29-11-2020
Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng Năm B
BÀI ĐỌC I: Is 63, 16b-17; 64, 1.
3b-8
“Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Đấng Cứu Chuộc chúng con: danh
Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường
Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa
nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái
nhìn lại.
Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi
rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển
trước tôn nhan Chúa. Đó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy
Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác
ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp
kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.
Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã
luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng
con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.
Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh
thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa
đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha
chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều
do tay Chúa làm nên. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16.
18-19
Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con
được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu
sống (c. 4).
Xướng: 1) Lạy Đấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa
ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền
năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. – Đáp.
2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin
nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy,
bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. – Đáp.
3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con
người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa
cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 3-9
“Chúng ta mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta, tỏ mình ra”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu
Côrintô.
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của
Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô.
Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh
em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn
ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến
anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có
gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là
Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Tv 84, 8
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa
cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 13, 33-37
“Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết
lúc nào chủ nhà trở về”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy
coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc
nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ,
mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh
thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là
nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp
các con đang ngủ. Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là:
Hãy tỉnh thức!”. Đó là lời Chúa.
Ði Vào Niên Lịch Phụng Vụ:
Với Chúa nhật
I Mùa Vọng, một năm Phụng vụ mới sẽ đến với chúng ta, mới không phải chỉ vì
chúng ta lại sắp bắt đầu lại chu kỳ một năm những ngày lễ tái hiện lịch sử ơn cứu
chuộc, mà còn mới vì kể từ năm 1969, niên lịch Phụng vụ của Giáo Hội La Mã đã
được tổ chức lại.
Không kể
nhiều ngày lễ kính thánh nọ thánh kia đã bị bãi bỏ hoặc được xếp lại cho đúng với
thời gian các ngài đã qua đời, ngay đến các ngày Chúa nhật kính nhớ mầu nhiệm cứu
chuộc cũng được nghiên cứu lại để tất cả được đơn giản hóa hơn hầu giúp ta dễ
nhận ra ý lực của Phụng vụ. Dĩ nhiên bộ luật mới này vẫn chưa được hoàn toàn
đơn giản vì lễ Phục sinh vẫn chưa được ấn định vào một ngày nào nhất định cho mọi
năm. Trong khi chờ đợi, Giáo Hội La Mã đã tạm đưa ra một cải tổ trong niên lịch
Phụng vụ của mình.
Ðặt các
ngày lễ kính thánh ra một bên, lịch mới phân phối các ngày Chúa nhật xoay quanh
hai ngày lễ lớn là lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh. Trước lễ Giáng sinh có 4 Chúa
nhật gọi là 4 Chúa nhật mùa Vọng; rồi đến lễ Giáng sinh 25 tháng Chạp và các lễ
phụ đới kéo dài cho tới lễ Hiển linh sẽ có một số chừng 5-9 Chúa nhật gọi là
các Chúa nhật thường niên, kéo dài cho tới thứ Tư lễ Tro (như vậy không còn các
Chúa nhật gọi là Chúa nhật sau lễ Hiển linh và các Chúa nhật 70, 60, 50 như trước
nữa). Từ thứ Tư lễ Tro trở đi cho tới Chúa nhật lễ Lá là mùa Chay gồm 5 Chúa nhật.
Danh từ mùa Thương khó cũng đã bị bôi trong lịch mới. Chúa nhật lễ Lá khai mạc
Tuần Thánh mà 3 ngày cuối cùng, vì tính cách long trọng đặc biệt, đã được gọi
là Tam nhật Phục sinh. Từ Chúa nhật Phục sinh tới Chúa nhật Hiện xuống gồm 8
Chúa nhật là mùa Phục sinh. Rồi sau đó lại là các Chúa nhật Thường niên cho tới
mùa Vọng năm sau; khiến danh từ mùa Hiện xuống từ nay cũng không còn được dùng
nữa.
Nhìn qua một
lần như thế, ta thấy niên lịch Phụng vụ mới dường như chỉ còn muốn quy tụ mọi
cái nhìn của ta vào hai mầu nhiệm lớn là Nhập thể và Cứu chuộc. Những mầu nhiệm
khác đã bị bỏ ư? Không phải, vì người ta dễ nhận ra mọi mầu nhiệm khác đã được
bao trùm đầy đủ trong hai mầu nhiệm lớn này. Hơn nữa, đây thật là dịp họa hiếm
để chúng ta ý thức về tính cách duy nhất của các mầu nhiệm trong đạo và do đó dể
hiểu rõ ý nghĩa của niên lịch Phụng vụ hơn.
Chúng ta
thường nói đến các mầu nhiệm nhưng thật sự chỉ có một mầu nhiệm, mầu nhiệm
Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Không mầu nhiệm sao việc Chúa yêu thương loài
người? Ngay đến mối tình giữa loài người với nhau đã là một mầu nhiệm rồi, huống
nữa là tình yêu của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta! Ai có thể giải
thích hết được tình mẹ thương con? Ai có thể nói hết được vì sao chàng thanh
niên này bỗng điên đầu vì tà áo hồng và khuôn mặt nhỏ bé kia? Và giả như người
ta có tìm được vài lý do tạm gọi là có thể giải thích tại sao hai người này lại
thương nhau, các nhà tâm lý và phân tâm cũng phải đầu hàng khi phải trả lời về
nhịp điệu, sáng kiến, hành vi, ngôn ngữ giữa hai người thương nhau. Chính bản
thân hai người cũng chịu không thể hiểu được vì sao họ lại thương nhau mãnh liệt
như vậy và vì sao đang khi thương nhau mãnh liệt họ lại có thể làm cho nhau đau
khổ hao mòn, mất ăn, mất ngủ v.v... Những cử chỉ nồng nàn, cũng như hành vi hờn
dỗi trong lúc yêu đương thật bất ngờ, thật bộc phát, thật mầu nhiệm...
Chữ mầu nhiệm
này đem áp dụng vào tình yêu của Thiên Chúa muốn dành cho ta lại phải thêm nhiều
hệ số nữa, nghĩa là còn phải hiểu theo một ý nghĩa tuyệt đối mới được. Thiên
Chúa yêu ta không những thật là khó hiểu và nhất là thật là vô cùng lạ lùng.
Tình yêu của loài người đã không bao giờ nghỉ yên một luôn luôn sống động và
sáng kiến, huống nữa là tình yêu của Thiên Chúa toàn năng toàn thiện.
Chính tình
yêu đã biến Ngài nên một Thiên Chúa tạo hóa, làm ra không biết bao nhiêu là kỳ
công cho người yêu của mình, đến nỗi bằng lòng thí mạng vì người mình yêu.
Dịp đó đã đến
cho Thiên Chúa khi hai ông bà nguyên tổ loài người phạm tội. Chúng ta cần phải
đọc lại trang sách Thánh đó để xem tình yêu của Thiên Chúa thật là mầu nhiệm
khác hẳn các mối tình của loài người. Loài người khi hơi bị xúc phạm đã làm ra
bộ mặt lạnh lùng hờn dỗi, nếu không phải là nổi xung lên, nguyền rủa. Còn Thiên
Chúa thấy loài người sa ngã vẫn tìm đến, vẫn gọi tên, vẫn âu yếm như không biết
có gì đã xảy ra. Và khi thấy không thể làm ngơ bỏ quên được nữa, Thiên Chúa đã
sáng kiến một kế hoạch mầu nhiệm, phong phú khôn lường trong câu nói bất hủ: Ta
sẽ đặt hiềm thù giữa mày và tông giống người đàn bà, và người ấy sẽ đạp đầu
mày. Chưa nói gì đến tội của nguyên tổ, Ngài đã quyết tâm tiêu diệt mầm mống
gây chia rẽ và đổ vỡ giữa tình yêu của Ngài và loài người chúng ta. Ngài đã mạc
khải một chương trình nhập thể cứu chuộc trong câu nói mầu nhiệm mà chúng ta vừa
đọc lại ở trên... Ngài cho chúng ta thấy cũng một mầu nhiệm đã sáng tạo nay lại
cứu chuộc chúng ta và mầu nhiệm ấy vẫn là mầu nhiệm tình yêu.
Thế thì khi
thấy Phụng vụ sẽ lần lượt trải ra trước mắt ta hết biến cố này đến biến cố khác
trong lịch sử ơn cứu độ, chúng ta đừng bao giờ quên mất cái nhìn duy nhất ấy: đừng
tưởng mình đang kỷ niệm một biến cố dĩ vãng nhưng thực sự đang được đứng trước
một biểu lộ của tình yêu sâu đậm của Thiên Chúa. Những Chúa nhật mùa Vọng chẳng
hạn, bề ngoài có vẻ như nhắc lại những thời buổi xa xưa trước khi có việc Ngôi
Hai nhập thể, nhưng kỳ thực bên trong chính là tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa
muốn gợi lại thời gian chờ đợi Ðấng Cứu chuộc ngày trước, để thúc giục hướng dẫn
tâm hồn chúng ta hướng về ngày Thiên Chúa lại đến để kết hợp với loài người
trong vinh quang Nước Trời và gần hơn trong thánh lễ như là bảo chứng về tương
lai rực rỡ. Rồi 40 ngày mùa Chay cũng thế: bề ngoài có vẻ như diễn lại con đường
đau thương mà Chúa Cứu thế đã đi qua trước khi Ngài được vinh hiển trong Phục
sinh - lễ Lên Trời và Hiện Xuống..., nhưng bên trong thật sự muốn đặt chúng ta
đứng trước tình yêu của Ðấng đã yêu ta đến nỗi hiến mạng mình vì ta hầu ta mềm
lòng ra cho ơn Chúa Thánh Thần đổ tràn lòng nghĩa tử xuống, biến nhân loại nên
một cộng đồng chuẩn bị cho cộng đồng gia đình thiên quốc mai sau. Và mục tiêu
đó cũng đã được thể hiện một cách thật sự có giá trị bảo chứng trong mầu nhiệm
Thánh lễ.
Như vậy, bất
cứ thánh lễ nào cũng thể hiện mầu nhiệm tình yêu, không phải dưới khía cạnh này
hay khía cạnh khác như ta có khuynh hướng nói lên như vậy, vì tình yêu chỉ là một
khối bất khả phân ly. Thánh lễ diễn tả tất cả mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa
đối với loài người chúng ta... Ở trong thánh lễ nào Thiên Chúa cũng hiện diện đầy
đủ; và đầy đủ tình yêu của Ngài cũng ở đó khiến ở đời này ta không có cách nào
đáp lại tình yêu của Thiên Chúa đầy đủ như trong thánh lễ, nhờ việc hiệp lễ.
Chính vì vậy
mà ta thấy trong suốt năm, mặc dù phụng vụ chia thành mùa nọ mùa kia, đọc ca nhập
lễ này, đọc kinh tiền tụng khác, phụng vụ cốt yếu của Giáo Hội vẫn là thánh lễ
và thánh lễ vẫn không thay đổi trong các nghi thức quan trọng. Chính sự kiện
này nhắc nhở cho ta ý thức hơn về tính cách duy nhất của mầu nhiệm phụng vụ;
Thiên Chúa yêu ta hằng ngày, hằng ngày Người muốn đặt ta trước mầu nhiệm tình
yêu của Ngài, Ngài không muốn cho một ngày nào qua đi mà không muốn bộc lộ tất
cả tình Ngài yêu ta để hỏi ta có muốn đáp lại hay không. Về phía Ngài bao giờ
cũng duy nhất như thế; nhưng để nói với ta là người ở trong thời gian và không
gian, không có khả năng nhìn thấy và lãnh hội tất cả trong một cái nhìn duy nhất.
Ngài đã phải trải tình yêu duy nhất của Ngài ra trong một lịch sử dài, khởi đầu
từ khi sáng tạo cho tới ngày vinh quang Nước Trời. Chính cái lịch sử đó, Phụng
vụ mỗi ngày trong năm lần lượt tái hiện lại trong thánh lễ để giúp chúng ta tựa
vào một hành vi lịch sử làm khởi điểm và bảo chứng để đi vào mầu nhiệm tình yêu
thâm sâu của Thiên Chúa đã sáng kiến ra lịch sử cứu độ kia để chứng tỏ tình yêu
của Ngài.
Mùa Vọng:
Tất cả lý
do tổ chức năm phụng vụ nằm ở chỗ đó. Mặc dầu mầu nhiệm cử hành là mầu nhiệm
tình yêu duy nhất, nhưng để những con người sống ở thời gian và không gian hiểu
được mầu nhiệm duy nhất ấy, phụng vụ phải nại đến lịch sử mà Thiên Chúa đã
dùng, để khai triển trước mắt ta tình yêu bao la của Thiên Chúa đã được mạc khải
dần dần ra cho ta. Mạc khải do đó chỉ mạc khải có một mầu nhiệm duy nhất là
tình yêu bao la của Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử ơn cứu chuộc. Mùa Vọng,
mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh sẽ lần lượt đến với chúng ta khác nào
như khí trời của bốn mùa thiên nhiên. Cảnh sắc bên ngoài có thay đổi, lễ phục,
giọng ca có khác đi, thì cũng chỉ thay, chỉ khác để giúp khí thiêng duy dưỡng sức
sống ở trong ta. Ta đừng câu nệ tách biệt các mùa phụng vụ; hãy để cho mầu nhiệm
tình yêu duy nhất của Thiên Chúa thể hiện toàn khối trong mọi thánh lễ, trong mọi
ngày của năm Phụng vụ.
Trời đã đổi
mùa. Phụng vụ của Giáo hội cũng đổi sang mùa Vọng. Chúng ta cần canh tân tâm hồn
và đời sống cho hợp với nhịp tiến của lịch sử Giáo hội và dân tộc.
Là vì mỗi lần
mùa Vọng tới, lịch sử Dân Chúa nói riêng và lịch sử các dân tộc nói chung lại
tiến thêm một bước nữa, đi về ngày Chúa quang lâm, ban cho tất cả con cái Người
một trời mới và đất mới. Mùa Vọng vì thế hướng dẫn chúng ta nhìn về tương lai,
chớ không trở lui nuối tiếc dĩ vãng. Mùa Vọng chuẩn bị đại lễ Giáng sinh sắp tới,
nhưng chỉ coi lễ này như động lực dẫn tới ngày Ðức Kitô trở lại để tất cả trời
đất rực lên trong ánh vinh quang của Người. Những nhắc nhở lịch sử thời gian
trước ngày Ðức Kitô đản sinh, không được khiến chúng ta nhìn về quá khứ như thời
đại vàng son, nhưng chỉ cống hiến cho ta một kinh nghiệm và một hướng đi để chuẩn
bị ngày Ðức Kitô lại đến, ngày mà Thiên Chúa sẽ ở trong tất cả, khiến mầu nhiệm
nhập thể khi ấy mới hoàn tất.
Chúng ta
hãy đặt mình vào thân phận của Dân Chúa thời Cựu Ước. Ðó là một dân nhỏ bé, kém
mở mang, bị coi khinh và mất chủ quyền. Nhưng lòng Dân ấy ôm ấp một niềm tin vĩ
đại.
Bêlem,
ngươi sẽ không còn mà một thị trấn bé nhỏ, vì Vua Hòa Bình sẽ xuất hiện từ lòng
ngươi. Ngươi sẽ trải công bình chính trực trên khắp mặt địa cầu khiến muôn nước
nhờ ngươi mà được phúc...
Ðó cũng là
hình ảnh Dân Chúa ở mọi thời. Nhìn vào giáo đoàn Người đã thiết lập, chính
thánh Phaolô đã có lần tuyên bố: xét về mặt thế gian anh em chẳng có gì đáng kể;
người ta còn dể khinh anh em là khác... nhưng chúng ta vẫn là dân được Chúa chọn
để mang ơn cứu độ đến khắp cùng địa giới. Và chính Chúa Yêsu đã nói trước với
Giáo Hội: này hỡi đoàn chiên nhỏ, chúng con đừng sợ, vì Chúa Cha đã ban Nước Trời
cho chúng con.
Trong mùa Vọng
này, chúng ta phải suy niệm mầu nhiệm trên, mầu nhiệm Giáo hội là một hạt cải
nhỏ, sẽ trở thành cây cho chim trời khắp nơi tìm được chỗ đậu. Và như vậy, ở
trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn ôm ấp một niềm tin lớn lao, khác nào
như Ðức Maria mùa Vọng đang cứu mang Quả có phúc cho mọi dân tộc.
Maria là mẫu
người đã hiểu lời tiên tri. Người ôm ấp một niềm tin thật vĩ đại về tương lai của
dân tộc. Người sống hiền lành và đạo đức tin rằng Thiên Chúa mới chính là Ðức
Khôn Ngoan đang hướng dẫn lịch sử khi cương khi nhu... Người tin chắc, để cộng
tác vào việc xây dựng tương lai tốt đẹp, mỗi người hãy đạo đức chu toàn mọi phận
sự của một phần tử tốt ở trong xã hội.
Thế nên,
mùa Vọng còn đề cao vai trò của Yoan Tẩy Giả, và bảo ta chú ý đến sứ điệp của
ông. Ðể chuẩn bị cho ngày Chúa đến, để có được một triều đại thiên sai, mọi người
phải hoán cải tâm hồn và đời sống. Chỗ gồ ghề phải san cho phẳng, các hố sâu phải
lấp cho đầy, làm sao để các quan hệ giữa người với người không còn là những
chênh lệch bất công, nhưng phải bình đẳng giao hòa tốt đẹp. Yoan đã có những lời
lẽ nghiêm thẳng với cả những người "tự tin là công chính" thời xưa, để
tất cả chúng ta ngày nay ai nấy cũng cố gắng cải tạo và đổi đời. Không phải những
oán than, hay ước vọng hão huyền đem lại được đời sống an vui và tiến bộ nhưng
chỉ những cố gắng cải thiện, làm trong tinh thần cầu nguyện và đạo đức, sửa soạn
được ngày Quang Lâm của Ðấng Cứu Thế của chúng ta.
Do đó, công
tác trước mắt của chúng ta trong mùa Vọng là:
- Khơi lại
niềm vui vào tương lai rực rỡ mà Chúa chúng ta hằng hứa ban cho các dân tộc. Ðó
là đối tượng mùa Vọng của mọi thời.
- Tích cực
góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp ấy theo tinh thần canh tân và hòa giải.
- Cầu nguyện
và suy niệm Lời Chúa theo gương Ðức Maria mùa Vọng: Người đã ôm ấp Lời Chúa
trong lòng trước khi được phúc cưu mang và sinh ra Ngôi Lời Nhập Thể.
Những công
tác ấy đem đến cho chúng ta một mùa Giáng Sinh tươi đẹp và một cuộc sống sáng
trong.
Suy
Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B:
(Ys
63,16b-17;64,1.3b-8; 1C 1,3-9; Mc 13,33-37)
Suy niệm: Tỉnh
Thức
Mở đầu niên
lịch Phụng vụ, ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay
phác họa lại cho chúng ta một vài thái độ trong khung cảnh sống của Dân Chúa:
ngay giữa đêm tối của thử thách, nghi ngờ, phấn đấu, tội lỗi, Dân Chúa đã cùng
nhau tự thú những lỗi phạm của mình, cương quyết sống trung kiên mong chờ ngày
Quang Lâm của Chúa Yêsu Kitô trong niềm tin tưởng và thái độ tỉnh thức.
Quả vậy,
bài đọc Ysaia 63,16-64,7 trình bày lại bối cảnh của đoàn dân Thiên Chúa sau thời
Lưu đày. Kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch trên phần đất
ngoại bang đã đem lại cho họ một ý thức tập thể về những lỗi phạm của mình. Họ
ngước mắt nhìn về Thiên Chúa là Cha để thốt lên lời khẩn nguyện: "Ôi phải
chi Người xé trời ngự xuống, thì núi non cũng sẽ tiêu tan trước Nhan
Ngài". Tâm trạng hối lỗi và tha thiết khẩn nài ơn cứu độ đã giúp Dân Chúa
nhận định lại ơn gọi của mình để sống trọn vai trò chứng nhân trung thành giữa
muôn dân qua thân phận mỏng dòn và hèn yếu của cuộc sống con người.
Bảy thế kỷ
sau, khoảng 25 năm sau ngày Ðức Kitô về trời, thánh Phaolô cũng đã nhắc nhở lại
ơn gọi thực sự của người Kitô hữu: không những chỉ ý thức những sai lỗi của
mình, nhưng còn phải sống vươn lên mong chờ ngày Ðức Kitô trở lại. Các cộng
đoàn tín hữu tiên khởi đã sống trong hoàn cảnh hồi hộp, nao nức mong chờ ngày
trọng đại đó. Những lời nguyện: "Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy trở lại"
(1Co 16,22) càng đặt họ vào tâm trạng xao xuyến và đầy xúc động. Ngài ở đây!
Ngài ở kia! (2Th 2,2). Và có khi vì mỏi mệt đợi chờ, họ đã không ngần ngại thốt
lên: "Có lẽ Ngài đến chậm".
Tâm trạng
khắc khoải đó cần bắt gặp được một cái gì vững chắc củng cố lòng tin tưởng: nếu
không, thái độ tỉnh thức mong chờ của họ sẽ hão huyền, ảo vọng.
Quả vậy, mỗi
lần cử hành nghi lễ bẻ bánh, cộng đoàn dân Chúa vẫn long trọng tuyên xưng lại
niềm tin của mình:
"Lạy
Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại,
cho tới khi Chúa lại đến".
Nỗi lòng
mong chờ khắc khoải đó như được xoa dịu và soi sáng bởi lời Ðức Kitô trong đoạn
Tin Mừng theo thánh Marcô 13,33-37. Ngài như một chủ nhà phải ra đi, vắng xa và
vắng lâu. Sau khi trao phận sự quản lý cơ nghiệp cho gia nhân, mỗi người theo
chức vụ của mình, Ngài đặc biệt tín cẩn và căn dặn người canh cửa: "Hãy tỉnh
thức". Phải, hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ. Cuộc tái ngộ có thể xảy
ra một cách rất bất ưng vào một lúc nào đó trong ban đêm. Gia nhân và nhất là
người canh cửa phải tỉnh thức, luôn sống trong ánh sáng ban ngày để không ngái
ngủ, không thất hứa với chủ nhà trước lúc ra đi.
Ðặt đoạn
văn trên vào khung cảnh lịch sử cứu độ, giữa ngày về trời và ngày trở lại của Ðức
Kitô, chúng ta có thể nói, thái độ tỉnh thức đó chính là thái độ của Giáo hội,
của toàn dân Chúa và nhất là của những người hữu trách các cộng đoàn.
Nhưng tại
sao phải tỉnh thức?
Vì trước
tiên, đó là ý muốn, là mệnh lệnh của chủ nhà. Ðể cho cửa nhà êm ấm, an toàn và
trường tồn, phận sự của người canh cửa, không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà, mà
còn phải lưu tâm đến những người sống trong đó.
Ngoài ra, tỉnh
thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy
thác trách vụ cho mình. Và chắc chắn niềm vui của ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu
chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ và sẵn sàng.
Hơn thế nữa,
tỉnh thức cũng là để khỏi rơi vào giấc ngủ! Mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban
đêm, trong bóng tối! Theo nghĩa Thánh Kinh, ban đêm, bóng tối, gợi lên cho
chúng ta hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm, đầy thử thách. Bóng đêm đối nghịch
lại ánh sáng ban ngày. Ðó là chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội
lỗi, đau khổ, sự dữ... Nó đưa đến sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người canh cửa có
thể bội phản người thân xa vắng, để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của
ngẫu tượng đồng lõa với bóng đêm.
Và tỉnh thức
như thế nào?
Phải chăng
là thắp đèn ngồi chờ? Là sống trong tâm trạng viễn vông! Không! Ðọc lại Thánh
Kinh và lịch sử dân Chúa, chúng ta thấy việc tỉnh thức đợi chờ không phải là một
thái độ thụ động. Nhưng là một hành vi ý thức của người hiểu biết lý do.
Vì thế,
thái độ tỉnh thức của Giáo hội và đặc biệt của những người hữu trách dân Chúa
phải sống động và đầy tính chất sáng tạo. Ðó là thức tỉnh hiệp thông với người
bạn của mình. Ðó là thái độ của một người bạn trung thành, cởi mở để luôn lắng
nghe lời nói của bạn mình. Như thế, tỉnh thức đối với Giáo hội, có nghĩa là
không ngừng chiến đấu để sinh tồn, để trung thành với Lời Chúa. Dầu xa vắng,
nhưng hầu như tiếng nói, lời hứa và sự hiện diện của Ngài luôn xoáy động trong
lòng Giáo hội và chi phối mọi sinh hoạt của dân Chúa. Với ánh đèn soi sáng và
sưởi ấm đó, Giáo hội như có một nghị lực để cảm thông và tìm ra được ý muốn của
Ngài qua mọi biến cố trong cuộc sống, qua mọi dấu chỉ thời đại.
Sự đối nghịch
giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên trong tâm hồn mỗi người và trong đời sống
Giáo hội một sự giằng co căng thẳng, mà chúng ta phải dùng như một đà tiến để
vươn lên, Giáo hội có phận sự rút kinh nghiệm từ các sự kiện xảy ra trong lịch
sử quá khứ và hiện tại để sửa chữa lỗi lầm, tự thanh luyện mình để tiến tới sự
hoàn thiện như Chúa Kitô mong muốn. Ðặc biệt Giáo hội phải sẵn sàng từ bỏ địa vị
ưu thế trong xã hội để chấp nhận thân phận đầy tớ phục vụ chủ nhà mình và anh
em.
Ðể tỉnh thức
chờ Chúa đến, Giáo hội phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế và dứt khoát với
những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, Giáo hội thực sự đang cầm
đèn trong tay sẵn sàng đợi Ðức Kitô, vì ngày trở lại của Ngài sẽ xảy tới bất chợt.
Ðồng thời,
nếp sống của Giáo hội sẽ là ánh sáng thức tỉnh mọi người để họ nhận ra Ðức Kitô
là Ðấng Cứu Thế đích thực. Giáo hội đang mang trong lòng sức sống và động lực
thúc đẩy chính mình và cả thế giới tiến lên gặp Ðức Kitô. Thế nên, tỉnh thức là
phận sự cần thiết của những con người chứng nhân cho ánh sáng. Và Giáo hội phải
là kho dự trữ sức sống phong phú và sung mãn chuẩn bị cho mọi người đón nhận thời
viễn lai. Vì thế, khi hướng về ngày Chúa Kitô trở lại, Giáo hội quả là niềm hy
vọng cho toàn thể thế giới và vũ trụ.
Bài Giảng Chúa Nhật I Mùa Vọng B:
1. Ðời sống
con người, có thể nói, bao giờ cũng bao hàm một khía cạnh đau thương khổ sở.
Không phải chỉ thời nay mới khổ; thời trước cũng đã khổ rồi và bao lâu còn sống
ở trần gian thì con người vẫn phải chịu đựng hy sinh và đau khổ. Bài sách Isaia
chúng ta đọc hôm nay, đã được viết ra sau thời dân Dothái bị lưu đày bên
Babylon. Bài sách ấy cho ta thấy rằng: tuy hết bị lưu đày, nhưng dân Dothái vẫn
tiếp tục gánh chịu đau khổ. Ðiều làm cho họ đau khổ nhất, chính là họ nhận thức
ra rằng họ đã "đi lạc xa đường Chúa", đã "phạm tội" và
"đã bị phó mặc cho quyền lực tội lỗi".
Tội lỗi của
con người, đó chính là nguyên nhân sâu xa gây nên mọi đau khổ. Bài sách Isaia
hôm nay thôi thúc ta nhìn vào khổ sở hiện tại như là tiếng gọi cảnh tỉnh ta nhận
thức tội lỗi của mỗi người và của cả nhân loại để mau hoán cải trở về với Thiên
Chúa. Ngài là Cha yêu thương, là Ðấng cứu độ nhân từ và luôn luôn trung thành với
lời Ngài đã hứa.
Những khó
khăn kinh tế hiện nay cũng gây nên cho ta những khổ sở, nhưng ta nên biết rằng
đó là hậu quả không thể tránh được của một nước vừa bị 30 năm chiến tranh tàn
phá như nước ta. Và chúng ta, người công giáo còn phải nhìn nhận như dân Chúa
thời xưa "Này Chúa thịnh nộ vì chúng tôi đã phạm tội". Với ý chí đổi
đời và cải tạo, với quyết tâm từ bỏ mọi ích kỷ cá nhân, mọi tham lam và hận
thù, Chúa sẽ ban cho ta nguồn nghị lực mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp và
huynh đệ hơn.
2. Trong
công cuộc này, chúng ta hãy lắng nghe những lời đầy an ủi trong thư thánh
Phaolô: "Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì anh em được đầy tràn mọi
ơn, trong khi mong chờ Ðức Kitô lại đến". Thánh Phaolô ảo tưởng, không
nhìn thấy thực tế sao? Ngài không ảo tưởng. Ngài biết rõ các giáo đoàn của
ngài. Họ là dân không giàu có, không thế lực. Nhưng hết thảy họ là những người
được kêu mời hiệp nhất với Con Thiên Chúa, là Ðức Yêsu Kitô. Phải, chúng ta là
những con người như thế. Chúng ta đừng chỉ nhìn vào đời sống vật chất của mình
để thấy xót xa vì thiếu thốn, nhưng còn phải biết nhìn vào tâm hồn, vào tinh thần,
vào thiên chức được làm con cái Thiên Chúa, được vinh dự phát huy tình yêu của
Ngài đối với trần gian.
Chúng ta
cũng hãy hãnh diện, tin vào ý kiên trì của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, đã
khắc phục được bao khó khăn để vươn lên trong tư thế độc lập tự do, thì trong
tương lai cũng sẽ thành công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, ấm
no và có tình yêu thương giữa mọi người đồng bào cùng máu mủ.
3. Mùa Vọng
nhắc lại cho ta cả hai chân lý ấy, một đàng dân Chúa như đang lầm than khổ sở,
nhưng đàng khác cũng chính dân ấy đã được bảo đảm một tương lai tốt đẹp, trước
hết theo ý nghĩa tinh thần, nhưng sau đó cũng kèm theo tất cả mọi khía cạnh được
Chúa thánh hóa để làm nên hạnh phúc toàn diện cho con người. Thế nên, Ðức Kitô
trong bài Tin Mừng hôm nay dạy ta hãy tỉnh thức đừng mê ngủ. Những than vãn, thở
dài, chỉ làm cho thân xác rũ xương và đời sống trở nên đen tối. Trái lại, nếu tỉnh
táo, nhìn về tương lai với niềm tin vững mạnh, thì một chân trời mới đang dần dần
mở ra trước mắt ta.
Người tín hữu
cũng sống trong trần gian và phải hy sinh gian khổ như mọi người. Nhưng nhờ niềm
tin như đèn sáng trong tay, chúng ta là những người đang tỉnh thức chờ Ðức Kitô
trở lại: Ngài là Chúa đem lại hòa bình, là Ðấng cứu độ trần gian. Thế nên, lòng
ta tràn đầy hy vọng và ta có phận sự chiếu tỏa niềm hy vọng phấn khởi ấy chung
quanh ta.
4. Chúng ta
hãy mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của Giáo hội chúng ta, trước khi đem cuộc đời
lam lũ đặt vào đĩa thánh, hiến dâng sự sống và con người của ta cho vinh quang
Nước Trời mà Chúa đang dành cho các con cái của Người.
(Trích dẫn
từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức
cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)