Thứ Sáu sau Chúa Nhật 14 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Hs 14, 2-10
"Chúng tôi sẽ không
còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Chúa phán: "Hỡi Israel , hãy trở
về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các
ngươi hãy mang lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: 'Xin hãy
xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng.
Assurô sẽ không giải thoát chúng tôi; chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không
còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi
Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót'.
"Ta sẽ chữa sự bất trung
của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel
sẽ mọc lên như bông huệ, và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum
sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ôliu và hương thơm của nó như hương thơm núi
Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và
lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban.
"Hỡi Ephraim, tượng thần
giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi
mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả. Ai là
người khôn ngoan hiểu được các việc này, ai là người sáng suốt biết được các
việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là đường ngay thẳng và những người công
chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác sẽ gục ngã trên đó".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 8-9.
12-13. 14 và 17
Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền lời ca khen Chúa (c. 17b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện
thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi; xin
rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Ðáp.
2) Nhưng Chúa ưa sự thật
trong tâm khảm, và trong đáy lòng, Chúa dạy con điều khôn. Xin dùng cành hương
thảo rảy con thanh khiết; xin tẩy rửa cho con được hơn tuyết trắng tinh. - Ðáp.
3) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho
con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin
đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. -
Ðáp.
4) Xin ban lại cho con niềm
vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi
con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy
vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy vào Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 16-23
"Không phải chính các
con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói
rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con
hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các
con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì
Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt
nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ
ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói,
nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
"Anh sẽ đem nộp giết em,
cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì
danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy
sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang
thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước
khi Con Người đến".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Trong khi thi hành sứ mạng
loan báo Tin Mừng, các Tông Ðồ sẽ gặp thất bại, ghen ghét. Ðức Giêsu trấn an họ
đừng lo, vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh để giúp họ. Ðiều đó đòi hỏi người môn đệ
luôn phải có đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, dù phải chiến
đấu với bao cám dỗ, xin cho chúng con luôn được bước theo sát Ngài, được can
đảm dấn thân với Ngài, cho dù phải chịu nhiều đau khổ và có khi phải hy sinh cả
tính mạng nữa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Suy Niệm:
Số Phận Của Người Kitô Hữu
Trong chuyến hành hương Lộ
Ðức tháng 8/1981, Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại
một vài nơi trên thế giới, Ngài nói: "Có những tín hữu bị bắt buộc phải
hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt
động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ
hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc
sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện
ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một
cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người
ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin
của mình..."
Tin Mừng hôm nay một lần nữa
cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa
Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài
trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp
tục sứ mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số
phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau,
nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.
Ý thức về sự bách hại không
phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ
chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi
theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất
công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một
Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại
càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn. Trong một chuyến viếng thăm tại
Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần
một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".
Nguyện xin Chúa gìn giữ mọi
thành phần Dân Chúa được luôn trung thành theo Chúa Kitô và thoát khỏi tinh
thần thỏa hiệp vì một chút dễ dãi, lợi lộc.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA
MỖI NGÀY
THỨ SÁU TUẦN XIV THƯỜNG
NIÊN năm II
Bài đọc: Hos 14:2-10; Mt
10:16-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Phải trông cậy vào sự
khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa.
Sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa luôn đối chọi với sự
khôn ngoan và sức mạnh của thế gian. Khi phải đương đầu với sự khôn ngoan và
sức mạnh của thế gian, con người dễ gạt bỏ sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên
Chúa để chạy theo những gì của thế gian. Lý do, họ không nhận thức được sự khôn
ngoan và sức mạnh Thiên Chúa; trong khi sự khôn ngoan và sức mạnh của thế gian
luôn ở ngay bên. Đọc lịch sử Do-thái sẽ giúp chúng ta nhận ra sự khôn ngoan và
sức mạnh của Thiên Chúa: bất cứ khi nào họ tin tưởng vào sự khôn ngoan và sức
mạnh của Thiên Chúa, họ được giải thoát khỏi quyền lực thế gian và sống hạnh
phúc. Khi làm ngược lại, họ phải lưu đày và sống khổ cực.
Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra sự toàn thắng của sự
khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea muốn con
cái Israel nhìn ra khi họ cậy dựa vào sự khôn ngoan và sức mạnh của họ hay của
ngoại bang, họ trở thành mồi ngon cho địch thù và làm nô lệ cho các quyền lực
thế gian. Để thoát khỏi cảnh này, họ phải ăn năn quay về và nhận ra sự khôn
ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết Ngài sai các
môn đệ vào thế gian như sai chiên non vào giữa bầy sói. Điều cần thiết là họ
phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu; có nghĩa, họ phải luôn trông
cậy vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, nếu không, họ sẽ không trở
thành mồi ngon cho sói.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính vì tội ác của
ngươi mà ngươi đã vấp ngã.
1.1/ Con cái Israel
phải ăn năn và trở về với Thiên Chúa.
Đứng trước những thế lực mạnh của quân thù, vua quan Israel có
khuynh hướng cầu viện nước ngoài để xin bảo trợ, và từ chối không nghe lời
Thiên Chúa dạy bảo qua các ngôn sứ. Sứ điệp của các ngôn sứ luôn là: Đừng tin
cậy vào người phàm hay các thần không cứu nổi ai; chỉ có Thiên Chúa mới có sức
mạnh giải thoát họ. Như lời ngôn sứ Hosea khuyên họ: “Hỡi Israel , hãy trở
về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Chính vì tội ác của ngươi mà ngươi đã
vấp ngã.”
Hosea tố cáo Israel
ba tội chính:
(1) Họ không tuân giữ Lề Luật Chúa dạy mà vẫn dâng của lễ.
(2) Họ cậy nhờ sức mạnh quân sự của mình và của nước ngoài và
không trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa.
(3) Họ xây dựng đền thờ và tôn kính các tà thần do tay người làm
ra. Họ đã bỏ quên Thiên Chúa.
Để được Thiên Chúa dủ lòng thương xót, họ phải trở về với Ngài
và cầu nguyện: “Chỉ ở nơi Ngài kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm."
1.2/ Thiên Chúa tha thứ và chúc lành cho Israel .
Không giống như cách cư xử của người đời: khi phản bội là sẽ bị
tiêu diệt; tình yêu của Thiên Chúa thắng vượt mọi bất trung của Israel .
Ngôn sứ Hosea xác tín sứ điệp này: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu
thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng.”
Câu sau cùng (câu 10) được coi như một câu kết luận sứ điệp của
ngôn sứ Hosea: “Ai đủ khôn ngoan để hiểu được điều này, đủ thông minh để biết
được điều ấy? Quả thật đường lối Đức Chúa rất mực thẳng ngay. Trên con đường
này, người công chính sẽ hiên ngang tiến bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào.”
2/ Phúc Âm: Kẻ nào bền chí đến
cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
2.1/ Gian khổ luôn sẵn sàng chờ đợi người môn đệ của Đức Kitô.
(1) Chúa Giêsu không dấu diếm các môn đệ sẽ phải đương đầu với đau
khổ khi Ngài tuyên bố với các ông: "Này, Thầy sai anh em đi như chiên
đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu."
Chiên đi vào giữa bầy sói, chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm; nhưng với sự khôn ngoan
và sức mạnh của Thiên Chúa, chiên có thể vượt qua mọi nguy hiểm.
(2) Các môn đệ sẽ phải đương đầu với các hạng người khác nhau:
+ Với giáo quyền: "Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh
đập anh em trong các hội đường của họ." Giáo quyền không luôn luôn chấp
nhận và bênh vực sự thật.
+ Với thế quyền: "Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan
quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết." Điều này dễ
hiểu vì các môn đệ Đức Kitô sống và làm chứng cho giá trị Nước Trời, nhiều khi
hoàn toàn đối nghịch với giá trị thế gian.
+ Với gia quyền: "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết;
cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải
chết." Sự thật mất lòng, người trong gia đình không luôn nhìn ra, định giá
đúng, và chấp nhận sự thật.
2.2/ Thiên Chúa luôn đồng hành với các môn đệ: Đối diện với các
quyền lực của thế gian và ma quỉ, người môn đệ cần có sự trợ giúp của Thiên
Chúa.
(1) Ngài ban ơn khôn ngoan để môn đệ biết đối đáp: "Khi người ta
nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ
đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh
em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em."
(2) Ngài ban sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ: "Vì danh
Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ
được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang
thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel , thì Con
Người đã đến." Người môn đệ phải tin sức mạnh của Thiên Chúa sẽ giúp mình
vượt qua mọi gian khổ và sau cùng sẽ chiến thắng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học hỏi để nhận thức được sự khôn ngoan của Lời
Chúa, và phải luôn vững tin nơi quyền năng của Ngài. Ngài sẽ không bỏ những ai
cậy trông nơi Ngài.
- Sống theo những lời Chúa răn bảo sẽ giúp chúng ta có sự bình
an thực sự trong tâm hồn. Cho dẫu chúng ta sẽ phải chịu những đau khổ tạm thời,
nhưng sẽ tìm được hạnh phúc vĩnh cửu.
Lm.An-tôn
Đinh Minh Tiên, OP.
Thứ Sáu tuần 14 thường niên
Sứ điệp: Bị bách hại là số phận
thường tình của người tông đồ. Tuy nhiên, với niềm tín thác vào Chúa Thánh
Thần, người tông đồ vẫn một lòng trung thành làm chứng cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa
sai con đi làm chứng cho Chúa. Nhưng trong thế gian luôn xảy ra một cuộc chiến
giữa sự thiện và sự ác. Cuộc chiến ấy ở ngay trong bản thân con, ngay trong gia
đình con, ngay trong môi trường con đang sống và trên toàn thế giới, sự ác
chống lại sự thiện, bóng tối không chấp nhận ánh sáng, và lời Tin Mừng cũng trở
thành cái gai cho thế gian. Vì thế mà người rao giảng Tin Mừng và người sống
Tin Mừng luôn bị bắt bớ, đánh đòn, tù đày, chống đối, thù ghét.
Lạy Chúa, cha ông chúng con đã từng chịu khổ
đau để làm chứng cho Chúa. Và cái chết anh dũng của các ngài đã là bằng chứng
hùng hồn cho niềm tin vào Thiên Chúa. Phần con đây, con cũng được diễm phúc ở
vào hàng ngũ những người nhận biết Chúa, theo Chúa, yêu Chúa và dấn bước phục
vụ Chúa. Nhưng vì là con người, con cũng rất sợ phải tù đày, roi vọt, chống đối
và thù ghét. Xin cho con biết nhận ra rằng, đàng sau thất bại và bị ngược đãi,
đó là dịp để con được hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa. Và nhờ đó đau khổ
của đời người tông đồ sẽ trở nên hy lễ đem lại nhiều hoa trái.
Con luôn vững tin vào sự hiện diện của Chúa
Thánh Thần trong con. Xin cho con một tinh thần đơn sơ và khôn ngoan, một niềm
tin sắt đá, một đức cậy vững vàng và một lòng mến sắt son để con được can đảm
sống Tin Mừng và trung thành làm chứng cho Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của
Cha các con".
13/07/12
THỨ SÁU TUẦN 14 TN
Th. Henricô
Mt 10,16-23
Th. Henricô
Mt 10,16-23
SỨC
MẠNH TRONG YẾU ĐUỐI
“Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác.” (Mt 10,23)
Suy niệm: Chúa Giêsu tiên báo những các môn đệ của Ngài sẽ bị bách hại. Quả thế, hơn hai mươi thế kỷ qua, thời nào các Kitô hữu cũng bị vua quan, bạo quyền giết hại, thù ghét cách này cách khác. Nhưng lạ thay, Chúa Giêsu không dự phòng cho các môn đệ những chiến lược võ trang để chống lại, mà lại dạy kế ‘đào vi thượng sách’: “Ai bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác.” Hơn nữa, ngay cả khi bị bắt nộp, Ngài cũng chẳng bày cho họ biết phải ăn nói làm sao. Cách ‘ứng phó tình thế’ bạc nhược như thế chẳng khác nào ‘đem con bỏ chợ’! Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn tỏ sức mạnh bằng cách mà loài người cho là yếu nhược, như thánh Phaolô làm chứng: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ… Nhưng cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,23-25).
Mời Bạn: Làm môn đệ đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là Ngài thế nào thì bạn theo như vậy. Vì thế chỉ khi nào bạn chấp nhận một Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa làm người chịu đóng đinh thập giá và bạn chấp nhận từ bỏ mọi sự mà vác thập giá đi theo Ngài, bạn mới đích thực là kitô hữu.
Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần để đón nhận những thập giá trong đời sống hằng ngày như thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã gửi những thập giá đến cho con. Xin cho con biết đón nhận chúng như đón nhận thánh ý Chúa.
"Không
phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con".
Thích sống yên thân
“Hãy
coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em
trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan
quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt. 10, 17-18)
Đời sống một chứng nhân
Chúa
Giêsu chẳng dấu diếm gì, khi sai các môn đệ đi truyền giáo. Người nói rõ cho
các ông hay những gì sẽ chờ đợi các ông. Trớ trêu thay! Các ông sẽ bị điệu ra
trước mặt vua chúa quan quyền, bị người ta đánh đòn. Người ta sẽ thù ghét, truy
nã các ông. Các bạn hữu thân tình sẽ chống lại các ông. Tất cả những chuyện đó
đang chờ đợi các ông. Quả là tệ hại! Cuộc đời các môn đệ chẳng có giây phút
nghỉ ngơi. Đi theo Chúa, rao giảng về Người là nhất thiết liều mình gánh lấy
những tai họa, là chấp nhận phải chiến đấu cam go, đau khổ nhiều, khóc lóc
nhiều.
Đức
Giêsu đã báo trước điều đó. Mười hai tông đồ đã gặp những thử thách nặng nề.
Người ta không để cho các ông sống dễ dàng. Họ đã bắt các ông phải chết. Tôi tớ
không trọng hơn chủ, nó chịu đồng số phận với chủ mình. Đức Giêsu đã nói thế.
Nếu không gây ra cho ta gì
Điều
Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ xưa thì vẫn luôn có giá trị cho tất cả những
ai còn đang làm chứng cho Phúc âm. Một chứng nhân đích thực không thể sống kiểu
“ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Người chứng nhân ấy không thể rao giảng Tin mừng
cách chân chính mà lại không bị người đời chống đối, bị người ta một ngày nào
đó đem mình ra bêu diếu cách nào đó.
Đã
có lần nào ta bị người ta chống đối kịch liệt, bị bôi nhọ vì những niềm tin
Kitô giáo của ta không? Đã có lần nào ta phải đau khổ vì đã mạnh dạn và công
khai làm chứng về Đức Kitô không? Nếu chưa bao giờ ta phải chịu điều gì thiệt
thòi, chưa có ai chống đối ta bao giờ, thì có lẽ vì ta đã chưa bao giờ là những
chứng nhân đích thực, vì ta đã chỉ muốn sống yên thân thôi. Những chứng nhân
tồi là vậy đó.
JYG.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
13 THÁNG BẢY
Sự Tự Do Của Con Người
Diễn Tả Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa
Ở đây, khi đối diện với
kế hoạch sáng tạo từ đời đời của Thiên Chúa, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm
lạ lùng và khôn dò. Mầu nhiệm đó chính là mối quan hệ mật thiết giữa các hành
động của Thiên Chúa và những quyết định của con người.
Chúng ta biết rằng sự tự
do chọn lựa là khả năng tự nhiên của một tạo vật có lý trí. Kinh nghiệm cũng
cho chúng ta biết rằng tự do của con người là cái có thực – ngay cả khi nó bị
làm cho thương tổn và suy yếu đi bởi tội lỗi. Về mối quan hệ giữa sự tự do của
con người với hành động của Thiên Chúa, chúng ta nên nhìn trong ánh sáng của
những gì mà Thánh Tô-ma Aquinô đã nói về sự quan phòng thần linh. Thánh Tô-ma
mô tả sự tự do của con người như biểu hiện của sự khôn ngoan Thiên Chúa – sự
khôn ngoan xếp đặt và hướng dẫn mọi sự đạt đến mục tiêu của chúng (cf. Tổng
Luận Thần Học I,22,1). Tất cả những gì được Thiên Chúa tạo thành đều nhận sự
hướng dẫn này, và trở thành đối tượng của sự quan phòng thần linh (vs. 2).
Qua con người – được tạo
thành theo hình ảnh Thiên Chúa – tất cả thế giới tạo vật hữu hình tiến tới gần
Thiên Chúa và tìm thấy con đường đưa dẫn chúng đến sự thành toàn cuối cùng.
Quan niệm này được diễn tả bởi nhiều người khác nữa, trong đó có Thánh I-rê-nê
và được phản ảnh bởi giáo huấn của Công Đồng Vatican II về tác động phát triển
thế giới của con người (MV 7). Nói tắt, sự phát triển hay sự tiến bộ đích thực
mà con người được mời gọi thực hiện trong thế giới không được phép chỉ hạn định
trong phương diện kỹ thuật, mà phải bao gồm phương diện đạo đức nữa. Đây là
điều kiện thiết yếu để xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo này (MV
các số 35,43,57,62).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Henricô; Hs 14, 2-10; Mt 10, 16-23
LỜI SUY NIỆM: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa
bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.” (Mt 10,16).
Những con
người đã được Chúa kêu gọi, để trở nên con cái của Ngài và đã được thấm nhuần
giáo huấn của Ngài, họ sẽ trở nên hiền lành như một con chiên thực sự, họ không
còn thiết tha đến sự tranh dành quyền lợi, địa vị, họ sống với một tinh thần
phục vụ trong yêu thương và tha thứ, biết khiêm nhường trong lòng mình và biết
tôn trọng phẩm giá, nhân vị người anh em. Nhưng họ có bổn phận và trách nhiệm
phải vào đời, sống với tha nhân, chứ không được co cụm lại một nơi hoang vắng;
nơi phòng riêng.
Chúa dạy chúng ta khi giao tiếp với đời, phải biết mình là chiên đang ở giữa
bầy sói; cần phải khôn ngoan để tránh mặt khi không cần thiết. Nhưng khi cần
làm chứng hay loan báo Tin Mừng thì mạnh dạn xuất hiện bất cứ ở đâu, bất cứ lúc
nào và bất cứ đối với ai. Vì tin luôn có Chúa ở cùng chúng ta với quyền năng và
yêu thương của Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
13 Tháng Bảy
Niềm Vui Và Kho Tàng
Theo một bảng thống kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60
triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc
an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng
bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.
Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt
được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế
chẳng khác nào như một thây chết.
Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện
trước thần Osires để trả lời cho hai câu hỏi: "Ngươi có tìm thấy niềm vui
không? Ngươi có mang lại niềm vui cho người khác không?". Số phận đời đời
của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.
Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với
Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.
Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao
nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ
18 đã trả lời như sau: "Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc
theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm
vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngòi bút của tôi". Người tín
hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui
mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có
Chúa.
Trong
quyển sách có tựa đề "Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần", Ðức Gioan
Phaolô II đã viết như sau: "Ðức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui
cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui
cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho
toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý
lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui".
Nhưng
niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo.
Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ,
càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh.
Mỗi
ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng
ta xin người "vui lòng", nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng
mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác "vui lòng" để ban ân huệ
cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui
tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ
cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Thánh Henri II, Hoàng Ðế (937-1024)
Henri
sinh năm 937, còn có biệt hiệu là Pieux, làm công tước miền Bavière năm 995,
vua nước Ðức năm 1007 và là hoàng đế Rôma năm 1014. Suốt đời ngài đã tận tụy
với công việc mở mang Giáo Hội.
Ngài
đã lập Tòa Giám Mục Bamberg và dâng cúng vào đền thánh Phêrô cũng như tòa thánh
Rôma rất nhiều sản nghiệp. Ngài đón tiếp Ðức Benoit VII khi bị lưu vong và giúp
Ðức Giáo Hoàng chỉnh đốn lại Giáo Hội. Ngài đã từng chiến đấu chống lại những
người Hy Lạp để bảo vệ đức tin Công Giáo, và chinh phục nhiều dân tộc khác vừa
bằng lời cầu nguyện vừa bằng quân đội.
Ngài
đã đưa dân tộc Hung Gia Lợi về cùng Chúa qua cuộc hôn nhân giữa em ngài với
hoàng đế Etienne (996).
Có
thể nói ngài luôn lo lắng vãn hồi trật tự trong đế quốc, cải tiến đời sống dân
chúng về tinh thần cũng như vật chất.
Ngày
24/8/1024, ngài bị kiệt sức rồi ngã bệnh và trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ
77 tuổi. Xác ngài được mai táng tại nhà thờ chánh tòa Bamberg do chính ngài đã xây cất dâng kính
Ðức Maria và thánh Phêrô.
Ðức
Giáo Hoàng Eugêniô III đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1146 vì sự thánh
thiện và uy thế thanh liêm chính trực của ngài.
Ngày 13
Thánh Henricô
Mở sách Gióp, cuốn sách xưa tuyệt hay
về thân phận con người đối diện với khổ đau, người ta khám phá ra rằng, bạn bè
của Ông đã bắt đầu bằng việc ở bên cạnh Ông "bảy ngày bảy đêm", hoàn
toàn im lặng; và chỉ khi họ lên tiếng nói thì mọi sự đổ vỡ ...
Khi đến bên cạnh một người đang đau
khổ, ta đừng mất công tự hỏi: "Mình sẽ nói gì đây?", rồi cố tìm cho
ra "lời phải nói". Lời ấy không có đâu.
Bởi vì vấn đề quan trọng không phải là
"nói" mà là "hiện diện". Đừng bao giờ quên điều này: đau khổ
có khuynh hướng làm ta trốn chạy. Hiện diện, đó chính là chống lại cái khuynh
hướng trốn chạy ấy, là cách thức ta nói với người bệnh rằng: "Mình có mặt
ở đây để bạn thấy rằng bạn không cô đơn, trước cơn giông tố đang giáng xuống
người bạn, mình hoàn toàn bất lực trắng tay, nhưng xin bạn biết cho rằng mình
vẫn đang ở trên bờ."
Nếu sự hiện diện mang ý nghĩa như thế
thì một cuộc viếng thăm chỉ năm phút thôi cũng có thể mang đến một bầu khí
trong lành vào phòng bệnh. Có thể là trong khi viếng thăm, mình biết sẽ phải
nói gì, hoặc là chẳng biết nói gì cả, nhưng điều ấy có quan trọng gì đâu?
André Fol, linh mục
Thứ Sáu 13-7
Thánh Henry II
(972-1024)
hánh
Henry thuộc dòng dõi nhà vua mà cha là Công Tước xứ
Vua
Henry rất để ý đến hạnh phúc của người dân. Ðể bảo vệ công chính, nhiều lần
ngài phải dẫn quân đi chiến đấu với các kẻ thù ở trong cũng như ngoài nước.
Các chiến thắng không làm ngài tự đắc trở nên vô tâm mà ngài rất độ lượng và
khoan hồng với kẻ thù.
Khoảng
năm 998, ngài lập gia đình với một phụ nữ thánh thiện là Cunegundes. Sau này
bà cũng được tuyên xưng là thánh. Vào năm 1014, cả hai người được ban thưởng
cho danh hiệu hoàng đế và hoàng hậu của Thánh Ðế Quốc Rôma. Ðây là một vinh
dự lớn lao vì chính Ðức Giáo Hoàng Bênêđích VIII đã đội vương miện cho hai
người.
Tuy
thừa hưởng tất cả những giầu sang và quyền thế ở trong tay, Hoàng Ðế Henry
luôn nhớ đến các chân lý vĩnh cửu và suy niệm trong lòng. Thay vì đi tìm các
vinh dự chóng qua của trần thế, ngài để ý đến những công việc làm vinh danh
Thiên Chúa, trong đó sự thịnh vượng của Giáo Hội cũng như duy trì kỷ luật
trong hàng giáo sĩ là điều ngài lưu tâm. Có lần ngài ao ước được từ chức để
sống như một đan sĩ, nhưng theo lời khuyên bảo của đan viện trưởng ở
Trong
thời gian trị vì, ngài thành lập rất nhiều đoàn thể đạo đức, xây dựng nhiều
cơ sở sinh hoạt tâm linh cũng như các đan viện và nhà thờ mới.
Ngài từ
trần năm 1024, khi mới năm mươi hai tuổi và được phong thánh năm 1146.
Lời
Bàn
Gương
mẫu đời sống của Thánh Henry khiến chúng ta phải nhìn lại sự bận rộn của đời
sống chúng ta. Có ai bận rộn bằng một ông vua, nhưng Hoàng Ðế Henry vẫn dành
thời giờ cho Thiên Chúa trong sự suy niệm và sinh hoạt đạo đức. Noi gương
Thánh Henry, chúng ta nên sắp xếp thời giờ để hàng ngày trở về với nguồn sinh
lực của chúng ta, là Thiên Chúa toàn năng.
|
|
Copyright © 2010 by
Nguoi Tin Huu.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét