THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN
Bài giảng trên núi - tranh Hàn Quốc |
Bài Đọc Hằng Ngày
|
Lễ Thánh Barnaba, Tông đồ, Lễ Nhớ
|
BÀI ĐỌC I: Cv
11, 21b-26; 13, 1-3
"Họ
cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có đông người tin trở
về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến
Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo
mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh
Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê
tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh
đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các
môn đệ lần đầu tiên nhận tên là "Kitô hữu".
Bấy giờ trong hội thánh Antiôkia có những
tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người
thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thư ấu, và Saolô.
Đang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa
và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: "Hãy để riêng Saolô và
Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định". Vậy sau khi ăn chay cầu
nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3a.
3cd-4. 5-6
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ trước mặt chư dân
(c. 2a).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ
lùng. Tay mặt Người đã đem lại toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của
Người. - Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công
chính Người trước mặt chư dân. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành đối
nhà Israel. - Đáp.
3) Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng tôi. Toàn thể địa cầu hãy hân hoan mừng Chúa, hãy vui mừng hoan lạc và đàn ca. - Đáp.
3) Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng tôi. Toàn thể địa cầu hãy hân hoan mừng Chúa, hãy vui mừng hoan lạc và đàn ca. - Đáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm thụ, với
đàn cầm thụ, với nhạc cụ râm ran: Hãy thổi sáo và rúc tù và, hân hoan trước
thánh nhan Chúa là Vua. - Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi
Thiên Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang của các
Tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Mt 10,
7-13
"Các con đã lãnh nhận
nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng:
Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại,
hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ: Các con đã lãnh nhận
nhưng không thì hãy cho nhưng không.
"Các
con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem
theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì
ở lại đó cho tới lúc ra đi.
"Khi
vào nhà nào, các con hãy chào rằng: 'Bình an cho nhà này'. Nếu nhà ấy xứng đáng
thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng,
thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con". Đó là lời Chúa.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai
Tuần 10 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Kgs 17:1-6; Mt
5:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tin
tưởng nơi tình yêu của Thiên Chúa quan phòng.
Mọi sự
trong thế giới là của Thiên Chúa vì Ngại dựng nên tất cả cho con người hưởng
dùng trong những ngày họ sống trong thế gian; nhưng rất nhiều người, thay vì biết
cám ơn Thiên Chúa đã ban cho, lại coi những gì mình có là do sức lực và tài
khéo của mình, thay vì thờ phượng Người đã dựng nên tất cả lại quay sang thờ
phượng những thứ Người đó tạo nên. Tiên tri Isaiah so sánh những người như thế
còn thua cả loài vật, vì: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái
máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel
thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3).
Các
bài đọc hôm nay muốn nhắc nhở cho con người biết hạnh phúc thật không phải là ở
sự hưởng thụ vật chất; nhưng là ở chỗ tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa
quan phòng. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah truyền lệnh đóng cửa trời. Mục đích
là để cho dân nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và quay trở về với Ngài.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tóm tắt đạo lý của Người trong Bát Phúc; những gì con
người phải làm để được Thiên Chúa chúc phúc.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc
I: Trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu
tôi không ra lệnh.
1.1/ Lệnh
truyền của tiên tri Elijah: Tiên tri tức giận vì nhà vua và
dân chúng đã rời xa Thiên Chúa, vì muốn cho họ mở mắt nhìn thấy đâu là Thiên
Chúa thật, ông nói với vua Ahab của Israel rằng: "Có Đức Chúa,
Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ
chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh."
Thiên
Chúa không những dựng nên cây cối và hạt giống làm thức ăn cho muôn loài, Người
còn quan phòng cho mưa nắng, sương gió giúp hạt giống nẩy mầm và tăng trưởng. Nếu
thiếu những yếu tố này, hạt giống sẽ không thể mang lại cho con người lương thực.
Để giúp nhà vua và con cái Israel
nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa, tiên tri được Thiên Chúa cho quyền năng “đóng
cửa trời,” để không có mưa hay sương rơi xuống trên mặt đất cho tới khi
tiên tri truyền lệnh lại.
Không có
mưa hay sương, con người và thú vật sẽ chết vì khát, cây cỏ sẽ khô héo và không
sinh lương thực, con người và thú vật sẽ chết vì đói. Tiên tri hy vọng khi con
người phải đối diện với nguy hiểm chết vì đói khát, họ sẽ nhận ra sự cần thiết
của Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.
1.2/
Thiên Chúa quan phòng cho Elijah: Khi không có mưa sương
rơi xuống, cả tiên tri Elijah cũng bị ảnh hưởng, nhưng ông tin tưởng nơi sự
quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa biết chỗ nào có nước để tiên tri có nước
uống: “Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung
lũng Cherith, phía đông sông Jordan .
Ngươi sẽ uống nước suối.” Về thức ăn: “Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy." Ông ra
đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan .
Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; rồi buổi chiều, cũng mang bánh và thịt
cho ông. Ông uống nước suối. Trình thuật trong Sách Các Vua dạy chúng ta bài học:
Nếu con người không biết nhận ra và cám ơn những ân huệ Thiên Chúa đã làm, Ngài
sẽ cất đi và con người sẽ chết; nhưng nếu con người nhận ra và tin tưởng nơi
Thiên Chúa, Ngài sẽ có cách nuôi dưỡng con người ngay cả trong khi hạn hán, đói
khát.
2/ Phúc
Âm: Người có phúc là người biết trông cậy hoàn toàn nơi
Thiên Chúa.
Có thể
nói Bát Phúc là tóm tắt tất cả những gì Chúa Giêsu dạy dỗ con người trong những
ngày Ngài rao giảng ở trần gian. Có thể tóm tắt Bát Phúc vào ba điều chính theo
chủ đề hôm nay. Con người cần phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của
Thiên Chúa.
2.1/
Trong khi thiếu thốn vật chất: “Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Có nhiều cách giải thích
về cụm từ “tâm hồn nghèo khó.” Trước tiên, chúng ta không thể
giản lược vào thiếu thốn vật chất; nhưng rất nhiều lần Chúa Giêsu tuyên bố người
giầu có rất khó vào Nước Trời. Lý do đơn giản khi con người có đầy đủ mọi thứ,
họ có khuynh hướng không cần Thiên Chúa; tối ngày chỉ lo kiếm nhiều tiền, và
khi có nhiều tiền lại tìm kiếm hưởng thụ. Dĩ nhiên Chúa không cổ động lối sống
nghèo đến độ không có của ăn nhà ở, con người cần có những thứ căn bản ổn định
trước khi có thể phát triển tinh thần. Thứ hai, có người giầu nhưng biết dùng của
cải Chúa ban để phân phát cho người nghèo, ủng hộ vào các chương trình phát triển
hay nuôi dưỡng ơn gọi, hay mở rộng nhà cửa để tiếp đón những nhà truyền giáo.
Có lẽ điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến ở đây là có lòng trông cậy vào sự quan
phòng của Thiên Chúa trong mọi sự, chứ không thuần nhất chỉ của cải vật chất mà
thôi.
2.2/
Trong khi thiếu thốn tinh thần: Hiền lành không có nghĩa khờ khạo để cho
người khác muốn làm gì thì làm; nhưng phải biết khi nào và cách thức phản ứng để
đạt được kết quả tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn. Trên đường nhân đức, người khao
khát được trở nên người công chính là người dễ đạt tới đỉnh trọn lành, vì nếu
coi thường hay xem nó không quan trọng, làm sao người đó chịu bỏ công sức để tập
luyện! Xót thương tha nhân là điều kiện Chúa đòi để được Chúa xót thương. Ai
không có lòng thương xót anh em mình, làm sao dám cầu xin lòng thương xót của
Thiên Chúa. Ơn Phúc Kiến, nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường là mục đích của cuộc đời.
Điều kiện Thiên Chúa đòi là tâm hồn trong sạch. Chữ trong sạch ở đây hiểu là “nguyên
chất,” không pha trộn với điều gì khác. Nếu hiểu như thế, trong sạch
không chỉ giản lược vào phạm vi tình dục; nhưng bao gồm tất cả các mong ước bất
chính. Bình an là quà tặng Thiên Chúa ban cho những ai đặt trọn vẹn niềm tin tưởng
vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xây dựng bình an là giúp cho
con người hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa.
2.3/
Trong khi chịu đau khổ: Khi con người chịu đau khổ, họ có thể rơi
vào một trong hay trạng thái: (1) than thân trách Thiên Chúa và mất niềm tin tưởng
nơi Ngài; (2) nâng tâm hồn lên Thiên Chúa để xin Ngài ghé mắt nhìn tới. Con người
dễ hướng lòng lên Thiên Chúa khi thiếu thốn đau khổ hơn là khi sung sướng hạnh
phúc. Nhiều thánh mong ước được chịu đau khổ để họ được cảm thấy sự ủi an của
Thiên Chúa. Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho con người chứng tỏ niềm tin yêu
của họ nơi Thiên Chúa. Khi có dịp để chịu đau khổ vì Chúa, các tín hữu phải
hãnh diện vì được thông phần vào Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, và cũng sẽ được
thông phần vào vinh quang của Ngài.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
- Vật chất
chỉ là những phương tiện của cuộc sống không phải là đích điểm của cuộc đời.
Chúng ta đừng vì vật chất mà sống xa Thiên Chúa.
- Chỉ một
mình Thiên Chúa mới làm đầy những khao khát hạnh phúc của con người. Để chiếm hữu
Thiên Chúa, con người cần khao khát tập luyện các nhân đức.
- Đau khổ
vì chính đạo là cơ hội cho chúng ta biểu tỏ đức tin vào Thiên Chúa. Nếu chúng
ta ao ước được chịu đau khổ với Đức Kitô, Ngài sẽ cho chúng ta cùng hưởng vinh
quang với Ngài.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Thứ Hai
tuần 10 thường niên
Sứ điệp: Tám mối phúc thật của
Chúa Giêsu chính là giải đáp cho vấn nạn làm thế nào để được hạnh phúc thật.
Con người sẽ được hạnh phúc thật khi tin vào Chúa Giêsu và đón nhận sứ điệp của
Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cứ
theo quan điểm thông thường của người thế gian, tám mối phúc thật mà Chúa đã
tuyên bố thật ngược đời, thật khó chấp nhận, bởi loài người vẫn thường nghĩ rằng,
để được hạnh phúc, phải thành đạt về tiền bạc, danh vọng và được hưởng lạc thú.
Đã có lúc chính con
cũng cảm thấy tám mối phúc thật là những điều ảo tưởng. Hoặc chính con cũng lầm
tưởng rằng Chúa ca tụng sự nghèo túng, và nếu sống theo lời Chúa dạy, con sẽ
thành một người bạc nhược, tiêu cực và u sầu.
Lạy Chúa, Thánh Kinh
cho con hiểu rằng: kẻ nghèo là kẻ coi Thiên Chúa đáng trọng hơn mọi sự ở đời. Họ
không cậy dựa vào sự gì mà chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa thôi. Trong lòng
của họ, Thiên Chúa được đặt chỗ cao nhất.
Vâng, lạy Chúa, xin
cho con hiểu được chân lý cao siêu đó. Xin cho con biết noi gương Chúa, cảm
nghiệm được cái phúc của kẻ mất mọi sự ở đời, để được chính Chúa là sự giàu
sang hạnh phúc đích thực. Xin lấy đi trong trái tim con những ham muốn vật chất,
những ích kỷ nhỏ nhen, những hận thù ghen ghét, và lấp đầy trái tim con bằng
lòng khiêm nhường nghèo khó, bằng lòng bác ái vị tha và một tình yêu chân thật.
Lạy Chúa, Chúa chính
là gia nghiệp và là hạnh phúc của con. Amen.
Ghi nhớ : "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".
11/06/12 THỨ HAI TUẦN 10 TN
Th. Banaba, tông đồ
Mt 10,6-13
Th. Banaba, tông đồ
Mt 10,6-13
ĐƯỢC CHO KHÔNG,
THÌ CŨNG CHO KHÔNG
“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8)
Suy niệm: Chuyện kể rằng một em bé đòi mẹ trả tiền tất cả những gì mình làm giúp mẹ như: quét nhà, gấp quần áo, rửa ly… Người mẹ nhẹ nhàng đưa lại cho em một tờ giấy trên đó ghi: cưu mang con trong dạ chín tháng mười ngày, sinh con, nuôi con lớn, cho con đến trường, đi bác sĩ khi con đau ốm,… tất cả đều không đồng nào! Câu chuyện trên minh họa phần nào sự thật của cuộc đời mỗi người chúng ta, chúng ta đã nhận không tất cả từ nơi Thiên Chúa: sự sống, hơi thở, tài năng, trí tuệ, sức khỏe… Thiên Chua còn làm một việc quá sức tưởng tượng của chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3,16). Và Chúa Giêsu cũng đã trao tặng chúng ta Thịt Máu Ngài (Ga 6,51). Tất cả đều không đồng! Chúa còn dạy các Tông đồ cũng hãy biết cho đi như vậy: “Anh em đã được cho không thì hãy cho không như vậy.”
Mời Bạn: Sống trong nền kinh tế thị trường, tình người ngày càng bị thương mại hóa: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Thường thì chúng ta thích nhận, nhưng cho thì dễ so đo, tính toán hơn thiệt... Tính cách cho không của Tin Mừng đã biến mất. Chúa mời gọi chúng ta sống quảng đại với người khác như Chúa vẫn quảng đại với chúng ta. Mỗi lần bạn cho đi cách quảng đại, bạn càng trở nên giống Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Bạn quan tâm, giúp đỡ, phục vụ cho những người sống gần bạn mà không cần trả ơn hay biết đến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống quảng đại, biết cho đi mà không so đo tính toán. Xin cũng dạy con biết đón nhận tất cả từ nơi Chúa và tha nhân với lòng biết ơn yêu mến. Amen.
Nước
Trời đã đến gần (11.6.2012 – Thánh Barnaba, tông đồ)
Suy niệm:
Chúng ta không rõ
Thầy Giêsu đã sai các môn đệ lên đường
sau thời gian họ
sống với Ngài bao lâu.
Nhưng chúng ta biết
chắc là Thầy có sai các môn đệ.
Thầy sai họ đi để
làm những việc Ngài đã và đang làm (Mt 9, 35),
như rao giảng Tin
Mừng về Nước Trời, chữa bệnh, trừ quỷ (c. 8a).
Như thế họ trở
nên những cộng sự viên của Ngài trong cùng một sứ vụ.
Thầy Giêsu không
độc quyền trong công việc.
Ngài cũng không
giữ riêng cho mình quyền trên các thần ô uế (Mt 10,1).
Việc chia sẻ quyền
và mời gọi cộng tác đã có từ thời Thầy Giêsu,
và vẫn kéo dài
trong Giáo Hội.
Lời dặn dò của Đức
Giêsu trước khi sai họ đi đã đánh động nhiều tâm hồn,
đặc biệt những vị
sáng lập các dòng tu.
Đặt mình vào bối
cảnh vùng Galilê cách đây gần hai mươi thế kỷ,
chúng ta mới hình
dung được khuôn mặt của những vị tông đồ đầu tiên.
Trước hết họ được
sai đến với chính đồng hương của họ,
“những chiên lạc
nhà Israel ”,
vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9, 36).
Loan báo Tin Mừng
là lên đường, đường đất đá hay đường núi đồi,
và đi bằng đôi
chân của mình, không giày dép.
Những bước chân
nhẹ nhàng vì hành trang chẳng có gì.
Thắt lưng chẳng
mang tiền vàng, bạc, đồng, để dùng khi hữu sự.
Cả những điều một
người lữ hành thường có cũng không:
một bao bị, một
cái áo dự phòng, một cái gậy để chống khi đi đường xa.
Người tông đồ được
đặt ở trong tình trạng bấp bênh, không chỗ dựa.
Chỗ dựa duy nhất
của họ là lòng tốt của Thiên Chúa,
được thể hiện qua
lòng tốt của người đón nghe Tin Mừng.
Chuyện ăn, chuyện
ở, họ đều phải tin tưởng phó thác (cc. 10b. 11).
Hành trang nhẹ
nhàng, tâm hồn nhẹ nhàng,
nên các tông đồ
cũng thi hành sứ vụ một cách nhẹ nhàng, thanh thoát.
Họ làm mọi sự mà
chẳng đòi hỏi gì (c. 8b).
Vừa rao giảng Tin
Mừng rằng Nước Trời đã đến rồi,
vừa minh chứng
Tin Mừng ấy bằng bao niềm vui đem đến cho người khác.
Bệnh nhân được khỏi,
người chết sống lại, người phong được sạch,
và nhất là ma quỷ
không còn chỗ cư ngụ trong lòng con người (c. 8a).
Bình an là lời
chúc trên môi dành cho mọi căn nhà họ đến ở (c. 12).
Rõ ràng hành
trình truyền giáo là một kinh nghiệm đầy ắp niềm vui hứng khởi,
cho đoàn chiên và
cho chính các tông đồ.
Nếu Thầy Giêsu dặn
dò các tông đồ hôm nay, Ngài sẽ nói gì?
Ngài sẽ bảo chúng
ta đừng mang gì và nên làm gì cho con người hôm nay?
Chắc Ngài cũng sẽ
khuyên hãy nhẹ nhàng hơn, phó thác hơn, vô vị lợi hơn.
Thế giới hôm nay
vẫn yếu đau và bị ám như cách đây hai ngàn năm.
Thế giới hôm nay
vẫn chờ một Tin Vui, một lời chúc Bình an.
Chúng ta vẫn được
mời gọi để làm điều Ngài và các môn đệ đã làm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối
của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người
đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật
bao la
mà vòng tay
chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng
con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng
lên đường,
nhẹ nhàng và
thanh thoát.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn
Lên Tháng 6
11 THÁNG SÁU
Biết Phân Định
Tốt Xấu
Con người được
tạo dựng “theo hình ảnh của
Thiên Chúa”; mầu nhiệm này
còn được trình bày trong các sách khác của Thánh Kinh. Chẳng hạn, ta đọc thấy
trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… rồi lại đưa con người
trở về đất. Người cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất. Người mặc cho nó
sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó. Người phú bẩm
cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muôn chim cầm thú. Người
ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người
làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu.
Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại
của Người … Người còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự
sống; Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời, và tỏ cho thấy những điều
Người phán quyết” (Hc 17,1. 2b – 7. 9 – 10).
Cần phải suy
niệm thật kỹ bản văn phong phú và sâu sắc trên của Sách Huấn Ca. Hãy ôm ấp những
lời ấy trong lòng mình và hãy xích lại gần hơn với Thiên Chúa.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Barnaba,
tông đồ;
Cv 11, 21b-26;
13, 1-3; Mt 10,7-13.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho
người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma qủy. Anh em đã được cho không thì
cũng cho không như vậy (Mt 10,8).
Điều mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta là
trong mọi công việc phục vụ tha nhân, chúng ta phải xem xét công việc đó có phải
là bổn phận của chúng ta hay không? - Những
điều kiện và khả năng để chúng ta phục vụ tốt cho tha nhân; chúng ta đã nhận được
từ đâu. Suy cho cùng thì tất cả những sự ấy đều do Chúa ban nhưng không cho
chúng ta; chúng ta không được dùng những ơn Chúa đã ban để chúng ta biến nó
thành chiếc xẻng để đào bới thu gom cho riêng mình. Bởi khi chúng ta nhận thù
lao thì ít nhiều chúng ta đã làm sai lệnh ý nghĩa và mục đích của công việc
chúng ta làm.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 11-06:
Thánh BARNABA TÔNG ĐỒ
(Thế kỷ I)
Thánh Barnaba nắm
giữ một chức vụ nổi bật trong những chương đầu của sách công vụ tông đồ, không
phải cho mình mà nhằm giới thiệu thánh Phaolô, anh hùng trong cuốn sách. Ngài
là một người Do thái được sinh tại Chypre. Và là một phần tử trong Giáo hội sơ
khai ở Giêrusalem.
Chính ở địa vị
này mà khoảng năm 39 tân tòng Saolê được đón nhận vào cộng đoàn các tông đồ (Cv
9-27). Bốn năm sau, Ngài kêu gọi Saolê tham gia công tác hướng dẫn cộng đoàn
Kitô giáo mới được thiết lập ở Antiôkia (Cv 11,19-26). Thành phố này rất quan
trọng, chỉ kém Rôma và đã trở nên trung tâm Kitô giáo của lương dân. Một lần nữa,
cùng với Saolê, Ngài được trao phó cho nhiệm vụ mang tiền cứu trợ gởi về cho
Giáo hội Giêrusalem (Cv 27-30). Nơi đây hai người lại được Gioan Maccô là bà
con của Barnaba (Gl 4,10) nhập bọn.
Ba người họp
thành đoàn truyền giáo, lên đường khoảng năm 45 (Cv 13 và 14). Từ đây Barnaba dần
dần ẩn mặt đi. Dầu Chypre là sinh quán của Ngài, nhưng chính Saolê dưới tên mới
là Phaolô dẫn dầu cuộc truyền bá Phúc âm. Phaolô và đoàn tùy tùng lên đường tới
lục địa Tiểu Á. Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần
Jupiter và Phaolô là Hermes.
Đây là chứng cớ
hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông. Ba năm sau Phaolô trở về và được cộng
đồng Giêrusalem phê chuẩn về đường lối Ngài theo trong chuyến hành trình (Cv
15,1-35). Nămsau, dự định hành trình truyền giáo thư hai có sự tranh chấp về việc
kết nạp Gioan Marcô (Cv 15,35-41). Phaolô chọn các bạn đồng hành khác và
Barnaba trở về Chypre. Việc giới thiệu Phaolô đã được hoàn thành và tên Ngài
không còn được nhắc đến trong sách Công vụ nữa. Trong việc trao đổi thư từ của
Phaolô với Giáo hội Côrintô cho thấy khoảng năm 56 thánh Barnaba vẫn còn sống
(1Cr 9,5). Sáu năm sau Phaolô xin Marcô đến gặp mình ở Roma (2Tm4). Sự kiện này
cho phép chúng ta nghĩ rằng thánh Barnaba đã qua đời.
Một truyền thống
sau này nói tới chuyến hành trình của thánh Barnaba tới Alexandria ,
Rôma, và Milan .
Tại Milan, Ngài là giám mục tiên khởi. Một truyền thống đáng tin hơn cho biết
Ngài chết vì ném đá ở Salamis ,sinh
quán của Ngài. Nay còn nhiều mảnh vụn của cuốn ngụy thư Phúc âm thánh Barnaba
và của một tác phẩm thuộc thế kỷ thứ V là công vụ thánh Barnana. Nhưng những
tài liệu này không cho biết nhiều hơn những điều đã biết được từ sách Công vụ
các tông đồ. Cuốn gọi là thơ thánh Barnaba mà nhiều giáo phụ chép vào thơ mục
thánh kinh, nay người ta biết được là tác phẩm của một người Do thái theo Kitô
giáo ở Alexandria .
Thánh Barnaba đang cứu chữa người nghèo khổ Tranh của Paolo Veronese, Viện Bảo tàng Nghệ thuật ở Rouen. |
Người ta nói rằng
mộ Ngài được tìm thấy năm 448. Trên ngực Ngài còn có một cuốn Phúc âm theo
thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
11 Tháng Sáu
Kẻ Tháo Ðinh
Một trong những chi tiết trong cuộc tử nạn
của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục gợi hứng cho các họa sĩ: đó là việc hạ xác Ngài
xuống khỏi Thập giá. Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại việc ông Nicôđêmô và một
người môn đệ kín đáo khác của Chúa Giêsu tên là Giuse Arimahtia đã đến xin phép
Philatô được tháo gỡ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Trong hầu hết các bức tranh
mô tả biến cố này, người ta đều thấy hình ảnh tiều tụy, không còn hình tượng của
Chúa Giêsu mà hai người môn đệ đỡ xuống khỏi thập giá. Một người tháo đinh ra
khỏi tay Ngài, còn một người thì tháo đinh ra khỏi chân Ngài.
Một họa sĩ nọ, thay vì vẽ lại chân dung của
hai người môn đệ của Chúa Giêsu đã chọn những khuôn mặt của thời đại ông. Và
người tháo đinh ra khỏi bàn chân của Chúa Giêsu không ai khác hơn là chính ông.
Khi được hỏi lý do tai sao ông lại đồng hóa mình với một trong hai người môn đệ,
nhà họa sĩ đã giải thích như sau: "Những người như tôi rất thường đóng
đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Và những đinh sắt tôi dùng để đóng đinh Chúa
chính là tội lỗi của tôi. Ðã đến lúc, tôi cảm thấy cần phải tháo gỡ chiếc đinh
của tội lỗi ra khỏi thân xác của Ngài".
Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính:
"Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi". Ðiều đó có nghĩa là
do tội lỗi của chúng ta, chúng ta góp phần vào việc đóng đinh Ngài vào thập
giá.
Thập giá vẫn luôn
mãi là một lời tố cáo, một bản án cho tội lỗi. Nhưng đó không chỉ là một biểu
tượng, mà là một hiện thực. Nếu Ðức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Một,
nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người và nếu tội lỗi là một chối
bỏ, thì mỗi lần chúng ta phạm tội, chúng ta cũng chối bỏ chính Ngài, chúng ta
đóng đinh Ngài vào thập giá một lần nữa. Nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch
sử con người, nếu Ngài tự đồng hóa với con người, nhất là những kẻ khốn cùng,
những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội, thì mỗi một lần chúng ta khước từ hay xúc
phạm đến người anh em, là mỗi lần chúng ta chối bỏ Ngài và đóng đinh Ngài vào
thập giá. Qua mỗi người anh em của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục bị chối
bỏ và chịu đóng đinh.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 11
Thánh Barnaba, tông đồ
Thánh Barnaba, tông đồ
Điểm đầu và
điểm cuối của sứ vụ, có Đức Giêsu Kitô, có tình yêu của Thiên Chúa đối với con
người, tuôn trào trong tim của chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Tin Mừng có thể được quan niệm như qui
luật luân lý làm cho các lương tâm ngay thẳng vui mừng. Nó có thể gây sự phấn
khởi và dấn thân cho người thường lắm nhiệt thành. Một người như thế chưa phải
là "người truyền giáo".
Sứ vụ bắt đầu khi, nhờ Thánh Thần Thiên
Chúa và trong cộng đoàn các môn đệ, một người, như ngư phủ, khám phá Đức Giêsu
Kitô sống động ngày hôm nay và học cách gặp gỡ Người như Đấng cứu độ mình và
như Đấng được Thiên Chúa sai đến cho ơn cứu độ của mọi người. Sứ vụ bắt đầu khi
người môn đệ này, được Thánh Thần tác động, nghe lời mời gọi trong cuộc sống cá
nhân và trong các cử chỉ của cộng đoàn, dấn thân lên đường vì Đức Giêsu, vị đồng
hành mầu nhiệm trên đường.
Sứ vụ bắt đầu
với lời cầu nguyện của Đức Kitô với Cha của Người "để Nước Cha được trị đến",
với sự dấn thân của Đức Kitô, "Đấng ban sự sống của mình để qui tụ con cái
Thiên Chúa đang phân tán về lại một mối, với kinh nghiệm, rất cá nhân và trong
cộng đoàn, Thiên Chúa là Tình yêu.
Giám mục Henri
Teissier
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét