Trang

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

15-02-2018 : THỨ NĂM SAU LỄ TRO - TẤT NIÊN VÀ GIAO THỪA TẾT MẬU TUẤT

15/02/2018
Thứ năm sau lễ Tro.
GIAO THỪA TẾT MẬU TUẤT


Bài Ðọc I: Ðnl 30, 15-20
"Hôm nay tôi đề nghị với anh em về sự chúc lành và sự chúc dữ".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân rằng: Này hôm nay tôi giãi bày cho anh em về sự sống và hạnh phúc, về sự chết và bất hạnh. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy đi trong đường lối Người và tuân giữ các giới răn, những lề luật và các huấn lệnh của Người, hầu anh em được sống và tăng số, và Chúa chúc lành cho anh em trên phần đất mà anh em sẽ chiếm hữu. Nhưng nếu lòng anh em không quay về, không muốn nghe, và chạy theo lầm lạc, thờ lạy và phụng sự các thần khác, thì hôm nay tôi tuyên bố với anh em rằng anh em sẽ chết, không được sống trên phần đất bên kia sông Giođan mà anh em sẽ chiếm hữu. Hôm nay, tôi xin trời đất làm chứng rằng: tôi đã đề nghị với anh em về sự sống và sự chết, sự chúc lành và sự chúc dữ. Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy tuân phục lệnh Người và liên kết với Người, vì Người là sự sống và là sự sống lâu dài của anh em, để anh em được ở trong đất nước mà Chúa đã hứa ban cho tổ phụ anh em là Abraham, Isaac và Giacóp".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6,2b
Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Lc 9, 22-25
"Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại".
Chúa nói với mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Theo Chúa Giêsu
Trong lịch sử Giáo hội, từ hơn hai ngàn năm qua đã có biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân dâng hiến cuộc đời phục vụ Chúa trong tha nhân. Ơn gọi của mỗi người thường khác nhau, nhưng có điều chắc chắn là tất cả đều được kêu mời nên thánh, sống hạnh phúc trong ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, theo gương mẫu của Chúa Kitô.
Con đường ơn gọi sống đời tận hiến là hành trình tìm về khổ đau, về cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển. Sống đời tận hiến, sống niềm tin Kitô giáo là chấp nhận thiệt thòi, mất mát, là hy sinh từ bỏ để đổi lấy cuộc sống vĩnh cửu. Nói cách khác sống ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi làm môn đệ Chúa, ơn gọi trở thành công dân Nước Chúa cần một lựa chọn quyết liệt và dứt khoát. Chúa Giêsu đòi hỏi những ai dấn bước theo Ngài sự lựa chọn ấy, cũng như chính Ngài đã lựa chọn dâng hiến cuộc đời và mạng sống vì yêu mến Chúa Cha và để cứu độ con người. Ngài nói: “Ai muốn theo Ta hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy thập gía mình mỗi ngày mà theo Ta”.
Chúa Giêsu có ngặt nghèo và đòi hỏi quá đáng chăng? Không. Ngài chỉ muốn cho chúng ta đước hoàn toàn thanh thoát và hạnh phúc trên con đường sống đời Kitô hữu và đặc biệt là đời tận hiến. Bởi vì chúng ta không thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người một cách thiết thực, nếu còn bị ràng buộc bởi tiền tài, danh vọng, tình cảm.
Xin Chúa ban sức mạnh, để chúng ta kiên quyết dấn thân theo Chúa với một tâm hồn thanh thản và tràn trề hạnh phúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm sau Lễ Tro
Bài đọcDeut 30:15-20; Lk 9:22-25.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thế nào gọi là sống?
Có nhiều quan điểm sống khác nhau: Có những người vô thần cho rằng cuộc sống trên dương gian là tất cả những gì họ có, nên phải sống làm sao để tận hưởng hết những gì thế gian dâng tặng. Đối với những người này, những giá trị tôn giáo vô nghĩa vì họ không tin có Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Phần đông tin có thưởng phạt và cuộc sống đời sau, nên phải sống làm sao để đạt được cuộc sống mai sau.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi các tín hữu xét lại quan niệm sống của mình. Trong Bài Đọc I, Sách Đệ Nhị Luật phân biệt hai lối sống: lối sống yêu mến Thiên Chúa và vâng lời tất cả những gì Thiên Chúa dạy, và lối sống thờ phượng các thần và bất tuân những lệnh truyền của Thiên Chúa. Theo tác giả, chỉ có lối sống thứ nhất mới đem lại hạnh phúc đích thực cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai lối sống: ai muốn theo lối sống của Ngài, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo; ngược lại, ai không theo lối sống này, sẽ có nguy hiểm mất tất cả những gì mình đang sở hữu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai con đường hay hai lối sống
Sách Đệ Nhị Luật đề cao vai trò của Lề Luật, vì chính Thiên Chúa đã ban Lề Luật này. Chỉ có Thiên Chúa biết những gì tốt đẹp cho con người, nên Lề Luật Ngài ban là để giúp con người được hạnh phúc và tránh mọi nguy hiểm. Tác giả diễn tả đơn giản hai lối sống mà con người có thể chọn để sống như sau: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.”
(1) Yêu mến và vâng lời Thiên Chúa sẽ được sống hạnh phúc: “Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu.”
(2) Không yêu mến và bất tuân Thiên Chúa sẽ phải chết vì tai họa: “Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu.”
Lời truyền trên đây, tuy đơn giản, nhưng không ai có thể làm được; vì mọi người đều bất tuân lệnh Thiên Chúa, và vi phạm các Lề Luật của Người. Hậu quả là tất cả đều phải chết; nếu Thiên Chúa không có kế họach khác cho con người. Nhưng Thiên Chúa đã có kế họach cứu độ cho con người, Ngài cho Người Con Một của Ngài xuống trần để gánh tội cho con người; nhờ Đức Kitô, con người được sống.
2/ Phúc Âm: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Con đường Cứu Độ của Đấng Thiên Sai: Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." Chỉ trong một câu ngắn ngủi, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ những điều sau đây: (1) Có hai cuộc sống: đời này và đời sau. (2) Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị lọai bỏ và bị giết chết; nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ trỗi dạy vinh quang. (3) Quyền lực thế gian chỉ có thể giết được thân xác, nhưng không động đến được linh hồn. (4) Ngài tự nguyện chịu đau khổ để cứu chuộc con người; Ngài có thể chọn con đường khác.
2.2/ Ba điều kiện để trở nên môn đệ Chúa: Theo Tin Mừng Nhất Lãm, động từ “theo” có nghĩa “trở nên môn đệ.” Theo Chúa Giêsu là muốn trở nên môn đệ của Ngài. Điều này có nghĩa không những người môn đệ chấp nhận lý tưởng mà còn chấp nhận cách thức để đạt lý tưởng của Thầy mình. Lý tưởng của Chúa Giêsu là làm sao cho tất cả mọi người đạt được ơn Cứu Độ mà Ngài sắm sẵn cho họ qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Để đạt tới lý tưởng này, Chúa Giêsu đòi 3 điều kiện như sau:
(1) Phải muốn theo: Con người được Thiên Chúa ban cho tự do để lựa chọn; không ai có thể bắt họ làm điều họ không muốn. Tuy Thiên Chúa có thể bắt, nhưng nếu làm như thế, Ngài sẽ mâu thuẫn với chính Ngài. Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày cho con người biết hết những tốt đẹp của cuộc sống mai sau, và những điều tai hại nếu con người không đạt mục đích này; sau đó, Ngài để cho con người tự do lựa chọn.
(2) Phải từ bỏ chính mình: Chúa Giêsu hiểu con người còn hơn con người hiểu chính mình. Ngài biết con người có khuynh hướng thích những gì dễ dãi, ham danh vọng, thích uy quyền và hưởng thụ; nhưng tất cả những khuynh hướng này chỉ làm cho con người xa lý tưởng mà Thiên Chúa đã dự định cho con người. Vì thế, Chúa Giêsu đòi con người phải từ bỏ chính mình, tức là từ bỏ ý riêng mình để sống theo thánh ý của Thiên Chúa.
(3) Phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo: Chúa Giêsu cũng biết con người không thích đau khổ, nhục mạ, tù đày, đánh đòn, chết chóc; nhưng Ngài muốn con người vác tất cả các đau khổ này hằng ngày mà theo Ngài, vì nó sẽ sinh lợi ích cho con người, và giúp con người đạt tới lý tưởng mà con người theo đuổi. Chính Ngài cũng qua con đường đau khổ đó để đem lại ơn Cứu Độ cho con người.
2.3/ Nghịch lý của cuộc sống: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Để hiểu câu này, chúng ta phải chấp nhận có hai cuộc sống: đời này và đời sau. Người theo Chúa có thể sẽ mất cuộc sống đời này, nhưng sẽ được cuộc sống đời sau. Còn những người muốn cứu mạng sống mình đời này, những người không muốn theo Chúa sẽ mất cuộc sống đời sau.
Vấn đề đặt ra là cuộc sống nào đáng quí trọng hơn? Theo Chúa Giêsu, cuộc sống đời sau quí trọng hơn vì sẽ được sống với Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc muôn đời. Vì thế, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho mọi người suy nghĩ: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai lối sống: theo Thiên Chúa và theo thế gian. Khi chúng ta chọn sống theo lối sống nào, chúng ta phải chấp nhận hậu quả của lối sống đó.
- Kinh nghiệm dạy chúng ta đường rộng rãi thênh thang chẳng làm lợi ích cho con người, mà chỉ dẫn tới diệt vong. Trái lại, đường chật hẹp gian khổ tuy khó đi, nhưng luôn đem lợi ích cho con người.
- Mùa Chay cho chúng ta có cơ hội nhìn lại cuộc đời để xem chúng ta đang sống theo lối sống nào. Rất có thể chúng ta đang sống theo lối thế gian dầu trí óc chúng ta đang muốn theo lý tưởng của Chúa Giêsu.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


THÁNH LỄ TẤT NIÊN
Bài đọc I: Is 63,7-9
Bài trích sách tiên tri I-sai-a
Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Ít-ra-en, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân. Người đã phán: “Thật, chúng là dân của Ta, là những đứa con không biết lừa dối!" Và đối với họ, Người đã là một vị cứu tinh, trong mọi cơn quẫn bách. Không phải là một sứ giả hay một thiên thần đã cứu thoát họ, nhưng là chính tôn nhan Người. Vì yêu mến và thương cảm, chính Người đã chuộc họ về, đã vực họ dậy và mang họ đi suốt thời gian quá khứ.
Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 135,1 và3.4 và 23.25-26
Đáp: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Xướng: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Chúa các chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Xướng: Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Xướng: Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Bài đọc II: 1Cr 1,3-9
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô. Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Đó là lời Chúa
Câu Xướng trước Phúc Âm : Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả, thật danh Người chí thánh chí tôn.
Phúc âm
"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần. Bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Và Maria nói: "Linh hồn tôi ca ngợi Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Người, thực từ đây thiên hạ muôn đời sẽ khen rằng tôi có phước, vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và Danh Người là thánh. Ðức từ bi Người tự đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. Người đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Người lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ; người đói khát, Người cho no đầy thiện hảo, bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Người đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Người, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người, như Người đã phán cùng tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và miêu duệ ông tới muôn đời".
Ðó là lời Chúa.



THÁNH LỄ GIAO THỪA
 
BÀI ĐỌC I: Ds 6, 22-27
"Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng".
Trích sách Dân Số.
Chúa phán cùng Môsê rằng: "Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: 'Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con'. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng".
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Đáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời (c. 2).
1)  Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. - Đáp.
2)  Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa. - Đáp.
3)  Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất? - Đáp.
4)  Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Tx 5, 16-24
"Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức. Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện. Thưa anh em, xin anh em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nữa. Tất cả anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!
Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 1 Sb 29, 10. 11b
Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel tổ phụ chúng con, Chúa đáng được chúc tụng; mọi tạo vật trên trời dưới đất đều là của Chúa.

PHÚC ÂM:  Mt 5, 1-10
"Hãy vui mừng hoan hỉ, vì phần thưởng sung mãn dành cho các con trên trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy dân chúng thì Người lên núi. Người ngồi xuống và các môn đệ đến gần. Người liền mở miệng mà giảng dạy rằng: "Phúc thay những kẻ có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp. Phúc thay những kẻ than khóc, vì họ sẽ được an ủi. Phúc thay những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phúc thay những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót. Phúc thay những kẻ có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa. Phúc thay những kẻ gây hoà thuận, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ".
Đó là lời Chúa.


Được tạ ơn Chúa là một hồng ân - suy niệm Lễ Tất Niên và Lễ Giao Thừa
Vào dịp tạ ơn cuối năm, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI giải thích như sau: “Giáo hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cảm tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài đã thương ban”. Quả thật, do bởi tình thương mà chúng ta được hiện hữu trên đời và mỗi giây, mỗi phút, mỗi một ngày qua đi là biết bao hồng ân của Chúa tuôn đổ trên chúng ta.
Một năm sắp kết thúc, làm chúng ta liên tưởng đến sự kết thúc cuộc hành trình nơi dương thế của mỗi người. Có khởi đầu ắt sẽ có kết thúc như sách Giảng Viên dạy, “một thời để được sinh ra và một thời để chết” (Gv 3,2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta, khi kết thúc một năm và mỗi ngày, chúng ta phải tự vấn lương tâm, và nhìn lại những gì đã xảy ra để tạ ơn Chúa.
Nhân loại nói chung vừa trải qua một năm với bao nhiêu ngày ghi đậm bạo lực, chết chóc, đau thương khôn tả của bao người vô tội do bọn khủng bố nhân danh Thượng Đế gây ra cho đồng loại, những người tị nạn ở Syria, Irắc, Trung Đông... buộc lòng phải rời bỏ quê hương, những con người nam nữ và trẻ em không còn gia cư nhất định, thiếu lương thực và kế sinh nhai, biết bao công trình tôn giáo bị con người tàn phá. Việt Nam nói riêng, hỏa hoạn, lũ lụt đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt, ấy là chưa kể đến những vụ giết hại anh em đồng loại cách man dợ. Dầu vậy cũng có bao nhiêu cử chỉ tốt lành, yêu thương và liên đới diễn ra trong những ngày tháng của năm cũ, mà không được các bản tin tức nói tới! Không thể để cho quyền lực sự ác che khuất những dấu chỉ tình thương ấy. Sự thiện luôn chiến thắng, cho dù có lúc sự thiện xem ra yếu ớt và âm thầm. Vì thế chúng ta phải dâng lời tạ ơn Chúa.
Tạ ơn
Khi thêm một năm nữa đã đến hồi kết thúc, người kitô hữu chúng ta dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng: thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc, nên một năm trôi qua là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thì việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.
Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì tất cả những dấu chỉ hào phóng Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử nhân loại. Một lòng biết ơn không phải là một sự nhìn lại chẳng sinh ơn ích gì hay một ký ức trống rỗng về một quá khứ được lý tưởng hóa xa vời, nhưng là một ký ức sống động, một ký ức giúp hình thành nên sự sáng tạo cá nhân và cộng đoàn khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Tạ ơn Chúa là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Thiên Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta thường quên đi những gì là ân huệ của Chúa. Và để sống tâm tình tạ ơn và phó thác vào Thiên Chúa thật không dễ chút nào!
Đi vào tâm tình tạ ơn, chúng ta nhìn nhận rằng, tội lỗi và yếu đuối đã làm ta xa rời Thiên Chúa Tình Yêu. Dù nhận thức được những điều mình phạm mất lòng Chúa, nhưng với sức con người, chúng ta khó thoát ra vòng xoáy tội lỗi. Chỉ có Chúa mới kéo chúng ta về với Chúa.
Trong giờ phút linh thiêng này, thật là đẹp, khi giờ đây chúng ta đồng thanh hiệp ý với Mẹ Maria hát lên bài ca tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã và còn đang thể hiện trong lịch sử: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài... đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng... đã và còn đang hạ xuống người quyền thế... đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung... đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát... đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không... đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người. Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử cứu độ. Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Chúng ta cảm tạ Chúa về ân huệ Người đã thương ban (1Cr 1, 3-9). Cảm tạ Chúa và xin Chúa thứ tha, kèm theo lòng phó thác cho Chúa năm mới sắp tới.
Xin ơn tha thứ
Cũng vào dịp cuối năm, cùng với việc tạ ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thức tỉnh con cái mình: “Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Nên chúng ta phải tạ lỗi với Chúa và với mọi người nữa. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Tạ lỗi về những điều thiếu sót, điều gì chưa chu toàn, điều gì chưa tốt, hoặc lỗi bác ái với tha nhân, hay chưa biết thương xót người như Chúa đã thương xót chúng ta. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm trong năm qua. Tương lai tùy thuộc ở Chúa, chúng ta phải có tinh thần phó thác.
Sống phó thác
Nhìn lại một năm đã qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra: các thảm kịch về tai nạn hàng không, những vụ khủng bố người giết người giã man hơn, niềm vui và đau khổ, chiến thắng và thất bại, đạo đức con người như đang bị suy giảm tới mức báo động trong các ngành nghề. Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này đây, chúng ta phải khẳng định rằng, Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài hướng dẫn các biến cố nhân loại, đồng thời phó thác vận mệnh tương lai cho Chúa và thưa rằng: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con được làm người, được làm con Chúa thêm một năm nữa. Xin cho đời chúng con trở thành bài ca tạ ơn Chúa bằng tâm tình sống biết ơn mọi người đang yêu thương giúp đỡ chúng con để danh Chúa được toả sáng. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


15/02/2018
THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Lc 9,22-25

VUI ĐÓN MÙA XUÂN VĨNH CỬU

“Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25)

Suy niệm: Nhà thơ Trần Tế Xương với giọng thơ hóm hỉnh châm biếm, vịnh ngày Tết: “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết”. Quả vậy, phong tục Việt Nam vốn coi trọng những ngày đầu năm mới. Vì thế để chuẩn bị đón Tết, người ta làm mới nhà cửa, rộn ràng mua sắm. Để thể hiện mình ăn nên làm ra và cũng để “lấy hên” cho năm mới, ai nấy dù có túng nghèo, cũng muốn sắm sửa một cái Tết cho tươm tất. Trong bầu khí của ngày 30 Tết hôm nay, chúng ta chuẩn bị sắm sửa nhiều thứ nhưng không thể thiếu một món đó là Lời Chúa. Ngài dạy chúng ta rằng: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”

Mời Bạn: Lời Chúa dạy chúng ta tránh cái “xui” do cách sống xả láng trong những ngày vui xuân: xả láng tiêu xài, xả láng rồ ga, xả láng ăn nhậu… Những thái độ sống đó có thể làm cho ngày Tết biến thành ngày chết. Trái lại, điều “hên” nhất mà Chúa ban cho chúng ta đó là đạt tới Mùa Xuân Vĩnh Cửu là hạnh phúc được kết hiệp với Chúa nơi thiên đàng bằng cách chúng ta luôn thực thi Lời Chúa ngay trong cuộc sống này.

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, tôi nhớ đến Chúa Giê-su, xin Ngài thánh hóa ngày sống của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, năm tháng ngày giờ, Chúa ban cho chúng con, để chúng con ca tụng, cảm tạ Chúa và nên thánh mỗi ngày. Xin cho chúng con, sống trong những ngày vui xuân, nhưng không quên bổn phận theo Chúa, để niềm vui Tết dân tộc, đưa dẫn chúng con vào Mùa Xuân Vĩnh Cửu Thiên Quốc. Amen.
(5 phút Lời Chúa)


Vác thp giá mình hng ngày (15.2.2018 – Th năm sau L Tro)
Vác thánh giá là chuyn bình thường hng ngày ca Kitô hu nếu chúng ta mun sng yêu thương, phc v, trong trng, thành tht…


Suy nim:
Khi nhìn các bạn đi dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Úc 2008
giành nhau chung vai vác cây thánh giá bằng gỗ, thật dài và nặng,
với vẻ mặt hớn hở vui tươi,
chúng ta sẽ dễ nghĩ rằng vác thánh giá đâu có gì khó.
Nhưng khi phải đối diện với những thánh giá không bằng gỗ,
những thánh giá vô hình mà ta phải vác một mình,
chúng ta thấy khó hơn nhiều.
Không thể nói đến Đức Giêsu mà không nói đến thánh giá.
Thánh giá là cái giá Ngài trả cho cả một đời dám sống cho Cha
và cho con người, đặc biệt những người yếu thế.
Thánh giá nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha,
nhưng thánh giá cũng là kết quả của lựa chọn căn bản của Đức Giêsu.
Ngài đã chết như thế vì Ngài đã dám sống như thế.
Đức Giêsu dần dần ý thức rằng
nếu Ngài cứ tiếp tục làm chướng mắt giới lãnh đạo Do thái giáo,
gồm các kỳ mục, các thượng tế và các kinh sư (c. 22),
thì cái chết như Gioan Tẩy giả là điều Ngài sẽ không tránh khỏi.
Đức Giêsu có thừa cách để tránh cái chết.
Nếu Ngài đừng giảng dạy, đừng hành xử như đã quen làm.
Nếu Ngài đừng nhất quyết lên Giêrusalem, nơi nguy hiểm (Lc 9, 51)…
Nếu Ngài chiều sự tò mò của Hêrôđê bằng cách làm vài phép lạ (Lc 23, 8)…
Nhưng Đức Giêsu đã không sợ hãi lùi bước.
Ngài bình thản đón lấy định mệnh bi đát của mình khi nói với môn đệ:
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại trừ, bị giết chết…”
Ngài đón lấy chữ phải từ tay Cha, và tin mọi sự đều không ngoài ý Cha.
Đức Giêsu xác tín Cha sẽ không bỏ rơi mình,
Ngài tin vào kết thúc có hậu của đời mình:
“và ngày thứ ba Con Người phải được nâng dậy” (c. 22).
Chính Cha sẽ nâng Ngài dậy từ cõi chết.
Định mệnh của Thầy Giêsu cũng là định mệnh của chính chúng ta.
Kitô hữu là người đi theo Thầy, đi cùng con đường với Thầy.
Vác thánh giá là chuyện bình thường hằng ngày của Kitô hữu
nếu chúng ta muốn sống yêu thương, phục vụ, trong trắng, thành thật…
Chỉ khi từ bỏ chính mình (c. 23), ta mới không đánh mất chính mình (c.25).
Dựa vào sự phục sinh của Đức Giêsu, ta mới dám sống kinh nghiệm đó.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG HAI
Trẻ Và Già Cùng Chung Sức Làm Việc
Khi nêu chứng tá đức tin của mình cho người trẻ, người già đang thể hiện một tinh thần phong phú mà sự suy sụp về thể lý do tuổi già không thể làm phai nhạt đi: “Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn – để loan truyền rằng Chúa thật là ngay thẳng” (Tv 92, 15 – 16). Người trẻ có bổn phận học tập nơi gương mẫu của người già, nhất là phải biết lắng nghe các ngài: “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại” (Hc 8, 9). “Hãy hỏi cha ngươi và người sẽ nói cho ngươi biết, hãy hỏi các bậc lão thành và các vị sẽ chỉ bảo nguơi” (Đnl 32, 7). Người trẻ cũng có bổn phận phải giúp đỡ người già: “Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người” (Hc 3, 12 – 13).
Giáo huấn của Tân Ước cũng phong phú không kém. Thánh Phao-lô đề ra lý tưởng cho cuộc sống trưởng thành bằng những lời khuyên hết sức cụ thể về sự tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại (Tt 2, 2). Một mẫu gương tuyệt vời có thể được nhìn thấy nơi ông già Si-mê-on, người đã sống trong niềm ngưỡng vọng được nhìn thấy Đấng Mê-si-a. Ông cụ Si-mê-on đã rao giảng về Đức Kitô như là sự sống sung mãn và là niềm hy vọng cho tương lai của chính ông cũng như cho mọi người.


Hạnh Các Thánh

15 Tháng Hai
    Thánh Claude de la Combière
    (1641- 1682)


    Thánh Claude sinh năm 1641 gần Lyons, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức, giầu có. Ngài theo học trường của các cha dòng Tên về âm thanh và nghệ thuật.

    Sau đó Claude vào trường đệ tử dòng Tên ở Avignon, là nơi ngài học xong triết học và bắt đầu dạy về nhân văn. Trong thời gian ngài dạy học ở Avignon là khi đạo quân của Louis XIV chiếm đóng, dù đó là nơi đức giáo hoàng cư ngụ. Khi hòa bình trở lại, thành phố Avignon cử mừng lễ Thánh Phanxicô Sales; mặc dù chưa được thụ phong linh mục, Claude là một trong những người được yêu cầu giảng thuyết. Ðể hoàn tất chương trình thần học ngài được gửi sang Balê là trung tâm văn hóa của nước Pháp, ở đó ngài được chọn làm thầy giáo tư cho các con của một bộ trưởng Pháp, là ông Colbert. Nhưng trong một bài viết, ông Colbert có những lời châm biếm tôn giáo mà Cha Claude không tán thành với ông bộ trưởng, do đó ngài bị gửi trả về Avignon và được bổ nhiệm việc thuyết giảng ở một nhà thờ thuộc trường đại học.

    Trong các bài giảng, ngài thường tố cáo những sai lầm của lạc thuyết Jansen (1) mà ngài thấy đầy dẫy ở Balê. Cha Claude bài trừ tà thuyết bằng cách giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong một cuộc tĩnh tâm ngài thề tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

    Hai tháng sau khi thề hứa, ngài được bổ nhiệm làm bề trên cho một trụ sở nhỏ của dòng Tên ở Paray. Chính ở đây mà ngài gặp Sơ Margaret Mary Alacoque (2), và là cha giải tội cho sơ và nhấn mạnh đến việc sùng kính Thánh Tâm Chúa.

    Sau đó Cha Claude được sai đến nước Anh với công việc giải tội cho Nữ Công Tước của York. Ngài rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động, và đã đưa nhiều người Tin Lành trở lại đạo. Trong thời gian ở đây, những chống đối người Công Giáo ngày càng gia tăng. Có tiếng đồn cho rằng người Công Giáo âm mưu giết vua để tái lập đạo Công Giáo tại Anh. Cha Claude bị bắt và bị cầm tù về tội tham dự vào âm mưu này trước khi thành công trong việc hoán cải nhà vua. Chính nhờ vua Louis XIV can thiệp mà Cha Claude không bị xử tử.

    Cha Claude bị trục xuất, nhưng thời gian tù đầy đã ảnh hưởng tệ hại đến sức khỏe của ngài. Theo lời khuyên của Sơ Margaret Mary, ngài trở về Paray và từ trần tại đây năm 1682. Một ngày sau khi ngài chết, Sơ Margaret Mary được thị kiến siêu nhiên, đảm bảo rằng Cha Claude La Colombiere không cần được cầu nguyện, vì ngài đã ở trên thiên đàng.

    Cha Claude được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 31 tháng Năm 1992.

    (1) Cornelius Jansen - Giám Mục của Yprés - chủ trương rằng bản tính loài người quá hư hỏng vì tội nguyên tổ nên không có khả năng chống lại sự cám dỗ, không xứng đáng được rước lễ thường xuyên và Jansen chống lại sự thờ kính nhân tính của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc sùng kính Thánh Tâm.

    (2) Thánh Margaret Mary Alacoque là người đã được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần và sứ điệp đặc biệt là sùng kính Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ được Chúa Giêsu gọi là "Người môn đệ yêu dấu của Thánh Tâm Ta."

Trích từ NguoiTinHuu.com


15 Tháng Hai

    Bài Ca Vạn Vật

    Một tác giả nọ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà tí thức bi quan với Thánh Phanxico thành Assisi. Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của Hòa Bình thường cất lên bài ca vạn vật: "Chúc tụng Ðấng Tối cao, Thiên Chúa toàn năng vì anh mặt trời, vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết". Nhà trí thức bi quan lắng nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước mắt lăn dài trên gò má của ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cảm động, mà là của căm tức thì đúng hơn. Không còn kềm hãm được cơn giận của mình nữa, nhà trí thức bi quan trút bỏ trên Thánh Phanxico tất cả những sôi sục của ông mà ông cũng cho là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần gian. Ông nói với Thánh nhân như sau: "Hỡi người anh em kỳ diệu với cái nhìn đầy ánh sáng. Người anh em ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì bị mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy khô cằn chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán không?

    Người anh em ca tụng nước. Người anh em có bao giờ chững kiến cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất chưa? Người anh em ca tụng Mẹ Ðất. Hẳn người anh em đã biết run sợ khi chứng kiến cảnh động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người anh em ca tụng lửa. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi níu rừng cây cỏ và con người không?

    Người anh em ca tụng anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng kiến cảnh chới với của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì thiên tai?

    Nghe tất cả những lời tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình chỉ biết mỉm cười. Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và biết tất cả những gì người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều thiện hảo đều có thể trở thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Ðó là chân lý mà ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống mỗi ngày.

    Nhưng điều Ta muốn nói: đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành khởi nguồn của những điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự Chết và Tội Lỗi là hai điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội lỗi cũng có thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã chẳng nói: "Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào hơn". Thiên Chúa không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân cả. Tất cả những gì Ta muốn nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi anh em hãy cố gằng nhìn thấy sự thiện trong mọi sự.


    Trích sách Lẽ Sống






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét