Ai sẽ dựng lại cơ đồ?
Học sinh mẫu giáo học cầu nguyện (ảnh UCAN). |
Trong một lần tôi
theo anh em đi xuôi một chuyến xuống miền nam Trung bộ, từ Cửa Lò chúng tôi vào
Hà Tĩnh. Khi xe ngang qua cầu Bến Thuỷ, cây cầu gần đây có nhiều câu chuyện
thương tâm, một hành khách chỉ cho tôi xem một cái am thật to, trong đó có
nhiều cái am nhỏ và cho biết đó là nơi người ta tìm ra được chiếc xe khách bị
lũ cuốn trôi chết hàng chục mạng người năm trước.
Khi xe lên cầu từ hướng Nghệ An vào Hà Tĩnh,
chúng tôi phải một phen kinh hoàng. Cầu Bến Thủy bắc ngang qua sông Lam, làm
ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, cầu được xây dựng có lằn
đường riêng cho xe hai bánh, phần giữa cầu dành cho xe nhiều bánh.Khi người lái xe của chúng tôi có ý định vượt mặt một chiếc xe tải lớn, bỗng bên kia đầu cầu một thanh niên không đội mũ an toàn chạy xe hai bánh với tốc độ cao, phóng thật nhanh lên cầu vào phần đường của xe hơi rồi lao thẳng vào đầu chiếc xe tải, trong giây lát xe và anh ta văng xuống đường sau cú va chạm thật mạnh vào đầu xe tải ngược chiều, trước mắt chúng tôi anh giẫy vài cái rồi nằm bất động, máu từ từ chảy ra ở mắt, mũi, miệng và tai… Chắc chắn chết! Ai cũng nói vậy.
Sau vài phút kinh hoàng, mọi hành khách trên xe đều bàn tán xôn xao, nhiều người còn cố nhoài người ra cửa xe nhìn lại hiện trường tai nạn thảm khốc.
Xe đi được một quãng xa, mọi người vẫn còn bàn tán về biến cố vừa chứng kiến, đủ mọi thứ nhận định được phát biểu, tôi cũng bị cuốn vào những câu chuyện bàn tán như vậy.
Rồi tôi chợt nghĩ sao mình không cầu nguyện cho người vừa qua đời một câu kinh?
Sao mọi lời nói của mình và của nhiều người có vẻ bông đùa và vô cảm, nếu không muốn nói là ác ý với người vừa chết kinh hoàng như vậy? Độ nhạy cảm về tình thương và lương tâm Kitô giáo của mình đang ở mức độ nào?
Có phải vì mình đang sống trong một xã hội mà mạng sống của con người quá rẻ nên đứng trước cái chết của người khác, mình vô cảm? Có phải vì xã hội mình quá hỗn loạn nên con người mình đã quá quen với sự hung ác, không còn khả năng dị ứng với sự dữ nữa? Những câu hỏi như vậy quay quắt tôi mãi.
Gần đây, qua báo chí trong nước có quá nhiều thông tin về sự hung ác dã man, câu chuyện về một người thanh niên tên Luyện máu lạnh đã đang tâm ra tay giết người một cách dã man, tưởng rằng chỉ là chuyện họa hiếm, nhưng nay đã trở nên chuyện thường ngày.
Sau Luyện đã có hàng loạt những Luyện khác, cũng giết người rồi cắt khúc phi tang, giết cả người bạn gái (nói là bạn gái thôi không thể là người yêu, vì nếu yêu đâu có làm vậy), giết cả người mình vừa chăn gối, hãm hiếp người lớn tuổi rồi giết, đốt chồng cho đến chết…
Vừa rồi, liên tiếp hai vụ giết người còn kinh hoàng và dã man hơn nữa, một hiếp dâm bé gái 8 tuổi và giết luôn đứa em 4 tuổi chỉ vì nó bắt gặp và hoảng sợ kêu cứu, một hiếp dâm và giết chết bỏ xác xuống giếng một em bé 11 tuổi.
Cách đây vài tháng, một người Nữ tu tôi quen biết, bị bệnh nan y đang phải điều trị thường xuyên và theo dõi định kỳ, hôm ấy chị được một Nữ tu khác chở xe hai bánh đi tái khám ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, cả hai cùng mặc tu phục, khi đến gần bệnh viện thì bị hai tên cướp chạy xe hai bánh kè bên, giật xách tay của chị đang đeo bên người, bên trong chỉ có ít giấy tờ và sổ khám bệnh, phản ứng tự nhiên là chị níu giữ xách tay lại, sức mạnh của cú giật đã vật chị ngã, tay chân trầy xước, chị được đưa vào bệnh viện để cấp cứu, may là chỉ chấn thương phần mềm.
Tôi để ý và kiếm chứng về chi tiết mặc tu phục để thấy được mức độ tội phạm là kinh khủng, không hề kiêng nể ai kể cả người tu hành, lại là phụ nữ. Là người bình thường ai cũng biết, giới Nữ tu đâu có được giữ tiền riêng, nếu có, số tiền cũng chẳng nhiều để đáng bị cướp giật.
Một vài câu chuyện nêu lên để minh họa vấn đề, có hàng trăm hàng chục câu chuyện tương tự như vậy hàng ngày trên báo chí Việt Nam, nhất là những tờ báo chuyên về những “chuyện giật gân” như vậy, đọc chỉ thêm buồn, thêm nhức mắt đau đầu. Có thể nói, cho đến nay, những vá víu về luân lý đạo đức xã hội đã bó tay, vì càng học tập đạo đức thì xã hội càng xuống cấp thêm, lương tâm càng chai lì thêm và tập thể càng vô cảm thêm.
Có một bài báo của Ts. Lê Thanh Hải tựa đề “Ta đâu có sống một mình” viết từ Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan, trang 14 báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số ra hôm nay 5.8.2012. Ông trăn trở và góp ý về việc làm sao ngăn chặn những biến cố như vụ hiếp dâm giết người (hiếp và giết trẻ em) ở Sơn Tây vừa qua.
Trong bài viết ông đề cập đến toàn xã hội trong việc nỗ lực cứu vãn tình thế, từ anh dân phòng, đến bác hàng xóm, từ y bác sĩ đến người nghệ sĩ trên sân khấu hay phim ảnh… Đặc biệt ông đặt vấn đề vai trò của báo chí. Chuyện ông nói không thừa nhưng có còn trông mong gì vào một hệ thống xã hội đã quá rệu rã và xuống cấp như hiện tại không?
Nền tảng của xã hội này vốn đã vô thần, lại duy vật, nghĩa là lấy vật chất làm tiền đề và là mục đích để tư duy và hành động bất chấp lương tâm. Chúng ta không quá bi quan, cũng không vơ đũa cả nắm, nhưng sự thật vẫn cứ sờ sờ trước mắt.
Một lần nữa tôi muốn trở lại suy nghĩ của mình, đâu là vai trò của tôn giáo trong việc cứu vãn tình thế hiện tại? Người tôn giáo có xác tín vào sứ mệnh và sức mạnh của mình không ? Nếu có, chúng ta phải thiết kế môt kế hoạch thế nào để đảm nhận sứ mạng của mình ? Đâu là sứ điệp mà chúng ta phải ngỏ với xã hội?
Là Tu sĩ, hơn nữa lại là Linh mục, chúng ta biết rõ người “Công an bảo vệ chính trị tôn giáo” là ai và họ hành xử thế nào. Tôi có kinh nghiệm về sự biểu dương sức mạnh và quyền lực của họ, nhất là khi họ đã biết việc tôi chịu chức Linh mục “chui” (âm thầm), thế nhưng, đến một lúc khi bản thân họ và gia đình họ có vấn đề về luân lý và đạo đức, chính anh Công an ấy đã âm thầm “chui” tìm đến tôi xin giúp đỡ.
Thái độ của anh khác hẳn so với những lần gặp “làm việc” với tôi ở trụ sở Công an. Tôi có hỏi anh tại sao lại đến gặp Linh mục chứ không phải một ai khác, anh nói chỉ có tôn giáo mới giải quyết được vấn đề của anh mà thôi và anh nài nỉ cho được nhận sự giúp đỡ từ tôi.
Một cán bộ “Công an bảo vệ chính trị tôn giáo” khác, nắm vị trí chủ chốt một đơn vị quan trọng, có lần thú nhận sự thật với tôi, rằng con gái ông du học ở Hoa Kỳ sống trong một ký túc xá của một Dòng Tu nữ, sau một năm cô bé về thăm nhà, ông ngạc nhiên về tư cách, nhân cách, ý thức trách nhiệm và lương tâm của con gái mình, ông nói, khả năng giáo dục của tôn giáo tốt thật.
Vậy đó! Chẳng lạ gì trong các nhà trẻ của các Nữ tu bây giờ đầy ắp con Cán bộ, con Công an, toàn đảng viên. Có một Nữ tu còn kể cho chúng tôi nghe, thằng bé nói với bố nó là Công an: “Bố không được bắt Ma Sơ của con !”
Chuyện đã rõ, chỉ cần chúng ta can đảm và cùng nhau bắt tay vào việc…
Lm. Vĩnh Sang DCCT
(Nguồn: Ephata 521)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét