Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN


Chúa Nhật 5 Quanh Năm Năm B


Bài Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7
"Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối".
Trích sách Gióp.
Bấy giờ Gióp nói rằng: "Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: "Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối". Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can (c. 3a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. - Ðáp.
2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. - Ðáp.
3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23
"Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.


Phúc Âm: Mc 1, 29-39
"Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Một ngày ở Caphanaum, Ðức Giêsu bận bịu với biết bao nhiêu công việc. Ngài giảng dạy trong hội đường; chữa bà già ông Simon khỏi cơn sốt nặng. Chiều đến lại chữa mọi bệnh tật được người ta mang đến. Ðược thúc đẩy vì tình yêu Cha và yêu con người. Ðức Giêsu tất bật với sứ vụ được trao phó... Ngài mãi còn thao thức bồn chồn cho đến khi sứ vụ được hoàn tất.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Cuộc sống của chúng con cũng có biết bao nhiêu nhiệm vụ phải chu toàn. Xin Chúa hãy đốt lên trong chúng con tình yêu mến, để chúng con luôn hăng say không mệt mỏi. Xin cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ trong gia đình, nhiệm vụ nơi công sở, nhiệm vụ nơi xứ đạo, nhiệm vụ với mọi người. Trong mọi công việc, chúng con sẽ thi hành tốt nhất để đẹp lòng Chúa Cha. Amen.


Suy Niệm:
Chúa Nhật V Thường Niên Năm B
Chúng ta đọc: Sách Yob 7,1-4.6-7; Thư 1 Corintô 9,16-19.22-23; Tin Mừng Marcô 1,29-39
Chúa nhật trước Phụng vụ cho chúng ta thấy Ðức Yêsu là vị tiên tri có uy quyền; và Lời của Người ở trong Giáo hội hiện nay có sức mạnh giải thoát người ta khỏi tà thần khi người ta kết hợp với Người trong mầu nhiệm tử nạn. Hôm nay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một Ðức Yêsu đến cứu chữa nhân loại khỏi đau khổ lầm than. Và cho được như vậy phụng vụ đã bắt đầu cho chúng ta nghe một đoạn sách Yob để dẫn vào bài Tin Mừng. Còn bài Thánh thư có ý đề nghị với chúng ta thái độ phải có để hành vi cứu khổ của Chúa Yêsu được tiếp nối trong đời sống con người hiện nay.

1. Ðời Là Bể Khổ
Chúng ta hết thảy đã biết truyện ông Yob. Ông là người công chính, nhưng gặp toàn hoạn nạn đau thương. Không những nhà cửa bỗng dưng trở thành tro bụi và con cái lăn đùng ra chết mà chính thân thể ông cũng đâm ra ghẻ lở hôi thối. Người ta khiêng ông đặt trên đống tro. Người người đàm tiếu ông bị trời phạt. Ngay bà vợ ông cũng đay nghiến ông suốt ngày. Ông trở thành kiểu mẫu những con người khổ sở. Và đoạn văn hôm nay cho chúng ta nghe một trong nhiều lời ông than thở.
Ôi thôi, đời người như cảnh nô lệ, như kiếp sống làm thuê. Người nô lệ mong được nghỉ, người làm thuê chờ đồng lương. Thế mà thân tôi chẳng bao giờ được trả công; và ngủ nghỉ cũng chẳng được. Bởi vì vừa nằm xuống, đau khổ đã đầy ứ tâm hồn và tôi chỉ chờ sáng... Nhưng sáng trời thì lại thấy đời mau qua như con thoi trên khung dệt, tàn lụi không hy vọng.
Ðiều đáng để ý trong lời than này là Yob rất thực tế và chân thực. Ông khác hẳn tác giả bài tường thuật về việc Adong sa ngã. Ở bài sách Khởi nguyên đó, lao động bị coi như là hình phạt của tội lỗi. Còn ở đây, Yob biết những vất vả của lao động và ngay cả cảnh làm thuê và nô dịch nữa. Nhưng ông vẫn còn ao ước được hạnh phúc như thế. Cái khổ của ông là không được điều kiện như những người lao động bình thường.
Ông cũng chân thực lắm khi khổ mà vẫn phàn nàn vì đời sống như thoi đưa, không có hy vọng nào. Nhất là ông chân thật ở chỗ gạt bỏ hết mọi luận lý của người đời về đau khổ... Ông ngước mắt lên Chúa mà cầu nguyện: Xin Chúa hãy nhớ...
Và đây là điểm chúng ta phải để ý. Khi nghe tin Yob gặp tai ương hoạn nạn, bạn bè ông đã đến. Chẳng giúp đỡ ông cụ thể thì chớ, họ còn lấy giọng đạo đức khuyên ông nên nhận ra lỗi mình: không có tội thì làm sao lại bị trời phạt như thế? Yob không chấp nhận được thứ triết học đó và mọi thứ triết lý khác về đau khổ. Lương tâm của ông thấy rõ trường hợp của ông không đúng với phán quyết của mọi luận điệu suy tư kia. Yob phủ nhận mọi lý thuyết khôn ngoan của người đời. Và trung thành với đức tin của mình, ông quay mặt về Chúa: "Xin Ngài hãy nhớ...".
Những ai đã đọc Thánh Kinh sẽ nhận ra đây là Lời cầu nguyện căn bản của Dân Chúa trong những thời kỳ lầm than. Gặp cảnh tuyệt vọng, họ chỉ còn niềm tin duy nhất: xin Chúa hãy nhớ Ngài là Ðấng nhân ái và trung tín. Ngài đã ban lời giao ước và nhất quyết thi hành cả khi loài người bất nghĩa. Ngài sẽ ra tay cứu độ chúng tôi khỏi cảnh lầm than khổ sở.
Như vậy bài sách Yob hôm nay không dừng lại ở cái nhìn bi quan yếm thế và mô tả đời là bể khổ. Nó chỉ tựa vào đó để đưa lòng chúng ta vươn lên tới Chúa. Yob khuyên nhủ mọi kẻ đang đau khổ lầm than cầu xin ơn cứu độ. Yob là hình ảnh và hiện thân của Cựu Ước hướng về Ðấng Thiên Sai cứu đời; và như vậy ông cũng là gương mẫu của chúng ta đang hành trình trần gian phải nhìn về Trời mới và Ðất mới.

2. Ðấng Cứu Ðời Ðã Ðến
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Ðức Yêsu sau khi đã trừ một thần ô uế, đã ra khỏi hội đường Capharnaum. Người là vị tiên tri có uy quyền trong lời nói. Người đã khởi sự chữa lành người ta trong hội đường Dothái, thì bây giờ Người bắt đầu ra đi cứu đời rộng rãi hơn nữa. Trong đoạn Tin Mừng này, thánh Marcô nhấn mạnh đến địa danh Galilêa dân ngoại để nói ảnh hưởng của Chúa phải lan đến khắp các dân tộc.
Vậy Người đến nhà của Simon và Anrê. Gặp bà gia của Simon nằm liệt vì sốt, Người đã chữa bà. Câu truyện này Marcô kể rất vắn tắt; nhưng bối cảnh của nó cũng như những từ ngữ mà Marcô dùng lại rất ý nghĩa. Người Dothái quan niệm bệnh tật là việc của ma quỷ làm. Nên việc Ðức Kitô chữa bệnh cũng có giá trị và ý nghĩa như việc Người trừ quỷ. Marcô lại nói Người đã cầm lấy tay bà và cho bà chỗi dậy. Ông muốn gợi lên hình ảnh của mầu nhiệm phục sinh, làm cho người ta chỗi dậy khỏi chỗ sa ngã mà ma quỷ đã đưa người ta vào. Và chỗi dậy rồi, tức là được ơn phục sinh xong, người ta phải bắt chước bà gia của Simon mà "bắt đầu phục vụ Người" như chính Người đã đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, đến nỗi hiến cả mạng sống mình cho người ta.
Chúng ta phải thán phục Marcô. Với một hai câu văn, người đã nói lên được nhiều ý tưởng thâm trầm. Và việc mà Ðức Kitô làm cho một người, Marcô còn thấy Người đã làm cho mọi người. Vì kìa, khi mặt trời lặn, người ta đem lại cho Người mọi kẻ ốm đau và mọi kẻ bị quỷ ám. Ðó là tất cả mặt đất đầy đau thương dưới sự khống chế của tà thần. Ðó là thế giới đang sống trong tối tăm. Cả thành đứng đó nhưng chẳng ai làm gì được... Loài người tất cả chờ mong Ðức Yêsu. Người chữa nhiều bệnh nhân đủ loại và đuổi nhiều thứ quỷ.
Nhưng tại sao Người đã không chữa hết mọi con bệnh và trừ hết mọi tà thần? Marcô có ý để cho chúng ta suy nghĩ. Chúa không cứu được chúng ta nếu chúng ta không muốn. Người đòi chúng ta phải có niềm tin... Hơn nữa, như bản Tin Mừng Chúa nhật trước nói: Lời Chúa rất uy quyền. Nhưng kẻ được nghe Lời ấy và kêu cả Danh Chúa nữa mà không muốn theo Người đi vào mầu nhiệm thánh giá, thì vẫn không lãnh nhận được ơn cứu độ của Người. Thế nên, luôn luôn thánh Marcô nhắc đi nhắc lại điều này: không ai được nói đến Danh Chúa Yêsu và ca tụng công việc của Người trước khi thấy Người trên thập giá. Những lời khen ngợi ấy chỉ vụ lợi và khiến người ta hiểu lầm rằng Ðức Yêsu đem lợi lộc trần gian đến cho con người. Phải nhìn vào thánh giá mới hiểu được Người. Và tuyên xưng Danh Người lúc đó mới có công, vì đó sẽ là Lời của lòng tin.
Do đó, trong bài Tin Mừng này, thánh Marcô cho chúng ta thấy Ðức Yêsu đã đến để cứu đời. Người xua đuổi tà thần và chữa lành mọi thương tích cho nhân loại ốm đau vì tội lỗi. Người dùng mầu nhiệm phục sinh của Người mà nâng đỡ nhân loại chỗi dậy, để mọi người sẽ được sức sống của Người là sự sống để phục vụ và phục vụ cho đến chết. Nhưng với điều kiện: người ta phải có lòng tin và cùng Người đi đến mầu nhiệm thánh giá.
Tiếc thay, nhiều người không hiểu như vậy. Họ chỉ muốn giữ lại hình ảnh một Ðấng Cứu thế làm nhiều phép lạ để chữa phần xác con người, tức là ban phát nhiều lợi lộc vật chất. Thế nên Ðức Yêsu còn phải cầu nguyện cho người ta... Người cầu nguyện khi họ đang còn ngủ, tức là đang còn sống trong tối tăm. Simon và các tông đồ cũng sớm biết đi tìm Người. Nhưng Người còn phải đưa họ ra khỏi cái tâm lý chung kia. Họ thưa Người: "Tất cả đang tìm Thầy", nghĩa là tất cả muốn Thầy trở về làm phép lạ, chữa lành thân xác người ta, vì người ta chỉ muốn Thầy cứu thế theo nghĩa trần gian. Ðó là cám dỗ Người phải đưa các môn đệ và Hội Thánh của Người ra khỏi. Nên Người bảo họ: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã lân cận, để Ta rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi".
Nhưng tiếng cuối cùng là những lời khó hiểu nhất. Ý nghĩa của chúng chỉ hiện ra đầy đủ khi chúng được đặt bên cạnh một câu trong sách Tin Mừng Yoan (12,24): "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì thế mà con đã đạt thấu giờ này". Nghĩa là Ðức Yêsu đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, không phải để làm thỏa mãn những yêu cầu trần tục của người ta, nhưng để dâng mình làm giá cứu chuộc mọi người, không phải để đứng mãi ở một nơi, nhưng để ra đi không ngừng rao giảng Lời cứu thoát linh hồn người ta. Thế nên bài Tin Mừng hôm nay đã kết luận: "Và Người đã đi khắp xứ Galilêa, rao giảng trong các Hội đường và xua trừ ma quỷ". Người mở đường cho Giáo Hội đi khắp các dân tộc, rao giảng Tin Mừng cứu độ để tiêu diệt ảnh hưởng của tà thần. Người kêu gọi chúng ta đi vào đường lối cứu đời của Người.

3. Tiếp Nối Sứ Mệnh Cứu Ðời
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay chứng tỏ là người đã hiểu biết và thực hành đường lối của Chúa. Người không đi làm tông đồ vì ham hố, hay cầu mong lợi lộc. Người không coi chức năng rao giảng Tin Mừng là một tước hiệu đáng vênh vang theo kiểu loài người. Ngược lại đó là một gánh nặng, một sự bó buộc, một điều khẩn thiết, nói tắt một dịch vụ giáng xuống trên người. Chúa đã chọn người làm tông đồ. Và khi Chúa đã chọn ai, không những họ phải vâng lời, mà còn phải đi vào đường lối của Chúa là đường lối luôn luôn khó khăn, khổ sở.
Tất cả Kinh Thánh làm chứng, Chúa luôn luôn chỉ cho, chỉ biếu, chỉ làm giàu cho con người. Kẻ được Chúa chọn làm việc cho Người cũng phải như vậy, nên Phaolô chỉ đem Tin Mừng biếu không, không hưởng cả quyền lợi của Tin Mừng. Hơn nữa, bắt chước Ðức Yêsu, Người còn tự làm nô lệ mọi người, yếu cả với những người yếu, để với mọi người, người trở nên mọi sự cho họ, ngõ hầu cứu được ít người, vì sự rỗi dẫu sao vẫn còn tùy thuộc ở người ta.
Rõ ràng thánh Phaolô đã đi vào đường lối của Chúa Yêsu. Người làm tông đồ cho mọi người để tiếp nối sứ mệnh cứu đời của Chúa. Người trung thành theo đúng cung cách của Chúa để việc tông đồ của Người quả thật là việc rao giảng Tin Mừng cứu độ.
Chúng ta có muốn bắt chước người không?
Có lẽ để khởi sự chúng ta phải đọc lại câu truyện ông Yob để nhìn thấy chung quanh chúng ta hiện nay có rất nhiều người giống như ông. Chúng ta đừng làm ngơ trước những đau khổ của người khác. Hãy để cho tiếng kêu khổ vang vào tâm hồn ngõ hầu trái tim chai đá của chúng ta mềm ra như những trái tim thịt. Chúng ta biết thương nhân loại lầm than, không phải chỉ để hợp lời cầu nguyện cho thế giới này đỡ khổ, nhưng còn để biết nghe tiếng Chúa gọi tiếp tay với Người để cứu đời.
Và chúng ta phải đọc lại bài Tin Mừng hôm nay để thấy Chúa cứu nhân độ thế thế nào. Lúc đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn lời của thánh Phaolô và chúng ta sẽ cố gắng bắt chước Người. Cứu đời đối với chúng ta không phải là chức năng để vênh vang, nhưng là một thúc bách, một bó buộc giáng xuống trên chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải chịu thiệt, phải đi vào mầu nhiệm thánh giá của Ðức Kitô.
Mầu nhiệm này bây giờ được tái hiện trên bàn thờ để chúng ta thấy Chúa Yêsu hy sinh đến chết để cứu đời, hầu kêu gọi chúng ta kết hợp với Người, chia sẻ tinh thần của Người, tiếp nối sứ mệnh cứu đời của Người ở trong thời đại chúng ta. Chúng ta hãy sốt sắng dự lễ và trở về sống theo đường lối của Ðức Yêsu, Chúa chúng ta.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
 05/02/12 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – B
Mc 1,29-39
*****
ĐỨC GIÊSU THƯƠNG CẢM
Đức Giêsu chữa nhiều kẻ đau ốm mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. (Mc 1,34)
Suy niệm: Nhân loại chúng ta thật diễm phúc vì Con Thiên Chúa giáng sinh chia sẻ trọn vẹn kiếp người với chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái vén mở cho ta thấy nơi Đức Kitô một vị Thiên Chúa luôn đồng cảm với thân phận con người. Ngài cảm nếm được thế nào là buồn vui, đau đớn, khổ sở của kiếp nhân sinh: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Ngài không hề vô cảm trước những con người bệnh hoạn, tật nguyền, bị quỷ ma hành hạ. Hễ nhìn thấy đám đông “lầm than vất vưởng như chiên không người chăn dắt” là Chúa lại “chạnh lòng thương”. Tin Mừng Ngài rao giảng trước hết là cho những người nghèo khó, bị bỏ rơi.
Mời Bạn: Là người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi có tấm lòng biết cảm thương của Chúa để tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài. Nếu không biết đồng cảm và chia sẻ những khổ đau của anh chị em mình thì lời loan báo Tin Mừng cũng trở thành giả tạo và vô hiệu. Xin cho chúng ta có được con mắt, trái tim và đôi tay của Chúa Giêsu để chúng ta luôn biết hành động như Chúa Giêsu đối với anh chị em đồng loại của mình.
Chia sẻ: Hoạt động bác ái của người kitô hữu có gì khác với công tác từ thiện xã hội không?
Sống Lời Chúa: Mời một người trong nhóm cùng với bạn đi thăm viếng, an ủi một người đang gặp đau khổ.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN; Is 58, 7-10; 1Cr 2,1-5.
Mt 5, 13-16.
LỜI SUY NIỆM: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.” (Mt 5,13). Chúa Giêsu đã định nghĩa một cách tuyệt vời về bản chất của người Kitô hữu.
          Kitô hữu gắn liền với cuôc đời, hòa quyện đời mình với tất cả mọi con người trong trần gian, như muối thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà.
          Vị mặn của muối là yếu tố quan trọng. Mặn thuộc về bản chất của muối. Muối nhạt chẳng còn được gọi là muối, vì chẳng còn ướp được gì nữa. Một khi đã đánh mất bản chất của mình thì nó hoàn toàn trở nên vô dụng cần phải loại bỏ, bởi vì sử dụng sẽ làm hư hại cho thực phẩm, cần phải quẳng ra đường cho người ta chà đạp.
          Khi hòa mình với đời, chất muối trong chúng ta có thể bị nhạt đi, nên chúng ta luôn cần được ướp lại bằng vị mặn của Chúa Giêsu. Để khỏi đánh mất bản sắc Kitô hữu của mình.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
05 Tháng Hai 
Một Cách Tỏ Tình

Du khách viếng thăm hành lang nổi tiếng của nhà thờ chánh tòa Thánh Phaolô ở Luân Ðuân có thể nghe tiếng của người hướng dẫn đang thuật lại lịch sử của nhà thờ truyền đi khắp nơi chung quanh vòm mái tròn to lớn ở chánh điện, nhờ các kiến trúc đặc biệt làm tiếng nói vang dội mang âm thanh đi rất xa. Cũng vì thế, nên nếu áp tai vào tường người ta có thể nghe được những gì một người nói từ phía bên kia của vòm mái tròn, mặc dầu đó chỉ là một giọng nói thì thầm tâm sự.
Cách đây đã lâu, mượn nhà thờ chánh tòa làm nơi hẹn hò, một người hành nghề đóng giày than vãn với người yêu là chàng chưa thể tiến hành lễ cưới ngay bây giờ được. Hiện tại chàng không có cả tiền để mua da và các vật liệu cần thiết để có thể tiếp tục hành nghề, vì thế chàng đang phải thất nghiệp dài dài, đào đâu ra tiền để làm đám cưới. Nghe tin bất lành, ý trung nhân của anh chỉ biết sụt sùi khóc. 
Ðang lúc ấy, một người tình cờ đi qua hành lang phia bên kia nghe được câu chuyện thương tâm và những lời cầu nguyện của anh thợ đóng giày. Ong ta quyết định làm một cái gì để giúp đôi trai gái được thành gia thất. Vì thế, khi chàng trai từ giã người bạn gái thất thểu ra về, ông ta cũng tiến bước theo sau để biết chỗ ở của anh ta và lập tức cho người mang đến tặng cho anh một số da. Chàng đóng giày phấn khởi bắt tay vào việc và không bao lâu công việc làm ăn phát đạt tạo đủ điều kiện để anh có thể tiến hành hôn lễ với người yêu. Mãi đến mấy năm sau, hai vợ chồng mới biết vị ân nhân của mình là ông William Gladston, vị thủ tướng Anh quốc lúc bấy giờ. 
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hai tư tưởng chúng ta có thể đào sâu để củng cố niềm tin Kitô của chúng ta. Ðó là: Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người luôn lắng nghe và sẵn lòng ban cho chúng ta, con cái của Người, mọi ơn lành Người biết là sẽ mang lợi ích thật sự cho chúng ta, như vị thủ tướng Anh quốc nghe những lời tâm sự thì thầm của đôi trai gái trên và ra tay giúp đỡ họ. Vì thế, chúng ta hãy kiên tâm, bền chí trong lúc cầu xin.
 (Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật V Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Job 7:1-4, 6-7; I Cor 9:16-19, 22-23; Mk 1:29-39.

1/ Bài đọc I:
1 Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?2 Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công,3 cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.4 Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: "Khi nào trời sáng?" Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: "Bao giờ chiều buông?" Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.6 Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. 7 Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ. 

2/ Bài đọc II:
16 Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!
17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.
18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.
19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.
22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.
23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

3/ Phúc Âm:
29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy! "38 Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó."39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đâu là ý nghĩa của cuộc đời?
             Câu hỏi quan trọng nhất và đã làm trăn trở bao nhiêu con người: “Đâu là mục đích hay ý nghĩa của cuộc đời?” Tùy vào câu trả lời cho câu hỏi này, con người có hai cái nhìn về cuộc đời: lạc quan hy vọng hay bi quan yếm thế. Tùy theo cách nhìn về cuộc đời, con người sẽ có thái độ sống thích ứng trong cuộc sống: hoặc làm việc không ngơi nghỉ để đạt đích, hoặc nằm dài than thân trách phận chờ thần chết đến giải thóat cuộc sống vô nghĩa.
             Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời: Trong Bài Đọc I, ông Job thấy cuộc đời vô nghĩa vì ông không biết mình sống để làm gì. Ông than thân trách phận vì không nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời. Trong Bài Đọc II, khi đã nhìn thấy sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng là để cho mọi người đạt tới Ơn Cứu Độ, Thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, nhiệt thành rao giảng, và sẵn sàng trở nên mọi sự cho mọi người để chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh Marcô trình bày một ngày sống tiêu biểu của Đức Kitô bận rộn đến độ không có thời giờ ăn uống: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, trục xuất quỉ thần, và cầu nguyện hiệp thông với Thiên Chúa trong nơi thanh vắng.  

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự vô nghĩa của cuộc đời
            1.1/ Những đau khổ của cuộc đời: là một thực tại con người phải đương đầu với. Những đau khổ chính của cuộc đời: phải làm lụng vất cả mới có ăn, sự nhàm chán của ngày lên đêm xuống, sự đe dọa của vô vàn bệnh tật chực chờ xâm nhập cơ thể, nguy hiểm của tội lỗi và chết chóc do chiến tranh, tai ương, mất mùa đem lại. Sách Job đưa ra một số những đau khổ này:
            (1) Làm lụng vất vả, khổ cực: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lụng vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.”
            (2) Tính độc điệu của thời gian: Cũng như tác giả của Sách Giáo Sĩ quan niệm: “chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời.” Sách Job cũng cảm thấy sự nhàm chán của cuộc sống dương gian: “Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: "Khi nào trời sáng?" Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: "Bao giờ chiều buông?" Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.”
            (3) Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của tội lỗi và bệnh tật mà Job phải đương đầu sau này, khi Satan bắt ông phải chịu chứng bệnh ngòai da nghiêm trọng.

            1.2/ Sống không có hy vọng: Con người có thể chịu đựng đau khổ, nhưng không thể sống mà không có hy vọng: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.” Không giống như chúng ta, người xưa không có hy vọng về cuộc sống mai sau; mặc dù hy vọng vào cuộc sống mai sau đã tiềm ẩn trong các Sách Cựu-Ước, nhưng chưa được trình bày rõ như các Sách Tân Ước. Nhiều người xưa quan niệm: phần thưởng của việc ăn ngay ở lành, hay vâng theo Lề Luật của Thiên Chúa, là những chuỗi ngày sống lâu và hạnh phúc ở đời này thôi; khi đã từ giã cõi đời, cuộc sống con người chấm dứt. Đó là lý do Job không thể nhìn ra ý nghĩa của cuộc đời.

2/ Bài đọc II: Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người.
            2.1/ Rao giảng Tin Mừng là một bổn phận: Biến cố trở lại trên đường Damascus luôn chiếu sáng mọi suy nghĩ của Phaolô. Ngài đang trên đường bắt đạo, chứ không phải rao giảng Tin Mừng; nhưng Thiên Chúa đã có kế họach riêng của Ngài là biến Phaolô thành kẻ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Vì thế, Phaolô xác quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Nếu tôi tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.”
            Vì là bổn phận phải làm, Phaolô tìm một cách khác để được lãnh nhận phần thưởng nhờ việc rao giảng Tin Mừng: “Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.” Giống như Chúa Giêsu, Thánh Phaolô nhiều lần nhấn mạnh tới việc người làm việc xứng đáng được thưởng công. Thánh Phaolô từ chối không hưởng những ân huệ này, không phải vì Ngài không xứng đáng, nhưng là một cách để lãnh phần thưởng bởi Thiên Chúa do việc rao giảng Tin Mừng.
            2.2/ Hy sinh tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng: Một khi đã được Thiên Chúa soi sáng và trao ban sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai, thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng. Vì việc chinh phục linh hồn con người về cho Thiên Chúa là việc khẩn thiết trên hết mọi việc, nên mọi phương pháp được dùng để đạt mục đích này. Một cách hiệu quả nhất theo Phaolô là trở nên mọi sự cho mọi người; ngài cắt nghĩa: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.” Người tông đồ không ngại đi tới các vùng chưa ai đặt chân tới, nếu ở đó có những người chưa được nghe Tin Mừng; người tông đồ cũng không ngại bước chân vào nhà tù, nhà thổ, chốn ăn chơi, nếu ở đó có những linh hồn cần được chinh phục về cho Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Một ngày sống của Đức Kitô
            3.1/ Rao giảng Tin Mừng: Trình thuật hôm nay đề cập đến việc Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng tại hội đường Capernaum trong ngày Sabbath; nhưng Ngài không chỉ giới hạn việc rao giảng trong các hội đường, mà ở khắp mọi nơi: trên núi, dọc đường, dưới thuyền, bên bờ hồ … bất cứ chỗ nào có khán giả. Chúa Giêsu rao giảng những gì? Thứ nhất, triều đại Nước Thiên Chúa đã đến; nói cách khác, Nước Thiên Chúa bắt đầu mở cửa để mọi người có quyền vào để chung hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Thứ hai, Ngài chính là niềm hy vọng của con người; vì qua Ngài, con người được tẩy sạch mọi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa. Sau cùng, Ngài mời gọi con người hãy ăn năn xám hối và tin vào những gì Ngài rao giảng; vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài mặc khải tất cả những gì của Thiên Chúa cho con người. Những điều nền tảng này con người cần biết trước khi họ có thể đặt niềm tin nơi Ngài, và hy vọng vào những gì Ngài hứa; đồng thời giúp họ sửa đổi cuộc sống cho phù hợp với lối sống theo Tin Mừng.
            3.2/ Chữa bệnh phần xác cũng như phần hồn: Một trong những đau khổ của cuộc đời là bệnh tật. Xưa cũng như nay, không biết bao nhiêu các chứng bệnh đe dọa cuộc sống của con người: từ những chứng bệnh thời tiết thông thường như lên cơn sốt cho đến những chứng bệnh ung thư hiểm nghèo. Chúa Giêsu cảm thông với đau khổ do bệnh tật gây nên và chữa lành tất cả.
            (1) Chữa mẹ vợ của Phêrô: Bệnh tật ngăn cản các dự tính của con người. Sau khi giảng dạy trong hội đường tại Capernaum, chắc Phêrô mời Thầy và các tông-đồ khác về nhà mẹ vợ để dùng bữa trưa. Ông yên trí cơm nước đã sẵn sàng khi Thầy trò về đến nhà. Nhưng khi về tới nơi, cơm nước đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Điều này dạy chúng ta bài học phải kiên nhẫn. Nhiều khi chúng ta cảm thấy đau khổ vì bệnh tật ngăn cản công việc và các dự án chúng ta đã vạch ra; nhưng chúng ta phải tìm ra thánh ý Thiên Chúa trong những lúc chịu bệnh. Khi nào khỏi bệnh, chúng ta lại tiếp tục vui vẻ phục vụ như Bà mẹ vợ của Phêrô.
            (2) Chữa mọi kẻ ốm đau và bị quỉ ám trong thành Capernaum: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Họ phải đợi đến lúc mặt trời lặn vì Lề Luật không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath. Cảm thông với bệnh tật của dân chúng, Chúa Giêsu chữa lành tất cả. Bệnh phần xác đã vậy, bệnh phần hồn còn đau khổ hơn. Bệnh phần hồn là những người sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần và làm nô lệ cho chúng. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ thần và ban quyền cho các tông-đồ để các ông giải phóng con người.
            3.3/ Cầu nguyện với Thiên Chúa trước khi bắt đầu một ngày khác: Bận rộn suốt ngày để rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh tật hồn xác như thế, Chúa Giêsu vẫn tìm ra thời giờ để cầu nguyện với Thiên Chúa. Theo trình thuật, “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” Một ngày mới với những công việc mới, Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc kết hợp với Thiên Chúa để nhận ra những việc phải làm.
            Khi Ngài còn đang cầu nguyện, Simon và các bạn kéo nhau đi tìm.  Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Mục đích của Ngài là rao giảng Tin Mừng và chữa bệnh cho dân, và Chúa Giêsu chỉ có 3 năm làm việc, nên Ngài muốn Tin Mừng được lan rộng khắp nơi có thể. Điều luôn cám dỗ người tông-đồ là lo tìm lợi ích cho mình sau khi đã làm việc một thời gian tại một nơi cố định. Họ quên đi sự cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng, và bằng lòng với những tiện nghi của địa phương dâng tặng. Người tông-đồ phải luôn sẵn sàng lên đường để đi tới những nơi đang cần được lắng nghe Tin Mừng.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
            - Cuộc đời có ý nghĩa hay không tùy thuộc chúng ta có nhìn ra đích điểm của cuộc đời hay không?
            - Đích điểm của cuộc đời không do con người tự vạch ra, nhưng đã được vạch sẵn bởi Thiên Chúa cho con người.
            - Chúng ta có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng để giúp con người biết nhận biết đích điểm này, và giúp họ sống làm sao để đạt đích.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
++++++++++
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

CHIỀU VÀ SÁNG (5.2.2012 – Chúa nhật 5 Thường niên, Năm B)

Lời Chúa: Mc 1, 29-39
Hôm ấy vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Ðức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Ðức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
Suy nim:
Sốt không phải là một bệnh nan y.
Nhưng người bị sốt cao không dậy nổi, chỉ nằm thôi.
Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đến thăm nhà ông Simon
thì bà mẹ vợ ông đang sốt, nằm trên giường.
Ðức Giêsu đem niềm vui đến cho gia đình ông.
Ngài lại gần, nhẹ nhàng cầm lấy tay bà và nâng dậy.
Cơn sốt lui ngay khiến bà có thể đi lại phục vụ.
Một cơn bệnh đơn giản, một cách chữa bệnh đơn giản.
Ðức Giêsu chẳng nói một lời, chỉ làm một cử chỉ thân ái.
Ngài cầm lấy tay bà và nâng dậy,
như sau này Ngài cầm tay đứa con ông trưởng hội đường,
một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (x. Mc 5,41),
như sau này Ngài cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất,
nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (x. Mc 9,27).
Cầm tay, nâng dậy, để một người nằm có thể đứng lên.
Sức sống nào truyền qua cử chỉ cầm tay ấy?
Quyền năng nào nâng con người trỗi dậy?
Chúng ta cũng cần được Chúa cầm tay khi không dậy nổi,
cần được Chúa đưa tay ra nắm lấy khi gần chìm như Phêrô.
Khi mặt trời lặn là lúc kết thúc ngày sabát.
Người ta đem đến cho Ðức Giêsu bao người yếu đau đủ loại.
Căn nhà ông Simon hẹp quá khiến nhiều người phải đứng ngoài.
Không rõ bao nhiêu người được chữa lành chiều tối hôm đó.
Nhiều người đã có thể tự về nhà một mình...
Ðức Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại.
Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi,
chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.
Thế giới hôm nay vẫn phải đối đầu với bệnh tật.
Những bệnh nan y như ung thư, tim mạch, sida (aids), siêu vi...
Cần có những người làm vơi nhẹ nỗi đau như Ðức Giêsu.
Sau một ngày bận bịu và mệt mỏi,
Ðức Giêsu đã thức dậy sớm, khi các môn đệ còn ngủ say.
Ngài tìm được một chỗ cầu nguyện khá kín đáo.
Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Ðức Giêsu.
Ngài cần có thời gian rút lui, sống riêng tư một mình.
Ngài cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc,
về nỗi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan.
Ðức Giêsu thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ,
cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng.
Ngài cần gặp Cha vì Ngài là Con, và vì Ngài được Cha sai.
Ngài sống hết mình cho con người, cho đám đông,
nhưng Ngài cũng say sưa cầu nguyện và hoạt động.
Cầu nguyện đưa Ngài đến với con người,
hoạt động đưa Ngài đến với Cha.
Thành công ở Caphácnaum không làm Ngài dừng chân.
“Mọi người đang tìm Thầy”, mọi người vẫn cần Thầy.
Nhưng Ngài biết còn nhiều chỗ khác cũng đang rất cần.
“Hãy đi nơi khác”, Tin Mừng cần được gieo vãi ở mọi nơi.
Giữ được tính tự do và cơ động, Ðức Giêsu lại lên đường.
Cầu nguyn:
Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,
xin dạy chúng con thinh lặng
để ở một mình với Ngài,
trò chuyện, lắng nghe
và thấm nhuần Lời hằng sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,
biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,
biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,
để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,
để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,
để biết ca tụng Chúa
và đem lại an vui cho muôn người,
tránh mọi lời nói gây đớn đau, đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,
để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng
xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,
để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,
để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen.

(theo Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
****************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét