Trang

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Ngày 05 tháng Giêng


Ngày 5 tháng Giêng
Mùa Giáng Sinh

Bài Ðọc I: 1 Ga 3, 11-21
"Chúng ta đã được chuyển từ cõi chết đến cõi sống, vì chúng ta thương yêu anh em".
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, đây sứ điệp các con đã nghe từ ban đầu là chúng ta phải thương yêu nhau.
Không như Cain, người thuộc về ma qủy, nên đã giết em mình.
Nhưng tại sao nó đã giết em? Vì công việc nó làm là gian ác, còn công việc của em nó thì chính trực.
Các con đừng ngạc nhiên, nếu thế gian ghét các con.
Chúng ta biết rằng chúng ta đã được chuyển từ cõi chết đến cõi sống, vì chúng ta thương yêu anh em.
Ai không yêu thương, thì ở trong cõi chết.
Hễ ai ghét anh em mình đều là kẻ sát nhân, và các con biết rằng mọi kẻ sát nhân không có sự sống đời đời ở trong mình.
Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình cho anh em.
Nếu ai có của cải đời này mà thấy anh em mình túng thiếu, lại đóng cửa lòng mình đối với họ, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở trong người ấy được?
Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật.
Do đó chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa.
Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.
Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 99,2,3, 4,5
Ðáp: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa. (2a)
Xướng 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Thiên Chúa là Thượng Ðế, chính Ngài đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Ngài. - Ðáp.
3) Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, hãy vào trụ quan nhà Ngài với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Ngài. - Ðáp.
4) Vì Thiên Chúa, Ngài thiện hảo, lòng từ bi Ngài tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, Alleluia. - Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta, hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hòa đã tỏa xuống trên địa cầu. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1,43-51
"Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu định đi Galilêa.
Người gặp Philipphê và nói với ông: "Hãy theo Ta".
Philipphê là người thành Bétsaiđa, quê quán của Anrê và Phêrô.
Philipphê gặp Nathanaen và nói với ông: "Ðấng đã được Moisen ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nazarét".
Nathanaen đáp: "Bởi Nazarét nào có cái chi hay?".
Philipphê nói: "Hãy đến mà xem".
Chúa Giêsu thấy Nathanaen đi tới mình, thì nói về ông: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối".
Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?"
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi".
Nathanaen thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel".
Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: ta đã thấy ngươi dưới gốc cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa".
Và Người nói với ông: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Ðó là Lời Chúa.

Suy Niệm:
"Trước khi Philipphê gặp anh, Thầy đã thấy anh dưới cây vả". Từ đời đời, Chúa đã biết ta trong mọi bí ẩn của tâm hồn. Chúa dò thấu tường tận. Không có gì kín nhiệm mà Chúa không thông suốt. Chúa biết rõ ta hơn ta biết ta. Và Chúa cũng lo lắng cho ta hơn ta tự lo cho mình.

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, ai sẽ hiểu con hơn Cha? Tâm can con qua từng gang tấc, ai thấu suốt ngọn ngành? Xin cho con luôn sống chính trực, chân thành. Niềm xác tín có Cha đang nhìn và yêu con là động lực thôi thúc con luôn hướng về Cha. Chính vì hành vi trong sáng nơi con, sẽ giúp con an vui khi được trình diện Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.

Niềm Tin

Theo một câu chuyện cổ nước Anh, liên tục trong 500 năm liền. Cứ mỗi đêm Giáng Sinh dân chúng tại một thành phố nọ đều tập trung lại không phải để mừng ngày sinh của Chúa mà để chờ đợi ngày Ngài trở lại.
Ðúng nửa đêm, họ đốt đèn, hát Thánh Ca rồi đi kiệu đến một ngôi giáo đường đổ nát. Tại đây, họ dựng vội lên một hang đá với một máng cỏ bên trong, và với tất cả lòng thành họ quì gối cầu nguyện. Ánh nến cũng như những bài thánh ca như xua đuổi được cái lạnh của đêm Giáng Sinh. Trừ những người ốm đau tàn tật, tất cả mọi người trong thành phố đều có mặt tại đó, ai cũng được thúc đẩy bởi một niềm tin chắc chắn rằng: nếu tất cả mọi người trong thành phố đều có mặt tại đó trong đêm Giáng Sinh, và nếu tất cả đều cầu nguyện với lòng thành tín, thì đúng nửa đêm Chúa Giêsu sẽ trở lại.
Từ 500 năm qua, cứ mỗi đêm Giáng Sinh, mọi người đều đến ngôi thánh đường đổ nát ấy để cầu nguyện theo ý hướng ấy. Nhưng ngày trở lại của Chúa Giêsu vẫn chưa xảy đến. Khi được hỏi: bạn có thực sự tin rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong đêm Giáng Sinh tại thành phố của bạn không? Một trong những nhân vật chính trong câu chuyện trả lời như sau:
- Không, tôi không bao giờ tin như thế.
- Vậy tại sao bạn lại đến đây mỗi đêm Giáng Sinh?
Nhân vật này mỉm cười trả lời:
- Giả như Ngài thực sự trở lại trong đêm đó, và tôi là người duy nhất vắng mặt thì sao?
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Nhân vật chính trong câu chuyện trên đây quả thật không có một niền tin siêu nhiên, nhưng ít ra người này còn có một niềm tin nào đó. Ðể có thể tiếp tục sống, con người cần có một niềm tin nào đó. Mới đây một vị mục sư Anh Giáo, tại một nhà thờ Anh Quốc đã phải công khai xin lỗi các trẻ em vì ông ta quả quyết rằng không hề có ông già Noel. Ông nói với các em rằng: Người tặng quà cho các em trong đêm Giáng Sinh không phải là ông già Noel mà chính là cha mẹ các em. Các em bé đã khóc sướt mướt khiến cho cha mẹ các em đã phải lên tiếng phản đối, và cuối cùng vị mục sư này đã công khai đính chính. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào?
Ông già Noel có thật, và ông già Noel cần thiết cho tâm hồn bé thơ trong trắng của trẻ em cũng như niềm tin cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cần có niềm tin để tiếp tục sống. Chúng ta cần có niềm tin để vượt qua những nghịch cảnh và thử thách trong cuộc sống và nhất là chúng ta cần có niềm tin để trở thành điểm tựa cho không biết bao nhiêu người đang mò mẫm tìm kiếm cũng như tất cả những ai đang rơi vào chán nản thất vọng.
Lạy Chúa, niềm tin của chúng con đã có lúc chao đảo vì những khó khăn của cuộc sống. Chúa đã sinh ra để cho cuộc sống của chúng con có ý nghĩa. Xin soi sáng và hướng dẫn chúng con những lúc chúng con phải đi qua những tăm tối của cuộc sống.
Xin hâm nóng niềm tin của chúng con, để tất cả những ai đang lao đao vấp ngã đều gặp được niềm hy vọng khi nhìn vào chúng con. Amen.

05/01/2012 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ga 1,43-51
*****
GIỚI THIỆU CHÚA CHO ANH EM
Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách luật Môisê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp; đó chính là ông Giêsu, con ông Giuse…” (Ga 1,45)
Suy niệm: Kinh nghiệm đời thường cho thấy nỗi buồn thường bị giấu kín nhưng niềm vui lại có sức lan tỏa. Người đang yêu, đang hạnh phúc thường không giấu niềm vui đó mà lại muốn đem chia sẻ cho nhiều người nhất là những người thân cận với mình hơn cả. Ông Philípphê sau khi được Chúa kêu gọi theo Ngài, hẳn đã tràn ngập niềm vui được Ngài biến đổi cuộc đời, nên đã mau mắn đem chia sẻ niềm vui này với ông Nathanaen người bạn chí thiết của mình: “Đấng mà sách Luật Môisen và các ngôn sứ nói tới, tôi đã được gặp rồi.”
Mời Bạn: Đời Kitô hữu luôn tràn ngập một niềm vui sâu thẳm, một niềm vui mang lại bình an trong cuộc sống hàng ngày… đó là niềm vui được có Chúa ở cùng. Một kitô hữu buồn thảm, cáu gắt chắc chắn không thể làm chứng được rằng Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ là Niềm Vui Vĩnh Cửu. Bạn có nhận ra và cảm nghiệm được niềm vui được Chúa cứu độ, được làm con Chúa hay không?
Chia sẻ: Bạn đã làm gì để chia sẻ niềm vui được biết Chúa, được Chúa cứu độ cho anh chị em chung quanh mình?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện thân mật sâu xa với Chúa và sống vui tươi hòa nhã với anh chị em là hai nhịp thiết yếu của đời sống một chứng nhân, một tông đồ của Chúa Kitô. Đó chính là điều mà bạn quyết tâm thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nghiệm thấy tình thương của Chúa và khi đã cảm nghiệm được, xin cho chúng con biết đem chia sẻ niềm vui đó cho anh chị em của mình. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Is 35, 1-10; Tin Mừng theo Thánh Lc 5, 17-26.
LỜI SUY NIỆM: Thánh sử Luca trình thuật câu chuyện có mấy người khiên một người bại liệt nằm trên giường muốn được đem đến trước mặt Chúa Giêsu nhưng vì đám đông, họ không tìm được lối vào nên đã trèo lên mái nhà dỡ ngói ra, thả người ấy và chiếc giường xuống trước mặt Chúa Giêsu và Chúa thấy lòng tin của họ. Chúa đã chữa lành. Trong câu chuyện này chúng ta thấy có một tình người của một nhóm bạn. Họ đã khám phá ra quyền năng và tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với những người nghèo, cô thế, bị thiệt thòi trong cuộc sống, cũng như những người bị loại bỏ ra ngoài lề xã hội. Họ đã tin vào Ngài, nên họ đã dấn thân vào công việc này mà không ngại những khó khăn cũng như những dèm pha của những kẻ chung quanh. Nên công việc này của họ đã được đền đáp: Là người bạn của họ đã được Chúa chữa lành Trong cuộc sống hiện tại của chúng ta cũng đã có bao lần, chúng ta đã động lòng trắc ẩn đối với ai đó, trước một biến cố hay tai nạn, mà họ đã gặp phải, nhưng rồi chúng ta đã viện dẫn nhiều lý do mà không thực hiện. Đáng lý ra chúng ta phải biết  biến lòng trắc ẩn đó thành hành động yêu thương người anh em trong khả năng của mình.
Mạnh Phương
++++++++++++++++
Chiếc Áo Rách

Một linh sư Anh giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách rưới của mình. Ðây là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.
Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
Vài năm sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người đệ tử của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?". Người đệ tử mới trả lời: "Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách".
Vì chén cơm manh áo, người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
  Ðầu một Năm Mới, tiến thêm một bước trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm sáng suốt để thấy được bậc thang giá trị trong cuộc sống của chúng ta. Xin Ngài ban thêm can đảm để trong khi mưu cầu của cải vật chất, chúng ta có đủ sức khước từ mọi hành động bất chánh, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Xin Ngài ban thêm lòng quảng đại để chúng ta biết mở rộng quả tim và đôi bàn tay để chia sớt, để san sẻ với mọi người khốn khổ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 5 tháng 1 GS
Bài đọc: 1 Jn 3:11-21; Jn 1:43-51.
1/ Bài đọc I:
 11 Quả thế, đây là lời loan báo anh em đã nghe từ lúc khởi đầu: chúng ta hãy yêu thương nhau;
12 chúng ta đừng bắt chước Ca-in: nó là người của Ác thần, nên đã giết em mình.
Tại sao nó đã giết em? Bởi vì các việc nó làm thì xấu xa, còn các việc em nó làm thì công chính.
13 Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên, nếu thế gian ghét anh em.
14 Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết.
15 Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó.
16 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.
17 Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?
18 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
19 Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.
20 Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.
21 Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm:
43 Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: "Anh hãy theo tôi."
44 Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.
45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét."
46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?" Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem!"
47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối."
48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi."
49 Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!"
50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa."
51 Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Yêu ai là mong muốn và làm điều tốt nhất cho người mình yêu.
Tình yêu là động lực chính giúp con người vượt qua mọi trở ngại trong cuộc đời. Con người muốn yêu và khao khát được yêu. Nhưng đâu là sự yêu thương đích thực?
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra đâu là tình yêu đích thực. Trong bài đọc I, Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng việc cho chúng ta người con một của Ngài xuống trần chịu chết để đền tội thay cho chúng ta. Để chứng tỏ tình yêu của chúng ta, chúng ta cũng phải tỏ bày bằng hành động qua việc tuân giữ các giới răn của Ngài, nhất là giới luật yêu thương. “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” Trong Phúc Âm, Philip yêu Nathanael và mời ông đến gặp Đức Kitô, để nhận được ơn cứu độ. Chúa Giêsu yêu Nathanael và mặc khải cho ông nhiều điều bí ẩn ông chưa từng có kinh nghiệm trong cuộc đời..
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
2.1/ Sự quan trọng của giới luật yêu thương:
(1) Phải yêu thương bằng việc làm. Ngài viết: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa." Chỗ khác Ngài viết: "Ai nói mình yêu thương Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, là kẻ nói dối, và sự thật không có nơi người ấy." Theo Gioan, yêu thương và sự thật không thể tách rời nhau.
(2) Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta: "Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa." Đây là 2 câu khó hiểu, và có ít nhất 2 cách hiểu: Thứ nhất, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta vì Ngài biết mọi sự; có nghĩa tội của chúng ta không thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thứ hai, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta; có nghĩa Thiên Chúa không chỉ biết tội của chúng ta, nhưng Ngài còn biết tình yêu, ước muốn, yếu đuối, bệnh tật của chúng ta; vì thế, Ngài hiểu biết và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Thomas à Kempis phân tích sự khác nhau giữa Thiên Chúa và con người: "Con người nhìn kết quả, Thiên Chúa biết ý định." Ví dụ, tuy vua David không được phép xây nhà cho Thiên Chúa, nhưng ông đã xây nhà cho Ngài bằng ước muốn (1 Kgs 8:17-18). Châm ngôn Pháp có câu: "Biết tất cả là tha thứ tất cả." Nếu trong trái tim của chúng ta có yêu thương, chúng ta có thể tự tin khi đến với Ngài. Chỗ khác, Gioan cũng nói: "Yêu thương là đền bù mọi tội lỗi."

2.2/ Phải giữ các giới răn của Người: Gioan viết: "Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta." Nếu chúng ta để ý các Sách của Gioan, tin Đức Kitô và yêu thương là hai chủ đề chính của Ngài. Con người phải tin Đức Kitô mới có sự sống đời đời, và phải yêu thương nhau nếu muốn làm môn đệ của Ngài. Giữ giới răn của Thiên Chúa không gì khác hơn là giữ giới luật yêu thương, hay "Mến Chúa yêu người." Khi chúng ta giữ giới răn Thiên Chúa, hai điều này được bảo đảm cho chúng ta: Thứ nhất, bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. Thứ hai, ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.
2/ Phúc Âm: "Cứ đến mà xem!"
2.1/ Phải trút bỏ thành kiến để học hỏi những điều mới lạ: Thánh Thomas Aquinas nói: "Yêu ai là mong muốn sự tốt lành cho người ấy." Trong quãng đời công khai rao giảng của Đức Kitô, chúng ta thấy kiểu mời gọi này: Khi đã nhận biết Đức Kitô, Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ngài cho hai môn đệ đi theo (Jn 1:35-37). Một trong hai môn đệ là Anrê đã giới thiệu Đức Kitô cho em mình là Phêrô (Jn 1:40-42). Trong trình thuật hôm nay, Philip mời gọi ông Nathanael đến gặp Chúa và nói: "Đấng mà sách Luật Moses và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth." Ông Nathanael liền bảo: "Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?" Ông Philíp trả lời: "Cứ đến mà xem!"
Thành kiến giam hãm và ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael không đến với Chúa: Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở Cana; giữa Cana và Nazareth có thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau. Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.
2.2/ Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Kitô và Nathanael.
(1) Đức Kitô khơi dậy niềm tin nơi Nathanael: Đức Giêsu thấy ông Nathanael tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối." Đây là ý tưởng của Thánh Vịnh 32:2, "Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà." Phản ứng trước tiên của Nathanael là sửng sốt vì ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế mà Ngài lại thấu suốt cuộc đời của ông. Ông Nathanael hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." Lại một ngạc nhiên nữa, Chúa Giêsu có khả năng nhìn thấy mọi nơi, điển hình là lúc ông đang nói chuyện với Philip dưới gốc cây vả. Biết mình không còn gì có thể giấu Chúa Giêsu, ông khiêm nhường thú nhận: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!"
(2) Đức Kitô hứa sẽ cho Nathanael thấy những điều kỳ diệu hơn nữa: Đức Giêsu đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."
+ Thị kiến chiếc thang của Jacob: Cụm từ "Thiên thần lên lên xuống xuống" nhắc nhở chúng ta thị kiến chiếc thang trong giấc mơ của tổ-phụ Jacob tại Bethel (Gen 28:12-13). Đức Kitô giải thích Ngài là chiếc thang nối kết giữa Trời và Đất, các sứ thần của Thiên Chúa sẽ không ngừng lên xuống để dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa, và chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người.
+ Ai là Nathanael mà Gioan đề cập đến ở đây? Có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau: (1) một hình ảnh lý tưởng tượng trưng cho con cái Israel; (2) có người cho là Phaolô hay người "môn đệ được Chúa yêu;" và (3), là tông-đồ Bartholomew mà Tin Mừng Nhất Lãm đề cập tới. Sự kiện chúng ta mừng lễ thánh Bartholomew chứng tỏ Giáo Hội chấp nhận cách giải thích số (3).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa đã làm mọi sự để chứng tỏ Ngài yêu thương chúng ta.
- Chúng ta cần đáp lại tình yêu Thiên Chúa qua việc tuân giữ các điều răn của Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Ngày 5
THÁNH GIOAN NEUMANN
Giám Mục Philadelphia
Bohemia- Hoa Kỳ
1811-1860

            1. Thân thế: Khi còn trẻ, John Newmann sống tại Bohemia, bây giờ là một phần Cộng hoà Czech. Người học  hành chăm chỉ, vì muốn làm linh mục truyền giáo bên Mỹ. Khi lên 24,  người học 6 thứ tiếng và học xong chương trình thần học, nhưng không được làm linh mục, vì giám mục của người nghĩ là trong nước đủ linh mục rồi, nên Gioan quyết định đi Mỹ, hi vọng qua đó sẽ được lãnh chức. Người từ biệt cha mẹ, anh em ra đi. Khi tới Mỹ, người chỉ có một bộ quần áo và một đôla trong túi. 3 tuần sau, giám mục New york đã truyền chức linh mục cho người.
            2. Làm việc trong vất vả: Ban đầu cha Gioan làm việc với những người nói tiếng Đức trong một xứ truyền giáo gần Buffalo, NY.  Người không được đẹp trai, nên dân chúng không mấy ưa người. Các linh mục thời đó đi lại bằng ngựa từ nơi này tới nơi kia rất xa. Người ta cười cha Gioan cỡi ngựa, vì người thấp bé, chân không tới bàn đạp. Trẻ con cũng cười nhạo, nhưng cha Gioan nín nhịn, cứ đi dạy giáo lý, thăm kẻ liệt, huấn luyện giáo viên.
            Cha Gioan cảm thấy cần đời sống cộng đoàn, nên người xin vào dòng Chúa Cứu thế. Người là tu sĩ đầu tiên khấn dòng này tại Mỹ. Và là bề trên đầu tiên tỉnh dòng Chúa Cứu thế tại Mỹ.
     Khi cha Gioan được 41 tuổi, người trở thành giám mục thứ 4 của giáo phận Philadelphia. Lúc này một số người vẫn không hoan nghênh người. Họ không thích lối phát âm và lối văn suông sẻ của người. Thêm vào đó, giám mục Gioan phải đương đầu với nhóm người chống Công giáo, họ đốt nhà dòng và trường học. Giám mục Gioan thấy mình bất lực nên xin cho coi giáo phận nhỏ, nhưng bề trên không chấp nhận.
            Giám mục Gioan khởi sự mở trường Công giáo  trong giáo phận người, người tin rằng điều này rất quan trọng cho trẻ em được dạy sống con đường theo Chúa Giêsu. Trong 8 năm, 2 trường Công giáo  tại Philadelphia phát triển thành 100 trường khác. Giám mục Gioan mời nhiều thày từ các dòng tu tới làm việc trong giáo phận người. Người cho ấn hành 2 cuốn giáo lý và nhiều bài báo.

            3. Chết vì nhiệm vụ: Giám mục Gioan qua đời vì cơn đau tim đang khi người đi bộ xuống phố. Suốt cuộc đời giám mục Gioan làm việc trong âm thầm, khiêm tốn, không có vinh dự nào được trao cho người, người ta vẫn coi thường người. Chỉ sau khi qua đời, dân chúng mới bắt đầu nói về  vị giám mục tốt lành, khiêm hạ, làm việc cực nhọc cho Thiên Chúa .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét