bạn dòng, làm việc trong ủy ban tu chính nghi thức phụng vụ Roma và bản kinh thánh phổ thông. Ngài cũng góp phần lớn cho Đức Sixtô V trong việc ấn hành các tác phẩm của thánh Ambrosiô.
Với vai trò thần học gia của Đức Hồng y Goetni. Vị đặc sứ của Đức giáo hoàng tại Pháp năm 1589, thánh Robertô chứng tỏ rằng: Ngài là một nhà ngoại giao lẫn một học giả có khả năng. Việc đại diện tại Paris thật nặng nhọc. Nhưng thử thách lớn lao nhất lại đến từ một phía khác. Đức giáo hoàng Sixtô V quyết định đặt cuốn I trong bộ những cuộc tranh luận vào sổ sách bị cấm. Đức giáo hoàng không bằng lòng với chủ trương của thánh Robertô, cho rằng uy quyền của giáo hoàng trực tiếp trong các vấn đề vật chất, và nếu có thì chỉ qua uy tín tinh thần mà thôi. Chủ trương này đã trở nên thông thường trong Giáo hội ngày nay. Nhưng Đức Sixtô đã qua đời và Đấng kế vị Ngài đã rút lại quyết định. Dầu bị thử thách nhưng thánh Robertô đã góp phần vào ấn bản Kinh thánh thời Đức Sixtô và đã viết tựa cho ấn bản cũ được vạch ra với một tinh thần bác ái.
Thánh Robertô liên tiếp làm cha tinh thần và viện trưởng của học viện Roma, rồi làm bề trên tỉnh dòng Naples. Tại Roma Ngài hướng dẫn một thánh trẻ dòng Tên là Luy Gonzaga. Tại Naples, chính Ngài được một cha dòng Tên khác là thánh Bernadiô Realinô sau này gọi là thánh.
Bị ép buộc nhận chức Hồng y năm 1599, từ đó Ngài lo các việc cho toàn thể Hội Thánh, chẳng hạn như vụ án Galilêô và cuộc tranh luận về ơn thánh giữa các cha dòng Daminh và dòng Tên.
Ngài làm Tổng giám mục Capua trong ba năm, rồi chấm dứt những ngày hạnh phúc ấy vào năm 1605 khi Ngài được triệu về Roma và cầm viết bênh vực Giáo hội. Liên tiếp Ngài dàn xếp với Fra Sarpi miền Venice, với vua Giacôbê I nước Anh và với văn sĩ Pháp Guillaume Barchony.
Thánh Robertô qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1621, được tuyên thánh năm 1928 và được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.
 (daminhvn.net)


17 Tháng Chín
Lời Nói Không Mất Tiền Mua
Mahatma Gandhi, người đề xướng chủ trương tranh đấu bất bạo động, đến Phi Châu. Ông vào dùng bữa trong một quán ăn bình dân. Sau khi dùng bữa, ông trả tiền và nói với người giúp bàn: "Xin cám ơn vì sự tử tế của anh". Người giúp bàn trả lời: "Thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ quên ngài. Từ 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe được một tiếng cám ơn".
"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn, biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với. Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá trị và nhân phẩm của người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ bài học nào đó.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét