Ý NGHĨA VÀ GIÁO HUẤN QUA CÁC BÀI ĐỌC CỰU ƯỚC
TRONG ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA
Phêrô
Phạm Duy Khánh
Dẫn nhập
Đêm sáng
hơn chính ngọ;
Đêm, ban ngày kém thua;
Đêm trắng hơn tuyết;
Đêm hơn đuốc soi;
Đêm thiên đàng thua thiệt;
Đêm miệt thị bóng đen;
Đêm cơn mê dừng chân chua chát;
Đêm bát ngát bên các thiên thần;
Đêm khiếp nhược bao thần vương quỷ lực;
Đêm trân quý ngóng đợi suốt muôn niên;
Đêm ngọn đuốc Tân Lang soi khắp cõi;
Đêm niềm tin tân tòng được ấp ôm;
Đêm khử trừ muôn tội luỵ;
Đêm Trưởng Tử gom quyền thừa kế;
Vào gia sản không bao giờ mai một.[1]
Việc tưởng niệm
Chúa Kitô chịu chết và sống lại đạt tới điểm cao nhất trong Đêm Vượt Qua, là
đêm thánh của người Kitô hữu. Lịch sử ghi nhận trong những thế kỷ đầu, các tín
hữu đã cử hành đại lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ bằng những lễ nghi đặc
biệt. Và như lời Thánh Âu-tinh nói, cuộc họp của đêm nay là “mẹ của hết mọi buổi canh thức phụng vụ”[2]. Chúa Kitô
đã dạy các môn đệ phải canh thức để đợi chờ Tân Lang đến, vì thế người Kitô hữu
có dành một phần ban đêm để cầu nguyện thì cũng là chuyện chính đáng. Nhưng
không có đêm nào thích hợp cho một cuộc họp mừng phụng vụ bằng Đêm Vượt Qua.
Khi cử hành cái chết và cuộc phục sinh của Đức Kitô, Hội Thánh không chỉ nhắc
nhớ một biến cố lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Hội Thánh cử hành “theo cách
bí bích” mầu nhiệm cứu độ[3] và, khi gợi lại cái chết và cuộc phục
sinh của Đức Kitô, Hội Thánh hiện tại hoá hiệu năng mầu nhiệm của cái chết và
cuộc phục sinh ấy[4].
Đêm nay là đêm cực thánh: đây là đêm dân Israel ăn thịt chiên và được cứu
thoát, là đêm họ đi bộ qua Biển Đỏ; đây là đêm Chúa Kitô đạp tan xiềng xích tử
thần và từ âm phủ khải hoàn đi lên; đây còn là đêm Hội Thánh, ngay từ buổi đầu
vẫn chờ mong Chúa trở lại. Trong đêm nay Giáo hội cử hành biến cố Chúa sống lại,
đồng thời cũng nhắc nhớ mọi tín hữu rằng họ đã được sống lại với Chúa Kitô qua
bí tích thanh tẩy.
Phụng vụ Đêm Canh Thức Vượt Qua gồm 4 phần:
Phần I: Cử hành mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, bao gồm:
- Làm phép lửa
- Thắp nến Phục Sinh
- Rước nến Phục Sinh
- Công bố Tin Mừng Phục Sinh
Phần II: Phụng vụ Lời Chúa
Phần III: Phụng vụ Thánh Tẩy
Phần IV: Phụng vụ Thánh Thể
1. Khái quát về Phụng vụ Lời
Chúa trong Đêm Vọng Phục sinh
Phần Phụng vụ Lời
Chúa được cử hành trong Đêm Canh Thức bao gồm nhiều bản văn. Điều đó cũng là hữu
lý, vì đêm nay, người tín hữu dành nhiều thời gian để lắng nghe những lời Sách
Thánh, đặc biệt là các sách Cựu Ước.[5] Qua những trình thuật này, người tín hữu
được mời gọi nhìn lại hành trình lịch sử cứu độ, lịch sử của niềm tin. Đó là điều
“Thiên Chúa muốn qui tụ chúng ta
để mừng mầu nhiệm Vượt Qua bằng cách cho chúng ta lắng nghe Kinh Thánh”[6]. Để được
như thế, phần Phụng vụ Lời sẽ chiếm nhiều thời gian. Đây chính là khoảnh khắc
tuyệt hảo trong đó dân được qui tụ canh thức và cầu nguyện chung trong tâm tình
đợi chờ Chúa của mình.
Việc chọn các bài đọc
Sách Thánh dành cho Đêm Canh Thức cũng trải qua lịch sử lâu dài. Thoạt đầu, những
tài liệu xưa ghi lại rằng người ta đọc 12 trích đoạn Cựu Ước cùng với những bài
Thánh vịnh và các lời nguyện.[7] Sách Lễ Rôma (1570) vẫn còn dấu vết
xưa với thứ tự 12 bài đọc Cựu Ước (St 1,1 – 2,2 ; St 5,31 ;6,1-7.13-22;
7,6.11-14.18-24; 8,1-3.6-12.15-21 ; St 22,1-19 ; Xh 14,24 – 15,1 ; Is 54,17 –
55,11 ; Br 3,9-38 ; Ed 37,1-14 ; Is 4,1-6 ; Xh 12,1-11 ; Gn 3,1-10 ; Đnl
31,22-30 ; Đn 3,1-24).[8] Mọi sự chỉ được thay đổi với sự canh
tân phụng vụ của Đức Thánh cha Phaolô VI vào năm 1970. Phần phụng vụ Lời Chúa
hiện nay gồm 9 bài đọc sách thánh (St 1,1-2,1 ; St 22,1-18 ; Xh 14,15-15,11 [bài
này không bao giờ được bỏ] ; Is 54,5-14 ; Is 55,1-11 ; Br 3,9-15.32 -
4,4 ; Ed 36,16-17a.18-28 ; Rm 6,3-11 và bài Tin mừng). Con số các bài đọc Cựu Ước
được rút lại còn bảy. Thế nhưng ý nghĩa của chúng vẫn không thay đổi. Điều này
được thể hiện qua Thư Luân Lưu nhân dịp đại lễ Phục Sinh 1988 của Thánh bộ Phụng
tự. Trong lá thư này, Thánh bộ nhấn mạnh: “Nơi
nào có thể được, nên đọc tất cả các bài phụng vụ Lời Chúa để thấy được tính chất
riêng biệt của đêm Canh Thức Vượt Qua, điều đó đòi hỏi nhiều thời gian nhưng sẽ
được đền bù xứng đáng”.[9]
2. Các Bài đọc - Hành trình
giáo huấn về các mầu nhiệm
Trong những bài đọc Cựu Ước, bài trình thuật việc Israel ra khỏi
Aicập, vượt qua Biển Đỏ chiếm một địa vị quan trọng (bài đọc 3), vì sự cứu
thoát của Israel chính là biến cố tiên báo việc cứu độ nhân loại trong Đức
Kitô. Tuy nhiên Phụng vụ Lời Chúa chỉ đạt tới cao điểm trong bài Tin Mừng tường
thuật sự sống lại của Đức Kitô (bài đọc 9). Trước đó, Thánh Phaolô cho biết,
như mỗi tín hữu đã chết và sống lại với Đức Kitô trong phép Rửa thì mỗi tội
nhân cũng phải được chôn táng và tắm gội trong giếng của phép Rửa, ngõ hầu khi
ra khỏi đó họ sẽ sống như một thụ tạo mới (bài đọc 8). Đi vào chi tiết người ta
sẽ thấy mỗi bài đọc đều nói lên một biến cố cứu độ, thường là của Cựu Ước,
nhưng lại tiên báo những sự việc sẽ được thực hiện trong Tân Ước.
Nhưng trước khi đi vào tìm hiểu ý nghĩa và giáo huấn có tự nơi mỗi
bài đọc, ta cùng tìm hiểu xem lý do mà Hội Thánh chọn đọc những đoạn Kinh thánh
Cựu Ước này mà không chọn đọc những đoạn khác. Qua đó ta sẽ thấy điểm nhấn mà Hội
Thánh muốn con cái mình lãnh hội đang khi họ canh thức mừng mầu nhiệm Vượt Qua
của Chúa chúng ta.
Theo các nhà nghiên
cứu phụng vụ, việc chọn lựa theo lối hiện hành không phải là được thực hiện tuỳ
tiện, nhưng đã lấy nguồn gốc từ truyền thống Dothái.[10] Thật vậy, ở bốn bài đọc Cựu Ước đầu,
truyền thống được ghi lại trong Palestinian Targum cho thấy, người Dothái trong
đêm Vượt Qua đã tưởng niệm ký ức về “Bốn Đêm”, đó là đêm của cuộc sáng tạo thế
giới, hiến tế của ông Ápraham, cuộc Xuất Hành và việc Đức Mêsia đến (St 1,1-2,1
; St 22,1-18 ; Xh 14,15-15,11 ; Is 54,5-14).[11] Theo đó, hành trình “bốn đêm” được lưu
giữ trong tâm khảm của mỗi người Israen:
Đêm thứ nhất diễn ra khi Thiên Chúa sáng tạo vũ hoàn: Đất còn trống
rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm (St 1,2). Lời của Thiên Chúa
đã phát ra và soi chiếu trên sự hỗn mang ấy. Đó được gọi là đêm thứ nhất.
Đêm thứ hai là thời điểm khi Thiên Chúa hiện ra với ông Ápraham và
bà Sarai (St 17,17) để làm cho hiện thực hoá điều Sách Thánh được ghi: Ông
Ápraham có con lúc 100 tuổi và bà Sara được 90 tuổi mới mang thai… và ông Isaác
được 37 tuổi khi sắp bị sát tế trên bàn thờ…
Đêm thứ ba xảy ra khi Thiên Chúa giáng phạt dân Aicập (Xh 12,29;
Kn 18): bàn tay của Đức Chúa tiêu diệt mọi con đầu lòng của người Aicập và bảo
vệ những người con đầu lòng Israen, để ứng nghiệm lời Sách Thánh: “Israen là
con đầu lòng của ta” (Xh 4,22). Đây được gọi là đêm thứ ba.
Đêm thứ tư sẽ diễn ra khi thế giới đến thời đã định. Lúc này, cái
ách sẽ bị đập vỡ và mọi tội lỗi sẽ bị tiêu tan. Khi ấy, ông Môsê sẽ từ sa mạc đi
ra…
Đây là đêm của cuộc
Vượt Qua vì danh chúng mang danh Đức Chúa: đêm đã được trù định vì ơn cứu độ
dành cho mọi con cháu nhà Israen.[12]
Ba bài đọc Cựu Ước còn lại (Is 55,1-11 ; Br 3,9-15.32 - 4,4 ; Ed
36,16-17a.18-28) có ý tưởng giáo huấn về phép rửa rõ ràng, đặc biệt trong Đêm
Canh Thức Phục Sinh.
Với những ý nghĩa
giáo huấn như vậy, qua các bài đọc Cựu Ước đêm nay, Hội Thánh mời gọi con cái
mình hãy dành thời gian “ngẫm xem trong thời Cựu Ước,
Chúa đã cứu chuộc dân Người làm sao, và trong thời đại cuối cùng này, Người lại
sai Con Một đến cứu chuộc chúng ta thế nào”[13]. Vậy nên,
sau mỗi bài đọc, cộng đoàn dân Chúa đáp lại hồng ân cao cả bằng lời ca Thánh vịnh.
Lời cầu nguyện của vị tư tế giúp các tín hữu thâu tóm các ý chính của các bài đọc.
Với những ý niệm tổng quát như thế, giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu
ý nghĩa và giáo huấn của các trích đoạn Cựu Ước được chọn đọc trong Đêm Canh Thức
Vượt Qua.
3. Ý nghĩa và giáo huấn của các
Bài đọc Cựu Ước trong Đêm Canh Thức Vượt Qua
3.1. Bài đọc 1 (St 1,1 – 2,2):
Luận giải về “lúc khởi đầu”
Những nghiên cứu gần
đây cho thấy công việc soạn thảo và biên tập cuốn sách đầu tiên trong bộ Ngũ
Thư diễn chung quanh cuộc lưu đày trở về từ Babilon (561 t.c.n.). Trọn bộ Ngũ
Thư chỉ được hoàn tất vào đầu thế kỷ IV t.c.n.[14] Vì vậy, có thể xem trình thuật về cuộc
sáng tạo là một trình thuật về một cảm nghiệm tra vấn niềm tin được ghi chép lại.
Tác giả Sách Thánh đã nhìn sự hình thành vũ trụ dưới con mắt của người đã kinh
nghiệm sự yêu thương và quan phòng của Đức Chúa. Trong sự yêu thương, quan
phòng đó, “Thiên Chúa đã dựng nên trời đất”,
Người dựng nên người nam và người nữ “theo
hình ảnh và giống như mình”. Người đã nói với họ “hãy sinh sôi cho đầy mặt đất và thống trị chúng”. Đây
là mặc khải bằng hành động đầu tiên của Thiên Chúa, và người ta phải ghi khắc
điều đó mỗi khi truy vấn về sự hình thành thế giới.
Có thể nói tác giả
của những chương đầu sách Sáng Thế là một ngôn sứ khi loan báo những kỳ công của
Thiên Chúa. Thế nhưng vai trò ngôn sứ của ông là loan báo những sự kiện diễn ra
trong quá khứ. Nhờ đó, người ta có thể đọc và hiểu những gì đang diễn ra trong
hiện tại để hướng đến tương lai. Vai trò của ông khác hẳn vai trò của các “ngôn
sứ tương lai” khi những người này loan báo điều sẽ đến.[15] Chính nhờ những lời loan báo về quá khứ
này, đứng trên lập trường của niềm tin, độc giả mọi thời sẽ nhận ra diện mạo của
Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Thiên Chúa đó là vị Thiên Chúa độc nhất, sáng tạo từ
hư vô bằng Lời của mình. “Thiên Chúa phán… liền có như vậy”.
Lời của Thiên Chúa đóng vai trò chủ chốt trong cuộc tạo dựng này. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và
Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời,
vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”
(Ga 1,1-3). Lời đó có sức sáng tạo, làm cho hiện hữu. Và mọi sự hiện hữu trong
lúc khởi đầu đều “tốt đẹp” hay “rất tốt đẹp”.
Giữa những thụ tạo được dựng nên tốt đẹp đó, vị thế con người được
trổi vượt hơn cả. Dựa trên trình thuật, người ta như thấy công trình sáng tạo
trong sáu ngày như để dọn chỗ cho việc sáng tạo con người. Mọi công trình tạo dựng
trước như để tạo không gian cho con người sinh sống. Trong con mắt của Thiên
Chúa, con người có vị thế đặc biệt, đến nỗi tác giả Thánh vịnh đã phải thốt
lên:
“Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận
tâm ?
Chúa cho con người chẳng thua
kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ
triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa
sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv. 8,5-7)
Hay như trong một suy tư thần học, thánh Phêrô Kim Ngôn có viết
những lời lẽ tuyệt vời:
“Chẳng mấy giá trị, sao con người lại trân quý trong mắt Thiên
Chúa? Sao ngươi lại mải miết tìm kiếm và trang điểm bằng những thứ bên ngoài mà
không lưu tâm đến chính sự hiện hữu của mình? Chẳng lẽ ngươi không nhận ra thế
giới kỳ vĩ được dựng nên cho ngươi sao? Vì ngươi, ánh sáng được phái đến để làm
thước đo phân định ngày đêm và để xua trừ bóng đêm đang bao bọc lấy ngươi. Vì
ngươi, ánh sáng của bóng thái dương, vầng nguyệt và muôn tinh tú chiếu toả. Vì
ngươi, trái đất trổ sinh muôn hoa thơm trái ngọt. Vì ngươi mà muôn loài muôn vật
sống trên đất bằng, bơi lội trong dòng nước, bay nhảy giữa thinh không được tạo
thành”.[16]
Địa vị trổi vượt của con người là thế trong cái nhìn của tác giả
Sách Thánh. Chính nhờ yếu tố này, cùng với vai trò của Lời trong tạo dựng, Hội
Thánh như muốn mời gọi con cái mình suy gẫm về ân huệ làm người, về Lời sáng tạo
của Thiên Chúa. Nếu như xưa kia, Lời đó là ánh sáng bóc tách bóng tối đang bao
phủ thế giới để hiển hiện trong thực tế, thì sau này, Lời là ánh sáng đó sẽ đến
thế gian (x. Ga 1,9-13). Nếu như xưa kia, Lời đó phát ra giữa hỗn mang thinh
không, thì sau này, Lời đó sẽ hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa loài người (x.
Ga 1, 14). Nếu như xưa kia, Lời đó đã tác tạo mọi sự, thì sau này, lời đó sẽ
tái tạo mọi sự bằng cuộc khổ nạn và phục sinh của mình. Và nếu như xưa kia, cuộc
sáng tạo đã cho con người địa vị vượt trên muôn loài, thì sau này, cuộc sáng tạo
mới còn đưa con người trở thành con Thiên Chúa.
Ý nghĩa của cuộc
sáng tạo và tái tạo trong Đức Kitô được tóm gọn trong lời nguyện mà vị tư tế,
thay mặt cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa: “Lạy
Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, mọi công trình của Chúa thật kỳ diệu phi thường.
xin làm cho chúng con là những kẻ được Chúa cứu chuộc luôn luôn hiểu biết rằng:
công trình tạo thành vũ trụ thủa ban đầu tuy đã kỳ diêu, nhưng công trình cứu độ
của Đức Kitô, Đấng hy sinh làm Chiên lễ Vượt Qua của chúng con trong thời sau hết,
còn kỳ diệu hơn nữa.”[17]
3.2. Bài đọc II (St 22,1-18):
Cuộc thử thách của tổ phụ Ápraham
Có lẽ nhiều người cảm
thấy sốc trước cơn thử thách mà tổ phụ Ápraham đã trải qua. Cơn thử thách ấy
đòi người cha già sát tế người con chính hôn duy nhất của mình. Dẫu chúng ta có
cả ngàn lần đọc câu chuyện này, dẫu ta đã biết, cuối cùng cậu Isaác sẽ không chết,
nhưng điều đó cũng không ngăn chặn được cảm xúc xót xa chứa đựng trong câu chuyện.
Xét về mặt luân lý, người ta không bị đòi buộc phải thực thi một lệnh truyền
như thế. Ấy vậy mà thực tế vẫn đã diễn ra. Các tác giả Tin mừng đã nhiều lần kể
cho ta nghe chuyện một người cha đã hiến tế đứa con độc nhất của mình.[18] Người Cha ấy là Thiên Chúa. Vậy nên
nghe bài đọc này trong bối cảnh Đêm Canh Thức, chúng ta cần hiểu theo hai
nghĩa: Nghĩa văn tự và nghĩa tiên trưng.
Xét về nghĩa văn tự
(nghĩa cứ chữ), ta thấy trong trình thuật, ông Ápraham có quyền khước từ lời
yêu cầu của Thiên Chúa. Thế nhưng ông đã không làm như thế. Niềm tin đơn thành
nhưng kiên vững của ông mách bảo rằng điều Chúa hứa, Chúa sẽ thực hiện. Vậy nên
ông đã không ngần ngại bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, khước từ chốn thân quen để lên
đường theo lời mời gọi của Đức Chúa. “Hãy
rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ
làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi
ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những
ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia
tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,1-3). Quả thật, đặt mình
trong hoàn cảnh của ông Ápraham, người đương thời sẽ rất khó để lên đường.
Tương lai phía trước mờ mịt lắm, nơi sẽ đặt chân còn mông lung. Ấy vậy mà ông
Ápraham vẫn ra đi. Ông đi vì tin tưởng vào lời Thiên Chúa phán.
Câu chuyện nào đâu
có hết. Có lần Thiên Chúa đã bảo với Ápraham “‘Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi
không’. Người lại phán : ‘Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó !’” (St 15,5). Chúa hứa là vậy, thế mà
đến tuổi gần trăm, ông Ápraham cũng chẳng có mụn con nối dõi. Lại một lần nữa,
ông Ápraham vẫn vững tin vì Thiên Chúa đã phán thế. Tình cảnh bi đát đến nỗi bà
Sarai, vợ ông, đã đề nghị chồng ăn nằm với Haga, nữ tì của bà, “để may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con” (St 16,1-2). Thế
nhưng điều Chúa hứa không phải được thực hiện qua Haga, mà qua bà Sarai, người
đã 90 tuổi. Cuối cùng, bà Sarai đã mang thai và sinh con trong lúc tuổi già. Đứa
con ấy mang tên là Isaác (xc. St 21,1-8). Những tưởng cậu Isaác sẽ lớn lên
trong cảnh thanh bình mà nhờ lòng tin, tổ phụ Ápraham đáng được hưởng, nhưng cuộc
thử thách lớn lao dành cho Ápraham khi cam lòng sát tế Isaác ra như đã phủ nhận
hết những hình ảnh tốt đẹp trước đó về Thiên Chúa. Để rồi trong ánh sáng Tân Ước,
người đọc ngày nay chợt nhận ra việc thử thách lòng quảng đại của Ápraham lại
trở nên cuộc mặc khải về hình ảnh Thiên Chúa. Nếu như ông Ápraham đã không tiếc
con một của mình trước yêu cầu của Thiên Chúa (chuyện sát tế đã không xảy ra),
thì Thiên Chúa cũng chẳng tiếc trao Người Con Một vào tay con người. Điều Thiên
Chúa cần đó là sự vững tin nơi con người, còn mọi chuyện, “Thiên Chúa sẽ liệu”.
Theo nghĩa tiên trưng, truyền thống Kitô giáo vẫn đọc thấy dấu
chỉ của cuộc thử thách và hiến tế của tổ phụ Ápraham xưa rồi đây sẽ ứng nghiệm
nơi Đức Giêsu. Tình cha con nơi loài người sẽ minh hoạ phần nào tình thương mà
Thiên Chúa dành cho Đức Kitô, và qua đó, dành cho con người. Trình bày ý tưởng
ngày, giáo phụ Ôrigen đã viết:
“Chàng Isaác vai vác bó củi lên
núi hiến tế là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng “chính mình vác cây thập giá” (Ga
19,17); ngoài ra đó còn là hình ảnh của vị tư tế mang củi để dâng lễ toàn
thiêu. Vậy nên nơi Đức Kitô hội tụ cả hai điều, vừa là tư tế, vừa là lễ phẩm. Ý
nghĩa đó còn có nơi hình ảnh “cả hai cùng sánh bước”. Ông Ápraham, người sẽ cử
hành hiến tế, mang lửa và dao; còn cậu Isaác đã không bước sau ông, nhưng song
hành cùng ông. Điều đó cho thấy cậu ấy cũng đóng vai trò là tư tế… Trước câu hỏi
của con, ông Ápraham đã trả lời: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ
liệu, con ạ”.
Câu trả lời của ông Ápraham vừa
đúng, vừa khôn ngoan, vừa đánh động chúng ta. Tôi không biết tổ phụ đã nghĩ gì,
vì điều ông ám chỉ không những phù hợp với hoàn cảnh hiện tại nhưng còn đúng với
tương lai khi ông nói: “Thiên Chúa sẽ liệu”. Đứa con hỏi hoàn cảnh hiện tại,
ông lại nói về tương lai. Bởi chính Đức Chúa sẽ liệu một con chiên nơi Đức
Kitô.”[19]
Tóm lại, những lời
Thiên Chúa hứa xưa với tổ phụ Ápraham đã nên ứng nghiệm nơi Đức Kitô, Đấng là
“hậu duệ” của ông. Nếu như người con độc nhất là Isaác không phải chết để tránh
cảnh tuyệt tự tuyệt tôn, thì sau, Người Con Duy Nhất sẽ chết, nhưng cái chết của
Người lại khai mở một dân tộc mới, nương theo niềm tin của tổ phụ xưa. Nếu như
sự thừa kế của cậu Isaác chỉ khiến cho ông Ápraham trở thành cha của một dân tộc,
thì nơi Đức Giêsu, Người sẽ làm cho lời xưa ứng nghiệm, khi khiến cho ông
Ápraham trở thành cha chung của mọi dân tộc.[20] Vậy nên thật chính đáng, sau khi nghe
trình thuật thử thách này, cộng đoàn cùng xướng lên lời Thánh vịnh 15 để ca tụng
sự quan phòng của Thiên Chúa và niềm tin của ông Ápraham:
“Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng
bao giờ.” (Tv 16,5.8)
3.3. Bài đọc 3 (Xh 14,15 –
15,1a): Khi dân Israen ra khỏi Aicập
Chẳng thể nào cử
hành Đêm Vượt Qua cho đúng nghĩa mà bỏ quên, không đọc bài đọc sách Xuất Hành.
Bài đọc này cho thấy Thiên Chúa đã giơ cánh tay uy hùng của Người để giải thoát
dân riêng khỏi ách thống trị của địch thù. Đây là chiến công hiển hách, đặt nền
tảng cho việc tái lập một dân riêng đúng nghĩa. Ta nên nhớ, kể từ thời ông
Giuse đưa gia đình mình sang Aicập định cư, cảm thức gắn bó theo kiểu một dân tộc,
liên đới với nhau trong cùng một gia đình, con cháu của tổ phụ Ápraham vẫn chưa
được rõ nét. Điều này phải đợi khoảng 400 năm sau, nơi cuộc Vượt Qua ra khỏi đất
Aicập, và nhất là cuộc ký kết Giao ước trên núi Sinai mới trở nên sáng rõ.[21] Vậy nên có một rápbi thời Trung cổ nói
rằng, trình thuật xuất hành phải là trình thuật đặt ở đầu cuốn Kinh thánh, là
trình thuật nền tảng cho mọi sự kiện khác trong lịch sử cứu độ.[22]
Thiết nghĩ đề nghị
nọ của vị rápbi không phải không có căn cớ. Bởi nhờ biến cố xuất hành, dân
Israen mới khám phá ra Thiên Chúa là ai, danh hiệu Người là gì. Dân Israen khám
phá thấy Thiên Chúa là Đấng giải thoát, là Vị cứu tinh, trước khi nhận ra Thiên
Chúa là Đấng sáng tạo.[23] Đối với người Israen, việc bỏ miền Aicập
ra đi không phải chỉ là biến cố xảy ra trong quá khứ, nhưng là một thực tại sống
động mà tiếng vang vẫn dội lại trong cuộc sống hàng ngày. Để rồi trong sách
Mishna, khi chú thích Xh 13,8 đã viết: “Ở
mỗi thế hệ, ai cũng phải coi như chính mình đã bỏ Aicập ra đi.”[24] Ý tưởng này trước đó đã được vị ngôn sứ
trong sách Isaia tuyên bố thẳng thừng, rằng đã đến lúc cử hành một cuộc xuất
hành mới (Is 43,16-21). Đây sẽ là một cuộc giải phóng diệu kỳ khỏi nơi lưu đày,
mà kết quả sẽ là giải phóng người ta khỏi tội lỗi (x. Is 40,2; 44,21-22).
Phải đợi đến Đức Kitô, người ta mới thấy hết được cuộc xuất hành
mới mà vị ngôn sứ đã nói trước kia là gì. Cuộc vượt qua của Đức Kitô, chính là
cuộc khổ nạn của Người, đã giải thoát con người khỏi ách thống trị của ma quỷ
và tội lỗi. Hơn thế nữa, cuộc vượt qua này đã tái lập một dân mới bằng một giao
ước đã được ký kết bằng máu của Người.
“Chính đêm này cột lửa sáng rực cả bầu trời, đẩy lùi xa bóng đêm tội
lỗi.
Chính đêm nay, tín hữu Đức Kitô
trên khắp mặt địa cầu,
được tách khỏi thói đời sa đoạ
và thoát vòng tội lỗi bủa vây,
được trả về tình trạng ân nghĩa
và hiệp thông với nguồn thánh thiện.” (Exultes)
Vậy nên trong bối cảnh
phụng vụ đêm nay, nghĩ đến cuộc Xuất hành sẽ giúp người tín hữu cảm nghiệm thấy
hạnh phúc vì đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi và ma quỷ nhờ bước qua dòng nước
thanh tẩy. Nghĩ đến cuộc Xuất hành sẽ gia tăng niềm tin cho người tín hữu trong
những cơn thử thách cuộc sống hàng ngày: nếu Thiên Chúa đã giải thoát ta ngày
xưa, thì Người vẫn có thể giải thoát ta hôm nay. Chính trong khía cạnh này, sẽ
thắp lên trong tâm hồn người tín hữu niềm hy vọng cánh chung. Nơi ấy, người tin
của mọi thời cũng vẫn sẽ lên đường, theo chân Đấng giải thoát để tiến về thiên
quốc.[25]
Khi cảm nghiệm những ý nghĩa này, hẳn người tín hữu sẽ cùng ông
Môsê và đoàn con cái Israen hát lên bài ca:
“Tôi xin hát mừng CHÚA, Đấng cao cả uy hùng :
Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô
xuống đại dương.
CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng
tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
Người là Chúa tôi thờ, xin dâng
lời vinh chúc,
Người là Chúa tổ tiên, xin mừng
câu tán tụng.
Người là trang chiến binh, danh
Người là "ĐỨC CHÚA !"
Xa mã Pha-ra-ô, Người xô xuống
lòng biển,
tướng dũng với binh hùng chết
chìm trong Biển Sậy.
Vực thẳm vùi lấp chúng, chúng
chìm xuống nước sâu chẳng khác nào hòn đá.
Lạy CHÚA, tay hữu Ngài đã biểu
dương sức mạnh.
Tay hữu Ngài, lạy CHÚA, đã nghiền
nát địch quân.
Ngài cho dân tiến vào, định cư
họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài.
Lạy CHÚA, chính nơi đây Ngài chọn
làm chỗ ở,
đây cũng là đền thánh tự tay
Ngài lập nên.
CHÚA là vua hiển trị đến muôn
thuở muôn đời.” (Xh
15,1b-2.3-4.5-6.17-18)
3.4.Bài đọc IV (Is 54,5-14): Niềm
vui vô bờ
Chúng ta đã trải
qua “ba đêm” với những biến cố trong quá khứ được phụng vụ liên hệ trong bối cảnh
hiện tại. Ở “đêm thứ tư”, đang khi người Dothái đương thời vẫn xem đây là đêm của
tương lai, khi Đấng Mêsia ngự đến cứu thoát dân người, thì người Kitô hữu lại
xem đó là đêm mà Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại. Vậy nên, người Dothái đã đọc
trích đoạn Is 54,5-14 trong niềm hy vọng vào tương lai, truyền thống gọi phần
trích này thuộc về “Sách An Ủi” (chương 40-55).[26]
Trong trình thuật
này, ta thấy đây là cuộc độc thoại của Đức Chúa. Người ngỏ lời với nhà Israen.
Rằng sau một thời gian bị ruồng bỏ, “nhưng
vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp… vì tình nghĩa ngàn đời,
Ta lại chạnh lòng thương xót” (cc. 7-8). Trong cuộc tử nạn và phục
sinh của Đức Kitô, người ta cũng nhận ra đó là tình yêu đi bước trước của Thiên
Chúa khi sai con một đến hiến mạng vì nhân loại. Đó là thời Thiên Chúa thi ân,
là ngày Thiên Chúa cứu độ.
Cũng giống như biến
cố Lụt Hồng Thuỷ, cuộc tái hợp mà sách Isaia tiên báo, sẽ được ghi dấu bằng một
giao ước đến muôn đời. “Ta lập giao ước của Ta với các
ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không
còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa” (St 9,11). Giao ước cầu vồng
xưa, người tín hữu ngày nay thấy hiển hiện nơi bóng thập giá Chúa. Kể từ nay, bất
cứ ai nhìn lên thập giá và tin nhận trong đời sống, rằng Đức Kitô chịu đóng
đinh là Cứu Chúa của mình thì họ được kể là người hưởng hồng ân mà giao ước mới
mang lại.
Giữa cộng đoàn những
người tin, Thiên Chúa sẽ xây dựng một thành Giêrusalem mới, thành mà “đá của ngươi, Ta lấy phẩm màu tô điểm, nền móng ngươi, Ta đặt trên
lam ngọc, lỗ châu mai tường thành, Ta xây bằng hồng ngọc, các cửa thành ngươi,
bằng pha lê, tường trong luỹ ngoài, toàn đá quý” (cc. 11-12). Thành
Giêrusalem mới này chính là Hội Thánh, là dân mới, dân riêng của Thiên Chúa, được
gắn bó bằng một giao ước vĩnh cửu.[27]
Vậy nên ta sẽ cảm thấy ý nghĩa khi cộng đoàn cùng hát lên bài
Thánh vịnh 30 sau khi nghe trích đoạn sách thánh này:
“Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo
cười con.
Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo
con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn
ca mừng CHÚA, cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây
lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót
thương con, lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ
điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi
Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy CHÚA
là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn
Ngài mãi mãi ngàn thu.” (Tv
30,2.4.5-6.11-12a.13b)
3.5. Bài đọc
V (Is 55,1-11): Hãy đến, lắng nghe và ngươi sẽ được sống
Cứ mỗi biến cố, giai đoạn của lịch sử cứu độ
được thực hiện trong Cựu Ước, người Kitô hữu lại quy hướng về Đức Kitô, Đấng là
khởi đầu và cũng là cùng đích. Ở bốn bài đọc đầu tiên trong đêm Canh Thức Vượt
Qua mà chúng ta vừa tìm hiểu đã cho thấy tính cách huyền nhiệm của niềm tin. Qua
đó người tín hữu khám phá ra mình đã được dựng nên thế nào, cứu độ ra sao. Quan
trọng hơn hết, cùng với người Dothái, ta sẽ khám phá thấy vị Thiên Chúa mà ta
tôn thờ là ai? Còn trong ba bài đọc kế tiếp, trích từ sách các ngôn sứ sẽ giúp
ta tiếp tục đào sâu niềm tin hơn nữa để có thể hình thành nên “cái khung” của lịch
sử mà Thiên Chúa muốn thực hiện qua Đức Kitô.
Bài đọc thứ năm được trích trong phần kết luận của “Sách An Ủi” (Is
55,1-11). Trong đó, vị ngôn sứ đã loan báo, này đã đến thời những người đang
khát hãy nhanh chân tìm đến, để được dã khát, vì “nước đã sẵn đây” và “hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp”. Lời mời gọi
vui tươi và hỉ hoan này được mở ra cho tất cả mọi người. Không ai bị loại trừ,
vì “chẳng ai phải trả đồng nào”.
Người ta sẽ nhận được tình thương và ơn cứu độ cách nhưng không.
Thế nhưng yếu tố đòi hỏi mọi người, ngoài chuyện đến với “dòng nước” là lòng thương xót của Thiên Chúa, là Bí
tích Rửa tội, điều họ cần là lắng nghe điều Chúa phán.[28] Lắng nghe để thấy được rằng mình cần bỏ
đường lối mình đang theo, bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về cùng Chúa (c.7). Lắng
nghe để thấy được rằng mình sẽ được sống bởi đã được giáo huấn của Chúa dưỡng
nuôi (c. 2-3). Và lắng nghe để thấy đường lối, cách cư xử của Chúa vượt quá trí
tưởng của con người. Vì “tư tưởng của Ta không phải là
tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta”
(c. 8)
Trong sự chú tâm
như thế, người Kitô hữu sẽ nhận thấy những lời Chúa phán là chân thật và không
sai chạy. “Cũng như mưa với tuyết sa xuống
từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu
và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời
Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt
kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”
(c. 10-11). Lời hứa của Thiên Chúa xưa nơi các tổ phụ, qua các ngôn sứ đã thành
hiện thực. Ân sủng, nguồn suối mát lành và Lời của Thiên Chúa được hội tụ lại trong
Đức Kitô. Đấng đã có từ khởi đầu và đã mặc lấy xác phàm, cư ngụ giữa chúng ta
(x. Ga 1,1.14). Qua cái chết và sự phục sinh, Đức Kitô đã hoàn trọn mọi lời
Chúa phán xưa và trở về lại nơi Người đã phát xuất.
Vậy nên khi nghe
bài đọc này, một mặt người tín hữu ca ngợi những kỳ công Chúa đã làm, mặt khác
họ không quên dâng lên lời khẩn cầu để nhờ Lời Chúa khơi gợi và soi dẫn, người
ta có thể trở về đường ngay nẻo chính. Để nhờ đó, họ mạnh dạn tiến bước đến mạch
suối đích thực là Đức Kitô.[29] Cuối cùng, nơi bài đáp ca, nếu xưa
kia, vị Ngôn sứ reo mừng và tiến lại suối nước hằng sống, thì chúng ta sẽ kết hợp
với ngôn sứ và cùng reo vui khi tiến tới giếng nước Rửa tội, nước của ơn thánh.
“Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ
hãi,
bởi vì ĐỨC CHÚA là sức mạnh
tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận
nguồn ơn cứu độ.
Các bạn sẽ nói lên trong ngày
đó :
Hãy tạ ơn ĐỨC CHÚA, cầu khẩn
danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo
giữa muôn dân,
và nhắc nhở : danh Người siêu
việt.
Đàn ca lên mừng ĐỨC CHÚA, vì
Người đã thực hiện bao kỳ công ;
điều đó, phải cho toàn cõi đất
được tường.
Dân Xi-on, hãy reo hò mừng rỡ,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của
Israen quả thật là vĩ đại!” (Is 12,2-3.4bcd.5-6)
3.6. Bài đọc VI (Br 3,9-15.32 -
4,4): Hãy gắn bó với Nguồn Mạch Khôn Ngoan
Trong lời nguyện
sau bài đọc trích từ sách Barúc, Hội Thánh khẩn khoản: “Lạy Chúa, Chúa không ngừng kêu gọi muôn dân gia nhập Hội thánh
Chúa, khiến Hội thánh ngày thêm phát triển. Xin hằng thương giữ gìn những người
đã được ơn tái sinh nhờ Bí tích thánh tẩy.”[30] Nơi lời khấn cầu này, Hội Thánh xác
tín dựa trên nền tảng, Thiên Chúa là ánh sáng dẫn đường, là suối nguồn của sự
khôn ngoan. Người hướng dẫn ta bằng luật lệ của Người. Các tín hữu phải trung
thành với lề luật của Người, theo gương Chúa Kitô.
Đọc trích đoạn của
sách Barúc, người tín hữu đương thời như nhận thấy tính thời sự của sứ điệp mà
ngôn sứ này loan báo. Giữa một thế giới khử thiêng, ra như người ta muốn gạt bỏ
Thiên Chúa ra một bên. Còn nhớ trong sứ điệp cho ngày giới trẻ thế giới lần 26
(2011), Đức Bênêđíctô XVI có viết: “Có
một xu hướng duy đời (laïciste) mạnh mẽ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống
con người và xã hội, toan tính kiến tạo một “thiên đường” không có Thiên Chúa.
Nhưng kinh nghiệm dạy rằng một thế giới không có Thiên Chúa là “một hỏa ngục”
trong đó, trổi vượt những ích kỷ, chia rẽ trong các gia đình, oán thù giữa cá
nhân và các dân tộc, thiếu tình thương, niềm vui và hy vọng”. Ý
tưởng này, chúng ta còn có thể thấy rải rác nơi các giáo huấn của Đức Thánh
Cha. Trong Thông điệp “Chúng ta được cứu rỗi nhờ niềm hy vọng”, Đức Thánh Cha
cũng đã quả quyết: “Một nền nhân bản vắng bóng
Thiên Chúa sẽ là một nên nhân bản phi nhân”.[31]
Rất nhiều tín hữu,
đang khi sống niềm tin Kitô giáo, họ lại bị lôi kéo bởi chủ nghĩa cá nhân, chủ
nghĩa tự do phóng khoáng, để rồi xem luật lệ là một thứ ràng buộc, gò bó tự do
của họ. Họ đâu biết rằng, trong truyền thống Dothái - Kitô giáo, Luật chính là
cánh cửa của sự khôn ngoan, dẫn họ tiến vào miền đất của sự sống. Ngay từ những
chương đầu của sách Luật (Tora), bất kỳ ai cũng nhận ra rằng mọi hữu thể nhân
linh được đặt trước một sự lựa chọn căn bản khi đứng trước cây biết lành biết dữ
(St 2,16-17). Người ta được kể cho biết, ai nghe theo lòng ham muốn bởi nô lệ
cho ước muốn của mình, thì người ấy chọn con đường lầm lạc, con đường bất hạnh,
và sự chết sẽ dẫn người ấy đến chỗ xa lìa sự sống. Trong những trang cuối cùng
của sách Tora, người ta cũng gặp thấy cùng một tình trạng ấy: Israen lại buộc
phải lựa chọn: sự sống hoặc sự chết, hạnh phúc hoặc tai hoạ, tự do hay nô lệ
(Đnl 30,15-20). Nếu họ chọn sự sống, một con đường được mở ra để dẫn dắt họ đi
trên nẻo đường sự sống. Con đường ấy chính là Lề Luật được viết trong bộ sách
này.[32] “Đức
Khôn Ngoan là huấn giới của Thiên Chúa ghi trong sách Luật, Luật tồn tại đến
muôn đời. Ai gắn bó với Lề Luật thì sẽ được sống; còn ai lìa bỏ, ắt sẽ phải chết”
(Br 4,1).
Chính vì thế, khi họp
mừng để cử hành buổi Canh Thức này, cộng đoàn tín hữu sẽ không ngừng ca hát để
tán dương những kỳ công Chúa thực hiện nơi mỗi cá nhân. Qua đó, họ cũng không
ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì đã thương mặc khải đức công chính và nguồn mạch khôn
ngoan để họ thấy đâu là nẻo chính đường ngay mà họ cần bước đi. Nẻo đường đó
không là ai khác ngoài Đấng là “đường,
là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
“Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc,
cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay
thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch,
cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng,
tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân
lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng
y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật
ong nguyên chất.” (Tv 19,8.9.10.11)
3.7. Bài đọc VII (Ed 36,16-28):
Ta sẽ đặt Thần Khí vào lòng các người
Người ta hẳn sẽ rất
trăn trở với việc Hội Thánh chọn đọc trích đoạn của sách ngôn sứ Êdêkien ở bài
đọc cuối cùng các sách Cựu Ước trong Đêm Canh Thức Vượt Qua này. Xét về nội
dung của trích đoạn này, điều mà vị ngôn sứ gợi nên, về việc Thiên Chúa sẽ ban
tặng một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng dân của Người, không phải là
chuyện mới mẻ. Trước đó, ngôn sứ Giêrêmia đã là người khởi xướng (xc. Gr
31,31-34).[33] Thế nhưng, nói như thế không có nghĩa
là ta đồng hoá với việc chọn đọc trích đoạn sách thánh này là một hạn chế. Đúng
hơn, người tín hữu khi nghe trích đoạn này, cần đặt trong bối cảnh rộng hơn mà
sứ điệp của ngôn sứ Êdêkien mang lại. Người ta sẽ không thể quên nét tư tế và đền
thờ là đặc điểm văn chương trong sách ngôn sứ Êdêkien. Ngoài ra những thị kiến
vừa dài dòng vừa kỳ dị mà vị ngôn sứ này viết lại, ra như rất thích hợp cho bối
cảnh phụng vụ hôm nay.[34]
Trở lại với bài đọc,
thị kiến mà vị ngôn sứ lãnh nhận từ Thiên Chúa cho thấy, dân không ngừng phản
nghịch cùng Thiên Chúa qua cách ăn nết ở của mình. Vậy nên dân ngoại nhìn thấy
những việc họ làm mà kêu lên rằng: “Đó
là dân của Đức Chúa, chúng đã phải ra khỏi xứ của Người” (c. 20). Lời
nói đó ra như một lời xúc phạm đến Danh của Đức Chúa, đến quyền năng của Người.
Thiên Chúa không
bưng tai, bịt mắt trước lỗi phạm của dân, cũng không giả điếc làm ngơ trước những
lời xúc phạm. Thế nhưng tình thương của Người còn lớn hơn những tội phản nghịch
đó. Tình yêu đó là tình yêu đi bước trước. Trước khi dân ý thức về lỗi phạm của
mình và trở về của Chúa, thì Người đã giơ tay giáng phúc cho họ. Vì thế: “Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa
chư dân… Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa” (c.
22-23). Sự biểu dương của Đức Chúa sẽ là việc quy tụ dân đang tản mác khắp nơi
và dẫn đưa về miền đất đã hứa với bậc tổ tiên.
Việc quy tụ này khiến
cho người tín hữu liên hệ đến kế hoạch mà Thiên Chúa thực hiện cho Hội thánh của
Người như trong sách Khải Huyền mô tả: “Sau
đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi
dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con
Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô:
‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ
chúng ta’” (Kh 7,9-10).
Từ viễn tượng của sách Khải Huyền về cuộc chiêu tập vĩ đại của
Thiên Chúa như thế, người ta nhận ra tính cách phổ quát trong ơn cứu độ mà Thiên
Chúa mang lại. Để nhập đoàn cùng đoàn dân đông đảo này, người ta cần đón nhận
“dòng nước thanh sạch” (c. 25) và “Thần Khí mới” (c. 26). Những yếu tố đó được
hội tụ trong Phép rửa mà Đức Giêsu Kitô đã thiết lập trong máu của mình (xc. Ga
3,1-8).
Vậy nên những lời Thánh vịnh và cầu nguyện mà Hội Thánh dùng để
đọc sau khi nghe đoạn sách ngôn sứ Êdêkien đều hướng đến Bí tích Rửa tội. Nơi
các Thánh vịnh, chúng đều là những ca vãn Rửa tội. Thánh vịnh 41 diễn tả niềm
mong ước của người dự tòng được gặp Chúa hằng sống; Thánh vịnh 50 diễn tả sự ước
ao được đổi mới tận cội gốc thâm sâu nhất của hữu thể. Điều đó cho thấy Hội
Thánh như muốn thiết lập một bước chuyển tiếp từ những bài đọc Cựu Ước sang những
bài đọc Tân Ước mà đỉnh cao là những trình thuật Phục Sinh. Thế nhưng trước khi
lắng nghe trình thuật Phục Sinh, Lời Chúa trong thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn
Rôma (6,3-11) sẽ giúp tín hữu ý thức rằng khi người dự tòng được dìm xuống nước,
là lúc họ cùng chết với Chúa Kitô; khi họ ra khỏi nước, là lúc họ được cùng sống
lại với Người. Là chi thể của Đấng đã thắng sự dữ và sự chết, các tín hữu phải
sống như những người đã sống lại.
4. Kết luận
Hội Thánh đã trải qua 40 ngày chay tịnh và Tam Nhật Thánh. Trong
quãng thời gian này, yếu tố cầu nguyện được đẩy mạnh. Cách riêng trong Đêm Vọng
Phục Sinh, truyền thống Hội Thánh ghi nhận dân Chúa càng cầu nguyện khẩn thiết
hơn trong đêm nay. Họ dành cả đêm để lắng nghe những bài Sách Thánh, dành cả
đêm để cầu nguyện bằng những Thánh vịnh. Qua đó người tín hữu sẽ khám phá thấy
ân huệ mặc khải tình thương của Thiên Chúa.
Đang khi sống trong mầu nhiệm của Đêm Canh Thức như thế, người
tín hữu cũng được mời gọi khám phá hồng ân Thiên Chúa tự tỏ mình và mặc khải ơn
cứu độ của Người trong dòng lịch sử cứu độ. Để đi đến “Mẹ của mọi đêm canh thức”
này, lịch sử cứu độ đã ghi nhận “nhiều đêm” trước đó. Ở mỗi đêm ấy, Thiên Chúa
đã giáo dục cách tiệm tiến để con người nhận biết Thiên Chúa là ai? Con người
là gì? Con người có vai trò và cùng đích ra sao? Con người đã được cứu độ như
thế nào?
Với những đòi buộc của thời đại, việc cử hành như xưa không còn
tồn tại. Thế nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc lãng quên đi tất cả ý
nghĩa mà truyền thống xa xưa để lại. Ở những bài đọc thu gọn theo Sách lễ hiện
hành, Cách riêng nơi những bài đọc Cựu Ước được cử hành trong Đêm Canh Thức Vượt
Qua, người ta sẽ nhìn thấy một bản tóm tắt của Sách Thánh về lịch sử cứu độ, về
những kỳ công Chúa đã thực hiện, và về kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Ước mong nỗ lực mà bài viết này thực hiện, sẽ giúp người tín hữu
ý thức và hiểu rõ hơn những điều mà mình cử hành trong Đêm cực thánh này. Qua
đó, người ta sẽ bớt đi cảm giác mệt mỏi, mất thời gian đang khi cử hành phần Phụng
vụ Lời Chúa. Thay vào đó, nhiều người sẽ cảm nghiệm niềm vui vì được cứu độ, vì
được thấy những kỳ công Chúa làm cho con người và cho riêng mình, và cũng vì được
vỡ oà trong niềm vui phục sinh, niềm vui tiên báo tương lai sẽ đến của con người.
Đoàn áo trắng mau chỉnh tề hàng
ngũ,
Đã vượt qua Hồng Hải thật diệu
huyền,
Hãy tiến vào dự yến tiệc Con
Chiên,
Dâng lên Đức Kitô lời ca ngợi!
Cùng nếm thử, nào anh em ta hỡi,
Thánh Thể Ngài trên thập tự hiến
dâng,
Uống cho say ly bửu huyết đỏ hồng,
Để ta sống cho Chúa Trời mãi
mãi.
Ôi phúc cả! Đêm dài Vượt Qua ấy
Lúc thiên thần chinh phạt khắp
dân Ai,
Bỗng vùng lên đoàn dân thánh của
Ngài
Thoát xiềng xích Pharaô độc dữ.
Chiên Vượt Qua là Kitô Đức Chúa
Đổ máu đào vô tội cứu sinh
linh,
Này bánh không men nuôi dưỡng
lòng thành
Hồn trinh trắng khỏi sa vòng tục
luỵ.[35]
[1] “Homily 19 on psalm 5”, The
Paschal Mystery: Ancient Liturgies and Patristic Texts (Alba Patristic Library, Vol. 3),
Andre Hamman, OFM, ed., 1969, pp. 109-110. Trích lại trong: Jame Monti, The
Week of Salvation: History and Tradition of Holy Week (Our Sunday Visitor: Huntington,
Indiana, 1993), p. 324.
[2] Thánh Âutinh, Sermo
219, (PL., 38:1088).
[3] Thánh Lêô Cả, Tractatus 47, 1, CCL 138 A, p. 274.
[4] Thánh Lêô Cả, Tractatus 72, 1, CCL 138 A, p. 441.
[5] Xc. Nhiều tác giả, Khi
họp nhau cử hành phụng vụ, bản ronéo, tập I, tr. 224.
[6] Lời nguyện thứ hai sau bài đọc thứ bảy
(Ed 36,16-17a.18-28).
[7] Xc. Josef Adreas Jungmann,
“Introduction”, K. Becker, O Truly Blessed Night: A Study of the Theology of
the Easter Vigil, (St. Louis, Missouri: Pie Decime Press, 1956), p.
9.
[8] Jame Monti, ibid., p.343.
[9] Circular
Letter Concerning the Preparation and Celebration of the Easter Feast,
Feb 20, 1988, #85,L’Osservatore Romano, Feb 29, 1988, p.18.
[10] Xc. Georges Martimort ed., The
Church at Prayer, Vol. IV: The Liturgy and Time (The Liturgical
press, Collegeville, Minesota, 1986), p. 42.
[11] R. Le Déaut, La
Nuit pascale …, Roma,
1963 (Analecta biblica 22), pp. 73-129. Trích lại trong:
Georges Martimort ed., ibid.
[12] R. Le Déaut, ibid., p.
64-65. Trích
lại trong: Robert Gantoy and Romain Swaeles ed., Day
of the Lord: The Liturgical Year, Vol. III: Easter Tridium / Easter
Season (The Liturgical press, Collegeville, Minesota, 1993), p. 42-43.
[13] Lời huấn dụ của tư tế dành cho cộng
đoàn trước khi cử hành phần Phụng vụ Lời Chúa trong đêm Canh Thức Vượt Qua.
Trích trong: Nhóm PD. CGKPV, Nghi Thức Tuần Thánh (Sài Gòn, 2011), tr. 156.
[14] Xc. Ngũ Thư – Bản dịch để học hỏi, phần dẫn
nhập tổng quát, Bản dịch của Nhóm PD. CGKPV (nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010), tr.
36-39.
[15] Xc. Robert Gantoy and Romain Swaeles
ed., ibid., p. 43-44.
[16] Peter Chrysologus (ca 380-450), Sermon
148, in I.P.
Migne, Patrologie Latine,
52, col. 596.
[17] Lời nguyện thứ nhất sau bài đọc I.
[18] Xc. Mt 3,17; Mc 12,6; Lc 1,55-73; Ga
3,16; Cv 3,15; Gl 3,16.
[19] Origen (ca. 185-253), Homélies sur la Genèse, VIII,6, in Sources
chrétiennes 7 (Paris:
Cerf, 1943) 167-168. Trích lại trong: Robert Gantoy and Romain Swaeles ed., ibid., p.
48.
[20] Xin coi lời nguyện sau bài đọc II.
[21] Xc. Neal M. Fanagan, Salvation
History (New York,
1964), bản Việt ngữ: Lịch sử cứu độ, in Róneo, tr. 29-42.
[22] Xc. Robert Gantoy and Romain Swaeles
ed., ibid., p. 49.
[23] Xc. Etienne Charpentier, Du
lịch Kinh thánh, không rõ dịch giả, nơi và năm xuất bản, tr. 30.
[24] Ngũ
Thư – Bản dịch để học hỏi, ibid., phần dẫn nhập sách Xuất Hành, tr.
182.
[25] Xc. Lời nguyện sau bài đọc III.
[26] Xc. Nguyễn Ngọc Rao, Các
sách Ngôn Sứ (Sài
gòn: 2006), tr. 137.
[27] Xc. Lời Chúa cho mọi người, Bản dịch của Nhóm PD. CGKPV (nxb. Tôn
giáo, Hà Nội, 2006), phần chú thích, tr. 1252-1253.
[28] Xc. James Monti, ibid., p. 348.
[29] Xin coi lời nguyện sau bài đọc V.
[30] Lời nguyện sau bài đọc VI.
[31] Thông điệp Spe Salvi, số 78.
[32] Xc. Ngũ Thư – Bản dịch để học hỏi, ibid.,
phần dẫn nhập tổng quát, tr. 45-46.
[33] Xc. Nguyễn Ngọc Rao, ibid., tr.
216-218.
[34] Những thị kiến đó là: Bốn con vật mang
xa giá của Đức Chúa (ch. 1-3); Đền thờ lúc nhúc những súc vật và những thần tượng
ghê tởm (ch. 8-11); Cánh đồng mênh mông đầy xương cốt bỗng dưng chỗi dậy thành
một rừng người sống động (ch. 37); Đặc biệt là thị kiến đền thờ tương lai được
xây cất theo một hoạ đồ tưởng tượng (ch. 46-48).
[35] Thánh thi Kinh Chiều, Mùa Phục Sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét