Thứ Bảy sau Chúa Nhật 2 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 2-3, 11-14
"Nhờ chính máu Mình mà Người vào Cung Thánh chỉ một
lần".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất,
có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ
hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.
Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành
tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người
phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò,
nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ
muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn
thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ
Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu
đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến
chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng
tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).
Xướng: 1) Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên
Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối Cao, Khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp
trần gian. - Ðáp.
2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên
trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua
của chúng ta! - Ðáp.
3) Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca
vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai
thánh của Người. - Ðáp.
* * *
Bài Ðọc I: (năm II) 2 Sm 1, 1-4, 11-12. 19. 23-27
"Cớ sao các anh hùng lại ngã gục trên chiến trường
như thế?"
Khởi đầu sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, sau khi thắng quân Amalec, Ðavít trở
về, và tạm nghỉ hai ngày tại Sicelê. Qua ngày thứ ba, có người từ trại quân của
Saolê trở về, áo quần rách nát, đầu tóc đầy bụi bặm, anh đến trước mặt Ðavít sấp
mình kính lạy. Ðavít hỏi anh: "Ngươi từ đâu tới?" Anh ta trả lời:
"Tôi trốn từ trại quân Israel về". Ðavít lại hỏi: "Có chuyện gì
xảy ra đó, hãy kể lại cho ta nghe". Anh ta nói: "Dân chúng chạy trốn
khỏi chiến trường, nhiều người trong dân đã bị hạ sát, vua Saolê và thái tử
Gionathan cũng tử trận".
Ðavít liền xé áo mình ra, các người hầu cận của ông cũng
làm như thế. Tất cả đều than van khóc lóc và ăn chay cho tới chiều để chịu tang
vua Saolê, thái tử Gionathan, dân Chúa và nhà Israel, vì họ ngã gục dưới lưỡi
gươm. (Và Ðavít đã khóc rằng:)
"Các nhân tài Israel đều bị giết trên núi. Cớ sao
các anh hùng bị ngã gục như thế?
"Saolê và Gionathan đáng yêu đáng quý, khi sống cũng
như khi chết, họ không hề lìa nhau. Họ lanh lẹ hơn chim phượng hoàng, và hùng
dũng hơn loài sư tử. Hỡi thiếu nữ Israel, hãy than khóc Saolê đi, người đã mặc
cho các cô áo điều sặc sỡ, đã gắn lên y phục các cô những đồ nữ trang bằng
vàng.
"Cớ sao các anh hùng lại ngã gục trên chiến trường
như thế?
"Gionathan đã bị giết trên đồi cao. Hỡi anh
Gionathan, tôi thương tiếc anh. Tôi yêu mến anh, và tình bạn giữa đôi ta cao
quý hơn tình yêu phụ nữ.
"Cớ sao mà các anh hùng lại ngã gục như thế? Cớ sao
binh khí lại bị phá huỷ như thế?"
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 79, 2-3. 5-7
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền
từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4b)
Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt của Israel, xin hãy lắng tai!
Chúa là Ðấng chăn dẫn Giuse như thể bầy chiên. Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần,
xin hiện ra trong sáng láng, trước mặt con cháu Ephraim, Bengiamin và Manassê.
Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa thiên binh, Chúa còn thịnh nộ tới bao giờ, bởi
vì dân Chúa đang dâng lời khẩn nguyện? Chúa nuôi chúng con bằng cơm bánh trộn
giọt châu, và cho chúng con uống bằng nước mắt chảy tràn trề. Chúa biến chúng
con thành miếng mồi cho lân bang tranh chấp, và quân thù phỉ báng chúng con. -
Ðáp.
* * *
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là
sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". -
Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 20-21
"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất
trí".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy
Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến
nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt
Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".
Ðó là lời
Chúa.
Suy Niệm:
Lạy Chúa
Giêsu, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng con cảm được nỗi đau đớn, xót xa của
Chúa. Giả như bị quân thù phỉ báng còn có thể chịu được. Còn chỗ thân tình, tâm
phúc mà chống đối thì đắng cay biết bao! Trong khi dân chúng càng ngày càng ca
tụng và tin theo Chúa, thì thân nhân lại ngược đãi, sĩ nhục Ngài. Tại sao thân
nhân Chúa không hợp tác để giúp Chúa làm trọn sứ vụ? Tại sao họ không nghĩ đến
tình nghĩa để thương, mà còn gây phiền toái hơn cho Chúa?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu, hình ảnh những thân nhân đó chính là chúng con. Chúng con được mang danh
là Kitô hữu, chúng con xưng mình là con của Chúa. Thế nhưng rất nhiều lần chúng
con lại làm Chúa buồn lòng hơn. Chính chúng con không vào Nước Trời, mà còn làm
ngăn trở không cho ai vào, bằng những gương xấu của chúng con, bằng những cách
sống thiếu chân thật, thiếu bác ái của chúng con.
Xin Chúa
tha tội cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con sửa mình lại. Xin cho chúng con
biết cùng thao thức với Chúa, cùng mong ước cho nhân loại hạnh phúc. Xin cuộc sống
của chúng con luôn là lời loan báo tình yêu và niềm vui cho thế giới. Amen.
Suy Niệm:
Vai trò
của gia đình
Tin Mừng
hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của
Ngài, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con
người.
Chúa Giêsu
đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống
30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu
rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công
khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ
công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa
Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quí trọng
gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy
nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai,
Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.
Như vậy, đối
với Chúa Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của
loài người đều không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt
đối, đó là con người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều
hiện hữu vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: "Vì loài
người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế". Như vậy,
ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng
Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể
là để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất
cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người,
chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.
Từ cái
nhìn trên đây của Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của
gia đình và một cách cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình. Trong
tuyển tập "Giới Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân
tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:
"Các
bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái,
thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên
giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu
những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu,
nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái
mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"
Mục đích
đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước
hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời,
chân đạp đất"... Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội
lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp
lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những
sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ
vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng
xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế
giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.
Những suy
tư của Ðức Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ
Ngài khi hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: "Cha mẹ không biết
con phải lo việc Cha con sao?" Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời,
là hướng về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là
sống đúng ý nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và đó phải là mục đích của
giáo dục gia đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.
Lời Chúa
hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà
chúng ta đang theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là
Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.
Trong cánh đồng truyền
giáo
Giáo hội phải truyền giáo. Hoạt động truyền giáo không tập trung Giáo hội vào chính mình, cho phép tự’ thông ban, cho phép phục vụ... Cuộc khổ nạn của Đức Kitô có thể chuyên thành cuộc khổ nạn cho nhân loại đưa đến nhiều hoạt động khác biệt nhau. Sứ vụ của Giáo hội được gợi hứng từ Đức Maria. Gợi hứng từ Đức Maria để sông những liên hệ của nhau trong Giáo hội, đó là tìm sự hiệp thông không những với những thành phần khác trong Giáo hội, nhưng còn với những tôn giáo khác. Đại kết và đối thoại liên tôn thuộc vào con đường của Giáo hội, trên mọi thời điểm của lịch sử mình...
Đức Maria dạy chúng ta bằng một con đường đơn sơ, hướng tất cả vào việc tìm hiểu sâu xa mạc khải và qua việc hướng tất cả về chân lý của Mạc khải, luôn vượt trên chúng taẻ
Đức Maria mời gọi từng người chúng ta phản chiếu Đức Kitô trong Mẹ. Mẹ cho thây sự thánh thiện của Tin Mừng được sông chung với nhau, sẽ tạo nên con đường tô't đẹp hướng đến sự hiệp nhất vĩ đại giữa các Giáo hội. Đức Maria mờ một con đường tiến đến đại kết, chi vì Đức Kitô phản ánh qua Mẹ.
Giáo hội phải truyền giáo. Hoạt động truyền giáo không tập trung Giáo hội vào chính mình, cho phép tự’ thông ban, cho phép phục vụ... Cuộc khổ nạn của Đức Kitô có thể chuyên thành cuộc khổ nạn cho nhân loại đưa đến nhiều hoạt động khác biệt nhau. Sứ vụ của Giáo hội được gợi hứng từ Đức Maria. Gợi hứng từ Đức Maria để sông những liên hệ của nhau trong Giáo hội, đó là tìm sự hiệp thông không những với những thành phần khác trong Giáo hội, nhưng còn với những tôn giáo khác. Đại kết và đối thoại liên tôn thuộc vào con đường của Giáo hội, trên mọi thời điểm của lịch sử mình...
Đức Maria dạy chúng ta bằng một con đường đơn sơ, hướng tất cả vào việc tìm hiểu sâu xa mạc khải và qua việc hướng tất cả về chân lý của Mạc khải, luôn vượt trên chúng taẻ
Đức Maria mời gọi từng người chúng ta phản chiếu Đức Kitô trong Mẹ. Mẹ cho thây sự thánh thiện của Tin Mừng được sông chung với nhau, sẽ tạo nên con đường tô't đẹp hướng đến sự hiệp nhất vĩ đại giữa các Giáo hội. Đức Maria mờ một con đường tiến đến đại kết, chi vì Đức Kitô phản ánh qua Mẹ.
José Maria Arnaiz, s.m.
21/01/2012 THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Th. Anê, trinh nữ, tử đạo
Mc 3,20-21
*****
BI KỊCH CỦA XÃ HỘI
Thân nhân của Người hay tin ấy, liền
đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc 3,21)
Suy niệm: Lý do để thân nhân Chúa “đi bắt
Chúa” xem ra buồn cười và không chính đáng: “vì đám đông kéo đến” để nghe Người!
Chẳng ai nghe một người mất trí, có chăng là để xem qua vài phút. Có lẽ họ sợ
hãi khi nhận ra dân chúng theo Người ngày càng đông như lời giới lãnh đạo Do
Thái từng “nhắc nhở” họ. Cho Ngài mất trí chỉ là cái cớ họ tạo ra để có thể đi
bắt Ngài. Như thế chẳng biết ai khùng hơn ai! Tìm một lý do không chính đáng để
bắt tội một người công chính phải chăng đã và đang là bi kịch của xã hội? Mỉa
mai thay kẻ đi bắt lại là “thân nhân” của Chúa, những người đáng lý ra phải hiểu
biết Ngài hơn ai hết!
Mời Bạn: Thảm họa cho con người không
chỉ là hoả ngục mà còn là những hành động dẫn đến hoả ngục. Cố tình hiểu sai,
hành động vì sợ hãi và áp lực, chà đạp lẽ phải, tìm lợi lộc cho riêng mình… tất
cả đang hình thành một bi kịch của xã hội ta đang sống. Bạn có cảm nhận điều đó
không?
Chia sẻ: Vậy ta nên làm gì? Trước tiên
đừng vội tin những điều được số đông ủng hộ. Thứ đến là nên tham vấn người khôn
ngoan, dùng Lời Chúa để tìm ra thái độ ứng xử xứng hợp.
Sống Lời Chúa: Lời này của Chúa sẽ giúp
ta an tâm và cảm nhận vì sao có nhiều người “mất trí” đến như vậy: “Thầy đến…
là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau…”
(Lc 12,52).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã bị thân
nhân coi là “mất trí.” Phần con, xin Chúa ban cho ơn biết nhận ra Chúa là Đấng
“toàn tri” và đem cả đời mình để phụng sự Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Anê, Trinh Nữ. Tử Đạo; 2Sm 1,
1-4.11-12.19.23-27; Tin Mừng Mc 3, 20-21.
LỜI SUY NIỆM: Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ
không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ
nói rằng Người đã mất trí.”(Mc 3, 20-21).
Theo suy nghĩ của những người bà con của Chúa Giêsu khi thấy Ngài xã thân loan
báo Tin Mừng một cách hết sức nhiệt thành, quên cả sự ăn uống, nghĩ ngơi để bảo
đảm sức khỏe của Ngài. Ngài chỉ biết say sưa với sứ điệp cần phải loan báo,
cũng như chữa lành mọi bệnh tật, cho hết thảy mọi người đang chạy đến với Ngài.
Quan niệm và suy nghĩ này, vẫn còn hiện diện trong mọi thời đại. Như
trong đời sống của chúng ta hôm nay. Chúng ta cũng đang dồn hết sức lực, trí tuệ,
để tìm kiếm một việc làm, một địa vị ổn định, ít gây xáo trộn về thu nhập.
Chúng ta cũng cố tìm cho mình một cuộc sống an toàn cho bản thân và gia đình.
Tránh được mọi sự tranh chấp và chống đối. Những điều này cần cho cuộc sống của
chúng ta thật, nhưng đối với người Ki-tô hữu chúng ta cần phải biết hướng nhìn
những điều cao quý hơn cho cuộc sống mai sau, bằng những đóng góp hy sinh trong
công tác tông đồ giáo dân với ân sủng và khả năng mà Chúa đã ban cho chúng ta.
Đừng ái ngại với những dèm pha, chê trách của người đời; có khi là cả những người
thân trong gia đình của mình.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày
21-01
Thánh ANÊ
Đồng trinh Tử đạo (khoảng + 304)
Một cuộc đời được gặt bởi
gươm đao. Đó là tất cả. Không có nhiều việc, không có nhiều chuyện, nhưng danh
tiếng đã nên lẫy lừng.
Một sử gia đã chân nhận như
thế theo những lời truyền khẩu. Người ta biết rằng: Anê qua đời khoảng năm 12
tuổi. Cuộc khảo sát xương sọ cho biết như vậy. Người ta còn biết được rằng,
theo thánh Ambrosiô, vào năm 375 đã cử hành các lễ kính thánh nữ và vị thánh trẻ
trung này được trình bày như vị thánh tử đạo sau khi đã chiến đấu để giữ mình đồng
trinh.
Người ta yêu cái tên của
Ngài, Anê theo tiếng la-tinh có nghĩa là con chiên, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa
là trong trắng. Người ta muốn rằng Ngài có nét đẹp duyên dáng quyến rũ và thuộc
gia đình quý phái. Các cô gái lập gia đình sớm. Trong số những chàng trai ngưỡng
mộ Ngài, có con trai một vị tổng trấn, nhưng Anê tự cởi lòng đã chọn lựa vị hôn
phu của mình.
Ngài đã nghe về Chúa Giêsu,
đã trở thành Kitô hữu và đã tận hiến vĩnh viễn cho Chúa Kitô. Các trẻ em thời
này hay có tư tưởng anh hùng vì đã được thấy dòng máu của những vị tử đạo tuôn
đổ. Anê từ khước lời cầu hôn của người thanh niên lương dân và bị tố giác trước
quan tổng trấn.
Theo một trong các cuộc đối
chất tuyệt vời mà cả trăm nghìn Kitô hữu cho là chính xác, các lời hứa hẹn với
những đe dọa chẳng có nghĩa lý gì đối với đức tin và lòng can đảm của thánh nữ.
Người thiếu nữ từ chối không thờ lạy thần Minerva. Một ý tưởng quỷ quái nảy ra
trong đầu óc quan tổng trấn. Ông truyền dẫn thiếu nữ đến xóm bất lương mặc cho
bọn say mê nàng xâm phạm. Ngài bị lột hết y phục. Nhưng tóc dài phủ kín người
Ngài. Hơn nữa nguồn sáng bởi trời bao quanh Ngài làm thành một chiếc áo trắng
diệu kỳ. Con của vị tổng trấn định cả gan xâm phạm tới Ngài nhưng bị ngã chết
như bị sét đánh. Anê đầy thương cảm đã xin thiên thần cứu sống anh và anh sẽ trở
lại đạo.
Điều kỳ diệu không có giới
hạn và mọi sự đều có thể cả. Bị đưa vào lò lửa, nhưng người thiếu nữ bất khuất
không bị thiêu sống. Thánh Ambrôsiô nói : - Ngài đi chịu khổ hình một cách vui
vẻ còn hơn một người đi vào loan phòng của mình, vì Ngài không đi đến cái chết
nhưng đi vào bất tử, Ngài được trang điểm không phải bằng những trân châu ngọc
báu, nhưng bằng ánh sáng siêu nhiên.
Các ngọn lửa vây kín mà
không thiêu đốt Anê. Vậy Ngài phải bị chém đầu mới được. Và người ta thấy một
thiếu nữ yếu ớt khuyến khích người lý hình tay chân run rẩy : - Chặt đi đừng sợ
gì, để tôi sớm đến được với Đấng lòng tôi yêu mến.
Tường thuật đã được tiểu
thuyết hoá và làm say mê lòng đạo đức của các tín hữu, nhưng sẽ không đủ để tên
Ngài được quí trọng như vậy, nếu không chắc chắn rằng Anê là thánh trẻ tử đạo
mà đức tin, đức mến và lòng ái mộ đức khiết trinh còn mạnh mẽ hơn cả sự chết.
Lịch sử thánh Anê còn được
phép thêm bằng qua lời truyền khẩu về Emêrentiana, người chị em cùng một vú
nuôi với Ngài. Vài ngày sau khi Anê tử đạo, dân ngoại bắt gặp Emêrentiana với
các tín hữu khác cầu nguyện bên mộ Ngài.
Các Kitô hữu chạy trốn
nhưng Emêrentina ở lại và bị ném đá. Cha mẹ Anê chôn cất nàng bên mộ con gái
mình. đêm sau họ thức cầu nguyện và thấy Anê ở giữa các thánh nữ đồng trinh, với
con chiên trắng hơn tuyết bên phải.
Thánh Anê nói với cha mẹ: -
Đùng khóc vì con phải chết, trái lại cha mẹ hãy vui mừng vì con được hiệp nhất ở
trên trời với Đấng con đã yêu mến hết lòng khi ở dưới đất.
Để nhớ đoạn lịch sử này,
ngày 21 tháng giêng, sau thánh lễ cử hành trên mộ xác thánh Anê, người ta dẫn tới
hai con chiên, lông kết sao vàng và đeo nải trắng một con, đỏ một con. Hai con
chiên được đặt trên bàn thờ trong một giỏ mây, được chúc lành và dâng cho Đức
Thánh Cha, sau đó được gởi về tu viện thánh Cêcilia.
Nơi đây các nữ tu nuôi
chúng lớn lên, lông chúng dùng để dệt các "Pallium", phẩm phục dệt bằng
len trắng, có thêu thánh giá đen, mà Đức giáo hoàng gửi cho các Đức Tổng giám mục
mặc trên áo choàng ngoài, như dấu hiệu tỏ sự kính trọng.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++
21 Tháng Giêng
Chiếc Khăn Tay Vấy
Mực
Ruskin
là một nghệ sĩ, phê bình nghệ thuật kiêm xã hội học người Anh sống vào cuối thế
kỷ 19.
Một
hôm, có một người đàn bà quý phái mang đến cho ông xem một chiếc khăn tay đắt
tiền đã bị vấy mực. Bà ta xuýt xoa tiếc rẻ vì chiếc khăn tay đã hoàn toàn mất
giá trị của nó.
Ruskin
không nói gì, ông chỉ xin cho ông mượn chiếc khăn tay trong một ngày. Ngày hôm
sau, ông trao lại chiếc khăn tay cho người đàn bà mà cũng không nói một lời
nào. Nhưng khi trải chiếc khăn tay ra, người đàn bà hết sức ngạc nhiên, bởi vì
từ một vết mực trong góc của chiếc khăn, nhà nghệ sĩ đã biến thành một bức
tranh tuyệt mỹ.
Chiếc
khăn tay có vấy mực tưởng đã bị vứt đi, nay đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật
để đời.
Những
người có niềm tin vào cuộc sống không bao giờ bỏ cuộc trước những thất bại. Họ
luôn biết biến những thất bại ấy thành khởi đầu của một thành công vĩ đại
hơn.
Người
có niềm tin vào Thiên Chúa cũng luôn nhìn vào thất bại, rủi ro, đau khổ trong
cuộc sống như cơ may của một ân phúc cao cả và dồi dào hơn.
Dạo
tháng 6 năm 1990, mục sư Anh giáo Michael Lapsley, người Zimbabwe bên Phi Châu,
vì là mục sư Tuyên úy của tổ chức Quốc đại Châu Phi bao gồm các lực lượng tranh
đấu cho quyền lợi của người da đen Nam Phi, đã bị quân khủng bố đặt chất nổ khiến
ông bị cụt hai tay, mù một mắt và hỏng lỗ tai. Trong một tuyên ngôn công bố sau
đó, ông đã viết như sau: "Họ đã lấy mất đôi tay của tôi. Nhưng tôi không
buồn, bởi vì tôi không dùng đến võ khí để cần phải có đôi tay. Họ đã lấy mất một
phần đôi mắt của tôi và thính giác của tôi, nhưng tôi vẫn còn có thể dâng hiến
lời nói để tiếp tục rao giảng một cách xác tín và mạnh mẽ hơn".
Người ta vẫn
thường nói: Yêu là chết trong lòng một ít. Tình yêu đích thực luôn luôn đòi hỏi
hy sinh, mất mát. Nhưng chỉ có đôi mắt tình yêu mới nhận ra giá trị của những mất
mát ấy.
Qua cái chết
trên thập giá như một tiêu hao hoàn toàn, Chúa Giêsu đã bày tỏ Tình Yêu của
Thiên Chúa cho nhân loại, ánh sáng của Tình Yêu đã chiếu sáng qua sự mất mát ấy.
Qua những hao mòn trong từng ngày của cuộc sống Mẹ Maria, Tình Yêu của Thiên
Chúa cũng được tiếp tục bày tỏ. Có cái chết độc ác, tức tưởi của Chúa Giêsu
trên thập giá, thì cũng có cái chết âm thầm từng ngày của Mẹ Maria. Ngày nay,
tình Yêu của Thiên Chúa cũng cần có những mất mát, hao mòn khác của người Kitô
để được tiếp tục bày tỏ cho con người, bởi vì sứ mệnh của người Kitô chính là bổ
túc cho những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ðức Kitô.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy, Tuần II TN2
Bài đọc: Heb
9:2-3, 11-14; II Sam 1:1-4, 11-12, 19, 23-27; Mk 3:20-21.
1/ Bài đọc I (năm lẻ):
2 Quả
thật, một cái lều, cái lều thứ nhất, đã được dựng lên; lều này được gọi là Nơi
Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến.
3 Đằng
sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh.
11 Nhưng
Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung
thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay
con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.
12 Người
đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của
mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho
chúng ta.
13 Vậy
nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những
kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch,
14 thì
máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy,
Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người
thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng
đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.
2/ Bài đọc I (năm chẵn):
1 Sau
khi vua Sa-un chết, ông Đa-vít đánh thắng người A-ma-lếch trở về, và ở lại
Xích-lắc hai ngày. 2 Sang ngày thứ ba, có một người từ trại,
từ bên vua Sa-un đến, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất. Khi đến gần ông Đa-vít,
anh ta sấp mình xuống đất và sụp lạy.
3 Ông
Đa-vít hỏi anh: "Anh từ đâu đến?" Anh trả lời ông: "Tôi đã chạy
thoát từ trại Ít-ra-en."
4 Ông
Đa-vít nói với anh: "Chuyện gì đã xảy ra? Kể
lại cho tôi đi!" Anh nói: "Dân đã bỏ chiến trường mà chạy trốn; nhiều
người trong dân tử trận, cả vua Sa-un và con vua là ông Giô-na-than cũng đã chết."
11 Ông
Đa-vít nắm lấy áo mình mà xé ra, tất cả những người ở với ông cũng vậy.
12 Họ
cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua
Sa-un và ông Giô-na-than, con vua, thương tiếc dân Đức Chúa và nhà Ít-ra-en, vì
những người này đã ngã gục dưới lưỡi gươm.
19 "Hỡi
Ít-ra-en, trên các đồi của ngươi, những người con ưu tú đã bỏ mình. Than ôi!
Anh hùng nay ngã gục! 23 Sa-un và Giô-na-than, ôi những con người
dễ thương, dễ mến,
sống chẳng xa nhau, chết
cũng chẳng rời, nhanh hơn chim bằng, mạnh hơn sư tử!
24 Thiếu
nữ Ít-ra-en hỡi, hãy khóc Sa-un, người đã mặc cho các cô vải điều lộng lẫy,
đính trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng.
đính trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng.
25 Than
ôi! Các anh hùng đã ngã gục giữa lúc giao tranh! Trên các đồi của ngươi,
Giô-na-than đã bỏ mình!
26 Giô-na-than,
anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy!
Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ.
Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ.
27 Than
ôi! Anh hùng nay ngã gục, võ khí đã tan tành!"
3/ Phúc Âm:
20 Người
trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn
uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền
đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa
và của tha nhân.
Khi yêu, con người làm những
việc bị người khác coi là điên khùng; chẳng hạn, đứng chờ người yêu dưới mưa,
hay sẵn sàng chết vì người mình yêu. Nhưng đối với những người đang yêu, họ được
thúc đẩy phải biểu lộ để chứng tỏ tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã từng rửa chân
cho các tông-đồ và căn dặn các ông cũng phải rửa chân cho nhau. Ngài cũng đã
nói với các ông: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình của người chết vì
yêu.” Ngài không chỉ nói, nhưng đã vác Thập Giá lên đồi Golgotha để chết cho
con người, để chứng tỏ tình yêu của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung
trong việc phải nhận ra những biểu lộ tình yêu qua những hy sinh của Chúa Giêsu
và của tha nhân. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-thái so sánh máu của Chúa
Giêsu đổ ra để xóa tội cho con người với máu của chiên bò rảy trên con người của
Cựu Ước. Nếu máu chiên bò có thể cất đi tội cho con người, huống hồ là máu của
Con Thiên Chúa! Trong Bài Đọc I, năm chẵn, David và toàn dân khóc thương vua
Saul, con vua là Jonathan, và những người đã tử trận. Tất cả nhớ lại những gì
hai cha con và binh lính đã hy sinh xương máu để bảo vệ dân chúng trong suốt cuộc
đời. Trong Phúc Âm, vì quá yêu thương dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ làm
việc không ngơi nghỉ đến nỗi không có thời giờ để ăn uống. Thân nhân của Người
hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Máu của Đức Kitô đổ ra có sức thanh tẩy hiệu quả hơn
máu của chiên bò.
1.1/ Lều Hội Ngộ và Lều của
Đức Kitô: Sau khi đã so sánh phẩm trật thượng tế và lễ vật hy sinh, tác giả Thư
Do-thái muốn so sánh nơi chốn mà thượng tế dâng lễ vật. Lều Hội Ngộ, nơi mà các
thượng tế dâng lễ hy sinh trong Ngày Đền Tội mỗi năm, được dựng nên bởi con người
theo kiểu mẫu Thiên Chúa mặc khải cho Moses. Lều này chỉ là hình bóng của một
thực tại, một cái Lều lớn hơn và hoàn hảo hơn; không do bàn tay con người xây dựng
và không thuộc về thế giới này, nhưng do chính Thiên Chúa tạo dựng.
(1) Lều Hội Ngộ: Trong Cựu-Ước,
Lều này được cấu trúc theo mô hình mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Moses. Tác giả
mô tả vắn tắt như sau: “Lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có
bàn và bánh dâng tiến. Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực
Thánh.” Các tư tế có thể vào Nơi Thánh để dâng lễ vật hàng tuần; nhưng chỉ có
thượng tế mới được vào Nơi Cực Thánh, mỗi năm một lần, để dâng lễ vật cho mình
và cho dân.
(2) Lều lớn và hoàn hảo
hơn: “Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai.
Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không
do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.” Có
học-giả cho rằng, Lều này chính là thân xác Chúa Giêsu, nhưng thân xác Chúa
Giêsu được cưu mang và thành hình bởi Đức Mẹ, một con người. Lối giải thích hợp
lý hơn cho Lều này chính là con người Chúa Giêsu, kết hợp bởi cả thiên tính và
nhân tính, như Thánh Ambrosio nói: “Bàn thờ tượng trưng thân thể Chúa Kitô, và
thân thể của Chúa Kitô ở trên bàn thờ” (GLCG trưng Ambrosio, Sacer. 4, 7). Hiểu
như thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là Lễ Hy Sinh, vừa là Bàn Thờ.
1.2/ Máu của Đức Kitô và
máu của chiên bò: Tác giả đã so sánh lễ hy sinh của Cựu Ước với Lễ Hy Sinh của
Thượng Tế Giêsu; giờ đây, tác giả so sánh về hiệu quả của máu đổ ra của hai lễ
hy sinh này. Trong Cựu Ước, máu đổ ra là máu của chiên, dê, bò; trong Tân Ước,
máu đổ ra là chính máu của Thượng Tế Giêsu, Người Con của Thiên Chúa. Máu của Đức
Kitô đem lại cho con người những hiệu quả sau:
(1) Sự vững bền: Máu súc vật
phải đổ mỗi lần con người phạm tội. Máu Đức Kitô đổ một lần là đủ: “Người chỉ đổ
máu một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.”
(2) Hiệu quả: Theo truyền
thống Do-thái, máu súc vật chỉ có thể lấy đi những tội phạm vì vô tình; những tội
cố ý phạm, không máu súc vật nào có thể lấy đi được. Máu của Đức Kitô vì là máu
của tự nguyện, của yêu thương, của Con Thiên Chúa, có thể tha thứ tất cả các tội:
“Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình
những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong
sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu
thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của
Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta
xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.”
2/ Bài đọc I (năm chẵn): "Hỡi Israel, trên các đồi của ngươi, những người
con ưu tú đã bỏ mình."
2.1/ Phải biết tri ân những
người đã hy sinh xương máu để bảo vệ quốc gia:
(1) Nhà lãnh đạo biết đặt lợi
ích quốc gia lên trên những xung đột cá nhân: Thông thường, nhiều người sẽ vui
mừng khi thấy đối phương của mình không còn nữa, không còn phải lo đề phòng tai
hại, và nhất là ngày mình được làm vua sẽ thành tựu. Điều này không đúng trong
trường hợp của David, vì ông tôn trọng vua Saul, người đã được Đức Chúa xức dầu
phong vương; và yêu mến Jonathan, con vua, vì tình bằng hữu và ơn cứu tử đã
dành cho David. Hơn nữa, David còn đau buồn vì tình đồng bào và nghĩa anh em của
những người dân trong cùng một nước; vì thế ông đau đớn khi nghe tường thuật
hung tin bởi một binh lính thoát chết trở về: "Dân đã bỏ chiến trường mà
chạy trốn; nhiều người trong dân tử trận, cả vua Saul và con vua là ông
Jonathan cũng đã chết."
(2) Nhà lãnh đạo phải có
lòng biết ơn đối với những người đi trước: Tiền đồ của dân tộc được xây dựng
trên công lao và hy sinh xương máu của những thế hệ đi trước; vì thế, bổn phận
của những người đi sau là phải biết ơn, cầu nguyện, và cố gắng bảo vệ gia sản của
tiền nhân để lại. Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn, David nắm lấy áo mình mà
xé ra, và tất cả những người ở với ông cũng làm như vậy. "Họ cử hành tang
lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua Saul và ông
Jonathan, con vua, thương tiếc dân Đức Chúa và nhà Israel, vì những người này
đã ngã gục dưới lưỡi gươm." Tất cả những việc làm như: xé áo, bỏ đất lên đầu,
khóc lóc, và ăn chay là theo truyền thống khóc thương thân nhân của con cái
Israel.
2.2/ David khóc thương Saul
và Jonathan:
(1) Vua Saul và Jonathan đã hy sinh xương máu để
lo lắng và bảo vệ dân: Con người rất dễ quên công ơn của các tiền nhân; nhất là
những người mà họ có vấn đề với. Điều này đã không xảy ra cho David, ông nhận
ra những công ơn mà cha con của vua Saul đã làm cho quốc gia. Sự hy sinh của họ
là lý do đất nước được hưng thịnh và bảo vệ. David khuyên các phụ nữ hãy khóc
thương vua Saul và con ông vì những gì hai cha con đã mang lại cho họ:
"Thiếu nữ Israel
hỡi, hãy khóc Saul, người đã mặc cho các cô vải điều lộng lẫy, đính trên áo các
cô đồ trang sức bằng vàng. Than ôi! Các anh hùng đã ngã gục giữa lúc giao
tranh! Trên các đồi của ngươi, Jonathan đã bỏ mình!"
(2) David trân quí tình bằng hữu và ơn cứu tử của
Jonathan: Tình bằng hữu giữa David và Jonathan bắt đầu bằng việc tôn trọng sự
thật. Jonathan nhận thấy cha mình đã không cư xử đúng đắn với tình yêu của
David dành cho vua, lý do chỉ vì ghen tị những thành công mà David đã gặt hái
được qua việc giết tên khổng lồ Philistine. Jonathan quyết định ngăn cản vua
cha về việc đối xử bất công với David, bằng cách cho David biết tất cả ý đồ của
nhà vua (I Sam 19-20). Khi nghe tin Jonathan bỏ mình trên chiến trường, David
trân quí tình bằng hữu và ơn cứu tử của Jonathan dành cho mình nên khóc thương
ông như sau: "Jonathan, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết
mấy! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ. Than ôi! Anh hùng
nay ngã gục, võ khí đã tan tành!"
3/ Phúc Âm: Chúa
Giêsu và các môn đệ quên mình để lo cho dân chúng.
3.1/ Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành cho con
người: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ
không sao ăn uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ
quá thương dân chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ
cần đình chỉ việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn
đề. Chỉ có tình yêu cho dân chúng mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ lâm vào
hoàn cảnh này; tuy vậy, các ngài vẫn vui vẻ phục vụ.
3.2/ Thân nhân không thể hiểu nổi những gì Chúa
Giêsu làm: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng
Người đã mất trí.” Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của
tình yêu. Các thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa
Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu
đang sống là một điên khùng và thất bại, vì Ngài phải:
(1) Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó, không
có nghề nghiệp gì nhất định; trong khi theo họ, con người phải có mái nhà an
toàn và nghề nghiệp vững chắc để sinh sống.
(2) Kết bạn với những người nghèo khổ và thất học;
trong khi theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao trọng trong xã hội.
(3) Dám đương đầu với quyền lực của giới cai trị
tôn giáo như Biệt-phái, Kinh-sư, Cao-niên. Theo họ, làm như thế là tự mang án tử
cho mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhìn vào những gì Chúa Giêsu đã, đang, và sẽ
làm cho con người, chúng ta cảm nhận được tình yêu thâm sâu của Ngài dành cho
chúng ta. "Không ai dám hy sinh tính mạng cho người khác; họa chăng có người
dám chết vì người công chính. Đức Kitô đã chết cho chúng ta khi chúng ta còn là
tội nhân."
- Chúng ta cần loại bỏ tính ích kỷ, kẻ thù của
tình yêu và là mối đe dọa cho lợi ích chung; để biết nhận ra và tri ân những hy
sinh cao quí của mọi người đã làm ơn cho chúng ta trong đời.
- Vì Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh tất cả
cho chúng ta, chúng ta không được ích kỷ để chỉ biết sống cho mình; nhưng phải
yêu thương và hy sinh cho người khác như Đức Kitô đã dạy chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Ngày 21
THÁNH ANNÊ
Trinh nữ tử đạo
Người Ý (-304)
1. Đẹp nhưng thuộc về Chúa: Agnes
là con một gia đình quý phái ở Roma, sống vào thời đang bắt đạo dữ dội. Chỉ mới
12 tuổi, cô đã chọn Chúa làm người yêu duy nhất và đem hết tâm tình yêu mến Chúa.
Tục truyền rằng Agnes rất xinh xắn,
nên nhiều chàng trai muốn xin cưới, trong đó có một thanh niên ngoại giáo, con Tổng Trấn
Roma xin cầu hôn. Lúc ấy ngài mới 13 tuổi. Ngài trả lời :
- Tôi đã kết hôn với người trên trời, đã hiến trọn trái tim cho
người, sống chết tôi cũng trung thành với người. Ngài chính là Chúa Giêsu vua cả,
trời đất đều đáng khâm phục.
2. Không nao núng trước cám dỗ, không
sợ chết: Chàng thanh niên
theo đuổi không được, nên đem lòng ghen tức, tố cáo cô là người Công Giáo. Giữa lúc cơn bắt
đạo dữ dằn, thế là thánh nữ bị bắt và bị tra tấn. Agnes nhìn những dụng cụ tra
tấn cách bình tĩnh.
Sau đó, tổng
trấn cho dẫn cô tới nhà điếm để bị cám dỗ. Lạ lùng, tất cả những người đàn ông
trong nhà đó trông thấy cô đều sợ hãi không dám lại gần. Một người nhìn cô với
lòng ham muốn, liền bị mù ngay. Agnes cầu xin Chúa cho hắn, và hắn được khỏi
mù. Tổng trấn thấy không chinh phục nổi cô bé, liền ra lệnh chém đầu. Thánh
Ambrosio viết: "Agnes tiến
ra pháp trường, còn vui hơn người ta đi ăn cưới".
Hài cốt thánh
nữ đã được an táng trong biệt thự của gia đình. Năm 321 công chúa của hoàng đế
Constantinô được thánh nữ chữa
lành bệnh, nên đã xây nhà thờ trên mộ thánh nữ. Thánh Ambrosio đã viết :"Hôm
nay là ngày sinh nhật của trinh nữ, chúng ta hãy noi gương thánh nữ, quyết giữ
hồn xác thanh sạch vì lòng mến Chúa, và dù có phải gian nan bắt bớ, chúng ta
cũng hãy xin ơn trung thành bền đỗ tin yêu Chúa suốt đời".
Người ta vẽ hình thánh nữ bế con chiên, vì tên Agnes có nghĩa là chiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét