03/01/2021
Chúa Nhật CHÚA HIỂN
LINH.
Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.
BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6
“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hãy đứng lên, hãy toả
sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã
bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao
bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy,
vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự
sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên
chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến
với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng
dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ
nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì
những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay
ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ
Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và
họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a.
12-13
Đáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa
(x. c. 11b).
Lạy Chúa, xin ban
quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để
người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính
trực. – Đáp.
Sự công chính và nền
hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng
không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông
cái đến tận cùng trái đất. – Đáp.
Vì người sẽ giải
thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai
giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng
sống kẻ cùng khổ. – Đáp.
Chúc tụng danh người
đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ
đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Ep 3, 2-3a. 5-6
“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng
thừa tự lời hứa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, (chắc)
anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho
anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà
con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho
các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin
Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần
với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 2, 2
Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của
Người ở Đông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 2, 1-12
“Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức
Vua”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu sinh
hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông
phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện
đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng
tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả
Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật
sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng:
“Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa,
hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của
Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel
dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm
triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện
ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận
về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến
triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở
Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở.
Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy
Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho
tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận
được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở
mình. Đó là lời Chúa.
Suy
Niệm: Tin Mừng cho lương dân
Lễ Hiển linh ngày nay không còn long trọng như ngày trước. Nó không còn
là cao điểm có nhiều Chúa Nhật theo sau làm thành một mùa phụng vụ Hiển linh nữa.
Nay, Hiển linh chỉ còn là lễ sau hết của mùa Giáng sinh. Và như thế cũng dễ hiểu.
Vì Hiển linh là gì, nếu chẳng phải là việc Ðấng Linh thiêng tỏ hiện ra? Thế mà
còn việc tỏ hiện nào rõ rệt hơn chính Ðấng Linh thiêng mặc lấy xác thịt sinh ra
làm người? Giáng sinh là Hiển linh vậy.
Tuy nhiên, lễ Hiển linh hôm nay cũng có một đối tượng rõ rệt. Nó nói đến
việc Thiên Chúa Giáng sinh làm người tỏ mình ra cho dân ngoại, cũng như Người
đã tỏ mình ra cho dân Dothái khi gọi mục đồng đến thờ lạy và khi để cho ông
Simêon và bà Anna nhìn thấy Người nơi Ðền thờ. Lễ Hiển linh nằm trong mầu nhiệm
Thiên Chúa tỏ bản tính thần linh của Người ra cho mắt phàm của loài người chúng
ta được nhìn thấy Người. Nhưng những kẻ được nhìn thấy Người hôm nay không phải
là dân Dothái nữa, mà là các dân ngoại. Và điều này được cả ba bài đọc Kinh
Thánh của Phụng vụ Thánh lễ hôm nay đồng thanh nói lên.
1. Isaia Ðã Tiên Báo Mầu Nhiệm Này
Bài sách của ông ngày nay được thẩm định như một bản văn khởi hứng vào
mùa thu năm 520. Dân Dothái mới được phép hồi hương. Ðoàn người đạo đức về trước
đã lập lại được bàn thờ ở Yêrusalem và đang xây dựng lại cả ngôi thánh đường
ngày trước. Ai ai cũng phấn khởi. Dịp lễ Trại càng nô nức hơn nữa. Có lẽ chính
bối cảnh đó đã khởi hứng cho tác giả của đoạn tiên tri hôm nay.
Ông nhìn vào các tường thành đang mọc lên và ông thốt ra lời phấn khởi:
hãy vùng đứng, hỡi Yêrusalem; vì ánh sáng của Thiên Chúa cứu độ đã tỏa xuống
trên ngươi. Hết rồi các thời ngươi bị nhục nhã tiêu điều trong cảnh lưu đày.
Ngược lại, kìa xem các dân tộc đang tối tăm trong gió bụi. Bàn tay Thiên
Chúa đang đè nặng trên họ. Còn ngươi, bây giờ bình an đang xây lại giao ước với
Thiên Chúa tín thành... Người mà vùng lên trong chiều hướng này thì rõ ràng các
Lời Thiên Chúa cùng tổ phụ chúng ta sẽ thực hiện. Mọi dân đang đi trong tối tăm
lầm lạc sẽ nhìn thấy ánh sáng chiếu trên ngươi mà tuôn đến. Họ đem theo cả con
cháu ngươi đã phân tán trong thời lưu lạc trở về. Họ mang nhiều thổ sản đến
dâng lễ cho Thiên Chúa.
Như vậy tác giả đã căn cứ vào thực tại để nói lên niềm tin vào tương lai
theo như lời Chúa hứa. Lời của ông đúng thật là lời tiên tri, theo nghĩa tiên
báo về thời sau hết, khi mọi Lời Hứa được thực hiện. Do đó nó vượt xa hơn cả thời
thiên sai nữa, nếu ta hiểu thời này là lúc Chúa Cứu thế sinh ra trong xác thịt.
Nó nói về thời cánh chung, khi mọi sự được hoàn tất. Và như thế, tác giả sách
Khải huyền thật có lý khi mượn lại những lời tiên tri hôm nay để nói về
Yêrusalem trên trời (21,9-27).
Nhưng không thể có Yêrusalem trên trời trước khi có Yêrusalem dưới đất.
Không phải Yêrusalem "hình bóng" nơi dân Dothái mà là Yêrusalem
"chân thật" là Hội Thánh chúng ta.
Do đó, lời tiên tri hôm nay cũng đưa về Hội Thánh đang trên đường lữ thứ
trần gian, Hội Thánh mà Công đồng Vatican 2 đã tuyên xưng là "ánh sáng
muôn dân". Và trong thực tế, Hội Thánh này đang quy tụ muôn dân muôn nước,
mà trước đây là dân ngoại. Hội Thánh đã được ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi
ngay từ hôm Thánh Thần hiện xuống. Các dân tộc bắt đầu đến với Hội Thánh ngay từ
hôm đó. Sự hiện diện của Hội Thánh ở giữa thế giới nói lên rằng lời tiên tri
Isaia đang được thực hiện.
Và như thế là nhờ ở ánh sáng của Thiên Chúa cứu độ đang tỏa trên Hội
Thánh như mây sáng phủ trên Lều Giao ước trên đường đi giữa sa mạc. Vì nếu
không có "Chúa ở với Hội Thánh hằng ngày cho đến tận thế", Hội Thánh
không thể quy tụ được muôn dân nước như vậy. Chính Ðức Yêsu, Con Thiên Chúa
giáng trần làm người đã đem ánh sáng mới vào thế gian và đặt nơi Hội Thánh.
Chính Người sau khi tử nạn và phục sinh đã tuôn đổ Thánh Thần xuống dưới hình
lưỡi lửa để Hội Thánh trở thành ánh sáng muôn dân.
Và như thế lời Isaia nói về Yêrusalem ở thời cánh chung cũng như trong
giai đoạn lữ thứ trần gian, cuối cùng phải căn cứ vào việc Ngôi Hai Thiên Chúa
giáng sinh trong xác thịt để tỏ vinh quang Thần tính cho thiên hạ được thấy. Phụng
vụ có lý để đọc bài tiên tri này trong ngày lễ hôm nay. Và chúng ta được khuyến
khích nhìn vào con trẻ thành Bêlem như là cứu tinh các dân tộc, vì Người thật
là ánh sáng chiếu trong Hội Thánh.
2. Thánh Mátthêu Nhìn Thấy Mầu Nhiệm
Người diễn tả mầu nhiệm trong bài Tin Mừng hôm nay. Bề ngoài người như muốn
thuật truyện, nhưng thật ra người đã mượn truyện để nói lên niềm tin Ðức Yêsu
là ánh sáng muôn dân và là nhà của Người là Hội Thánh sẽ tập họp muôn nước.
Chính vì vậy mà câu truyện người kể có nhiều thiếu sót về văn chương khiến hậu
thế đã tìm cách bổ sung bằng nhiều ý kiến khác thường.
Người ta muốn xác định có những vị vua từ Batư tới mang theo các lễ vật để
dâng Chúa. Vìcó vàng, hương và mộc dược nên hãy quy định họ là phái đoàn 3 người
cho tiện. Ðàng khác, con số 3 này lại nhắc nhở tới 3 người con Noe là tổ phụ của
tất cả loài người sau nạn lụt. Họ có thể đã từ Batư tới bởi vì năm 614 khi quân
đội nước này đến tàn phá thánh địa họ đã kính trọng đền thờ ở Bêlem vì trong đó
có họa những người mặc y phục Batư đến thờ lạy Hài nhi. Nhưng nếu như vậy thì
không nên coi họ là vua cho dù danh từ hợp với những câu thánh vịnh (72,10) nói
rằng: "Vua Chúa Tarsis và các đảo sẽ kiệu đến lễ vật; Vua Chúa Sêba và
Saba sẽ đem triều cống lại chầu". Ở Batư không có nhiều vua cùng một lúc,
nhưng lại có nhiều đạo sĩ, cũng là những nhà hiền triết thông thạo Kinh Thánh
Batư và thường được các hoàng đế Batư thỉnh vấn. Nabuchodonosor khi đến
Yêrusalem (Yr 39,3-13) cũng đem theo một vị đạo sĩ như thế để bàn hỏi.
Nhưng tất cả những yếu tố đó không quan trọng đối với thánh Matthêu. Người
chú trọng giới thiệu Ðức Yêsu là Cứu thế, Ðấng mà ở thời thánh Matthêu, người
Dothái không chịu công nhận đang khi các dân ngoại gia nhập Hội Thánh. Thế nên
vai trò chính trong câu truyện là những con người đến từ phương Ðông và các tư
tế ở Yêrusalem. Dân ngoại nhờ đường lối tự nhiên đã khởi sự tìm ra Chúa; trong
khi dân Dothái có sách Thánh mà không biết đến Người. Nói đúng hơn, dân ngoại cũng
phải nhờ người Dothái công bố sách Thánh thì mới thành công trong việc đi theo
đường lối tự nhiên, bởi vì ơn cứu độ bởi dân Dothái mà đến. Nhưng dân này đọc
sách Thánh mà không hiểu, đang khi chỉ một vài chỉ dẫn của Thánh Kinh đã giúp
được dân ngoại lên đường gặp Chúa.
Ở đây nói cho đúng không phải là lời sách Isaia mà là lời tiên tri Mikê,
cũng đồng thời với Isaia. Mikê thấy dân Chúa đang hoảng hốt trước sức mạnh xâm
chiếm của ngoại bang (Assyria), ông được lệnh an ủi và củng cố dân... Không có
gì phải sợ tên "Gôliát" ấy, vì Chúa sẽ cho xuất hiện một Ðavít mới từ
Bêlem, làng nhỏ xíu của đất Yuđa. Như vậy thì Bêlem đâu có nhỏ nữa; nên thánh
Matthêu mới đổi lại câu và viết: Bêlem hẳn không phải là nhỏ nhất trong hàng bộ
lạc Yuđa. Thánh Matthêu nghĩ đến Chúa Yêsu sinh ra ở Bêlem, Người sẽ làm lớn vì
sẽ chăn dắt Israel Dân Chúa.
Các đạo sĩ sẽ nhận ra Người khi nghe lời Kinh Thánh mà tiếp tục cuộc hành
trình đã khởi sự từ phương Ðông. Ngôi sao lạ lại xuất hiện dẫn đường. Chính nó
đã khiến họ biết có một vị cứu tinh hay cứu thế đã ra đời, vì người xưa vẫn
quan niệm đời những nhân vật xuất chúng thường gắn liền với một vì sao. Chúa
cho họ thấy một sao lạ hiện ra ở trên trời. Họ đinh ninh ngay rằng đó là ngôi
sao của một vị cứu tinh mới. Chúa dùng đường lối tự nhiên, phù hợp với họ, để
đưa họ lên đường cứu rỗi. Họ đến Yêrusalem. Ðiều này làm chứng nỗi chờ mong vị
cứu thế ở trong dân Chúa đã được những dân tộc chung quanh nghe biết. Họ hỏi
vua Hêrôđê. Nhưng nơi dân Chúa, muốn biết chân lý phải đọc Thánh Kinh Lời Chúa
sẵn đó, nhưng phải thi hành, có đi đến Bêlem mới gặp; chứ không cố gắng như các
luật sĩ ở lại Yêrusalem thì chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng cứu độ đã tỏa xuống
trên Yêrusalem mới là Hài nhi thành Bêlem và Hội Thánh mới mẻ của Người.
Như vậy, thánh Matthêu đã có nhiều ẩn ý khi viết bài Tin Mừng hôm nay. Ðó
là Tin Mừng cho lương dân và đúng hơn cho Hội Thánh của Chúa Yêsu. Ngược lại nó
gây lo lắng buồn phiền cho Yêrusalem cũ, là những người Dothái không đón nhận
Chúa Yêsu. Ðúng như Yoan viết trong chương mở đầu sách Tin Mừng thứ tư:
"Người đã đến trong nhà Người mà gia nhân của Người đã không tiếp nhận.
Còn ai tiếp nhận thì Người đã ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa... Và chúng
tôi đã được ngắm vinh quang của Người".
Ðiều này cũng là ý của bài thơ Phaolô hôm nay. Theo người: mầu nhiệm
trong các thế hệ trước chưa hề thông tri cho con cái loài người, thì nay đã được
mạc khải ra: ấy là dân ngoại cũng là kẻ thừa tự, là thân mình, và đồng hưởng lời
hứa trong Ðức Yêsu Kitô nhờ Tin Mừng.
Nhưng không thể Phụng vụ hôm nay chỉ nói lên mầu nhiệm đó để Hội Thánh tạ
ơn và để chúng ta biết mình đã được Chúa thương kêu gọi từ dân ngoại vào hưởng
gia nghiệp Dân Chúa. Bài sách Isaia đã căn cứ vào thực tại nhưng muốn người ta
nhìn xa hơn cho đến tận cùng lịch sử. Phụng vụ hôm nay cũng khuyên chúng ta hướng
mắt về thời cánh chung mà vùng lên, bừng sáng lên để lôi cuốn, chỉ đường cho
các dân tộc xây dựng ngày mai tươi sáng. Ý tưởng của bài thư Phaolô cũng vậy.
Thánh Tông đồ viết ra để thúc đẩy chúng ta nhiệt tình với công cuộc truyền
giáo. Và bài Tin Mừng rõ ràng khuyến khích mọi người lên đường tìm Chúa theo
gương các đạo sĩ.
Chúng ta sẽ thành thật tham dự mầu nhiệm Hiển linh này, nếu sau khi thờ lạy
Chúa trong Phụng vụ chúng ta cũng vươn lên, bừng sáng, tức là có nếp sống tốt đẹp
hơn, để soi sáng cho người khác biết Chúa; chúng ta cũng phải lên đường với tha
nhân, nêu lên với họ những câu nói về Chúa. Có khi chính chúng ta sẽ thấy phải
rở lại sách Thánh; và lần này đọc lên chúng ta sẽ hiểu rõ thời điềm, tức là đọc
thấy ý Chúa nơi mọi sự việc xảy đến hằng ngày. Có thể có nhiều ánh sao đang chờ
đợi dẫn đưa chúng ta đến gặp Chúa và đưa người ta đến với Người. Và như vậy,
năm nay cũng có một lễ Hiển linh cho chúng ta.
(Trích dẫn
từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức
cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lectio Divina: Chúa Hiển Linh (B)
Chủ Nhật 3 Tháng Một, 2021
Lectio Divina | Lectio Divina Năm
B
Hành trình đức tin của ba vị Đạo
Sĩ
Việc bái thờ Chúa Giêsu Hài Đồng
là Vua và là Chúa
Mt
2:1-12
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha nhân từ,
Chúa đã gọi con để gặp gỡ Chúa trong lời này của Tin Mừng, bởi vì Chúa muốn con
được có sự sống, Chúa muốn ban cho con chính bản thân Chúa. Con cầu
xin Chúa, xin Chúa hãy sai Thánh Thần Chúa xuống trên con để con được dẫn dắt
trên con đường thiên liêng của đoạn Kinh Thánh này. Hôm nay, nguyện xin
cho con có thể bước ra khỏi nhà tù của chính mình để bắt đầu cuộc hành trình đi
tìm kiếm Chúa. Xin cho con có thể nhận ra ánh sao mà Chúa đã thắp sáng
như là dấu hiệu tình yêu của Chúa trên cuộc hành trình của con để bước theo nó
không hề mệt mỏi, một cách mạnh dạn, dấn thân cả cuộc đời con. Cuối cùng,
xin cho con được bước vào nhà Chúa và ở đó được trông thấy tôn nhan Chúa, xin
cho con biết cúi lạy cách khiêm tốn để bái thờ trước nhan Chúa và dâng lên Chúa
cuộc sống của con, cả con người con và tất cả những gì con có. Lạy Chúa,
nhờ vào ân sủng Chúa, xin cho con có thể trở về bằng một con đường mới, mà
không bao giờ đi qua những con đường cũ của tội lỗi.
2. Bài đọc
a) Bối cảnh của đoạn Tin Mừng
Đoạn Tin Mừng này
thuộc về hai chương đầu tiên của sách Tin Mừng Mátthêu, tạo thành lời mở đầu
cho toàn bộ tác phẩm. Ở đây chúng ta được giới thiệu về nguồn gốc lịch sử
của Đấng Cứu Thế là con cháu của vua Đavít, cũng như nguồn gốc thiên tính của Đức
Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Ngay lập tức, thánh Mátthêu dẫn
chúng ta vào trong một sự suy niệm sâu lắng và lôi cuốn, đặt trước chúng ta một
sự chọn lựa chính xác qua con người mà ông giới thiệu trong câu chuyện:
chúng ta hoặc nhận ra và chào đón Chúa là Đấng vừa được sinh ra, hay là chúng
ta vẫn lãnh đạm thờ ơ, thậm chí còn muốn loại trừ và giết bỏ Người. Đoạn
Tin Mừng này cống hiến cho chúng ta một câu chuyện đẹp về cuộc hành trình của
ba nhà Đạo Sĩ, những người đến từ phương xa bởi vì họ muốn tìm kiếm và chào
đón, yêu thương và tôn thờ Chúa Giêsu. Nhưng cuộc hành trình dài và miệt
mài tìm kiếm của họ, việc hoán cải tâm hồn của họ là sự kiện đang nói về chúng
ta, sự kiện đã được ghi lại trong cuốn sách câu chuyện thiêng liêng của chính
chúng ta.
b) Phần phụ chú để giúp cho việc đọc bài Tin Mừng:
Đoạn Tin Mừng này có
thể được chia ra làm hai phần chính, được xác định theo nơi câu chuyện xảy
ra: phần thứ nhất (đoạn 2:1-9a) xảy ra tại Giêrusalem, trong khi phần thứ
hai lại tập trung xung quanh thành Bêlem (đoạn 2:9b-12).
Mt 2:1-2:
Đoạn Tin Mừng bắt đầu với những dấu hiệu chính xác như nơi chốn và thời gian
chào đời của Chúa Giêsu: tại Bêlem, thuộc xứ Giuđêa, trong đời vua
Hêrôđê. Trong lời mô tả khá rõ ràng này, các nhà Đạo Sĩ đột nhiên xuất hiện,
những người đến từ phương xa, tìm đến Giêrusalem dưới sự hướng dẫn của một ánh
sao. Chính họ là những người loan báo sự ra đời của vị Vua Thiên
Chúa. Họ hỏi thăm xem Người hiện đang ở đâu bởi vì họ muốn đến để triều
bái Người.
Mt 2:3-6:
Khi nghe những lời của các vị Đạo Sĩ nói, vua Hêrôđê, và tất cả thành
Giêrusalem cùng với nhà vua, bối rối và sợ hãi. Thay vì chào đón Chúa và
chọn Người, họ tìm cách trừ khử Người. Vua Hêrôđê triệu tập tất cả các
thượng tế Do Thái và Kinh Sư trong dân. Chính các nhà Đạo Sĩ, nhờ sự giúp
đỡ của các ngôn sứ thuở xưa, là những người nói và mặc khải Bêlem là nơi để tìm
thấy Đấng Mêssia.
Mt 2:7-8:
Vua Hêrôđê ngầm cho vời các nhà Đạo Sĩ bởi vì nhà vua muốn dùng họ cho mục đích
xấu xa của mình. Việc hỏi han cặn kẽ của nhà vua hoàn toàn nhắm vào việc
loại trừ Đức Kitô.
Mt 2:9a: Các
nhà Đạo Sĩ, được thúc đẩy bởi sức mạnh đức tin và được hướng dẫn bởi ánh sao, lại
lên đường và hướng về thành Bêlem.
Mt 2:9b-11:
Ngôi sao lại xuất hiện, đi với các vị Đạo Sĩ và dẫn họ đến đúng nơi chỗ Chúa
Hài Đồng Giêsu ở. Tràn đầy niềm vui mừng, họ tiến vào nhà và phủ phục sụp
lạy Người; họ dâng tiến Người lễ vật quý giá vì họ nhận biết Người là vua và là
Chúa.
Mt 2:12:
Khi đã chiêm ngắm và thờ lạy Chúa, các vị Đạo Sĩ nhận được sự mặc khải từ Thiên
Chúa; chính Chúa nói với họ. Các ông là những con người mới; họ có trong
mình một trời mới đất mới. Các vị Đạo Sĩ đã thoát khỏi sự lừa dối của vua
Hêrôđê, và do đó, họ quay trở lại với đời sống mình bằng một nẻo đường hoàn toàn
mới.
c) Phúc Âm:
1 Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem, thuộc xứ
Giuđêa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông Phương tìm đến
Giêrusalem. 2 Các ông nói: “Vua người Do-Thái mới
sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông
Phương, và chúng tôi đến để triều bái Người.”
3 Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất
cả Giêrusalem cùng với nhà vua. 4 Vua đã triệu tập tất cả
các thượng tế và kinh sư trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. 5 Họ
tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđêa, vì đó là lời do đấng tiên
tri đã chép: 6 “Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không
lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất
hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta.”
7 Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu mấy nhà Đạo
sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. 8 Rồi
vua phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về
Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho trẫm, để cả trẫm cũng đến triều
bái Người.” 9 Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa
ngôi sao họ xem thấy ở Đông Phương, lại đi trước họ, mãi cho tới khi tới nơi và
đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. 10 Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ
hết sức vui mừng. 11 Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy
con trẻ và Đức Maria, mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống, sụp lạy Người. Rồi,
mở bảo tráp ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương, và mộc dược.
12 Và khi nhận được lời mộng báo “Đừng trở lại với
Hêrôđê”, họ đã qua đường khác, trở về xứ sở mình.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Tôi lắng nghe thật
sâu tiếng nói thì thầm của Chúa và để cho hơi thở của Chúa Thánh Thần đến với
tôi và truyền cho tôi. Trong sự thinh lặng này, tôi đi tìm kiếm Chúa và lặp
lại trong lòng tôi: “Lạy Thiên Chúa của con, Chúa đang ở đâu?”
4. Một vài câu hỏi gợi ý
a) Tôi
dùng những lời đầu tiên phát ra từ miệng các nhà Đạo Sĩ và làm cho chúng trở
thành của riêng tôi: “Vua dân Do-Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?”
Tôi có thực sự cảm thấy bị lôi cuốn đến nơi Chúa ở bởi vì tôi mong ước được ở
bên cạnh Người không? Tôi có sẵn sàng lìa bỏ nơi tối tăm và cũ kỹ của
thói quen của tôi, của sự thoải mái của tôi, để thực hiện một cuộc hành trình đức
tin trong việc tìm kiếm Đức Giêsu không?
b) “Chúng
tôi đến để triều bái Người.” Ở đây Lời Chúa kiểm định tôi, đặt tôi qua
một thử thách: tôi có thực sự sống trong một mối quan hệ yêu thương với
Thiên Chúa không? Tôi có thể nào rộng mở cuộc sống tôi trong sự hiện diện
của Người và để cho Người ngự vào trong mỗi nhịp đập của tim tôi không?
c) “Vì
tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của
Ta.” Tôi có khả năng đặt và dâng trọn xác hồn tôi cho sự hướng dẫn của
Chúa, tin cậy nơi Ngài, tin vào tình yêu của Ngài, trong sự hiện diện rất thật
của Ngài dù rằng Ngài vẫn vô hình không?
d) “Khi
tiến vào nhà, họ đã gặp thấy con trẻ.” Đó chính là bởi vì họ chấp nhận
bước vào trong nhà, bước vào sự hiệp thông, dâng trọn vẹn và thật sự con người
họ để mắt họ có thể trống thấy, chiêm ngưỡng và nhận ra. Tại sao tôi
không nhận thức được thực tế là khi tôi càng ở bên ngoài, thì tôi càng xa cách
với cuộc sống anh chị em tôi và tôi càng trở nên u buồn và trống trải?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Tôi tìm một số chữ
chính, một số chủ đề căn bản, để có thể hướng dẫn và giúp tôi hiểu thấm hơn ý
nghĩa của đoạn Tin Mừng này, để cho đời tôi có thể được soi sáng và thay đổi bởi
Lời của Chúa.
* Hành trình: Đoạn Tin Mừng này dường như trải qua với chủ
đề lớn của một cuộc hành trình, một cuộc xuất cư, một chuyến đi. Các vị Đạo
Sĩ, những nhân vật bí ẩn, ra đi, đi xa khỏi miền đất của họ và đi tìm kiếm vị
vua, Chúa. Thánh Mátthêu trình bày dữ kiện này bằng một số các động từ
song song với sự phát triển của sự kiện: tìm đến, chúng
tôi đến, phái đi, đi, lên đường, đi trước họ, tiến vào, đừng trở
lại, trở về. Cuộc hành trình thể lý của các vị Đạo Sĩ ẩn dấu một cuộc
hành trình rất quan trọng và có ý nghĩa hơn, cuộc hành trình đức tin. Đây
là sự chuyển động của tâm hồn được nảy sinh từ lòng ước ao gặp gỡ và biết
Chúa. Đồng thời, đó là lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi và lôi cuốn
chúng ta với quyền năng của Người; chính Người là Đấng nâng chúng ta dậy và chuẩn
bị cho chúng ta lên đường, Đấng ban cho chúng ta các dấu chỉ và không ngừng đồng
hành với chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta nhiều ví dụ quan trọng và những
điều đó giúp cho chúng ta bước vào con đường của ân sủng và phúc lành
này. Thiên Chúa đã phán bảo ông Abraham rằng: “Hãy
rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St
12:1). Ông Giacóp cũng là một người hành hương của đức
tin và sự hoán cải; trên thực tế, Thánh Kinh đã viết về ông: “Giacóp ra
khỏi Bơ-e-Seba và đi về Kharan” (St 28:10) và “Giacóp cất bước đi về đất con
cái Phương Đông” (St 29:1). Nhiều năm sau đó, Đức Chúa đã phán với ông rằng:
“Hãy trở về quê cha đất tổ, về với họ hàng ngươi; Ta sẽ ở với ngươi” (St
31:3). Ông Môisen cũng là người đi trên một cuộc hành trình; chính Thiên
Chúa đã chỉ cho ông đường đi, cuộc Xuất Hành, trong tâm hồn ông, trong cõi lòng
ông, và được làm bằng cả cuộc đời ông cho cuộc hành trình dài của ơn cứu độ cho
ông và cho dân tộc ông: “Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với
Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai-Cập!” (Xh 3:10). Dân
riêng mới của Chúa cũng thế, chúng ta là con cái của lời hứa và giao ước mới, hằng
được gọi để lên đường và ra đi trên cuộc hành trình theo chân của Chúa
Giêsu. Cuộc xuất hành không bao giờ ngừng; cuộc giải phóng xuất phát từ đức
tin thì vẫn luôn năng động. Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, vào các vị
tông đồ của Người, vào thánh Phaolô: không ai đứng yên tại chỗ, không ai
lẩn tránh. Tất cả các nhân chứng này nói với chúng ta ngày nay bằng những
hành động của họ và họ lặp lại: “Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh, ấp ủ
trong lòng giấc mộng hành hương” (Tv 84:6).
* Ngôi sao: Đây là một yếu tố trọng tâm và rất quan trọng trong đoạn Tin Mừng
này bởi vì ngôi sao có vai trò hướng dẫn các vị Đạo Sĩ đi đến nơi họ định đến,
nó là sự soi sáng cho họ trong những đêm trên cuộc hành trình, nó chỉ đúng nơi
có sự hiện diện của Chúa, nó cho một niềm vui tuyệt vời trong tim họ. Khắp
suốt bộ Kinh Thánh, ngôi sao xuất hiện như là dấu chỉ của sự chúc phúc và vinh
quang, gần như là một hiện thân của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi dân Ngài, và
đồng thời, sự nhân cách hóa của dân tộc đã không quên Thiên Chúa của họ và chúc
tụng Ngài (xem Tv 148:3; Br 3:34). Từ ngữ ngôi sao xuất
hiện lần đầu tiên trong Kinh Thánh trong sách Sáng Thế Ký 1:16, khi mà vào ngày
thứ tư, câu chuyện về Thiên Chúa sáng tạo trời đất cho chúng ta biết về sự xuất
hiện trên vòm trời: mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, như là các dấu hiệu và
ánh sáng, để thiết lập trật tự và cho ánh sáng. Thuật ngữ của người Do
Thái về chữ “ngôi sao” (kokhab) rất tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa. Thật
ra, những mẫu tự tạo nên chữ mặc khải sự bao la của sự hiện diện mà các yếu tố
thiên thể đi kèm với chúng. Chúng ta thấy hai chữ caf, có
nghĩa là “bàn tay” và kèm theo chữ waw, có nghĩa là con người,
được hiểu trong cấu trúc sự sống của người ấy, trong xương sống người ấy, giúp
cho anh ta đứng vững, giúp anh ta hướng lên trời, tiếp xúc với Thiên Chúa và là
Đấng Tạo Dựng của anh ta. Do đó, bên trong các ngôi sao có hai bàn tay, mẫu
tự caf và caf, được giữ cách yêu thương trong mẫu
tự “waw”, con người: đó là đôi bàn tay của Thiên Chúa không bao giờ
ngừng nắm lấy chúng ta, nếu chúng ta chỉ cần phó thác cho đôi bàn tay ấy.
Sau đó xuất hiện mẫu tự bet, có nghĩa là nhà. Do đó, các ngôi
sao nói với chúng ta về cuộc hành trình hướng về nhà chúng ta, về cuộc di cư
liên tục từ đó và trở về, một khi chúng ta đã đến, từ ngày tạo thiên lập địa và
thậm chí từ đời đời. Thiên Chúa thường so sánh con cháu của Abraham với
sao trên trời, như thể mỗi người là một vì sao, được sinh ra để cho ánh sáng
vào ban đêm: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi
không” Và rồi Người lại thêm rằng: “dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” (St
15:5). Đức Giêsu là một vì sao, một vì sao xuất hiện từ nhà Giacóp (Ds
24:17), rằng bắt nguồn từ trên cao, là Sao Mai sáng ngời, như sách Khải Huyền
đã viết (22:16). Thật ra, trong Người tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đã mặc
lấy xác thịt, mà chiếu hướng về phía chúng ta, con cái của Người, và mở rộng
vòng tay để tụ tập và chào đón chúng ta. Chỉ có tình yêu như vậy mới có
thể ban cho sự yếu đuối vô hạn của chúng ta khả năng và lòng dũng cảm, sự kiên
trì và niềm hân hoan của việc chấp nhận ra đi, đi trên cuộc hành trình dài và
gian khổ của đức tin, dẫn chúng ta đến làng Bêlem, đến nơi Thiên Chúa xuất hiện
với chúng ta.
* Tôn thờ triều bái: Hành động tôn thờ triều bái thì xưa như chuyện nhân loại, bởi vì
ngay từ đầu, mối quan hệ với Thiên Chúa đã được đi kèm theo với nhu cầu của sự
yêu thương, của sự khiêm nhường, của sự tận hiến. Trước sự cao cả của
Thiên Chúa, chúng ta, những con người bé nhỏ, cảm nhận và khám phá ra rằng
chúng ta không là gì, một hạt bụi, một giọt nước trong biển khơi. Trong Cựu
Ước, cử chỉ tôn thờ xuất hiện như một hành động của tình yêu sâu sắc đối với
Chúa, một cử chỉ đòi hỏi sự tham dự của cả bản thân: tâm trí, ý muốn chọn lựa,
tình yêu tràn đầy ước vọng và một bản thân cúi lạy và thậm chí còn phủ phục dưới
đất. Người ta nói rằng ở một vài nơi cử chỉ tôn thờ triều bái được kèm
theo cả việc phủ phục dưới đất; khuôn mặt của một người, ánh mắt, hơi thở của
người ấy sẽ trở về bụi đất một khi người đó có nguồn gốc của mình và tại đó người
ấy nhìn nhận mình là tạo vật của Thiên Chúa, như hơi thở đến từ Thiên
Chúa. “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng
dựng nên ta” (Tv 95:6): đây là lời mời của Kinh Thánh cho chúng ta mỗi
ngày, chỉ cho chúng ta thấy đường đi để chúng ta có thể nhiều lần trở lại với sự
thật và để sống trọn vẹn.
Tân Ước còn đi sâu
hơn trong sự suy niệm tinh thần về sự kiện này và dường như còn muốn cùng đồng
hành với chúng ta trên cuộc hành trình sư phạm của sự hoán cải và trưởng thành
trong đời sống nội tâm của chúng ta. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy
các môn đệ, nam và nữ, thờ lạy Chúa Giêsu sau khi Người sống lại (Mt 28:9; Lc
24:52), bởi vì họ nhận ra Người chính là Thiên Chúa. Lời của Chúa Giêsu
trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaritanô cho chúng ta một cái nhìn sâu
sắc vào sự thật của cử chỉ này, mà sau cùng, liên quan đến cả cuộc đời và là
thái độ của con tim: việc thờ lạy là dành cho Chúa Cha và không xảy ra
đây đó mà là trong Chúa Thánh Thần và trong chân lý, đó là trong Chúa Thánh Thần
và trong Chúa Con, Đức Giêsu. Chúng ta không được phép tự lừa dối mình;
đó không phải là việc đi hết nơi này sang nơi nọ, cũng chẳng phải vì tìm kiếm một
nhân vật thần thánh này hay nhân vật khác để chúng ta có thể tôn thờ Thiên
Chúa. Việc di chuyển, cuộc hành trình là một chuyến đi nội tâm và xảy ra
trong nơi tận cùng sâu thẳm nhất của chúng ta và là sự hàng phục hoàn toàn của
chính mình, của đời sống chúng ta, cả con người chúng ta, vào đôi cánh của Chúa
Thánh Thần và trong vòng tay của Chúa Giêsu, đang mở rộng trên thập giá và luôn
sẵn sàng đón nhận tất cả mọi thứ đến với Người. Thánh Phêrô đã nói rõ
ràng: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng
anh em” (1Pr 3:15). Cử chỉ cúi mình trên đất, phủ phục trước mặt Chúa đến
từ trái tim. Nếu chúng ta để cho Chúa đụng chạm vào tâm hồn chúng ta, nếu
chúng ta cho phép Chúa đi vào lòng mình, không gian thiêng liêng, thì Người sẽ
thay đổi chúng ta hoàn toàn, biến đổi toàn bộ con người chúng ta và biến đổi
chúng ta trở nên những con người mới.
6. Cầu nguyện: Thánh Vịnh 84
Một bài Thánh Vịnh
về lòng tin tưởng của con người trên cuộc hành trình tiến về nhà
Chúa
Đáp ca: Lạy Chúa, con đã thấy ngôi sao của Chúa,
Và con đã đến để thờ lạy Chúa!
Lạy Chúa Tể càn
khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái. Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới
được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa
Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng. Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên
Chúa con thờ, ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt
con bên bàn thờ của Chúa! Phúc thay người ở trong thánh điện họ luôn luôn được
hát mừng Ngài. Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh, ấp ủ trong lòng giấc mộng
hành hương. Lúc trẩy qua thung lũng Khô Cằn, họ biến nó thành nguồn suối nước,
mưa đầu mùa đổ phúc lộc chứa chan. Càng tiến lên, họ càng mạnh bước đến chiêm
ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on. Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, xin đoái
nghe lời con cầu nguyện. Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Giacóp. Lạy Chúa là khiên mộc
chở che, xin thương xem nhìn đến gương mặt đấng Ngài đã xức dầu. Một ngày tại
khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày. Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn
còn hơn sống trong trại ác nhân! Thiên Chúa là vầng thái dương, là thuẫn đỡ,
CHÚA tặng ban ân huệ với vinh quang. Ai sống đời trọn hảo, Người chẳng nỡ từ chối
ơn lành. Lạy Chúa Tể càn khôn, phúc thay người tin tưởng vào Chúa!
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa, là Cha của
chúng con, con đã thực sự nhìn thấy ngôi sao của Chúa, con đã mở mắt ra với sự
hiện diện tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa và con đã lãnh nhận ánh sáng của sự sống.
Con đã lặng ngắm bóng đêm biến đổi thành ánh sáng, nỗi đau khổ trở nên niềm hân
hoan, nỗi cô đơn thành sự hiệp thông; vâng, tất cả những điều này đã xảy ra trước
nhan thánh Chúa, trong Lời Chúa. Chúa đã dẫn con qua sa mạc; Chúa đã đưa
con đến nhà Chúa và mở cửa cho con bước vào. Ở đó con trông thấy
Chúa, , Đức Giêsu Con Một Chúa, Đấng Cứu Độ của đời con; con đã cầu nguyện và
thờ lạy, con đã khóc và tìm thấy nụ cười của Chúa, con giữ im lặng và học
nói. Trong nhà Chúa, là Cha nhân từ, con đã tìm được sự sống một lần nữa!
Và giờ đây con sắp
trở lại, con tiếp tục cuộc hành trình của mình, nhưng đường đi không phải là
con đường mà con đã đi trước đây và cuộc sống con không phải là cuộc sống như
trước đó nữa. Lời Chúa đã để lại trong con một quả tim mới, có khả năng mở
ra để yêu thương, để lắng nghe, để chào đón và trở thành mái ấm cho nhiều anh
chị em mà Chúa đã đặt để họ trên đường con đi. Lạy Chúa, con đã không biết,
nhưng Chúa đã làm cho con trở nên trẻ thơ một lần nữa, Chúa đã sinh ra con với
Chúa Giêsu. Lạy Cha, xin cảm tạ Cha, ôi Cha của con!
https://dongcatminh.org/event/lectio-divina-chua-hien-linh-b/