Trang

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Thứ Ba tuần III Mùa Vọng

Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng

Bài Ðọc I: Xp 3, 1-2. 9-13
"Chúa hứa ban ơn cứu độ cho những người nghèo khó".
Trích sách tiên tri Xôphônia.
Chúa phán: Khốn cho thành phản nghịch và ô uế, cho thành làm sự hung bạo. Nó không nghe lời, không chịu sửa dạy, không tin tưởng vào Thiên Chúa, không đến gần Chúa mình.
Bấy giờ Ta sẽ cho dân Ta môi miệng thanh sạch để mọi người kêu cầu danh Chúa và nhất tâm phụng sự Người. Từ phía bên kia các sông xứ Ethiôpi, con cái những kẻ tha hương kêu cầu Ta, đem lễ vật đến dâng cho Ta.
Ngày đó, ngươi sẽ không còn phải xấu hổ vì các lỗi lầm của ngươi đã phạm đến Ta. Vì Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng và từ đây, ngươi sẽ mãi mãi được vinh quang trên núi thánh Ta. Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó và thiếu thốn và họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa. Những người Israel còn sót lại sẽ không làm điều gian ác, không nói dối, người ta không thấy chúng nói lời phỉnh gạt. Chúng sẽ như đàn chiên ăn cỏ và nghỉ ngơi, và sẽ không ai làm phiền chúng.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 6-7. 17-18. 19 và 23
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Ngài. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện. Bạn nghèo hãy nghe và hãy vui mừng. - Ðáp.
2) Hãy nhìn về Chúa, để các bạn sẽ vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Ngài đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.
3) Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. - Ðáp.
4) Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương tan nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Này đây Chúa đến để cứu dân Người; hạnh phúc thay những ai sẵn sàng đón rước Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 28-32
"Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Dụ ngôn hai người con làm nổi bật sự tương phản lời nói và hành động: nói có mà không làm: nói không nhưng lại làm. Giữa sự đối nghịch này, hành động được đánh giá là quan trọng vì hành động là dấu biểu lộ của tâm hồn. Một tâm hồn trong sáng sẽ biểu hiện qua những hành động ngay thẳng. Vì thế, Ðức Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố: "Không phải những người nói: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ thi hành ý Cha.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay làm chúng con suy nghĩ và cảm thấy xấu hổ. Chúng con thường nói về Chúa rất hay. Chúng con đọc kinh cũng nhiều và ăn chay cũng khá. Thế nhưng cuộc sống của chúng con chưa là chứng từ của điều chúng con tuyên xưng. Chúng con tuyên xưng Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em. Thế nhưng chúng con chẳng muốn quan tâm đến ai, nhất là những anh chị em nghèo khổ. Chúng con chỉ biết sống ích kỷ, ganh tỵ, tranh dành quyền lợi, chúng con chưa dám xả thân vì tha nhân, chưa dám hy sinh cho công ích.
Chúng con xin Chúa tha thứ cho chúng con. Chúng con xin Chúa sửa lại con người yếu hèn của chúng con. Xin Chúa hãy mặc cho chúng con một con người quảng đại, bao dung. Ðể chúng con biết sống cho Chúa và anh chị em chúng con. Amen.

Tỉnh Thức Ðích Thực

Trong kho tàng truyện các Thánh ẩn tu trong sa mạc vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo có một câu chuyện như sau:
Có một ông vua vừa mới lên ngôi. Ông muốn vào sa mạc để gặp gỡ các vị ẩn tu để học hỏi về sự nhân đức của các ngài. Nhà vua ra lệnh cho đoàn tùy tùng đứng ở xa, chỉ có một mình ông đến gần túp lều của một vị ẩn tu, ông gỡ vương miện cất vào trong người rồi rón rén đến gõ vào túp lều của vị ẩn tu. Vừa mở cửa, vị ẩn tu biết ngay người trước mặt mình là kẻ nắm quyền sinh sát trong tay, nhưng nhà tu hành làm như mình không biết nhà vua là ai. Ngài đón tiếp như bất cứ một vị khách nào đến thăm và vấn kiến. Nhà vua hỏi thăm sức khỏe của các tu sĩ trong tu viện. Vị ẩn tu trả lời như sau:
- Tất cả đều cầu nguyện cho sức khỏe của anh.
Nhà vua nhìn chung quanh túp lều không thấy có bất cứ một thứ của cải nào ngoài một cái giỏ đựng một ít bánh mì khô. Vị ẩn tu nói như ra lịnh:
- Mời anh ăn.
Nói xong, ngài cầm bánh nhúng vào nước lã, chế lên một ít dầu và muối rồi trao cho nhà vua. Vị ẩn tu cũng mời nhà vua uống nước lã. Sau bữa ăn chỉ có một mẩu bánh và nước lã ấy. Nhà vua hỏi vị ẩn tu:
- Ngài có biết tôi là ai không?
Vị ẩn tu trả lời không một chút do dự:
- Chỉ có Chúa mới biết mà thôi.
Nhà vua liền tiết lộ tông tích của mình. Lúc đó vị ẩn tu mới cúi mình tỏ dấu cung kính. Nhà vua đỡ vị tu sĩ lên rồi nói:
- Thầy thật có phúc vì thầy không phải lo lắng về chuyện thế gian. Tôi được sinh ra là để làm vua, và chuyện cai trị là mối lo canh cánh của tôi. Mỗi ngày tôi ăn uống toàn cao lương mỹ vị, nhưng phải nói rằng: bánh và nước lã mà thầy vừa dọn cho tôi ăn quả là bữa ăn ngon nhất mà tôi chưa từng được thưởng thức.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Chúng ta đang bước vào Mùa Vọng. Ít nhất mỗi năm một lần, chúng ta lại có dịp được đào sâu và sống tinh thần tỉnh thức đích thực của Kitô giáo. Tinh thần tỉnh thức của Kitô giáo nhắc nhở chúng ta về ngày trở lại của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng ngày sinh của Ngài. Giáo Hội cũng gợi lên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của sự tỉnh thức của Kitô giáo. Chúa Kitô sẽ trở lại không phải vì Ngài đang vắng bóng, mà đúng hơn, Ngài đang hiện diện và đến trong từng phút giây của cuộc sống mỗi người chúng ta. Con người chỉ thực sự nhận ra Ngài trong ngày quang lâm nếu ngay từ bây giờ họ biết đón nhận Ngài đang đến trong cuộc sống mỗi ngày. Ngài đến trong mọi biến cố. Ngài đến trong từng cuộc gặp gỡ. Ngài đến trong mỗi một tha nhân. Ngài đến ngay trong giây phút hiện tại chúng ta đang trải qua. Như vậy, sống tỉnh thức chính là sống sung mãn từng giây phút hiện tại.
Nhà vua trong câu chuyện của vị thánh ẩn tu trên đây đã tìm thấy ý nghĩa của sự tỉnh thức ấy. Của ngon vật lạ không hẳn là cao lương mỹ vị mà là của ăn đơn sơ từng ngày khi con người biết nhìn bằng con mắt trong sạch và đơn sơ. Họ sẽ nhận ra chiều sâu của mọi sự khi con người biết để cho tâm hồn được lắng đọng và thanh thản. Họ sẽ cảm nhận được sự bình an đích thực.
Ðể cho tâm hồn lắng đọng và hưởng nếm được sự bình an đích thực có lẽ cũng chẳng cần phải đi vào giữa sa mạc hay từ bỏ của cải và mọi hoạt động trần thế. Chúa Kitô đến trong cô tịch vắng vẻ, nhưng Ngài cũng đến giữa phố chợ ồn ào. Chỉ có cõi lòng thinh lặng mới cảm nhận được sự hiện diện âm thầm của Ngài mà thôi.
Lạy Chúa, có những giây phút ưu biệt chúng con dành cho Chúa nhưng không đủ, chúng con còn dành nhiều thời gian cho mọi sinh hoạt khác. Chúng con xin dõi theo tâm tình của Thánh Phaolô: "Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm bất cứ công việc gì, xin vì sáng danh Chúa".
Xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức để đón nhận Chúa đến và sống một cách sung mãn từng ân huệ Chúa ban trong mỗi phút giây của cuộc sống. Amen.

13/12/2011 - THỨ BA TUẦN 3 - Mùa Vọng
Th. Lucia, trinh nữ, tử đạo
Mt 21, 28-32
ĐỨC TIN KHÔNG TỰ MÃN
“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)
Suy niệm: Hoán cải, thay đổi đời sống là bằng chứng cụ thể của người tin. Những người thu thuế và các cô gái điếm, bị xem là những người tội lỗi, nhưng lại xứng đáng với Nước Thiên Chúa vì đã biết hoán cải nhờ tin vào lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Nhờ lòng tin này, họ được vào Nước Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục, những người tự mãn cho mình là thanh sạch và xứng đáng hơn. Chúa Giêsu đã tuyên bố điều này để cảnh cáo thái độ tự mãn của các thính giả của Ngài dẫn đến chỗ cứng lòng không tin và không chịu hoán cải.
Mời Bạn: Muốn được cứu độ nhất thiết có đức tin. Tuy nhiên, tự mãn trong đức tin là điều rất nguy hiểm. Nó làm cho con người ù lì, cứng lòng, không chịu hoán cải và tệ hại hơn cả là lấy mình làm tiêu chuẩn đánh giá người khác. Trước mặt Chúa, chẳng ai trong chúng ta là người hoàn hảo, nắm trọn chân lý đức tin. Vì vậy, mỗi một người đều cần phải biết hoán cải, làm mới bản thân mỗi ngày để biết ngày càng sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng hơn.
Chia sẻ: Bạn tin vào Chúa, tất nhiên, nhưng bạn có những cách thế nào để làm chứng cho niềm tin đó?
Sống Lời Chúa: Nhắc lại Lời Chúa “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26) để cố gắng thăng tiến đức tin mỗi ngày bằng hành động cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ đức tin chúng con được hưởng ơn Cứu độ. Nhưng xin Chúa giúp cho chúng con biết sống niềm tin vào Chúa bằng việc hoán cải và canh tân đời sống mỗi ngày theo những đòi hỏi cấp thiết của Lời Ngài. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
*****************************************
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 13/12 - Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo; Xp 3, 1-2.9-13;
Tin Mừng theo Thánh Mt 21, 28-32.
LỜI SUY NIỆM:
          Trong Câu chuyện dụ ngôn Hai người con, đã bất nhất trong lời hứa với hành động, mà người cha đã mời gọi đi làm vườn nho. Cả hai người con đều là bất toàn trong cách cư xử với cha mình. Cả hai người con trai này đều đã không đem lại cho người cha niềm vui tron vẹn. Trong cuộc sống của chúng ta không thiếu thái độ, và cách cư xử của hai người con này. Có những người, khi có tiếng mời gọi tham gia vào một công việc tông đồ, thì cứ vâng vâng dạ dạ, làm ra vẻ sốt sắng lắm, hứa này hứa nọ. Nhưng sau đó vì lợi ích riêng tư, hay một suy nghĩ  nào đó của riêng mình, họ  đã bỏ qua lời hứa đó, mà không hồi âm, làm công việc chung bị bê trể. Nhưng cũng có hạng người, khi mới nghe lời mời gọi, đã từ chối một cách thẳng thừng không suy nghĩ. Nhưng sau đó hiểu ra thì ân hận vì đã từ chối công việc đáng phải làm, nên lại đến tham gia, mặc dù không hoàn hảo nhưng ít ra đã có sự quan tâm và suy nghĩ lại vấn đề. Đối với người Ki-tô hữu, điều tốt nhất cho chúng ta là: nói và làm phải đi đôi với nhau.
Mạnh Phương
*****************************************
Gương Thánh Nhân
Ngày 13-12:
Thánh LUCIA
Đồng Trinh Tử Đạo - (Thế kỷ IV)
Theo lịch sử, chắc chắn là đã có một thánh nữ tử đạo tên là Lucia và mộ Ngài được tìm thấy trong hang toại đạo của các Kitô hữu Syracusa. Sau đây là câu chuyện về cuộc tử đạo của Ngài.
Lucia là một thiếu nữ quí phái người Syracusa tại thủ đô miền Sicily. Mẹ Ngài gốc người Hy Lạp tên là Eutychia, có nghĩa là hạnh phúc. Sớm thành goá phụ, bà đã gắng chuẩn bị cho Lucia một điạ vị cao bằng cách dưỡng dục thánh nữ theo tinh thần Kitô giáo. Bà thường nói với con gái mình về lòng can đảm của các vị tử đạo đã tưới máu trên đế quốc hai thế kỷ qua. Như ở Sicily, tại hải cảng Catana, nửa thế kỷ trước thánh nữ Agatha thay vì chối bỏ đức tin, đã khước từ tình yêu của quan cầm quyền và trung thành với Chúa Kitô giữa các cực hình.
Mẫu gương đáng phục này đã ám ảnh Lucia và khi Eutychia nhận lời cầu hôn cho con gái mình, Lucia khẩn cầu Chúa cất xa những cuộc cưới hỏi trần thế để dâng hồn xác phụng sự một mình Ngài thôi. Bỗng Eutychia ngã bệnh, Lucia lấy cớ này để đình hôn. Dầu vậy, Ngài thấy buồn vì mẹ khổ lâu, nên khuyên bà kêu cầu với thánh nữ Agatha, Ngài đưa mẹ đi Cathana để dưỡng bệnh. Khi đó, Ngài xem thường những sắc lệnh bách hại đạo của Điôclêtianô, khấn hiến mình hoàn tòan cho Thiên Chúa. Ngài đòi phân gia tài để phân phát cho người ghèo. Ngài nói: - "Dâng cho Chúa điều người ta không mang theo sau khi chết thì cũng không có gì là nhiều".
Nhưng người theo đuổi Lucia thấy Ngài bán nữ trang và ruộng đất rồi phát cho người khổ cực, liền nổi giận và tố cáo với Paschse là người cầm quyền ở Syracusa. Lucia bị cầm tù. Trước tòa, Ngài đã trả lời cách đáng phục:
"Giờ thì tôi chẳng còn gì nữa để dâng, tôi dâng chính mình như bánh thánh lên Thiên Chúa tôi cao. Ong run rẩy trước mặt Thiên Chúa, còn tôi, tôi kính sợ Thiên Chúa. Ông muốn làm đẹp lòng họ, còn tôi, tôi chỉ có một ước vọng là làm đẹp lòng Chúa Kitô thôi. Những người thiêu huỷ thân xác là những người bỏ niềm vui mau qua để đổi lấy những niềm vui đời đời. Thánh Phaolô tông đồ đã nói: Ai sống trong sạch và đạo đức là đền thờ Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần ở trong họ. Thân thể chỉ ra nhơ uế nếu linh hồn đồng tình với nó".
Nhà cầm quyền truyền trao Lucia cho bọn đâm đãng êể làm nhục cho đến chết. Nhưng Ngài đã thành một sức mạnh khủng khiếp khiến bao sức lực của họ cũng không thể kéo Ngài đi được. Người ta kêu các phù thủy, đưa bò đến kéo nhưng không nghĩa lý gì đối với sự bất động của Trinh nữ.
Người ta đốt lửa cũng không chạm tới Ngài. Sau cùng, người ta dùng giáo đâm cổ Ngài, nhưng Ngài còn tiên báo một cách lạ lùng: - "Tôi báo cho các ngươi biết rằng, Giáo hội Chúa được ơn bình an vì hôm nay Điôclêtiano bị đuổi khỏi đế quốc, Maximianô phải chết. Và như Catana vui sướng được chị tôi là Agatha bảo trợ, thành Syracusa được Chúa ban cho tôi, nếu các ngươi hết lòng thực hiện thánh ý Chúa".
Và dân Sicily thấy Paschase bị xiềng. César biết được rằng ông ta sẽ chiếm thành. Lucia trước khi chết đã được rước Mình Chúa do các linh mục đem đến.
Lucia là tên do từ ngữ Lux, nghĩa là ánh sáng. Như ánh sáng, gương mẫu đời Ngài dẫn các linh hồn lên trời. Tên Ngài khiến những ai đau mắt thường kêu cầu Ngài.
(daminhvn.net) 
*****************************************
13 Tháng Mười Hai
Danh Hiệu Của Ánh Sáng
Không những ở Việt Nam, nhưng trên toàn thế giới, nhiều thánh nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia, như nữ tu Lucia, một trong ba trẻ đã được thấy Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima.
Những người thiếu nữ mang tên Lucia này không khỏi thất vọng khi tìm hiểu về đời sống và sự nghiệp của thánh nhân. Vì những sách cũ đã viết tiểu sử của các thánh nhân đã ghi lại nhiều câu chuyện về thánh Lucia, để rồi các tác giả viết về đời sống của các thánh nhân thời đại chúng ta lại phê bình những câu chuyện ấy không có tính cách lịch sử. Chúng ta chỉ có thể tóm lại những chứng tích lịch sử để viết về cuộc đời, nhất là cái chết vì niềm tin của thánh Lucia như sau:
Một chàng thanh niên không Công Giáo thất vọng vì không được Lucia đáp trả lại tình yêu của mình đã tố cáo với nhà cầm quyền Lucia là người Công Giáo. Và nàng đã bị xử tử vào năm 304 tại thành Syracuse vùng Sicilia, mạn Nam nước Italia. Di tích lịch sử thứ hai là tên Lucia được ghi trong danh sách những thánh tử đạo trong lời nguyện thánh lễ Roma, nay là lời nguyện Thánh Thể thứ nhất trong phụng vụ mới.
Những di tích bên lề cũng nên nói đến là nhiều địa danh, nhiều làng mạc, thành phố bên Âu Châu mang tên nàng, cũng như có những bằng chứng lịch sử về sự tôn kính nàng từ trước thế kỷ thứ 5.
Chữ "Lucia" có nghĩa là ánh sáng. Và gương can đảm chết vì lòng tin của nàng vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tâm hồn những người đang bị thử thách và đau khổ vì lòng tin, cũng như làm rạng rỡ những khuôn mặt của những thiếu nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia.
Muốn hiểu sự can đảm của thánh Lucia Giáo Hội mừng kính hôm nay với tước hiệu đồng trinh, tử đạo, chúng ta có thể tưởng tượng một thiếu nữ Công Giáo sống giữa những người không Công Giáo vào thời kỳ tôn giáo này bị bách hại. Ðể sống trọn niềm tin Công Giáo, nàng cũng gặp nhiều khó khăn như đại đa số những tín hữu Kitô trong thời đại chúng ta phải sống chung với những người vô thần, không tin tưởng.
Lạ lùng hơn là niềm tin của Lucia. Nàng tin vào một người sáng lập tôn giáo với thân thế và sự nghiệp không mấy được rõ ràng ở một nước thuộc địa xa xôi với thủ đô Jerusalem bị quân đội Roma phá hủy cách đó 200 năm. Trước khi truyền đạo, ông này làm nghề thợ mộc và sau một thời giảng đạo ngắn ngủi, ông bị quân lính Roma đóng đinh vào thập tự, một hình phạt dành cho dân thuộc địa phạm những trọng tội sát nhân hay nổi loạn. Nay Lucia tin tưởng với tất cả tâm hồn là ông ấy đã Phục Sinh, như một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã chấp nhận những gì ông truuyền dạy và đã làm.
Ðể biểu lộ lòng tin của mình, Lucia đã thề hứa giữ sự trinh khiết, không lập gia đình.
Lucia lập lời hứa đó vì nàng biết đến gương anh dũng của những người chết vì đạo trong các hí trường tại Roma hay những nơi khác và nhất là để giữ lòng trung tín với ông Giêsu làng Nagiareth, đã bị chết treo trên thập giá, nhưng đối với niềm tin của nàng là Ðấng Cứu Thế, Con Một Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
*****************************************
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần III - Mùa Vọng
Bài đọc: Zeph 3:1-2, 9-13; Mt 21:28-32.
1/ Bài đọc I: 1 Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo,
2 không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy,
không cậy trông vào ĐỨC CHÚA,
chẳng đến gần Thiên Chúa của mình.
9 Bấy giờ, Ta sẽ làm cho môi miệng chư dân nên tinh sạch
để tất cả đều kêu cầu danh ĐỨC CHÚA
và kề vai sát cánh phụng sự Người.
10 Từ bên kia sông ngòi xứ Cút,
những kẻ tôn thờ Ta, những kẻ đã bị Ta phân tán,
sẽ mang lễ vật đến kính dâng Ta.
11 Ngày ấy, ngươi sẽ không còn phải hổ thẹn
vì mọi hành vi ngang trái chống lại Ta.
Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi
những kẻ kiêu căng đắc thắng,
và ngươi sẽ không còn nghênh ngang
trên núi thánh của Ta nữa.
12 Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ;
chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA.
13 Số dân Ít-ra-en còn sót lại
sẽ không làm chuyện tàn ác bất công,
cũng không ăn gian nói dối
và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.
Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi
mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ. 
2/ Phúc Âm: 28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho."
29 Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi.
31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất." Đức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.
32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống theo sự thật. 
Khi con người phải đối diện với sự thật, có nhiều phản ứng khác nhau: Có những người dửng dưng với sự thật, vì không nhìn ra được sự quan trọng của nó. Có những người sợ sự thật, vì sự thật mất lòng. Nếu họ biết, họ phải thi hành sự thật. Ví dụ, nhiều người biết những gì Chúa nói là sự thật; nhưng họ không muốn tin, vì nếu tin họ phải giữ những gì Chúa dạy. Có những người muốn tiêu hủy sự thật, vì nó phơi bày những giả dối của họ ra ánh sáng cho mọi người nhìn thấy. Sau cùng, có những người yêu mến sự thật và nhiệt thành tìm kiếm; vì sự thật giúp họ nhận ra những lầm lỗi khuyết điểm để sửa chữa thành những người tốt đẹp hơn. Điều quan trọng con người cần biết là sự thật giải thóat. Dù con người không có tội vì không biết sự thật, họ vẫn phải lãnh nhận mọi hậu quả vì tội dửng dưng, quay lưng, hay tiêu diệt sự thật.
Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn đề cần biết và sống theo sự thật. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaiah vạch ra cho dân thấy tai hại của việc quay lưng lại với Thiên Chúa, nguồn gốc của sự thật; và chạy theo những ảo tưởng như tin vào sức mình hay các thần ngọai bang. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vạch ra cho các Kinh-sư và Biệt-phái biết: Các người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước họ; vì mặc dù tội lỗi, nhưng họ biết ăn năn hối cải để lãnh nhận ơn tha thứ và làm lại cuộc đời. Nếu họ không chịu tin và thi hành những gì Gioan Tẩy Giả và chính Ngài nói với họ, họ sẽ không được hưởng Nước Trời. 
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 
1/ Bài đọc I: Giống nòi phản lọan không nghe tiếng kêu mời, cũng chẳng tiếp thu lời sửa dạy. 
1.1/ Dân Israel không nghe lời Thiên Chúa: Tiên Tri Sophonia là tiên tri sống trong Thời Lưu Đày, ông cho dân biết lý do tại sao Jerusalem bị thất thủ và dân bị lưu đày: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo, không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy, không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình.” Thành Jerusalem là Thành Thánh của Thiên Chúa ngự; thế mà nay trở nên Thành phản lọan, ô uế, và tàn bạo. Lý do là vì dân Thành đã làm ngơ trước những lời kêu mời và sửa dạy của các tiên tri Chúa gởi tới. Họ không còn trông cậy vào Thiên Chúa nữa, nhưng tin tưởng vào sức mạnh của mình, và chạy theo các thần ngọai bang. 
1.2/ Chúa sửa sọan một dân mới: Mục đích Thiên Chúa sửa phạt không phải để tiêu diệt, nhưng để thanh luyện làm cho dân biết nhận ra và sống theo sự thật, theo ý muốn và đường lối của Ngài. Dân mới Thiên Chúa sửa sọan để mang trở về Jerusalem sẽ gồm 2 lọai người: những người không phải là dân Do-Thái, nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa và phục vụ Ngài; những người Do-Thái còn sót lại, họ nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại với Ngài. TT viết: “Bấy giờ, Ta sẽ làm cho môi miệng chư dân nên tinh sạch để tất cả đều kêu cầu danh Đức Chúa và kề vai sát cánh phụng sự Người. Từ bên kia sông ngòi xứ Kush, những kẻ tôn thờ Ta, những kẻ đã bị Ta phân tán, sẽ mang lễ vật đến kính dâng Ta. Ngày ấy, ngươi sẽ không còn phải hổ thẹn vì mọi hành vi ngang trái chống lại Ta. Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không còn nghênh ngang trên núi thánh của Ta nữa.” 
1.3/ Dân còn sót lại sẽ nghe lời và làm theo ý Thiên Chúa: Thời gian Lưu Đày làm cho người Do-Thái nhận ra những sai trái của họ vì đã không tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa; đồng thời cũng khích lệ họ biết khiêm nhường và sống theo những gì Thiên Chúa dạy. Khi dân đã nhìn ra điều này, Thiên Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc họ: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Israel còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.” 
2/ Phúc Âm: Nói nhưng không làm theo ý Thiên Chúa. 
2.1/ Dụ ngôn hai người con: Để dạy cho các Kinh-sư và Biệt-phái một bài học về sự thật, Chúa Giêsu đưa ra cho họ một dụ ngôn: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất." 
2.2/ Hai người con tượng trưng cho hai hạng người:
(1) Những người thu thuế và gái điếm: Chúa Giêsu ví những người này như người con thứ nhất. Nếu xét theo bề ngòai, họ là những người tội lỗi, và không để tâm đến những gì Chúa dạy bảo. Nhưng khi họ được cơ hội nghe những gì Gioan Tẩy Giả rao giảng hay được Chúa Giêsu kêu mời, họ lập tức thay đổi cuộc sống, và tin vào Tin Mừng. Như lời Đức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy." Những người đã ăn năn và tin theo Chúa Giêsu cũng không thiếu. Tin Mừng kể ra những người như: Matthêu và Jachaeus là những người thu thuế; Mary Magdalene là gái điếm; người trộm lành tin vào Chúa Giêsu trong những giây phút cuối của cuộc đời anh ta.
(2) Những Biệt-phái và Kinh-sư: Chúa Giêsu ví những người này như người con thứ hai. Nếu chỉ xét bề ngòai: thẻ kinh và những tua áo họ đeo, thông biết Lề Luật, đọc kinh sách nhiều lần trong ngày; họ là những người tốt lành vì họ giữ cẩn thận những gì Chúa dạy. Nhưng Thiên Chúa không chỉ nhìn và xét theo dáng vẻ bên ngòai, Ngài thấu suốt và phán xét theo tâm tình bên trong. Ngài nhìn thấy họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng lòng họ xa Thiên Chúa vạn dặm, đeo thẻ kinh lớn và mang nhiều tua áo để được tiếng khen, thông biết Lề Luật nhưng không thi hành, đọc kinh nhiều để nuốt trọn gia tài các bà góa. Gioan Tẩy Giả nghiêm khắc răn bảo họ hãy thật lòng ăn năn xám hối, vì cây rìu đã chờ sẵn dưới gốc cây; nhưng họ vẫn cứng lòng không chịu trở lại. Chúa Giêsu nhìn thấu tận đáy lòng và mắng họ như những mồ mả tô vôi, bên ngòai trông rất đẹp, nhưng bên trong tòan những giòi bọ rúc rỉa. Họ không những không ăn năn trở lại, mà còn tìm cách để giết luôn Chúa Giêsu. 
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
- Chúng ta không chỉ cần biết sự thật, nhưng còn phải thi hành sự thật.
- Phải biết nhìn nhận tội lỗi và sửa sai kịp thời. Chúng ta đừng bao giờ có thái độ tự nhận mình là người công chính và khinh thường người khác; nhưng phải luôn biết khiêm nhường xét mình và thú nhận tội lỗi với Thiên Chúa.
- Chúng ta phải lãnh nhận mọi tai hại và thiệt thòi của việc khinh thường và không sống theo sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
*****************************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét