Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

THỨ HAI TUẦN IV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Hai sau Chúa Nhật 4 Quanh Năm


Bài Ðọc I (Năm I): Dt 11, 32-40
"Nhờ đức tin, họ chiến thắng các vương quốc. Thiên Chúa dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn".
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, tôi còn phải nói gì nữa? Tôi không có đủ thời giờ thuật lại về Gêđêon, Barac, Samson, Giephtê, Ðavít, Samuel và các tiên tri. Nhờ đức tin, họ chiến thắng các vương quốc, thực thi công bình, được hưởng lời hứa, bịt miệng sư tử, dập tắt hoả hào, thoát khỏi lưỡi gươm, chế ngự bệnh tật, hùng dũng trong trận chiến; đánh đuổi các đạo quân ngoại bang, làm cho những người chết sống lại để trao trả cho các phụ nữ của họ. Có những người đành chịu hành hạ, mà không muốn được giải thoát, hy vọng được phục sinh hoàn hảo hơn. Lại có những người đành chịu nhục nhã, đòn vọt, kể cả xiềng xích và tù ngục. Họ bị ném đá, cưa xẻ, thử thách, bị giết bằng gươm. Họ mặc áo da cừu da dê, lưu lạc khắp nơi, thiếu thốn mọi điều, bị áp bức, ngược đãi. Thế gian chẳng xứng với họ. Họ lang thang trong hoang địa, trên núi non, trong hang đá, dưới hầm đất. Và tất cả họ đều nhờ bằng chứng đức tin mà lãnh nhận lời hứa tốt lành, thế mà họ chưa được lãnh nhận điều đã hứa, là vì Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn, kẻo họ đạt đến hoàn hảo mà không có chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 30, 20. 21. 22. 23. 24.
Ðáp: Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa (c. 25).
Xướng: 1) Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người ta. - Ðáp.
2) Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài cho khỏi người ta âm mưu làm hại. Chúa giấu họ trong lều trại của Ngài, cho khỏi miệng lưỡi người đời tranh luận. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa, vì Ngài đã tỏ lòng nhân hậu với con, trong nơi thành trì kiên cố. - Ðáp.
4) Phần con, trong lúc gian truân, con đã nói: "Con bị loại ra khỏi long nhan Ngài rồi". Nhưng Chúa đã nghe lời con khẩn nguyện, khi con lên tiếng kêu cầu tới Chúa. - Ðáp.
5) Chư vị thánh nhân của Chúa, hãy mến yêu Ngài, Ngài gìn giữ những kẻ trung thành. Nhưng Ngài trả miếng thực là đầy đủ cho những ai sử sự kiêu căng. - Ðáp.

* * *

Bài Ðọc I (Năm II): 2 Sm 15, 13-14. 30; 16, 5-13a
"Chúng ta hãy trốn khỏi Absalon. Hãy để Sêmê nguyền rủa theo lệnh của Chúa".
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, có kẻ đến báo tin cho Ðavít rằng: "Toàn dân Israel hết lòng theo Absalon. Ðavít liền nói cùng các cận thần của ông ở Giêrusalem rằng: "Hãy chỗi dậy, chúng ta trốn đi, vì chúng ta không sao thoát khỏi tay Absalon. Các ngươi hãy ra mau đi, kẻo nó đến bắt chúng ta, gây tai hại cho chúng ta và dùng gươm giết hết dân thành". Ðavít trèo lên núi Cây Dầu, ông vừa leo vừa khóc lóc, đi chân không, đầu phủ khăn. Toàn dân theo ông cũng trùm đầu, vừa leo vừa khóc. Vậy vua Ðavít đến Bahumrim. Và này xuất hiện một người thuộc dòng họ Saolê, tên là Sêmê, con ông Giêra. Anh ta vừa đi vừa nguyền rủa, rồi ném đá Ðavít và những cận vệ của vua. Toàn thể dân chúng và tất cả binh sĩ đều đi hai bên tả hữu nhà vua. Vậy Sêmê nguyền rủa nhà vua rằng: "Hỡi kẻ khát máu, người của Bêlial, xéo đi, xéo đi! Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saolê mà ngươi đã tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này tai hoạ hành hạ ngươi, vì ngươi là một tên khát máu". Bấy giờ Abisai con trai của Sarvia, tâu vua rằng: "Cớ sao thằng chó chết này nguyền rủa đức vua tôi? Ðể tôi đi lấy đầu nó". Vua phán rằng: "Hỡi con của Sarvia, Ta với khanh có liên hệ gì đâu? Cứ để mặc nó nguyền rủa. Vì Chúa bảo nó: 'Hãy nguyền rủa Ðavít', ai dám hỏi nó: 'Tại sao ngươi hành động như vậy?'" Và Ðavít nói với Abisai và toàn thể các cận vệ rằng: "Kìa, con trai bởi lòng ta sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con của Giêmini đây. Hãy để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi lời dữ ra hạnh phúc cho ta". Ðavít và các cận vệ của ông cứ tiếp tục đi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 3, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! (c. 8).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con. Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết trông hắn được Chúa trời cứu độ". - Ðáp.
2) Nhưng, lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. Con lên tiếng kêu cầu tới Chúa, và Chúa đã nghe con từ núi thánh của Ngài. - Ðáp.
3) Con nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng con. Con không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại con. Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 5, 1-20
"Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.
Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Sau phép lạ dẹp yên sóng gió, hôm nay trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu lại tỏ bày quyền năng của Ngài ở vùng đất dân ngoại. Sức mạnh của sự dữ thật lớn, nhưng Ðức Giêsu không gặp khó khăn nào khi xua trừ ma quỉ. Vậy mà Ngài phải khựng lại trước thái độ của con người. Trình thuật kết thúc bằng sự thất bại bi thảm: Ðức Giêsu bị người ta trục xuất khéo léo. Thiên Chúa luôn mở rộng con đường hạnh phúc, nhưng Satan thì cản lối và con người lại nhát đảm dấn thân. Họ khước từ bởi họ quyến luyến với trần thế hơn.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Chúa sẵn sàng ban ơn cho chúng con. Nhưng chúng con lại không biết mở lòng ra để đón nhận. Chúng con cũng có thái độ của dân chúng vùng Ghêrasa. Chúng con sợ thiệt thòi... Xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con một cái nhìn trong suốt để tìm được giá trị đích thực của cuộc sống. Amen.

Suy Niệm:
Số phận của Chúa Giêsu
Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.
Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỉ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỉ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.
Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.
Nguyện xin Chúa ban thêm can đảm và sức mạnh, để chúng ta kiên trì trong mọi khổ đau vì Danh Ngài.


Thánh Thần, hơi thở, lửa

Giáo hội là nơi Thánh Thần của Đức Kitô hoạt động đế xây dựng nhiệm thể của Người: Giáo hội là ngôn sứ giữa thế giới và sinh ra từ đời sông Thiên Chúa Ba Ngôi: "Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3,5).

Ở đây nói về hơi thở, về lửa. Lửa nối kết với Cha nhân từ và dịu hiền, lửa thánh hiến nơi Con. lửa làm cho chúng ta nên mới nơi buổi bình minh, lửa mà người ta sẵn sàng tiến đến, không sợ bị thiêu hũy. Thánh Thẩn rên siết trong chúng ta và dạy chúng ta cầu nguyện, là hơi thở dũng mãnh thúc đẩy chúng ta hoạt động, như Đức Maria đi gặp bà Elisabeth, hay các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng: Thánh Thần làm cho những gì bất động phải chuyển đổi, Người thúc đẩy để làm chứng, để triển khai chân lý, bình an và công bằng, chiến đấu để phục vụ con người. Người là nguồn niềm vui và bình an, hoa trái của Người minh chứng điều đó. Chúng ta lãnh nhận ân huệ và đặc sủng của Người, nhưng để xây dựng nhiệm thể, ban sự hiệp nhâ't và căn tính trong sự khác biệt.

Tính đặc thù Thánh Thần của Đức Kitô là ngự đến trong sự yếu đuôi của chúng ta và đặt những cừ chỉ của Đức Giêsu vào trong chúng ta, giúp chúng ta công bô' Lời của Đức Giêsu.
Régine Maire, La Crobc

30/01/2012 THỨ HAI TUẦN 4 TN
Mc 5,1-20
*****
LÀM CHỨNG LÒNG THƯƠNG XÓT
(Kẻ trước kia đã bị quỷ ám) ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. (Mc 5,20)
Suy niệm: “Kẻ trước kia bị quỷ ám” được Chúa sai đi về với thân quyến để rao truyền những việc Chúa làm cho anh. Anh không che dấu sự kiện trước đây mình bị quỷ ám. Bị thống trị bởi cả một đạo binh quỷ có sức xô trọn một đàn heo trên hai ngàn con xuống Biển Hồ Galilê chỉ trong nháy mắt, tình cảnh của anh thật khốn cực: anh sống mà như chết, đi lang thang trong đám mồ mả; anh bị quỷ đày đoạ đến độ mất cả tính người: suốt ngày anh “tru tréo và lấy đá đập vào mình”. Trước tình cảnh đáng thương của anh, Chúa đã chạnh lòng thương ra tay cứu giúp và việc Chúa làm cho anh thật lạ lùng: quỷ bị trục xuất khỏi con người anh, anh được phục hồi trọn vẹn phẩm giá con người. Hơn nữa anh được Chúa đặt làm tông đồ (=được sai đi) để loan báo việc Chúa làm: Anh trở thành chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa.
Mời Bạn: Chúa không sai anh ta đi đâu xa mà đơn giản sai anh trở về với thân quyến để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa. Cũng thế, Chúa không “cất” chúng ta khỏi thế gian; Ngài muốn ta loan truyền quyền năng và lòng thương xót của Ngài ngay tại nơi mình đang sống. Chỉ những ai cảm nghiệm sâu sắc ơn giải thoát, chữa lành của Chúa đối với bản thân, mới có thể “làm chứng” sống động cho Chúa và góp sức thu hẹp ảnh hưởng của sự dữ và tội lỗi.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian hồi tâm để xét mình và lãnh nhận Bí tích Hòa giải một cách sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết dùng cả cuộc đời làm chứng cho quyền năng và lòng thương xót Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
2Sm 15, 13-14.30; 16, 5-13a; Tin Mừng theo Thánh Mc 5, 1-20.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện: người bị quỷ ám ở Ghêrasa, Chúa Giêsu đã xua đuổi các thần ô-uế rời khỏi anh ta, trước khi chúng xuất khỏi người đó, chúng đã xin được nhập vào bầy heo gần đó, vì chúng cả một đạo binh; sau khi bầy quỷ được phép của Chúa Giêsu cho nhập vào bầy heo, và bầy heo chừng hai ngàn con đã lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. Những người chứng kiến đã kể lại cho dân làng.”Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.” (Mc 5, 17).
            Sự việc xãy ra, dưới con mắt của những người trong cuộc, họ chỉ thấy thiệt mất về vật chất của cá nhân của họ, có đến hai ngàn con heo đã chết, và họ sợ sự hiện diện của Chúa có thể sau này còn làm nhiều điều nguy hại hơn nữa, nên họ đã xin Chúa rời khỏi vùng đất của họ. Trong đời sống của mỗi chúng ta cũng phải nghiền ngẫm câu chuyện này. Đã có khi nào, chúng ta đem ra so sánh giữa sự sống bình an của một con người hàng xóm, với sự thiệt hại vật chất riêng bản thân của chúng ta, chúng ta sẽ xử sự như thế nào. Sự việc không dễ chút nào. Trong đời sống đức tin của chúng ta, cũng không thiếu những hoàn cảnh và công việc khi có mặt của Chúa và khi muốn Chúa rời khỏi nơi chúng ta. Điều này cần phải biết cầu nguyện xin ơn Ngài, để chúng ta biết chọn điều tốt đẹp và cần thiết cho cuộc sống hôm nay và mai sau.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
30 Tháng Giêng
Tình Yêu Là Sức Mạnh Vạn Năng

Ngày 30 Tháng Giêng cách đây đúng 40 năm, Mahatma Gandhi, người cha già của dân tộc Aán Ðộ đã vĩnh viễn ngã gục sau mấy nhát gươm của một thanh niên Aán Giáo quá khích. 
Hôm đó, như thường lệ, Gandhi được hai người cháu dìu đi cầu nguyện. Cả một đám đông đang đi theo đằng sau Ngài. Bỗng nhiên, một thanh niên từ trong đám đông sấn tới đâm bổ vào Người của vị cha già dân tộc. Ba nhát gươm đâm xới xả vào một thân thể khô gầy vì không biết bao nhiêu hy sinh cho đất nước. 
Thinh lặng bao chùm lấy đám đông. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng từ miệng của vị thánh "Rama, Rama" nghĩa là "Chúa ơi, Chúa ơi". Với một cố gắng cuối cùng, Ngài giơ hai tay lên, đan lại trong một cử chỉ cầu nguyện và tha thứ, rồi ngã gục. 
Người thanh niên Aán Giáo quá khích đã sát hại Gandhi vì anh không thể chấp nhận ssược sự kiện Gandhi bày tỏ lòng quảng đại yêu thương ngay cả với những người Hồi Giáo. 
400 triệu người Aán Ðộ đã than khóc và để tang cho vị cha già của dân tộc. Không khí buồn thảm cũng bao trùm khắp thế giới. Mọi người đều cảm nhận rằng ngày hôm đó trái đất trở nên cằn cỗi, nghèo nàn hơn, bởi vì đã mất đi một người con vĩ đại, một người con đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không cần dùng đến khí giới của bạo động và hận thù. Chính Ngài đã từng nói: Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có. 
Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay. 
Chiến tranh và không biết bao nhiêu vấn đề mà thế giới ngày nay đang phải giải quyết, dường như thế giới chỉ muốn giải quyết bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay là tình yêu, chỉ có một số ít người đang dùng đến. 
Mục sư Luther King, người da đen, đang sử dụng khí giới của tình yêu. Oâng đã ngã gục, nhưng hàng triệu người da đen được đứng lên làm người như người da trắng. Giám mục Desmond Tutu, người Nam Phi da đen cũng đang đi theo vết chân của Gandhi và Luther King. Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình thương để cho những người không nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người. 
Tất cả những mẫu gương trên đây chỉ là những phản ánh của một tình yêu trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của Ðấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã nói: Khi nào Ta chịu treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo tất cả mọi người về với Ta. 
Người Kitô chúng ta đang ở trong sức kéo ấy. Ngài đã cho chúng ta được sát nhập vào thân thể của Ngài và truyền cho chúng ta chính sức sống của Ngài. Người Kitô chỉ có thể là người Kitô khi họ sống bằng chính Sức Sống và Tình Yêu của Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai, Tuần IV TN2
Bài đọcHeb 11:32-40; II Sam 15:13-14, 30, 16:5-13a; Mk 5:1-20.

1/ Bài đọc I (năm lẻ):
32 Tôi còn phải nói gì nữa đây? Tôi sợ không có đủ thời giờ để kể truyện các ông Ghít-ôn, Ba-rắc, Sam-sôn, Gíp-tác, Đa-vít, Sa-mu-en và các ngôn sứ. 33 Nhờ đức tin, các vị này đã chinh phục các nước, thực hành công lý, đạt được những gì Thiên Chúa đã hứa; các ngài đã khoá miệng sư tử, 34 dập tắt lửa hồng mãnh liệt, thoát khỏi lưỡi gươm. Các ngài đã lướt thắng bệnh tật mà trở nên mạnh mẽ, đã tỏ ra dũng cảm tại chiến trường, và đẩy lui được quân ngoại xâm. 35 Có những phụ nữ đã thấy thân phận mình chết nay sống lại. Có những người bị tra tấn mà không muốn được giải thoát, để được hưởng một sự sống lại tốt đẹp hơn. 36 Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích và bỏ tù;37 họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm; họ phải lưu lạc, mặc áo da cừu da dê, chịu thiếu thốn, bị áp bức và hành hạ.38 Thế gian chẳng xứng với họ! Họ đi lang thang trong hoang địa, trên núi đồi, trong hang hốc và hầm hố. 39 Nhờ đức tin, tất cả các nhân vật đó đã được chứng giám, thế mà họ không đạt được những điều Thiên Chúa đã hứa. 40 Quả thật, Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn, nên không muốn cho họ đạt tới hạnh phúc trọn vẹn mà không có chúng ta.

2/ Bài đọc I (năm chẵn):
13 Người đưa tin đến nói với vua Đa-vít: "Lòng người Ít-ra-en đã theo Áp-sa-lôm." 14 Vua Đa-vít bảo toàn thể triều thần ở với vua tại Giê-ru-sa-lem: "Đứng lên! Chúng ta chạy trốn đi, vì chúng ta sẽ không thoát được Áp-sa-lôm. Đi cho mau, kẻo chẳng mấy chốc nó đuổi kịp chúng ta, giáng tai hoạ xuống chúng ta và dùng lưỡi gươm giết dân thành."
30 Vua Đa-vít lên dốc Cây Ô-liu, vừa lên vừa khóc, đầu trùm khăn, chân đi đất, và toàn dân đi với vua ai cũng đầu trùm khăn, vừa lên vừa khóc. 5 Khi vua Đa-vít đến Ba-khu-rim thì kìa có một người từ đó đi ra. Y thuộc cùng một thị tộc với nhà Sa-un, và tên là Sim-y, con ông Ghê-ra. Y vừa đi ra vừa nguyền rủa. 6 Y ném đá vào vua Đa-vít và tất cả bề tôi vua, mặc dầu có toàn thể quân đội và toàn thể các dũng sĩ ở bên phải và bên trái vua.
7 Sim-y nói thế này trong lời nguyền rủa của y: "Cút đi, cút đi, tên khát máu, thằng vô lại! 8 ĐỨC CHÚA đã đổ xuống đầu mày tất cả máu của nhà Sa-un, người đã bị mày chiếm ngôi, và ĐỨC CHÚA đã trao vương quyền vào tay Áp-sa-lôm, con mày. Và này, mày phải tai hoạ, vì mày là tên khát máu!" 9 Ông A-vi-sai, con bà Xơ-ru-gia, thưa với vua: "Tại sao thằng chó chết này dám nguyền rủa đức vua là chúa thượng tôi? Xin cho tôi qua chặt đầu nó!" 10 Vua nói: "Chuyện của ta can gì đến các ngươi, hỡi các con bà Xơ-ru-gia? Nếu nó nguyền rủa và nếu ĐỨC CHÚA bảo nó: "Hãy nguyền rủa Đa-vít", thì ai dám hỏi: "Tại sao mày làm như thế?" 11 Vua Đa-vít nói với ông A-vi-sai và tất cả bề tôi: "Này con trai ta, do chính ta sinh ra mà còn tìm hại mạng sống ta, huống chi là tên Ben-gia-min này! Cứ để nó nguyền rủa, nếu ĐỨC CHÚA đã bảo nó. 12 May ra ĐỨC CHÚA sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta và ĐỨC CHÚA sẽ trả lại cho ta hạnh phúc, thay vì lời nguyền rủa của nó hôm nay." 13 Vua Đa-vít và người của vua vẫn đi trên đường.

3/ Phúc Âm:
 1 Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa.
2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người.
3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. 6Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7 và kêu lớn tiếng rằng: "Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi! "
8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: "Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!" 9 Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì? " Nó thưa: "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm." 10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi.
12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: "Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia."
13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo - chừng hai ngàn con - từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. 14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra.
15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ.
16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người.
19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào."
20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Gian nan thử luyện đức tin.

Cuộc đời con người là bãi chiến trường chống lại ba kẻ thù: ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Để chống lại ba kẻ thù nặng ký này, con người cần luyện tập để có một đức tin vững mạnh nơi Thiên Chúa. Để luyện tập đức tin, con người cần có những gian nan thử thách, bắt đầu từ những thử thách nhỏ, dần dần tới chỗ to lớn hơn. Nếu phải đương đầu ngay với thử thách to lớn, con người sẽ ngã quị ngay.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc thử luyện đức tin. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái mời gọi con người nhìn lại lịch sử để học những tấm gương anh hùng của các nhân chứng đức tin. Họ cũng là những con người yếu đuối, tội lỗi, và nhát đảm; nhưng nhờ có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, họ đã vượt qua được mọi trở ngại trong cuộc đời. Trong Bài đọc I, năm chẵn, David phải đương đầu với rất nhiều thử thách trong gia đình cũng như ngoài xã hội sau khi phạm tội; nhưng ông vẫn kiên nhẫn tỏ lòng ăn năn sám hối. Ông hy vọng Thiên Chúa sẽ đoái thương nhìn tới và tha thứ tội lỗi cho ông. Trong Phúc Âm, một người hầu như đã hoàn toàn bị điều khiển bởi quyền lực của quỉ thần, được Chúa Giêsu chữa lành. Sau khi đã được giải thoát, anh muốn đi theo làm môn đệ Chúa; nhưng Ngài truyền cho anh ở lại địa phương, và loan truyền cho dân chúng biết những gì Ngài đã làm cho anh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ)Đức tin giúp con người vượt qua tất cả.
1.1/ Đức tin của các nhân vật trong lịch sử: Để giúp các tín hữu có đức tin vững mạnh, tác-giả mời gọi họ nhìn lại gương đức tin của các chứng nhân trong lịch sử như các ông Gideon, Barak, Samson, Jephthah, David, Samuel và các ngôn sứ. Tuy họ cũng là những con người yếu đuối và tội lỗi như bao người; nhưng nhờ “đức tin, các vị này đã chinh phục các quốc gia, thực hành công lý, đạt được những gì Thiên Chúa đã hứa; các ngài đã khoá miệng sư tử, dập tắt lửa hồng mãnh liệt, thoát khỏi lưỡi gươm. Các ngài đã lướt thắng bệnh tật mà trở nên mạnh mẽ, đã tỏ ra dũng cảm tại chiến trường, và đẩy lui được quân ngoại xâm.”
1.2/ Gian nan thử đức tin: Để đạt được những mục đích này, các chứng nhân đã phải trải qua rất nhiều gian nan thử thách: “Có những phụ nữ đã nhận được sự sống lại từ sự chết. Có những người bị tra tấn mà không muốn được giải thoát, để được hưởng một sự sống lại tốt đẹp hơn. Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích và bỏ tù; họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm; họ phải lưu lạc, mặc áo da cừu da dê, chịu thiếu thốn, bị áp bức và hành hạ… Nhờ đức tin, tất cả các nhân vật đó đã được chứng giám, thế mà họ không đạt được những điều Thiên Chúa đã hứa." Chúng ta được chung phần vinh quang với họ: Tác giả muốn nói, tất cả những nhân vật lịch sử này đã dựng nên một gia sản đức tin cho chúng ta. Nhờ họ, đức tin chúng ta được nuôi dưỡng và thúc đẩy chúng ta vượt qua mọi gian nan trở ngại trong cuộc đời.

2/ Bài đọc I (năm chẵn)"Lòng người Israel đã theo Absalom."
2.1/ Những nỗi khổ của vua David: Truyền thống Đông phương tin thứ tự của việc cai trị bắt đầu từ tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nếu con người chưa tu thân, họ không thể tề gia, trị quốc hay bình thiên hạ. Trường hợp của vua David là một ví dụ cho tiến trình này.
(1) Bị dằn vặt vì tội lỗi: Trong một giây phút yếu lòng, David đã để cho tình dục thống trị và đã ăn nằm với bà Batsheba. Từ tội này kéo qua tội khác, ông đã phạm tội giết Uriah, chồng bà Batsheba để chạy tội và đoạt vợ người, bằng cách truyền cho Joab gởi Uriah ra tuyến đầu mà không có đủ sức mạnh hậu thuẫn để ông phải tử thương. Tất cả những việc làm mờ ám của David không thoát khỏi con mắt Thiên Chúa, Đấng nhìn thấu tâm can; Ngài sai ngôn sứ Nathan đến phơi bày tội lỗi của David. Tuy Ngài hứa sẽ tha tội; nhưng David phải chịu mọi hình phạt.
(2) Xáo trộn gia đình: Vì đã mang tội ngoại tình, David không thể phân xử công minh khi con vua là Amnon hãm hiếp em cùng cha khác mẹ của mình là Tamar, em ruột của Absalom. Khi thấy vua cha không làm gì cả, Absalom tức giận nên đã bày mưu giết Amnon. Từ đó, mối hận thù giữa hai cha con ngày càng thêm nặng. Trong trình thuật hôm nay, David phải chạy trốn Absalom, vì nghe tin "lòng người Israel đã theo Absalom."
(3) Xáo trộn quốc gia: Từ xáo trộn gia đình dẫn tới xáo trộn quốc gia. Vua David bảo toàn thể triều thần ở với vua tại Jerusalem: "Đứng lên! Chúng ta chạy trốn đi, vì chúng ta sẽ không thoát được Absalom. Đi cho mau, kẻo chẳng mấy chốc nó đuổi kịp chúng ta, giáng tai hoạ xuống chúng ta và dùng lưỡi gươm giết dân thành." Vua David lên dốc Cây Olive, vừa lên vừa khóc, đầu trùm khăn, chân đi đất, và toàn dân đi với vua ai cũng đầu trùm khăn, vừa lên vừa khóc.

2.2/ Chỉ có David là người hiểu rõ lý do của tất cả sự việc.
(1) Vua David bị Shimei nguyền rủa: Khi vua David chạy trốn đến Bahurim, có một người tên là Shimea, con ông Gera, thuộc cùng một thị tộc với nhà Saul. Y vừa đi ra vừa nguyền rủa và ném đá vào vua David và tất cả bề tôi vua, mặc dầu có toàn thể quân đội và toàn thể các dũng sĩ ở bên phải và bên trái vua. Shimea nguyền rủa vua David: "Cút đi, cút đi, tên khát máu, thằng vô lại! Đức Chúa đã đổ xuống đầu mày tất cả máu của nhà Saul, người đã bị mày chiếm ngôi, và Đức Chúa đã trao vương quyền vào tay Absalom, con mày. Và này, mày phải tai hoạ, vì mày là tên khát máu!"
(2) David biết bàn tay Thiên Chúa trong những việc đang xảy ra: Thấy sự việc xảy ra, ông Abishai thưa với vua: "Tại sao thằng chó chết này dám nguyền rủa đức vua là chúa thượng tôi? Xin cho tôi qua chặt đầu nó!" David trả lời: "Chuyện của ta can gì đến các ngươi, Nếu nó nguyền rủa và nếu Đức Chúa bảo nó: "Hãy nguyền rủa David," thì ai dám hỏi: "Tại sao mày làm như thế?" Rồi vua David nói với ông Abishai và tất cả bề tôi: "Này con trai ta, do chính ta sinh ra mà còn tìm hại mạng sống ta, huống chi là tên Benjamin này! Cứ để nó nguyền rủa, nếu Đức Chúa đã bảo nó. May ra Đức Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta và Đức Chúa sẽ trả lại cho ta hạnh phúc, thay vì lời nguyền rủa của nó hôm nay."

3/ Phúc ÂmChúa Giêsu giải thoát một người khỏi làm nô lệ cho quỉ thần.
3.1/ Người bị quỉ ám sống trong nghĩa trang: Gerasa là Kursi ngày nay, nằm phía bên kia của Biển Hồ. Vùng này có rất nhiều núi đá, thích hợp cho việc chôn cất người chết. Hiện nay, còn rất nhiều dấu vết của mồ mả. Như đã đề cập đến trong bài trước, nghĩa trang là chỗ ở của quỉ thần, và đêm tối là thời gian hoạt động của họ. Khi Chúa Giêsu đã dùng quyền năng để truyền cho sóng biển phải im lặng để sang tới vùng đất của dân Gerasa; người lại dùng quyền năng để giải thoát một người khỏi làm nô lệ cho quỉ thần.
3.2/ Chúa Giêsu đương đầu với quyền lực của quỉ thần: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thần ô uế cho chúng ta thấy quyền lực của quỉ thần trên con người. Có lúc người bị quỉ ám xưng mình là tôi: "Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!" Có lúc, anh xưng mình là chúng tôi: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Một đạo binh của quân đội Rôma có khỏang 6,000 binh lính; điều này xác định con người có thể bị giam giữ bởi rất nhiều quỉ thần. Việc quỉ thần xin cho nhập vào đàn heo có khỏang chừng 2,000 con cũng là một bằng chứng cho thấy số đông của quỉ thần.
3.3/ Chúa Giêsu đương đầu với cám dỗ của thế gian: Với một phép lạ như thế, một người chờ đợi dân làng sẽ mừng vui và mời Chúa Giêsu ở lại với họ; nhưng phản ứng của dân Gerasa hoàn toàn ngược lại. Họ không muốn thay đổi vì đã quá quen với quỉ thần: “Họ đến cùng Đức Giêsu và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo, chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ.” Thay vì phải sợ quyền lực của quỉ thần, họ sợ Người có quyền lực trên quỉ thần! Họ coi của cải vật chất hơn linh hồn con người: Họ không muốn phải hy sinh của cải vật chất, cho dù cứu được một mạng người. Họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin là quà tặng quí giá Thiên Chúa ban để giúp chúng ta chiến đấu chống lại ba thù. Nếu không có đức tin, chúng ta không thể đứng vững trước những gian nan của cuộc đời.
- Để có một đức tin vững mạnh, chúng ta cần luyện tập. Gian nan không thể thiếu để giúp chúng ta luyện tập đức tin.
- Tội lỗi không chỉ mang đến những đau khổ cho cá nhân; nhưng còn làm thiệt hại đến gia đình, quốc gia và xã hội.
- Chúng ta cần luyện tập đức tin mỗi ngày và bắt đầu bằng vượt qua những gian nan thử thách nhỏ. Nếu không chịu luyện tập, chúng ta không thể nào đương đầu với gian nan thử thách lớn sẽ đến trong cuộc đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Ngày 30
THÁNH TOMA KHUÔNG
Linh Mục Tử Đạo
(bị bắt lúc 80 tuổi, bị chém 30-1-1860 tại Hưng Yên)
            1. Thông minh và khéo nói: Toma Khuông sinh quán tại làng Nam Hòa,  tỉnh Hưng Yên. Cha cậu làm Tuần Phủ tỉnh này.
            Vì tài trí thông minh và xuất sắc, cậu có thể nối nghiệp cha vui hưởng giầu sang phú quý,  nhưng cậu đã coi thường chức quyền, giầu sang để theo đuổi một lý tưởng cao đẹp: đi tu làm linh mục.
            Ngoài lòng đạo đức thánh thiện ra, cha còn có biệt tài giao tế. Từ quan chí dân,  mọi người đều có thiện cảm với cha.  Nhờ đó cha dễ dàng thi hành mục vụ cho giáo dân  và giảng đạo cho lương dân.  Nhiều lần cha bị bắt,  nhưng nhờ lợi khẩu,  cha được trả tự do.
            2. Bị bắt và tử đạo : Nhưng năm 1858 quân Viễn Chinh Pháp gây áp lực,  bắn phá,  chiếm đóng nhiều nơi,  nên vua Tự Đức thẳng tay đàn áp,  bắt bớ người Công Giáo,  vì nghi ngờ họ tiếp tay với thực dân xâm lược.
            Thư tường thuật về cuộc xưng đạo của cha đã được Thánh Giám Mục Berrio Ochoa viết lại trong thư ngày 29-5-1860. Theo thư này Cha Toma Khuông bị bắt ngày 29-12-1859 tại Cao Xá. Cha Khuông rất nổi tiếng nơi các thừa sai, vì ngài là con của một vị quan trong tỉnh, bị bắt nhiều lần nhưng sau đó vẫn được trả tự do. Tuy nhiên vì tiếng đồn lan rộng nên cha không còn dám đi lại tự do nữa và muốn trốn sang một nơi khác. Cha cùng với chú giúp việc tên Ninh đi ra khỏi thành tìm linh mục để xưng tội. Nhưng khi đến cầu thì trên cầu có đặt tượng thánh giá nên cha dừng lại không muốn đi nữa. Lúc ấy có người báo cho quan lãnh binh đến bắt. Cha bị đối xử tàn tệ và bị dẫn giải về cho quan tuần phủ.
Ngày 5-1-1860 Cha Khuông, Cha Hưởng và ba giáo dân bị đưa ra tòa tra hỏi và ép buộc chối đạo. Cha Khuông đã thầm thĩ kêu xin Chúa Thánh Thần thanh luyện miệng lưỡi như đã thanh luyện tiên tri Isaia để có thể nói thưa đúng luật pháp mà không làm tổn thương đến đạo, hay xúc phạm đến Chúa điều gì. Quan án hỏi: "Bây giờ người Châu Âu đang bị nghi kỵ và chán ghét, các ngươi có cách nào làm cho họ từ bỏ ý định và rút lui về nước không thì hãy nói cho nghe?"
Cha Khuông đã trả lời: "Xin kính chúc đại quan sống lâu trăm tuổi, chúng tôi đã lâu ngày trốn tránh xa nhà chung, nay quan hỏi đến, chúng tôi biết gì thì thưa vậy. Chúng tôi không biết vì mục đích nào người Châu Âu đến và họ làm những gì, làm sao thuyết phục được họ?"
Quan lại hỏi: "Người Châu Âu đến nước này vì người công giáo đã yêu cầu, vậy họ cũng có thể xin người Âu Châu rút lui".
Cha Khuông đáp: "Ðiều người ta đồn đại đúng hay sai không thể xét được, điều chắc chắn là trong những người công giáo không có ai đi cầu cứu người Châu Âu đến cả, vì vậy không có ai trong chúng tôi có thể thuyết phục được họ lui quân".
- "Ngươi dùng lời lẽ hàm hồ, hãy nói rõ tại sao lại có chiến tranh?"
- "Ðạo chúng tôi truyền buộc các tín hữu phải giữ trọn lề luật trong đạo đồng thời phải trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ và phải cầu nguyện luôn cùng Thiên Chúa cho quốc gia được hưng thịnh. Nếu người nào lỗi phạm thì mắc tội trọng. Chắc chắn không người tín hữu nào dám xin người Châu Âu đến gây việc chiến tranh".
- "Hãy nói cho thật và rõ ràng là các tín hữu muốn sống thì đạp ảnh đi rồi được tự do về nhà".
Chính Cha Toma Khuông đã viết lại những lời khai đầy can đảm của ngài trước mặt các quan như sau: "Tôi nay đã ngoài 80 tuổi. Tôi là một linh mục Công Giáo và hằng trung thành tuân giữ các giới luật và giảng dậy cho người khác tuân giữ. Nếu bây giờ vì tham sống mà cung khai tên giáo dân và đạp ảnh chối đạo thì làm sao tôi còn xứng đáng với chức vụ và còn mặt mũi nào nhìn người khác nữa. Vì thế tôi thà chịu chết ngàn lần mà không than trách ai. Tôi xin được đổ máu ra vì đạo thánh, lấy cái chết đáp lại cái chết, lấy tình yêu đáp lại tình yêu của Thiên Chúa chủ tể trời đất, đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ðó là nguyện ước của chúng tôi". Cha Tôma Khuông đã trả lời thay cho ba người tín hữu khác cũng bị điệu ra trước tòa án.
Chính những lời tuyên xưng dũng cảm ấy đã khiến các ngài lãnh nhận bản án tử hình và giam ngục chờ ngày hành quyết lãnh triều thiên tử đạo.
Trong nhà giam, các anh hùng đức tin Công Giáo đọc kinh chung với nhau và cha ban bí tích giải tội. Các ngài còn khuyến khích nhau can trường giữ đức tin đến cùng.
Ngày 30-1-1860 Cha Khuông được báo tin giờ hành quyết đã tới. Cha hiên ngang cầm thánh giá ở tay cùng với chú Ðaminh Nghĩa ra pháp trường. Vì tuổi già và xích nặng, Cha Khuông đi rất chậm nhưng nét mặt vui mừng, miệng đọc to các kinh bằng tiếng Latinh. Tới nơi xử, trông thấy bản gỗ ghi hai chữ tà đạo, ngài đã yêu cầu bôi đi. Người lính thưa: "Chúng tôi rất muốn chiều theo ý ngài, nhưng chúng tôi phải tuân lệnh vua. Xin ngài đưa đầu ra để chúng tôi chém một lát là xong".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét