Thứ Tư sau Chúa nhật IV Phục Sinh
Cv
12,24–13,5a; Tv 66; Ga 12,44-50.
Phao-lô tại An-ti-ô-ki-a
Bài đọc 1 Cv
12,24–13,5a
12
24 Bấy giờ, lời Thiên Chúa
vẫn lan tràn và phát triển. 25 Ông Ba-na-ba và ông Sao-lô, sau khi đã chu toàn công việc phục vụ
tại Giê-ru-sa-lem thì trở về, đem theo ông Gio-an, cũng gọi là Mác-cô.
13
1 Trong Hội Thánh tại
An-ti-ô-khi-a, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Ba-na-ba, Si-mê-ôn
biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu
vương Hê-rô-đê, và Sao-lô. 2 Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì
Thánh Thần phán bảo : "Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo
công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm." 3 Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên
hai ông và tiễn đi.
4
Vậy, được
Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xê-lêu-ki-a, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp. 5a Đến Xa-la-min, hai ông loan báo lời Thiên Chúa
trong các hội đường người Do-thái.
Đáp ca Tv
66,2-3.5.6 và 8 (Đ. c. 4)
Đáp :
Ước gì chư dân cảm
tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài !
Hoặc:
Đáp : Ha-lê-lui-a.
2 Nguyện
Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin toả ánh tôn nhan rạng
ngời trên chúng con,
3 cho
cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ
của Ngài. Đ.
5 Ước
gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
vì Chúa cai trị cả hoàn cầu
theo lẽ công minh,
Người cai trị muôn nước
theo đường chính trực
và lãnh đạo muôn dân trên
mặt đất này. Đ.
6 Ước
gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm
tạ Ngài. Đ.
Tung hô Tin Mừng x.
Ga 8,12
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chiên của tôi thì
nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Ga
12,44-50
44 Khi ấy, Đức
Giê-su lớn tiếng nói rằng : "Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào
tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi ; 45 ai thấy tôi là
thấy Đấng đã sai tôi. 46 Tôi là ánh sáng đến thế gian,
để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47 Ai nghe những lời
tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến
không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48 Ai từ chối tôi và
không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy : chính lời tôi đã nói
sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49 Thật vậy, không
phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh
cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50 Và tôi biết :
mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng
như Chúa Cha đã nói với tôi."
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)
Suy Niệm:
Ánh sáng rất cần thiết trong cuộc sống tự nhiên. Ánh sáng đem lại niềm vui
tươi sinh động. Ở đây bài Tin Mừng muốn nói đến ánh sáng siêu nhiên, tượng
trưng sự hiện diện của Thiên Chúa. Ðức Giêsu chính là ánh sáng. Ai không tin
vào Ðức Giêsu, không giữ lời Ngài thì sống trong tối tăm bất hạnh. Ðức Giêsu được
sai đến không để xét xử nhưng để ban ơn cứu độ. Bởi thế, nếu khước từ Lời Ngài,
là tự lên án chính mình, tự tách mình ra khỏi ánh sáng vinh quang Thiên Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con hằng khao khát hạnh phúc. Mà chỉ có Chúa mới cho
chúng con được hạnh phúc đích thực và trường tồn. Trong cuộc sống, nhiều lúc
chúng con gặp những trở ngại, khó khăn, u ám. Xin cho chúng con biết tìm đến
Chúa. Nhờ ánh sáng của Chúa, chúng con sẽ tìm ra con đường đem lại hạnh phúc:
Ðó là chúng con biết tin tưởng phó thác và sống theo sự hướng dẫn của Chúa. Amen.
(Lời Chúa
trong giờ kinh gia đình)
Tin Con Là Tin Cha
Anh chị em thân mến!
Lần nọ, một nhóm giáo sĩ Công giáo Trung Hoa đã nhờ giáo sư Kinh Thánh từ Mỹ
đến giúp họ khóa học về Thánh Kinh. Mở đầu cho khóa học, vị giáo sư đề nghị
nhóm giáo sĩ tìm ra bất kỳ một đoạn Tin Mừng nào mà họ cảm thấy đánh động mình
nhất. Trước sự ngạc nhiên của vị giáo sư, nhóm người ấy họ không chọn bài giảng
trên núi, hay cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hoặc biến cố Phục Sinh của Ngài.
Nhưng họ lại chọn câu chuyện rửa chân cho các môn đệ. Và cũng chẳng phải là ngẫu
nhiên mà sự chọn lựa của nhóm giáo sĩ người Trung Hoa này đã mang một ý nghĩa
thật trùng hợp với lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Bài Tin Mừng hôm nay có thể
tóm lược cách tổng quát về những lời rao giảng công khai của Chúa. Chúa Giêsu
đã nhắc đến hai điểm chính yếu là: "Tin Ngài là tin Chúa Cha và thấy Ngài
là thấy Chúa Cha".
Tin Chúa thì sẽ mang lại ánh
sáng cho cuộc đời, vì đức tin là ánh sáng, không tin thì sống trong tối tăm. Từ
chối không tin Con Người thì tự kết án mình, mặc dù Chúa Giêsu không đến để kết
án mà để cứu rỗi. Không ai có thể thoát ra khỏi sự xét xử cuối cùng này, và sự
xét xử ấy là bởi thái độ do con người tin nhận hay từ chối từ Thiên Chúa:
"Ai nghe lời Ta mà không tin giữ thì không phải Ta kết án kẻ đó, nhưng
chính Lời Ta sẽ xét xử nó" (Ga 12,47-48), không ai có thể thoát khỏi sự
xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết.
Trong cuộc sống, Thiên Chúa
luôn kêu mời con người trở về với Ngài sau những lần sa ngã hay lúc họ chối từ
Ngài, thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng nhân từ thương xót Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta đừng lạm dụng lòng nhân từ Chúa, đừng khinh dể bỏ qua
ơn soi sáng của Ngài. Qua đoạn Phúc Âm trên, thánh sử cho thấy rõ ý Chúa muốn
nói với mỗi người, đó là Ngài muốn chúng ta lắng nghe lời Ngài và sống kết hợp
với Ngài "biết giới răn Cha Ta là sống đời đời" (Ga 12,50).
Lạy Cha là Ðấng Toàn Năng
Hằng Hữu, Cha đã đặt vào tâm hồn con người một niềm khao khát sâu xa về Cha, đến
độ con người sẽ được an bình chỉ khi nào họ đến gặp Cha. Xin Cha hãy thương làm
sao để cho con người vượt qua những thử thách, những trở ngại mà nhìn nhận những
dấu chỉ về lòng nhân từ của Cha, và có được niềm vui khi chân nhận Cha là Thiên
Chúa duy nhất, Cha là Ðấng chân thật của mọi người. Amen.
(Veritas
Asia)
Sẵn sàng vâng lời Thiên
Chúa
Bài đọc: Acts 12:24-13:5; Jn 12:44-50.
Có rất nhiều khác biệt giữa lời của Thiên Chúa và lời của con người: Lời của
Thiên Chúa khôn ngoan tuyệt đỉnh, không thay đổi, và mang lại sự sống cả đời
này và đời sau; trong khi lời của con người không thể khôn ngoan bằng Lời Chúa,
thay đổi, chưa chắc đã mang lại sự sống đời này, và không thể mang sự sống đời
sau.
Các Bài Đọc hôm nay dạy con người phải biết vâng lời Thiên Chúa qua sự thúc
đẩy của Thánh Thần và thực thi những gì Chúa Giêsu nói. Trong Bài Đọc I, tuy Hội
Thánh Antioch mới lập, nhưng họ sẵn sàng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, hy
sinh Barnabas, Phaolô, và Gioan Marcô, để các ông lên đường rao giảng Tin Mừng
đến các nơi chưa được nghe. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Ngài chỉ nói những
gì Ngài nghe được nơi Thiên Chúa. Vì thế, tuân giữ Lời Ngài là tuân giữ Lời
Thiên Chúa; nếu không, những Lời này sẽ trở nên quan tòa xét xử con người.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc
I: Hội Thánh tại Antioch vâng lời Thiên
Chúa.
1.1/ Lời Chúa tiếp tục lan tràn và phát triển đến mọi nơi: Đây là mục đích
trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa nên Ngài tạo mọi cơ hội cho các sứ giả
loan báo Tin Mừng. Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều này: Phải có cuộc bách hại
tại Jerusalem sau khi Stephanô chịu tử đạo, các môn đệ Chúa mới chịu tản mác đi
các nơi và rao giảng Tin Mừng; trong khi các Tông-đồ ở lại Jerusalem để củng cố
Hội Thánh Trung Ương. Phó-tế Philip xuống Samaria và rao giảng Tin Mừng cho dân
ở đây. Ông cũng gieo hạt giống cho dân Ethiopia khi rao giảng Tin Mừng và làm
Phép Rửa cho viên Thái Giám. Ngài làm cho Saul, kẻ nhiệt thành bắt bớ đạo
thánh, được trở lại; và giờ đây sẵn sàng để nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như
tường thuật hôm nay. Nơi nào Tin Mừng được rao giảng, Thiên Chúa cũng ban cho
có các ngôn sứ và thầy dạy, như trong Hội Thánh tại Antioch, có các ông
Barnabas, Simeon biệt hiệu là Đen, Lucius người Cyrene, Manaen, bạn thời thơ ấu
của tiểu vương Herode, và Phaolô.
1.2/ Giáo đoàn tại Antioch sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
- Sứ vụ riêng cho Phaolô và Barnabas: Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng
Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Barnaba và
Phaolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm." Đây là lệnh
truyền không dễ làm cho Hội Thánh tại Antioch, vì hai ông là hai cột trụ của cộng
đoàn và Hội Thánh địa phương còn non nớt. Theo sự suy nghĩ loài người: nếu mất
hai ông, cộng đoàn sẽ suy xụp và không phát triển được. Nhưng họ quyết định
không sống theo sự suy nghĩ của con người; nhưng theo niềm tin vào Thiên Chúa
và sự hướng dẫn của Thánh Thần: "Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt
tay trên hai ông và tiễn đi."
- Đây là bài học quí giá cho mọi tín hữu: Phải hy sinh cho việc rao giảng
Tin Mừng sao cho mỗi ngày một lan rộng, chứ không ích kỷ giữ người cho mình.
Hơn nữa, khi nhà lãnh đạo đương nhiệm ra đi, Thiên Chúa sẽ gởi người khác tới,
và mọi người trong Hội Thánh địa phương sẽ ý thức được vai trò của mình và cộng
tác đắc lực hơn.
- Phaolô, Barnabas, và Gioan Marcô bắt đầu thành các cộng đoàn mới: "Vậy,
được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Seleucia, rồi từ đó đáp tàu đi đảo
Cyprius. Đến Salamis, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người
Do-thái. Có ông Gioan giúp hai ông."
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha.
2.1/ Con người phải tin và vâng lời Chúa Giêsu: Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng:
- "Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng
đã sai tôi." Người được sai đi có đầy đủ chức vị và thẩm quyền như Đấng
sai đi. Vì thế, tin vào sứ giả là tin vào người sai sứ giả; từ chối sứ giả là từ
chối người sai sứ giả.
- "Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi." Đây là lời mặc khải mới
lạ. Đối với con người, Người sai đi và sứ giả là hai chủ thể riêng biệt. Đối với
Thiên Chúa, Người sai đi (Chúa Cha) và Người được sai đi (Chúa Con) là một; vì
cả hai đều là Thiên Chúa, nhưng làm các việc khác nhau. Điều này cũng được Chúa
Giêsu xác tín, khi Philip yêu cầu: "Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Cha,
thế là chúng con mãn nguyện rồi." Chúa Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh
em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa
Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!" Anh không
tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với
anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình" (Jn 14:9-10).
- "Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở
lại trong bóng tối." Ánh sáng và bóng tối là hai điều trái nghịch nhau:
khi có ánh sáng thì không có bóng tối; và ngược lại. Người tin vào Đức Kitô
không thể ở trong bóng tối, vì Đức Kitô là ánh sáng. Điều này không có ý nói,
người nào đã tin Đức Kitô là sẽ không còn bóng tối trong mình; nhưng nếu người
tin Ngài chịu để cho ánh sáng của Ngài soi dẫn vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn,
họ sẽ chỉ còn là ánh sáng.
- "Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính
tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế
gian." Câu này lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói trong Jn 3:16-21. Chương
12 của Gioan là chương cuối cùng của cuộc đời công khai rao giảng của Đức Kitô,
vì từ chương 13 tới 21 dành cho các môn đệ và Cuộc Thương khó của Ngài. Vì thế,
chương 12 tóm gọn những đạo lý chính của Chúa Giêsu.
- "Ai từ chối
tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy - chính lời tôi
đã nói sẽ là quan tòa xét xử người ấy trong ngày sau hết." Theo Jn 3:18,
con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô. Với những người không
có cơ hội gặp Chúa Giêsu và những người thuộc các thế hệ sau như chúng ta, Lời
Chúa trở thành quan tòa xét xử cho những ai không chịu tin vào Lời Ngài.
2.2/ Chúa Giêsu
vâng lời Chúa Cha: "Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là
chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố
gì." Người được sai đi phải nói những gì người sai đi muốn nói; nếu không,
họ sẽ không còn là sứ giả hay ngôn sứ của người đã sai họ đi.
Tuy nhiên, sự vâng
lời của Chúa Giêsu không có tính cách nô lệ hay mù quáng, vì Ngài phán:
"Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi
nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi." Nói cách khác, Ngài biết
Lời của Chúa Cha là sự thật, và có khả năng giải thoát con người khỏi tội, và
cho con người được sống muôn đời.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Chúng ta phải
luôn nhớ Thiên Chúa vẫn đang hoạt động và điều khiển mọi sự trong vũ trụ. Bổn
phận của chúng ta là cầu nguyện để nhận ra và mau mắn thi hành thánh ý của
Ngài.
- Chúng ta phải chịu
trách nhiệm trong việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, chứ không ích kỷ chỉ
biết lo lắng cho mình hay cho giáo xứ. Khi đã hiêu biết Lời Chúa rồi, chính
chúng ta phải sống và làm chứng cho Tin Mừng.
- Đừng khinh thường
Lời Chúa vì những Lời này sẽ trở thành quan tòa để phán xét chúng ta; hơn nữa,
đó là những Lời mà vì yêu chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta những Lời này.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.
02/05/12
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS
Th. Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh
Ga 12,44-50
Th. Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh
Ga 12,44-50
LỜI TỐI HẬU CỦA TÌNH YÊU
“Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.” (Ga 12,47)
Suy niệm: Di ngôn của người sắp lìa trần bao giờ cũng hết sức quan trọng, bởi vì đó là những lời tâm huyết nhất mà người sắp ra đi muốn để lại cho con cháu, cho đời, mà đây là cơ hội cuối cùng để nói lên. Chính vì thế những lời ấy dù có thốt ra trong tiếng thều thào, cũng được những người thân chăm chú lắng nghe. Có thể coi những lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay chính là những di ngôn của Ngài vì đây là lần cuối cùng Ngài nói cho dân chúng trước khi chịu khổ hình. Lần này Chúa không nói thầm nhưng “kêu lớn tiếng” điều tâm huyết mà Ngài gửi đến cho mọi người “Tôi đến không phải để xét xử thế gian mà để cứu thế gian,” đó cũng là điều Ngài đã nói riêng cho ông Nicôđêmô từ những ngày đầu: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Mời Bạn: Con Thiên Chúa được sai đến trần gian chỉ có một mục đích là cứu chúng ta. Bạn coi những lời Chúa nói đây là nghiêm túc chứ? Bệnh nhân phải nghe lời khuyên của bác sĩ để biết bệnh tình của mình thế nào và phải chữa trị làm sao, bạn cũng cần lắng nghe Lời Chúa để biết mình cần được cứu độ; quả thật Ngài yêu thương bạn đến nỗi hiến thân chịu chết để cứu bạn; nếu không, Chúa đã chẳng nói lên những lời thống thiết như thế. Bạn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và tin vào Ngài chứ?
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm câu Lời Chúa trên đây (Ga 12,47) để xác tín mình được Chúa yêu thương và cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin đặt trọn niềm tin vào Chúa để được Chúa thương và ban ơn cứu dộ.
Từ bóng tối đến ánh
sáng
Tin mừng theo thánh Gio-an được viết ra
sau một thời gian dài cầu nguyện đến lúc chín mùi. Trước khi cho chúng ta những
lời chứng, thánh nhân đã dầy kinh nghiệm sống với sức sống của Thiên Chúa, Cha,
Con và Thánh Thần. Tin mừng này bày tỏ về Thiên Chúa Ba ngôi, qua con tim của một
người, một người xác tín, một người tông đồ yêu dấu.
Đức Giêsu tự định nghĩa mình là người được
sai đi của Cha. Thánh Gio-an không giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa,
nhưng là Con Cha. Hầu như bất cứ điều quan trọng nào đều chỉ về Cha và không chỉ
về Con. Tất cả đều tương quan với Cha. Đức Giêsu thực hiện sứ mệnh do Cha ban,
Người làm cho họ nhận biết sứ điệp của Cha. Đức Giêsu chính là sứ điệp của Cha.
Thái độ của Đức Kitô luôn luôn bày tỏ sự
hoàn toàn tùy thuộc, hoàn toàn vâng lời lúc nào cũng sẵn sàng đối với Cha. Nếu
Người cho lời Người là quan trọng vì đó là lời của Cha: “Chính lời Tôi nói sẽ
xét xử người ấy trong ngày sau hết, thật vậy, không phải Tôi tự mình nói ra,
nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Tôi, truyền lệnh cho Tôi phải nói gì và
tuyên bố gì”.
Chúng ta có lẽ phán đoán đây là một sự lệ
thuộc quá nô lệ. Đức Giêsu không có một sự tự chủ của người trưởng thành …
Trái lại, chính đó là một hành động tự do
của Đức Giêsu vì Người tự ý đặt mình sẵn sàng theo ý Cha: Đó chính là con đường
cứu chuộc.
Con người muốn độc lập với Thiên Chúa,
không muốn sống hợp với nguyên lý sự sống. Nhưng muốn được cứu chuộc phải vâng
lời, phải tiến lại sống thân mật với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: Vì không
vâng lời của một người, mà án phạt đã đến trong thế gian.
Chúng ta hãy để cho con tim chúng ta được
tự do dâng lời cảm tạ biết ơn Đức Giêsu, là nguồn ơn cứu chuộc chúng ta, và
Thánh lễ tạ ơn chúng ta sắp cử hành để tuyên xưng hồng ân của Chúa Cha là đã
sai Con Một Ngài đến cho chúng ta.
C.G
Ánh sáng của Đức Kitô
Nơi con người Chúa Giêsu có nhiều thứ ánh
sáng. Đó có thể là thứ ánh sáng phản chiếu vinh quang quyền năng, thứ ánh sáng
mà khi đối diện con người phải cúi đầu. Chúa Giêsu không tỏ lộ ánh sáng này cho
các môn đệ và dân chúng theo Ngài, ngoại trừ một lần trên núi Thabor, Ngài biến
hình sáng láng trước mặt ba môn đệ: Phêrô, Yacôbê và Gioan.
Ánh sáng thường gặp nơi Ngài là ánh sáng
soi đường dẫn lối, một thứ ánh sáng không làm cho con người sợ hãi, nhưng mời gọi
bước theo. Anh sáng phát xuất từ ngọn lửa yêu thương phục vụ xem ra không huy
hoàng rực rỡ, nhưng lại hữu hiệu. Đối diện với ánh sáng này, con người sẽ hoặc
là tiếp nhận, hoặc là chối từ. Khi chối từ tức là con người còn nằm trong bóng
tối và ánh sáng trở thành ánh sáng xét xử. Chúa Giêsu không kết án, vì Ngài đến
để cứu chuộc, nhưng chính thái độ cố chấp của con người sẽ kết án họ.
Không có ánh sáng đồng thời với bóng tối,
ở đâu có ánh sáng, ở đó sẽ không còn bóng tối. Nhưng để tiếp nhận ánh sáng, con
người phải chấp nhận từ bỏ, tiêu hao chính mình. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần
gian và Ngài ước mong cho nó cháy lên. Gặp gỡ Đức Kitô, con người sẽ gặp được
ngọn lửa yêu thương của Ngài. Ngọn lửa càng sáng, càng đòi tiêu hao nhiều nhiên
liệu. Ngọn lửa Đức Kitô đã tỏa sáng khắp vũ trụ khi Ngài được giương cao trên
Thập giá và hiến thân cho đến giọt máu cuối cùng.
Bước theo Đức Kitô, người kitô hữu chúng
ta không những được mời gọi tiến vào miền ánh sáng, mà còn có bổn phận trở thành
ánh sáng. Ngài không cần chúng ta phải chiếu ánh sáng quyền năng của Ngài bằng
những việc phi thường, nhưng là sẵn sàng tiêu hao chính mình để ánh sáng Đức
Kitô được chiếu tỏa, và nhờ đó chính chúng ta cũng được đổi mới và nhận được
vinh quang Phục Sinh của Ngài.
(gp.longxuyen.net)
Ngày 02
Thánh Athanasiô, giám mục,
tiến sĩ Giáo hội
Thánh Athanasiô, giám mục,
tiến sĩ Giáo hội
Cái chết là cơ hội làm rơi tất cả mặt nạ. Đây là thách thức đích
thực đến với tôi: trong hành động cuối cùng của cuộc sống tôi, tôi có thực sự
là người đầy ảo giác để thực hiện những dự phóng của cá nhân mình, tìm những sự
bảo đảm trần thế hay không? Tôi có bị trói trong "hình ảnh lý tưởng
hóa" và giam mình trong cái "Tôi" của mình hay không? Hay là tôi
trở thành chính mình? Tôi có theo gương Đức Kitô, nhận thức cá nhân mình là con
Thiên Chúa, đang trở về với Cha... có lẽ đến từ xa, quên đi tất cả khó khăn,
tâ't cả cám dỗ, để đặt mình trước mặt Thiên Chúa như một chủ thể độc lập? Tôi
có được một sự chọn lựa: từ chối để rời bỏ tội và can đảm trong khi xin ơn tha
thứ để nhào vào bàn tay của Cha trong một hành động phó thác, vì biết rằng tinh
yêu của Cha còn lớn hơn tất cả mọi lỗi lầm của mình và Người không muốn mất
tôi. Bấy giờ tôi sống cuộc Vượt qua và đến với Cha, với Đức Giêsu, Đấng đón nhận
tôi trong cái chết của Người để giúp tôi sống lại với Người.
André Daigneault
Thứ Tư 2-5
Thánh Athanasius
(296? - 373)
uộc đời
Thánh Athanasius đầy bôn ba vì tận tụy phục vụ Giáo Hội. Ngài là quán quân bảo
vệ đức tin đối với sự lan tràn của lạc thuyết Arian. Sự nhiệt huyết của ngài
được thể hiện trong các trước tác giúp ngài xứng đáng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Sinh
trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria và được giáo dục kinh điển,
Athanasius gia nhập hàng giáo sĩ và là thư ký cho Ðức Alexander, Giám Mục của
Alexandria, và sau đó chính ngài được nâng lên hàng giám mục. Vị tiền nhiệm của
ngài, Ðức Alexander, từng là người lớn tiếng chỉ trích một phong trào mới
đang bành trướng ở Ðông Phương thời bấy giờ, đó là lạc thuyết Arian, họ khước
từ thiên tính của Ðức Kitô và không coi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.
Khi Ðức
Athanasius đảm nhận vai trò Giám Mục của
Khi
Trong bốn
mươi sáu năm làm giám mục, ngài đã phải lưu đầy mười bảy năm chỉ vì bảo vệ
tín điều về thiên tính của Ðức Kitô. Trong một thời gian, ngài được an hưởng
10 năm tương đối bình an để đọc sách, viết lách và cổ võ lý tưởng của đời sống
đan viện mà ngài hết lòng tận tụy.
Các văn
bản và giáo lý của ngài hầu hết là các bài bút chiến, trực tiếp chống lại mọi
góc cạnh của lạc thuyết Arian. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh,
cuốn Ðời Sống Thánh Anthony được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong
việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô Giáo Tây Phương.
Tượng thánh trong Nhà thờ Công Giáo Thánh A-tha-na-xi-ô tại Evanston, Illinois, Hoa Kỳ.
Lời
Bàn
Khi là
Giám Mục của
Lời
Trích
Những
khó nhọc mà Thánh Athanasius đã phải đau khổ trong khi lưu đầy -- trốn tránh,
bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác -- nhắc nhở chúng ta về những gì mà Thánh
Phaolô đã đề cập đến trong cuộc đời ngài: "Trong nhiều cuộc hành
trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng
bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, ở sa mạc, ngoài biển
khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; trong vất vả mệt nhọc, qua những
đêm không ngủ, qua sự đói khát, thường xuyên phải nhịn ăn uống, qua sự lạnh lẽo
và trần truồng. Ngoài những điều này, hằng ngày tôi còn bị ray rứt vì sự ưu
tư lo cho tất cả các giáo hội" (2
Corinthians 11:26-28).
|
|
Copyright © 2001 by
Nguoi Tin Huu.
|
Tháng năm - 2012
Lịch Công Giáo theo
Giáo Phận Sài Gòn
|
Ý chung: Cầu cho các sáng kiến bảo vệ và củng cố vai trò của gia đình. Xin cho các sáng kiến bảo vệ và củng cố vai trò của gia đình được khuyến khích trong xã hội.
Ý truyền giáo : Cầu cho các vị thừa sai được Đức Maria cùng đồng hành:Xin cho Đức Maria, Nữ
Hoàng của thế giới và Sao Sáng của việc rao giảng Tin Mừng, đồng hành cùng tất
cả các vị thừa sai trong công cuộc loan báo Đức Giêsu, Con của Mẹ.
|
THÁNG KÍNH ĐỨC MẸ
"Các tín hữu hãy nhớ rằng
lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không
hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức
tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy
chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của
Mẹ" (GH
67).
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét