Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

LINH HỒN VÀ CÁC TÀI NĂNG CỦA NÓ TRONG HÀNH TRÌNH KẾT HỢP VỚI THIÊN CHÚA


Linh hồn và các tài năng của nó trong hành trình kết hợp với Thiên Chúa

(NGUYENTRIEU)

I. TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
1.   Bối cảnh và nội dung chính
Vào năm 1257, ở tuổi 40, Bonaventura (1217 – 1274) được bầu làm Tổng quản của Dòng Anh em hèn mọn. Hai năm sau (1259), trong một lần viếng thăm núi Alverno – nơi thánh Phanxicô đã được in năm dấu thánh hai năm trước khi ngài qua đời, Bonaventura có cơ hội chiêm ngắm biến cố kỳ diệu này và được tác động mạnh mẽ để viết về hành trình thiêng liêng của thánh Phanxicô trong bước đường kết hiệp với Chúa.[1] Thế là tác phẩmItinerarium ra đời.
Được gợi hứng từ kinh nghiệm xuất thần của thánh Phanxicô về thiên thần Seraphim sáu cánh, Bonaventura chỉ ra sáu bước hay sáu nấc thang chiêm niệm để một linh hồn tiến vào “sự bình an ngang qua những biến đổi tuyệt vời của sự khôn ngoan Kitô giáo”[2]. Sáu bước ấy lại được chia thành ba cặp theo ba hướng chiêm ngắm Thiên Chúa của linh hồn như sau:[3]
i) Linh hồn nhìn ra bên ngoài nó: qua  trong những vết tích về Thiên Chúa;
ii) Linh hồn nhìn vào chính nó: qua  trong hình ảnh của Thiên Chúa;
iii) Linh hồn nhìn lên trên nó: qua Ánh sáng thần linh chiếu vào linh hồn và trong chính thứ Ánh sáng ấy.
            Để hiểu hơn học thuyết của ngài, chúng tôi xin lược lại những nét chính trong từng nấc thang kia.
2.   Sáu nấc thang thiêng liêng
Ở nấc thang thứ nhất, linh hồn quan sát sự vật theo ba cách. Đầu tiên nó nhìn vạn vật theo trọng lượng, số lượng và hạn độ của chúng (Iti.,1,11: weight, number, measure). Trong niềm tin, linh hồn lại thấy được nguồn gốc, sự tăng trưởng và cùng đích của thế giới này (Iti.,1,12: origin, development, end). Và xa hơn nhờ lý trí, nó khám phá ra rằng có những vật chỉ tồn tại, vật khác thì vừa tồn tại vừa sống, vật khác nữa thì không chỉ tồn tại – sống mà còn biết phân định (Iti.,1,13: exist, live, discern). Trong cách nhìn thứ nhất, linh hồn tri nhận được sức mạnh, sự khôn ngoan, và tốt lành của Đấng tạo hóa. Trong lối nhìn thứ hai, linh hồn tin vào quyền năng của một Nguyên lý tối thượng (the highest Principle), sự quan phòng và công minh của Thiên Chúa.  Và qua sự tồn tại – sống – phân định của những hữu thể khác nhau, linh hồn nhìn ra một Thiên Chúa đang hiện hữu – sống động – tài trí, thuần thiêng, không hư hoại và không đổi thay.[4]
Thế rồi, đại vũ trụ (macrocosm) là thế giới bên ngoài ấy đi vào trong tiểu vũ trụ (microcosm) là linh hồn thông qua năm cửa ngỏ giác quan (Iti.,2,2). Tuy nhiên, linh hồn chỉ nắm bắt những gì là vui thỏa và lương tri.[5] Với “bộ lọc” là sự vui thỏa và lương tri kia, linh hồn nghiệm ra đã có một chuẩn mực (standard) nhất định nào đó tồn tại trong nó. Chuẩn mực đó phải vừa không thể thay đổi theo thời gian và không gian, vừa phải là thứ chân thật nhất (Iti.,2, 8-9); nếu không linh hồn làm sao nghiệm được sự vui thỏa thật và biết phán đoán đúng. Thế là, qua sự vui thỏa này linh hồn tìm kiếm sự vui thỏa sung mãn hơn trong Chúa; và qua lương tri linh hồn ý thức hơn về một tài năng lý trí nơi mình.[6]
Tiếp đến nấc thang thứ ba, linh hồn quay nhìn vào chính nó. Nó bỡ ngỡ khám phá ra những tài năng đã có nơi chính mình: trí nhớ, trí hiểu và lòng muốn. Những tài năng này vượt xa những kinh nghiệm giác quan trên kia. Tỉ như, những nguyên lý vĩnh cửu đã được hằn khắc vào trí nhớ chắc chắn không qua cửa ngỏ giác quan, mà bằng ánh sáng không đổi từ bên trên (Iti.,3,2). Để rồi trí nhớ hướng về sự Vĩnh cửu. Với trí hiểu, linh hồn nhận biết ý nghĩa của những hạn từ, mệnh đề và kết luận.[7] Từ đó Chân lý được tỏ lộ. Còn lòng muốn là “một hoạt động của loại tài năng mang tính lựa chọn trong những dự định, phán đoán và khao khát”.[8]Đích đến của lòng muốn là Hạnh phúc.
Dẫu vậy, để tiến lên bậc thứ tư, theo Bonaventura linh hồn phải được thanh tẩy, khai sáng và hoàn thiện nhờ khoát lấy bộ ba nhân đức hướng thần.[9] Ngài còn nói thêm:
“Một người dù có được khai sáng đến cỡ nào bằng thứ ánh sáng của tự nhiên và tri thức đạt được, thì cũng không thể đi vào trong chính mình để vui thỏa trong Thiên Chúa; trừ phi phải đi qua lối nẻo của đức tin, đức cậy, đức mến với Đức Giêsu Kitô.”[10]
Như vậy, việc nhận ra những tài năng của mình nơi bước thứ ba đã làm cho linh hồn bừng tỉnh và tự hỏi: “Những thứ này đã có trong ta, nhưng nay bởi đâu ta nhìn thấy chúng?”. Hình ảnh về tấm kính màu giúp ta hiểu hơn về điều này. Giả như những tài năng của linh hồn là tấm kính kia, thì ân sủng như ánh sáng chiếu vào tấm kính, nhờ thế mà ta thấy được những màu sắc và hình ảnh có trên tấm kính. Tương tự vậy, tại bước này, linh hồn cảm thấy cần thứ ánh sáng ân sủng của Chúa để có thể thay đổi hướng nhìn: nhìn lên với chính Nguồn ánh sáng mà thôi.
            Tuy nhiên, thoạt tiên khi nhìn lên Nguồn sáng hay Chính Hữu Thể (Being Itself)[11], con mắt linh hồn không thể nhìn thấy gì. Trí năng trở nên mù lòa vì đã quen tri nhận những hữu thể cụ thể và phổ biến (particular and universal beings), thuần hiện thể (the pure actuality of being). Trong khi đó, Hữu Thể (Being) lại vượt xa mọi phạm trù, và là cái đầu tiên đến với linh hồn rồi qua nó mọi thứ khác hiện hữu.[12] Dần dà rồi quen, từ đó linh hồn nhận ra những yếu tính của Hữu Thể: tinh tuyền nhất, đơn giản nhất, hiện thể nhất, hoàn hảo nhất (Iti.,5,5). Nó vừa là đầu vừa là cuối, vừa là tâm vừa là chu vi đường tròn, vừa trong vừa ngoài thời gian, vừa là một nhưng lại thấm nhập trong vạn vật (Iti.,5,8).
            Và cuối cùng, linh hồn không chỉ nhìn thấy những yếu tính của Chính Hữu Thể mà còn chiêm ngắm sự Tốt lành của Ba Ngôi. Sự Tốt lành ấy được thể hiện trong sáu đặc tính: siêu thông đạt, siêu đồng bản thể, siêu căn tính tự nhiên, siêu đồng đẳng, siêu đồng vĩnh cửu, siêu mật thiết.[13] Linh hồn sẽ không khỏi ngưỡng mộ khi chiêm ngắm những đặc tính của những Ngôi vị thần linh này, không chỉ trong chính chúng mà còn trong sự kết hợp tuyệt diệu giữa Thiên Chúa và con người được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô.[14] Và khi chiêm ngắm như thế, một mặt linh hồn ta đang được ánh sáng toàn hảo chiếu soi, mặt khác nhân tính ta được kết hiệp khôn tả với Ba Ngôi Thiên Chúa (Iti.,6,7).
Ở đỉnh cao hoàn thiện này, linh hồn đã triển nở đạt mức và được nghỉ ngơi sau khi đã vất vả lao nhọc (Iti.,7,1). Trí năng đã chăm chỉ chiêm ngắm để có thể hiểu được khả dĩ là đầy đủ về Thiên Chúa, Đấng mà lòng muốn khát khao được kết hiệp.[15] Và Đấng Trung gian đã đưa linh hồn vào chốn nghỉ ngơi này không ai khác hơn là Đức Giêsu Kitô. Trong sự nghỉ ngơi kết hiệp ấy “ta hãy buông bỏ mọi giác quan, mọi hoạt động của trí năng, và mọi thứ hữu hình lẫn vô hình; hãy lãng quên đi chính mình, hãy để cho chính mình rơi rụng lại trong chừng mực có thể, hầu kết hiệp với Ngài Đấng vượt trên mọi yếu tính và mọi hiểu biết”.[16]
Như thế đó, hành trình của linh hồn trong việc tìm kết hiệp với Thiên Chúa là nơi minh chứng rõ nhất cho sự tương tác qua lại giữa tình thương từ Trời và khao khát của đất, giữa hoạt động của ân sủng và nỗ lực của con người. Thánh Bonaventura đã xuất sắc trong nỗ lực diễn tả những chuyển động của linh hồn và những tài năng của nó trước những làn gió của Chúa Thánh Thần. Để rồi cuối cùng, linh hồn được triển nở và nhuần thấm trong chính Ba Ngôi. Đấy cũng là điểm thu hút và kích thích chúng tôi tiếp tục quảng diễn trong phần tiếp sau đây.
            II.   LINH HỒN VÀ CÁC TÀINĂNG CỦA NÓ TRONG HÀNH TRÌNH KẾT HỢP VỚI THIÊN CHÚA
Kết hợp là một mối tương tác qua lại giữa hai hữu thể, từ những thứ bên ngoài nhất đến tận trung tâm của hữu thể là chính linh hồn. Trong tình trạng kết hợp, ba tài năng của linh hồn như được vận động và phát triển đến toàn vẹn nhất, đạt mức nhất.
Thường thường, yếu tố đầu tiên của mọi mối tương quan là lòng tin. Lòng tin có những rễ sâu trong kỷ niệm. Nên khi dùng trí nhớ lần vết theo những biến cố cuộc đời còn hằn ghi trong tâm hồn, ta vừa xâu kết lại lịch sử đời mình vừa ngờ ngợ nhận ra hướng đi cho tương lai. Phải chăng đời ta có sẵn một định mệnh – một định mệnh hạnh phúc? Đồng thời, ta cũng dần khám phá ra được bóng hình của một Người luôn đồng hành và yêu thương ta. Những kỷ niệm kia giúp củng cố niềm tin nơi ta. Từ sự tin tưởng, ta được thôi thúc tìm kiếm một định mệnh vĩnh cửu dành riêng cho ta, và chân dung đích thực của Người.
Mà ước ao xuất phát từ lòng muốn. Tuy luôn khao khát thứ hạnh phúc mang tính kết hợp đích thực, nhưng lòng muốn lại dễ vướng vào những kết hợp giả tạo với sự vật tự nhiên, hay với chính mình. Thật ra, dừng lại và quơ góp những danh – lợi – thú cũng đồng nghĩa với việc thu gom cho chính mình. Nếu chỉ xoay quanh mình ta vẫn chưa có được hạnh phúc, và sự kết hợp chỉ là bám víu. Thêm nữa, tại điểm này, nếu lòng muốn chưa vượt thoát được vòng vây của cái Tôi, thì nó cũng làm méo mó trí năng. Lý trí hoàn toàn có thể tận dụng sự khôn khéo vốn có của nó để thực hiện những toan tính hết sức tinh vi mà hướng nhắm vẫn là bảo vệ sự an toàn nhát đảm của ta mà thôi.
Ngược lại, một tình yêu kết hợp đòi hỏi phải lột bỏ chính mình và trao ban chính mình cho tha thể. Phải chăng thứ Chân lý này là một luồng sáng chiếu vào linh hồn làm lộ rõ mối giằng co nội tại nơi ta? Sự giằng co ấy minh chứng một hạnh phúc kết hiệp vẫn là một mục tiêu dang dở của linh hồn. Hơn nữa, chính trí năng cũng cảm thấy mình tầm thường khi sự vất vả suy nghĩ của nó cũng chỉ hái được những quả vô nghĩa. Tù túng. Lệ thuộc. Hạn hẹp. Ý thức khơi gợi khát khao. Khát khao thúc đẩy chọn lựa: ở lại hay ra đi, an toàn hay phiêu lưu, đóng kín hay rộng mở, bất cần hay yêu thương? Và thế là dù có phần cảm tính, ý chí lại tiếp tục đẩy trí năng đi tìm kiếm và suy tư hầu cụ thể hóa những lối nẻo để sự kết hợp nên trọn.
Thật ra, chỉ có loại lý trí muốn vươn tới Chân lý thiện hảo mới là thứ lý trí tinh tuyền, vượt thoát, và có khả năng xuyên thấu. Nhưng để đạt được điều ấy, lý trí cần buông mình cho chính Nguồn Ánh sáng. Lý trí lúc ấy đang vừa được tẩy luyện vừa được tiến bước vào lối nẻo của sự khôn ngoan thật như lời Thánh vịnh: “Gốc rễ của sự khôn ngoan là lòng kính sợ Thiên Chúa” (Tv 111,10).
Một khi quy thuận theo chuyển động của Chân lý mặc khải, lý trí sẽ rất mềm mại. Như nước, nó có thể xuyên thấu, thấm nhập vào những chiều sâu và ngóc ngách của linh hồn mình. Một mặt, nó soi chiếu và dẫn lối cho mọi chiều kích của hữu thể mình được mở ra, vươn rộng và triển nở đến tận cùng mức mà Thiên Chúa mong đợi – một định mệnh vượt quá trí tưởng ban đầu của trí nhớ. Mặt khác, nó nhận diện được những chuyển động tinh vi luôn tìm quay lại với cái Tôi an toàn của lòng muốn. Tại đây, ngược lại với giai đoạn trên, lý trí sáng suốt lại tìm cách thuyết phục, vực dậy lòng muốn đầy đam mê.
Đâu chỉ vậy, một khi được xuôi dòng cùng ân sủng, lý trí lại có thêm sự mạnh mẽ và sắc bén không phải để thêm những toan tính lắt léo mưu ích cho mình, hay để gây thương tổn cho tha nhân; mà là một sự nhạy bén đầy tình yêu để biết hy sinh hơn, nhường nhịn hơn, biết cách quan tâm tế nhị hơn đến nhu cầu của người khác, biết cách để cùng đồng hành với anh chị em mình trong cùng một kiếp người tuy mong manh mà vẫn đầy ý nghĩa. Như thế đấy, một lý trí nhuần thấm mặc khải là một thứ ánh sáng vừa có sức soi tỏ sự hữu hạn của hữu thể mình, vừa có sức chỉ đường cho linh hồn mình và tha nhân tiến đến một sự kết hiệp cao quý đầy yêu thương.
Tóm lại, thứ bình an mà thánh Bonaventura mô tả trong Itinerarium không gì khác hơn là sự hòa điệu giữa con người với Thiên Chúa. Đó là kết quả của một sự quy thuận với trọn cả hữu thể của con người trước Đấng tạo nên nó, khi nó nhìn nhận vị trí tuyệt đối của Thiên Chúa.[17] Đó cũng là thứ khôn ngoan tuyệt đỉnh mà Thần Khí ban tặng cho những ai khát khao, như ngài đã kết luận:
“Sự kết hiệp này là một điều bí nhiệm chỉ dành cho những ai khao khát nó, nhưng chẳng ai có thứ khao khát ấy ngoại trừ người được thấm đượm đến tận xương tủy ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Kitô đã gởi đến thế gian.” [18]
 Nguyễn Phước Bảo Ân S.J.
[1] Xem The Journey of the Mind to God, Philotheus Boehner, O.F.M dịch, (Indianapolis: Hackett Publishing Company), 1993, tr. xiii
[2] Itinerarium,  Prologue, 3. Để thuận tiện cho việc đối chiếu, sau mỗi trích dẫn, chúng tôi sẽ ghi lại nguyên văn cách dịch của P. Boehner. “… to peace through the ecstatic transports of Christian wisdom.”
[3] Itinerarium, chương 7, đoạn 1: “Our mind has beheld God outside itself through and in vestiges of Him, and within itself through and in an image of Him, and above itself through the similitude of the divine Light shining above us and in the divine Light itself …”
[4] Itinerarium, 1, 13: “He is existing, living, intelligent, purely spiritual, incorruptible, and immutable.”
[5] Itinerarium, 2, 4 – 5- 6: apprehension,delight, judgment.
[6] Itinerarium, 2, 6: “Judgment is an action which causes it to enter into the intellective faculty.”
[7] Itinerarium, 3, 3: “The activity of the intellective faculty consists in understanding the meaning of terms, propositions, and inferences.”
[8] Itinerarium, 3, 4: “The activity of the elective faculty is found in counsel, judgment, and desire.”
[9] Itinerarium, 4, 3: “The image of our soul, therefore, must be clothed with the three theological virtues, by which the soul is purified, enlightened, and perfected.”
[10] Itinerarium, 4, 2: “No matter how enlightened one may be by the light coming from nature and from acquired knowledge, he cannot enter into himself to delight in the Lord (…) except through the faith, hope, and love of the Jesus Christ.”
[11] Itinerarium, 5, 2: vì Thiên Chúa tự gọi Ngài lần đầu tiên là “Ta Tự Hữu” (Xh 3,14). “Being Itself – the first name of God is He Who is.”
[12] Itinerarium, 5, 4: “Our soul’s eye does not notice that Being which is beyond all categories, even though it comes first to the soul, and through it, all other things.”
[13] Itinerarium, 6, 3: “… supreme communicability, supreme consubstantiality, supreme identity of nature, supreme coequality, supreme coeternity, supreme mutual intimacy.”
[14] Itinerarium, 6, 4: “We must admire the characteristics of the divine Persons, not only in themselves, but also in comparison with the most marvelous union of God and man in the unity of the Person of Christ.”
[15] Bonaventura, Sđd, tr. xviii.
[16] Itinerarium, 7, 5: “abandon the senses, intellectual activities, and all visible and invisible things, oblivious of yourself, let yourself be brought back, in so far as it is possible, to union with Him Who is above all essence and all knowledge.”
[17] Bonaventura, Sđd, tr.41
[18] Itinerarium, 7, 4: “This (the union with God), however, is mystical and most secret, and no one receives it except him who desires it, and no one desires it except he who is penetrated to the marrow by the fire of the Holy Spirit, Whom Christ sent into the world.”
(www.dongten.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét