Ngày 22 tháng 12
Mùa Vọng
Bài Ðọc
I: 1 Sm 1, 24-28
"Bà
Anna tạ ơn Chúa vì được sinh Samuel".
Trích sách
Samuel quyển thứ nhất.
Ngày ấy,
sau khi đã cho Samuel dứt sữa, bà Anna liền bắt một con bò ba tuổi, lấy ba cân
bột, một vò rượu, và dẫn con đến nhà Chúa ở Silô. Con trẻ lúc đó còn nhỏ bé. Họ
tế lễ con bò và dâng con trẻ cho ông Hêli. Anna thưa: "Kính lạy ngài, chúc
ngài khang an! Tôi là người đàn bà nọ đã đứng cầu xin Chúa nơi đây trước mặt
ngài. Tôi đã cầu xin vì trẻ này, và Chúa đã cho tôi được như tôi xin. Vậy tôi
xin dâng lại cho Chúa, trót mọi ngày nó thuộc về Chúa". Và họ thờ lạy Chúa
ngay ở đó.
Ðó là lời
Chúa.
Ðáp Ca:
1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8abcd
Ðáp: Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1)
Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa, khí phách tôi hướng lên Thiên Chúa của tôi, miệng
tôi rộng mở chống quân thù, tôi vui mừng vì Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.
2) Cung nỏ
người hùng bị bẻ tan, người kiệt sức lại nai nịt dũng khí; kẻ no đầy nay làm
thuê vì miếng bánh, người đói lả nay lại được no nê. Người son sẻ lại con đàn
cháu đống, kẻ nhiều con lại trở nên héo tàn. - Ðáp.
3) Chúa
cho chết và Chúa làm cho sống, cho đi xuống mồ rồi lại đem lên, làm cho nghèo rồi
cho nên giàu có, hạ xuống thấp rồi lại nhắc lên cao. - Ðáp.
4) Cho kẻ
bần cùng đứng dậy khỏi bụi tro, nâng cao kẻ nghèo khỏi phân nhơ rác rến, cho ngồi
chung với vua quan tướng lãnh, đặt cho họ một ngai báu vinh quang. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Lạy Vua muôn dân và Ðá Góc toà nhà Hội thánh, xin hãy đến cứu độ
con người mà Chúa đã tạo dựng bằng bùn đất! - Alleluia.
Phúc Âm:
Lc 1, 46-56
"Ðấng
Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy,
Maria nói rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ
trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của
Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi
những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ
đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực,
dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi
ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy
ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ
Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ
chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"
Maria ở lại
với bà Isave độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
Ðó là lời
Chúa.
Suy Niệm:
Khi bà
Êlisabéth ca tụng Ðức Mẹ diễm phúc. Mẹ liền chuyển đối tượng của lời ca tụng
lên Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa làm cho Mẹ nên cao trọng. Chính Thiên Chúa đã
nâng người khiêm nhường để triệt hạ kẻ kiêu căng. Hồng ân nhưng không của Chúa
đã ban cho người Chúa thương.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, mọi
sự chúng con có là nhận được từ nơi Cha: Sức khoẻ của chúng con, tiền tài của
chúng con, con người của chúng con... đều là của Cha. Xin đừng để chúng con
kiêu căng với những gì đã lãnh nhận. Cũng đừng để chúng con mặc cảm với những
gì chúng con thiếu kém. Xin cho chúng con biết dùng những hồng ân Cha ban để phụng
sự Cha và phục vụ tha nhân. Xin nhận lời chúng con cầu xin nhờ danh Ðức Giêsu
Kitô Chúa chúng con. Amen.
Mùa Vọng Là Mùa Chờ Ðợi
Mùa Vọng
là mùa hy vọng, là ước mong, là đợi chờ. Mùa nắng hạn đã qua, mùa mưa bão cũng
chấm dứt, chúng ta đang hy vọng có được một mùa Giáng Sinh tươi đẹp.
Sống là hy vọng, là ước mơ, là đợi chờ. Cuộc sống con người
từ lúc mở mắt chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay được dệt bằng những chờ đợi
triền miên. Trước năm 1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong một khúc ca
nào đó như sau: Nơi đây tôi đợi. Nơi kia anh chờ. Có đợi chờ là có ước mơ.
Cách đây trên 25 thế kỷ, vào giữa lúc dân Do Thái đang phải
sống kiếp đọa đày nơi đất khách quê người, thì Tiên Tri Isaia đã nói như sau:
"Ngày đó họ sẽ lấy gươm mà rèn lưỡi cày. Lấy giáo mà rèn nên lưỡi liềm. Nước
này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa. Người ta cũng không còn thao luyện
để chiến đấu nữa".
Giấc mơ của Tiên Tri Isaia ngày nay đã trở thành giấc mơ
của toàn thể nhân loại bởi vì những lời này đã được ghi trước trụ sở Liên Hiệp
Quốc tại New York bên Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, vào khoảng cuối thập niên 1960. Chứng
kiến không biết bao nhiêu ngược đãi mà cộng đồng người da đen phải chịu qua hằng
bao thế kỷ. Cố mục sư Martin Luther King đã nói lên giấc mơ của mình như sau:
"Tôi mơ ước một ngày nào đó: những đứa con của những
người da đen sẽ được ngồi ăn đồng bàn với những đứa con của những chủ nhân da
trắng". Năm 1968, mục sư đã bị mưu sát, nhưng cái chết của ông đã biến giấc
mơ của ông đã thành hiện thực. Ngày nay, con cái của những người nô lệ da đen
đã hoàn toàn bình đẳng với con cái của những chủ nhân da trắng. Không có gì đẹp
cho bằng giấc mơ trên đây. Thế nhưng lịch sử nhân loại chúng ta chưa được viết
bằng những giấc mơ này. Lịch sử nhân loại còn đầy những ác mộng và hy vọng hảo
huyền.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Chờ đợi, ước mơ, hy vọng. Ðó là hạt giống của bất tử mà
Thiên Chúa đã đặt để trong trái tim của con người. Thánh Augustinô đã diễn tả một
cách tuyệt mỹ niềm mơ ước và hy vọng ấy khi Ngài thưa với Chúa Giêsu: "Lạy
Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, cho nên hồn con sẽ mãi mãi mòn mỏi xao xuyến
cho đến khi nào được nghỉ an trong Chúa". Quả thực, chỉ trong Thiên Chúa
là cùng đích của mọi khát vọng, con người mới hết chờ đợi, hết ước mơ và hết hy
vọng. Bao lâu còn sống là còn mỏi mòn đợi trông. Còn sống là còn mò mẫn tìm kiếm.
Lịch sử của dân tộc Israel là điển hình của sự mò mẫm tìm
kiếm ấy. Nhưng cũng qua dòng lịch sử ấy, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người
biết đâu là cùng đích của mọi ước mơ và hy vọng của con người. Trong Chúa Giêsu
Kitô, Thiên Chúa đã cho niềm hy vọng của con người được thành tựu. Chúa Giêsu
Kitô là điểm đến của lịch sử con người. Tất cả mọi chờ đợi, mọi hy vọng, mọi nổ
lực kiến tạo của con người đều quy hướng về Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Ðấng đang
hiện diện. Ngài là Ðấng đang đến. Ngài là Ðấng đang tác động trong từng biến cố
của lịch sử con người. Chỉ có Ngài mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống con người.
Chỉ có Ngài mới có thể thỏa mãn được tất cả mọi ước vọng của con người. Ðây
chính là trọng tâm của niềm tin Kitô mà hằng năm mỗi mùa khi mùa vọng trở lại
Giáo Hội không ngừng mời gọi chúng ta đào sâu.
Mọi ước mơ, chờ đợi và hy vọng của chúng ta chỉ được
thành tựu trong Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Ngài là đối tượng của mọi chờ đợi và
hy vọng của con người. Ngài đang đến trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta.
Thảm trạng lớn nhất của con người là khước từ Ðấng đang đến,
và như vậy cũng đánh mất ý nghĩa của cuộc sống. Ngài đã đến với dân tộc Ngài
tuyển chọn, nhưng họ đã không đón nhận Ngài. Cái chết trên thập giá của Ngài vừa
là biểu trưng vừa là tuyệt đỉnh của mọi khước từ. Sự khước từ vẫn tiếp tục diễn
ra mỗi khi con người chối bỏ chính nhân phẩm của mình để sống theo những dục vọng
và khuynh hướng thấp hèn của mình. Sự khước từ ấy vẫn tiếp tục diễn ra mỗi khi
do mù quáng và ích kỷ con người chối bỏ và chà đạp phẩm giá của con người anh
em của mình.
Chúa Kitô
vẫn tiếp tục đến một cách âm thầm và bất ngờ trong từng biến cố và gặp gỡ mỗi
ngày trong cuộc sống của chúng ta. Ngài vẫn tiếp tục đến một cách bất ngờ trong
người anh em bé mọn nhất của chúng ta. Ðó là điều Ngài muốn nói với chúng ta
khi dùng lụt đại hồng thủy hay của kẻ trộm trong Tin Mừng hôm nay.
Hãy tỉnh
thức để không ngừng đón nhận Ngài trong từng biến cố của cuộc sống. Ðó là sứ điệp
mà Mùa Vọng hằng năm nhắc nhở cho chúng ta. Trong phép Thánh Thể, bánh rượu,
thành quả của công lao của con người sẽ biến thành Mình Máu Chúa Kitô. Ðó là sự
hiện diện mật thiết nhất mà Chúa Giêsu Kitô muốn bày tỏ cho mỗi người. Sự hiện
diện này sẽ nhắc nhở cho chúng ta, trong mọi sinh hoạt của con người, Ngài luôn
có mặt và tác động bằng mọi cách thế chúng ta không thể ngờ được.
Hãy luôn tỉnh
thức để đón nhận Ngài. Ðó là ơn cần thiết nhất mà chúng ta phải cầu xin trong
suốt Mùa Vọng này.
22/12/2011 - THỨ NĂM TUẦN 4 Mùa Vọng
Lc 1,46-56
*******
CUỘC CÁCH MẠNG ÂM THẦM
“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”
(Lc 1,52)
Suy niệm: Trước khi các bản tuyên
ngôn độc lập mang tính cách mạng của các quốc gia ra đời, Tin Mừng đã giới thiệu
cho ta một văn bản đậm chất “cách mạng” hơn cả. Bài ca Magnificat không chỉ khởi
xướng cuộc cách mạng sâu xa trong xã hội, trên thế giới, nhưng cả trong tâm hồn
con người. Xã hội không còn giai cấp vì ta không được phép xem ai hèn kém hơn
mình: mọi người đều là anh em, con cùng một Cha trên trời. Một thế giới thấm
nhuần tinh thần Kitô giáo khi các công dân thế giới ấy biết sống chia sẻ: ta
không được bình chân như vại an hưởng khi người lân cận đang thiếu thốn. Sâu xa
hơn, chính mỗi người phải là “nhà cách mạng” của bản thân khi lật nhào bản ngã,
dẹp bỏ cái tôi tự tôn tự đắc, để có thể sống khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng.
Mời Bạn: Bạn sợ hai chữ “cách mạng”
vì hai chữ này gợi lên sự canh tân, đổi mới toàn diện. Đi theo Đức Giêsu, bạn
phải là một “nhà cách mạng” trong cách suy nghĩ, lối sống và cái nhìn về người
khác. Cung cách đầy tớ thay cho chủ nhân ông, phục vụ thay cho được phục vụ, hạ
mình thay vì khoa trương tự kiêu... Mời bạn xét xem chất “Giêsu cách mạng” nơi
bạn đã đủ chưa?
Sống Lời Chúa: Được gợi hứng do bài ca Magnificat, tôi sẽ tập làm một cuộc
“cách mạng” nhỏ: cố gắng hạ bệ cái tôi, lấy Chúa làm trung tâm đời sống thay vì
cái tôi nhỏ bé của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy bài học khiêm tốn yêu thương khi quỳ
xuống rửa chân cho các môn đệ. Xin cho chúng con luôn ghi nhớ hình ảnh “cách mạng”
này, để chúng con khiêm tốn phục vụ nhau. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
*****************************************
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 22 - 12
1Sm 1, 24-28; Tin Mừng theo Thánh Lc 1, 46-56.
LỜI SUY NIỆM:
Trong Bài
Ca Kỳ Diệu này, mỗi một người trong chúng ta phải biết cúi mình xuống trong
thinh lặng để chiêm niệm từng chữ một cùng với Đức Mẹ Maria: “Linh hồn tôi ngợi
khen Đức Chúa, - thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi. -
Phận nữ tỳ hèn mọn. Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi
diễm phúc. - Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật
chí thánh chí tôn. - Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ
Người. - Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. -
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. - Kẻ đói
nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. - Chúa độ trì
Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, - vì Người nhớ lại
lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc
1,46-55). Để trong mọi buổi cầu nguyện riêng của mình, chúng ta có được tâm
tình tạ ơn, ngợi khen, và kính tôn Thiên Chúa cho xứng hợp.
Mạnh Phương
*****************************************
22 Tháng Mười Hai
Mùa Của Gửi Thiệp Tặng Quà
Người Anh thường nói: "Một quà tặng không
có người tặng là một quà tặng trống rỗng trơ trụi". Giá trị của một quà tặng
do đó, không tùy thuộc nhiều ở giá trị vật chất của nó, mà đi chính tâm tình của
người tặng quà.
Ngày nay, cũng giống như ở bất cứ thời đại nào,
cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo quốc gia thường đi kèm với nghi thức trao tặng
quà cho nhau. Trong một cuộc họp thượng đỉnh ở ngoài khơi đảo quốc Malta cuối
năm 1989, tổng thống Bush của Hoa Kỳ đã tặng cho chủ tịch Gorbachov của Liên Xô
một viên gạch lấy từ bức tường ô nhục Bá Linh. Dù chỉ là một viên gạch, nhưng
đây lại là một món quà vô giá, bởi vì tổng thống Bush đã muốn gói ghém trong đó
tất cả thiện chí và ước muốn xây dựng hòa bình của ông, của nhân dân Hoa Kỳ,
cũng như của tất cả những ai yêu chuộng hòa bình.
Trước đó vài ngày, chủ tịch Gorbachov cũng đã
trao tặng và nhận quà trong cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha. Nhà lãnh đạo của
Liên Xô đã tặng cho Ðức Thánh Cha một tập thánh vịnh in vào thế kỷ thứ 13 và
14, qua đó ông muốn khẳng định rằng những giá trị đạo đức và luân lý do tôn
giáo đề ra là những nhân tố cần thiết cho việc xây dựng xã hội.
Ðáp lại, Ðức Thánh Cha đã tặng cho nhà lãnh đạo
Liên Xô một quyển Tân Ước có ghi hàng chữ: "Ta là Ðường, là Sự Thật, và là
Sự Sống".
Ðó là tất cả những gì mà Ðức Gioan Phaolô II và
qua ngài, toàn thể Giáo Hội có thể trao tặng cho một xã hội đã từ lâu muốn gạt
bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Riêng với bà Raissa, phu nhân của chủ tịch
Gorbachov, Ðức Thánh Cha đã tặng một cỗ tràng hạt. Lòng yêu mến đối với Nữ
Vương của hòa bình: đó là món quà cao quý nhất mà một vị Giáo Hoàng đã có thể tặng
cho tất cả những ai đang mưu tìm hòa bình cho nhân loại.
Mùa Vọng là mùa của gửi thiệp và tặng quà Giáng
Sinh.
Chúng ta gửi thiệp chúc mừng đến những người
thân thương quen thuộc đã đành, chúng ta cũng gửi đi những cánh thiệp xã giao đến
những người chỉ một lần gặp gỡ, quen biết... Có một cánh thiệp nào, một quà tặng
nào cho những người không quen biết, cho những người đầu ngõ cuối xóm mà chúng
ta không hề muốn đưa mắt nhìn đến, cho những người hành khất bên vệ đường, cho
những kẻ không nhà không cửa, cho những ai đang rét run vì giá lạnh, vì cô đơn
không?
Hãy nhiệt tình chào hỏi những người mà chúng ta
ghét cay ghét đắng. Hãy làm hòa với những ai chúng ta vừa gây gổ. Hãy dọn một bữa
ăn cho những người hành khất quen thuộc. Hãy thăm viếng một người bệnh đang chờ
một lời an ủi, đỡ nâng. Hãy san sẻ đôi chút với những người hàng xóm đang túng
thiếu hơn ta.
Ðó là những cánh thiệp, những món quà Giáng Sinh
có giá trị nhất mà chúng có thể gửi ngay đi trong Mùa Vọng này, bởi vì đó là phần
cao đẹp nhất của chúng ta.
(Lẽ Sống)
*****************************************
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 22 tháng 12 MV
Bài đọc: I Sam 1:24-28; Lk 1:46-56.
1/ Bài đọc I: 24 Sau khi cai sữa cho con, bà đưa nó lên
với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu.
Bà đưa con vào Nhà ĐỨC CHÚA tại Si-lô; đứa trẻ còn nhỏ lắm.
25 Họ sát tế con bò và đưa
đứa trẻ đến với ông Ê-li.
26 Bà nói: "Thưa ngài,
xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên
ngài, tại đây, để cầu nguyện với ĐỨC CHÚA.
27 Tôi đã cầu nguyện để được
đứa trẻ này, và ĐỨC CHÚA đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người.
28 Đến lượt tôi, tôi xin
nhượng nó lại cho ĐỨC CHÚA. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho ĐỨC
CHÚA." Và ở đó, họ thờ lạy ĐỨC CHÚA.
2/ Phúc Âm: 46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui
mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm
cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương
sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền
thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của
đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en,
tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông
chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà
Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhận biết và cám ơn quà tặng của Thiên
Chúa.
Nhận
ra hồng ân Thiên Chúa ban cho đã khó, biết cám ơn Thiên Chúa còn khó hơn. Trong
Phúc Âm, Chúa chữa lành 10 người phong cùi; nhưng chỉ có một người ngọai biết
quay trở lại để cám ơn Thiên Chúa. Cám ơn Thiên Chúa đã khó, biết dâng lại những
gì Thiên Chúa ban còn khó hơn gấp bội. Thế mà có những người mẹ không con, sau
khi được Thiên Chúa ban cho một người con, lại dám can đảm hy sinh dâng lại người
con duy nhất để làm việc cho Thiên Chúa. Các Bà tuy rất thương và muốn con ở với
mình, nhưng lòng biết ơn Thiên Chúa mạnh hơn tính ích kỷ cá nhân. Các bà biết
rõ: nếu Thiên Chúa không can thiệp, chẳng bao giờ các bà có được người con đó.
Các
Bài đọc hôm nay tường thuật tâm tình biết ơn của hai người mẹ anh hùng này.
Trong Bài đọc I, Bà Anna hiểu thấu nỗi ô nhục của người không có con: đối
phương của Bà chọc tức Bà. Quá đau khổ, Bà cầu xin Thiên Chúa thương ban cho
mình một mụn con, và sẽ dâng nó lại cho Thiên Chúa để phục vụ trong Đền Thờ.
Khi được Thiên Chúa ban cho một con trai, Samuel, Bà đã giữ lời hứa, dâng con
mình lại cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Đức Trinh Nữ Maria biết rõ mình chỉ là
một nữ tỳ tầm thường trước mặt Thiên Chúa; nhưng được Thiên Chúa cất nhắc lên
thiên chức “Mẹ Đấng Cứu Thế” là do hòan tòan quyền năng và tình yêu của Thiên
Chúa. Mẹ Maria cũng sẵn sàng dâng Chúa Giêsu lại cho Thiên Chúa, để Ngài hòan tất
sứ vụ đã được Chúa Cha trao phó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bà Anna dâng lại đứa trẻ Thiên Chúa ban để nó
phục vụ Thiên Chúa.
1.1/
Nỗi ô nhục của người vợ không con: Ông Elkanah có hai vợ: một bà tên là Anna, một
bà tên là Peninnah. Bà Peninnah có con, còn bà Anna không có con. Đến ngày ông
Elkanah dâng hy lễ, ông thường chia các phần cho bà Peninnah, vợ ông, và cho
các con trai con gái bà ấy. Còn bà Anna, ông chia cho một phần ngon vì ông yêu
bà, mặc dù Đức Chúa đã làm cho bà không sinh sản được. Bà kia, đối thủ của bà,
cứ chọc tức để hạ nhục bà, vì Đức Chúa đã làm cho bà không sinh sản được. Ông
Elkanah vẫn làm như thế năm này qua năm khác, mỗi lần ông lên Nhà của Đức Chúa
tại Shiloh ; còn bà kia cứ chọc tức bà Anna như
thế. Mỗi lần xảy ra, Bà chỉ biết khóc và không chịu ăn.
1.2/
Bà Anna cầu nguyện và xin Thiên Chúa ban cho một đứa con: Tâm hồn cay đắng, bà
cầu nguyện với Đức Chúa và khóc nức nở. Bà khấn hứa rằng: "Lạy Đức Chúa
các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến
con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con
sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu
nó." Tư-tế Eli khuyên: "Bà hãy về bình an. Xin Thiên Chúa của Israel ban cho
bà điều bà đã xin Người!" Bà thưa: "Ước chi nữ tỳ của ngài đây được đẹp
lòng ngài!" Rồi bà Anna ra về; bà dùng bữa và nét mặt bà không còn sầu khổ
như trước nữa.
1.3/
Lời cầu xin của Bà Anna được Thiên Chúa nhận lời: Sau đó, ông Elkanah ăn ở với
bà Anna, vợ mình, và Đức Chúa đã nhớ đến bà. Ngày qua tháng lại, bà Anna thụ thai,
sinh con trai và đặt tên cho nó là Samuel, vì bà nói: "Tôi đã xin Đức Chúa
được nó." Năm sau, Elcanah lên Shiloh với
cả gia đình, để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa, và để giữ trọn lời khấn hứa
của mình. Bà Anna không lên, và bà nói với chồng: "Đợi cho đến khi đứa trẻ
cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi
mãi." Ông Elkanah bảo bà: "Em nghĩ thế nào là phải thì cứ làm; cứ ở lại
cho đến khi cai sữa cho nó. Chỉ xin Đức Chúa thực hiện lời Người."
1.4/
Bà Anna dâng lại cho Thiên Chúa người con Ngài ban tặng: Sau khi cai sữa cho
con, bà đưa nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột
và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Shiloh ;
đứa trẻ còn nhỏ lắm. Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Eli. Bà nói:
"Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người
đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa. Tôi đã cầu nguyện
để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt
tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho
Đức Chúa." Và ở đó, họ thờ lạy Đức Chúa.
2/ Phúc Âm: Đức Mẹ Maria ngợi khen và tạ ơn Thiên
Chúa.
2.1/
Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành: Mẹ Maria biết rõ mình chỉ là một nữ tỳ
hèn hạ trước mặt Thiên Chúa; hơn nữa, Mẹ cũng chỉ là một tạo vật thấp hèn được
Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng chỉ vì Thiên Chúa đã đóai thương nhìn đến, mà Mẹ được
cất nhắc lên để làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Hồng ân này không những làm cho mẹ được ơn
cứu độ, mà còn ban rộng ra đến tất cả mọi người. Với tâm tình biết ơn Thiên
Chúa, Mẹ vui mừng ca tụng Ngài: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí
tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người
đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng
đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”
2.2/
Thiên Chúa xót thương những ai kính sợ Ngài: Biết kính sợ Thiên Chúa không những
là nguồn gốc mọi khôn ngoan, mà còn là điều kiện để được hưởng muôn ơn lành. Chỉ
trong 3 câu ngắn ngủi, tác giả của Bài Magnificat đã nêu lên 3 điều cách mạng
chính của Thiên Chúa:
(1)
Cách mạng luân lý: Thiên Chúa chống kẻ kiêu căng và đề cao người khiêm nhường;
trong khi người thế gian thường thích kiêu căng, cậy sức mình, và khinh thường
Thiên Chúa.
(2)
Cách mạng xã hội: Thiên Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và
nâng cao những kẻ thấp hèn; trong khi người thế gian thường cậy quyền thế và
đàn áp kẻ khó nghèo.
(3)
Cách mạng kinh tế: Thiên Chúa cho kẻ đói nghèo được dư dật và đuổi người giầu về
tay trắng; trong khi ở thế gian: người giầu lại giầu thêm, còn kẻ nghèo càng
nghèo hơn.
2.3/
Thiên Chúa trung thành thực thi Lời Hứa: Tất cả những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ
thực thi; không phải vì con người xứng đáng được hưởng, nhưng chỉ vì lòng
thương xót của Ngài: “Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha
ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho
con cháu đến muôn đời."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương: nếu chúng ta kiên trì biểu lộ niềm tin
của chúng ta, Ngài sẽ ban cho chúng ta điều chúng ta xin.
-
Chúng ta phải có lòng khiêm nhường và biết kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta phải có
lòng biết ơn về những quà tặng Thiên Chúa ban.
-
Quà tặng Chúa ban là để phục vụ, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Chúng ta phải
biết dùng những quà tặng Thiên Chúa ban để phục vụ Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét