Trang

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

14-06-2012 : THỨ NĂM TUẦN X MÙA THƯỜNG NIÊN


THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN

BÀI ĐỌC I:1 V 18, 41-46

"Êlia cầu nguyện và trời đổ mưa" (Gc 5, 18).
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Êlia tâu cùng Acáp rằng: "Xin bệ hạ lên ăn uống, vì tôi nghe có tiếng mưa to". Acáp liền lên ăn uống. Phần Êlia, ông trèo lên đỉnh núi Carmel, cúi mình xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Đoạn ông nói với người đầy tớ rằng: "Hãy lên đây nhìn về phía biển". Người đầy tớ leo lên, đưa mắt nhìn, rồi thưa ông: "Không có gì hết." Êlia lại nói với y: "Cứ xem lại bảy lần". Đến lần thứ bảy (nó báo:) "Kìa, có đám mây nhỏ bằng vết chân người, từ biển kéo lên". Êlia liền bảo: "Hãy lên tâu với Acáp chuẩn bị xe xuống gấp kẻo mắc mưa". Đang lúc vua còn loay hoay thì bỗng trời tối om, mây bao phủ, gió thổi lên, trời đổ mưa như trút. Acáp lên xe đi Giêrahel. Tay Chúa phù hộ Êlia: Ông thắt lưng chạy trước Acáp cho đến khi tới Giêrahel.
 Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13

Đáp: Lạy Chúa, Chúa đáng ca tụng trên núi Sion (c. 2a).
Xướng: 1) Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội, Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì. - Đáp.
2) Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất, Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa, Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất. - Đáp.
3) Chúa đã ban cho năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Người khơi nguồn phong phú. Đống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi bận xiêm y hoan hỉ. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 29

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 5, 20-26

"Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án'. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!" Đó là lời Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm sau CN X TN B
Bài đọc: 1 Kgs 18:41-46; Mt 5:20-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Phải kiên nhẫn đưa tha nhân về với Thiên Chúa.

 Con người sống xa cách Thiên Chúa vì rất nhiều lý do: không có cơ hội được nghe Lời Chúa, sống trong gia đình cha mẹ không thực hành đức tin, sống trong xã hội quá chú trọng tới vật chất và chống những giá trị tôn giáo... Rất dễ cho chúng ta kết tội tha nhân và “đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống.” Đức Kitô không cho phép các môn đệ kết tội tha nhân cách dễ dàng như thế; nhưng muốn họ trở thành muối và ánh sáng để đưa những anh chị em lầm đường lạc lối trở về.
Các bài đọc hôm nay đưa ra những bài học cụ thể để làm gương cho các tín hữu. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah sau khi đã chứng minh cho con cái Israel biết đâu là Chúa thật bằng phép lạ Đức Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ, ông ra lệnh cho vua Ahab và toàn dân phải ăn chay để tỏ lòng ăn năn thống hối trước khi cầu khẩn Thiên Chúa cho mưa rơi để chấm dứt những năm hạn hán. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kết tội mọi hình thức tức giận, khinh thường và kết tội tha nhân. Thay vào đó, các môn đệ phải luôn có lòng tha thứ và sống hòa thuận với mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương Dân Ngài.

1.1/ Những việc làm tỏ lòng ăn năn thống hối: Mục đích Thiên Chúa sửa phạt là vì yêu thương: để dân chúng nhận ra lỗi lầm và trở về với Ngài, chứ không phải vì tức giận mà tiêu diệt. Sau khi toàn dân đã nhận ra sai lầm của việc thờ thần Baal, Elijah yêu cầu vua Ahab và toàn dân ăn chay để tỏ lòng thống hối, và ông sẽ cầu nguyện với Thiên Chúa để Ngài đổ mưa xuống trên dân. Khi hết thời hạn ăn chay, ông Elijah nói với vua Ahab: "Xin mời vua lên mà ăn uống, bởi vì có tiếng mưa rào!" Vua Ahab liền lên ăn uống.
Trong khi đó, ngôn sứ Elijah trèo lên núi Carmen. Đỉnh núi Carmen là ngọn núi cao nhất gần Sidon, nhìn ra biển Mediterranean, tại đây, ngôn sứ Elijah có thể nhìn thấy những đám mây đen mang nước mưa vào từ biển. Elijah “cúi xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối.” Đây có lẽ là vị thế cầu nguyện nghiêm trọng nhất để khẩn cầu ơn Chúa xuống. Trên đỉnh núi này, ngày nay vẫn còn một nhà nguyện và chỗ cầu xin của ngôn sứ Elijah cho khách hành hương kính viếng. Vào ngày đẹp trời, du khách có thể nhìn thấy đồng bằng Jezreel chạy cho tới biển hồ Galilee từ đỉnh núi này về phía Đông Nam.

1.2/ Hạn hán chấm dứt: Ông Elijah bảo đầy tớ: "Con đi lên và nhìn về phía biển." Nó đi lên, nhìn và nói: "Không có gì cả!" Ông bảo: "Hãy trở lại bảy lần." Ngôn sứ Elizah cầu nguyện kiên trì bảy lần để xin ơn Thiên Chúa mỗi khi đầy tớ lên đỉnh núi. Lần thứ bảy, nó nói: "Kìa có một đám mây nhỏ bằng bàn tay người đang từ biển bốc lên." Ông nói: "Con hãy lên thưa với vua Ahab: xin vua thắng xe và xuống kẻo bị kẹt mưa." Lập tức trời kéo mây đen nghịt và nổi gió, rồi trút mưa lớn. Vua Ahab cỡi xe đi Jezreel.
Trong khi đó, “tay Đức Chúa đặt trên ông Elijah; ông thắt lưng và chạy trước vua Ahab cho tới lúc vào vùng đồng bằng Jezreel.” Đây là cuộc chạy đua chiến thắng vì ngôn sứ Elijah đã được Thiên Chúa cho thắng trận huy hoàng. Ông đã làm cho vua Ahab và toàn dân quay trở về với Thiên Chúa và chấm dứt hạn hán.

2/ Phúc Âm: Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisees, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Tôn trọng phẩm giá của tha nhân: Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisees, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Chúng ta cần nhớ chương 5 của Tin Mừng Matthew bắt đầu bằng Bát Phúc là những lời dạy của Chúa Giêsu giúp các môn đệ trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Chúa Giêsu thường dùng công thức: “Người xưa dạy... còn Ta, Ta dạy... ” Trong trình thuật hôm nay, Ngài đòi các môn đệ phải ăn ở tốt lành và công chính hơn các kinh sư trong hai lãnh vực:
2.1/ Phải tôn trọng phẩm giá của tha nhân: "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân vô đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt."
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ biết có nhiều cách giết người, chứ không phải chỉ giết người về phương diện thể lý. Chúng ta có thể giết tha nhân bằng việc:
- Giận dữ: Hai chữ được dùng trong Hy-lạp: thurmos (giận dữ) cho những cơn giận nóng lên rồi hạ hỏa ngay và orge(cho những cơn giận dai dẳng, giận cho đến mãn đời). Chúa Giêsu ngăn cấm các môn đệ không được giận dữ, “ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.”
- Khinh thường tha nhânRaca trong Hy-lạp là chữ khó dịch, có thể dịch như “đồ ngu ngốc hay điên rồ về phương diện trí tuệ.” Chúa Giêsu luận tội: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.” Căn bản cho lời luận tội này là mọi người đều được Thiên Chúa dựng nên.
- Mắng anh em là moros (điên rồ về phương diện luân lý): Những người này có thể là những người vô thần hay sống một cuộc sống đồi trụy. Chúa Giêsu luận tội: “Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” Bổn phận của các môn đệ là phải kiên nhẫn đưa họ về, chứ không phải mắng mỏ, buộc tội.

2.2/ Cần phải tha thứ: Truyền thống Do-thái cũng như Kitô hữu tin mối liên hệ hàng dọc với Thiên Chúa tùy thuộc vào mối liên hệ hàng ngang với tha nhân: một người phải tha thứ cho anh em trước khi muôn được Thiên Chúa tha thứ. Theo truyền thống Do-thái, mỗi khi vô tình phạm tội, hối nhân phải dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ cho những tội đã phạm. Trường hợp liên quan tới mối liên hệ với con người, họ phải làm hòa với nhau trước khi có thể giao hòa với Thiên Chúa. Thần học về Bí-tích Giải Tội cũng đòi hối nhân phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho hối nhân.
Ngoài ra, ăn ở hài hòa giúp con người tránh được những nhức đầu trong cuộc sống: Cha ông chúng ta vẫn dạy "dĩ hòa vi quí;" người hiền lành sẽ được mọi người thương mến. Ngược lại, những người khó chịu, cau có, sẽ chuốc cho mình những ghen ghét, tranh tụng, và mất bình an. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: ''Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không được giận dữ, khinh thường, hay buộc tội tha nhân; nhưng phải luôn tìm dịp cho họ có cơ hội ăn năn thống hối và trở lại với Thiên Chúa.
- Trở nên tốt là một tiến trình đòi kiên nhẫn và thời gian. Chúng ta cần kiên nhẫn giáo dục tha thứ, và khuyến khích tội nhân trên đường về với Thiên Chúa.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên,OP.

ĐTC.Gioan-Phaolo II và Ali Agca.

 

Thứ Năm tuần 10, thường niên
Sứ điệp: Luật yêu thương Chúa Giêsu dạy cần thực hiện cách cụ thể: sống hòa thuận và biết tha thứ. Ta cần phải sống yêu thương tha thứ như lễ vật dâng Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha của con, con hân hoan dâng Cha tâm tình yêu mến cùng với anh em con. Hôm nay, con không đến với Cha một mình, nhưng con đến cùng với anh em khác.
Lạy Cha, trên đường đến với Cha, con còn gặp biết bao trở ngại từ chính con. Con chưa hòa hợp được với anh em. Con còn khó chịu với người bên cạnh. Nhưng Cha muốn con nắm chặt tay bạn bè trong tình thương mến. Cha muốn con đi bước trước đến với người bất hòa với con, làm hòa với họ trước khi đến với Cha.
Lạy Cha, con chiêm ngưỡng hy lễ tuyệt hảo của Con Cha trên thập giá, hy lễ của Chúa Giêsu. Trước khi hoàn tất hy lễ ấy, chung quanh thập giá đông vô kể những kẻ bất bình và thù oán, họ đang hả hê vì đã giết được Ngài. Con Một Cha đã ngước mắt lên thưa với Cha: “Lạy Cha xin tha cho họ”. Thật là cao cả. Chính Thiên Chúa đã làm hòa với người đang cướp mất mạng sống mình. Lạy Cha, đây chính là lý do duy nhất thôi thúc con tha thứ cho anh em. Tha thứ không phải là nhát đảm nhưng là hành động anh hùng, không phải là thua thiệt, nhưng là nhận được nhiều hơn. Cùng với hy lễ thập giá của Chúa Giêsu, hôm nay, con xin dâng Cha không phải chỉ lời cầu nguyện, không phải chỉ tâm tình yêu mến, nhưng xin dâng lên Cha lòng quảng đại tha thứ cho anh em. Amen.
Ghi nhớ : "Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".

14/06/12 THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Mt 5,20-26

LỄ VẬT XỨNG ĐÁNG

“Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)

Suy niệm: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta một điều kiện tiên quyết, để xứng đang dâng của lễ lên Thiên Chúa, đó là: sự hòa giải, và tâm hồn an bình. Chúa dạy chúng ta phải nắm thế chủ động trong việc làm hoà: - phải làm hoà không chỉ khi mình bất bình với anh em mà ngay khi anh em bất bình với mình; - không đợi anh em đến xin lỗi mình mà mình phải “đi bước trước” đến làm hoà với anh em. Tâm hồn hoà bình hoá ra còn quan trọng hơn của lễ vì nếu trong lòng ta còn “bất bình” thì việc dâng của lễ trở nên vô nghĩa thậm chí còn là “trò hề” phản chứng nữa.

Mời Bạn: Có bao giờ bạn đi dâng của lễ mà lòng còn nhiều “gay cấn” với anh chị em mình không? Và mỗi lần như thế bạn có cảm thấy sự bình an thật sự trong tâm hồn?

Chia sẻ: Trong gia đình, cộng đoàn, hay nơi bạn làm việc, có ai đang không đồng quan điểm hoặc bất hoà với bạn không? Bạn đã làm thế nào để nối lại mối quan hệ thân thiết với họ?

Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ thân ái với người đang có mối bất hòa với bạn, và nhất là cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng con biết dâng tiến lên Chúa của lễ của sự quả cảm, dám chấp nhận đi bước trước đến hòa giải với những anh chị em của con khi chúng con đang có mối bất hòa với nhau. Xin cho con sống tình yêu Chúa cách thật lòng, thật dạ với anh chị em của con. Vì chúng con là anh chị em trong đại gia đình của Chúa.



Chớ giết người

Suy nim:
“Chớ giết người”, đó là một trong những giới luật quan trọng. 
Dân Do thái đã nhận giới luật này từ Thiên Chúa 
qua trung gian ông Môsê trên núi Xinai (Xh 20, 13; Đnl 5, 17). 
Đức Giêsu không đến để bãi bỏ Luật Môsê. 
Ngài nâng Luật này lên một tầng cao mới. 
Không phải chỉ hành vi giết người mới là tội. 
Ngay cả ai giận ghét anh em trong lòng 
và biểu lộ ra bằng những lời nhục mạ, mắng chửi, 
cũng phải chịu những hình phạt tương tự (c. 22).
Đức Giêsu đẩy giới răn này đến chỗ triệt để, tận căn. 
Ngài tìm về cội nguồn của hành vi sát nhân nơi tâm con người. 
Nếu lòng con người không còn giận ghét anh em, 
và lời nói giữ được sự kính trọng, ôn hòa, 
thì tội giết người hoàn toàn có thể tránh được.
Sống với nhau tránh sao khỏi những tranh chấp, cọ sát. 
Đi làm hòa với người anh em trong cộng đoàn là điều khẩn trương. 
Thậm chí phải để lại lễ vật sắp dâng trước bàn thánh 
mà đi làm hòa với một người anh em đang bất bình với mình, 
rồi sau đó mới trở lại dâng lễ vật cho Chúa (cc. 23-24). 
Phải chăng người ta chỉ đến được với Chúa và được đoái nhận lễ vật 
khi người ta đến được với anh em trong sự an hòa thứ tha? 
Để đến được với người đang xích mích với mình, 
cần khiêm hạ, ra khỏi mình và lên đường đến với người ấy. 
Đi bước trước để đến với người khác, dù lỗi không thuộc về mình, 
đó là cách làm hòa và làm lành những vết thương. 
Hòa giải với tha nhân phải được coi là việc cần làm ngay 
trước khi ta có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua việc dâng của lễ.
“Chớ giết người”, giới răn này xem ra bị coi nhẹ trong thế giới hôm nay, 
một thế giới tự hào là văn minh, nhưng mạng sống con người bị rẻ rúng. 
Những vụ phá thai, những tai nạn xe cộ mỗi ngày, 
những cuộc chiến không ngừng giữa các quốc gia thù nghịch. 
Bao cuộc khủng bố đã làm hàng ngàn người chết. 
Những tội ác diệt chủng đã xóa sổ cả triệu con người. 
“Chớ giết mình”, con người cũng không biết quý mạng sống mình. 
Những vụ tự tử, những cái chết do sử dụng ma túy hay ăn chơi, 
những bệnh tật do con người tự phá hoại thân xác mình.
Cain đã giết em là Abel vì ghen tương và giận dữ. 
Tội ác đó vẫn xuất hiện mãi trên mặt đất cho đến nay. 
Làm thế nào để ta biết trân trọng sự sống của người khác và của mình? 
Làm thế nào để Thiên Chúa được nhìn nhận như Chủ Tể của sự sống? 
Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân vị của từng người, 
trong trái tim, trong lời nói cũng như hành động. 
Vì mỗi người mang hình ảnh của chính Thiên Chúa.

Cầu nguyn:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
14 THÁNG SÁU
Tham Dự Vào Sự Sống Của Thiên Chúa
Con người có thể đi vào trong một quan hệ giao ước với Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của chính Thiên Chúa. Điều này làm cho con người có thể hiểu biết chân lý và chọn lựa những gì đúng và tốt. Thật vậy, sự kiện con người mang hình ảnh Thiên Chúa chính là căn bản cho tiếng gọi tham dự vào sự sống nội tại của Thiên Chúa. Như vậy Thiên Chúa có thể mạc khải những thực tại siêu nhiên cho con người.
Đây là một mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa đã vén mở cho chúng ta. Ngài đã tạo thành chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, không chỉ để cho ta có thể trở thành người một cách trọn vẹn, mà còn để ta có thể chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Thật là một ân huệ quá mức tưởng tượng! Nói cách khác, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã trao cho chúng ta tất cả những mạc khải và những ân sủng ta cần để ta có thể chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta có tất cả những gì mình cần để đạt đến định mệnh tròn đầy của mình trong Đức Kitô và triển nở trong sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
1V 18, 41-46; Tin Mừng theo Thánh Mt 5, 20-26.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ giết người, ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. (Mt 5,21-22)
        Trong những lần xét mình trước khi xưng tội, chúng ta thường thấy mình chẳng có mắc tội nào cả. Để mà xưng thú. Nhưng khi đối chiếu những gì Chúa Giêsu đề cập trên đây. Chúng ta mới thấy thế nào là có tội, và hình phạt sẽ đi kèm. Mỗi khi chúng ta sử dụng ngôn từ; trong hành động và cả trong tư tưởng xem chúng ta có phạm đến đức yêu thương hay không đối với chính bản thân mình, đối với tha nhân. Bởi đối với mình và cả tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa đã đồng hóa con người với Ngài qua Chúa Giêsu Kitô. Khi đó mới giúp cho chúng ta thấy được những hậu quả do lời nói việc làm trong tư tưởng cũng như trong hành động là có tội; quá nhiều tội, cần được xưng thú; để được Thiên Chúa tha thứ.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
14 Tháng Sáu
Tôi Biết Chạy Ðến Với Ai?

Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.
Câu chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Người ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: "Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tô không biết phải chạy đến với ai nữa".
Em bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: "Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?".
Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ... hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: "Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời".
Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng "Mẹ". Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ... Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.
(Lẽ Sống)

"Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".
Sự thánh thiện đích thực
Chân phước Marchello, một kỹ nghệ gia giàu có người Italia, đã bán hết tất cả gia sản và sang Châu Mỹ La tinh phục vụ những người phong cùi, có kể lại câu chuyện như sau: tại một viện bài phung giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà thoạt nhìn qua ai cũng thấy đáng thương. Từ nhiều năm qua, vì phong cùi, bà bị chồng con bỏ rơi, bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi đã bị đục khoét đến độ không còn hình tượng con người nữa.
Mang đến cho bà vài món quà, chân phước Marchello hỏi bà:
- Bà làm gì suốt ngày? Có ai đến thăm bà không?
Người đàn bà trả lời:
- Tôi sống đơn độc một mình. Tôi không còn làm được gì nữa, tay chân bại liệt, mắt mũi lại chẳng còn trông thấy gì nữa.
Marchello tỏ ra cảm thông trước nỗi khổ của bà, ngài hỏi:
- Vậy chắc bà phải cô đơn buồn chán lắm phải không?
Người đàn bà liền nói:
- Thưa ngài, không. Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi cầu nguyện suốt ngày và tôi luôn cảm thấy có Chúa bên cạnh.
Ngạc nhiên về lòng tin của bà, chân phước Marchello hỏi tiếp:
- Thế bà cầu nguyện cho ai?
Người đàn bà như mở to được đôi mắt mù lòa, bà nói:
- Tôi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người phong cùi bị bỏ rơi, cho các trẻ em mồ côi, cho tất cả những ai giúp đỡ trung tâm này.
Chân phước Marchello ngắt lời bà:
- Bà không cầu nguyện cho bà sao?
Với một nụ cười rạng rỡ, người đàn bà quả quyết:
- Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác mà thôi, bởi vì khi người khác được hạnh phúc, thì tôi cũng được hạnh phúc.
Thái độ sống và cầu nguyện của người đàn bà phong cùi trên đây minh họa cho sự thánh thiện đích thực là người chỉ sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm của mình. Ðể có được thái độ như thế, chắc chắn phải có một đức tin sâu xa, một đức tin luôn đòi hỏi con người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người và yêu thương mọi người. Như vậy, thánh thiện và bác ái cũng là một: thánh thiện mà không có bác ái là thánh thiện giả hình.
Chúa Giêsu đã đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của người Biệt Phái và Luật Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.
Ðả phá quan niệm và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: "Nếu các con không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời."
Quả thật, nếu an bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời ngay trong cuộc sống này, thì chúng ta chỉ được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà thôi. Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu mỗi người có ý thức rằng bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy chính là sống cho tha nhân không? Kỳ thực, các thánh là những người đạt được niềm vui và hạnh phúc ấy ngay từ cuộc sống này. Người Tây phương đã chẳng nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn" đó sao?
Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết tìm kiếm và cảm mến được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tha thứ và hòa giải
Timothy McVeigh, người đã đặt bom sát hại một trăm sáu mươi tám người, trong đó có mười chín trẻ em dưới sáu tuổi, tại Oklahoma City hồi năm 1995, đã bị xử tử tại một nhà tù thuộc bang Indiana sáng thứ hai 6/6/2001. Có lẽ anh là người tử tội bị oán ghét nhất trong lịch sử nước Mỹ. Người ta đọc được sự oán ghét ấy qua thân nhân của những người bị sát hại trong vụ đặt bom. Diana Prater, một người sống sót sau vụ đặt bom nói rằng bà chờ đợi ngày này khi McVeigh bị bắt giữ. Bà nói như sau:
- Giờ đây, tên hèn nhát này không còn sát hại trẻ thơ của ai nữa.
Một người đàn bà bảy mươi tuổi có người con trai bị giết trong vụ đặt bom đã bay từ Oklahoma City đến nơi hành quyết để xem cho bằng được những giây phút cuối đời của tên sát nhân. Bà nói:
- Tôi cảm thấy nhẹ nhõm sau khi anh ta ra đi. Anh ta đã sống quá lâu.
Một người đàn ông có người con gái hai mươi bảy tuổi bị sát hại đã nói lên tất cả sự phẫn nộ của mình như sau:
- Theo tôi, người ta phải đưa hắn về Oklahoma và qui tụ tất cả các gia đình nạn nhân và những người sống sót lại để ném đá hắn. Ném từ từ cho đến khi hắn chết.
Một người đàn ông khác mang tấm hình của con gái bị sát hại vào phòng xử. Ông cho biết rằng ông muốn chứng kiến cảnh phòng xử kẻ sát nhân bị hành quyết, vì ông tin rằng con gái ông cũng muốn thế.
Một người sống sót thì phát biểu rằng ông rất lấy làm tiếc là ông không được cho phép nhìn thẳng vào mắt kẻ tử tội trước khi anh ta chết.
Người ta hiểu được những phản ứng trên đây của thân nhân của các nạn nhân bị sát hại, nhất là khi kẻ tử tội không hề tỏ bất cứ một dấu hiệu hối hận nào. Rất nhiều người đồng tình với cơn giận trên đây, nhưng cũng có một số ít người chống lại án tử hình. Họ đã canh thức đúng một trăm sáu mươi tám phút trước giờ hành quyết. Mỗi phút thinh lặng là để tưởng niệm một nạn nhân, họ không đồng ý với cuộc hành quyết nhưng họ muốn bảo đảm rằng các nạn nhân cần phải được tưởng nhớ. Người phát ngôn của nhóm này là ông Humous đã đứng trước nhà tù ba ngày liền trước khi McVeigh bị hành quyết. Ông nói như sau:
- Hầu hết mọi người Mỹ đều oán ghét Tim McVeigh. Nhưng Chúa Giêsu vẫn còn yêu thương anh.
Chỉ trong đức tin, người ta mới có thể nói được như thế. Quả thực, cho dù Timothy McVeigh có bị oán ghét và chính anh cũng chối bỏ mọi thứ tình thương, kể cả tình thương của Thiên Chúa, anh vẫn được Chúa Giêsu yêu thương. Chúa Giêsu yêu thương kẻ thù của mình. Toàn bộ giáo huấn về yêu thương và tha thứ của Ngài chỉ thực sự ứng nghiệm khi từ trên thập giá, Ngài đã cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã và đang hành hạ Ngài.
Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta lắng nghe lại giáo huấn ấy. Giải thích về giới răn thứ năm, Chúa Giêsu không những cấm giết người, Ngài còn lên án bất cứ hành động nào xúc phạm đến phẩm giá con người, dù con người ấy có là kẻ thù của mình. Ðối với bạo lực, Ngài kêu gọi tha thứ và hòa giải. Người tín hữu Kitô lên án bạo lực, chống lại bạo quyền nhưng không lấy bạo lực làm phương tiện tranh đấu, không lấy ác báo ác. Và ngược lại, bất cứ ai sống theo tinh thần bất bạo động cũng đều là môn đệ của Chúa Kitô.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Thái độ nửa vời
“Anh em đã nghe người xưa rằng: “Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải lửa hỏa ngục thiêu đốt.” (Mt. 5, 21-22)
Làm như mọi người
Xã hội nào cũng có những luật lệ, quy tắc, những điều được làm, những điều cấm đoán, mà người ta phải tôn trọng, nếu không cuộc sống của người khác sẽ gặp trắc trở phiền hà. Nói chung mọi người đều được yêu cầu đừng vượt quá giới hạn. Phải giữ một mức cư xử tốt đẹp tối thiểu hoặc cùng lắm cũng phải tỏ ra có tình người thật.
Không ăn trộm ăn cắp, không làm thiệt hại tài sản người khác, không mưu hại mạng sống và sức khỏe của ai, không làm giầu cách gian lận, tuân theo luật lệ giao thông. Đó là đại khái những loại luật lệ quy tắc mà ta phải tuân thủ. Khi chu toàn được những điều này – tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng – ta thường khá hài lòng về mình. Thiên hạ coi những ai giữ trọn được như vậy, chẳng phải anh hùng thì ít ra cũng là những con người lương thiện, những công dân tốt.
Làm hơn được chăng?
Chúa Giêsu còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Chúa đòi hỏi những ai tin vào Người phải có lòng tốt, lòng quảng đại, sự hiến thân mỗi ngày phải tiến xa hơn nhiều. Xã hội bất quá kêu gọi tôn trọng công bình. Còn Chúa Giêsu lại mời gọi người ta sống yêu thương. Dưới con mắt Chúa, công bình chỉ là một thái độ nửa vời, hoặc nên gọi là không trọn mức cũng được. Nếu chỉ cư xử với nhau theo đức công bình, ta chỉ mới được nửa đường tới dích thôi. Chúa mốn ta giữ đức công bình được tình yêu làm cho thăng hoa tốt đẹp. Đành rằng phải có đức công bình để con người có thể cùng nhau chung sống, nhưng không đủ cho con người được sống hạnh phúc.
Chúng ta thường chỉ coi đức công bình là đủ, như vậy là ta cũng chỉ có thái độ nửa vời. Những người có thái độ nửa vời, sẽ chẳng được vào Nước Trời đâu.
Ngày 14
 
Trong thánh lễ, Đức Giêsu đón nhận các lễ vật của chúng ta cùng với Người. Khi Thiên Chúa nhận ra bánh, Người nhận ra Đức Giêsu
Khi Thiên Chúa nhận ra trong bánh này mọi lao nhọc của mọi ngưòi và của các em bé, Người nhận ra sự lao nhọc của Đức Giêsu.
Khi Thiên Chúa nhận ra trong bánh, tình yêu của mọi người, Người nhận ra tình yêu của Đức Giêsu.
Khi Thiên Chúa nhận ra trong bánh khao khát của mọi người, Người nhận ra khao khát của Đức Giêsu.
Khi Thiên Chúa nhận ra bánh, Người nhận ra Đức Giêsu. Khi hiến dâng bánh rượu, chúng ta đều có gương mặt của Đức Giêsu.
Khi thưa vói Thiên Chúa, lễ vật bánh rượu sẽ nói về Đức Giêsu với Thiên Chúa.

Jean Debruynne
Thứ Năm 14-6

Thánh Albert Chmielowski

(1845-1916)
S
inh ở Igolomia gần Krakow, Ba Lan, Thánh Albert là người con cả trong gia đình giầu có, và tên rửa tội là Adam. Trong cuộc cách mạng 1864 chống với Nga Hoàng Alexander III, Adam bị thương và bị cụt chân trái.
Với khả năng hội họa Adam đã theo học ở Warsaw, Munich và Balê. Sau khi trở về Krakow, Adam gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục. Vào năm 1888, Adam lấy tên là Albert khi sáng lập tổ chức các Thầy Dòng Ba Phanxicô. Công việc chính yếu của tổ chức là giúp đỡ người nghèo và người vô gia cư, bất kể tuổi tác, tôn giáo hay chính kiến.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Thầy Albert năm 1983 và phong thánh cho ngài sáu năm sau.

Lời Bàn

Trong cuốn sách kỷ niệm kim khánh linh mục năm 1996, khi chia sẻ về ơn thiên triệu của chính mình, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết Thầy Albert đã có một ảnh hưởng trong ơn gọi ấy "bởi vì tôi tìm thấy nơi ngài sự hỗ trợ tinh thần và một tấm gương khi từ bỏ thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch nghệ, để nhất định chọn lựa ơn gọi linh mục". Khi là một linh mục trẻ, Ðức Giáo Hoàng đã viết một kịch bản về cuộc đời Thầy Albert để tỏ lòng biết ơn thánh nhân.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét