Trang

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

19-07-2012 : THỨ NĂM TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Năm sau Chúa Nhật 15 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) Is 26, 7-9. 12. 16-19
"Hỡi những kẻ nằm trong tro bụi, hãy thức dậy và hãy nhảy mừng".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðường lối người công chính thì ngay thẳng, Chúa ban cho bằng phẳng đường nẻo của người công chính. Lạy Chúa, chúng con cậy trông Chúa trong đường xét xử của Chúa. Thánh danh và sự kính nhớ Chúa là sự ước mong của tâm hồn. Ban đêm hồn con khát khao Chúa, và sớm mai khi thức dậy, lòng trí con hướng về Chúa. Từ khi Chúa thực hiện việc xét xử ở trần gian, thì người dương thế học biết sự công chính.
Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con ơn bình an, vì mọi việc chúng con làm, đều do Chúa làm cho chúng con.
Lạy Chúa, trong cơn hoạn nạn, chúng con đã tìm kiếm Chúa, và trong khi Chúa sửa dạy, chúng con kêu van đến Chúa. Lạy Chúa, trước tôn nhan Chúa, chúng con khác nào như đàn bà mang thai sắp sinh, kêu la đau đớn. Chúng con cưu mang, chúng con đau đớn như phải sinh con.
Chúng con không mang lại sự cứu độ cho trần gian, và không còn người sinh ra trên trần gian. Người chết của Chúa sẽ được sống, các xác chết của con sẽ sống lại. Hỡi những kẻ nằm trong tro bụi, hãy thức dậy và nhảy mừng, vì sương Chúa là sương ánh sáng, và trái đất sẽ làm tái sinh u tối.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 101, 13-14ab và 15. 16-18. 19-21
Ðáp: Từ trời cao xanh Chúa đã quan sát địa cầu (c. 20b).
Xướng: 1) Phần Chúa, lạy Chúa, đời đời còn mãi và danh Ngài tồn tại đời nọ tới đời kia. Xin Ngài đứng lên, thương xót Sion, nay là thời để Ngài quan tâm phù trợ. Các bầy tôi ưa thích tường hoa móng đá, và ngậm ngùi thương đống gạch tro hoang tàn. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh quang xán lạn; Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Ðáp.
3) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 28-30
"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu ở giữa con người, sống kiếp con người - Ðức Giêsu cảm thông tất cả những lao đao, khốn cùng của con người. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài để được an ủi, đỡ nâng. Hãy đến với Chúa, nguồn tình yêu. Tình yêu ban sức mạnh để ách trở nên êm ái, gánh được nhẹ nhàng.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng con đây biết bao những lo toan: lo về vật chất, lo đến tinh thần, lo ngày hôm nay, lo đến ngày mai, lo hết cho mình, lại lo cho người... Tất cả những vất vả đã làm chúng con mệt nhoài, chao đảo. Thế nhưng chúng con không thất vọng, không buông xuôi vì chúng con không cô đơn một mình giải quyết. Chúng con đã có Chúa đồng hành và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con luôn trọn niềm tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Chúa. Có Chúa, gánh nặng cuộc đời sẽ đổi thành vui tươi, nhẹ nhàng. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Suy Niệm:
Hãy Ðến Với Chúa
Những kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái. Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa.
Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài. Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Xin cho chúng ta biết lắng nghe lời mời gọi đến với Chúa, tin tưởng vào Chúa và lấy tình yêu đáp trả tình yêu để "ách Chúa trở nên êm ái và gánh Chúa trở nên nhẹ nhàng" cho chúng ta.

(Veritas Asia)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: Isa 26:7-9, 12, 16-19; Mt 11:28-30

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Con người không thể sống thiếu Thiên Chúa.
Tin tức trên mạng gần đây loan tin anh ca sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc thắt cổ quyên sinh khi mới 33 tuổi. Lý do, anh không thể chịu đựng một lúc hai sức ép của nghề nghiệp và của người cha bệnh nặng; đến nỗi đã phải thốt lên với cha mình: “Con phải là người bệnh, thay vì cha. Con xin lỗi! Con xin lỗi!” Không phải chỉ anh, nhưng biết bao người trong chúng ta có những lúc cảm thấy quá mệt mỏi, và chỉ muốn buông xuôi tất cả, cho cuộc đời cho muốn ra sao thì ra. Lý do là vì mặc dù chúng ta đã chịu khó làm việc hết sức để lo cho gia đình, cho cộng đoàn, cho xã hội; nhưng chúng ta đã không tìm được người thông cảm biết ơn thì chớ, lại còn phải gánh chịu biết bao mắng chửi và hiểu lầm đến từ mọi phía.
May mắn cho chúng ta, Lời Chúa qua các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài trong những lúc mệt mỏi chán chường như thế để được an nghỉ trong Chúa và để được Chúa dạy dỗ. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhắc nhở con cái Israel phải luôn biết sống theo đường lối của Thiên Chúa thì mới tìm được cuộc sống an bình. Sống ngược lại với thánh ý Thiên Chúa chỉ gánh những thất bại chán chường, như người đàn bà đau quằn quại khi sinh con mà chỉ sinh toàn không khí. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai đang gồng gánh nặng nề: Hãy tìm đến với Thiên Chúa. Ngài hứa chắc một điều chúng ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp.

1.1/ Phải sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Thiên Chúa dựng nên con người và Ngài muốn họ sống trong cuộc đời là cho một mục đích. Mỗi người phải cầu nguyện để tìm cho ra và sống làm sao để đạt được mục đích đó. Nếu con người không chịu khó tìm ra hay làm ngược lại những gì Thiên Chúa muốn, họ sẽ phải chuốc lấy đau khổ và bất an. Nhiều người của mọi thời đại đã không thèm biết đến kiến thức căn bản này. Họ từ chối không cần biết đến Thiên Chúa, Đấng dựng nên và điều khiển mọi sự. Họ sống theo những gì họ nghĩ và tận hưởng tối đa những gì thế gian có. Đến khi phải đương đầu với sức ép của cuộc đời như bệnh tật, thất nghiệp, tan vỡ, và cái chết, họ không biết cách nào để đương đầu với và thoát khỏi.
Ngôn sứ Isaiah kêu gọi con cái Israel trở về với kiến thức căn bản này và sống như tổ tiên họ đã dạy: “Đường kẻ lành đi là đường ngay thẳng, lối kẻ hiền theo là lối Chúa san bằng. Vâng, lạy Đức Chúa, trên con đường thánh ý vạch ra, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài.” Làm sao có thể biết được thánh ý Thiên Chúa nếu một người không chịu khó bỏ thời giờ để học hỏi, để suy niệm và cầu nguyện tìm kiếm?” Người khôn ngoan là người biết khao khát Chúa, biết khắc khoải tìm kiếm Chúa, biết tìm ra những thánh chỉ Chúa dạy để thực hiện trong cuộc đời.
Đối với những người biết kính sợ Thiên Chúa, họ tin tưởng Thiên Chúa không chỉ dựng nên, nhưng còn đang quan phòng tất cả cho một mục đích là hướng mọi sự về Ngài. Người thành công là người biết khiêm nhường và vâng lời sống theo đường lối Chúa chỉ dạy. Họ tin những gì ngôn sứ Isaiah dạy: “Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm đều do Ngài thực hiện cho chúng con.”

1.2/ Phải chạy đến với Thiên Chúa khi gặp gian truân.
Gian truân đau khổ xảy đến cho mọi người: người tin cũng như không tin Thiên Chúa. Mục đích là để thử thách niềm tin của con người. Khi phải đối diện với gian truân thử thách, con người phải biết chạy đến và nương nhờ Thiên Chúa; đừng tự giải thoát chính mình.
Ngôn sứ Isaiah dùng một hình ảnh để dẫn chứng hậu quả của những ai chỉ cậy dựa vào chính mình: “Chúng con đã mang thai, đã quằn quại, nhưng chỉ sinh ra gió: chúng con chẳng giải thoát được thế gian, cũng chẳng sinh sản thêm dân cư cho mặt đất.” Những người biết cậy trông vào Thiên Chúa, cho dù họ có phải chết chăng nữa, Thiên Chúa đã chuẩn bị một cuộc sống bất tử cho họ, như lời ngôn sứ Isaiah tiên báo: “Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên.
Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng! Vì lạy Chúa, sương Ngài ban là sương ánh sáng, và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh.”
2/ Phúc Âm: Hãy đến học và nghỉ ngơi trong Chúa.

2.1/ Xét mình trước tôn nhan Thiên Chúa: Mệt mỏi có thể là do lao động (thể xác) hay do sức ép của cuộc sống (tinh thần). Mệt mỏi thể xác có thể được phục hồi bằng việc nghỉ ngơi; mệt mỏi tinh thần phải được chữa trị bằng phương cách tâm linh. Chúa sẽ chỉ cho biết làm sao để tránh những mệt mỏi tinh thần này. Bí tích Thánh Thể là phương thuốc hiệu nghiệm nhất cho các bệnh tinh thần này! Lời Chúa sẽ cung cấp sự bình an và xóa tan đi những lo âu không cần thiết.
Tại sao chúng ta đã cố gắng hết sức mà vẫn không thành công? Có thể chúng ta đã không biết cách làm việc để đạt kết quả tốt đẹp? Có thể chúng ta lo lắng quá độ những gì không cần phải lo quá như vậy? Có thể chúng ta đang làm theo ý, theo cách, và theo đường hướng của chúng ta mà không phải là ý, cách, hay đường hướng của Thiên Chúa?
Có thể đây là lúc Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại để học cách làm việc sao cho thành công hơn! Có thể đây là lúc Chúa muốn chúng ta quẳng đi những mối lo không cần thiết! Hay chú trọng đến những gì là quan trọng thay vì những cái quá nhỏ nhặt thiển cận!

2.2/ Hai điều quan trọng chúng ta cần học hỏi cùng Chúa Giêsu.
(1) Hiền lành: Đây là mối thứ hai trong Bát Phúc. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền tiêu diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và giết chết Ngài; nhưng Ngài đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai hiền lành, nhã nhặn, và tha thứ.
(2) Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội đầu. Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.” Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ không huyênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở mang Nước Chúa và phục vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa và luôn bất an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì họ muốn và khó chịu với mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần biết làm việc cách khôn ngoan theo ý, cách, và đường lối của Chúa.
- Chúng ta cần biết nghỉ ngơi, dưỡng sức, và học cùng Chúa.
- Hai bài học quan trọng nhất trong cuộc đời: hiền lành và khiêm nhường.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Thứ Năm tuần 15 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy mang lấy ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Người giữa cuộc sống khổ ải trần gian.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những lúc con gặp sự chẳng lành, những lo lắng khổ đau. Có lúc người thân nhất cũng không hiểu và thông cảm với con, lòng con chán chường thất vọng. Lúc đó, Chúa nhìn thấy và mời gọi con đến nương tựa vào Chúa. Chúa đến chia sẻ cuộc sống với con, Chúa đem bình an và sự vững tin cho con giữa cảnh đời đen trắng, tối tăm. Con cảm nhận tình yêu thương Chúa muôn đời. Xin đừng để con bao giờ quên chạy đến cậy nhờ lòng yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa, từ lúc mở mắt chào đời cho đến hơi thở cuối cùng, con được nhiều người nâng đỡ ủi an như cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn hữu… Nhưng sự nâng đỡ ấy còn nhiều giới hạn, và thường ngắn ngủi mau qua. Chỉ nơi Chúa con mới tìm được sức nâng đỡ lâu dài và niềm an ủi vô tận, vì tình thương Chúa vô bờ và tồn tại đến muôn đời.
Lạy Chúa, xin dạy con biết chạy đến với Chúa. Con sẽ tìm được bình an khi đến với Chúa nơi tòa Cáo giải. Con sẽ tìm thấy sức mạnh để chịu các thử thách hy sinh nhờ ơn bí tích, nhất là sức sống thần thiêng của Thánh Thể Chúa. Chúa hằng nuôi dưỡng và bổ sức con, nâng con dậy khi con xiêu té. Con nương tựa trọn vẹn vào Chúa.
Xin ban cho con hoa trái của tình yêu là sự dịu hiền, là lòng khiêm cung. Xin dạy con học nơi tình yêu Chúa lòng khiêm nhường và sự dịu ngọt; và xin Chúa giúp con hiến trọn đời mình để mang lấy ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".

19/07/12 THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Mt 11,28-30

MANG LẤY GÁNH CỦA CHÚA

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Suy niệm: Ngồi nghĩ lại cuộc đời, không ít người cảm thấy mình phải mang nhiều gánh nặng. Gánh nặng do tuổi tác, sức khỏe, bệnh tật, công ăn việc làm, áp lực của công việc, bổn phận làm cha làm mẹ, sự bất hòa trong gia đình... Ai trong chúng ta cũng mong được trút bớt hoặc nhẹ đi những gánh nặng này, nhưng tự sức mình, nhiều khi ta không làm nổi. Trong bài Tin Mừng hom nay, Chúa Giêsu mời gọi ta - những người đang phải gồng gánh nặng nề- hãy đến với Ngài, để được Ngài boi dưỡng bằng tình yêu nồng cháy của Trái Tim và bằng Mình Máu Thánh quý giá của Ngài. Gánh nặng vẫn còn đó, nhưng từ nay được mang với tình yêu và nhờ tình mến Chúa và yêu người này, gánh nặng trở nên nhẹ nhàng.

Mời Bạn: Chúa Giêsu sẽ không gánh thay hoặc đổi gánh cho bạn. Ngài ban cho bạn lửa yêu mến Chúa và tha nhân. Nhờ ngọn lửa yêu này, gánh nặng bạn đang vác như được tháp thêm đôi cánh giúp bạn bay bổng. “Nơi nào có tình yêu, sẽ không còn vất vả; hoặc nếu có vất vả, thì sự vất vả ấy cũng được yêu mến” (Th. Augustinô).

Chia sẻ: Kinh nghiệm bạn được ơn hoán cải, rồi chuyên cần cầu nguyện, gánh nặng đời bạn đã được thay đổi.

Sống Lời Chúa: Dâng lên lời cám ơn Chúa vì những ơn lành Chúa làm trong đời ta, gánh nặng của đời ta trở nên nhẹ nhàng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Ngày nào có cái khổ của ngày ấy, nhưng chúng con an tâm vì khi đến với Chúa mỗi ngày trong thánh lễ, Chúa cho chúng con được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong tình yêu Chúa. Chúng con tạ ơn Chúa. Amen.



Hiền hậu và khiêm nhường 
Suy nim:
Sống làm người ở đời ai tránh được gánh nặng.
Chẳng phải chỉ những người bốc vác ở cảng mới mang gánh nặng.
Gánh nặng gắn liền với phận người.
Có gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác.
Có gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng lo âu cho tương lai.
Xem ra mỗi người không vác nổi gánh nặng của mình.
Ai cũng thấy có lúc cần đến người khác.
Đức Giêsu nhìn thấy những ai đang mang gánh nặng vào thời của Ngài.
Đặc biệt những kẻ phải giữ chi li hơn 600 điều luật của phái Pharisêu.
Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc,
thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai người ta” (Mt 23, 4).
Đức Giêsu mời đến với Ngài tất cả những ai đang vất vả,
tất cả những ai chưa là môn đệ của Ngài.
Ngài hứa sẽ cho họ được nghỉ ngơi trong tâm hồn (cc. 28. 29).
Sự nghỉ ngơi ở đây chính là sự bình an sâu xa của người được cứu độ,
được hưởng các mối phúc ngay từ bây giờ,
và bắt đầu được sống trong ngày Sabát vĩnh cửu với Thiên Chúa.
“Hãy đến với tôi; hãy mang ách của tôi; hãy học với tôi.”
Lời mời của Đức Giêsu lôi kéo những ai vất vả đến với Ngài.
Ngài mời họ làm môn đệ và sống theo giáo huấn của Ngài.
Trong Cựu Ước, ách tượng trưng cho Luật Thiên Chúa ban cho Môsê
Đi theo làm học trò Đức Giêsu, không phải là không có ách.
Ách của Đức Giêsu chính là lời giáo huấn của Ngài.
Lời giáo huấn ấy chúng ta đã được nghe trong Bài Giảng trên núi.
“Ách của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng” (c. 30).
Nhiều người không hiểu tại sao Đức Giêsu lại bảo ách mình êm ái,
khi mà Ngài đưa ra những đòi hỏi triệt để hơn,
tận căn hơn những đòi hỏi của Luật được giải thích bởi Môsê.
Thật ra sự êm ái nhẹ nhàng không bắt nguồn từ việc được đòi hỏi ít hơn,
nhưng đến từ tình yêu của tôi đối với Đức Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay có 7 chữ tôi.
Cái tôi hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu thu hút tôi mến Ngài
Chính tình yêu làm cho ách và gánh của Ngài trở nên êm nhẹ.
Người ta thấy nặng nề khi bị áp lực phải giữ các luật lệ bên ngoài,
nhưng lại dễ làm theo sự thúc đẩy của một tình yêu bên trong.
Tự do hơn và vui tươi hơn, đó là điều ta cảm thấy khi sống cho Giêsu.
Làm sao để việc giữ đạo, theo đạo, sống đạo,
không trở thành một gánh nặng đè trên người Kitô hữu?
Làm sao để chúng ta tự do hơn và vui tươi hơn khi đến gặp Giêsu
và tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn mình?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Gánh nặng cuộc đời
Theo các nhà chú giải thì những kẻ mệt mỏi và vất vả mà đoạn Phúc Âm nhắc đến là những kẻ đã được nói đến trước đó như là những con người đơn sơ, khiêm tốn, sẵn sàng để cho Chúa dạy bảo, hướng dẫn. Tâm hồn họ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Giờ đây, Chúa mời gọi họ một cách tha thiết hơn. Hãy đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ, an ủi. Nơi bản văn Kinh Thánh khác, câu quả quyết của Chúa Giêsu: "Ta sẽ nâng đỡ, an ủi" được chuyển dịch là: "Ta sẽ giải phóng họ khỏi gánh nặng". Và gánh nặng nào đây? Thưa, đó là gánh nặng phức tạp mà các nhà thông luật đặt ra đè năng trên vai những con người đơn sơ bé nhỏ, bắt buộc họ phải tuân giữ hết điều này tới điều khác.
Chúa Giêsu đã trách những người biệt phái, thông luật và giả hình như sau: "Họ bó những gánh nặng đặt trên vai dân chúng. Còn họ thì không muốn đụng ngón tay". Tinh thần vụ hình thức, vụ Lề Luật Môsê, đã làm cho những vị lãnh đạo dân Do Thái không còn có một quả tim để thông cảm nữa. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được giải thoát khỏi những gánh nặng của cuộc đời, khỏi những gánh nặng của luật lệ, vụ hình thức.
"Hãy mang lấy ách của Ta, ách êm ái, gánh nhẹ nhàng". Chống lại những người Pharisiêu, Chúa Giêsu đề ra cho những ai chấp nhận Ngài một ách mới, nhưng đây không có nghĩa là không còn luật lệ gì nữa cả. Không phải vậy, giáo huấn của Chúa Giêsu rất đòi hỏi không thua gì những đòi hỏi của luật Môsê. Nhưng kẻ tuân giữ Luật Chúa thì còn được sức mạnh Chúa nâng đỡ an ủi, đó là Thánh Thần sự thật mà Chúa Giêsu hứa sẽ ban cho các đồ đệ, để giúp các ngài tuân giữ Luật Chúa và như vậy khiến Luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người đồ đệ Chúa không lẻ loi, không tự sức mình mà tuân giữ các giới răn, có Chúa Thánh Thần ngự trong họ, giúp họ hướng về Thiên Chúa mà họ gọi là Cha "Abba". Sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, người đồ đệ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ luận của nó sẽ không còn là gánh nặng nữa, nhưng là niềm vui, sự ủi an và cả những thử thách.
Lạy Chúa,
Con hết lòng cảm tạ Chúa, vì tình thương bao la Chúa không ngừng nâng đỡ con. Con cảm tạ Chúa vì đã ban cho con hồng ân của Chúa Thánh Thần, để soi sáng, nâng đỡ con trong những lúc gian nan thử thách. Xin cho con được tin tưởng đến với Chúa, lấy tình yêu đáp lại tình yêu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 Luật đè nặng, luật giải thoát
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt. 11, 28-30)
Ách lề luật
Chúa Giêsu hay ngỏ lời với đám người bình dân, Người thường gặp trên các nẻo đường. Họ là những con người nghèo khổ, bé mọn mà Phúc Âm rất hay nói đến. Cuộc sống của đám người này chẳng có gì là sung sướng. Một trong những lý do thực tế là họ đã phải tuân thủ quá nhiều luật lệ mà giới chức sắc thời đó đã áp đặt lên họ. Và bởi không sao giữ nổi hết những luật lệ tỉ mỉ đó, lên lương tâm họ đâm ra bối rối. Họ đâu có biết rằng trong nhiều trường hợp người ta đã lợi dụng họ.
Thời ấy luật lệ thường quá tỉ mỉ và thường bất công. Những người thấp cổ bé họng cứ phải lầm lũi phục lụy. Còn kẻ có địa vị ăn trên ngồi trước lại khôn khéo tìm kẽ hở để được miễn trừ luật. Gánh nặng quả đã đè năng lên vai những người bé mọn ấy.
Ách tình yêu.
Chúa Giêsu muốn giải thoát họ, người mời gọi họ đổi cái ách ngăn cản họ sống lấy cái ách mới sẽ làm họ sống. Ách đó chỉ gồm có một luật mà thôi: Luật tình yêu.
Nếu Chúa Giêsu bảo người ta phải mang ách là vì điều Người kêu gọi là đòi hỏi cấp bách phải thi hành. Con đường Người đặt cho ta đi quả là gay go, cánh cửa Ngài mở ra cho ai sẽ đi theo Người là cánh cửa hẹp. Thế nhưng Chúa bảo đó là ách êm ái nhẹ nhàng. Tất nhiên là người ta mang ách đó bởi vì tình yêu.
Khi ta cảm thấy ngột ngạt vì phải chu toàn những bổn phận, phải giữ những điều trung tín, phải tôn trọng những lời nói, phải thực hành những điều Phúc Âm truyền buộc thì chỉ có một lý do: Là vì không có tình yêu ở đấy. Khi không có tình yêu, chẳng có gì ý nghĩa. Khi có tình yêu trong công việc, mọi việc đều mang ý nghĩa. Và điều gì có thể coi như nặng nề, bỗng nhiên hóa ra nhẹ nhàng hơn nhiều.
J.Y.G


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
19 THÁNG BẢY

Rồi Tôi Sẽ Đi Về Đâu?
Vấn đề định mệnh con người là một nỗi khắc khoải của mọi con tim. Đây là một vấn đề vừa quan trọng vừa gay go: “Rồi ngày mai tôi sẽ ra sao?” – chúng ta thường băn khoăn tự hỏi như thế. Và chúng ta thường dễ có nguy cơ hài lòng với một câu trả lời không thích đáng, và bị lung lạc bởi một thuyết định mệnh yếm thế nào đó, hoặc bị đánh lận bởi một cảm giác yên ổn giả tạo. “Đồ ngu! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng sống ngươi” (Lc 12,20).
Nhưng cũng chính ở đây, chúng ta nhận ra lòng từ bi và ân sủng khôn cùng của Thiên Chúa Quan Phòng. Vì Đức Giêsu không đưa ra lời cảnh báo đó để tố cáo chúng ta. Trái lại, khi Người đề cập đến sự quan phòng thần linh trong Bài Giảng Trên Núi, Người đã kết thúc với giáo huấn rất sáng tỏ này: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài; và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt 6,33; Lc 12,31).
Chúng ta đã suy tư về mối quan hệ thâm sâu giữa sự quan phòng thần linh và sự tự do của con người. Chính bởi vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã đề cập với con người về Nước Thiên Chúa và sự khẩn thiết phải ưu tiên tìm kiếm Nước ấy trước hết.
Mối liên kết này giữa sự quan phòng của Thiên Chúa và mầu nhiệm về Vương Quốc của Ngài – vốn phải được thực hiện trong thế giới thụ tạo – giúp chúng ta nghĩ đến định mệnh của con người trong Đức Kitô: đó là, con người được tiền định ở trong Đức Kitô. Sự kiện con người và thế giới được tiền định ở trong Đức Kitô càng xác nhận mạnh mẽ hơn nữa giáo thuyết về sự quan phòng thần linh: đó là, sự quan phòng của Thiên Chúa nhằm hướng đến việc bảo đảm ơn cứu độ dứt khoát và chung cuộc cho con người. Chính Đức Giêsu có ý nói đến điều này trong cuộc đàm thoại với Ni-cô-đê-mô: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Is 26, 7-9. 12. 16-19; Mt 11, 28-30
LỜI SUY NIỆM: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28).
        Trong cuộc đời của mỗi một con người có rất nhiều trách nhiệm, và trách nhiệm nào cũng phải được làm tốt và làm tốt hơn, nên đã trở thành một gánh nặng cho con người có ý thức trách nhiệm. Chúa Giêsu đang chứng kiến và Ngài hiểu rõ những gánh nặng mà con người đó đang phải mang trên mình, Ngài yêu thương, Ngài đồng cảm và Ngài muốn cứu giúp. Ngài đã lên tiếng mời gọi chúng ta, muốn chu toàn những trách nhiệm trong cuộc sống nên chạy đến với Ngài, bởi Ngài hiểu rõ và Ngài có quyền năng để nâng đỡ và bổ sức cũng như cho được nghỉ ngơi.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
19 Tháng Bảy
Ðôi Cánh Thiên Thần

Một người Nga, sai khi mãn tù, đã kể lại tâm trạng mình như sau: Dáng vẻ bên ngoài của tôi xấu xí đến độ không có ai muốn gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo, thay vì làm trại chung với các trại viên khác, tôi đã tự giam mình dưới hầm... Tình cờ một tai nạn xảy ra, khiến tôi bị gù lưng.
Một ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: "Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?". Tôi nghĩ rằng cậu bé chế nhạo tôi, dù vậy tôi bình thản trảlời: "Cục bướu đấy cháu ạ".
Tôi chờ đợi cậu bé tiếp tục trò chơi gian ác của nó... Nhưng không, nó nhìn tôi một cách trìu mến và nói: "Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có dấu đôi cánh của Thiên Thần... Rồi một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó". Ý nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.
Biết nhìn xa hơn đằng sau mặt nạ của mỗi người: đó là cái nhìn của thánh nhân. Thánh nhân là người biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh, là người biết nhìn thấy sự may mắn ngay cả trong những mất mát, thua thiệt và nhất là biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến... Nhưng để được cái nhìn ấy, người ta cần có cái nhìn thông suốt và tràn ngập ánh sáng của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 19
 
Chúa Giêsu Thánh Thể: quà tặng của Chúa Cha

Đức Giêsu là quà tặng Chúa Cha ban cho loài người (Ga 3,16). Như vậy khi hoàn thành Ý Cha, Ngài trở nên Đấng trao ban chính mình làm quà tặng. Cùng với Chúa Cha, Ngài là tác nhân của hành động mang tính hiện sinh này: trao ban sự sống mình. Các Mối Phúc cho ta thấy niềm vui của Ngài khi được làm Đấng Cha sai đến. Khi nói "Anh em hãy cầm lấy (mà ăn, mà uống)", Ngài đã thực sự thi hành điều mà các Mối Phúc nói đến. Ngài chính là Quà Tặng.
 
Các môn đệ được mời gọi đến lấy. Họ không tự tiện lấy, họ không ăn cắp ăn trộm gì cả. Đây là một hồng ân do chính Đức Kitô khởi xướng. Bởi thế Ngài đã oai nghiêm tiến lên gặp những người lính đến bắt mình: "Chính là Ta đây" (Ga 18,5). Chính Ngài khởi xướng việc trao ban chính mình làm quà tặng. Khi bảo các mộn đệ hãy cầm lấy, chính Ngài là người chủ động điều khiển. Sở dĩ các môn đệ cầm lấy, chính là vì Đức Giêsu đã bảo họ làm thế. Và cái họ cầm lấy, đó là thân mình Ngài, là chính con người Ngài đang tự trao ban. Họ loan báo việc trao nộp Đức Kitô, nhưng đồng thời, cử chỉ của họ cũng diễn tả điều ngược lại: một món quà yêu thương. Người chủ tiệc trao ban chính mình cho mỗi người. Người điều hành duy nhất ngự vào lòng khách dự tiệc. Ngài thiết lập một cộng đoàn huynh đệ mới, bởi vì Ngài muốn sống trong lòng họ.

Gm Albert Rouet
Thứ Năm 19-7

Tôi Tớ Thiên Chúa
Phanxicô Garcés và Các Bạn

Tượng Francisco Garces tại Garces Memorial Circle, Bakers Field, California, USA.

(k. 1781)
V
ì sự can thiệp của nhà cầm quyền trong các sứ vụ truyền giáo và vấn đề chiếm đất ở Tân Thế Giới đã khiến thổ dân da đỏ nổi dậy và Giáo Hội đã mất đi các nhà truyền giáo hăng say. Là người cùng thời với Chân Phước Junipero Serra và trong thời gian cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, Phanxicô Garcés sinh ở Tây Ban Nha năm 1738, và ngài gia nhập Dòng Phanxicô ở đây. 
Sau khi thụ phong linh mục năm 1763, ngài được sai đến Mễ Tây Cơ. Năm năm sau ngài được bổ nhiệm về San Xavier del Bac gần Tucson, Hoa Kỳ, là một trong các trung tâm truyền giáo do các cha dòng Tên đã thành lập trước đây trong tiểu bang Arizona và New Mexico, mà sau đó, vào năm 1767, các cha dòng Tên đã bị trục xuất ra khỏi phần lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của vua Tây Ban Nha người Công Giáo.
Arizona, Cha Phanxicô làm việc cho các thổ dân da đỏ người Papago, Yuma, Pima và Apache. Công cuộc truyền giáo đã đưa ngài vượt qua rặng Grand Canyon và đến tiểu bang California.
Cha Palou, người cùng thời với Cha Garcés, viết lại rằng Cha Garcés được người thổ dân rất quý mến, và ngài sống với họ trong một thời gian lâu mà không bị nguy hại gì. Họ thường đem thực phẩm cho ngài và mỗi khi gặp ngài, họ thường chào "Vạn Tuế Ðức Giêsu," là câu tung hô mà ngài đã dạy cho họ.
Ðể bảo vệ các thổ dân tân tòng, các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dự định xây cất các trung tâm truyền giáo cách biệt với nơi trú đóng của binh lính và thực dân Tây Ban Nha. Nhưng quan chỉ huy ở Mễ Tây Cơ quyết định rằng hai trung tâm truyền giáo dọc theo sông Colorado, là Trung Tâm San Pedro y San Pablo và Trung Tâm La Purísima Concepcion, phải là nơi chung đụng giữa binh lính và thổ dân.
Một cuộc nổi dậy của người Yumas chống với binh lính Tây Ban Nha đã khiến các tu sĩ Juan Diaz và Matias Moreno từ trần ở Trung Tâm San Pedro y San Pablo. Các cha Phanxicô Garcés và Juan Barreneche bị giết ở Trung Tâm La Purísima Concepcion.

Lời Bàn

Trong thế kỷ 18, các thổ dân vùng Tây Nam Hoa Kỳ coi đạo Công Giáo và quyền lực Tây Ban Nha là một. Khi họ muốn loại bỏ quyền lực thì tôn giáo mới cũng phải ra đi. Chúng ta có dám chấp nhận những biến cải có thể chấp nhận được về đức tin Công Giáo của các dân tộc khác không? Chúng ta có bực mình về những phong tục của người Công Giáo trong các nền văn hóa khác không? Chúng ta có coi gương mẫu đời sống của chúng ta là một đóng góp cho công cuộc truyền giáo không?

Lời Trích

Trong chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với 22 người Uganda tân tòng rằng "trở nên một Kitô Hữu là điều tốt nhưng không luôn luôn dễ dàng."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét