Bài Ðọc I: (Năm
II) 2 Tm 2, 8-15
"Lời của Thiên Chúa
không bị xiềng xích đâu, Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta sẽ cùng
sống lại với Người".
Trích thư thứ hai của Thánh
Phaolô Tông đồ gởi cho Timô-thêu.
Con thân mến, con hãy nhớ rằng
Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng
cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như
một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích. Vì thế, cha cam
chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với
vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðây cha nói thật: Nếu chúng
ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống lại với Người. Nếu chúng ta kiên
tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người,
thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn
trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.
Con hãy ghi nhớ những điều đó
khi làm chứng trước mặt Chúa. Con chớ tranh luận: vì cái đó không ích lợi gì cả,
chỉ làm hại người nghe mà thôi. Con hãy cố gắng đến trước mặt Chúa như một người
đã chịu thử thách, như một công nhân không bị khiển trách, như người ngay thẳng
rao giảng lời chân lý.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab.
8-9. 10 và 14.
Ðáp: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa (c. 4b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ
cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. xin hướng dẫn
con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Ðáp.
2) Chúa nhân hậu và công
minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm
cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.
3) Tất cả đường nẻo Chúa là
ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa
thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài. -
Ðáp.
*
* *
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo
Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 28b-34
"Thiên Chúa của ngươi
là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm
Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều
nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là:
"Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và
ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn
và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến
tha nhân như chính mình ngươi". Không có giới răn nào trọng hơn hai giới
răn đó". Luật sĩ thưa Người: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ
khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác.
Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính
mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ
ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao
nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Suy Niệm:
Các câu hỏi của người kinh sư
trong bài Tin Mừng là một vấn đề nan giải của người Do Thái bấy giờ. Họ phân luật
thành 612 điều khác nhau: 248 điều phải thi hành và 365 điều cấm. Vì giới luật
quá nhiều, nên họ không thể xác định được đâu là điều chính yếu và quan trọng
nhất. Ðức Giêsu đã cho họ câu trả lời thật chính đáng và đồng thời chứng tỏ
Ngài là Chúa của Lề Luật. Ngài tuyên bố: tất cả các giới luật đều qui về hai điều
chính: mến Chúa - yêu người. Hai điều luật này không thể tách rời nhau.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay dạy
chúng con quá rõ ràng: muốn được sự sống đời đời phải kính mến Chúa, yêu thương
anh em. Ai trong chúng con cũng biết điều ấy, nhưng chưa thực hành hay chỉ làm
một cách máy móc hình thức. Xin Chúa giúp chúng con hiểu sâu xa lời dạy của
Chúa và đem thi hành một cách cụ thể trong đời sống. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Mối quan tâm hàng đầu
(Mc 12, 28b-34)
Suy Niệm:
Mối quan tâm hàng đầu
Văn hào Léon Tolstoi có kể câu
chuyện như sau: Hai người đàn ông nọ quyết tâm hành hương về Yêrusalem để dự Ðại
lễ Phục Sinh ở đó. Một người đặt mối quan tâm hàng đầu là đích điểm của cuộc
hành trình, vì thế ông cương quyết không dừng lại bất cứ nơi đâu, và trong suốt
cuộc hành trình, tâm trí ông chỉ nghĩ đến thành thánh. Còn người thứ hai, trên
mọi nẻo đường, nhìn thấy nhiều người cần được giúp đỡ và ông đã tốn nhiều tiền
bạc và thời giờ, đến nỗi ông không đến được đích điểm như đã dự định; thế
nhưng, một cái gì đó từ Thiên Chúa đến với tâm hồn ông mà người hành hương kia
không nhận được, cũng như một cái gì đó từ Thiên Chúa qua đôi tay ông, ảnh hưởng
cuộc đời của nhiều người mà người kia không có được qua những nghi lễ ông tham
dự tại thành thánh kéo dài suốt mùa Phục Sinh.
Mối quan tâm hàng đầu là một
danh từ thời đại. Nhà nước đặt mối quan tâm hàng đầu vào chính sách kinh tế; một
học sinh đặt mối quan tâm hàng đầu vào đèn sách để thi đậu vào đại học... Ðâu
là mối quan tâm hàng đầu của tôi, đó là câu hỏi hợp lý có thể áp dụng vào mọi
sinh hoạt cuộc sống, nhưng thiết nghĩ quan trọng hơn cả là câu hỏi: Ðâu là mối
quan tâm hàng đầu của tôi đối với cuộc sống của một người Kitô hữu?
Ðó cũng là vấn nạn mà một luật
sĩ đặt ra cho Chúa trong Tin Mừng hôm nay, khi ông ta hỏi: "Thưa Thầy,
trong các giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?" Câu trả lời của Chúa
Giêsu rất rõ ràng và đơn sơ, giới răn đứng đầu, mối quan tâm hàng đầu của người
Kitô hữu chính là tình yêu.
Nếu tình cờ chúng ta được một
người nào đó đặt câu hỏi như trên, liệu chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng
ta có phát biểu được câu trả lời tuyệt diệu, nghe êm tai và nêu bật giá trị cao
đẹp của con người chúng ta không? Và thành thật với lương tâm, liệu câu trả lời
đó có phản ánh chính cuộc sống chúng ta không, bởi lẽ khi cho một câu trả lời
đúng, chúng ta có thể lừa dối người khác và tự lừa dối mình? Thành thật với
lòng mình có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi khám phá ra rằng
cho đến nay mối quan tâm hàng đầu của chúng ta là tiền bạc, sức khỏe, danh vọng.
Như vậy, điều trước tiên chúng
ta phải làm để hoán cải và canh tân là thành thật thú nhận rằng cho đến nay
chúng ta đã đặt sai mối quan tâm hàng đầu của cuộc sống, kê� cả mối quan tâm hàng đầu trong cách thức chúng ta biểu lộ
niềm tin qua việc đọc kinh, dự lễ, bởi vì những cách thức này thường được sử dụng
như những phương thế giúp chúng ta giữ đạo, chứ không dẫn chúng ta đi xa hơn
trong việc sống đạo, nhất là giúp chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa và tha nhân.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp
chúng ta đổi hướng cuộc sống và đặt lại bậc thang giá trị của mối quan tâm hàng
đầu của chúng ta. Xin cho tình yêu mến là nguồn mạch và sức mạnh để chúng ta thực
sự gặp gỡ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình.
LỜI CHÚA
MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần IX Thường Niên
Bài đọc: 2 Tim 2:8-15; Mk
12:28b-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Những điều kiện để được vào
Nước Thiên Chúa.
Khi con người làm điều sai, thay vì chấp nhận tính yếu đuối của
xác thịt để tìm cách sửa sai; con người lại đi tìm những lý do để biện minh cho
sự sai trái của mình; một trong những cách đó là cãi chữ. Một ví dụ dẫn chứng:
Trong ngày thành hôn, hai người có đầy đủ tự do đã cầm tay nhau thề hứa trước
bàn thờ Chúa sẽ trung thành với nhau suốt đời, khi thịnh vượng cũng như lúc
gian nguy, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu để trung thành với nhau suốt đời.
Họ biết là họ không thể vịn vào bất kỳ lý do nào để ly dị. Nhưng sau vài năm, một
trong hai tự động ra tòa xin hủy bỏ lời thề vì những lý do như: “Chịu đựng hết
nổi rồi!” hay “Không ai có thể trung thành với một người suốt đời!” hay “Lỗi
không phải tại tôi!” hay “Nếu cả hai đều không thấy hạnh phúc bên nhau thà đường
ai nấy đi tốt hơn.”
Các bài đọc hôm nay nêu bật việc thực hành lời Chúa như điều kiện
để được vào Nước Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Phaolô nhắc nhở cho Timothy, người
môn đệ yêu quí, phải trung thành rao giảng Lời Chúa cho dù có bị xiềng xích lao
tù, để mưu cầu phần rỗi cho chính mình và cho tha nhân; chứ đừng cãi chữ để biện
minh cho sự bất trung của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhận ra một người
trong các kinh sư thành tâm tìm sự thật đến hỏi Chúa: “Điều nào quan trọng nhất
trong các giới răn?” Ngài bảo ông ấy: Điều răn thứ nhất, Phải yêu mến Thiên
Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ
hai, Phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn
các điều răn đó.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.
1.1/ Tôi cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn.
(1) Chịu đựng đau khổ để mưu cầu phần rỗi linh hồn cho người
khác: Một
trong những điểm quan trọng của thần học Phaolô là hãy bắt chước Phaolô như
Phaolô bắt chước Đức Kitô. Chúa Giêsu không có tội nhưng Ngài sẵn sàng chịu đựng
đau khổ cho phần rỗi linh hồn của mọi người. Thánh Phaolô sẵn sàng chịu đau khổ
như một tên gian phi vì rao giảng Tin Mừng, “để mưu ích cho những người Thiên
Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được hưởng
vinh quang muôn đời.” Ngài viết Thư này cho Timothy khi đang bị xiềng xích tại
Roma để khuyên nhủ Timothy phải sẵn sàng chịu đựng đau khổ để rao giảng Tin Mừng.
Điều quan trọng chúng ta nhận ra ngay nơi Đức Kitô và Phaolô: cả
hai đều đặt phần rỗi linh hồn phải làm ưu tiên hàng đầu của cuộc sống đời này.
Noi gương Đức Kitô, Phaolô sẵn sàng rao giảng Lời Chúa để cứu độ mọi người cho
dù phải đau khổ trong chốn lao tù. Ngài khuyên Timothy noi gương ngài đừng xiềng
xích Lời của Thiên Chúa. Người ta có thể cầm tù người rao giảng; nhưng không ai
có thể cầm tù Lời của Thiên Chúa, vì đó là Lời tồn tại muôn đời.
(2) Chịu đựng đau khổ để chứng minh lòng trung thành với Thiên
Chúa:
Chỉ trong gian nan một người mới biết ai là người trung thành với mình. Người
trốn chạy bạn hữu khi gặp gian khổ không phải là bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu từng
nói với các môn đệ: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng tuyên
xưng người ấy trước mặt Cha Thầy. Ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng
chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy” (10:32-33). Thánh Phaolô lặp lại lời tuyên
xưng ấy với một nghĩa tương tự: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với
Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị
với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.”
1.2/ Chú trọng đến nội dung của những giáo huấn, đừng cãi chữ!
(1) Đừng cãi chữ: Phaolô khuyên Timothy: “Anh hãy nhắc nhở lại
những điều đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy tha thiết khuyên người ta đừng cãi chữ:
chuyện không có ích lợi gì, chỉ làm cho người nghe phải diệt vong.” Điều quan
trọng Phaolô khuyên là hãy chú trọng đến sự thật đàng sau chữ. Sự thật đây là
phải kiên trì chịu gian khổ để mưu cầu phần rỗi linh hồn cho người khác và chứng
minh lòng trung thành của mình với Thiên Chúa. Người hay cãi chữ có thể lý luận
họ cũng yêu mến Thiên Chúa và không bao giờ làm hại tha nhân; nhưng Ngài sẽ
phán với họ: Không phải chỉ có ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! Mà được vào Thiên
Đàng; nhưng chỉ có những ai nghe và thực hành Lời Chúa.
(2) Hãy thành thật rao giảng lời chân lý: Phaolô khuyên
Timothy: “Hãy cố gắng ra trước mặt Thiên Chúa như một người đã được thử luyện,
một người thợ không có gì phải xấu hổ, một người thẳng thắn dạy lời chân lý.”
Người đã được thử luyện là người đã trải qua gian khổ mà không vấp ngã; người
thợ làm việc cho mục đích mở mang Nước Chúa không có gì phải xấu hổ; và người
thẳng thắn dạy lời chân lý sẽ không sợ hãi bất cứ lời tố tụng nào, vì biết Lời
sự thật sẽ giải thoát họ.
2/ Phúc Âm: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như
chính mình.
2.1/ Những cách hỏi khác nhau: Trình thuật mấy ngày qua dẫn chứng cho
chúng ta thấy những hạng người đến hỏi Chúa Giêsu với những mục đích khác nhau.
(1) Hỏi để “chụp mũ”: Những người Pharisees và Herodians hỏi Chúa
“Có nên nộp thuế cho Caesar không?” để tìm cớ bắt Chúa hoặc vì lý do chống lại
“đế quốc” hoặc chống lại “nguyện vọng của dân.” Điều này vẫn đang xảy ra cho những
nhà lãnh đạo tôn giáo!
(2) Hỏi để “biện minh” cho cách sống chỉ biết đời này: “Người đàn bà đó sẽ
là vợ ai trong 7 anh em đó?” Những người Sadducees không muốn tin đời sau để có
lý do hưởng thụ tối đa đời này, cho dù đã có những chứng từ của Kinh Thánh.
Ngày nay vẫn còn biết bao người như thế, không muốn tin Thiên Chúa để khỏi phải
giữ những gì Ngài dạy, để an lòng ở trong tối tăm!
(3) Hỏi để tỏ ra mình là người “hiểu biết”: Có những người hỏi
để xem đối phương có biết những gì mình biết không. Mục đích là để khinh thường
hay làm cho đối phương phải bẽ mặt.
2.2/ Hỏi để biết sự thật: Những hạng người trên có thể qua mặt con
người; nhưng không thể qua mặt Thiên Chúa vì Ngài dò thấu tâm can. Ngài biết những
ai thật lòng muốn đi tìm sự thật. Đối với những người như thế, Chúa Giêsu vạch
trần sự dối trá của họ. Còn đối với những ai thành tâm đi tìm sự thật như ông
kinh-sư hôm nay đến hỏi Chúa đâu là điều răn đứng đầu trong số các điều răn? Đức
Giêsu trả lời ông mà chúng ta có thể tóm tắt là: "mến Chúa và yêu người.”
Người kinh sư đồng ý với Chúa Giêsu. Ông nhận ra nguyên lý đứng
đàng sau các điều răn là tình yêu con người dành cho Thiên Chúa và dành cho tha
nhân biểu lộ cụ thể qua các hành động con người tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy
và giúp đỡ tha nhân. Ai hiểu và làm như thế, họ sẽ không còn xa Nước Thiên
Chúa.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
- Nếu chúng ta hãy thành tâm đi kiếm sự thật, chúng ta sẽ được
Thiên Chúa cho tìm thấy sự thật. Một khi tìm thấy sự thật, hãy có can đảm sống
và làm chứng cho sự thật.
- Đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử sự trung thành của
các tín hữu; chỉ những ai kiên trì trong đau khổ mới chứng minh họ là bạn nghĩa
thiết của Ngài.
-
Chúng ta hãy tìm cho được nguyên lý đàng sau Lời Chúa dạy. Đừng
quá chú trọng đến ngôn ngữ, vì ngôn ngữ chỉ dùng để diễn tả sự thật, chứ ngôn
ngữ không phải là sự thật.
Lm.Anthony
Đỗ Minh Tiên, SJ.
TÌNH YÊU VÀ CỦA LỄ
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)
Suy niệm: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Sắm sửa một mâm cỗ để mời ai đó thì quá quí rồi. Ấy vậy mà nó bị đánh giá thấp hơn ‘tiếng chào’ là thứ chẳng tốn kém gì! Điều này cho thấy trong suy nghĩ của ông bà chúng ta, lễ vật, quà tặng tuy đáng quí nhưng những tâm tình quí mến đối với người mình tiếp xúc là điều còn đáng quí hơn nhiều. Nói đến việc giữ đạo, ta nghĩ ngay đến lễ bái, kinh kệ, dâng cúng của lễ. Đối với Chúa Giêsu, nhân tố cốt yếu phải có là tình yêu bên trong đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu này cao quí hơn mọi thứ của lễ. Khi nói yêu “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực,” Chúa muốn nói đến một tình yêu chân thành và ngày càng được thanh luyện để trở nên sâu xa hơn, tinh tuyền hơn.
Mời Bạn: Mười điều răn cũng như luật Hội thánh buộc chúng ta tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần. Nhưng chúng ta giữ luật đó với tâm tình và thái độ nào? Có phải vì tình yêu Chúa hay không? Và sẽ rất thiếu sót nếu chỉ quan tâm đến nghi thức hoàng tráng mà hoàn toàn vô cảm trước những khổ đau của tha nhân, những người nghèo bị áp bức bất công trong xã hội.
Chia sẻ: Trong hoàn cảnh của cộng đoàn tôi đang sống, có hoàn cảnh nào mà theo lương tâm Kitô hữu, chúng tôi không thể làm ngơ được?
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống quan tâm đến nhu cầu, quyền lợi vật chất hay tinh thần của người sống bên tôi và làm việc cụ thể để chia sẻ với họ.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến cách chậm rãi, và suy gẫm: Lạy Chúa, con kính mến Chúa ...
( www.5phutloichua.net)
Thứ Năm tuần 9 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã liên kết
luật mến Chúa và yêu người thành một giới răn duy nhất. Ngài kêu mời ta thực
hành luật yêu thương ấy như một dấu hiệu đặc biệt của người con Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những
lúc con đã lầm. Con lầm tưởng rằng làm thật nhiều các việc đạo đức là quan trọng
nhất. Con lầm tưởng rằng hy sinh là quan trọng nhất, chu toàn lề luật là quan
trọng nhất. Con cảm tạ Chúa, vì Chúa giúp con nhận ra tình yêu mới là quan trọng
nhất.
Lạy Chúa, trước hết yêu
mến Chúa phải trở thành căn bản của cuộc sống con. Vì yêu mến Chúa, con sống và
làm việc. Vì yêu mến Chúa, con chu toàn những điều luật dạy. Vì yêu mến Chúa,
con tham dự các nghi lễ, đọc kinh cầu nguyện. Vì yêu mến Chúa, con cũng yêu
thương anh em con.
Lạy Chúa, yêu thương người
khác cũng trở thành điểm sáng cho cuộc đời con. Một đốm sáng leo lét trong đêm
tối, mỗi người có thể nhìn thấy. Một hành động yêu thương của con, dù âm thầm
nhỏ bé, cũng sẽ sáng lên trong xã hội loài người. Con biết điều ấy, nhưng lạy
Chúa, thực hành yêu thương như Chúa dạy đòi phải hy sinh thật nhiều. Xin tình
yêu Chúa đong đầy trái tim con, để con đủ quảng đại cho đi lòng tha thứ. Xin
tình yêu Chúa thắp sáng trái tim con, để con làm sáng lên những trái tim khác,
khi cùng nhau sống bác ái yêu thương.
Lạy Chúa, cuộc sống con
có vô vàn điều cần thực hiện, nhưng con xác tín rằng, điều quan trọng nhất là
biết sống yêu thương: yêu Chúa và thương người. Xin dạy con sống được nét độc
đáo ấy để con thực sự trở thành người con Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi
hãy kính mến Người".
07/06 – Thứ năm đầu tháng.
Tuần 9 Thường Niên
"Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa
duy nhất và ngươi hãy kính mến Người".
Giới luật yêu thương
Đức
Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên
Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ
hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào
khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc. 12, 29-31)
Chương
mười hai Phúc âm thánh Maccô giống như cái thời gian một diễn giả khi thuyết
trình xong dành cho thính giả đặt câu hỏi vậy. Có bao nhiêu quan điểm, có bấy
nhiêu người đặt ra vấn đề; những bận tâm lo lắng của những người đặt câu hỏi
thì đa dạng, còn quan niệm của Chúa lúc nào cũng vậy. Ông kinh sư vì muốn biết
điều răn đứng đầu, nên khiến Chúa phải lặp đi lặp lại như một điệp khúc bằng tất
cả đời sống cũng như trong lơì giảng dạy, lời “hãy yêu thương”.
Người
ta thường nói sai rằng Chúa Giêsu là người đầu tiên dạy yêu mến người thân cận
trái ngược với những người Do thái vốn dạy phải kính sợ Thiên Chúa và giữ đức
công bình. Luật Cựu ước cũng là luật của tình yêu, bằng chứng là ở đây Chúa
Giêsu trưng dẫn hai câu trong sách Nhị Luật. Nét đặc sắc của sứ điệp Kitô giáo
là tình yêu đối với người thân cận là bí tích tình yêu của Thiên Chúa. Xưa nếu
có vài người giải thích Luật cho rằng điều răn dạy yêu mến người thân cận chỉ
giới hạn vào những người Ít-ra-en mà thôi, thì đa số vẫn chủ trương một tình
yêu phổ quát. Ở đây cũng như ở bất cứ nơi nào, Chúa Giêsu không phá hủy Luật,
Người làm cho Luật nên hoàn hảo.
Yêu
thương những người không đáng yêu
Khác
với con người, Thiên Chúa không trông mong gì chúng ta là những người dễ
thương. Tình yêu của Chúa là tình yêu tạo nên tính dễ thương, và đó hẳn là điều
Chúa muốn diễn tả khi dạy ta yêu thương những kẻ thù địch của ta.
Ta
không yêu mến anh em ta như yêu những trái táo. Tình yêu Kitô giáo không phải
là bộ phận rung làm cho trái tim hay thân xác ta rung động lên trước người hay vật
nào đó hấp dẫn ta. Thứ tình yêu bản năng này chẳng có gì là phong phú, bởi lẽ
đó không phải là tình yêu tự do.
Người
ta sẽ nhận ra bạn yêu mến anh em bạn thực bằng một tình yêu phổ quát khi tình
yêu ấy sẽ là tình yêu nhưng không, chẳng màng biết ơn, khi những người được yêu
mến đó sẽ không phải là những kẻ dễ thương. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống Người
vì ta, đang khi ta là những tội nhân, giáo huấn của Chúa là thế đó. Yêu mến người
khác dựa trên nền tảng là vẻ hấp dẫn, chẳng cần phải có điều răn, nhưng đúng là
cần phải có Mạc khải của Chúa để ta nhận ra tình yêu nhưng không của Chúa đối với
ta và Thần khí của Người ở trong ta để thực hiện tình yêu ấy.
Ðạo của tình thương
Các nhà luật sĩ trong dân Israel thời Chúa Giêsu thường có
hai khuynh hướng như sau:
- Một là chia những luật chính yếu thành hàng trăm luật nhỏ,
thành những chi tiết tỉ mỉ.
- Hai là tổng kết tất cả các luật thành một hai luật hết sức tổng
quát. Trường hợp thứ hai này xảy ra khi một luật sĩ hỏi Chúa Giêsu về điều răn
nào quan trọng nhất.
Ðiều mới mẻ trong giáo huấn của Chúa Giêsu như được ghi lại ở đây
không phải là nội dung của giới răn, bởi vì Chúa Giêsu nhắc đến những câu Kinh
Thánh thật quen thuộc đối với người Do Thái, từ sách Ðệ Nhị Luật và sách Lêvi.
Nhưng điều mới mẻ ở đây là sự liên kết giữa hai giới răn yêu mến Thiên Chúa và
yêu thương người lân cận. Người luật sĩ chỉ hỏi Chúa Giêsu về điều răn nào quan
trọng nhất, nhưng khi trả lời, Chúa Giêsu đã nói thêm điều răn thứ hai, được
liên kết chặt chẽ với điều răn thứ nhất, đó là yêu thương anh chị em. Ðiều răn
này cũng giống như điều răn thứ nhất, hay đúng hơn hai khía cạnh yêu Chúa và
yêu người đã được Chúa Giêsu hòa nhập thành một chứ không còn là hai giới răn nữa.
Tại sao hai tình yêu này không thể tách rời ra được? Thử hỏi con
người có thể chỉ yêu mến Thiên Chúa và không yêu thương anh chị em của mình hay
không?
Thánh Gioan đã đặt ra cùng một câu hỏi trên và câu trả lời của
ông là: "Chúng ta yêu thương bởi vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu
ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa và ghét bỏ anh chị em thì người đó là kẻ nói láo.
Thật vậy, ai không yêu mến người anh chị em mà mình trông thấy thì không thể
yêu mến Thiên Chúa mà mình không trông thấy. Ðây là mệnh lệnh chúng ta đã nghe
từ Chúa: "Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh chị em mình"
(1Ga 4,19 tt). Chúa Giêsu quả quyết mạnh mẽ như sau: "Mỗi lần các con làm
những điều này cho một trong các anh em bé nhỏ của Ta đây, là các con làm cho
chính Ta". Và khi từ biệt các môn đệ trong bữa tối Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã
sửa lại, hay đúng hơn đã kiện toàn hóa mức độ của Cựu Ước để đo lường tình yêu
Chúa. Chúa Giêsu đã thay thế mức độ yêu thương như chính mình thành "yêu
thương như Thầy đã yêu thương". Chúa đã ra lệnh cho các môn đệ như sau:
"Thầy ban cho các con một điều răn mới, các con hãy yêu thương nhau như Thầy
đã yêu thương các con. Các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy. Từ dấu này,
người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con yêu thương
nhau" (Ga 13, 34 tt).
Mức độ yêu thương như Chúa đã yêu thương là yêu thương cho đến hiến
thân mình, cho đến việc hy sinh mạng sống mình. Thiên Chúa và con người là hai
đối tượng khác nhau của tình yêu thương, nhưng đối với Chúa Giêsu thì không thể
tách rời tình yêu Chúa ra khỏi tình yêu thương con người. Luật yêu thương là luật
của Tin Mừng, đó là Tin Mừng của tình yêu Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta
cũng như đối với tất cả anh chị em, vì Ngài là Cha của tất cả mọi người. Cuối
cùng, đạo của Chúa là đạo của tình thương. Và chúng ta phải làm chứng cho đức
tin của mình bằng tình yêu thương đối với Chúa và anh chị em chung quanh.
Lạy Chúa là Cha chúng con, Ðấng chúng con yêu mến và phụng sự trọn
cả tâm hồn.
Xin thương đổ tràn xuống trên chúng con tình yêu Chúa để chúng
con có thể chu toàn giới răn yêu thương anh chị em như chính Chúa đã nêu gương.
Ngày 07
Thứ
năm đầu tháng
Phụng vụ đề nghị cho lễ kính Bí tích Thánh
Thể, bài tường trình về phép lạ hóa bánh. Chúng ta gặp 6 lần tường trình này
trong các Phúc Âm. Chúng có một vị trí quan trọng mà các cộng đoàn gìn giữ các
cử chỉ của Đấng cứu độ Giêsu. Thiên Chúa ưu tư về cái đói của con người, tất cả
mọi thứ đói khát, vật chất cũng như tinh thần. Đám đông chạy đi tìm gì nơi Đức
Giêsu? Một lời nói, một sự hiện diện, một con người. Người ban cho họ, hơn nữa,
là Bánh. Ngược lại với cách tính toán của các môn đệ, chỉ muốn giải tán cho dân
chúng trở về nhà mình. Và sau khi ban phát dư thừa, còn lại 12 thúng đầy, cũng
như 12 chi tộc Israel, cũng như 12 vị tông đổ của dân mới. Sự dư thừa của hổng
ân Thiên Chúa thiết lập Giáo hội. Sự quảng đại của Đức Giêsu phát sinh Giáo hội
Chúa vẫn tiếp tục nhân ra
nhiều trong tất cả các Thánh lễ, trong mọi cộng đoàn của Giáo hội phổ quát. Qua
các cừ chỉ chia sẻ của những người ban cho 5 cái bánh và 2 con cá - có nghĩa là
tất cả những gì họ có - để cho anh em.
Đan viện phụ Frangois-Xavier Amherdt
Thứ Năm 7-6
Tôi Tớ Thiên Chúa Giuse Perez
(1890-1928)
áu
các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội,"
lời của Tertullian trong thế kỷ thứ ba đã được thể hiện nơi Cha Giuse Perez.
Cha
Giuse sinh ở Coroneo, Mễ Tây Cơ, và gia nhập dòng Phanxicô khi 17 tuổi. Vì cuộc
nội chiến ở Mễ thời bấy giờ, ngài buộc phải học triết thần ở
Sau khi
được thụ phong linh mục ở Santa Barbara, ngài trở về Mễ Tây Cơ và phục vụ tại
Jerecuaro từ năm 1922 trở đi. Vì sự bách hại dưới thời tổng thống Plutarco
Calles (1924-28), Cha Giuse phải ngụy trang dưới nhiều hình thức khi đi thăm
người Công Giáo. Vào năm 1927, tài sản của Giáo Hội bị quốc hữu hóa, các trường
Công Giáo phải đóng cửa, và các linh mục, nữ tu ngoại quốc bị trục xuất.
Một
ngày kia Cha Giuse và vài người bị bắt sau khi cử hành Thánh Lễ một cách lén
lút. Cha Giuse đã bị quân lính đâm chết vào ngày 2 tháng Sáu 1928.
Về sau,
thi hài Cha Giuse được cung nghinh về Salvatierra để chôn cất giữa tiếng hô
vang dậy, "Vạn tuế Vua Kitô!"
Lời
Bàn
Giáo Hội
Công Giáo ở Mễ Tây Cơ bây giờ thì tự do hơn thời thập niên 1920. Ngày nay, đạo
Công Giáo đang phát triển mạnh ở Mễ, một phần cũng nhờ sự ấp ủ của các vị tử
đạo như Cha Giuse.
|
|
Copyright © 2010 by
Nguoi Tin Huu.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét