THỨ NĂM
TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN năm II
(Thánh
Tê-rê-xa Bê-nê-đic-ta Thánh Giá, nữ tu, tử đạo)
BÀI ĐỌC I: Gr 31, 31-34
"Ta
sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: "Đây tới ngày Ta ký kết giao ước
mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký
kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao
ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng". Chúa phán:
"Đây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt
lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là
Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta". Chúa phán: "Người này sẽ
không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: 'Ngươi hãy nhìn
biết Chúa', vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác
của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng".
Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19
Đáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch
(c. 12a).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong
sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi
thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Đáp.
2) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với
tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa,
và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. - Đáp.
3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ; nếu con dâng
lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan
nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi
lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 16, 13-23
"Con
là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa
Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?"
Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác
lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông:
"Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng:
"Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời
rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay
máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo
cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa
ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con
cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên
trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai
rằng Người là Đức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ
thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật
sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại
mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy
chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi
Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu
biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài
người".
Đó là lời
Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Năm Tuần 18 TN2
Bài
đọc: Jer 31:31-34; Mt 16:13-23
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Giao ước giữa Thiên
Chúa và con người
Giao ước được thiết
lập là do sự thỏa thuận của hai bên về một số những điều phải giữ: ví dụ: giao
ước hôn nhân, khấn dòng. Nếu một bên vi phạm, giao ước sẽ không còn hiệu lực.
Các bài đọc hôm nay đề cập đến những giao ước Thiên Chúa đã thực hiện với con
người.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự khác biệt
giữa hai giao ước: cũ và mới.
1.1/ Giao ước cũ: Giao ước này được
thiết lập trên núi Sinai, khi Chúa đưa Israel ra khỏi Ai Cập và dẫn họ vào
Đất Hứa. Chúa hứa nếu họ trung thành với Chúa và giữ Luật Chúa truyền, họ sẽ là
dân riêng Chúa, và Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi mọi quân lân bang xâm lấn.
Nhưng Israel đã hủy
bỏ giao ước này như tiên tri Jeremiah tuyên sấm hôm nay: “Chính chúng đã huỷ bỏ
giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng.” Họ đã không trung thành với
Chúa khi chạy theo các thần ngọai bang để thờ phượng chúng. Họ đã không tuân
giữ các điều răn Chúa truyền bằng lối sống bất công và vô luân.
1.2/ Giao ước mới: Thay vì chia tay để
con người chết trong tội, Thiên Chúa chọn để thiết lập một giao ước mới khi
tuyên sấm hôm nay: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa
một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta
cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập.”
Đây là nội dung của
giao ước mới: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật
của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ
không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết
Đức Chúa," vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta
sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn
tại mãi.”
2/ Phúc Âm: Giao ước mới
giữa Chúa Giêsu và Hội thánh qua trung gian của Phêrô.
2.1/ Người ta bảo Thầy là
ai?
Bối cảnh lịch sử và
địa dư của Caesar Philippi: Có hai nơi gọi là Caesar trên Đất Thánh: một gọi là
Caesar Maritime, nằm gần bờ biển Mediteranean, và một gọi là Caesar Philippi vì
nó nằm trong vùng thuộc tiểu vương Philip, một trong ba người con của Vua
Herode. Nơi này cách Biển Hồ Galilee khỏang 25 miles về phía Đông Bắc, giáp
biên giới với Syria, và được gọi là Banias ngày nay. Đây là vùng rất khác biệt
với tất cả các nơi khác trong Đất Thánh: Điểm khác biệt đầu tiên là nước ở khắp
mọi nơi, vì nó nằm dưới chân rặng núi Hermon, và khi tuyết chảy đều tập trung
về đây lập thành đầu nguồn của sông Jordan
trước khi chảy vào Biển Hồ Galilee .
Nơi đây là trung tâm
của nhiều tôn giáo vì tính rất linh thiêng của nó: Thánh Vịnh 42:6 và 133:3
nhắc nhở cho mọi người Do-thái phải nhớ đến Chúa khi đến đây, vì sông Jordan là
huyết mạch không thể thiếu trong đời sông của người dân. Nó là phúc lành và sức
sống Chúa ban cho dân. Nơi đây cũng có khỏang 14 đền thờ của người Syria vì họ đã
từng cư ngụ nơi này. Lại là nơi thờ thần Pan, thần thiên nhiên của người Hy-lạp
khi họ đô hộ nơi này. Nơi thờ thần Pan là một cái động khổng lồ: đỉnh là một
ngọn núi, chân là một vực thẳm rất sâu chứa đầy nước. Nơi đây, Philip cũng cho
xây một đền thờ khổng lồ bằng đá cẩm thạch trắng trên núi để thờ hòang đế
Caesar.
Đứng trước một trung
tâm huyền bí và qui tụ rất nhiều các thần như nơi này, con người không khỏi lẫn
lộn khi đặt cho mình một câu hỏi: Đâu là sự thật? Thần nào là thần phải thờ?
Chúa Giêsu có ý định đặt câu hỏi để bắt các môn đệ phải tìm ra câu trả lời. Hơn
nữa, hai sứ vụ chính của Ngài khi xuống thế là (1) mặc khải cho con người biết
tất cả những gì Thiên Chúa muốn, và (2) huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sứ vụ
của Ngài trên trần gian. Đây là giờ phút quan trọng vì Ngài sắp sửa lên
Jerusalem để chịu chết và hoàn thành sứ vụ của Ngài trên trần gian, nên Ngài
cần phải biết chắc chắn những môn đệ của Ngài có hiểu sứ vụ của Ngài, nhất là
biết rõ Ngài là ai trước khi có thể tiếp tục sứ vụ khi Ngài đã về trời.
Vì thế, Ngài bắt đầu
bằng câu hỏi: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ
thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có người lại cho là ông
Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ." Tiểu vương Herode Antipas đã gọi
Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết (Mt 14:2). Khi gọi Chúa là
Eliiah, họ đã nhận ra phần nào sự quan trọng và uy quyền của Chúa vì người Do
Thái tin tiên tri Eliiah chưa chết và sẽ trở lại trước thời Đấng Messiah sẽ tới
(Mal 4:5). Họ vẫn để một ghế trống trong hội đường cho tiên tri khi họ cử hành
Lễ Vượt Qua. Cũng vậy, khi gọi Chúa là Jeremiah vì họ cũng tin ông sẽ tới trước
thời Đấng Messiah. Truyền thống tin là Jeremiah đã vào Đền thờ Jerusalem trước
khi đi lưu đày bên Babylon để lấy Hòm Bia và hương án đem giấu trên núi Nebo và
sẽ trở lại để “đúc lại” hai thứ này để Thiên Chúa tiếp tục hiện diện với Dân
Người (2 Mac 2:1-12). Như thế, khi gọi Chúa Giêsu là Elijah hay Jeremiah, họ
không tin Chúa Giêsu là Đấng Messiah, mà chỉ là tiên tri đến dọn đường trước
khi Đấng Messiah đến. Nếu các môn đệ cũng tin như thế thì Chúa Giêsu sẽ thất
bại!
2.2/ Các con bảo Thầy là
ai? Vì
vậy, giờ phút quyết liệt đã tới, Chúa Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em
bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên
Chúa hằng sống." Chúa Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông
Jonas, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều
ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Đấng Kitô, Christ
(tiếng Hy-lạp) chính là Đấng Messiah (tiếng Do-thái), có nghĩa là Đấng được xức
dầu để làm vua mà toàn dân Do-thái đang mong đợi. Đây là câu trả lời Chúa Giêsu
mong muốn, nhưng Chúa muốn cho Phêrô biết lý do tại sao ông biết điều mà người
khác không biết: vì ông đã được mặc khải bởi Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Lý
do này cũng được tuyên bố bởi Phaolô: Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là
Chúa mà không do Thánh Thần (I Cor 12:3).
Vì Phêrô đã đại diện
các tông đồ để tuyên xưng con người đích thực của Chúa Giêsu, nên Ngài có thể
an tâm sẽ có người kế vị để tiếp tục công việc Ngài đã khởi sự. Và Chúa Giêsu
thiết lập giao ước mới với Phêrô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là
Phêrô, nghĩa là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực
tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất,
anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo
cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Rồi Người cấm ngặt các môn
đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.
Từ lúc đó, Chúa Giêsu
Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Jerusalem, phải chịu nhiều
đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và
ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách
Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Điều
trên xảy ra cho Phêrô, chúng ta có thể hiệu được theo tính loài người: vì tuy
Phêrô đã biết căn tính của Chúa là Đấng Thiên Sai phải đến, nhưng cũng như bao
người Do-thái đương thời, ông nghĩ Chúa sẽ dùng uy quyền Thiên Chúa để thống
trị các dân tộc. Vì thế, một Thiên Chúa phải cứu độ qua con đường đau khổ của
Thập Giá là chuyện ông không thể tưởng tượng có thể xảy ra.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
- Trung thành với giao
ước là điều kiện tiên quyết để được Thiên Chúa bảo vệ.
- Người khác có thể
dạy cho chúng ta biết về Chúa, nhưng để nhận ra Chúa Giêsu là ai và tin vào
Ngài đòi hỏi mối liên hệ của chúng ta với Chúa và phải được trợ giúp của Chúa
Cha hay Thánh Thần.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
Thứ Năm tuần 18 thường niên
Sứ điệp: Cuộc đời người Kitô hữu
là đi tìm cho bằng được câu trả lời Chúa Giêsu là ai. Cũng như Thánh Phêrô đã
thay mặt Hội thánh trả lời chính xác và đầy đủ, mỗi người cũng cần tìm ra câu
trả lời của chính mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay
con dừng lại cùng với các môn đệ để lắng nghe Chúa hỏi: “Người ta bảo Thầy là
ai”. Và Chúa hỏi thêm: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.
Lạy Chúa, con dễ dàng nói lên câu trả lời của
người khác về Chúa, còn câu trả lời của con thì không nói được. Cũng như các
môn đệ, khi Chúa hỏi người ta nói Thầy là ai, thì các ông cùng trả lời; nhưng
đến lúc Chúa hỏi chính các ông, thì chỉ có một mình Thánh Phêrô trả lời mà
thôi.
Đã bao nhiêu năm con đi theo Chúa, bao nhiêu năm
con sống với Chúa, nhưng con vẫn chưa hiểu Chúa là bao. Con vẫn cảm thấy bối
rối khi nghe câu hỏi của Chúa. Con nghe thánh Phêrô tuyên xưng Chúa là Đức Kitô
Con Thiên Chúa Hằng Sống; con biết rằng Chúa là tình yêu. Con thuộc lòng các
câu giáo lý. Nhưng con chưa thực sự cảm nhận được tình yêu Chúa trong đời mình.
Con chưa nhận ra được sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc sống con hôm
nay. Con chưa tự mình nói lên được một lời tuyên xưng đức tin phát xuất từ đáy lòng.
Xin cho con biết dừng lại hồi tâm suy niệm, để
nhận được tình yêu Chúa và sự hiện diện của Chúa trong đời con. Xin đừng để con
chỉ hiểu biết Chúa theo sách vở mà không một lần sống với Chúa trong đời. Lạy
Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa của con, là gia nghiệp của con, xin cho con bước
theo Chúa đến tận cùng. Amen.
Ghi nhớ : "Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá
nước trời".
www.phatdiem.org
09/08/12
THỨ NĂM TUẦN 18 TN
Th. Têrêxa Bênêđicta Thánh giá
Mt 16,13-23
Th. Têrêxa Bênêđicta Thánh giá
Mt 16,13-23
CÂU
HỎI LUÔN MỚI
Đức Giêsu hỏi: “Người ta nói Con người là ai?”… “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,13.15)
Suy niệm: “Con Người là ai?” –Một câu hỏi liên quan trực tiếp đến ơn cứu độ. Nếu không biết Đức Giêsu là ai, thì không thể đi theo Ngài, không thể tin vào Ngài và không thể lãnh ơn cứu độ từ Ngài. Người ta có những cái nhìn khác nhau về Đức Giêsu: là Gioan Tẩy Giả; là Êlia; là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ… Người ta có thể hiểu lệch lạc, nhưng người môn đệ thì không thể, vì họ là những chứng nhân về Đức Giêsu. Ngay cả thánh Phêrô, người đã đưa ra câu trả lời chính xác về câu hỏi “Thầy là ai?” (c.16) nhưng rồi cũng không thể hiểu hết ý nghĩa danh xưng ấy là gì. Biết Thầy là ai, không phải để can thiệp cho Thầy (c.22); mà là để bước theo Thầy (c.23).
Mời Bạn: Dù cho người ta nói Đức Giêsu là ai, mỗi người chúng ta cần phải tự mình khám phá một câu trả lời trọn vẹn cho chính mình. Câu trả lời trọn vẹn về Đức Giêsu chỉ đến từ Thiên Chúa và Kinh Thánh là nguồn mạc khải chính xác về Ngài. Nói như thánh Giêrônimô: “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Và hơn nữa, “biết Đức Kitô” không chỉ về mặt tri thức mà là biết với tất cả tâm tình yêu mến và bằng cả cuộc sống nữa.
Chia sẻ: Có sự khác biệt giữa kiến thức và niềm tin vào Đức Kitô không?
Sống Lời Chúa: Trung thành trong việc dành năm phút mỗi ngày cho Lời Chúa để thấm nhuần sâu xa Đức Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô, khi hỏi rằng “Thầy là ai?” Chúa không muốn một câu trả lời suông, mà Chúa muốn người môn đệ xác định một con đường để đi theo. Xin cho con biết Chúa, và xin chỉ cho con biết phải làm gì.
Anh là tảng đá
Cám dỗ
tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo là cám dỗ muôn
thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua, cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo
hội mọi thời.
Suy niệm:
Chúng ta đã quen cầu nguyện cho Đức giáo hoàng
với bài hát:
“Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo
hội…”
Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ (Ga
1, 42),
Đức Giêsu đã đặt cho anh Simon một tên mới:
Kêpha, nghĩa là Đá.
Trong bài Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu
nói với Simon:
“Anh là Petros (Phêrô), và trên petra (đá) này, Thầy sẽ
xây Giáo Hội Thầy.”
Rất có thể Ngài đã nói với Simon bằng tiếng Do
Thái thời của Ngài như sau:
“Anh là Kêpha, và trên kêpha này Thầy sẽ xây
Giáo Hội của Thầy.”
Người Do Thái hầu như không có thói quen đặt
tên con là Đá, Kêpha.
Khi đặt cho Simon cái tên lạ, Đức Giêsu đã muốn
trao sứ mạng cho anh.
Anh sẽ là nền cho ngôi nhà mới của Thầy, do tay
Thầy xây dựng (c. 18).
Ngôi nhà ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn
giao ước mới do Thầy lập nên.
Chúng ta rất ngạc nhiên vì Đức Giêsu muốn đặt
nền trên Kêpha (Phêrô),
một con người bình thường, một ngư phủ ít học.
Làm sao Giáo hội có thể xây nền trên một con
người yếu đuối như thế?
Kêpha vững như bàn thạch không nhờ sức riêng,
nhưng nhờ ơn Chúa.
Quyền lực của Tử thần, của Ác thần không thắng
được cộng đoàn này.
Bất chấp những tấn công trong ngoài từ hai mươi
thế kỷ qua,
Giáo hội vẫn đứng vững trên nền đá Phêrô, anh
ngư phủ vùng Galilê,
đơn giản vì Chúa phục sinh vẫn luôn ở với Giáo
hội (Mt 28, 20),
và vẫn tiếp tục xây dựng Giáo hội của Ngài
trong sự thăng trầm của lịch sử.
Nhưng Phêrô cũng có những yếu đuối của mình.
Khi Thầy Giêsu loan báo về con đường khổ nạn và
cái chết sắp đến,
Phêrô không thể chấp nhận được con đường hẹp
này.
Dù đã được Cha mặc khải để biết Thầy là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa,
nhưng Phêrô lại chưa thể hình dung được một
đấng Kitô thất bại ê chề.
“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải
chuyện ấy” (c. 22).
Nếu Thầy là Con Thiên Chúa, thì Cha chẳng để
Thầy phải chịu như vậy.
Trong phút chốc, từ Đá Tảng vững chắc (kêpha, petra )
Phêrô trở thành viên đá làm cho Thầy vấp phạm
(scandalon),
trở thành cơn cám dỗ lớn cho Thầy đến từ Satan
(c. 23).
Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ đối với anh môn
đệ mà Ngài tin tưởng.
“Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói giống như lần bị
cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10).
Ngài muốn Phêrô trở lại vị trí đi sau của người
môn đệ.
Cần có thời gian Phêrô mới hiểu được con đường
Thầy đã đi.
và tự nguyện đón lấy cái chết thập giá mà chính
Thầy đã chịu.
Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục
nhã, thất bại, khó nghèo
là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô
đã trải qua,
cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.
Làm thế nào để chúng ta nghĩ như Thiên Chúa,
chứ không như thế gian,
chọn sự ngu dại của Thập Giá hơn là sự khôn
ngoan người đời (x. 1 Cr 1, 25)?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp
hoàn cầu,
Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình
yêu.
Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần
chủ chăn,
những đồng lúa chín vàng chờ người gặt.
Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng
giáo dân,
những chủng viện và tập viện phải đóng cửa
vì thiếu ơn gọi.
Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở
nhiều nơi,
và bao
người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn
nhiều,
nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên
ngoài và bên trong.
Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân
nhờ Thánh Thần,
để có thể đồng hành và đối thoại với con
người hôm nay.
Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như
Cha trên trời.
để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm
cớ cho nhiều người bỏ Chúa.
Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con
những vị thánh mới,
tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa,
để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội
Thánh đáng tin hơn,
và chinh phục được những tâm hồn chưa biết
Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Con
là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".
Vác thập
giá theo Chúa Giêsu
Có
lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu
thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho
con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội
nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ;
những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.
Chúa
Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng
hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời
mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy
sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh
tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con
người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó
được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.
Chúng
ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người
chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức
sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như
thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô
sống trong tôi". Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất
công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc
Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã
nói: "Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của
Chúa Kitô".
Thập
giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác
Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị
tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp
tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó
thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.
Xin
cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử
thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an vui.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Trưởng thành trong đức tin
Chúng
ta hãy chú ý đến thái độ sống của hai nhân vật nổi bật trong đoạn Phúc Âm hôm
nay là Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô. Trước khi mạc khải rõ ràng hơn về vận mệnh
phải chịu đau khổ của mình, Chúa Giêsu khơi dậy lòng tin của các môn đệ đã từng
sống với Ngài, nghe lời Ngài giảng dạy, thấy những việc lạ Ngài làm qua câu
hỏi: "Dân chúng nghĩ Con Người là ai? Và các con, thì các con nghĩ như thế
nào?". Sau lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Chúa Kitô, Con Thiên
Chúa hằng sống", Chúa Giêsu nói về quyền đứng đầu của Phêrô, về sự đau khổ
Chúa sẽ phải chịu tại Giêrusalem để các môn đệ đừng có những hy vọng không đâu.
Sai lầm! Cần khám phá ra thực thể của Chúa để theo Chúa cách trọn vẹn. Mạc khải
của Chúa không hòa hợp được với quan niệm còn trần tục, chưa được thanh tẩy của
Phêrô. Vì thế, ông đã căn ngăn Chúa: "Thưa Thầy, làm sao như vậy được. Xin
cho chuyện khổ này đừng xảy ra cho Thầy". Và Phêrô đã bị khiển trách: "Satan,
hãy lui ra khỏi mắt Ta". Trước đó không lâu, Phêrô được khen, nhưng liền
sau đó là bị khiển trách vì ông chưa được thanh luyện. Dĩ nhiên, vào thời điểm
này, tông đồ Phêrô và những tông đồ khác còn cần ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để
tin trọn vẹn vào một Vị Thiên Chúa chấp nhận khổ đau, chịu chết cách nhục nhã
rồi sẽ sống lại. Phêrô và các môn đệ còn cần ơn Chúa Thánh Thần để được ơn Chúa
dẫn đến sự thật trọn vẹn và làm chứng cho Chúa.
Lạy
Chúa,
Xin
thương giúp con được trưởng thành trong đức tin. Xin cho con được biết đúng và
chấp nhận Chúa cách trọn vẹn. Xin cho con được theo Chúa đến cùng.
Phêrô của Đức Giêsu
Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông
Simon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói
với ông: “Này anh Simon con ông Gio-na, anh thật là người có phúc, vì không
phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời,
còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá
này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, thì trên
trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì thì trên trời cũng
tháo cởi như vậy.”(Mt. 16, 15-19)
Sự
tuyên xưng đức tin của Phê-rô, Đức Giêsu chọn Phê-rô đứng đầu Giáo Hội Người,
sự trao đổi giữa Phê-rô và Đức Giêsu, điều đó rất rõ, người ta viết nhiều về
điều đó! điều đáng chú ý nữa là bạn thâm sâu và trưởng thành cũng như lòng tin
cậy giữa Phê-rô và Đức Kitô luôn bền vững.
Phê-rô.
Phê-rô
được Đức Giêsu chọn đứng đầu. Người ta thấy luôn luôn gần gũi Đức Giêsu như một
nhân vật giữ gìn chìa khóa. Đức Giêsu luôn quan tâm đến giây phút cuối cùng,
Phê-rô có nhiều lầm lỗi, tuyên bố quá đáng, phản kháng mạnh mẽ, những vui vẻ
chất phát hào phóng và có thiện cảm kỳ lạ. Ông yêu mến Đức Giêsu! Cảm phục
Người không chút dè dặt. Đức Giêsu yêu mến ông vì sức mạnh mẽ tự nhiên này,
Người hoàn toàn tín nhiệm ông. Chính ông là nền tảng Đức Giêsu xây đá Hội
Thánh, chính ông được Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời, khi Đức Kitô nói với
các môn đệ, Phê-rô đã tự mình làm xướng ngôn viên, ông đã phát biểu: “Thầy là
Con Thiên Chúa Hằng Sống” chính ông hiểu ra ông sẽ là người đầu tiên bước theo
gót của Thầy.
Không có những ủy mị hào phóng.
Thật
ngồ ngộ, vui vui, và thật cảm động! khi Đức Kitô loan báo về việc khổ nạn và
cái chết của Người, Phê-rô phản đối Người! Chớ dại, sao lại đi nộp mình vào tay
quân thù!
Đức
Giêsu và Phê-rô được các môn đệ và đám đông vây quanh. Hai người không bước đồng
hành với nhau, nhưng tháp tùng nhau, hai người sát cánh nhau đến cùng!
Đức
Giêsu đến lượt Người phải quay lại khiển trách Phê-rô. Người quở mắng thẳng
thừng bạn đồng hành thứ nhất của mình, bạn tri ân, bạn đáng tin cậy nhất của
mình.
Một
tình bạn không chịu cho người khác hòa giải, cũng không ủy mị hào nhoáng. Nếu
người ta muốn biết quy tắc của tình bạn, chúng ta chỉ mở Tin Mừng ra và đồng
hành với Đức Giêsu và Thánh Phê-rô đã sống làm bạn với nhau là quá đủ.
J.M
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 8
9 THÁNG TÁM
Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa Trong Ánh Sáng Của Mạc Khải
Chân lý về sự quan phòng
của Thiên Chúa, vốn nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm sáng tạo, phải được hiểu
trong bối cảnh của toàn bộ mạc khải, toàn bộ những tín điều mà chúng ta tuyên
xưng trong tư cách là Kitôhữu. Bằng cách này, chúng ta nhận ra một mối liên kết
hữu cơ giữa sự quan phòng và mạc khải. Trong chân lý về sự quan phòng có chứa
đựng mạc khải về sự tiền định đối với con người và thế giới trong Đức Kitô.
Trong đó cũng có mạc khải về toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi và sự hoàn thành của
nhiệm cục ấy xuyên qua lịch sử.
Chân lý về sự quan phòng
của Thiên Chúa cũng gắn kết chặt chẽ với chân lý về Vương Quốc của Thiên Chúa.
Đó là lý do tại sao những lời giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng có một
tầm quan trọng nền tảng cho đời sống chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi sự khác cũng sẽ được ban cho anh
em” (Mt 6,33; Lc 12,13).
Vâng, chân lý về sự quan
phòng của Thiên Chúa được mạc khải trong sự cai quản của Thiên Chúa trên toàn
thể thế giới thụ tạo. Chân lý ấy trở thành hoàn toàn có thể nhận hiểu được đối
với con người xuyên qua chân lý về Nước Thiên Chúa. Xuyên qua Nước ấy – ngay cả
trong thế giới thụ tạo của chúng ta – Thiên Chúa thiết lập vĩnh viễn “sự tiền
định trong Đức Kitô”, Đấng là “Trưởng Tử của mọi loài thọ sinh” (Cl 1,15).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09-8
THÁNH TÊRÊSA BÊNÊĐITA
Thánh giá, nữ tu, tử đạo; Gr 31, 31-34; Mt 16, 13-23.
LỜI
SUY NIỆM: Sau khi Chúa
Giêsu tỏ cho các môn đệ của Ngài biết về sự thương khó của Ngài và sẽ bị
giết chết. Phêrô đã trách Ngài. Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan,
lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư
tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16,23)
Chứa Giêsu biết rõ Phêrô là con người bộc trực, và yêu mến Ngài, nhưng tư tưởng
của Phêrô là của con người, luôn muốn được bình an. Trong khi đó Chúa Giêsu đến
để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu có nặng lời với
Phêrô, bởi câu nói của Phêrô có liên quan đến cơn cám dỗ của Ngài trong hoang
địa và Ngài dã dứt khoát với cám dỗ này. Nhưng đối với Phêrô Chúa bảo: “lui lại
đằng sau Thầy” Chúa vẫn yêu thương Phêrô, vẫn chấp nhận Phêrô là môn đệ của
Ngài, được đi theo sau Ngài. Trong đời sống của chúng ta dù với bất cứ hoàn
cảnh nào; hãy cầu xin được đi theo Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
09 Tháng Tám
Xin Hãy Dùng Con Như Khí
Cụ Bình An!
Ngày 09/8 hàng năm, hàng
ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại Nagasaki để
tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.
Ðúng 11 giờ 03 phút, giờ
định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh lặng,
trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang để
tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.
Ngày 09/8/1945, quả bom
nguyên tử đầy tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu hủy gần như trọn
vẹn thành phố Nagasaki .
Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng được trút xuống trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng
lên đến gần 140,000 người. Và gần đây, hơn hai người còn sống sót từ dạo đó
cũng vừa qua đời vì ảnh hưởng của phóng xạ.
Lên tiếng trong một tuần
lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki
đã phát biểu như sau: "Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công
dân của thành phố Nagasaki
đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại. Do đó,
chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt nhân". Bài diễn văn
trên đây của ông thị trưởng Nagasaki
đã được sao gửi đến các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Cũng trong bài diễn văn
này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ hãy ngồi vào bàn hội
nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hòa bình giữa
Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân...
Ðoạn trường ai có qua cầu
mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách riêng những
người Nagasaki và Hiroshima , con người mới thấy được thế nào là
sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.
Lời kêu gọi trên đây của
ông thị trưởng thành phố Nagasaki
có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc
Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu gọi đó cũng phải được truyền đến tận tai của từng
người. Bởi vì hòa bình không phải chỉ là vấn đề của một số người, hoặc của một
số quốc gia. Hòa bình là vấn đề của từng người. Nó là cố gắng xây dựng của từng
ngày và của từng người.
Nhưng hòa bình không chỉ
là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên Chúa mới
có thể trao tặng cho con người... Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho
hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên được chiều
kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn con người.
Con người cần phải cầu
nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con
người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có hủy bỏ mọi
vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ
khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 09
Thánh Têrêxa
Benêdita
Thánh giá, nữ tu,
tử đạo
Cuộc chiến nội tâm của Thánh Têrêxa Thánh Giá
Cuộc chiến nội tâm của Thánh Têrêxa Thánh Giá
Cung thánh
lòng Ngài thật mênh mông: Ngài ước mong ở khắp mọi nơi, cứu giúp mọi nỗi khốn
cùng, lau khô mọi giọt lệ. Ngài không thể làm thế. Trong đan viện Cát Minh ở
Echt, nơi các nữ tu thuộc Nhà Mẹ Cologne gửi Ngài tới ở ẩn, Ngài nghe thấy
trong kinh nguyện vô số lời rên rỉ của một thế giới đang khổ đau vì chiến tranh
và ô nhục.
Làm được
gì đây? Đó là cuộc chiến nội tâm của Ngài. Ngài không nghĩ tới chuyện rời bỏ
Dòng Cát Minh, nơi mà Chúa đã gọi Ngài. Ngài ray rứt, xúc động, choáng váng bởi
nỗi đau của tha nhân, nhưng đồng thời cũng bởi lòng cảm thương vô bờ của Thiên
Chúa trong tim mình đối với con cái Người đang bị dìm sâu trong khốn quẫn. Chính
Thánh Giá là thước đo cho tất cả mọi sự. '"Con muốn giúp họ ư? Hãy nhìn
xem Đấng Chịu Đóng Đinh." "Máu Người là máu của con." Hiệp thông
với Đức Kitô, đó là mở lòng ra với toàn thế giới: "Nhờ quyền năng của
Thánh Giá, con sẽ có thể hiện diện trên mọi mặt trận, bất cứ nơi đâu vang lên
lời rên rỉ."
Không có
con đường nào khác cho chúng ta. Cho dù đó là niềm khát khao cứu rỗi toàn thể
trái đất, hay đó là nơi rnà ta được lên đường đi xa ... chúng ta phải lắng
nghe: "Hãy nhìn xem Đấng Chịu Đóng Đinh."
Paul-Dominique
Marcovits
Thứ Năm 9-8
Thánh Edith Stein
(1891-1942)
|
dith Stein, một nữ tu Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm
và một văn sĩ sáng giá, không những ngài có ảnh hưởng lớn ở thời ấy mà ngày
nay, ảnh hưởng ấy đang lan tràn trong giới triết gia và trí thức ở Ðức cũng như
trên toàn thế giới. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là
di sản, và cuộc đời ngài được dâng hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc
Do Thái.
Sinh ngày 12 tháng Mười 1891 trong một gia đình Do Thái ở Breslau,
nước Ðức, ngay từ nhỏ Edith Stein đã chứng tỏ năng lực học hỏi lạ thường, và
vào lúc bắt đầu Thế Chiến I, ngài đã học xong triết và ngữ văn tại đại học
Breslau và Goettingen.
Sau cuộc chiến, ngài tiếp tục cao học tại Ðại Học Freiburg và lấy
bằng tiến sĩ ưu hạng về triết. Sau đó ngài là giáo sư phụ tá và là cộng tác
viên của Giáo Sư Husserl, cha đẻ của hiện tượng học và cũng là người có ảnh
hưởng lớn đến tư duy của thánh nữ.
Trong tất cả các ngành học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm
chân lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo
sau khi đọc tự truyện của Thánh Têrêsa Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày
đầu năm 1922.
Sau khi trở lại đạo, Edith dùng toàn thời giờ để dạy học, diễn
thuyết, viết lách và dịch sách, và không bao lâu ngài trở nên một triết gia và
tác giả nổi tiếng, nhưng điều ngài khao khát là cuộc sống cô độc và tịnh niệm
của dòng Camêlô, là nơi ngài tận hiến cho Thiên Chúa và người dân của ngài.
Trước khi Ðức Quốc Xã bách hại người Do Thái khiến ngài phải ngưng mọi hoạt
động thì cha linh hướng đã đồng ý để ngài gia nhập dòng Camêlô Hèn Mọn ở
Cologne-Lindenthal vào tháng Mười năm 1933. Vào tháng Tư năm kế tiếp, ngài được
mặc áo dòng và lấy tên là "Têrêsa Bênêđícta của Thánh Giá."
Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1935, ngài khấn trọn.
Khi sự bách hại người Do Thái gia tăng mãnh liệt và điên cuồng, Sơ
Têrêsa Bênêđícta nhận thấy sự nguy hiểm khi có mặt tại nhà dòng Camêlô ở
Cologne, và ngài đã xin phép bề trên để di chuyển đến một tu viện ở ngoại quốc.
Vào đêm 31 tháng Mười Hai 1938, ngài bí mật vượt biên giới đến Hòa Lan là nơi
ngài được tiếp đón một cách nồng nhiệt vào dòng Camêlô ở Echt. Ở đây ngài sáng
tác văn bản sau cùng là Thánh Giá Học.
Chính Thánh Giá của ngài thì ngay ở trước mặt, vì lúc ấy Ðức Quốc
Xã đã xâm lăng Hòa Lan, và khi các giám mục Hòa Lan công bố lá thư mục vụ phản
đối việc trục xuất người Do Thái và đuổi các học sinh Do Thái ra khỏi trường
Công Giáo, thì Ðức Quốc Xã ra lệnh bắt giữ mọi người Công Giáo thuộc gốc Do
Thái ở Hòa Lan. Sơ Têrêsa Bênêđícta bị bắt vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được
chở đến trại tử thần Auschwitz . Ngài chết
trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz ngày 9 tháng
Tám 1942.
Vào ngày 1 tháng Năm 1987, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong
chân phước cho Sơ Têrêsa Bênêđícta, và sau cùng sơ được phong thánh ngày 11
tháng Mười 1998.
Phù điêu tưởng niệm Thánh Edith Stein ở Praha, Tiệp. |
Lời Bàn
Các sáng tác của Sơ Têrêsa Bênêđícta có đến 17 tập, phần lớn đã
được dịch sang Anh ngữ. Là một phụ nữ chính trực, ngài theo đuổi chân lý mà bất
cứ đâu chân lý đưa đẩy đến. Sơ Josephine Koeppel, O.C.D., người đã dịch vài
cuốn sách của Sơ Têrêsa Bênêđícta, nhận xét tổng quát về vị thánh này như sau,
ngài "học biết cách sống trong bàn tay Thiên Chúa."
Lời trích
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
nói: "Vì Edith Stein là người Do Thái nên cùng với người chị là Rosa và
những người Công Giáo cũng như Do Thái khác bị đưa từ Hòa Lan đến trại tập
trung Auschwitz, là nơi ngài chết vì hơi ngạt. Ngày nay, chúng ta tưởng nhớ
ngài với lòng tôn trọng sâu xa. Một vài ngày trước khi bị trục xuất, người phụ
nữ đạo đức này đã gạt bỏ vấn đề được cứu nguy: 'Ðừng làm như vậy! Tại sao tôi
phải được miễn trừ? Không đúng sao khi tôi chẳng được ích gì từ bí tích Rửa
Tội? Nếu tôi không thể chia sẻ số phận với anh chị em của tôi, đời sống của tôi
chắc chắn bị tiêu diệt'."
Với những người trẻ có mặt trong buổi lễ, đức giáo hoàng nói:
"Cuộc đời các con không phải là một chuỗi không cùng của những cánh cửa
mở! Hãy lắng nghe tâm hồn mình! Ðừng dừng ở ngoài mặt nhưng đi sâu vào tâm điểm
của mọi sự! Và khi đến giờ, hãy có can đảm quyết định! Thiên Chúa chờ đợi các
con phó thác sự tự do của mình trong bàn tay nhân ái của Người."
Thánh Nonna. |
Ngày
9 tháng 8
THÁNH NONNA,
NGƯỜI MẸ THÁNH CỦA GIA ĐÌNH THÁNH
(374)
(374)
Trong cuốn “Người Mẹ, tấm gương phản chiếu Thiên Chúa”, Đức
Hồng Y Mindzenti đã lập lại ý tưởng của thánh Âutinh khi ngài viết: “Người mẹ
là ngọn lửa, các con là ánh sáng, cứ xem ánh sáng chói rạng, thì biết ngọn lửa
phải mạnh mẽ chừng nào. Người mẹ là gốc nho, các con là chùm nho, xem chùm nho
thì biết gốc nho có tốt hay không. Người mẹ là cây sinh ra ơn sống, các con là
những trái cây”. Chúa Kitô đã phán: “Xem quả thì biết cây”. Người mẹ là mái
chèo, các con là chiếc thuyền nhỏ, con thuyền đi hướng nào là tùy như mái chèo
đưa đẩy. Người mẹ là nữ chúa, các con là thần dân. Dưới phủ việt của một người
mẹ khôn ngoan, săn sóc các con được sống yên vui”.
Qua những ý tưởng rất đẹp này, không chỉ cốt ý ca ngợi một
người mẹ như thánh Monica, còn áp dụng cho hết các bà bẹ đã biết hoàn tất sứ
mệnh trong ánh sáng đức tin. Và riêng hôm nay, chúng ta còn đọc thấy những tư
tưởng trên cách đặc biệt trong đời sống thánh nữ Nonna, một người mẹ thánh của
ba người con thánh.
Thánh nữ là công dân xứ Cappađôcia thuộc Tiểu Á, thánh nữ sinh
trưởng và được giáo dục trong một gia đình công giáo đầy đức tin. Cha ngài tên
là Phillatios, một công chức cao cấp và có nhiều uy tín trong xứ. Hơn thế, ông
còn nổi tiếng là một người cha hiền hậu, có nhiều thiện chí giáo dục con cái
trong những ngày người bạn trăm năm khuất bóng. Thông cảm hoàn cảnh gia đình
của Nonna, Chúa đã ban cho cô sớm có những đức tính làm mẹ: cô tận lực giúp đỡ
cha trong việc dạy bảo các em. Không một ai quen biết cô lại không thán phục
đức tính hiền dịu, nhẫn nại và bác ái của cô. Đó chẳng qua là kết quả dĩ nhiên
của một đời sống đạo đức thâm sâu. Cô ưa thích cầu nguyện, ham đọc Kinh Thánh,
và thích hát ca vịnh. Thêm vào những đức tính tốt đẹp ấy, Nonna còn là một cô
gái xinh đẹp, trên nét mặt tươi như hoa của cô, người ta luôn thấy nở một nụ
cười hồn nhiên, biểu hiện sự thanh thản và trong sạch của tâm hồn. Theo dòng
thời gian, sắc đẹp và những đức tính cao vời của Nonna cứ mỗi ngày một thăng
tiến, cùng lôi cuốn sự chú ý của nhiều bà mẹ muốn tìm con dâu. Giờ Chúa muốn
Nonna bước sang chặng đời mới đã đến. Năm 19 tuổi cô đẹp duyên với một thanh
niên tuấn tú và đức hạnh. Người thanh niên này nhờ ảnh hưởng đời sống thánh
thiện, nhất là lời cầu nguyện sốt sắng của Nonna, sau đã trở lại với đức tin
Công giáo. Hơn thế, ông còn trở nên một vị Giám mục thánh thiện, nhiệt thành
bênh đỡ Giáo hội suốt 40 năm trường. Đó là thánh Giám mục Grêgôriô Nazian
Majôrê. Ngoài việc lo phụng sự chồng, Nonna hết sức giáo dục con cái theo tinh
thần Công giáo. Chúa ban cho ngài được ba người con. Cô gái đầu lòng tên là
Gôrgônia, sống đời hôn nhân và cùng được ba người con. Ngài qua đời quãng năm
370, và đã được Giáo hội suy tôn hiển thánh. Người con thứ hai là thánh
Grêgôriô, một nhà thần học và là một vị đại tiến sĩ của Giáo hội. Sau cùng
thánh Cêsairô một y sĩ thời danh, đã chết năm 369 chỉ vì muốn nâng cao tinh
thần bác ái của Chúa Kitô đối với đám người bệnh tật.
Nhưng để có một “thánh gia” thứ hai ấy, đâu phải là truyện
dễ. Sau ngày thành hôn, thánh nữ Nonna đã phải nhẫn nại sống qua những ngày son
sẻ. Ngài tha thiết cầu nguyện, xin Chúa ban cho được làm mẹ một đàn con. Thánh
nữ hiểu thiên chức làm mẹ không những là một vinh dự đáng mong ước, mà còn là
một yên ủi vô song cho người chồng thân mến. Sự hiểu biết ấy càng thúc đẩy
thánh nữ nài xin Chúa nhiều hơn. Sau nhiều năm nhẫn nại cầu nguyện, Nonna đã
được Chúa báo tin mừng trong một giấc mơ. Tin mừng ấy đã được thể hiện. Ngài
lần lượt sinh hạ được ba người con. Trước khi sinh, thánh nữ không quên hiến
dâng đứa con còn thai nghén của mình cho Chúa. Đứa con được bú “sữa đức tin”
của mẹ từ đó.
Cũng như thánh Âutinh, thánh Grêgôriô đã không ngớt lời ca
tụng người mẹ thánh. Gần một nửa bút tích của thánh nhân là những trang viết về
thánh Nonna. Sau đây là một đoạn bài trường ca thánh Grêgôriô khen ngợi lòng
đạo đức của mẹ ngài: “Ôi mẹ, mẹ đặt Chúa trên hết mọi sự, trên mọi lời nói và
trên mọi việc làm. Mẹ đền tội trong cả mùa sám hối. Mẹ ôi, con nhớ lắm; mẹ chỉ
ngừng chay tịnh trong mấy ngày đại lễ. Mẹ lấy thánh đường làm nhân chứng cho
niềm vui và nỗi khổ của mẹ. Phải, chính ở thánh đường, Mẹ đã tỏ ra yêu chúng
con hơn cả, và chỉ nơi đó, dòng lệ yêu thương của mẹ đã được thánh giá Chúa lau
khô”. Ở nhiều trang khác, thánh nhân còn viết: “Mẹ tôi giữ không bao giờ quay
lưng vào bàn thờ, người không nhổ vặt, không nói những lời bất xứng, cũng không
bình phẩm điều gì trong đạo thánh”. Một tác giả khác lại ca tụng những việc đền
tội thầm kín và tinh thần đạo đức của thánh nữ như sau: “Bà là một người mẹ
công giáo hoàn toàn, một người nội trợ hiếm có trên đời, bà hoàn tất sứ mệnh
làm vợ và làm mẹ của bà trong sự tinh khiết về thể xác, trong tư tưởng cũng như
trong việc làm. Trong yên lặng và nhẫn nhục, bà đã cầu nguyện với nước mắt. Bà
đã kín đáo đền tội cho bà và những người thuộc về bà. Chính tay bà đã ban của
ăn cho kẻ đói khát, mặc áo cho người rách rưới và nâng niu người xấu số. Tuy
nhiên, bà không đi lại với lớp người vô đức tin, hay có tiếng giầu có mà tội
lỗi”. Lòng bác ái của thánh nữ thật sâu xa. Ngài thường nói với các con: “Mẹ
bằng lòng bán mình mẹ và bán cả các con để có tiền giúp đỡ người nghèo khổ, nếu
Chúa muốn”. Hơn thế, đời sống thánh nữ tràn ngập hoan ca trong những hy sinh và
đau khổ. Ngài không chỉ đọc thuộc lòng những bài ca vịnh, mà còn lấy đó làm môn
học chính để dạy dỗ các con. Vì thế mà người đương thời đã tặng cho gia đình
thánh nữ một cái tên kỳ thú: “Ban hát ca vịnh”.
Thực vậy, tối sớm không bao giờ thánh Nonna bằng lòng cho các
con đi ngủ hay cắp sách đến trường, trước khi hát ca vịnh. Vì chồng là đạo mới,
nên bà thường chủ tọa các buổi hát ca vịnh chung trong gia đình. Chính bà đã
trút hơi thở khi còn quỳ giữa bàn thờ, hai tay nắm chặt ảnh chuộc tội. Chứng
kiến cử chỉ hiếm có ấy, một người đã thốt lên: “Tôi có cảm tưởng thánh nữ đang
thưa với Chúa: Lạy Chúa Kitô, Chúa là tất cả nguồn hy vọng của con”. Và phải
chăng, Chúa muốn dùng cử chỉ hiếm hoi ấy hầu giúp chúng ta am hiểu một phần nào
tinh thần cầu nguyện của thánh nữ. Ngài cầu nguyện để thánh hóa mình, thánh hóa
gia đình và nhân loại. Ôi! còn gì đẹp hơn”.
Xác thánh Nonna được mai táng tại cửa chính nhà thờ họ, bên
mộ các thánh tử đạo. Đến sau người ta di chuyển xác thánh Grêgôriô, bạn ngài và
thánh Cêsairô, người con út về sát bên mộ thánh nữ. Người ta không quên dựng ở
đó một tấm bia bằng cẩm thạch có khắc lại những lời thánh Grêgôriô Majôrê khen
mẹ ngài như sau: “Mẹ tôi quý danh là Nonna, người có một con tim quả cảm; người
là máng ban sự sống và ân điển của Chúa Kitô cho chúng tôi. Người khinh chê
trần tục và xung phong làm Nữ tỳ của thánh giá. Chính thánh giá đã nâng người
lên tận trời xanh, như lòng người hằng mong ước nguyện”.
Ước chi mỗi bà mẹ công giáo biết noi gương đời sống của thánh
nữ Nonna, để chu toàn nhiệm vụ giáo dục con cái, và xây dựng một gia đình thánh
thiện, hạnh phúc. Như thế, sứ mệnh của người mẹ thật nặng nề nhưng cũng giá trị
và cao đẹp biết bao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét