Chúa Nhật 15 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc I: Am 7, 12-15
"Hãy đi nói tiên tri
cho dân Ta".
Trích sách Tiên tri Amos.
Trong những ngày ấy, Amasia
(vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: "Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang
đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel,
vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc". Amos trả lời
cùng Amasia rằng: "Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của
tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi
theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi
nói tiên tri cho dân Israel
của Ta".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 84, 9ab -10.
11-12. 13-14
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn
cứu rỗi cho chúng con (c. 8).
Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là
Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an.
Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự
trị trong đất nước chúng tôi. - Ðáp.
2) Lòng nhân hậu và trung
thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức
trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi
điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước
thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Ep 1, 3-10 {hoặc 3-14}
"Ngài đã chọn chúng
ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha
Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc
lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong
Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh
tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.
Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài
đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng
vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ
máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này,
Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến
chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để
kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong
Ðức Kitô.
{Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự,
được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài,
để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông
cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân
thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như
đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn
cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.}
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! - Ngôi
Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban
cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6, 7-13
"Người bắt đầu sai
các ông đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười
hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các
thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không
mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc
hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến
khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra
khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự
thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðược Ðức Giêsu sai đi giảng
dạy, nhóm Mười Hai nhận chỉ thị về hành trang của người tông đồ: phải có tinh
thần đơn sơ và từ bỏ những gì ngăn cản sứ mệnh. Hoạt động chính của nhóm Mười
Hai là: Rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, trừ quỉ, sức dầu cho bệnh
nhân...
Mỗi chúng ta cũng có trách
nhiệm trong chương trình cứu độ của Ðức Giêsu. Chúng ta có nhiệm vụ loan báo
một Thiên Chúa tình yêu: Ngài luôn nhân hậu, hiện diện gần gũi con người.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, cũng như nhóm Mười
Hai xưa, con phải ra đi để rao giảng Tin Mừng cho người khác. Xin cho chúng con
luôn cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương để chúng con luôn trung thành và
nhiệt tâm tông đồ. Ước gì nước Chúa được rộng mở, con người tìm được hạnh phúc.
Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Ðược
Sai Ði Truyền Giáo
Suy Niệm:
Chúa Nhật XV Thường Niên
Năm B
Amos 7,12-15; Thư Ephêsô
1,3-14; Tin Mừng Marcô 6,7-13
Những bài Kinh Thánh vừa nghe
đọc cho phép chúng ta gọi Chúa Nhật hôm nay là ơn gọi. Chúng ta được nghe nói
về ơn gọi của Amos, ơn gọi của các tông đồ, ơn gọi của hết thảy Kitô hữu. Chúng
ta đừng tưởng chỉ có bài thư Phaolô nói về ơn gọi Kitô hữu mới trực tiếp liên
hệ đến chúng ta. Hai bài Kinh Thánh kia, dễ hiểu hơn, cũng muốn giáo huấn chúng
ta trong các sứ mạng tiên tri, vương đế và tư tế của dân Chúa. Chúng ta hãy lần
lượt soi gương những người đã thi hành các sứ mạng này.
1. Amos Trung Thành Với Sứ
Mạng Tiên Tri
Ðể hiểu bài sách tiên tri
Amos trên đây, chúng ta cần nhớ: thời ấy có một cuộc phân tranh ở trong dân
Chúa. Mười chi họ phía Bắc làm thành nước Israel ;
hai chi họ phía Nam
thành nước Yuđa. Yêrusalem trở thành thủ phủ miền Nam; đang khi Samaria dần dần
trở nên thủ phủ miền Bắc. Ðể dân chúng của mình không đi lại lễ bái nơi Ðền thờ
Chúa ở Yêrusalem nữa, các vua Israel lập ra nơi thờ cúng ở Bethel. Hàng tư tế ở
đó được chiếu cố đặc biệt để lễ nghi trở nên huy hoàng và sầm uất hầu lấn át và
làm quên sinh hoạt tôn giáo ở Yêrusalem. Ðó là một thứ chính trị nhằm đào sâu
và củng cố việc chia cắt đất đai và đời sống của một dân đã được Chúa chọn để
chuẩn bị công việc tái lập sự hiệp thông mà tội lỗi đã phá vỡ. Thiên Chúa không
làm ngơ trước những mưu đồ như vậy.
Người chọn Amos, một người ở
gần Bêlem để đưa lên làm tiên tri ở phía Bắc. Ông trở thành vị tiên tri văn sĩ
đầu tiên; tức là trước ông chưa có tiên tri nào để lại bút tích. Không phải
chính ông đã viết nên tất cả cuốn sách hiện thời mang tên ông. Ðúng ra nó là
tác phẩm của môn đệ ông. Nhưng nó làm vọng lại lời giảng của ông nhiều khi rất
trực tiếp. Người ta xếp ông đứng đầu số các tiên tri nhỏ không ngoài mục đích
muốn nói rằng tác phẩm mang bút danh Amos đứng đầu các sách tiên tri có nội
dung ngắn sánh với các sách Tiên tri lớn là Isaia, Yêrêmia, Ezekiel và Ðaniel.
Nguyên sự hiện diện của Amos
ở Israel
đã là một vấn nạn lương tâm cho những người có óc chia rẽ trục lợi. Nó nói lên
chủ trương đoàn kết và hiệp nhất của giao ước cứu độ. Hơn thế nữa, sứ điệp của
Amos lại công kích các bất công xã hội, lên án các lễ nghi tôn giáo lấy hào
nhoáng che giấu tâm tư tội lỗi. Hàng tư tế và nhà cầm quyền hợp lực với nhau để
tống cổ Amos về nguyên quán. Ðoạn sách Phụng vụ đọc cho chúng ta nghe hôm nay
thuật lại cuộc đấu khẩu giữa tư tế Amacya và nhà tiên tri. Nhân danh hàng đạo
đức ở Bêthel và cậy vào quyền lực của nhà vua, Amacya đuổi Amos trở về Yuđa.
Ông tỏ ra chẳng hiểu tí gì về sứ mạng tiên tri. Ông coi Amos như là một thầy
bói hay một tiên tri làm nghề nói mò để kiếm tiền. Ông cấm Amos không được
tuyên sấm ở Bêthel nữa vì sứ điệp của ông không hợp với chính trị của nhà vua.
Nhưng Amos không chịu. Ông cãi lại. Ông nói rằng ông không phải là người làm
nghề tiên tri. Trước kia ông chẳng bao giờ nghĩ đến việc tuyên sấm. Ông chăn
chiên và trồng sung lấy trái cho chiên ăn. Nhưng một ngày kia, Thiên Chúa đã
gọi ông và truyền cho ông phải đi tuyên sấm... Ông yêu nhà Israel lắm chứ,
nhưng Chúa lại bảo phải cảnh cáo cho nó biết nó sẽ rơi vào tay quân thù và con
cái nó sẽ bị đem đi đày. Sứ điệp ấy là của Chúa. Ông vâng theo và sẽ vâng theo
mãi mãi.
Chúng ta không cần hỏi thêm
về kết cục của câu truyện. Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta ý thức về sứ mạng
tiên tri. Kẻ Người chọn không có khả năng tự nhiên. Chính Người trao Lời của
Người cho kẻ ấy. Nhà tiên tri đến nói thay cho Người; và như vậy chỉ là phát
ngôn viên của Người. Sứ điệp tiên tri có mục đích đưa người ta trở về giao ước,
nối lại sự hiệp thông mà tội lỗi đã phá hủy khi dựng nên những tham vọng bất
chính. Lời nói đạo đức ấy không vừa tai nhiều người. Bị xua đuổi, bắt giữ, giết
chết là số phận của hầu hết các tiên tri chân chính; đang khi những kẻ tuyên
sấm chiều theo sở thích của người đời lại thường được bảo hộ. Nhưng như lời
Phaolô nói sau này: tiên tri của Chúa có thể bị cầm giữ nhưng Lời Chúa chẳng
bao giờ xích lại. Môn đồ của Amos đã ghi lại lời sấm của ông. Sứ điệp này được
loan qua các thời đại và ảnh hưởng của nhà tiên tri luôn mạnh mẽ.
Nếu chúng ta có một niềm tin
như vậy đối với sứ mạng tiên tri nơi ơn gọi Kitô hữu! Chúng ta sẽ thấy phải học
hỏi và biết rõ sứ điệp Tin Mừng Cứu độ của Chúa hơn nữa. Và chúng ta phải loan
truyền bằng đời sống, lời nói những gì chúng ta đã nghe biết về hạnh phúc con
người. Chỉ có một điều đáng sợ là chính tiếng nói ích kỷ của các dục vọng ở nơi
chúng ta sẽ làm tắt Lời Chúa ghi trong tâm hồn, hay sẽ làm cho Lời ấy trở nên
vô hiệu và có thể đáng cười vì nếp sống không đi đôi với lời tuyên sấm của
chúng ta. Muốn tập trở thành những tiên tri đích thực của Chúa, chúng ta hãy để
mình được chính Người sai đi như các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Các Tông Ðồ Ðược Sai Ði
Truyền Giáo
Thánh Marcô cho chúng ta thấy
Ðức Yêsu gọi 12 tông đồ lại. Người sai họ đi từng đôi một, sau khi ban cho họ
được quyền trên các uế thần. Chúng ta có thể coi đây là quyền vương đế mà ơn
gọi Kitô hữu nào cũng có. Và chúng ta thấy rõ ràng các tông đồ đã thi hành
quyền ấy khi các ông trừ quỷ và chữa bệnh. Vì có quyền cai trị nào thế lực hơn
khả năng xua đuổi được tà thần và chữa lành được các vết thương do tội lỗi gây
ra? Nói cách khác, sứ mạng vương đế mà chúng ta thường nghe nói đã được ban cho
các Kitô hữu trong bí tích Rửa tội, không phải là hình thức thống trị nào kiểu
trần gian, nhưng là khả năng tiêu diệt được quyền lực tối tăm của ma quỷ hằng
lôi cuốn và cầm giữ người ta trong vòng nô lệ tội lỗi. Người Kitô hữu kết hợp
với Ðức Kitô trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh được tham dự vào sức mạnh chiến
thắng của Người. Họ có thể tựa vào ơn Người để sống tự do như con cái Thiên
Chúa, giống như Adong trước khi sa ngã "linh ư vạn vật".
Ngày nay để thi hành sứ mạng
vương đế ấy, Ðức Yêsu bảo các tông đồ phải có hành trang nhẹ. Họ không được đem
gì đi đàng; không bánh, không bị, không tiền. Ðược cầm gậy, được mang hai áo.
Ðến đâu, họ cứ vào nhà ai tiếp rước họ và ở đấy cho đến lúc ra đi. Chỗ nào
không đón tiếp thì họ hãy đi khỏi nơi ấy, rũ bụi chân để làm chứng trước mặt
chúng.
Thật ra, thánh Marcô đã muốn
thích nghi lệnh của Chúa vào thời đại của Người... Người nói rằng các tông đồ
được cầm gậy, mang dép, đang khi theo thánh Matthêu và Luca, không được làm như
vậy. Dù sao tính cách từ bỏ và khó nghèo tuyệt đối vẫn được tôn trọng. Cho cầm
gậy và mang dép chỉ để nói lên tính cách lên đường của ơn gọi tông đồ.
Ơn gọi này như đã nói nhằm
kéo người ta ra khỏi quyền lực của Satan và tội lỗi để cho phép họ được chia sẻ
sứ mạng vương đế của Ðức Kitô khi Người chiến thắng tội lỗi và tử thần. Mầu
nhiệm đưa Người lên vinh quang làm "Chúa" là việc tử nạn phục sinh mà
Người đã thi hành trong tinh thần khó nghèo và từ bỏ tuyệt đối. Chính vì thế mà
Người đã chỉ thị cho các tông đồ khi đi mở rộng Nước Chúa phải tỏ ra khó khăn
và từ bỏ, để sức mạnh của Thiên Chúa phát huy và viên thành trong sự yếu đuối
và sự hư vô của con người.
Như vậy sứ mạng vương đế của
người Kitô hữu thật là độc đáo. Nó không phải là thống trị đối với người khác
hay cai trị đối với tạo vật, nhưng là tự chủ chiến thắng dục vọng để vươn lên
tới đời sống tự do của con cái Thiên Chúa. Bấy giờ tất cả tạo vật cũng sẽ hân
hoan như được đưa ra khỏi cơn đau sinh nở theo lời thánh Phaolô đã nói. Và từ
khắp nơi một bài ca tán tụng sẽ được dâng lên Thiên Chúa khiến sứ mạng tư tế
của người Kitô hữu cũng được hoàn thành. Về sứ mạng này, chúng ta hãy nghe Lời
Chúa trong bài thư hôm nay.
3. Phụng Vụ Tạ Ơn
Ít khi chúng ta gặp một đoạn
văn như đoạn thư Êphêsô này. Thánh Tông đồ như hát một hơi dài. Người để lòng
mình thốt ra những tâm tình tạ ơn dào dạt. Phụng vụ Dothái giáo đã có nhiều bản
văn như vậy. Ở đây tác giả dùng lại mọi chủ đề quen thuộc: tạ ơn Chúa đã tuyển
chọn (4-5), đã cứu chuộc (6-7), đã tập hợp lại (8-10), đã ban những gì đã hứa
(11-12) và nhất là đã đổ ơn Thánh Thần xuống (13-14). Cái mới nằm ở những câu
nói về Ðức Yêsu Kitô và Ðấng Thiên Chúa đã tuyển chọn để ban tất cả những ơn
lành trên đây cho chúng ta, khiến mỗi khi nhắc đến chúng ta phải không ngớt lời
tạ ơn.
Với bản kinh này, thánh
Phaolô cho chúng ta thấy một kiểu mẫu để thi hành sứ mạng tư tế của ơn gọi Kitô
hữu. Nói đến tư tế, người ta nghĩ đến con người dâng lễ. Và cụ thể hơn, người
ta hình dung con người dâng lễ vật. Hơn nữa lễ vật cụ thể là các tế vật như ở
Yêrusalem thời Cựu Ước. Nhưng đó là những quan niệm chưa được thanh lọc. Ðức
Kitô đã đến khai mạc một phụng vụ tinh tuyền. Người đến tìm những con người tôn
thờ trong chân lý và tinh thần. Lễ dâng của Hội Thánh là thánh lễ tạ ơn, trong
đó nhắc nhở và tung hô mọi kỳ công mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử. Ðặc biệt
thánh lễ tái hiện mầu nhiệm Ðức Kitô để đem tất cả tạo vật được cứu chuộc vào
sự sống mới. Người tín hữu dâng lễ thấy tình thương Thiên Chúa mở rộng, đón
nhận mọi người con lạc bước trở về. Những người này không những được tha thứ mà
còn được trở nên giàu có nhờ ơn đa diện của Thánh Thần, để từ lòng họ không bao
giờ ngớt lời cảm mến và đôi tay họ sẽ đem về bao lễ dâng trên bàn thờ là các
việc lành phúc đức họ sẽ làm nhờ ơn Thánh Thể bồi dưỡng. Ngay cả các đau thương
ở đời cũng sẽ được họ dâng lên bởi vì thánh lễ đạo mới tập trung vào mầu nhiệm
thập giá của Ðức Kitô.
Như vậy sứ mạng tư tế của
người tín hữu không bao giờ hết. Họ dâng lễ cho mình và cho mọi tạo vật. Họ đem
tất cả vào nơi cơ thể của Ðức Kitô để ca tụng tình yêu của Thiên Chúa đang thi
hành kế hoạch cứu độ tình thương đối với mọi loài. Họ chỉ làm được như vậy khi
đã được giải thoát khỏi vây hãm của tội lỗi và Satan... Sứ mạng tư tế phải tựa
vào sứ mạng vương đế như điều kiện. Và chính sứ mạng này lại phải nhờ sứ mạng
tiên tri mà hiểu biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa để tham dự vào.
Chính trong thánh lễ này
chúng ta cũng thi hành cả ba sứ mạng đó. Lời Chúa nói với chúng ta không những
để biến chúng ta nên các tiên tri của Người trong thế giới ngày nay; nhưng cũng
kêu gọi chúng ta từ bỏ những gì còn liên quan đến tội lỗi để trở thành con cái
tự do của Thiên Chúa mà đồng trị với Ðức Kitô. Nhận biết cương vị của mình như
vậy, chúng ta sẽ hiệp dâng thánh lễ với Người để thi hành sứ mạng tư tế... Và
tất cả chỉ là khởi sự vì thánh lễ ban sự sống mới của mầu nhiệm Ðức Kitô tử nạn
phục sinh, không phải để chấm dứt nơi bàn thờ nhưng để làm sinh động tất cả
cuộc sống con người và giúp họ thi hành sứ mạng tiên tri, vương đế và tư tế ở
mọi nơi và trong mọi ngày.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 15 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Amo 7:12-15; Eph 1:2-14;
Mk 6:7-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Ơn gọi của con người qua Đức Kitô.
Con người thiển cận thường cho tất cả những gì mình có được là do sức cố gắng
và tài năng của mình; nhưng nếu họ chịu suy nghĩ và có cái nhìn bao quát hơn,
họ sẽ nhận ra tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Khi con người nhìn ra điều
đó, con người sẽ biết ơn Thiên Chúa, và sẽ cố gắng làm mọi cách để rao truyền
tình yêu của Thiên Chúa, để mọi người đều tin Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay giúp con người nhận ra tất cả những gì họ sở hữu đều là
hồng ân của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi bị Amaziah ngăn cản và không cho
nói tiên tri tại vương quốc Israel ,
Amos đã thẳng thắn trả lời: Ông không lựa chọn để trở thành ngôn sứ; nhưng
Thiên Chúa đã chọn và sai ông đi để nói những gì Ngài muốn nói. Trong Bài Đọc
II, tác giả Thư Ephesô nêu lên tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho
con người qua Đức Giêsu Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu lựa chọn Nhóm Mười Hai
để huấn luyện, ban quyền, và sai các ông đi để rao giảng Tin Mừng và chữa lành
mọi vết thương hồn xác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên
Chúa chọn lựa ông Amos và sai đi tuyên sấm.
1.1/ Phản ứng của Amaziah: Tiên-tri Amos sinh ở Tekoa, một làng thuộc vương quốc Judah
ở miền Nam; nhưng Thiên Chúa lại sai ông đi thi hành sứ vụ tiên tri tại vương
quốc Israel, miền Bắc. Ông sống trong một giai đoạn rất khó khăn của lịch sử
Israel (721 BC), vì dân chúng quay lưng lại với Thiên Chúa, để chạy theo các
thần ngoại bang; thêm vào đó, các vua quan toa rập nhau để ức hiếp dân nghèo,
và tiếng kêu cứu của họ đã vang lên tới Thiên Chúa. Amos không sợ bất cứ một
thế lực nào của vua quan, ông can đảm tố cáo những điều họ đã xúc phạm tới
Ngài, và tuyên sấm mất nước và lưu đày sẽ xảy ra nếu họ không biết ăn năn trở
lại. Đó là lý do tại sao Amaziah khinh thường và xua đuổi ông Amos trong trình
thuật hôm nay: "Này thầy ngôn sứ ơi, mau chạy về đất Judah , về đó mà
kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bethel
này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là
đền thờ của vương triều."
1.2/ Phản ứng của Amos: Ông Amos trả lời ông Amaziah: "Tôi không phải là ngôn sứ,
cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật
và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn
vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân
Ta."" Hai điều nổi bật Amos muốn đề cập tới ở đây:
(1) Ông được Thiên Chúa bắt đi khi ông đang làm việc, chứ chính ông không tình
nguyện để đi tuyên sấm.
(2) Ông không lợi dụng danh nghĩa ngôn sứ để kiếm lợi nhuận vật chất như
Amaziah buộc tội, vì ông đang có việc làm để sinh sống.
2/ Bài đọc II: Trong
Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ.
2.1/ Nhận ra hồng ân của Thiên Chúa: Trong phần đầu của trình thuật hôm nay, thánh
Phaolô muốn các tín hữu Ephesô nhận ra tất cả những ơn lành Thiên Chúa đã ban
cho họ qua Đức Kitô: "Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo
thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ
tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền
định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng
ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu." Đây là một
đoạn văn chứa nhiều tư tưởng mặc khải, chúng ta cần suy tư từng chi tiết để
hiểu những gì Thiên Chúa đã làm cho con người:
(1) Cho
chúng ta có mặt trong cuộc đời: "Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo
thành vũ trụ." Thánh Gioan nói rõ hơn: "Tất cả đều nhờ Người mà được
tạo thành; không có Người, chẳng có chi được tạo thành" (Jn 1:3).
(2) Cho
chúng ta biết Đức Kitô: Thiên Chúa quan phòng cho con người được gặp gỡ Đức Kitô, cách
trực tiếp khi Ngài xuống trần hay cách thiêng liêng qua việc rao giảng Tin
Mừng; không những thế, Ngài còn gởi Thánh Thần vào tâm hồn con người để soi
sáng cho con người hiểu những gì Đức Kitô nói và thúc đẩy con người tin vào Đức
Kitô. Thánh Phaolô xác quyết: "Không ai có thể tin Đức Kitô nếu không do Thánh
Thần của Thiên Chúa tác động" (I Cor 12:3).
(3) Cho
chúng ta trở thành nghĩa tử nhờ niềm tin vào Đức Kitô: "Còn những ai đón
nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con
Thiên Chúa" (Jn 1:12).
(4) Cho chúng
ta nhận ra hồng ân và ngợi khen Thiên Chúa: "Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời,
ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu."
(5) Cho
chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện: Với sự rửa sạch của Đức Kitô và sự thánh hóa
của Chúa Thánh Thần, con người có thể trở nên tinh tuyền thánh thiện, xứng đáng
là những nghĩa tử của Thiên Chúa, những môn đệ giống như Đức Kitô.
(6) Cho
chúng ta sạch khỏi mọi tội lỗi: "Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được
cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của
Người."
(7) Cho
chúng ta thấu hiểu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: "Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng
ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu." Nếu con người chịu
học hỏi Kinh Thánh, họ sẽ không thiếu bất kỳ sự khôn ngoan nào cần thiết cho
cuộc đời.
(8) Cho
chúng ta thấu hiểu Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: "Người cho ta được
biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ
trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài
trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô."
Hiểu như thế, tất cả những gì chúng ta có được, đều là hồng ân của Thiên Chúa.
Chúng ta không được kiêu hãnh coi những điều tốt lành chúng ta đang sở hữu là
của mình, nhưng phải biết sấp mình xuống và cám ơn tình yêu bao la Thiên Chúa
đã dành cho chúng ta.
2.2/ Ơn gọi
làm ngôn sứ để rao giảng Tin Mừng: Sau khi đã nhận ra tình yêu Thiên Chúa, con
người có bổn phận loan truyền tình yêu này cho mọi người. Phaolô không những ý
thức được ơn gọi rao giảng Tin Mừng mà Đức Kitô đã trao cho ông, nhưng còn là
của mọi tín hữu.
(1) Của Phaolô: "Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo
quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp
riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng
vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người." Khi Phaolô đã thấu
hiểu những điều Thiên Chúa đã làm cho ông qua Đức Kitô, ông dùng cả cuộc đời để
ngợi khen Thiên Chúa. Ngay cả việc sai Phaolô đi để rao giảng Tin Mừng cũng bắt
nguồn từ Đức Kitô. Ngài sai ông đi để rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người
hiểu biết và tin vào Đức Kitô để nhận được những hông ân Thiên Chúa ban qua Đức
Kitô.
(2) Của mọi tín hữu: "Trong Đức Kitô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời chân
lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được
đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia
nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi
khen vinh quang Thiên Chúa." Các tín hữu sau khi đã chịu Phép Rửa cũng có
bổn phận phải ra đi rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người nhận biết và tin vào
Đức Kitô.
3/ Phúc Âm: Chúa
Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.
3.1/ Chúa
Giêsu sai các Tông-đồ đi rao giảng Tin Mừng: "Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu
sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị
cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương
thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai
áo." Hai tư tưởng nổi bật trong đoạn văn này:
(1) Chúa
Giêsu gọi, dạy dỗ, ban quyền, và sai các tông-đồ đi rao giảng Tin Mừng, chứ các ông không tình
nguyện theo Ngài trước. Khi các môn đệ rao giảng, các ông rao giảng Tin Mừng
các ông đã nghe được nơi Đức Kitô, chứ không phải những gì của các ông. Sức
mạnh chữa lành và sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, chứ không phải đến từ các
ông.
(2) Rao
giảng Tin Mừng là bổn phận chính yếu các môn đệ phải thi hành, chứ không phải là bất
kỳ bổn phận nào khác. Để chu toàn bổn phận này, Chúa Giêsu biết người môn đệ
phải sống một cuộc đời đơn giản: càng ít lệ thuộc vào vật chất bao nhiêu càng
tốt; vì Ngài biết khi người môn đệ bắt đầu lệ thuộc quá nhiều vào vật chất, người
môn đệ sẽ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng
3.2/ Ơn gọi rao giảng Tin Mừng: Hai điều quan trọng các môn đệ cần biết khi rao giảng:
(1) Khán giả có thể tiếp nhận hay từ chối các sứ giả loan báo Tin Mừng: Chúa Giêsu báo trước
cho các môn đệ chuẩn bị điều này, khi Người dặn các ông: "Bất cứ ở đâu,
khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người
ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để
tỏ ý phản đối họ."
Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để nhận ra và tin vào sự thật, Ngài
không ép buộc con người phải tin những gì họ không muốn. Các môn đệ cũng thế,
họ không thể ép buộc khán giả tin những gì họ không muốn tin. Điều các môn đệ
có thể làm được là trình bày sự thật và những lợi ích do việc sống theo sự thật
mang lại, với hy vọng con người sẽ nhận ra và tin theo. Nếu họ từ chối không
chấp nhận sự thật, các môn đệ cũng đừng buồn, vì có nhiều lý do khiến con người
từ chối chấp nhận sự thật, như đã từng xảy ra với khán giả của Chúa Giêsu.
(2) Mục
tiêu của việc rao giảng là "kêu gọi người ta ăn năn sám hối." Khi người môn đệ rao
giảng Tin Mừng, người môn đệ phải giúp khán giả nhận ra tình yêu Thiên Chúa và
những lầm lỗi của họ đã quay lưng lại với tình yêu này, để họ ăn năn trở lại
với tình thương Thiên Chúa; chứ không phải là lúc giải trí, làm cho con người
thư giãn sau những giờ phút làm ăn mệt nhọc, cũng không phải là lúc để người
môn đệ quảng cáo sự khôn ngoan hiểu rộng của mình.
Các quyền trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm, và chữa họ khỏi
bệnh là từ Đức Kitô ban cho các môn đệ để khán giả tin vào những lời các ông
rao giảng. Hiểu như thế, các việc này chỉ là phương tiện; chứ không bao giờ có
thể thay thế việc rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả những gì chúng ta đang có được là do bởi tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta
đừng bao giờ kiêu hãnh để khinh thường người khác; nhưng phải biết cảm tạ Thiên
Chúa, sống cuộc đời tốt lành thánh thiện, và biết loan truyền Tin Mừng đến mọi
người.
- Rao giảng Tin Mừng là bổn phận quan trọng hàng đầu Đức Kitô trao cho chúng ta
là những môn đệ của Ngài. Khi rao giảng Tin Mừng chúng ta loan báo những gì
Ngài dạy dỗ chúng ta, và làm sao để muôn dân tin yêu Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Chúa Nhật tuần 15 thường niên, năm B
Suy niệm: Ðược Ðức Giêsu sai đi giảng dạy, nhóm Mười Hai
nhận chỉ thị về hành trang của người tông đồ: phải có tinh thần đơn sơ và từ bỏ
những gì ngăn cản sứ mệnh. Hoạt động chính của nhóm Mười Hai là: Rao giảng, kêu
gọi người ta ăn năn sám hối, trừ quỉ, sức dầu cho bệnh nhân...
Mỗi chúng ta cũng có trách nhiệm trong chương
trình cứu độ của Ðức Giêsu. Chúng ta có nhiệm vụ loan báo một Thiên Chúa tình
yêu: Ngài luôn nhân hậu, hiện diện gần gũi con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cũng như nhóm Mười Hai xưa, con phải ra đi để rao
giảng Tin Mừng cho người khác. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình Chúa
yêu thương để chúng con luôn trung thành và nhiệt tâm tông đồ. Ước gì nước Chúa
được rộng mở, con người tìm được hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ : "Người bắt đầu sai các ông đi".
15/07/12
CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – B
Mc 6,7-13
Mc 6,7-13
SAI
ĐI TỪNG HAI NGƯỜI MỘT
Khi ấy, Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai họ đi từng hai người một. (Mc 6,7)
Suy niệm: “Từng hai người một”, có nghĩa là hơn một người. Nếu hiểu rao giảng Tin Mừng là làm chứng, thì quả thật, hai người là cần thiết, vì: “nhất chứng phi, nhị chứng quả”. Ngoài việc thiết lập tôn chỉ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chắc chắn còn nghĩ đến việc hình thành của Giáo Hội sau này. Ngài muốn cho Giáo Hội được hiệp nhất chính trong niềm tin và cả trong hoạt động để củng cố và phát triển niềm tin này. Từng “hai người một” nói lên sự đồng tâm nhất trí mà những người được sai đi phải luôn canh cánh như tôn chỉ hàng đầu. Nguyên việc sống hiệp nhất đã là một lời rao giảng, nên không có gì làm trở ngại cho việc rao giảng bằng đời sống thiếu hiệp nhất.
Mời Bạn: Trong cánh đồng truyền giáo, có những người cảm thấy bị cản trở khi có người anh em cùng làm việc bên mình và với mình. Bạn có thuộc thành phần đó không?
Chia sẻ: Một chuyên gia Nhật chia sẻ với các sinh viên Việt
Sống Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp nhau mà cầu nguyện, Ta sẽ ở giữa họ”… Mời bạn thực hiện lời này trong hoạt động tông đồ của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người hiệp nhất nên một trong Chúa Ba Ngôi để nhờ đó thế gian tin rằng Chúa quả thật là Đấng Cứu Thế Chúa Cha sai đến.
NGÀI
GỌI VÀ SAI ÐI
Suy niệm:
Ðức Giêsu là người làm nên Nhóm Mười Hai.
Sau một thời gian ở với Ngài (x. Mc
3,14),
họ đã được Ngài sai đi rao giảng.
Người được sai đi
phải là người có đời sống gần gũi
thiết thân với Chúa.
Ðức Giêsu sai họ lên đường.
Ngài trao cho các ông những quyền
năng Ngài có:
quyền rao giảng, quyền chữa bệnh,
quyền trừ quỷ.
Ðó là hành trang lên đường của các
ông.
Mọi hành trang khác chỉ là phụ
thuộc:
một chiếc áo đang mặc,
một cây gậy và đôi dép khi đi đường.
Ðức Giêsu cấm các ông không được
mang theo
lương thực, bao bị, tiền bạc...
Không lương thực đi đường nên có thể
bị đói.
Không bao bị nên không thể để dành.
Không tiền bạc nên không thể mua
sắm.
Ngài muốn các ông hoàn toàn nương
tựa
vào lòng tốt của Thiên Chúa và của
con người.
Ra đi mà không có một chút bảo đảm.
Các môn đệ đã đi từ nơi nọ đến nơi kia,
lê gót qua các làng mạc và thành
phố.
Họ không đóng đô ở một nơi, dù gặp
thành công,
vì họ nhớ lời của Thầy:
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các
làng xã chung quanh,
để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (x.
Mc 1,38)
Tính cơ động là đặc tính thiết yếu
của người tông đồ.
Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi.
Các môn đệ loan báo về Nước Thiên Chúa đang
đến.
Ðó là một tin vui, nhưng đòi con
người hoán cải.
Hoán cải là điều chẳng ai ưa.
Người tông đồ cần can đảm nói điều
phải nói.
Không làm nhẹ đi những đòi buộc của
Tin Mừng,
không bóp méo Tin Mừng để tìm thành
công cá nhân,
cũng không mỵ dân để vuốt ve dư
luận.
Người tông đồ phải chấp nhận được
tiếp đón
một cách nồng hậu hay lạnh nhạt.
Họ chỉ là những người phục vụ cho
Tin Mừng.
Chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui của
các môn đệ.
Những người đánh cá nay trở thành
nhà rao giảng.
Những người ít học, bình dân, nay
trừ quỷ và chữa bệnh.
Họ đem đến cho con người niềm vui,
sự giải phóng toàn vẹn cả hồn lẫn
xác.
Hôm nay Ðức Giêsu vẫn sai ta đến trong thế
giới.
Ði từng hai người hay từng nhóm để
nâng đỡ nhau.
Chúng ta có thể mang theo nhiều đồ
trang bị hơn xưa,
nhưng không vì thế mà bỏ rơi cậy dựa
vào Chúa.
Thế giới hôm nay vẫn có nhiều bệnh
tật:
bệnh tuyệt vọng chán chường, bệnh
hoài nghi khép kín...
Ước gì chúng ta chữa lành những nỗi
đau hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu,
xin sai
chúng con lên đường
nhẹ nhàng
và thanh thoát,
không
chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào
những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng
Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành
những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc
quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn
thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa
đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Người bắt đầu sai các ông đi".
Ngài sai tôi đi, không thấy tôi về
Trong
thời gian gần đây, giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu, có phát đi một tin cảnh giác: Có
một linh mục giả xuất hiện; ông ta hay trà trộn vào những buổi lễ đồng tế, và
hay ghé vào nhiều tư gia công giáo để xin tiền. Đề nghị các cha và bà con giáo
dân cảnh giác.
Là
linh mục giả, dĩ nhiên là không được nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh, mà
còn là không được ai sai đi. Giáo Hội là do chính Chúa Giêsu thiết lập. Mọi
phẩm trật là do Ngài đặt để. Và vì vậy, chính Ngài là Đấng đã ra lệnh cho cả
Giáo Hội phải ra đi truyền giáo. Nhưng ai được sai đi, và sai đi đâu, thì phải
do Ngài sắp xếp, chỉ đạo.
Đoạn
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rõ điều đó. Ngài sai từng hai người một, ra đi. Họ
được sai đến một nơi nhất định. Không ai được tự ý chọn lựa nơi đến. Và cung
cách của người Tông đồ, phải là một cuộc sống siêu thoát: Không mang gì đi
đường, không mang theo lương thực, tiền bạc giắt lưng. Chỉ được mang theo một
vật dụng duy nhất là chiếc gậy. Chiếc gậy ở đây mang nhiều ý nghĩa: Vừa là
phương tiện để chống đỡ, vừa là cái chỉ uy quyền của người được sai đi. Nhưng
trên hết, chiếc gậy ấy vừa nói lên sự yếu đuối của mình, đồng thời nói lên sự
cậy trông nơi Chúa. Cây gậy ấy thì ăn thua gì; chỉ có niềm trông cậy nơi Chúa,
mới là sức mạnh và điểm tựa để Chúa dẫn ta đi. Người được sai đi, không được
quá lo lắng về tiền bạc; đã có Chúa, người sai ta đi, sẽ lo lắng cho ta. Người
được sai đi, chỉ nhớ một bổn phận duy nhất là rao giảng. Dĩ nhiên là rao giảng
Lời Chúa, chứ không phải lời mình.
Đi
rao giảng Lời Chúa, là một trình bày hoàn toàn tự do, cho cả người rao giảng,
cũng như người đón nhận. Vì thế, không được ép buộc, nhưng cũng không được dùng
tiền bạc của cải để mua chuộc. Dĩ nhiên, để việc rao giảng được kết quả, thì
người rao giảng phải sống lời mình rao giảng. Rao giảng là đưa người ta về với
Chúa, chứ không phải đưa họ về với mình. Bởi đưa họ về với mình, mình sẽ mất
đường về với Chúa, và như thế, Chúa, Đấng đã sai ta, sẽ không thấy ta về.
Câu hỏi:
1-
Bạn đã góp được gì qua gương sáng, qua sức khỏe, qua tiền bạc trong công việc
rao giảng của Chúa.
2-
Theo bạn nghĩ, hình ảnh của một người rao giảng phải là người thế nào?
(Suy
niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long
Xuyên số 07/2012’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
15 THÁNG BẢY
Con Người Tự Viết Nên
Lịch Sử Của Chính Mình
Được ban cho trí khôn và
linh hồn bất tử, con người bắt đầu hành trình của mình trong thế giới. Con
người bắt đầu viết nên lịch sử của chính mình. Thiên Chúa – trong sự quan phòng
của Ngài – luôn luôn sát cánh với con người mọi nơi mọi lúc trong cuộc hành
trình ấy. Cũng trong sách Huấn Ca, chúng ta đọc thấy: “Đường lối của chúng luôn
luôn ở trước mặt Ngài, và không bao giờ giấu mắt Ngài được” (Hc 17,15).
Tác giả Thánh Vịnh cũng
thốt lên cùng ý nghĩa này:
“Dù chắp cánh bay từ
phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc
biển phương tây,
tại đó cũng tay Ngài đưa
dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ
lấy con…
Hồn con đây Ngài biết rõ
mười mươi;
xương cốt con Ngài không
lạ lẫm gì” (Tv139, 9-10.14-15).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN;
Am 7, 12-15; Ep 1, 3-14; Mc 6, 7-13.
LỜI SUY NIỆM: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi
từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các
ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực,
bao bị, tiền đồng để giắt lưng.” (Mc 6, 7-8)
Ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng đang sai chúng ta ra đi, đến những nơi mà Chúa
đang muốn chúng ta phải đến trước dọn đường cho Ngài sẽ đến. Chúa muốn người
tông đồ khi dấn thân: sống phải hết sức đơn giản, hoàn toàn tin vào sự sắp đặt
của Ngài, chứ đừng quá lo lắng, về cơ sở vật chất, phải ăn gì, cư trú ở đâu và
sống ra sao? Trong thực tế các nhà truyền giáo Phương Tây trước đây, cũng như
các linh mục và tu sĩ của chúng ta đang ở những vùng sâu vùng xa đã cảm nghiệm
được điều này là tất cả đã được Chúa tiên liệu và sắp đặt để cho chúng ta sống
và hoạt động tốt.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 15-07:
Thánh BÔNAVENTURA
Giám mục, tiến sĩ hội thánh.(1221 - 1274)
Sinh
năm 1221 tại Bagnorea, gần Viterbo, thánh Bonaventura là con ông Giovanni di
Fidanza và bà Ritella. Ngài được đặt tên là Giovanni, lúc lên bốn, Ngài lâm
trọng bệnh vô phương cứu chữa. Người mẹ vội ẵm Ngài tới gặp thánh Phanxicô khó
khăn. Thánh nhân thương cha mẹ dâng lời cầu nguyện và Giovanni hết bệnh. Sung
sướng, người mẹ kêu lên : "Obuona Ventura" (Ôi biến cố phúc hậu). Từ
đó Giovanni mang tên Bônaventura. Ngài theo học tại dòng anh em hèn mọn.
Tới
tuổi 15, Bonaventura theo học tại Paris ,
trung tâm ánh sáng thời đó. Ngài sống thanh trong đến nỗi Alexandre de Hales
nhận xét : - Anh giống như Adam chưa hề phạm tội.
Ngài
kết thân với sinh viên tài ba khác là Thomas Aquinô. Ngỡ ngàng về sự hiểu biết
của bạn mình. Thomas hỏi Bonaventura xem Ngài đã học sách nào ? Bonaventura chỉ
cây thánh giá trả lời: - Đây là nguồn mọi hiểu biết của tôi. Tôi học Chúa Giêsu
bị đóng đinh.
Năm
1257, Ngài được chọn làm bề trên cả dòng Phanxicô. Tình thế Ngài phải đối diện
rất là phức tạp. Trong dòng đang có sự phân rẽ giữa những người nhiệt tâm muốn
tuân giữ nghiêm nhặt luật dòng và những người muốn chước giảm. Nhờ sự thánh
thiện và tài khéo léo, Bonaventura đã giải quyết các vấn đề cách ổn thỏa, đến
nỗi Ngài đang được gọi là Đấng sáng lập thứ hai của dòng. Trong kỳ đại hội ở Narbonne 1250, Ngài đã
ban hành hiến pháp đầu tiên cho dòng. Sau đó Ngài liên tiếp thăm viếng không
biết mệt các tỉnh dòng để quan sát việc thực hiện bản quy luật này.
Chính
Ngài tổ chức việc học hành cho các giáo sĩ trong dòng, làm cho công cuộc tông
đồ được phổ biến rộng rãi đến cả những bậc thức giả lẫn giới bình dân. Chính
Bonaventura là một nhà dòng giảng thuyết có biệt tài. Ngài đã giảng thuyết từ
các tu viện, tới các thành phố ở Au Châu, trước mặt vua Luy IX Đức giáo hoàng.
Luôn luôn Ngài thu phục được cảm tình của thính giả.
Một
thầy dòng khiêm tốn tên là Gilles hỏi Ngài : - Các cha thông thái, được Chúa
ban cho nhiều tài năng. Còn chúng con, chúng con có thể làm gì được ?
Bonaventura
trả lời : - Nếu Chúa ban cho một người tài năng khác là ơn yêu mến Ngài thế là
đủ rồi, và là kho tàng quí báu nhất.
Thầy
dòng hỏi tiếp : - Một người không biết đọc biết viết có thể yêu mến Thiên Chúa
như một nhà thông thái biết mọi sự không ?
Thánh
nhân trả lời : - Chắc chắn rồi, một bà già có thể yêu Chúa hơn cả một nhà tiến
sĩ thần học.
Thày
dòng vui vẻ la lớn : - Một bà già có thể yêu Chúa hơn cả cha Bonaventura của
chúng ta nữa.
Ngài
còn tiếp : - Biết một chút về Chúa còn hơn là biết mọi sự trong trời đất.
Ngoài
những hoạt động bên ngoài ấy. Bonaventura còn lo viết sách để huấn luyện các tu
sĩ và những sách về triết học, thần học và thánh kinh. Chúng ta có thể kể đến
cuốn "chú giải luật dòng Phanxicô", "hạnh tích thánh
Phanxicô" nhất là cuốn "hành trình của linh hồn hướng về Thiên
Chúa".
Trong
nỗ lực xây dựng Hội Thánh, Bonaventura luôn tỏ ra khiêm tốn. Người ta kể rằng :
Đức giáo hoàng Grêgoriô X truyền cho thánh Thomas và thánh Bonaventura soạn
thảo bộ kinh lễ Thánh Thể. Khi hai vị vào yết kiến đức giáo hoàng trình bày
công việc, thánh Bonaventura xé nát bản văn của mình.
Cùng
với lời khiêm tốn ấy, Bonaventura đã từ chối chức Tổng giám mục thành York mà
Đức giáo hoàng Clêment IV đề nghị, lòng khiêm tốn ấy không ngăn cản sự cương
quyết và can đảm của Ngài chống lại thuyết sai lầm của thuyết Aristote và
Avéoes... Nhưng Đức giáo hoàng Grêgoriô X đã quyết định đặt Ngài làm hồng y cai
quản giáo phận Albanô và truyền Ngài về Roma ngay.
Khi
hai sứ thần mang mũ hồng y đến, Ngài còn đang rửa chén. Ngày 28 tháng 5 năm 1273
Ngài nhận chức và là cánh tay đắc lực của đức giáo hoàng. Phần đóng góp của
Ngài vào sự hợp nhất Giáo hội Hy lạp và Roma tại công đồng Lyon
thật lớn lao.
Nhưng
khi công đồng Lyon còn đang nhóm họp thì
Bonaventura từ trần ngày 14 tháng 7 năm 1274. Đức Sixtô IV phong Ngài lên bậc
hiển thánh năm 1482 và đức Sixtô V đã đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1858.
Người ta gọi Ngài là "Tiến sĩ sốt mến". (Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
15 Tháng Bảy
Dây Chuyền Của Liên Ðới
Một người Ả Rập nọ có một con ngựa rất đẹp... Ai thấy cũng gợi
lòng tham muốn. Một người láng giềng tìm đủ mọi cách để mua cho kỳ được con
ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ chối. Không còn biết làm cách nào để thuyết
phục chủ nhân, người đó đành phải nghĩ ra mưu kế để chiếm đoạt.
Biết người chủ ngựa thường hay đi qua sa mạc, hắn mới cải trang
thành một người hành khất nằm rét run bên vệ đường. Người chủ ngựa là một người
tốt bụng, gặp bất cứ ai hoạn nạn cũng đều ra tay cứu giúp. Vừa thấy người hành
khất, người đó cảm thấy thương hại, mới đề nghị trở về một quán trọ để săn sóc.
Khi người chủ ngựa vừa mở miệng đề nghị, thì tên bất nhân mới
than thở: "Ðã mấy ngày nay, tôi không có được một hạt cơm trong bụng, lấy
sức đâu để leo lên ngựa". Nghe thế, con người tốt bụng xuống ngựa để giúp
người hành khất leo lên lưng ngựa. Nhưng vừa leo lên lưng ngựa, tên bất lương
hiện nguyên hình... Hắn giựt dây cương và thúc vào hông ngựa mà chạy... Người
chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết nhìn theo mà hối tiếc! Nhưng ông cũng cố gắng
chạy theo và nói với tên bất lương như sau: "Ngươi đã ăn cắp con ngựa của
ta. Nhưng ta sẵn sàng bỏ qua cho. Ta chỉ xin ngươi một điều là đừng bao giờ kể
cho bất cứ ai nghe mưu mẹo ngươi đã dùng để cưỡng chiếm con ngựa của ta. Một
ngày nào đó, sẽ có những người bệnh thật sự nằm rên rỉ bên vệ đường và kêu cầu
sự giúp đỡ. Ta e ngại rằng sẽ không còn ai dám dừng lại để cứu giúp kẻ hoạn nạn
nữa".
Dè
dặt, thủ thế, nghi kỵ có lẽ là thái độ thường tình của tất cả những ai đang
sống dưới chế độ độc tài. Lừa lọc, phản bội, tố cáo lẫn nhau đã khiến cho lòng
người mỗi ngày một thêm khép kín... Sợi dây chuyền của khép kín mỗi lúc một dài
ra và quấn lấy con người.
Mỗi
một hành động xấu, trong dây chuyền của tình liên đới, đều gia tăng đau khổ cho
người khác. Khi tôi lừa đảo, không những hành động của tôi chỉ trực tiếp hãm
hại một vài người có liên hệ, nhưng nó cũng góp phần giảm thiểu niềm tin của
không biết bao nhiêu người xung quanh. Khi tôi bạo động, không những tôi chỉ
xúc phạm đến người trong cuộc, nhưng hành động của tôi cũng xóa mờ đi phần nào lòng
tự ái của nhân loại... Tôi là một phần của nhân loại. Cả nhân loại sẽ đau đớn
rên rỉ vì một vết thương của tôi cũng như vì một nhát gươm của tôi.
Người
Kitô luôn được mời gọi để nhìn nhận hình ảnh của Chúa nơi mọi người và đón nhận
mọi người như anh em của mình. Trong cái nhìn ấy, cuộc sống của chúng ta phải
luôn hướng đến người anh em của chúng ta: niềm đau của người anh em cũng chính
là niềm đau của chúng ta, hạnh phúc của người anh em cũng chính là hạnh phúc
của chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 15
CHÚA NHẬT XV MÙA THƯỜNG NIÊN
Thánh
Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Khi Đức Giêsu sai nhóm Mười Hai đi từng
hai người một, Ngài bảo họ đừng mang chi theo dọc đường, Ngài yêu cầu họ toàn
tâm toàn ý mặc lấy Tin Mừng, lòng tín thác vào Thiên Chúa và anh em .
Trong cuộc sống thường ngày, có biết bao
điều có thể làm cho ta bận tâm! Có những điều do ta gây ra và cũng có những
điều do cuộc đời áp đặt. Ta hãy cởi bỏ hết những gì làm cho ta vướng bận. Việc
sống và loan báo Tin Mừng đòi hỏi ta phải từ bỏ mình, không những về phương
diện vật chất:, mà cả về phương diện tư tưởng. Bởi vì có biết bao cơn cám dỗ
khiến ta thay thế Tin Mừng bằng hệ tư tưởng của ta! Tin Mừng là Lời Thiên Chúa!
Mặc dầu vậy, Tin Mừng đâu có được lắng nghe!
Nhóm Mười hai cũng thực hiện những gì
chính Đức Giêsu đã làm: xua trừ ma quỷ và chữa lành bệnh tật. Không có niềm tin
thì không thể làm như thế được. Bởi vậy trước tiên các ngài kêu gọi hoán cải.
Ngày nay cũng thế, đối với sứ mạng mà Giáo Hội được trao phó: sự hoán cải và niềm
tin là những con đường tất yếu cho việc sống và loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy
cố vứt bỏ những gì ngăn cản mình tiến lên phía trước.
Gm Maurice Gardès
La Vie
15-7
Thánh Bônaventura
(1221-1274)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét