CHÚA NHẬT
XXII THƯỜNG NIÊN năm B
BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 1-2. 6-8
"Các
ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm".
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân chúng rằng: "Hỡi Israel , giờ đây
hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để
được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các
ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã
truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta
đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn
ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả
các lề luật ấy, họ nói: 'Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng
suốt'. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên
Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời
danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày
trước mặt các ngươi hôm nay không?"
"Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình.
Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các
ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy".
Đó là
lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5
Đáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c.
1a)
Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công
chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. - Đáp.
2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng
không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những
ai tôn sợ Chúa. - Đáp.
3) Người dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không
thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền
lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27
"Anh
em hãy thực thi lời đã nghe".
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc
hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay
đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng
lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.
Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và
lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh
em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ
đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với
Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình
khỏi mọi ô uế đời này.
Đó là
lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là
đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua
Thầy". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23
"Các
ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm
nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ
từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa
với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập
tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà
không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa
trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ
đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông
không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh
sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất
chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng
lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý
và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để
nắm giữ tập tục loài người".
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng:
"Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong
con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra,
chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta
xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham
lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất
cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế".
Đó là
lời Chúa.
Phải
Biết Kiểm Ðiểm
(Thứ luật 4,1-2.6-8; Thư Yacôbê 1,17-18.21b-22.27; Tin Mừng
Marcô 7,1-8.14-15.21-23)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm B
Thứ luật 4,1-2.6-8; Thư Yacôbê 1,17-18.21b-22.27;
Tin Mừng Marcô 7,1-8.14-15.21-23
Gặp hoàn cảnh phải thức thời, con người thường hay do
dự. Nhiều khi không phải vì sợ hãi, ngại ngùng; nhưng vì lương tâm bất an và bị
giằng co. Một bên là những nguyên tắc luân lý và đạo đức trước đây; và bên kia
là những đòi hỏi mới của hoàn cảnh. Làm sao để không thái quá và cũng không bất
cập, không cấp tiến cũng không bảo thủ, mà chỉ tiến bộ hoặc tiên tiến? Chắc
chắn phải vận dụng óc sáng tạo. Nhưng có lẽ cũng không nên quên những bài học
của lịch sử. Và Sách Thánh cũng là một kho tàng khôn ngoan ngay cả về phương
diện này. Những bài đọc Kinh Thánh hôm nay là một thí dụ. Chúng ta sẽ thấy vừa
phải trung thành với các nguyên tắc đạo đức, vừa phải sáng suốt tiến bộ. Xin
Chúa cho chúng ta biết hiểu lời của Người.
1. Phải Chọn Ðường Sống
Bài sách Thứ luật gợi lên một lịch sử đầy biến cố. Bề
ngoài đó là những lời Môsê trối cho dân trước khi ông từ giã cõi trần. Ông đang
ở bên kia sông Yorđan, biết mình không được vào Ðất Hứa. Dân sẽ được vào. Nhưng
ở đó họ sẽ có được hạnh phúc không? Tất cả tùy thuộc ở thái độ của họ trung
thành đối với Chúa... Thế mà kinh nghiệm những năm lãnh đạo dân cho Môsê biết Israel không
phải là một dân vừa. Hơi gặp hoàn cảnh mới là họ đã sẵn sàng đi dệu dạo, chứ
không nhất mực ngay thẳng theo đường lối của Chúa. Thế nên lòng thương dân đã
thôi thúc Môsê nói lên những lời cuối cùng này, không phải để họ giữ ngày nay,
ngày mai, nhưng mọi ngày trong đời sống và mọi thế hệ trong lịch sử.
Ông có thể làm được công việc ấy không?
Lời khuyên của một người có thể có giá trị cho mọi thế
hệ loài người không?
Môsê đã không quá tự phụ ư?
Con người của ông không phải như vậy. Ðây chỉ là những
lời người ta gán cho ông. Và chắc chắn ông sung sướng lãnh vinh dự này. Những
lời đó hợp ý với ông. Và nhất là chúng không phải là của riêng cá nhân một tác
giả nào. Chúng là thành quả của một tinh thần trung kiên qua nhiều thế hệ lịch
sử của dân Chúa. Và tinh thần này đã bắt đầu từ Môsê.
Quả vậy, sách Thứ Luật là tác phẩm của tinh thần dân
Chúa. Nó thu góp các suy tư chân chính của nhiều thế hệ lịch sử. Người ta coi
Môsê là tác giả chỉ vì mọi suy tư ở đây đều phát xuất từ giao ước và chỉ muốn
trung thành với giao ước Sinai. Giá trị của nó nằm ở chỗ nó là những bài học
rút ra từ nhiều kinh nghiệm sống. Chúng ta có thể tin ở những lời khuyên của
sách này vì có thể nói ngay hoàn cảnh mới vừa đến với chúng ta, nó cũng đã trải
qua.
Vậy, mở đầu bài sách đó hôm nay, Môsê nói với mọi
người: "Hãy nghe". Ðó là tiếng nói của người khôn, đầy kinh nghiệm.
Và Môsê nói tiếp. Các ngươi hãy giữ lệnh truyền để được sống và được đất hứa.
Ðó là điều không được tranh luận bàn cãi. Là vấn đề một sống một chết, có thế
thôi. Giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết. Mà chết và sống ở đây có ý
nghĩa thực tế cụ thể chứ không bóng bẩy. Thiên Chúa chỉ ban Ðất Hứa và các Lời
Hứa của Người cho kẻ giữ Luật. Kẻ không giữ Luật, không có chỗ đứng, không có
nơi tựa, nó sẽ hư vong.
Ước gì chúng ta không bao giờ quên nguyên tắc này. Gặp
hoàn cảnh mới mẻ đến đâu đời sống con người vẫn phải nắm giữ một số Luật điều.
Vứt bỏ mọi sự, kể cả nguyên tắc phải giữ luật và phải sống có kỷ luật, là biến
mình trở nên bọt sóng để tùy gió đánh đi. Con người sinh ra có gốc. Ðời sống
con người phải có phương hướng. Chúng ta phải chọn đường sống, như lời Môsê nói
hôm nay.
Tuy nhiên ông rất thận trọng. Ông nói: Không được thêm gì
vào luật Chúa, cũng không được xén bớt. Và đó là điều không dễ. Nó đòi người ta
luôn luôn phải kiểm điểm thành khẩn trước mặt Chúa. Tiếc thay, con người lại ít
khi muốn đến trước nhan Người. Họ luôn muốn lưu lại nơi thế giới tạo vật. Có
khi lương tâm ray rứt, thúc đẩy họ đi gặp Chúa, thì họ lại lười biếng lấy một
tạo vật làm ngẫu tượng để thay thế cho Người. Rồi họ nghĩ ra những yêu cầu của
ngẫu tượng ấy. Dần dần họ không còn nhớ và sống theo Luật chúa nữa nhưng đã lấy
truyền thống và tập quán loài người làm luật sống. Bài Tin Mừng hôm nay sẽ cho
chúng ta thấy rõ điều này. Nhưng Môsê, ngay từ đầu đã cảnh giác người ta. Ông
dạy phải luôn luôn tìm ra ý Chúa. Chỉ có nó là lẽ sống của con người và là
đường dẫn họ đến sự sống.
Ai giữ đúng luật Chúa sẽ luôn luôn có thể tự phụ. Họ sẽ
là người "khôn ngoan minh mẫn ở trước mắt các dân", vì những điều họ
giữ thật là những phán quyết công minh. Hơn thế nữa, các dân sẽ thấy rằng sẽ
trải qua các thời đại và cảnh đời tang bồng mà luật pháp vẫn như vậy, thì là
dấu nó không do lòng người thay đổi làm ra, nhưng phải do Ðấng vĩnh cửu bất
biến đã phán quyết. Và như thế thật là hạnh phúc và vinh dự cho dân tộc, cho
con người được Thiên Chúa ở gần và chăm sóc như vậy.
Những suy nghĩ của sách Thứ Luật rõ ràng rất sâu xa. Nó
khiến chúng ta tin tưởng vào nguyên tắc. Ðó là lẽ sống. Và đó là vinh dự. Không
phải Môsê đã tự ý nói lên được những lời chân thật trên đây. Ðó là kinh nghiệm
của cả một dân tộc trải qua cuộc đời bể dâu và sóng gió. Ðây còn là dân tộc
được Thiên Chúa lựa chọn và hướng dẫn. Thế nên, những lời sách Thứ Luật hôm nay
đúng ra là tiếng nói của Chúa Thánh Thần và của chính Thiên Chúa. Người mạc
khải cho chúng ta chân lý này: nếu con người muốn sống và chiếm được đất hứa,
tức là hạnh phúc, họ phải giữ luật. Và phải giữ và chỉ giữ đúng luật của Người.
Không những đó là đường sống cho họ mà còn là vinh dự ở trước mắt các dân. Ai
hiểu như vậy mà còn có thể sống như không có nguyên tắc và phương hướng? Và gặp
hoàn cảnh đổi đời, ai tưởng rằng chỉ cần "cho de" những nguyên tắc cũ
mà không chấp hành những lệnh truyền mới? Mọi tình hình mới chỉ là cơ hội để
khám phá ra nhiệm vụ mới. Ðó là điều ít khi người ta muốn làm, như người Dothái
trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng chúng ta hãy nghe lời Ðức Yêsu dạy.
2. Phải Biết Kiểm Ðiểm
Người lại đụng độ với bọn Biệt phái và Luật sĩ. Nói
đúng hơn, bọn người bảo thủ và lạc hậu này chỉ muốn riết Người vào kỷ luật. Họ
thấy môn đồ của Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Thế là họ đùng đùng tấn
công: "Vì lẽ gì mà môn đồ của ông không giữ lệ truyền của tiền nhân?"
Họ nói như ai cũng sống trong môi trường của họ. Tiền nhân của họ là ai? Lệ
truyền ấy có từ hồi nào? Môsê đã chẳng nói trong sách Thứ luật rằng: đừng thêm
thắt, xén bớt Luật Chúa sao? Ðức Yêsu lại còn thấy bộ mặt giả hình, giả đạo
đức, giả nhân nghĩa của họ nữa. Thế nên Người trả lời và soi sáng cho họ hai
điểm. Một là họ đã gạt lệnh truyền của Thiên Chúa, mà cố thủ lấy lệ truyền của
loài người. Và hai là họ chỉ chú trọng rửa tay bên ngoài mà không thanh tẩy
lòng trí bên trong. Nói đúng ra, Ðức Yêsu đã hỏi quật lại họ hơn là chỉ trả lời
cho câu hỏi. Người không cắt nghĩa vì sao các môn đồ không rửa tay trước khi
dùng bữa; nhưng lại vạch ra cho bọn Biệt phái và Luật sĩ biết đời sống của họ
không vô tội đâu. Nó còn xấu xa là khác. Vì nó không giữ luật Chúa, một chỉ làm
theo tập tục. Nó chỉ chải chuốt bộ mặt bên ngoài và để yên ao tù dơ nhớp nơi
tâm hồn.
Nhiều người không thích câu Ðức Yêsu đã nói về điều gì
tự bên ngoài mà vào bụng không làm cho người ta ra ô uế, nhưng mọi điều xấu xa làm
ô uế đều tự bên trong mà xuất ra. Nhưng chúng ta hãy hiểu thái độ quyết liệt
của Người... Ở thời bấy giờ, người Dothái có những phân biệt rất vật chất về
những gì sạch và dơ. Nếp sống đạo của họ căn cứ vào những việc giữ luật lệ này.
Ðến nỗi họ không còn để ý đến tư cách của tâm hồn, mà chỉ còn quan tâm đến
những cái hình thức. Ðức Yêsu gọi họ là bọn giả hình, là có cơ sở. Chúng ta hãy
nhớ đến một người như Phêrô. Một ngày kia, gần đến giờ ăn trưa. Ông đói bụng và
thiếp ngủ đi. Và ông mơ thấy Chúa bảo phải ăn mớ ếch nhái trong tấm mền ở trên
trời thả xuống. Phản ứng của ông là của Dothái giáo. Ông lắc đầu bảo rằng đây
là vật dơ, người đạo đức không được ăn kẻo ra ô uế. Ông cũng cố thủ lệ truyền
của loài người mà gạt lệnh truyền của Chúa vừa bảo ông. Ðến nỗi Chúa phải nhắc
nhở cho ông rằng: Những gì Thiên Chúa đã tẩy sạch thì đừng gọi là dơ nữa!
Tựu trung, óc vụ hình thức vẫn thật là khó chữa. Lâu
ngày nó thi hành lệ truyền của loài người và quên lệnh truyền của Thiên Chúa,
thành ra có lúc nó dám vịn vào lệ truyền của phàm nhân để cưỡng lại lệnh truyền
của Ðấng Tối Cao. Kh6ng những nó đa lấy ngẫu tượng thay cho Thiên Chúa mà còn
đi đến chỗ dùng ngẫu tượng nghịch lại Ngài.
Ðức Yêsu hôm nay muốn mạc khải điều đó. Người muốn
người ta phải kiểm điểm lại đời sống tôn giáo và đạo đức của mình. Và để khỏi
tiếp tục lầm lạc, người khuyên mọi người hãy bắt đầu rửa sạch lòng mình, để
nguồn có trong thì những dòng tư tưởng chạy ra từ tâm hồn mới sạch. Công việc
này ai cũng phải làm và phải làm đi làm lại. Bài thư Yacôbê khi ấy sẽ có giá
trị thiết thực.
3. Phải Chịu Lấy Lời
Gọi đây là một thư thì cũng chỉ là cách nói. Ðúng ra nó
là một bản văn giáo huấn các tín hữu. Người ta không nên tìm ở đây những tư
tưởng độc đáo. Nhưng đọc xong ai cũng cảm thấy tác giả bức thư này rất thành
tâm. Ông đòi tin-hành nhất thiết phải đi đôi; không được nhị tâm và đi dệu dạo,
tức là đừng nghĩ rằng có thể làm tôi Thiên Chúa mà lòng lại chiều theo thế gian
được. Những câu đầu tiên đọc trong phụng vụ hôm nay đã nói rõ vì sao như vậy.
Tác giả viết: "Ơn tốt lành, lộc trọn hảo, hết thảy đều do trên, xuống từ
Cha các tinh sao sáng láng; nơi Người không có biến dịch, hay vì xoay vần mà
khuất bóng". Mới đọc chúng ta có thể thấy khó hiểu. Nhưng đây là những lời
quan trọng. Tác giả nói đến nguồn gốc, căn nguyên, cơ sở của lòng đạo đức chân
thật.
Quả vậy lòng đạo đức của chúng ta không xây trên những
cái gì đổi thay, khi sáng khi mờ. Không, nó là ơn Chúa ban. Người là Ðấng tạo
hóa. Người đã dựng nên tinh tú. Người là Ðấng hoàn toàn sáng láng, chẳng bao giờ
có thể mờ tối vì Người chẳng bao giờ thay đổi và khuất bóng. Nói rằng các
nguyên tắc đạo đức căn bản có thể thay đổi và châm chước được là nói đến một
thứ đạo đức không lấy Chúa làm nền tảng và nguồn gốc. Môsê trong sách Thứ luật
đã nói: đừng thêm thắt bớt xén luật Chúa cũng là nói theo nghĩa đó. Và cũng vì
vậy trong bài Tin Mừng, Ðức Yêsu bảo phải luôn thanh tẩy tâm hồn.
Ở đây Yacôbê cũng dạy "phải khử trừ mọi thứ uế nhơ
và khiêm nhu chịu lấy lời vốn đã được gieo sẵn trong lòng". Người muốn hết
thảy hãy thanh tẩy mọi dục vọng và lệ truyền để làm sáng tỏ Lời Tin Mừng cứu độ
đã được gieo vào lòng tín hữu khi lãnh nhận đức tin. Ðó không phải chỉ là Lời
chân lý, nhưng còn là chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và bây
giờ còn mầu nhiệm lưu lại trong các tâm hồn trong sạch. Chính lời đó mới cứu
được linh hồn chúng ta khi chúng ta chỉ nghe tiếng Người.
Và Người không chấp nhận cho chúng ta tin Người và mang
danh hiệu Kitô hữu của Người mà không thi hành lệnh truyền của Người. Và lệnh
truyền ấy là hãy yêu thương anh em, như lời Yoan viết; hay như lời Yacôbê nói
hôm nay là: viếng thăm cô nhi quả phụ... Chính nếp sống bác ái chân chính này
giữ gìn chúng ta không "bợn vết nhơ của thế gian".
Như vậy cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đã cho chúng ta
phương hướng để sống đạo đức. Dù hoàn cảnh có đổi thay và tình hình có mới mẻ,
người tín hữu vẫn phải sống có nguyên tắc. Dĩ nhiên không được bắt chước người
Dothái lấy lệ truyền của loài người làm chân lý bất di chuyển; và tệ hơn còn
vịn vào nó để khước từ lệnh truyền của Thiên Chúa. Không, hoàn cảnh mới chỉ đem
lại cho chúng ta cơ hội kiểm điểm lại đời sống của mình; không phải chỉ nhìn
vào những cái bên ngoài, nhưng phải đi sâu vào tâm hồn, để gạt bỏ những lớp bụi
ô uế đầy gian tà hầu tìm ra Lời Chúa và hình ảnh của Người đã được gieo sẵn và
in sẵn trong tâm khảm. Ánh sáng của Chúa sẽ lóe lên. Tiếng nói của Người sẽ
trong trẻo. Chúng ta đi theo ánh sáng đó và thi hành tiếng nói đó thì sẽ đạo
đức chân thật. Và mọi người sẽ thấy chúng ta bác ái hơn vì đạo Chúa là bác ái.
Giờ đây chúng ta sửa soạn tâm hồn đón Chúa vào lòng để
từ đó mọi giòng tư tưởng biến ra hành động của đời sống chúng ta trở nên đạo
đức, trong lành.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 22 thường niên, Năm B
Bài đọc: Deut 4:1-2, 6-8; Jas 1:17-18, 21b-22, 27; Mk
7:1-8, 14-15, 21-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đâu là sự thờ phượng
Thiên Chúa đích thực.
Nhiều người giới hạn đạo vào việc thờ phượng Thiên Chúa
trong nhà thờ: như đi tham dự Thánh Lễ mỗi tuần; hay chỉ chịu Phép Rửa để có
danh hiệu Kitô hữu; hay chỉ thi hành một số điều bên ngoài mà Lề Luật đòi buộc.
Tôn giáo chân chính đòi con người phải sống kết hiệp với Thiên Chúa khi làm
việc thờ phượng cũng như trong đời sống hàng ngày. Các tín hữu phải tuân giữ
tất cả các Lề Luật của Thiên Chúa, và phải sống đức bác ái cách trọn hảo bằng
việc giúp đỡ tha nhân.
Mỗi Bài Đọc hôm nay tập trung trong một khía cạnh của việc thực hành tôn giáo.
Trong Bài Đọc I, ông Moses đưa ra những lý do để khuyên con cái Israel phải
tuân giữ trọn vẹn Thập Giới của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê chú
trọng đặc biệt đến việc nghe và thực hành những lời Thiên Chúa dạy, vì tri hành
phải đồng nhất. Một người không thể tách rời niềm tin ra khỏi những việc làm để
minh chứng đức tin sống động của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tố cáo việc
thực hành tôn giáo bằng những lễ nghi giả hình bên ngoài, như giữ các lề luật
về việc thanh sạch bên ngoài; mà quên đi việc thanh tẩy thực sự trong tâm hồn.
Ngài muốn con người phải đặt những giới luật của Thiên Chúa lên trên những lề
luật và truyền thống của con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy thực hành Thập
Giới mà Thiên Chúa ban cho anh em.
1.1/ Sự cao trọng của Thập Giới:
(1) Thập Giới phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng duy nhất biết những gì tốt lành cho
con người. Ngài ban cho con người Thập Giới qua trung gian của ông Moses trên
núi Sinai.
(2) Thiên Chúa ban Thập Giới vì Ngài yêu thương con người. Ông Moses coi đây là
một đặc quyền cao quí nhất, chỉ dành cho Dân Riêng của Thiên Chúa, khi ông hỏi
con cái Israel :
"Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa
chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào
được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi
đưa ra trước mặt anh em?" Không một dân tộc nào được thần của họ ban lề
luật như Thiên Chúa ban Thập Giới cho Israel .
(3) Không ai được thêm vào hay bớt đi những gì từ Thập Giới: Thói quen của con
người là thích thêm bớt vào những gì đã hiện hữu, hoặc để cho nó văn hoa hơn,
hay để che giấu những tà ý. Ông Moses tuyên bố rất rõ ràng về tính bất di dịch
của Thập Giới: "Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng
đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta,
mà tôi truyền cho anh em."
(4) Thập Giới là điều kiện ắt có và đủ để được vào Đất Hứa: "Giờ đây, hỡi Israel , hãy
nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực
hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức
Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em." Đất Hứa ở đây có thể
hiểu là vùng đất Canaan , nhưng bao quát hơn,
là Thiên Đàng sau này.
1.2/ Thập Giới ban hành là để tuân giữ: Ông Moses truyền cho con cái Israel :
"Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi
là khôn ngoan và hiểu biết."
Theo truyền thống Do-thái, Thập Giới được gọi là "Mười Lời" của Thiên
Chúa (deca-logos trong tiếng Hy-lạp, decalogue trong tiếng Pháp). Lời có thể là
chỉ một chữ hay cả bài diễn văn. Trong ngôn ngữ Do-thái, cũng không có sự khác
biệt giữa "lời" và "sự việc, hay sự vật." Họ dùng chung một
chữ "dabar" để chỉ
lời hay sự việc xảy ra; hiểu theo kiểu Việt-nam, "tri hành đồng
nhất." Họ có lý do để làm như thế, vì nếu một người biết nhiều mà không
thực hành, nào có ích chi cho người ấy! Thập Giới ban hành không phải để học
thuộc lòng, cũng không để đóng khung thờ lạy.
1.3/ Thập Giới không giới hạn tự do của con người: Một cách tuyệt đối, con
người vẫn có tự do để giữ hay không giữ; nhưng Thập Giới cung cấp đường đi nước
bước cho con người; nhất là nó giúp cho con người nhận ra những nguy hiểm của
các kẻ thù luôn rình rập quyến dũ con người. Ngoài ra, Thập Giới cũng giúp con
người định vị các thứ tự ưu tiên của cuộc đời: tiên vàn là mối liên hệ hàng đầu
giữa con người với Thiên Chúa, thứ đến là mối liên hệ giữa con người với tha
nhân, và sau cùng là mối liên hệ giữa con người với thế giới vật chất.
2/ Bài đọc II: Hãy đem Lời Chúa ra
thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
2.1/ Hiệu quả của Lời Chúa:
(1) Lời Thiên Chúa là sự thật: giúp chúng ta phân biệt sự thật khỏi những sự
gian trá làm mê hoặc lòng người. Thánh Giacôbê nói về sự cao trọng của Lời Chúa
như sau: "Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta
nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi
điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được
gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em."
(2) Phải thực hành Lời Chúa: Cũng một ý với ông Moses trong Bài Đọc I, thánh
Giacôbê khuyên các tín hữu của ngài: "Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành,
chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình."
Chúng ta cần biết qua cộng đồng các tín hữu thời sơ khai. Nhiều người lầm lẫn
về sự chỉ dạy của thánh Phaolô, nhất là trong Thư gởi tín hữu Rôma và Galat,
khi ngài nói: con người được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Đức Kitô. Họ
nói: chỉ cần niềm tin vào Đức Kitô là đủ, việc làm không quan trọng, vì nó
không ảnh hưởng đến sự cứu độ của con người. Ngày nay, vẫn còn nhiều anh em Tin
Lành và nhiều người chủ trương sống theo lối sống này. Đây là một cách cắt
nghĩa sai lầm, vì Đức Kitô và thánh Phaolô không chủ trương và dạy bảo như thế.
Thánh Giacôbê cũng phải đương đầu với ý kiến như thế trong cộng đoàn của ngài.
Chỗ khác trong Thư, ngài còn nhấn mạnh hơn nữa: "Đức tin không việc làm là
đức tin chết" (Jas 2:17).
2.2/ Nếu tin Thiên Chúa, cũng phải yêu mến tha nhân: Mười Điều Răn được Đức
Kitô tóm tắt trong hai giới răn căn bản là "Mến Chúa và yêu người."
Hay một cách đơn giản hơn nữa, Đạo Công Giáo là đạo yêu thương. Dĩ nhiên, yêu
thương theo kiểu của Thiên Chúa, chứ không theo kiểu của con người. Chúa Giêsu
đòi các tín hữu phải yêu thương kẻ thù, cầu nguyện, và làm ơn cho kẻ gây thiệt
hại cho mình. Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu: phải có lòng đạo đức tinh tuyền
và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian
truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.
3/ Phúc Âm: Dân này tôn kính Ta
bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.
3.1/ Các kinh-sư và biệt-phái tố cáo môn đệ Chúa Giêsu không giữ tập tục của
tiền nhân: "Có những người biệt-phái và một số kinh-sư tụ họp quanh Đức
Giêsu. Họ là những người từ Jerusalem
đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.
Thật vậy, người biệt-phái cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống
của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ
về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa
chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người biệt-phái và kinh sư hỏi Đức
Giêsu: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ
để tay ô uế mà dùng bữa?"'' Luật Kosher của Do-thái là tất cả những luật
liên quan tới việc phải giữ làm sao cho thanh sạch trong việc ăn uống cũng như
việc tế lễ. Phần lớn những luật này là do con người thêm vào theo thời
gian.
3.2/ Hãy để ý tới những nguyên lý nền tảng: Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu muốn
dạy con người 3 điều quan trọng:
(1) Đừng thờ Thiên Chúa bằng môi miệng bên ngoài: vì Ngài thấu suốt những gì
đang xảy ra trong tâm hồn con người. Họ có thể đánh lừa người đời bằng lối sống
giả hình bên ngoài, nhưng không bao giờ qua mặt được Thiên Chúa. Chúa Giêsu dẫn
chứng lời tiên-tri Isaiah đã từng lên án hạng người này: "Ngôn sứ Isaiah
thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết
rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa
Ta."
(2) Đừng vịn vào truyền thống để hủy bỏ Lề Luật của Thiên Chúa: Chúa Giêsu tố
cáo họ: "Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống
của người phàm." Điều chúng ta phải nhận ra ở đây là Ngài không đến để phá
hủy truyền thống; nhưng Ngài muốn dạy cho họ biết phải đặt giới luật của Thiên
Chúa lên trên mọi luật lệ và truyền thống của con người. Khi nào có sự xung đột
giữa giới luật của Thiên Chúa và luật lệ hay truyền thống của con người, họ
phải can đảm tuân giữ giới luật của Thiên Chúa. Ví dụ: luật phá thai hay án tử
hình.
(3) Thanh tẩy tâm hồn bên trong cần thiết hơn thanh tẩy đồ dùng bên ngoài: Sau
đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói
đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có
thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là
cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những
ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo
trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều
xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là con người phải chú trọng đến việc thanh
tẩy trong tâm hồn, vì hậu quả của tội lỗi làm con người ô uế trầm trọng hơn sự
ô uế do đồ ăn thức uống gây ra. Những kinh-sư và biệt-phái chú trọng đến việc
thanh tẩy bên ngoài để che đậy những ô uế trong tâm hồn, vì họ nghĩ không ai có
thể thấy những gì họ giấu kín bên trong; nhưng không phải ai họ cũng giấu được,
nhất là họ không thể giấu được Đức Kitô, Người có thể thấu suốt mọi bí ẩn trong
tâm hồn của họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải thực hành mọi điều Thiên Chúa dạy trong Thập Giới, vì đó là
những Lề Luật căn bản để đem lại hạnh phúc cho con người.
- Lời Chúa không phải là những kiến thức để biết, nhưng là những điều cần thi
hành để sinh lợi ích cho con người. Nếu sau khi biết rồi mà không chịu thực
hành, chúng ta hoang phí thời giờ vô ích, vì chúng ta đã không sinh lợi được gì
cho mình và cho tha nhân.
- Vệ sinh thường thức là điều cần giữ để tránh bệnh tật; nhưng chúng ta
phải chú trọng đến việc thanh tẩy tâm hồn, vì tội lỗi làm thiệt hại linh hồn
chúng ta nhiều hơn.
Lm.An-tôn Đinh Minh
Tiên, OP.
:
Chúa Nhật tuần 22 thường niên, năm B
Suy niệm: Người biệt phái và ký lục chất vấn Ðức Giêsu vì
các môn đệ của Ngài không rửa tay trước khi ăn theo lệ truyền. Ðức Giêsu thẳng
thắn vạch rõ cho họ từng vấn đề: Nếu so sánh luật Chúa và lệ truyền của tiền
nhân, luật Chúa quan trọng và buộc phải giữ cặn kẽ hơn.
Hơn nữa, trong cách giữ luật Chúa, chỉ giữ theo
hình thức chưa phải là đã giữ trọn luật. Giữ luật vì tinh thần luật - cách giữ
luật đó mới hoàn chỉnh. Thiên Chúa thấu suốt tận đáy tâm hồn chúng ta. Chỉ
Thiên Chúa đánh giá mới chân thật, công bình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ở đời chúng con thường đóng kịch với nhau. Chúng
con thường tô son đánh phấn khi đến với nhau. Chúng con sống hình thức, giả tạo
với nhau và ngay cả với Cha. Cha là chân lý, là sự thật chắc chắn Cha không thể
chấp nhận được cách sống của chúng con. Xin Cha sửa lại con người chúng con.
Xin giúp chúng con biết sống chân thành với Cha, với chính chúng con và với anh
chị em chúng con. Chỉ khi nào chúng con biết sống theo sự thật, chúng con mới
xứng đáng là con của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu, Chúa chúng con.
Amen.
Ghi nhớ : "Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để
nắm giữ tập tục phàm nhân".
02/09/12
CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – B
Mc 7,1-8.14-15.21-23
Mc 7,1-8.14-15.21-23
SẠCH
TỪ TRONG ĐẾN NGOÀI
“Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,23)
Suy niệm: Những trái cam vàng ửng, những chùm nho mọng mướt trông thật ngon lành, nhưng người tiêu dùng vẫn không thể yên tâm vì mối nguy hiểm do dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản,… ngấm ngầm trong đó biến chúng thành những thứ thuốc độc hại chết người. Cái bẩn từ bên ngoài như bụi đất có thể rửa sạch được; còn những thứ ô nhiễm từ bên trong làm hư hỏng sự vật ngay từ bản chất, thì khó lòng gột rửa được. Chúa Giêsu nhấn mạnh những dục vọng bất chính từ lòng người xuất phát ra mới thực sự làm người ta ra dơ bẩn. Bị dơ bẩn từ trong tâm mà chỉ tẩy rửa bên ngoài mà thôi thì không thể sạch được. Chúa dạy ta muốn làm sạch phải làm sạch từ cái tâm: “Hãy bố thì những gì ở bên trong thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch” (x. Lc 11,41).
Mời Bạn: Tất cả mọi việc làm cho con người ra dơ bẩn đều là con đẻ của những “ý định xấu.” Mời bạn thanh tẩy cõi lòng mình bằng cách loại bỏ lòng tham lam, ước muốn hưởng thụ vô độ, ích kỷ, óc tự tôn và thay vào đó là tinh thần phục vụ, khiêm tốn, và hiền lành theo mẫu gương Chúa Giêsu.
Chia sẻ: Những loại văn hoá phẩm đồi truỵ từ các loại băng đĩa và mạng internet đang đầu độc tâm hồn người ta, nhất là giới thanh thiếu niên. Mời bạn và nhóm của bạn cùng quyết tâm và đưa ra sáng kiến để loại bỏ chúng.
Sống Lời Chúa: Ngay từ đầu ngày, hướng tới một ý tưởng, hay hình ảnh cao thượng, thánh thiện để tâm niệm suốt ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tạo cho con trái tim trong sạch, và đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. (Tv 50,12)
TỪ TRÁI
TIM CON NGƯỜI.
Truyền
thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết, nhưng không được quên điều cốt
tủy của luật Chúa là yêu thương.
Suy niệm:
Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một chuyện
nhỏ,
chuyện các môn đệ không rửa tay
trước khi ăn.
Ðối với người Pharisêu, sau khi ra
nơi phố chợ,
người ta thường trở nên ô uế do đụng
chạm.
Phải rửa tay, vì tay ô uế làm đồ ăn
ô uế,
và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người
ô uế.
Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định:
“Không có gì từ bên ngoài vào
trong con người
lại có thể làm cho con người ra ô
uế” (c.15).
Khẳng định này là một cuộc cách mạng
trong Do Thái giáo,
bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao
vây bởi nhiều cấm kỵ:
không được ăn thịt heo, hay thịt thú
chết ngạt;
không được đụng vào xác chết, vào
người phong cùi;
không được ăn chung với dân ngoại
hay vào nhà người tội lỗi...
Ðụng vào hay ăn vào là ô uế ngay.
Ðức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ,
đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách
kẻ xấu - người tốt,
dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ,
nô lệ và tự do...
Ngài hồn nhiên đến với những người
bị coi là ô uế
để làm họ nên sạch.
Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa
tay,
nhưng Ngài thấy nó có vẻ giả hình
vì người ta chẳng để ý đến chuyện
tẩy rửa trái tim.
Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện,
tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều
khó hơn.
Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực
sự
lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống.
Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái
tim mỗi người.
Nó không từ ngoài vào, nhưng từ
trong ra.
Ngài kể ra 12 ý định xấu xa bắt
nguồn từ trái tim,
ý định xấu dẫn đến hành động không
đẹp (cc.21-22).
Cần trở về với trái tim của mình.
Ðó không phải là một cuộc dạo chơi,
nhưng là một thách đố dám nhìn cái
tôi sau lớp mặt nạ.
“Hãy tạo cho mình một trái tim
mới” (Ed 18,31).
Ðó là lệnh truyền của Ðức Chúa,
nhưng con người chẳng thể tự mình
thay tim.
“Ta sẽ thanh tẩy các ngươi.
Ta sẽ ban cho các ngươi một trái
tim mới” (Ed 36,25tt).
Ðổi được trái tim là đổi được tất
cả.
Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở Hội Thánh.
Truyền thống, luật lệ và nghi thức
là điều cần thiết,
nhưng không được quên điều cốt tủy
của luật Chúa là yêu thương.
Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là
điều phải làm,
nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống
mình trong đó.
Chúng ta vẫn có thể lẫn lộn cái
chính với cái phụ.
“Xin mọi người nghe tôi nói đây
và hiểu cho rõ” (c.14).
Ðó là lời Ðức Giêsu nhắn nhủ đám
đông ngày xưa
và chúng ta hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu,
xin dẫn
con vào nhà của con,
căn nhà
của trái tim,
căn nhà
vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những
phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu
thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy
cho con thấy
những nhỏ
mọn, ích kỷ,
những yếu
đuối, khô khan,
những
cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo
âu, sợ hãi
đang đè
nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi
đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết
thương không biết bao giờ lành,
những đổ
vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp
con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến
đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên
hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái
tim bao dung của Chúa.
Và ước gì
khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim
con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu
mến mọi người. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Các
ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm
nhân".
Mời ông rửa tay
Trong
những đợt thi tú tài của những năm gần đây, chả năm nào mà lại không bị tố cáo
là nhiều tiêu cực. Báo chí, đài truyền hình đánh giá, phê bình đủ điều. Với
những người có tâm huyết với đất nước, với dân tộc, thì đây không chỉ là một
nỗi buồn, mà còn là một nỗi lo to lớn. Lo cho thế hệ tương lai, những người sẽ
kế thừa lớp đàn anh chúng ta. Họ sẽ chỉ là những người có mảnh bằng làm mác,
nhưng trong ruột thì rỗng tuếch. Cái bằng họ có trong tay là bằng thiệt, nhưng
chất lượng lại là học giả, hay giả học. Điều này, nếu cứ tiếp diễn, sẽ trở
thành đại họa cho quê hương, dân tộc. Hiện tượng vụ hình thức, vụ dán mác, vụ
bên ngoài, dĩ nhiên, vào thời nào cũng có. Ngay cả vào thời Chúa Giêsu.
Vì
vậy, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mạnh bạo lên tiếng cảnh báo:
Thưa Thầy, tại sao các môn đệ của Thầy, lại không theo truyền thống của tiền
nhân, là phải rửa tay trước khi ăn? Câu hỏi vừa mang tính chất kết án vì không
giữ luật, vừa mang ý chỉ trích, về sự thiếu đạo đức của các môn đệ Chúa. Với
những người đặt câu hỏi ấy; cứ cần hình thức đẹp là được. Cứ cần dán mác cho
bóng, cho hoa mỹ, là có giá trị rồi. Quả thực. Đó là xã hội gian dối. Chúa
Giêsu phản đối lối sống này. Ngài chỉ ra cho chúng ta thấy. Điều quan trọng
trong cuộc sống, là nằm trong tâm hồn. Theo Chúa, mà chỉ cốt sao giữ cho có
hình thức bên ngoài, mà không có gì trong tâm hồn. Không hề có tình yêu với
Chúa, thì những việc làm ấy đều trở thành vô ích. Điều cốt lõi, là phải lo:
Thanh tẩy tâm hồn, và trái tim. Một tâm hồn và một trái tim thanh sạch tinh
khiết, sẽ làm cho những việc làm của ta, thành tốt đẹp và giá trị. Bởi vì như
Chúa nói: Chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô
uế. Một tâm hồn ác độc, hành động của họ, khó mà có sự yêu thương.
Ngoài
việc thanh tẩy tâm hồn và trái tim, bước thứ hai phải làm là: Hãy luyện tập, để
có được một tâm hồn và trái tim biết yêu thương, biết thông cảm, biết khiêm
tốn, và biết tôn trọng sự thật.
Câu
hỏi:
1-
Bạn giữ các giới răn Chúa, vì lý do gì?
2-
Tâm hồn của bạn, giờ này trắng trong hay đã úa màu.
(Suy
niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long
Xuyên số 09/2012’)
Canh
tân tâm hồn
(Suy niệm của Lm Jos Tạ Duy Tuyền)
Có người nhìn đời mà ngao ngán bảo rằng: sao Thiên Chúa không tạo dựng "thế thật" mà lại tạo dựng "thế gian"? Thế gian nên lắm gian tà. Thế gian nên con người hay sống gian dối, lừa lọc với nhau và thiếu hẳn lối sống đơn sơ, chân thành. Thực ra thế gian ở đây không phải là thế giới gian tà mà là trần thế, dương gian. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sư đều tốt đẹp. Sự xấu do ma qủy gieo vào thế gian qua tâm hồn con người. Trước tiên nó gieo vào
trong con người sự ngờ vực Thiên Chúa. "Cứ ăn đi chẳng chết chóc gì đâu! Cứ ăn đi ngươi sẽ bằng Thiên Chúa". Con người đã để cho hạt giống ước muốn phản bội Thiên Chúa lấn chiếm vị trí số 1 trong tâm hồn. Thay vì bình an vô tư sống trong sự che chở của Thiên Chúa, con người lại nuôi dưỡng sự ngờ vực và ấp ủ những toan tính bất trung, phản bội. Hậu quả là sự xấu đã đi vào trần gian. Sự xấu chìm sâu trong bản tính con người. Sự xấu có thể bộc phát và thống lĩnh con người, nếu con người buông mình theo thói đam mê dục vọng và sống lười biếng ươn hèn. Quyền lực của sự dữ đã thống trị con người đến nỗi con người dễ làm điều xấu hơn điều thiện. Từ ngày nguyên tổ nghi ngờ Thiên Chúa cho đến hôm nay con nguời vẫn luôn nghi ngờ lẫn nhau. Từ nghi ngờ đến lối sống "bằng mặt nhưng không bằng lòng", và tệ hại nhất là sống giả hình với nhau.
Một thế giới "vàng thau lẫn lộn" nên khó phân biệt đâu là thiệt đâu là giả. Và càng khó phân biệt ai là người tốt ai là người xấu. Thế giới hôm qua cũng như hôm nay luôn có những ngừơi sống giả dối, sống hai mặt: "Ði với Chùa mặc áo Càsa - Ði với ma mặc áo giấy". Vẻ bên ngoài thường nguỵ trang cho những ý đồ đen tối đầy bất chính và gian tà bên trong.
Lời Chúa hôm nay cảnh cáo lối sống giả hình của nhóm biệt phái và luật sĩ năm xưa. Họ chú trọng đến việc canh tân hình thức bên ngoài mà quên đi việc canh tân tâm hồn. Họ nhạy cảm với sự dơ bẩn bên ngoài như đồ ăn, thức uống và vật dụng mà quên đi điều quan yếu của lề luật là gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn. Lề luật không nhằm bảo đảm cho con người được sạch sẽ thân thể, được bảo đảm an toàn thực phẩm mà nhằm gìn giữ nét đẹp của phẩm giá con người và bảo vệ con người khỏi những sự ô uế của tâm hồn. Thế nên, gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn quan trọng hơn là sự sạch sẽ bên ngoài. Thanh tẩy tâm hồn khỏi những bợn nhơ tội lỗi cần thiết hơn là những nghi lễ bên ngoài. Philatô đã từng rửa tay nhưng liệu rằng tâm hồn ông có thanh thản bình an khi dối mình "vô can trong cái chết của người công chính?".
Biết bao người đã dùng bàn tay để làm sự ác như giết người, cướp của... và họ cũng đã từng rửa tay cho sạch, nhưng làm sao họ rửa được tội ác mà họ đã gây nên? Bàn tay chỉ là dụng cụ. Bàn tay không
làm nên tội. Bàn tay bị sai khiển bởi tâm địa gian ác và lưu manh của con người.
Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: "Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam,
độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế". Thế nên, điều cần rửa là rửa tâm hồn sạch mọi những toan tính bất chính, cần phải loại bỏ những ý đồ dơ bẩn, và tránh xa những cám dỗ tội lỗi của ma qủy luôn dẫn dụ con người đi ngược lại với giáo huấn của Chúa.
Con người ngày nay dường như cũng chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài. Ngừơi ta trau truốt vẻ đẹp bên ngoài bằng biết bao mỹ phẩm. Chấp nhận tiêu hao tiền của nơi các thẩm mỹ viện để chăm sóc sắc đẹp, nhưng ít ai nghĩ đến phải trau dồi nhân đức cho xứng với phẩm giá con người. Người ta có thể hy sinh, khổ luyện hàng tháng, hàng
năm để gìn giữ vẻ đẹp thân xác, nhưng có mấy ai chịu khổ chế để gìn giữ vẻ đẹp tâm hồn. Ngày xưa người ta chú trọng đến cái nết, vì "cái nết đánh chết cái đẹp", nhưng hôm nay "cái đẹp đang đánh dẹp cái nết".
Con người ngày hôm nay quá chú trọng đến vẻ đẹp bên ngoài mà lãng quên phẩm chất đạo đức nên con người đã đánh mất hướng đi của mình. Hậu quả là cả một trào lưu ăn chơi truỵ lạc, thoái hoá đạo đức đang làm băng hoại xã hội, đánh mất đi biết những thuần phong mỹ tục nơi gia đình và xã hội. Tội lỗi ngày một gia tăng. Sự ác ngày một lan tràn.
Vâng, vẻ đẹp bên ngoài là cần thiết nhưng điều quan yếu mà chúng ta phải phấn đấu là sống sao cho nên người. Thiết tưởng lời dạy của tiền nhân năm xưa: "đói cho sạch, rách cho thơm". "Làm người phải có lòng nhân" phải là lời dạy cho con người hôm nay. Ðẹp thể xác và đẹp cả tâm hồn mới có ích cho xã hội, bằng không chỉ là hoa, là cỏ, là vật vô tri vô giác,
có khi còn có hại cho gia đình và xã hội.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết thanh luyện tâm hồn của mình khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những toan tính bất chính và đam mê thấp hèn, để tâm hồn luôn thanh khiết vẹn toàn. Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết trân trọng, yêu qúy phẩm giá cao qúy của con người là hình ảnh Thiên Chúa để biết sống cao thượng, sống đúng với luân thường đạo lý và nhất là biết sống theo lề luật của Chúa để bình an của Chúa luôn cư ngụ mãi trong cuộc đời chúng ta. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
Tháng 9
2 THÁNG CHÍN
Đứng Trước Thách Đố Rao
Giảng Tin Mừng
Sứ mạng căn bản của Giáo
Hội là rao giảng cho thế giới Tin Mừng cứu độ. Khi mang Tin Mừng cứu độ vào
giữa lòng thế giới, Giáo Hội cố gắng nhận hiểu các đặc nét văn hóa của người
ta. Giáo Hội muốn chia sẻ mọi tâm tư của con người, các giá trị và phong tục
của họ, những khó khăn mà họ phải đương đầu, những hy vọng và ước mơ của họ.
Một khi Giáo Hội biết và
hiểu được những khía cạnh văn hoá đa dạng này của một dân tộc, Giáo Hội sẽ có
thể bắt đầu cuộc đối thoại về sự cứu độ. Với thái độ vừa kính trọng vừa thẳng
thắn và trong niềm xác tín, Giáo Hội đứng ở vị trí giới thiệu Tin Mừng cứu độ
cho tất cả những ai thành tâm khao khát lắng nghe và đáp trả.
Đức Phaolô VI đã từng
nói về các tôn giáo ngoài Kitô giáo : “Các tôn giáo ấy mang trong mình âm vang
của bao ngàn năm kiếm tìm Thiên Chúa… Các tôn giáo ấy nắm giữ một di sản lớn
lao các truyền thống tín ngưỡng thâm sâu. Các tôn giáo ấy đã dạy cho bao thế hệ
con người biết cầu nguyện. Các tôn giáo ấy chứa đựng bao hạt giống được ươm
trồng bởi chính Ngôi Lời và có thể thực sự sẵn sàng để đón nhận Tin Mừng” (EN 53).
Trong niềm trân trọng
giá trị của các tôn giáo này, Giáo Hội vẫn thường nhận ra trong đó những tác
động của Chúa Thánh Thần, Đấng giống như gió “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8).
Tuy nhiên Giáo Hội luôn xác tín rằng mình phải hoàn thành trọng trách của mình
là đem lại cho thế giới chân lý mạc khải cách trọn vẹn, chân lý về ơn cứu độ
nơi Đức Giê-su Kitô. Chúng ta hãy nguyện cầu để tất cả mọi người đều nhận biết
Đức Giê-su Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02-9
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN;
Đnl 4, 1-2.6-8; Gc 1, 17-18.21b-22.27; Mc 7, 1-8.14-15.21-23.
LỜI
SUY NIỆM: Trong cuộc tranh
luận giữa Chúa Giêsu với những người Pharisêu và một số kinh sư về chuyện ô-uế
do rửa tay và không rửa tay trước khi ăn. Chúa Giêsu đã cho biết thế nào là
ô-uế và những gì làm cho con người ra ô-uế: “Vì từ bên trong, từ lòng người,
phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam,
độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu
xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô-uế.” (Mc7,21-23).
Khi nhìn vào những điều mà Chúa Giêsu đã nêu ra trên đây cho chúng ta thấy;
thật là khủng khiếp, bởi trong lòng của mỗi chúng ta ít nhiều đều có, chính
những điều này đã làm cho chúng ta ra ô-uế, và trở nên bất toàn trước mặt Chúa
và với đồng loại. Đây không phải là lời khuyên để tránh, nhưng là để mỗi người
tự xét mình lại, để thấy rõ con người của mình, mà đừng bao giờ lên án, kết tội
cho bất cứ ai.
+++++++++++++++++
02 Tháng Chín
Khuôn Mặt Giuđa
Một trong những giai
thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu chuyện danh họa Leonardo
da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội.
Leonardo đang miệt mài
trong bức tranh "Bữa Ăn Cuối Cùng" của Chúa Giêsu với các môn đệ. Tất
cả các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện nguyên hình trên
khung vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa, danh họa Leonardo
da Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một người nào làm mẫu
cho con người phản bội này... Ông đã phải đi dạo khắp nơi để tìm một khuôn mặt
xấu xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời tìm kiếm, cuối
cùng ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong khu xóm lầy lội,
nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có đầy đủ những
đường nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi đã giải thích
về bức tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng vẽ của ông
để bắt tay vào công việc.
Người được chọn làm
người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họahồi lâu. Cuối cùng, ông đốt lên một ngọn
đuốc sáng vào gương mặt của ông... Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bởi vì người
đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu...
Cũng khuôn mặt đó, nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy những đường nét của
Chúa Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của Giuđa.
Chúng ta thường nói: khi
yêu thì trái ấu cũng tròn... Trong một lá thư tình nào đó, có lẽ hai người yêu
nhau sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất trời như vô nghĩa... Tình
yêu có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp nơi
người mình yêu.
Tin và yêu là hai động
tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không thể là ngôn ngữ của khoa học.
Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời gian dài tìm kiếm, lý luận. Con
người chỉ đến với Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến tin
tưởng và phó thác.
Tomas đã đến với Chúa
Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một nhà khoa học: "Nếu tôi
không xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sường của Ngài... Tôi không
tin". Thái độ này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong công cuộc
nghiên cứu khoa học, người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng, thí
nghiệm rồi đi đến kết luận... Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình
yêu. Không ai quan sát một người nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến
một kết luận: yêu hay không yêu. Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý
luận và tìm tòi của chúng ta...
Trong đức tin cũng thế,
Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta đi vào tình yêu của
Ngài.
Tình yêu đó mời gọi
chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực của chúng ta. Tình yêu
đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa trong tất cả
mọi sự, trong ánh mắt của con người cũng như trong muôn màu sắc của thiên
nhiên. Tình yêu đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu xí của Giuđa những
đường nét yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cho chúng ta tìm thấy nơi niềm
vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình yêu ấy cho chúng ta nhìn thấy sự hiện
diện của Chúa trong những giờ phút trống rỗng vô nghĩa của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 02
CHÚA
NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN
Ngày Quôc Khánh
Ngày Quôc Khánh
Nếu Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trực diện với những sự dữ trong
đời thường, thì đó là điều tốt để mở ra cho chúng ta con đường của sự giải
thoát, tự do và hạnh phúc.
Hay nói một cách khác, sự giải thoát
cần trải qua sự thanh luyện của tâm hồn, mà điều đó trong Kinh Thánh gọi là
"con người nội tâm". Vì trái tim là nơi trú ẩn của trí khôn, ước muốn
và cảm xúc. Chính những điều này đã đem lại cho trái tim những suy tư, khả năng
thực hiện các quyết định và phơi bày những cảm xúc. Tâm hồn là nơi mà con người
gặp gỡ Thiên Chúa, "vì việc đến gần Thiên Chúa làm cho trái tim tan
chảy". Đó cũng là nơi Thiên Chúa hành động trong con người khi "Ngài
đổ tràn Tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5). Vì vậy,
nếu Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng trái tim của chúng ta cần một sự hồi
sinh, đó là phần thương tích của chính mình đang còn tạo ra những suy nghĩ tiêu
cực cho chúng ta và người khác như: “tham vọng, tự kiêu, thái quá." Sự
hiểu biết và thừa nhận sự bất lực của chúng ta, để giải quyết chúng bằng chính
sức mạnh của mình không phải là tự mãn trong cảm giác tội lỗi bệnh hoạn, nhưng
để bắt đầu một cuộc hành hương lễ Phục sinh và trải nghiệm những gì người xưa
gọi là “mở rộng
con tim".
Sr Emmanuelle Billoteau
Lectio Divina Chúa Nhật
XXII Thường Niên – Năm B
02/09/2012
02/09/2012
Chúa Giêsu thoả mãn khát vọng của con người:
được sống trong an bình với Thiên Chúa
Mc 7,1-8.14-15.21-23
Mc 7,1-8.14-15.21-23
1. Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu, xin sai Thánh Thần Chúa đến giúp chúng con đọc
Thánh Kinh bằng chính tinh thần mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường
Emmau. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra sự
hiện diện của Thiên Chúa trong những biến cố đau thương của cuộc khổ nạn
và cái chết của Chúa. Nhờ đó, thập giá tưởng chừng như dập tắt đi mọi hy
vọng, lại trở nên nguồn mạch sự sống và sự sống lại cho các môn đệ và cho
chúng con.
Xin Chúa hãy tạo nên trong chúng con sự thinh lặng để chúng con
có thể nghe được tiếng nói của Chúa, trong tạo vật và trong Thánh Kinh,
trong các biến cố và trong con người, và trên hết trong những người nghèo và
người đau khổ. Xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để cả chúng con nữa, giống
như hai môn đệ làng Emmau, cũng cảm nghiệm được sức mạnh của sự phục sinh của
Chúa và để chúng con làm chứng cho tha nhân rằng Chúa vẫn đang sống ở giữa
chúng con và là nguồn mạch của tình huynh đệ, của công lý và bình an. Chúng
con cầu xin Chúa, lạy Chúa Giêsu, Con của Đức Nữ Trinh Maria, Đấng đã mạc
khải cho chúng con biết Chúa Cha và sai Thánh Thần của Chúa đến cho chúng
con. Amen.
2. Đọc Phúc Âm
a/ Chìa khoá để đọc bản văn:
Phúc Âm Chúa Nhật tuần 22 Thường Niên thuật lại những tập tục
tôn giáo thời Chúa Giêsu, những “truyền thống tiền nhân” mà những người
Pharisêu truyền dạy. Bài Phúc Âm cũng cho biết giáo huấn của Chúa Giêsu về
vấn đề này. Nhiều việc thực hành cũng như tập tục này đã mất hết ý nghĩa
và rất khó tuân giữ. Người Pharisêu nhìn cái gì cũng thấy tội và hình phạt
sa hoả ngục. Chẳng hạn ăn mà không rửa tay là phạm tội. Những thực hành và
tập tục đó truyền từ đời này sang đời sang đời khác với não trạng sợ hãi
nhuốm màu mê tín. Bạn có biết những tập tục trong đạo hiện nay đã mất hết
ý nghĩa mà vẫn còn được truyền dạy tuân giữ không? Khi đọc bản văn Phúc
Âm,chúng ta hãy cố gắng nhìn xem thái độ của Chúa Giêsu đối với những người
Pharisêu và giáo huấn của Ngài đối với những tập tục tôn giáo mà họ giảng
dạy.
Bản văn Phúc Âm đọc trong Phụng Vụ Chúa Nhật này lược bớt một
số câu để bài đọc phụng vụ được cô đọng hơn. Để đầy đủ chúng ta sẽ trình
bài toàn bộ bản văn và cũng chú giải cả những câu bị bỏ bớt trong bài đọc
phụng vụ.
b/ Phân đoạn:
Mc 7,1-2: Khung cảnh câu chuyện: Những người Pharisêu và kinh sư thấy
các môn đệ Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn.
Mc 7,3-4: Máccô giải thích tập tục truyền thống của người Do Thái.
Mc 7,5: Các kinh sư và người Pharisêu chỉ trích tư cách của các môn đệ
Chúa Giêsu.
Mc 7,6-8: Chúa Giêsu mạnh mẽ đáp trả về lối sống bất nhất của những
người Pharisêu.
Mc 7,9-13: Chúa Giêsu trưng một ví dụ cụ thể về việc những người
Pharisêu làm cho giới răn của Thiên Chúa bị mất ý nghĩa.
Mc 7,14-16: Chúa Giêsu giải thích cho dân chúng về cách
thức mới để được thanh sạch để đến với Thiên Chúa.
Mc 7,17-23: Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ.
c) Đọc bản văn Mc 1,1-8:
7,1 Có những người Pha-ri-sêu và
một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người
dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng
như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì,
khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn
giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ
của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: "Ngôn sứ
I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi
viết rằng:
Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa
Ta.
7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng
vô ích,
vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.
8 Các ông gạt bỏ điều răn của
Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”
9 Người còn nói: “Các ông thật
khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng:
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! 11 Còn các ông, các ông lại bảo :
"Người nào nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là
"co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi, 12 và các ông không để cho người
ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống
các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều
điều khác giống như vậy nữa!”
14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám
đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài
vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái
từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
16 Ai có tai nghe thì nghe!"
17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông
mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.18 Người nói với các ông: “Cả anh
em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì
từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng,
nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi
thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói: "Cái gì từ
trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ lòng người,
phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác,
xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó,
đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
3. Phút cầu nguyện thinh lặng
Dành thời gian thinh lặng, chìm sâu trong bầu khí cầu nguyện
để Lời Chúa thấm nhập và soi sáng tâm hồn.
4. Câu hỏi gợi ý
a/ Điều gì bạn thích nhất hoặc đánh động tâm hồn bạn nhất
trong bản văn này? Tại sao?
b/ Theo bản văn, đâu là những thực hành mà người Pharisêu giảng
dạy dân chúng? Chúa lên án những người Pharisêu về điều gì?
c/ Trong bản văn này, Chúa Giêsu dạy dân chúng cách thức mới nào
để đến với Thiên Chúa?
d/ Người Pharisêu nhân danh “truyền thống tiền nhân” để không
tuân giữ giới răn của Chúa. Điều đó ngày nay có xảy ra nữa không? Ở đâu? Khi
nào?
e/ Những người Pharisêu thực hành truyền thống Do Thái nhưng
lòng họ thì lìa xa Thiên Chúa. Chúa Giêsu lên án họ về điều này. Liệu ngày
nay Ngài có lên án chúng ta như thế không? Tại sao?
5. Tìm Hiểu bản văn
a/ Ngữ cảnh bản văn
1) Chúng ta hãy chú ý thái độ của Chúa Giêsu
đứng trước vấn đề thanh sạch. Trong những đoạn trước Máccô đã đề cập đến
vấn đề ô uế-thanh sạch. Mc 1,23-28 kể lại Chúa Giêsu đã trục xuất thần ô
uế ra khỏi một người. Chúa cũng đã chữa lành một người phong cùi (Mc
1,40-45). Người đàn bà bị bệnh băng huyết, vốn bị coi là dơ bẩn, cũng đã
được Chúa chữa lành (Mc 5,25-34). Trong nhiều trường hợp khác, Chúa đụng chạm
đến người bệnh tật để chữa lành họ mà Ngài không sợ bị trở nên dơ bẩn.
Trong chương 7 này, Chúa Giêsu giúp cho dân chúng và các môn đệ có cái nhìn
sâu hơn về sự thanh sạch và luật giữ thanh sạch.
2) Trải qua bao thế kỷ, để người Do Thái khỏi
bị lây nhiễm ô uế, việc giao tiếp, ăn uống với người dân ngoại là bị cấm
chỉ. Trong thập niên 70, vào lúc Máccô viết Phúc Âm này, một số người Kitô
hữu gốc Do Thái đã cho rằng: “Giờ đây đã là kitô hữu, chúng ta phải vất lại
sau lưng những thực hành xưa cũ đã làm chúng ta xa lìa với những người dân
ngoại trở lại!” Nhưng một số Kitô hữu gốc Do Thái khác lại nghĩ rằng họ phải
tiếp tục tuân giữ luật buộc về thanh sạch. Trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm
nay, Chúa Giêsu giúp họ vượt qua vấn nạn này.
b/ Chú giải bản văn
Mc 7,1-2: Khung cảnh câu chuyện.
Những người Pharisêu và kinh sư ở Giêrusalem dò xét các môn đệ
Chúa Giêsu thấy họ ăn với những bàn tay không thanh sạch. Ở đây có ba điểm đáng lưu ý: (1) Các kinh sư đến từ thánh đô
Giêrusalem! Điều này có nghĩa là đến để dò xét và kiểm soát đường đi nước
bước của Chúa Giêsu. (2) Các môn đệ không rửa tay trước khi ăn! Thế có nghĩa
là các môn đệ dựa thế mình sống với Chúa Giêsu nên mới cả gan vi phạm qui
tắc đã được truyền thống ấn định này. (3) Việc rửa tay trước khi ăn, đối
với thời đại ngày nay là một chuyện quan trọng thuộc lĩnh vực vệ sinh sức
khoẻ, thế nhưng thời đó lại có một ý nghĩa tôn giáo dùng để kiểm soát và
phân biệt người sạch hay dơ.
Mc 7,3-4: Máccô giải thích tập tục
truyền thống của người Do Thái.
“Truyền thống tiền nhân” nay chuyển thành qui tắc bó buộc
người ta phải tuân giữ để đạt được sự thanh sạch theo lề luật. Mà việc giữ
thanh sạch này là một việc hết sức quan trọng. Họ tin rằng một người dơ bẩn
không thể nhận được phúc lành Chúa hứa cho Apraham. Dân chúng được dạy rằng
ai giữ luật thanh sạch, người đó mới có thể đi trên đường dẫn tới Thiên
Chúa, nguồn mạch bình an. Thế nhưng, thay vì đem lại bình an, những luật lệ
này lại trở nên xiềng xích trói buộc, một hình thức nô lệ. Trên thực tế,
những người nghèo không thể tuân giữ những qui tắc luật lệ này được. Vì
thế, người nghèo bị khinh miệt, và bị coi như những người ngu dót và bị
nguyền rủa vì không biết Lề Luật (Ga 7,49).
Mc 7,5: Các kinh sư và người Pharisêu
chỉ trích tư cách của các môn đệ Chúa Giêsu.
Các kinh sư và những người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: Tại sao môn
đệ của Ngài không tôn trọng truyền thống tiền nhân mà lại ăn uống với
những bàn tay dơ bẩn? Họ ra vẻ quan tâm muốn biết lý do các môn đệ hành xử
như vậy. Thực ra họ đang chỉ trích Chúa Giêsu đã cho phép các môn đệ
của Ngài vi phạm những luật lệ về thanh sạch. Các kinh sư và các tiến
sĩ luật là những người canh giữ lề luật. Họ dành cả cuộc đời họ để nghiên
cứu Lề Luật và dạy dân chúng tuân giữ Lề Luật cho trọn vẹn, đặc biệt luật
về thanh sạch. Những người Pharisêu là một loại hội ái hữu huynh đệ, mối
bận tâm chính của họ là tuân thủ mọi luật lệ về thanh sạch. Pharisêu có
nghĩa là tách biệt riêng ra, là Biệt phái. Họ ra sức tuân giữ lề luật cách trọn hảo để được
trở nên thanh sạch, được tách riêng ravà được thánh thiện như Lề Luật truyền thống
đòi hỏi! Nhờ đời sống mẫu mực như thế trong việc tuân giữ lề luật, họ rất
được nể trọng và có uy thế ở các làng mạc thành thị miền Galilê.
Mc 7,6-8: Chúa Giêsu lên án sự bất nhất
trong lối sống của những người Pharisêu.
Chúa Giêsu đáp trả những người Pharisêu bằng cách trưng dẫn tiên
tri Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi
bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng
vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của
Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Is 29,13). Bởi chưng, khi chăm
chắm vào những qui tắc về thanh sạch, những người Pharisêu làm cho điều răn
của Thiên Chúa mất hết ý nghĩa. Chúa Giêsu liền đưa ra một ví dụ cụ thể
giải thích điều đó.
Mc 7,9-13: Chúa Giêsu trưng một ví dụ cụ
thể.
“Truyền thống tiền nhân” dạy một người con đã dâng hiến tài
sản mình vào Đền Thờ thì không được dùng tài sản đó để giúp cha mẹ đang túng
thiếu nữa. Như vậy, nhân danh truyền thống, họ đã làm cho giới răn thứ bốn “Thảo kính cha mẹ” trở thành vô nghĩa. Ngày nay
vẫn còn có những con người như vậy. Họ có vẻ trung thành tuân giữ lê luật,
nhưng chỉ ở bên ngoài thôi. Còn trong lòng thì họ xa Chúa. Ngay trong thời Chúa
Giêsu, có nhiều người, theo sự khôn ngoan, đã bất đồng với những gì họ được
giảng dạy. Họ hy vọng Đấng Mêsia một ngày kia sẽ tới chỉ ra cho họ một con
đường khác để nên thanh sạch. Niềm hy vọng đó được đặt nơi Chúa Giêsu.
Mc 7,14-16: Chúa Giêsu giải thích cho dân
chúng về cách thức mới để được thanh sạch để đến với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Không có gì từ ngoài vào trong con
người mà lại có thể làm cho người ấy ra ô uế!” (Mc 7,15). Chúa Giêsu đảo
ngược lại cái nhìn: điều dơ bẩn không phải từ ngoài vào trong, như các tiến
sĩ luật đã dạy, mà lả từ trong ra ngoài. Vì hế không ai cần phải hỏi thức ăn
hya đồ uống này sạch hay dơ nữa. Chúa Giêsu đặt vấn đề sạch hay dơ ở một
tầm mức cao hơn, tầm mức hành vi đạo đức. Ngài cho thấy một con đường mới
dẫn đến Thiên Chúa và như thế, Ngài làm thoả mãn khát vọng của dân chúng.
Chúa Giêsu kết thúc lời giải thích của Ngài bằng một câu nói Ngài vẫn thích
dùng: Ai có tai để nghe thì hãy
nghe. Ngài muốn nói: Đấy, các người
đã nghe rồi đó. Hãy cố mà hiểu! Hay nói cách khác, hãy sử dụng lương tri của
mình mà quan sát những gì các người cảm nghiệm trong cuộc sống.
Mc 7,17-23: Chúa Giêsu giải thích cho các
môn đệ.
Các môn đệ không hiểu điều Chúa Giêsu muốn nói. Về nhà họ xin
Ngài giải thích. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì họ không hiểu. Ngài giải thích sâu
hơn vấn đề thanh sạch. Ngài tuyên bố mọi thức ăn đều sạch. Không có thức ăn
nào từ ngoài vào trong con người có thể làm con người dơ bẩn, bởi vì nó không
đi vào tâm hồn mà đi vào bụng và rồi bị thải ra ngoài. Điều làm cho người ta
dơ bẩn là những cái đến từ bên trong, từ lòng người, những điều đầu độc
những mối tương quan nhân loại. Rồi Ngài nhắc đến: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo
trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” Như vậy, bằng lời nói, việc làm và bằng chính cuộc sống, Chúa
Giêsu giúp các môn đệ trở nên thanh sạch. Bằng lời nói, Chúa chữa người phong cùi (Mc
1,40-44), xua trừ thần ô uế (Mc 1,26.39; 3,15.22, v.v.) và đẩy lui cái
chết, nguồn mạch mọi sự ô uế. bằng việc làm, Chúa chữa lành người phụ nữ
mắc bệnh băng huyết bị coi là dơ bẩn và bị xua đuổi (Mc 5,25-34). Bằng cách sống với Chúa, các môn đệ có can đảm
để bắt chước Ngài, không sợ bị lây nhiễm ô uế, ăn uống với những người bị
coi là không thanh sạch (Mc 2,15-17).
6. Cầu Nguyện
a/ Thánh Vịnh 24 (23)
CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
Ai được lên núi CHÚA ?
Ai được ở trong đền thánh của Người ?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai ?
Là ĐỨC CHÚA mạnh mẽ oai hùng
ĐỨC CHÚA oai hùng khi xuất trận.
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai ?
Là Chúa Tể càn khôn : chính Người là Đức Vua vinh hiển.
b/ Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám tạ Chúa đã ban Lời giúp chúng con
hiểu biết thánh ý Chúa Cha hơn. Xin Thánh Thần Chúa soi sáng hành động của
chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành những gì Lời Chúa đã tỏ
cho chúng con biết. Xin giúp chúng con noi gương Đức Maria, Mẹ Chúa, không chỉ
nghe suông mà còn biết đem Lời Chúa ra thực hành. Chúa là Đấng hằng sống và
hiển trị cùng với Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Amen.
7. Chiêm Niệm
Trong thinh lặng, phó dâng tất cả tâm trí mình cho Chúa, để nhờ
Lời của Ngài biến đổi chúng ta thành con người mới luôn sẵn sàng làm theo ý
Chúa. “Này anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc
cho anh em!” (Ga 13,17)
(nguồn: ocarm.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét