Trang

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

THỨ TƯ TUẦN II MÙA CHAY


Thứ Tư sau Chúa Nhật II Mùa Chay


Bài Ðọc I: Gr 18, 18-20
"Hãy đến, và chúng ta hành hạ nó".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Thiên hạ nói rằng: "Các ngươi hãy đến và chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia: vì tư tế không thiếu lề luật, người khôn ngoan không thiếu lời chỉ bảo, tiên tri không thiếu lời giảng dạy! Hãy đến, chúng ta hãy dùng lời nói mà tố cáo nó và đừng để ý đến các lời nó dạy".
Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con, và nghe tiếng quân thù của con! Làm lành mà phải gặp dữ sao, vì họ đào lỗ chôn con? Xin Chúa hãy nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 30, 5-6. 14. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17b).
Xướng: 1) Chúa dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. - Ðáp.
2) Con đã nghe thấy lũ đông bàn tán, nỗi sợ sệt gieo nặng khắp đôi nơi; cùng một lúc, chúng tụ họp phản đối con; chúng đã âm mưu sát hại mạng con. - Ðáp.
3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ge 2, 12-13
Chúa phán: "Vậy từ đây các ngươi hãy thật lòng quay về với Ta, vì Ta nhân hậu và từ bi".

Phúc Âm: Mt 20, 17-28
"Họ đã lên án tử cho Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: "Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại".
Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì". Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài". Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu cho chúng ta một mẫu gương là lòng khiêm tốn phục vụ và hy sinh vì người khác. Người là Con Thiên Chúa là thẩm phán tối cao có quyền xét xử cả thế gian. Nhưng Người đã tự hạ trở thành tôi tớ phục vụ mọi người. Sau cùng Người hy sinh cả tính mạng để cứu con người khỏi tội lỗi.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa kêu mời chúng con đi theo đường lối của Chúa là yêu thương và phục vụ, chứ không tìm vinh quang cho riêng mình. Xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận lời Chúa, và đổi mới con người chúng con trong tinh thần sám hối, để chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Amen.

Họ Ðã Lên Án Tử Cho Ngài

Tác phẩm nổi tiếng: "Quo vadis? - Thầy đi đâu?" của văn hào Henryk Sienkiewicz, người Công giáo nước Balan. Tác phẩm này đã được giải thưởng văn chương Nobel năm 1905, và đã được chọn để đóng thành bộ phim có cùng tựa đề: "Quo vadis? - Thầy đi đâu?" Câu chuyện được kể lại như sau:
Theo truyền khẩu giáo dân thời Giáo hội sơ khai, dưới thời hoàng đế Néron bách hại đạo Chúa dữ dội, thì thánh tông đồ Phêrô, thủ lãnh của Giáo hội quyết định bỏ trốn ra khỏi thành Rôma. Trong đêm tối, Phêrô bỗng khựng lại vì ông nhìn thấy từ xa một người có vẻ quen thuộc đang tiến ngược chiều về phía mình. Phêrô dụi mắt nhìn cho kỹ hơn và khi người đến gần thì ông hết sức vui mừng và ngạc nhiên hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Vậy người đang tiến lại ngược chiều với Phêrô là Chúa Giêsu, Ðấng đã chịu đóng đinh trên Thập Giá mấy mươi năm về trước. Chúa Giêsu ôn tồn trả lời cho Phêrô như sau: "Phêrô, vì con sợ gian khổ nên con chạy trốn, nên Thầy phải vào thành Rôma để chết thay con". Nói xong Chúa Giêsu biến mất. Phêrô hiểu ý bèn quay gót trở lại thành Rôma, chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin các tín hữu cho đến năm 67 thì bị bắt. Sau đó thánh Phêrô được diễm phúc đi lại trên con đường Thập Giá của Thầy mình. Không phải đường lên núi sọ ở Giêrusalem, nhưng là đường đến hí trường Calipoula trên đồi Vatican. Khi đến nơi, Phêrô cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy, nên đã xin phép cho được đóng đinh ngược đầu chúi xuống đất.
Anh chị em thân mến!
Tác phẩm và bộ phim cùng tên "Quo vadis? - Thầy đi đâu?" bộc lộ phản ứng tự nhiên của người đồ đệ Chúa Giêsu là tránh né đau khổ, mong được địa vị quyền hành, được ngồi bên hữu Chúa. Khi còn sống, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các đồ đệ con đường Thập Giá: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác Thập giá hằng ngày mà theo Ta". Thế nhưng lúc đó các ông không hiểu và tranh nhau, ganh tị với nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những phản ứng ngược chiều của các tông đồ trước biến cố Thập giá của Chúa. Chúa Giêsu đã trình bày lý tưởng của con đường Thập giá cho các môn đệ biết: "Này, Ta lên Giêrusalem, Con Người sẽ bị rơi vào tay các trưởng tế và các luật sĩ, họ sẽ luận xử tử Ngài. Rồi họ sẽ phó Ngài cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh, song ngày thứ Ba Ngài sẽ sống lại" (Mt 20,17-19). Nhưng các tông đồ thì nghĩ ngược lại: kẻ thì xin được ngồi bên tả, bên hữu Ngài. Kẻ thì ghen tị bất bình, vì muốn có phần vinh quang và quyền hành khi theo Chúa.
Chuyện đã xảy ra cho các tông đồ vào thời Chúa Giêsu cũng có thể xảy ra cho những kẻ tin Chúa ngày hôm nay. Có người muốn chọn con đường theo Chúa Giêsu với điều kiện không có Thập giá, nhưng cũng có kẻ lại chọn lấy Thập giá mà không có Chúa Giêsu Kitô. Sự đau khổ mà không có Chúa Kitô là một đau khổ không ý nghĩa cứu rỗi. Một sự đau khổ đè bẹp con người, một sự điên dại mà ai nấy đều muốn tránh xa.
Người đồ đệ đích thực không thể và cũng không nên tách rời Thập giá ra khỏi Chúa Giêsu Kitô. Những đau khổ và những hy sinh chỉ có ý nghĩa, nếu biết liên kết với Chúa Giêsu Kitô, được lãnh nhận vì Chúa và với Chúa Kitô mà thôi.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" giải thích thêm kinh nghiệm thiêng liêng này như sau: Ai cũng kính trọng những người được in năm dấu thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in năm dấu thánh trên mình bằng hy sinh. Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa bỏ mình vác Thánh giá thì chưa kể là theo Thầy được. Ðó là điều kiện tiên quyết để đi theo Thầy. Con nghĩ rằng: con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa thấy con bỏ qua nhiều dịp như: tươi cười với người nói móc họng con; thinh lặng trước một vụ vu cáo bất công; yêu thương một người phản bội; không nói một lời hóc búa, không trả đũa.
Mọi giây phút đều có dịp hy sinh. Con có uống nổi chén đắng của Thầy không? Con hãy thưa: con tình nguyện uống chén đắng đến giọt cuối cùng và là chén đắng của Thầy, vì Thầy đã uống trước con. Chén càng đắng, càng đầy thì chứng tích tình yêu của con càng rõ ràng. Ðó là chứng tích tình thương của Chúa muốn cho con chia sẻ với Ngài và cũng là dấu Chúa tín nhiệm con càng thắm thiết say nồng.
Chúa mời gọi tất cả và từng người đồ đệ hãy theo Ngài trên con đường Thập giá, nhưng không dừng lại ở đây. Vì ngày thứ ba Ngài đã sống lại trong vinh quang. Như vậy, đau khổ sẽ biến thành niềm vui và hy vọng. Chỉ có ai chấp nhận đi trọn con đường Thập giá với Chúa, vì Chúa, thì mới hưởng được niềm vui và bình an của Chúa Kitô Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin thương nâng đỡ con trên con đường theo Chúa và tha thứ cho những lần con đã làm mất lòng Ngài, tha thứ cho con những lần con đã làm cớ vấp phạm cho những người xung quanh xúc phạm đến Chúa.

Con Người đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20,28)
Suy niệm
Mở đầu đoạn Phúc Âm hôm nay là việc Chúa tiên báo về cái chết hy sinh chuộc tội của Chúa. Đây là lần thứ ba Chúa nói về nơi chết là Giêrusalem
– cách chết: bị nộp cho lương dân, bị đòn vọt và đóng đinh
– sau chết: Phục sinh.
Hãy thử tưởng tượng như nếu chúng ta biết trước mình sẽ trải qua những khổ nhục và phải chết tất tưởi như thế liệu chúng ta có đủ bình tĩnh mà làm được việc gì nữa không. Có khi còn chạy trốn. Còn Chúa Giêsu, Ngài vẫn bình tĩnh lập các Bí tích cũng như giảng dạy như thường việc gì tới sẽ tới. Ngài đương đầu với tử thần và Ngài đã chiến thắng chính sự chết bằng việc phục sinh.
Người ta tự hỏi tại sao Chúa không phán một lời đủ để cứu chuộc nhân loại cần gì phải chết đau thương nhục nhã như thế. Phải rồi đối với Thiên Chúa toàn năng Ngài làm được mọi sự, còn việc chịu chết đóng đinh đây là ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn như thế. Một lãnh tụ mà không chịu lăn lưng khổ nhục, không chịu đồng lao cộng khổ mà chỉ đứng chỉ tay năm ngón thì chẳng ai theo. Chúa Giêsu biết tâm lý ấy của nhân loại, cho nên Ngài chấp nhận cái chết đau thương. Cái chết đối với chúng ta là một chuyện bắt buộc, là hậu quả của tội tổ tông. Nhưng đối với Chúa, đó là một thứ tự do ưng thuận, là ý muốn của Thiên Chúa, chứ không là bắt buộc.
Dựa vào mạc khải chúng ta biết rằng bằng lòng chết như thế là vì tình yêu quá lớn lao của Ngài đối với loài người. “Không còn tình yêu nào to lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống cho kẻ mình yêu” (Ga 15,13), “Một Thiên Chúa thương nhân loại quá đỗi đến nỗi ban Con Một Mình cho nhân loại” để họ giết đi làm của ăn hằng sống. Đó là Thiên Chúa yêu thương đến cùng, đến giọt máu yêu thương cuối cùng (Ga 13,1).
Ngoài ra việc Chúa chết như thế là để đền tội nhân loại: “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đấy ơn lộc chứa chan” (Rm 5,20). Một trái đất chúng ta chỉ là một hành tinh bé nhỏ so với vũ trụ và những hành tinh khác. Trái đất bé hạt tiêu, trái đất nhỏ bé nhất nhưng cũng là nơi nhiều tội lỗi nhất. Từ dòng máu của Abel cho tới Gioan tiền hô, Chúa Giêsu và... tới đâu nữa, cho tận cùng phán xét.
Chúng ta tự hỏi xem cái chết của Chúa có ảnh hưởng gì đến chúng ta hôm nay không? Hay nói khác đi, cái chết của Chúa là do đâu? Phải chăng chính tội lỗi chúng ta cũng góp phần vào đó? Chúng ta có dám rửa tay như Philatô để tự biện hộ “ta vô can” (Mt 27,24). Nếu chúng ta coi cái chết của Chúa dửng dưng như mọi cái chết khác thì Ngài không thể cứu chuộc chúng ta đâu. Chúng ta biết đó: cái chết của Chúa là cái chết giải phóng.
- Chúa Giêsu chết để giải phóng nhân loại khỏi những ác quả của tội tổ tông và tội riêng đáng trầm luân mãi mãi. Thánh Phaolô nói thần chết là quyền lực mãnh liệt nhất và là kẻ thù cuối cùng của nhân loại, thế mà Chúa Kitô đã chiến thắng để dành lại sự sống thực. Nếu chúng ta có đồng ý theo Ngài thì chúng ta mới đạt tới sự sống như Ngài.
- Chúa Kitô chết để giải phóng nhân loại khỏi dục vọng nghĩa là ban sức phấn đấu, một thứ kháng độc tố đối với tội lỗi xác thịt (Rm 8,4).
- Chúa chết còn để giải thoát con người khỏi quyền lực của satan mờ tối. Satan được Chúa cho phép đóng một vai trò trong tấn bi kịch của luân lý nhân loại, bắt đầu từ cám dỗ Adong Eva đến tận thế.
Ước gì chúng ta hiểu được cái chết giá trị của Chúa.
Đồi Canvê nhuộm máu đào,
Cho muôn ơn thánh rớt vào tim con.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa kêu mời chúng con đi theo đường lối của Chúa là yêu thương và phục vụ, chứ không tìm vinh quang cho riêng mình. Xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận lời Chúa, và đổi mới con người chúng con trong tinh thần sám hối, để chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Amen.

 07/03/12 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Th. Pepêtua và Phêlixita, tử đạo
Mt 20,17-28

LỜI CẦU XIN CHO HÔM NAY

“Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả.” (Mt 20,21)

Suy niệm: Lo lắng tương lai cho con và nghĩ rằng Chúa sẽ lập một chính phủ, bà mẹ xin cho hai con được ngồi ‘bên hữu, bên tả trong Nước Chúa’. Nhưng Nước Chúa cần môn đệ chứ không cần quan chức. Chúa không lên danh sách chức danh, bổng lộc để ban phát, nhưng Ngài tuyển chọn một số môn đệ, huấn luyện họ rồi sai đi rao giảng Tin Mừng. Cơ chế ở đây, không phải là ‘xin-cho’ nhưng là ‘ở với-sai đi’. Cho nên điều bà mẹ xin ‘được ở bên tả bên hữu’ sẽ rất chính đáng nếu đó là lời xin cho hôm nay bởi vì lúc này họ rất cần ở với Chúa, gắn bó với Chúa, học hiểu giáo huấn của Chúa, dám uống chén đắng của Chúa để cùng Chúa cứu độ thế gian.

Mời Bạn: đi vào đời sống nội tâm để hằng ngày được ở với Chúa. Ở với Chúa không chỉ là hiện diện về thể lý nhưng với cả con người của bạn, sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa, sống thân mật với Chúa và làm theo ý Ngài.

Sống Lời Chúa: Đến với Chúa, tôi cởi bỏ tham vọng, quan điểm cá nhân để tôi nhìn thế giới với ánh mắt của Chúa, đi con đường của Chúa và rao giảng chân lý của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho được ngồi “bên tả bên hữu” Chúa ngày hôm nay nghĩa là khi Chúa đang “uống chén đắng” và vác thập giá. Cho con ở gần Chúa để con được thanh luyện khỏi những lây nhiễm thế gian hầu trở nên khí cụ Chúa dùng cho vinh quang Chúa. Xin cho con ở với Chúa để con hiểu rằng tư tưởng Chúa vượt quá trí hiểu con người, để con biết tin tưởng vào Chúa mà không tìm cậy dựa vào khả năng bản thân, để con được đổi mới, được Chúa sống và hành động trong con. Amen.




Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh nữ Perpêtua và Thánh nữ Feelicita, tử đạo; Gr 18, 18-20; Tin Mừng Mt 20, 17-28.
LỜI SUY NIỆM: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sự. Họ sẽ kết án tử Người, sẽ nộp cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,18-19).
          Chúa Giêsu lên Giêrusalem với Nhóm Mười Hai. Ngài tiến về Thập Giá mà Ngài đã nhìn thấy tất cả những sự gian ác nhất trên trần gian này sẽ được con người giáng xuống trên thân thể và tâm hồn của Ngài. Phẩm giá của Ngài sẽ bị con người đủ mọi thành phần trong tôn giáo cũng như người ngoại chà đạp,sỉ nhục và mạ lỵ. Những điều này Ngài sẵn sàng nhận lấy vì yêu thương nhân loại chứ không phải là một sự mắc bẩy của con người. Tuy nhiên Lời Ngài không chấm dứt ở đó. Ngài loan báo sự Phục Sinh của Ngài. Sau Thương Khó là Phục sinh. Đời sống của người Ki-tô hữu của chúng ta cũng phải biết đón nhận Thánh Giá để lãnh lấy triều thiên.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 07-03:
Thánh PERPÊTUA Và PHÊLIXIA
Tử đạo (thế kỷ III)
Perpêtua và Phêlixita, cùng với các bạn chịu chết với các Ngài năm 203 tại Carthage, là những khuôn mặt sống động đặc biệt trong số các thánh tử đạo vào các thế kỷ đầu. Chúng ta có được những tường thuật chính xác về cuộc tử đạo của các Ngài nhờ vào tài liệu đương thời, bao gồm những nhật ký của chính thánh Perpêtua, một trang sử của vị tử đạo khác và một câu chuyện do nhân chứng đầu tiên, có lẽ là Tertulianô viết lại.
Dưới cuộc bách hại của Septimô Sêvêrô. Một phụ nữ trẻ thuộc gia đình danh giá tên là Vibia Perpêtua đã bị bắt cùng với hai thanh niên là Saturnunô và Secundôiô, với hai người nô lệ là Revecatô và Phêlicitê. Tất cả đều đang học với một giáo dân tên là Saturô. Thấy các học viên của mình bị bắt, Saturô cũng tự nộp mình để khỏi phải xa lìa họ.
Cha của Perpêtua là một người thờ ngẫu tượng nài nỉ con mình trung thành với ngoại giáo. nhưng chỉ vào một cái bình, thánh nữ trả lời : - Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng cái tên nào khác hơn là cái bình không ? Đối với con cũng vậy con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Kitô hữu.
Người cha liền lao vào con như muốn móc mắt và ông đánh đập Perpêtua tàn nhẫn. Rồi ông rút lui. Nhiều ngày sau thánh nữ không gặp lại ông. Trong những ngày đó Perpêtua cùng với các bạn còn đang dự tòng đã được rửa tội.
Khi người ta dìm vào nước, thánh nữ đã chỉ nguyện xin một lời này là: được sức mạnh để chịu đựng nên các đau khổ của cuộc tử đạo. Bây giờ họ bị dồn chung vào một phòng chật hẹp tối om. Đút lót tiền bạc, họ được rộng rãi hơn một chút, Perpêtua mẹ của một đứa bé còn đang bú đã phải đau khổ nhiều vì xa con. Đứa bé kiệt sức. Người ta trả nó lại cho mẹ và người mẹ vui sướng quên hết mọi đau đớn. Ngục tù đã trở nên cung diện đối với Ngài. Các thi kiến thánh nữ được thấy, an ủi Ngài nhiều và nâng cao niềm hy vọng của Ngài ngay khi còn ở trần gian này.
Người ta biết rằng: các tù nhân sắp bị xét xử. Người cha của Perpêtua thất vọng. Ông đến thăm con gái mình và thốt ra những lời van xin nghe muốn đứt ruột: - "Con ơi, hãy thương mái tóc bạc của cha, hãy thương cha. Hãy nhớ tới đôi tay cha đây đã dưỡng nuôi con. Hãy tưởng tượng tới mẹ con, anh em con, con của con nữa, không có con nó sống sao được. Bỏ đi con, điều dốc quyết làm cho chúng ta mất tất cả".
Tất cả điều này thật là độc dữ đối với Perpêtua. Thánh nữ nói:- Thưa cha, tại tòa án sẽ xẩy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình.
Người cha còn cho người đem đứa trẻ tới năn nỉ lần nữa :- Hãy thương đến con của con.
Trong khi đó các tù nhân tuyên bố rằng họ đều sẵn sàng hy sinh tất cả cho Thiên Chúa. Họ bị giải tới nhà tù gần hí trường, Perpêtua đã cầu nguyện ngày đêm cho một người em chết vì ung thư. Trong một thị kiến Ngài đã thấy nó trong một nơi tối tăm, bây giờ lên một nơi ngập đầy ánh sáng.
Phêlicitê hạ sinh một đứa con trai. Khi Ngài rên xiết vì đau đớn, một người lính gác ngục chế nhạo người rằng: - Nếu không chịu nổi đau đớn lúc này, làm sao cô chịu nổi các thú dữ ?
Phêlicitê trả lời: - Hôm nay tôi khổ vì tôi nhưng khi tôi chết vì đạo, sẽ có một người khác trong tôi chịu khổ cho tôi, bởi vì tôi chịu cực khổ vì Ngài.
Trong khi chờ đợi cái chết độc dữ đã được dành sẵn, các tù nhân vẫn giữ được cái tính hài hước lành mạnh và vui tươi của họ, thánh Perpêtua nói: - Còn sống chúng ta luôn vui tươi, trong cuộc sống khác, chúng ta sẽ hân hoan mãi.
Ngày vui chơi đến, họ phải diễn trò cho thiên hạ. Người cha của Perpêtua tàn héo vì sầu muộn, nhưng thánh nữ luôn có thị kiến. Khi các thánh tử đạo tiến vào hí trường, các Ngài tỏ vẻ vui tươi phấn khởi. Perpêtua thì ca hát. Trước mặt dân chúng, Ngài đã trả lời quan tòa: - Ngài xét xử chúng tôi, nhưng Thiên Chúa xét xử Ngài.
Quan tòa truyền đánh đòn các Ngài, nhưng các Ngài lại cảm thấy hạnh phúc vì được giống Chúa Kitô thày mình. Thú dữ được thả ra, những người trẻ bị cắn xé, Perpêtua và Phêlicitê bị lột áo. Các Ngài đòi lại và người ta chấp nhận cho các Ngài đặc ân này. Các Ngài bị gói vào trong một cái lưới. Một con bò cái hung hãn xông vào Perpêtua, hất tung Ngài lên trời, rớt xuống đất Ngài vẫn còn sống và Ngài cúi nhìn người nữ tì Phêlicitê của mình đang nằm sõng sượt trên mặt đất, và giúp nàng chỗi dậy. Dân chúng trong một lúc hết hung hăng đã xin trả tự do cho các vị tử đạo. Perpêtua tin rằng: mình vừa thức dậy từ một cơn mơ. Phải thấy những vết thương đã chịu, Ngài mới tin là sự thật, Ngài nói với Rusticus và em mình rằng: - Hãy vững tin, đừng kinh ngạc vì những đau khổ của chúng tôi.
Đám dân chúng dễ bị khích động và thất thường lại đòi giết những người này. Ngài hôn chuc bình an và đưa thân cho lý hình. Người phải giết Perpêtua run rẩy, lưỡi gươm của anh ta trật đường, làm bị thương bên sườn Ngài. Chính Perpêtua phải hướng dẫn tay của lý hình và giúp đỡ để hắn đẩy mũi giáo vào cổ họng mình.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
07 Tháng Ba
Dachau

Dachau: đó là một địa danh mà dân Âu châu không bao giờ xóa bỏ khỏi ký ức của họ. Nơi tập trung và sát hại hàng triệu người Do Thái dưới thời Ðức Quốc xã, Dachau vừa là hỏa ngục của hận thù, độc ác nhưng cũng là khung trời rực sáng những vì sao của yêu thương, tin tưởng.
Edmond Michelet, văn sĩ Pháp bị giam tại đây và sau này trở thành bộ trưởng Tư Pháp, đã viết lại ký sự của những ngày bị giam trong địa ngục Dachau. Ông kể lại rằng: mỗi buổi sáng, các linh mục bị giam tù lén lút cử hành Thánh lễ. Các tù nhân Công giáo, bất chấp mọi đe dọa đến mạng sống, chen chúc sát cánh bên nhau để tham dự Thánh lễ.
Phẩm phục của linh mục chủ tế chỉ là một mảnh áo tù rách rưới thảm thương. Cái tách uống nước được dùng làm chén thánh, hộp thuốc ho được dùng làm bình đựng bánh lễ.
Sau Thánh lễ, một số người được chia công tác mang Mình Thánh đến cho những người đang hấp hối được giam riêng trong phòng đặc biệt... Edmond Michelet kể lại rằng: hình ảnh ông vẫn luôn ghi nhớ đó là nụ cười rạng rỡ của những người đang tiến đến cõi chết.
Vào khoảng cuối năm 1944, một nghi lễ đặc biệt đã diễn ra ngay trong trại Dachau. Một phó tế người Ðức, bị lao phổi, đang hấp hối... Các linh mục đang bị giam bèn nghĩ đến chuyện phong chức linh mục cho thầy... Một vị giám mục cùng bị giam đã chấp thuận tiến hành nghi thức. Người ta làm mọi cách để che mắt người lính canh. Một người Do Thái đã chấp nhận chơi đàn vĩ cầm để đánh lạc hướng sự chú ý của công an, vị giám mục người Pháp, trong bộ đồng phục rách rưới của tù nhân, đã phong chức linh mục cho một chủng sinh người Ðức.
Vị tân linh mục đã cử hành Thánh lễ đầu tiên ít ngày sau đó. Và đó cũng là Thánh lễ cuối cùng của Ngài... Trong quyển nhật ký của Ngài, người ta đọc thấy hai chữ: Tình Yêu, Ðền Bù...
Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chân lý này sáng ngời một cách mãnh liệt ngay trong những nơi mà hận thù chết chóc ngự trị như luật tối thượng của cuộc sống. Hận thù càng dâng cao, chết chóc càng đe dọa người ta càng thấy những tấm gương của hy sinh, xả kỷ và tin tưởng.
Dạo tháng 6 năm 1989, một số linh mục, giám mục người Ba Lan đã hành hương đến trại tập trung Dachau để kỷ niện 50 năm ngày thế chiến thứ hai bùng nổ và nhất là để tưởng niệm gương hy sinh của gần 3,000 linh mục thuộc 9 quốc tịch khác nhau bị giam giữ tại đây. Trên ngôi mồ chôn lớn nhất, một Thánh lễ đã được cử hành không phải để gợi lại hận thù, nhưng họ còn được mời gọi để chỉ thấy Yêu Thương và tha thứ giữa hận thù.
Ðó cũng chính là lời mời gọi của Ðức Kitô trong Thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày. Chúng ta không tưởng niệm những độc ác dã man trong cái chết của Chúa, chúng ta không gợi lại hận thù trong cuộc tử nạn của Ngài, nhưng chỉ nhìn thấy Yêu thương và tha thứ vô bờ của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy chỉ nhìn thấy yêu thương và tha thứ giữa hận thù, hãy múc lấy yêu thương và tha thứ để đáp trả lại hận thù...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lãnh đạo bằng phục vụ và chịu đau khổ

Bài đọc: Jer 18:18-20; Mt 20:17-28.



Con người ham quyền hành, chức tước, và địa vị quan trọng trong xã hội; vì khi họ nắm quyền hành, họ sẽ được ra lệnh; khi có chức tước, họ sẽ được mọi người biết tới; và khi làm lớn, họ sẽ được dân chúng hầu hạ. Để đạt được những điều này, nhiều người đã dùng mọi cách để có ưu thế trước, ngay cả việc dùng những thủ đọan để hạ bệ người khác. Điều này được coi là thông thường với các nhà lãnh đạo thế gian, nhưng bị Thiên Chúa ngăn cấm với các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Các Bài đọc hôm nay xoay quanh hai cách lãnh đạo khác nhau này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah khó chịu khi làm việc lành cho dân, đã không được họ biết ơn thì chớ, lại còn bị các nhà lãnh đạo trong dân hội họp nhau, để lập mưu hãm hại ngài. Trong những trường hợp như thế, nhà lãnh đạo tôn giáo dễ nản chí, bỏ cuộc, và ngay cả xin Thiên Chúa báo thù. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu loan báo Cuộc Khổ Nạn sắp tới của Ngài lần thứ ba, người mẹ của hai môn đệ Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho hai con được “một đứa ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu trong Nước Chúa.” Điều này gây chia rẽ giữa các môn đệ. Chúa Giêsu phải dạy dỗ để các ông hiểu cách lãnh đạo của người môn đệ Chúa: phải phục vụ mọi người và hy sinh chịu gian khổ.

I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lấy óan đền ơn.

1.1/ Người ngôn sứ phải chịu bắt bớ đau khổ: Điều này hiển nhiên, vì họ phải nói những gì Thiên Chúa nói; và những điều Thiên Chúa nói, nhiều khi là những điều con người không thích nghe. Các ngôn sứ giả nói những điều thiên hạ muốn nghe, nên được mọi người yêu thích. Còn Jeremiah, ông phải nói những gì thiên hạ không muốn nghe như loan báo: chiến tranh, phá hủy và lưu đày. Vì thế, không lạ gì mà ông phải chịu đau khổ. Họ nói với nhau: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Jeremiah. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết; thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến; thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói." Họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự xảy ra trong trời đất: họ có thể làm cho Jeremiah chịu đựng đau khổ, nhưng không ngăn cản được những gì Thiên Chúa sắp đổ xuống trên họ.

1.2/ Người ngôn sứ dễ mất kiên nhẫn khi phải đương đầu với bạc bẽo, vong ân: Qua đời sống của các tiên tri, chúng ta học được bài học đau khổ của các ngài: một đàng vì thương dân, không muốn dân phải chịu đau khổ, nên cầu nguyện để xin Thiên Chúa thương xót, và đừng đổ đại họa xuống trên dân; một đàng tức giận vì sự ngoan cố của họ, đã không chịu ăn năn trở lại, mà còn tính kế lập mưu để làm hại những người thương yêu lo lắng cho họ. Tiên tri Jeremiah bày tỏ sự bất mãn của ông với dân lên Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng.
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.”

2/ Phúc Âm: Tham quyền và củng cố địa vị.

2.1/ Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ: Người Do-Thái, trong đó có các Tông-đồ, và ngay cả chúng ta, không thể nào hiểu nổi thánh ý của Thiên Chúa. Họ và chúng ta không thể nào hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa quyền uy không dùng sức mạnh để cứu độ, mà lại chọn con đường gian khổ để cứu độ con người! Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ ý định của Thiên Chúa, các môn đệ không hiểu và cũng không muốn chấp nhận con đường này. Tại sao Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ?

(1) Ngài muốn gánh hình phạt của cả nhân lọai trên vai: Tiên tri Isaiah đã loan báo trước: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta … Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Isa 53:4-5).

(2) Con người dễ bị cảm hóa bởi tình yêu hơn lệnh truyền: Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa truyền qua Lề Luật; nhưng con người vẫn vi phạm. Trong Tân Ước, Thiên Chúa muốn con người nhìn thấy Chúa Giêsu chịu gian khổ, để con người hiểu tình yêu của Ngài dành cho họ; để họ yêu mến Ngài. Khi con người cảm nghiệm được tình yêu, họ sẽ biết sống tốt đẹp.

2.2/ Người mẹ của môn đệ muốn quyền hành cho hai con mình: Điều bà mẹ của Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cũng dễ hiểu, nếu xét theo tiêu chuẩn con người; vì có bà mẹ nào không muốn con cái mình có một tương lai yên ấm! Hơn nữa, nếu con được yên ấm, mẹ cũng được hưởng nhờ. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn cắt nghĩa cho Bà: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi." Vì ham muốn chức quyền, nên họ trả lời “Có!” Nhưng nếu hiểu rõ “chén đắng” mà Chúa Giêsu sắp uống là Con Đường Khổ Nạn của Ngài, chưa chắc họ dám trả lời với Ngài như vậy. Các nhà lãnh đạo tinh thần cũng phải noi gương Chúa Giêsu, phải kiên nhẫn cắt nghĩa và làm cho dân chúng hiểu những gì quá sức họ.

2.3/ Mười môn đệ khác tức tối với hai anh em đó: Khó chịu khi thấy người khác hơn mình là điều thường xảy ra cho tất cả mọi người, vì ai cũng muốn làm lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nhiều thiệt hại và đổ vỡ trong cộng đòan. Nếu không biết cách sửa chữa kịp thời, cộng đòan sẽ có nguy cơ tan rã. Nhận ra sự nguy hại của điều này, Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.”

Chúa Giêsu muốn các môn đệ sự khác biệt giữa hai lý tưởng và hai cách lãnh đạo. Lý tưởng khác thì các lãnh đạo cũng phải khác. Lý tưởng của các môn đệ Chúa là đưa mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải để đạt được uy quyền danh vọng ở đời này; nên cách lãnh đạo của họ cũng phải khác, họ phải phục vụ và hy sinh chịu gian khổ để người khác được cứu độ. Chúa Giêsu dùng chính gương của Ngài để làm ví dụ cho các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Lòng ham muốn quyền hành, chức tước, và địa vị, xâm nhập khác nơi; ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo và trong gia đình. Người môn đệ Chúa phải đề phòng những ham muốn này; nếu không, họ sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu, và ngay cả bỏ lý tưởng đang theo đuổi.

- Chúa Giêsu truyền: Nhà lãnh đạo tôn giáo phải khác với những nhà lãnh đạo khác, vì mục đích của hai bên khác nhau. Họ phải hy sinh phục vụ và chịu đựng gian khổ để đưa con người về với Chúa, chứ không phải để đạt những lợi lộc vật chất ở đời này.

Anthony Đinh Minh Tiên, OP.




Suy niệm:  
Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị. 
Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế. 
Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời. 
Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn, 
đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả, 
và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.
Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai. 
Vẫn là chuyện những cái ghế. 
Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy 
khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa. 
Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi 
Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình. 
Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không. 
Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ. 
Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?
Các người không biết các người xin gì! 
Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi. 
Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ: 
quyền lực, tiếng tăm, vinh dự… 
Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”
Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai 

về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài, 
khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống. 
Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang. 
Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không, 
nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi. 
Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ, 
nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình, 
đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.
Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra 
cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. 
Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời, 
khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25). 
Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời. 
Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời: 
kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27). 
Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28). 
Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy. 
Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình, 
cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).
Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không 
nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?
Cầu nguyện:  
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 Ngày 07
Các nữ thánh Fêlicita và 
Perpêtua, tử đạo
 

Thánh Giuse là con người kiên trì trong thần vụ (Lectio divina):cụ thể, sông động. Chỉ nơi đó sự hiện sinh của Kitô hữu mới thật hưởng trọn vẹn: cuộc xuâ't hành giúp họ bước từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ ông Môisen đêh Đức Giêsu. Mỗi ngày, họ giải mã, họ nhận ra Đức Giêsu. Họ nhìn Người, quan sát Em Bé này. Cái nhìn của họ kinh ngạc, chiêm ngắm, thinh lặng trước Ngôi Lời hóa thành xác thể, và trú ngụ trong lịch sử.
Thánh Giuse tuân giữ vào lời đã được gởi gấm cho ngài để gìn giữ, để đổng hành với Người: cha nuôi, thánh Giuse để Đức Giêsu nói: ngôn ngữ của Thiên Chúa, hóa thành con người: con Thiên Chúa, con của Giuse. Không bao giờ tìm cách để làm cho Người gọi mình: Abba, cha ơi (Rm 8,15). Ngài biết: chỉ có Thiên Chúa là Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô. Nhưng khi trẻ Giêsu đã gọi trước mặt ngài, Cha ơi. Ôi một niềm vui nghèo nàn, một thử thách cho niềm tin yếu kém. Thánh Giuse quên mình đi và Thiên Chúa không hờn giận được: trong Thánh Thần, Giuse là cha của Người Con được chúc phúc.
"Còn trẻ, nhưng làm sao giữ được con đường thanh sạch?" Thật đơn sơ và dễ dàng: hãy nhìn lên Mẹ, hoàn toàn trinh khiết, thánh thiện, đẹp tuyệt vời, Mẹ được chúc phúc: Maria. "Giuse! Đừng sợ đón bà về nhà mình" (Mt 1,20).




Thánh Perpetua và Thánh Felicity

(c. 203?)


Trong những truyền thuyết mù mờ về đời sống các vị tử đạo tiên khởi, may mắn chúng ta vẫn còn được tài liệu về sự can đảm của Thánh Perpetua và Felicity từ chính nhật ký của Thánh Perpetua, của giáo lý viên Saturus, và các chứng nhân. Văn bản này, thường được gọi là "Sự Tử Ðạo của Perpetua và Felicity," được nổi tiếng trong các thế kỷ đầu tiên đến nỗi văn bản ấy đã được đọc trong phụng vụ.
Vào năm 203, Vibia Perpetua quyết định trở nên một Kitô Hữu, mặc dù ngài biết điều đó có thể dẫn đến cái chết trong thời kỳ bách hại của Septimus. Một người em trai của ngài cũng noi gương và trở nên người dự tòng. Cha của ngài cuống cuồng lo âu và ông cố gắng thay đổi ý định của ngài. Sự lo âu của ông thì dễ hiểu, vì một phụ nữ 22 tuổi, hăng say và có học thức như Perpetua thì không có lý do gì lại muốn chết -- chưa kể ngài còn có một đứa con mới sinh.
Nhưng thái độ của Perpetua thì rất rõ ràng. Ngài chỉ tay vào một bình đựng nước, và hỏi cha ngài, "Cha có thấy cái bình đó không? Cha có thể gọi nó một cái tên nào khác với bản chất của nó không?" Người cha trả lời, "Dĩ nhiên là không." Và Perpetua thản nhiên tiếp lời, "Con cũng không thể gọi con bằng một cái tên nào khác hơn là bản chất của con -- một Kitô Hữu." Câu trả lời đã làm người cha bực mình và ông đã tấn công chính con mình. Nhật ký Perpetua kể cho chúng ta biết, sau biến cố ấy ngài phải sống tách biệt với cha ngài trong vài ngày, và sự tách biệt ấy đã đưa đến sự bắt bớ và tù đầy của chính ngài.
Perpetua bị bắt với bốn người dự tòng khác, kể cả hai người nô lệ là Felicity và Revocatus. Người dạy giáo lý cho các ngài là Saturus đã bị bắt trước đó.
Nhà tù đầy chật người đến nỗi họ ngộp thở vì nóng nực và không có một chút ánh sáng. Quân lính thì xô đẩy họ không một chút xót thương. Perpetua thật khiếp sợ, nhưng trong tất cả những sự ghê rợn ấy, điều đau khổ lớn lao nhất của ngài là phải xa cách đứa con thơ.
Người nô lệ trẻ tuổi là Felicity lại càng đáng thương hơn nữa, vì ngài đang mang thai tám tháng và phải sống trong cái nóng nực, chen chúc, và thô bạo ấy.
Hai phó tế phục vụ tù nhân đã đút lót lính canh để các ngài được ở chỗ tốt nhất trong nhà tù. Ở đó, mẹ và em của Perpetua đã đến thăm và đưa con đến cho ngài. Khi được phép giữ con trong tù, ngài cảm thấy "nhà tù trở nên như cung điện". Cha ngài lại nài nỉ ngài thay đổi ý định, ông hôn tay ngài và ngay cả quỳ dưới chân ngài. Perpetua nói với ông, "Chúng ta không thể dựa vào quyền thế của chúng ta, nhưng quyền thế của Thiên Chúa."
Trong khi ngài bị đưa ra xét xử, cha ngài cũng đi theo, nài nỉ quan tòa. Vì thương hại, quan tòa cũng cố thay đổi ý định của Perpetua, nhưng ngài vẫn cương quyết, và cùng với các người khác, ngài bị kết án tử hình bằng cách ném cho thú dữ ăn thịt trong đấu trường.
Trong khi đó Felicity cũng rất đau khổ. Theo luật lệ, giết người phụ nữ mang thai là điều trái phép. Giết hài nhi trong bụng mẹ là đổ máu người vô tội và linh thiêng. Trong khi đó, Felicity lại lo rằng ngài không kịp sinh con trước ngày tử đạo, và các bạn ngài sẽ bước vào vinh quang ấy mà không có ngài.
Hai ngày trước khi bị hành quyết, Felicity đau đớn chuyển bụng. Bọn lính canh chế diễu, nhục mạ ngài và nói, "Nếu đau đớn bây giờ mà còn chịu không nổi, thì làm sao đương đầu với thú dữ?" Felicity điềm tĩnh trả lời, "Bây giờ tôi là người phải chịu đau khổ, nhưng trong đấu trường, một Ðấng khác sẽ ở trong tôi, chịu đau khổ dùm tôi vì tôi đã chịu đau khổ vì Ngài." Felicity sinh hạ một bé gái kháu khỉnh và được một Kitô Hữu ở Carthage nhận làm con nuôi.
Vào ngày hành quyết, bốn bổn đạo mới và giáo lý viên bước vào đấu trường với niềm vui và sự bình thản. Khi dân chúng đòi hỏi Perpetua và các bạn ngài phải mặc y phục dành cho việc thờ cúng tà thần, Perpetua đã đối chất với các lý hình. "Chúng tôi tự ý chịu chết để được tự do thờ phượng Thiên Chúa của chúng tôi. Chúng tôi đã trao mạng sống cho các ông thì không có lý do gì chúng tôi phải thờ lạy thần thánh của các ông." Và các ngài đã được phép mặc quần áo của mình.
Những người đàn ông thì bị tấn công bởi gấu, beo và heo rừng. Các phụ nữ thì bị bò dại tấn công. Perpetua, dù bị tan nát và rối bời, ngài vẫn nghĩ đến các bạn và chạy đến giúp Felicity đứng dậy. Cả hai đã đứng cạnh nhau khi bọn lính cắt cổ tất cả năm vị tử đạo.
Lời Bàn
Không chỉ những Kitô Hữu thời xa xưa mới bị bách hại vì đức tin. Hãy nhìn đến trường hợp của cô Anne Frank, một thiếu nữ Do Thái, đã cùng với gia đình trốn tránh và sau cùng phải chết trong trại tử thần của Hitler thời Thế Chiến II. Cô Anne, cũng như Thánh Perpetua và Filicity, đã chịu thử thách và đau khổ, và sau cùng chịu chết vì tận hiến cho Thiên Chúa. Trong nhật ký, cô Anne viết, "Ðối với những người trẻ như chúng tôi, đó là sự khó khăn gấp bội khi phải giữ vững vị thế và lập trường của mình trong quãng thời gian mà mọi lý tưởng đều rạn vỡ và tiêu tan, khi con người lộ ra bộ mặt xấu xa nhất, và không biết có nên tin vào chân lý, sự chính trực và Thiên Chúa hay không."
Lời Trích
Lời sau cùng Perpetua nói với em mình là: "Hãy giữ vững đức tin và yêu thương tha nhân."
Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét