Trang

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

13-02-2018 : THỨ BA - TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

13/02/2018
Thứ Ba tuần 6 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 12-18
"Chính Thiên Chúa không hề cám dỗ".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Phúc cho kẻ chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những kẻ yêu mến Người. Khi bị cám dỗ, đừng ai nói rằng bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị sự dữ cám dỗ, và chính Người cũng không hề cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị tình dục cám dỗ, bị nó xúi giục và dụ dỗ. Rồi khi tình dục đã thai nghén, thì sinh ra tội lỗi, và khi tội đã phạm rồi, thì sinh ra chết.
Anh em thân mến, anh em đừng lầm lẫn: mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 93, 12-13a. 14-15. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo (c. 12a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ. - Ðáp.
2) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo. - Ðáp.
3) Ðang lúc con nghĩ rằng chân con xiêu té, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. Khi lòng con vướng thêm nhiều điều lo lắng, thì ơn Chúa ủi an làm vui sướng hồn con. - Ðáp.
  
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 14-21
"Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê". Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: "Tại mình không có bánh". Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: "Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?" Các ông thưa: "Mười hai thúng". - "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?" Họ thưa: "Bảy thúng". Bấy giờ Người bảo các ông: "Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tín thác vào tình yêu của Chúa
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền với các môn đệ để đi về hướng Betsaiđa; Ngài lợi dụng những giây phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng của các ông về những phép lạ Ngài đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ bánh và cá hóa ra nhiều.
Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của Biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm người này. Chúa Giêsu đã dùng chữ "men" để nói đến tinh thần kiêu ngạo và thái độ mù quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiểu được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ và sứ điệp của Ngài. Ðó cũng chính là nội dung của chương trình huấn luyện mà Ngài đeo đuổi trong ba năm rao giảng của Ngài. Mãi đến lúc Ngài bị bắt và chịu treo trên Thập giá, xem chừng các môn đệ vẫn chưa hiểu được chiều sâu sứ điệp của Ngài. Mơ tưởng của những người dân chài này là được trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc trần gian mà họ nghĩ là Chúa Giêsu đã đến để thiết lập.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài hãy vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều sâu sứ điệp của Ngài. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài. Giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, con người dễ dàng chạy đến với Chúa: đó là thái độ rất chính đáng, bởi vì qua cử chỉ ấy, con người tuyên xưng niềm tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có một thái độ vô vị lợi hơn, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Ngài. Một thái độ như thế sẽ cho chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài, và cho chúng ta thốt lên như các vị thánh: "Tất cả đều là hồng ân của Chúa" bởi vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta một niềm tin như thế, để trong mọi sự, chúng ta luôn biết dâng lời cảm tạ Chúa.
Veritas Asia



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần VI TN
Bài đọc Jam 1:12-18; Mk 8:14-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần sống đức tin trong cuộc đời.
Đức tin không phải chỉ là những hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng còn là áp dụng những hiểu biết này trong cuộc đời. Nếu chúng ta không sống những gì chúng ta tin, đức tin chỉ là điều trong trí óc và chẳng giúp được gì cho chúng ta (Jam 2:14). Ví dụ, nếu chúng ta tin lời Thiên Chúa nói về sự quan phòng của Ngài, chúng ta không được phép lo lắng thái quá về việc ăn gì, uống gì, và mặc gì? Hay nếu chúng ta tin điều quan trọng nhất trong cuộc đời là lo sao cho mọi người được cứu độ, chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ cho việc tìm hiểu và rao giảng Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những mẫu gương sống và không sống đức tin. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tác-giả Thư Giacôbê xác định cám dỗ không đến trực tiếp từ Thiên Chúa; nhưng cần thiết để thử luyện đức tin của con người. Trong Phúc Âm, Chúa nhắc nhở các tông-đồ “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisees và men Herode!” Vì tuy các ông đã chứng kiến 2 phép lạ cả thể Chúa Giêsu đã làm để nuôi một lần 5,000, một lần 4,000 người ăn no nê; các ông vẫn bàn tán về việc không mang đủ bánh theo.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng thử thách.
2.1/ Thiên Chúa để cám dỗ xảy đến cho con người.
(1) Nguồn gốc của cám dỗ: Con người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khá hay hoàn cảnh đưa đến sự sa ngã của mình. Trong trình thuật về sự sa ngã đầu tiên của con người: ông Adong đổ tội cho bà Evà, người Thiên Chúa đã dựng nên và cho ông làm bạn. Bà Evà đổ lỗi cho con rắn đã lừa đảo và cám dỗ Bà. Câu hỏi được con người đặt ra: "Ai là nguyên nhân chính của cám dỗ?" Có ít nhất 4 ý kiến khác nhau:
+ Thiên Chúa: Ngài dựng nên mọi sự trong trời đất: thiên thần, quỉ thần, và con người với mọi dục vọng trong cơ thể. Tác giả thư Giacôbê phản đối ý kiến này: "Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ," vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai." Hơn nữa, trình thuật tạo dựng cũng xác tín: "mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành."
+ Quỉ thần: Rắn cám dỗ bà Evà trong vườn Địa Đàng, và vẫn đang cám dỗ con người như lời Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ: "Thầy thấy Satan từ trời sa xuống, và sàng các con như sàng gạo."
+ Thế gian: Những người sống chung quanh mình, và môi trường gia đình cũng như xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến tội lỗi của cá nhân. Ví dụ: nghèo đói sinh ra mọi tệ nạn xã hội như ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, và đĩ điếm. Tuy nhiên, con người vẫn có thể sống: "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn."
+ Xác thịt: Không biết kiềm chế những dục vọng trong con người mình. Thánh Giacôbê qui chế cám dỗ cho con người: "Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt."
(2) Trách nhiệm của con người: Thực ra, Thiên Chúa chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp vì Ngài dựng nên và điều khiển mọi sự; nhưng con người là nguyên nhân trực tiếp cho các hành động tội lỗi của mình. Thiên Chúa không dựng nên các điều xấu vì tội lỗi không bén mảng được vào Thiên Chúa. Ngài để những sự xấu xảy ra và ban cho con người có khôn ngoan để nhận ra các nguy hiểm và tự do để chọn lựa điều tốt giữa bao điều xấu xa. Cám dỗ cần thiết vì nó cung cấp thử thách cho con người để họ chứng minh niềm tin yêu của con người nơi Thiên Chúa. Tác giả Thư Giacôbê nhìn ra lợi ích của cám dỗ: "Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người." Nhưng nếu con người không biết dùng khôn ngoan để nhận ra những nguy hiểm của cám dỗ và sa ngã, họ là người phải chịu trách nhiệm cho mọi hình phạt sẽ xảy đến, hình phạt nguy hiểm nhất là cái chết, như tác giả nhận xét: "một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết."
2.2/ Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành: Tác giả tin mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành, như trình thuật tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên, khi viết: "Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng." Tác giả nhấn mạnh đến tính bất biến của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ thay đổi: mặt trời, mặt trăng, và các tinh thể có thể lúc sáng lúc tối; nhưng nơi Thiên Chúa hoàn toàn là sự sáng.
Trách nhiệm của con người là biết tận dụng tất cả những gì Chúa dựng nên cho mục đích tốt lành mà Thiên Chúa mong muốn. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không để con người lầm lũi bước đi trong tăm tối và bị rơi vào bẫy của ba thù (quỉ thần, thế gian, và dục vọng xác thịt); nhưng ban cho con người một nguồn sáng không bao giờ tối là Kinh Thánh. Con người phải biết chạy đến với nguồn sáng này để nhận ra các cám dỗ và cách thức để vượt qua, như tác giả khuyên: "Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người."
3/ Phúc Âm: Lo lắng chuyện ăn uống.
3.1/ Lo lắng chuyện thế gian: Các môn đệ lo lắng vì quên đem bánh theo; các ông chỉ có một chiếc bánh trên thuyền. Chúa Giêsu răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisees và men Herode!" Men là miếng bột cũ còn giữ lại từ khối bột làm bánh cũ; mục đích là để cho bột nổi lên trước khi nướng bánh. Chỉ cần một chút men cũng đủ làm dạy cả một khối bột lớn. Người Do-thái đôi khi đồng hoá công việc của ma quỉ với men.
(1) Men Pharisees: Niềm tin đặt trên việc nhìn thấy phép lạ để đem lại uy quyền và lợi lộc vật chất. Chúng ta đã nói về vấn đề này hôm qua, khi họ đến tranh luận và thách thức Chúa Giêsu làm phép lạ, trước khi họ có thể tin vào Ngài.
(2) Men Herode: Nhà Vua chú trọng đến uy quyền, danh vọng, và hưởng thụ các của cải vật chất. Vì thế, ông đã từ chối sự thật và chém đầu Gioan Tẩy Giả.
Khi khuyên các môn đệ phải đề phòng “men Pharisees và men Herode,” Chúa Giêsu muốn nói với các ông đừng quan tâm đến những chuyện thế gian như họ. Hơn nữa, Chúa đang chuẩn bị cho các ông chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu chuộc con người.
3.2/ Các Tông-đồ đã không sống niềm tin: Mặc dù đã được Chúa Giêsu cảnh cáo, các ông vẫn không hiểu những gì Chúa Giêsu muốn nói, vì “các ông vẫn bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh.” Chúa Giêsu cũng phải bực mình nên Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Chúa Giêsu soi sáng bằng cách đặt câu hỏi cho các ông phải suy nghĩ và trả lời:
- Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho 5,000 người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?" Các ông đáp: "Thưa được mười hai."
- Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho 4,000 người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?" Các ông nói: "Thưa được bảy." Người bảo các ông: "Anh em chưa hiểu ư?"
Mục đích của phép lạ là để khai mở niềm tin. Các Tông-đồ không những được khai mở một lần, mà đến hai lần; các ông vẫn không tin Chúa Giêsu có thể làm phép lạ cho các ông có bánh ăn! Nếu các ông được chứng kiến tận mắt hai lần phép lạ liên quan đến bánh hoá nhiều như thế, mà vẫn cứ nói về chuyện không mang bánh, phép lạ Chúa Giêsu làm có ảnh hưởng gì đến niềm tin của các ông?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đức tin phải đi đôi với hành động; đức tin không việc làm là đức tin chết (Jam 2:17). Nếu chúng ta thực sự tin Lời Chúa, chúng ta phải áp dụng những Lời của Ngài trong cuộc sống.
- Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisees và men Herode!" vẫn còn hiệu lực cho chúng ta ngày nay; vì rất nhiều lần chúng ta đã để cho những lo lắng thế gian làm chủ cuộc đời.
- Nếu chúng ta sống ngược lại với những gì chúng ta tin, chúng ta sẽ phải trả giá trước mặt Thiên Chúa. Hình ảnh Lụt Hồng Thủy nhắc nhở chúng ta thân phận yếu đuối và tội lỗi của con người.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


13/02/2018
THỨ BA TUẦN 6 TN
Mc 8,14-21

CÁI QUÊN ĐÁNG SỢ

“Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh?” (Mc 8,17)

Suy niệm: Con người rất cần ăn để sống. Thiếu cái ăn, người ta sợ phải đói, sợ chết. Trong một chuyến đi biển, các môn đệ Đức Giê-su quên đem theo bánh. Khi nhận ra điều đó, các ông bàn tán xôn xao vì lo cạn lương thực trong những ngày lênh đênh trên biển này. Chúa Giê-su trách các ông sao lại chóng quên rằng Thầy của họ đang ở bên cạnh họ đây chính là Đấng đã từng hai lần làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Vậy thì tại sao lại sợ? Ngài nâng tầm nhìn của họ lên hướng về Bánh Hằng Sống mà Ngài hứa ban, để biết đề phòng điều đáng sợ nhất là thứ men gây hư thối là men Pha-ri-sêu, men Hê-rô-đê, nghĩa là những ý xấu, những thái độ nệ luật, lòng háo danh, giả hình của người Pha-si-sêu cũng như lối sống buông thả theo lạc thú của những người như Hê-rô-đê; đó chính là thứ men làm hư hỏng Bánh Hằng Sống của Tin Mừng.

Mời Bạn: Trong cuộc sống, thường chúng ta loay hoay chuyện cơm áo gạo tiền. Không ít lần chúng ta sợ lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc. Đức Giê-su nhắc nhở biết sợ điều đáng sợ nhất, đó là quên mất Chúa dù Ngài vẫn ở bên chúng ta, và rồi vì mải lo toan những nhu cầu vật chất, chúng ta mất cảnh giác, chúng ta mải mê chạy theo những của cải chóng qua đời này mà trở thành thù nghịch với Chúa lúc nào không hay.

Sống Lời Chúa: Luôn ý thức mình sống trước sự hiện diện của Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Chúa Giê-su Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con sống trên biển đời với lắm lo toan. Xin ban thêm cho chúng con lòng tin tưởng phó thác, để chúng con vững tin vì có Chúa đồng hành.
(5 phút Lời Chúa)


Không nh sao? (13.2.2018 – Th ba Tun 6 Thường niên)
Chúng ta cn ôn li nhng điu l lùng Chúa đã làm cho đi ta t nh, đ sng mi ngày trong bình an. 


Suy nim:
Tin Mừng Máccô kể ba câu chuyện về việc Thầy trò vượt Biển hồ.
Lần đầu, Thầy Giêsu đã ra lệnh cho sóng gió yên lặng
khiến các môn đệ tự hỏi: Người này là ai…? (Mc 4, 35-41).
Lần thứ hai, sau khi hóa bánh ra nhiều, Thầy đã đi trên mặt nước mà đến với họ.
Nhưng lòng các môn đệ còn chai đá,
họ không hiểu được chuyện bánh hóa nhiều (Mc 6, 45-52).
Bài Tin Mừng hôm nay là lần cuối Thầy trò vượt biển qua bờ bên kia,
sau khi Thầy Giêsu đã hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8, 1-10).
Có một sự cố xảy ra khiến các môn đệ lo âu.
Các ông quên mang bánh khi vượt biển.
Trên thuyền chỉ có một cái bánh duy nhất (c. 14).
Không rõ tại sao trong bối cảnh này Thầy Giêsu lại cảnh báo các ông
về thứ men xấu làm hư hỏng con người (x. 1 Cr 5, 6-8),
đó là thứ “men của người Pharisêu và men của người theo Hêrôđê (c. 15).
Có lẽ vì cuộc đụng độ vừa qua với người Pharisêu (Mc 8, 11-13).
Nhưng lời cảnh báo của Thầy Giêsu có thể đã bị các môn đệ hiểu sai.
Các ông tưởng Thầy trách về chuyện họ không mang đủ bánh.
Từ đó xảy ra một cuộc tranh cãi giữa họ với nhau về chuyện này.
Thầy Giêsu chắc là giận lắm.
Chưa khi nào chúng ta thấy Ngài đặt nhiều câu hỏi liên tiếp như vậy.
Tùy lối chấm câu, có thể có từ sáu đến chín câu hỏi.
Qua các câu hỏi, Ngài bày tỏ sự thất vọng về các môn đệ.
Họ chậm hiểu, chậm nắm bắt; tim của họ bị chai (c. 17).
Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe (c. 18).
Trí nhớ và lòng tin của họ khá kém,
vì dù đã chứng kiến hai lần phép lạ bánh hóa nhiều,
một lần, năm chiếc bánh cho năm ngàn người,
lần khác, bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người,
họ vẫn lo âu khi thấy trong thuyền chỉ có một chiếc bánh dự trữ.
“Vậy mà anh em vẫn còn chưa hiểu sao?” (c. 21).
Chúng ta cũng nghe Chúa hỏi câu hỏi này khi chúng ta xao xuyến âu lo
trước những khó khăn của cuộc sống.
Các môn đệ vượt biển mà không mang đủ lương thực cần dùng.
Họ lo âu vì sợ lỡ ra có bão hay sự cố gì thì làm sao đây.
Thực ra điều họ quên không phải là bánh,
mà là quên Thầy Giêsu đang ở cùng thuyền với họ.
Chúng ta cần ôn lại những điều lạ lùng Chúa đã làm cho đời ta từ nhỏ,
để sống mỗi ngày trong bình an.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Charles de Foucauld)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG HAI
Hồn Lành Trong Xác Mạnh
Tập luyện thể dục thể thao, đó là chúng ta trân trọng thân xác của mình. Chúng ta đạt được tình trạng khỏe mạnh thể lý hết sức có thể, với hoa quả của nó là niềm khoan khoái lớn lao. Trong nhãn giới đức tin, chúng ta biết rằng nhờ phép Rửa, trọn vẹn con người – cả hồn lẫn xác – đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần ngự trong anh em sao… và vì thế anh em không còn thuộc về chính mình nữa? Anh em đã được trả giá để chuộc lại. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (ICr 6, 19 – 20).
Thể thao gắn liền với việc phấn đấu để thắng một cuộc thi đấu hay đạt được một mục tiêu nào đó. Nhưng với đức tin, chúng ta biết rằng “triều thiên không thể hư nát” của cuộc sống vĩnh cửu thì giá trị hơn nhiều so với bất cứ giải thưởng nào trên trần gian. Triều thiên đó là ân huệ của Thiên Chúa, song đó cũng là kết quả của việc chuyên cần đào luyện nhân đức hằng ngày. Và, theo Thánh Phao-lô, đây là một cuộc thi đấu thực sự quan trọng. Ngài nói: “Anh em hãy tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (1Cr 12, 31). Thánh Phao-lô muốn nhắc nhở chúng ta hãy hướng lòng trí về những ân huệ góp phần tăng triển Nước Thiên Chúa. Nếu chúng ta kiên trì trong cuộc chạy đua này, những ân huệ ấy sẽ đem lại một giải thưởng sinh ích lợi vĩnh cửu cho chúng ta.


Hạnh Các Thánh
13 Tháng Hai

Thánh Ciryl và Thánh Methodius
(c. 869, c. 884)


Vì thân phụ của hai thánh nhân là một sĩ quan trong phần đất của Hy Lạp nhưng có nhiều người Slav chiếm ngụ, do đó hai anh em thánh nhân đã trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và quan thầy của người Slav.

Sau thời gian học tập, Cyril (thường được gọi là Constantine cho đến khi ngài trở thành tu sĩ ít lâu trước khi từ trần) đã từ chối địa vị trong chính quyền mà anh ngài đã chấp nhận làm việc cho những người nói tiếng Slav. Ngài gia nhập một đan viện là nơi anh ngài, Methodius, đã là một đan sĩ sau thời gian giữ chức vụ trong chính quyền.

Một quyết định đã thay đổi cuộc đời của các ngài khi Công Tước của Moravia xin Hoàng Ðế Micae của Ðông Phương cho được độc lập về chính trị với nhà cầm quyền Ðức, và được tự trị về phương diện tổ chức giáo hội (có giáo sĩ và phụng vụ riêng). Cyril và Methodius đã lãnh nhận công việc truyền giáo này.

Công việc đầu tiên của Cyril là sáng chế ra bản mẫu tự, giống như mẫu tự vẫn được dùng trong phụng vụ ở các phần của Nam Tư cũ. Những người theo ngài có lẽ đã hình thành mẫu tự Cyrillic từ các chữ cái của Hy Lạp. Ngày nay, họ dịch Phúc Âm, Thánh Thi, Thánh Thư và các sách phụng vụ sang tiếng Slav, và sáng tác phần phụng vụ bằng tiếng Slav rất đặc biệt.

Vì lý do đó và vì việc xử dụng tiếng mẹ đẻ đã dẫn đến việc chống đối của hàng giáo sĩ Ðức. Các giám mục Ðức từ chối việc tấn phong các giám mục và linh mục Slav, và Cyril buộc phải thỉnh cầu lên Rôma. Trong chuyến viếng thăm Rôma, hai anh em thánh nhân đã vui sướng khi thấy bản văn phụng vụ mới của họ được Ðức Giáo Hoàng Adrian II chấp thuận. Nhưng Cyril không bao giờ trở lại Moravia nữa, ngài từ trần ở Rôma sau 50 ngày nhận áo dòng.

Methodius tiếp tục công cuộc truyền giáo trên 16 năm nữa. Ngài là đại diện giáo hoàng đối với toàn thể người dân Slav, được tấn phong giám mục và được giao cho trông coi một giáo phận cũ (thuộc Nam Tư). Khi lãnh thổ trước đây thuộc về họ nay bị tước khỏi quyền tài phán, vị giám mục Bavaria đã trả thù với hàng loạt điều cáo buộc Ðức Methodius. Kết quả là Hoàng Ðế Louis của Ðức đã lưu đầy Ðức Methodius trong ba năm. Sau đó Ðức Giáo Hoàng Gioan VIII đã đảm bảo sự tự do cho ngài.

Hàng giáo sĩ người Frank vẫn còn ấm ức nên họ tiếp tục chụp mũ, và Ðức Methodius phải sang Rôma để bảo vệ ngài khỏi điều cáo buộc về tội lạc giáo và xin duy trì việc dùng bản văn phụng vụ Slav. Một lần nữa ngài lại thành công.

Truyền thuyết nói rằng, trong một giai đoạn cực kỳ hăng say, Ðức Methodius đã chuyển dịch toàn bộ Phúc Âm sang tiếng Salv chỉ trong vòng tám tháng. Ngài từ trần vào ngày thứ Ba Tuần Thánh, với các môn đệ tụ tập chung quanh. Sau khi ngài chết sự chống đối vẫn chưa dứt, và công trình của hai anh em thánh nhân ở Moravia đã đi vào chỗ tận tuyệt, các môn đệ của hai ngài phải phân tán khắp nơi. Nhưng sự trục xuất ấy đã có ảnh hưởng tốt đẹp trong việc phổ biến các công trình về phụng vụ, về tâm linh và văn hóa của hai anh em thánh nhân đến các vùng Bulgaria, Bohemia và nam Ba Lan.

Là quan thầy của Moravia, và được đặc biệt sùng kính bởi người Công Giáo Czech, Slovak, Croatia, Chính Thống Giáo Serb và người Bulgaria, Thánh Cyril và Methodius thật xứng đáng là người bảo vệ sự hiệp nhất Ðông và Tây, là điều được mọi người khao khát từ lâu.

Lời Bàn

Thánh thiện có nghĩa dùng tình yêu Thiên Chúa để đối xử với thói đời: đời sống con người lúc nào cũng vậy, luôn chằng chịt những vấn đề chính trị và văn hóa, sự mỹ miều cũng như sự xấu xa, sự ích kỷ cũng như sự thánh thiện. Với Thánh Cyril và Methodius, hầu như thập giá hàng ngày của các ngài là phải đương đầu với những khó khăn giống như của chúng ta ngày nay: vấn đề ngôn ngữ trong phụng vụ. Các ngài là thánh không phải vì đã đưa phụng vụ vào tiếng Slav, nhưng vì các ngài đã thi hành điều ấy với sự can đảm và khiêm tốn của Ðức Kitô.

Lời Trích

"Ngay cả trong phụng vụ, Giáo Hội không muốn áp đặt một sự đồng nhất cứng rắn nào trong các vấn đề không liên hệ đến đức tin hay không có lợi cho toàn thể cộng đoàn. Ðúng hơn, Giáo Hội tôn trọng và khuyến khích những tinh hoa và những đặc tính riêng của các chủng tộc và dòng giống... Miễn sao sự hợp nhất cốt yếu của nghi lễ Rôma vẫn được duy trì, việc tu chỉnh các sách phụng vụ phải được phép thay đổi và thích nghi với các tổ chức khác nhau, sự sùng bái và các dân tộc khác nhau, nhất là trong xứ truyền giáo" (Hiến Chế về Phụng Vụ, 37, 38).



13 Tháng Hai

    Mang Tên Một Vị Thánh

    Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.

    Tại cộng hòa Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phục hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.

    Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.

    Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.

    Trích sách Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét