Thứ Ba sau Chúa Nhật 22 Quanh Năm
Lc 4,31-37 |
"Con người xác thịt
không hiểu được những sự thuộc về Thánh Thần của Thiên Chúa, còn con người
thiêng liêng đoán xét được mọi sự".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Thánh Thần
thấu suốt mọi sự, cả những điều thâm sâu của Thiên Chúa. Vì ai trong loài người
biết được những sự thuộc về con người, nếu không phải là thần trí của con người
ở trong người ấy? Cũng vậy, không ai biết được những sự thuộc về Thiên Chúa,
nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa? Phần chúng ta, chúng ta đã không nhận
lãnh tinh thần thế tục, nhưng nhận lãnh Thánh Thần bởi Thiên Chúa, để chúng ta
nhận biết những sự Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Những điều đó, chúng tôi
giảng dạy không phải bằng những lời khôn ngoan của loài người, nhưng bằng giáo
lý của Thánh Thần, giãi bày những điều thiêng liêng cho những người thiêng
liêng. Con người xác thịt không hiểu được những sự thuộc về Thánh Thần của
Thiên Chúa, bởi nó cho là điên rồ và không thể hiểu biết được, vì điều đó phải
được xét đoán theo cách thiêng liêng. Còn con người thiêng liêng đoán xét được
mọi sự, và kẻ ấy không bị ai đoán xét. Vì nào ai biết được tư tưởng của Chúa,
để dạy dỗ Người? Nhưng phần chúng ta, chúng ta có tư tưởng của Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 10-11.
12-13ab. 13cd-14
Ðáp: Chúa công minh trong mọi đường lối (c. 17a).
Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ
bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với
mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, mọi công cuộc
của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên
hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.
3) Ðể con cái loài người nhận
biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu
muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.
4) Chúa trung thành trong mọi
lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy
những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ
lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 4, 31-37
"Tôi biết Ngài là ai
rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống
thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat.
Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền.
Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng:
"Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến
tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên
Chúa". Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi
người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà
không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ
lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải
xuất ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh
Luca nhằm giới thiệu cho chúng ta sức thu hút và uy quyền của Lời Ðức Giêsu.
Trước lời giảng dạy của Ðức Giêsu, dân chúng kinh ngạc, lạ lùng về giáo huấn
khác thường của Ngài. Cũng chính từ lời Ngài có sức mạnh khiến thần ô uế phải
nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân. Vì Ðức Giêsu là Thiên Chúa nên lời của Ngài có
sức cảm hóa phi thường.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa đã
đem lại sự phấn khởi kính phục đối với dân chúng xưa. Lời Chúa khiến thần ô uế
phải khiếp sợ và vội vàng xuất khỏi con bệnh.
Lời Chúa hôm nay vẫn tiếp tục
đem sức mạnh cho Giáo Hội, hoán cải các tâm hồn lầm lạc, chỉ đường dẫn lối cho
những người thiện tâm. Xin cho chúng con biết cởi mở tâm hồn đón nhận Lời Hằng
Sống, để sinh lực của Chúa luôn tuôn tràn trong chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Lời Nói và Cuộc Sống
(Lc 4, 31-37)
Suy Niệm:
Lời Nói và Cuộc Sống
Ðược bầu làm Bề trên cộng
đoàn, một Tu sĩ nọ đến hỏi một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện:
- Thưa cha, thế nào là một
bài giảng hay?
Vị ẩn sĩ trả lời:
- Một bài giảng hay phải là
bài giảng có nhập đề và kết luận hay, nhất là phần nhập đề và kết luận càng gần
nhau càng tốt.
Khi nói đến khoảng cách giữa
nhập đề và kết luận trong một bài giảng, hẳn vị ẩn sĩ muốn nói đến sự trung
thực của lời nói. Một lời nói được xem là trung thực khi giữa lời nói và thực
tế không có khoảng cách, nhưng có sự thống nhất giữa lời nói và cuộc sống.
Lời nói vốn là phạm trù cơ
bản nhất trong Kitô giáo. Ở khởi đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng hoạt động
đầu tiên của Thiên Chúa là nói, nhưng khi Thiên Chúa nói thì liền có vạn vật.
Không có khoảng cách giữa lời của Thiên Chúa và hành động của Ngài. Lời của
Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có
hiệu quả. Khởi đầu Tin Mừng của ngài, thánh Gioan cũng xác quyết: "Từ khởi
thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể". Nơi Chúa Giêsu, lời là thực
tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa lời Ngài và cuộc sống của Ngài. Và đó có
thể là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.
Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng
có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người
khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và
hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: "Câm đi, hãy ra khỏi
người này", thì phép lạ liền xẩy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã
thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ
đương thời.
Phép lạ của Chúa Giêsu cũng
là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa
Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng
thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người
câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Chúa Giêsu: giải phóng
trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã
có lần nói với người Do thái: "Sự thật sẽ giải phóng các ngươi".
Lời Chúa là lời chân thật.
Ước gì lời ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ xiềng xích của dối trá, để lời
tuyên xưng và cuộc sống của chúng ta luôn được thống nhất. Trong một xã hội đầy
trói buộc và dối trá thì chứng tá cuộc sống là lời nói có giá trị nhất.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: 1 Cor 2:10-16; Lk
4:31-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong việc hiểu
biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vai trò quan trọng của
Thánh Thần trong việc giúp hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
1.1/ Thánh Phaolô dùng sự lọai suy dễ hiểu để cắt
nghĩa sự cần thiết của Thánh Thần trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên
Chúa:
“Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là
thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì
nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.” Ngài muốn nói có
những nỗi ưu tư sâu kín trong mỗi người mà người khác không bao giờ hiểu nổi
trừ thần trí của mỗi người. Cũng vậy có những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa mà con
người không thể hiểu nổi trừ Thánh Thần của Thiên Chúa.
Chính vì điều này mà Chúa Giêsu nói với Phêrô
khi ông tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa: “Này anh Simon con ông Jonah,
anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy,
nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17). Hay thánh Phaolô đã
khẳng định: “Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa mà không do
Thánh Thần hướng dẫn” (I Cor 12:3b). Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có thể
hiểu những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.
1.2/ Thánh Thần giúp người rao giảng hiểu biết và
trình bày những mầu nhiệm này. Trước khi có thể rao giảng những mầu nhiệm của Thiên
Chúa, người rao giảng cần phải được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để hiểu những mầu
nhiệm này, vì không ai có thể cho cái mình không có. Sau khi hiểu rồi, họ còn
phải đựơc sự hướng dẫn của Thánh Thần trong cách trình bày những mầu nhiệm này
cho người nghe: “Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã
học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được
nơi Thánh Thần. Chúng tôi dùng những lời lẽ Thánh Thần linh hứng để diễn tả
thực tại thuộc về Thánh Thần.”
1.3/ Thánh Thần giúp người nghe hiểu và sống Lời
Chúa.
Thánh Thần không chỉ tác động trên người rao giảng mà còn phải tác động trên
người nghe; nếu không, người nghe sẽ không hiểu hay hiểu sai những mầu nhiệm
của Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả quyết điều này: “Phần chúng ta, chúng ta đã
không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thánh Thần phát xuất từ Thiên
Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Con người sống
theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thánh Thần Thiên Chúa, vì
cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thánh Thần mới có
thể xét đoán. Nhưng con người sống theo Thánh Thần thì xét đoán được mọi sự, mà
chẳng có ai xét đoán được người đó.”
Và ngài kết luận sự cần thiết của Thánh Thần
trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa như sau: “Thật vậy, ai đã
biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho Người? Còn chúng tôi, chúng tôi biết được
tư tưởng của Đức Kitô.” Điều xác quyết này cho thấy Thánh Thần của Chúa Kitô
cũng là Thánh Thần giúp thánh Phaolô và các người rao giảng hiểu được những gì
Chúa Kitô trình bày, và cũng là Thánh Thần sẽ trợ giúp cho những người nghe thì
họ mới có thể hiểu được các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Quỉ ô uế luôn sợ hãi sự hiện diện của
Thánh Thần.
2.1/ Lời của Chúa Kitô là lời có uy quyền vì được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Khi nghe người rao giảng trình bày, khán giả
có thể nhận ra giá trị những lời của họ. Càng hiểu biết về các lãnh vực chuyên
môn bao nhiêu, khán giả càng dễ nhận ra giá trị của diễn giả trình bày về lãnh
vực chuyên môn đó bấy nhiêu. Vì thế, không lạ gì khi Chúa Giêsu xuống
Capernaum, một thành miền Galilee, vào ngày Sabath, để giảng dạy dân chúng. Họ
sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
2.2/ Phản ứng của quỉ thần ô uế:
Đối ngược với sự hiện diện của Thánh Thần là
quỉ thần. Nếu Thánh Thần giúp con người hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên
Chúa thì quỉ thần sẽ tìm cách tiêu diệt để con người không thể hiểu những mầu
nhiệm này. Người Ai-Cập tin có tất cả 36 thứ quỉ thần luôn chờ đợi để vào qua
các giác quan và tác hại nơi con người: quỉ câm, quỉ điếc, quỉ dâm dục… Quỉ ô
uế trong Phúc Âm hôm nay có thể hiểu là quỉ dâm dục, chúng biết và khiếp sợ uy
quyền của Chúa Giêsu: "Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến
ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh
của Thiên Chúa!"
Trước tiên chúng ta cần tin tưởng: Quỉ thần
chỉ có uy quyền trên con người chứ không bao giờ có uy quyền trên Thiên Chúa và
những người được Thiên Chúa gìn giữ. Chúa tiêu diệt quỉ thần bằng hai cách:
(1) Trừ quỉ bằng uy quyền của Thiên Chúa: như Phúc Âm hôm nay
tường thuật. Ngài quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Quỷ
vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm
hại gì anh.
(2) Lời Chúa: Trong Cựu Ước, nhất là trong các biến cố
tường thuật việc Chúa gọi các tiên tri, Ngài tiêu diệt sự ô uế nhơ bẩn bằng
cách đặt Lời Ngài vào miệng tiên tri Jeremiah (Jer 1:9), hay bắt Ezekiel há
miệng ăn sách Lời Chúa (Eze 3:2). Một khi đã có Lời Chúa là có sự hiện diện và
uy quyền của Thiên Chúa. Cũng vậy, trong Tân Ước, các Tông Đồ và các môn đệ
cũng được thanh tẩy bằng Lời Chúa. Một khi đã có những Lời này là có sự hiện
diện và uy quyền của Thánh Thần của Thiên Chúa, các ông có thể khai trừ quỉ
bằng những Lời này. Không lạ gì khi mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với
nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho
các thần ô uế, và chúng phải xuất!"
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
(1) Sự hiện diện cần thiết của Chúa Thánh Thần
trong việc hiểu biết và loan truyền các mầu nhiệm của Thiên Chúa là chuyện có
thật. Nếu các nhà rao giảng lơ là với sự cần thiết của Chúa Thánh Thần thì
chẳng lạ gì khi không thấy hiệu quả của lời rao giảng của họ: chỉ là nước đổ
đầu vịt mà thôi!
(2) Sự hiện diện của quỉ thần trong đời sống
là chuyện có thật chứ không phải chuyện giả tưởng. Đức Giáo Hoàng đương kim
Benedictô đang cảnh cáo về việc coi thường sự hiện diện của quỉ thần trong đời
sống con người.
(3) Chúng ta có thể tiêu diệt quỉ thần bằng
cách để cho Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.
Thứ Ba tuần 22 thường niên
Sứ điệp:Chúa Giêsu là Đấng quyền
năng. Người đến giải thoát con người khỏi ách thống trị của quỷ dữ. Ta hãy để
cho Chúa giải thoát ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, không ai trong chúng con muốn đau khổ, nhưng
nhìn nhận thân phận khốn cùng của mình để được Chúa giải thoát, lại là một điều
khó. Chúa nhìn thấy con đau khổ, tội lỗi, và Chúa muốn giải thoát con. Nhưng
cũng như người bị quỷ ám xưa, con lại không muốn chấp nhận để cho Chúa giải
thoát, con muốn cắt đứt mọi liên hệ với Chúa. Chính quỷ dữ lôi kéo con chạy
trốn Chúa, thúc đẩy con xua đuổi Chúa để con ở lì trong tội lỗi và ngụp lặn
trong bể khổ.
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con mà chẳng cần có
con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu con không muốn. Hôm nay, con nhìn nhận
thân phận khốn cùng của mình, xin Chúa đến giải thoát con. Được thoát ách thống
trị của quỷ dữ để phụng sự Chúa, đó là hạnh phúc. Được thoát ách nô lệ tội lỗi
để sống đời tự do thánh thiện, đó là niềm vui của con.
Xin Chúa gìn giữ con luôn sống thánh thiện trong
ân sủng của Chúa. Khi nhìn thấy Chúa trừ quỷ, người ta đã kinh ngạc và dần dần
nhận ra uy quyền của Chúa. Khi nhìn thấy các Kitô hữu chúng con thánh thiện,
thế giới hôm nay sẽ nhận ra quyền năng cứu độ của Chúa. Khi con không nô lệ đam
mê tội lỗi và quỷ dữ, đó là dấu hiệu ơn thánh Chúa đã chiến thắng nơi con. Xin
Chúa giúp con sống thánh thiện, để sự thánh thiện trở thành dấu hiệu chứng tỏ
cho thế giới hôm nay nhận ra sự hiện diện quyền năng của Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên
Chúa".
04/09/12
THỨ BA TUẦN 22 TN
Lc 4,31-37
Lc 4,31-37
ĐEM
ĐẠO VÀO ĐỜI
Trong hội đường có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Lc 4,33-34)
Suy niệm: Các kiểu nói như “đem đạo vào đời, thánh hóa các thực tại trần thế” mới được nói nhiều đến trong những thập niên cuối thế kỷ trước. Nhưng từ thời Chúa Giê-su, việc đó đã khởi sự. Bởi lẽ sứ mạng của Chúa Giê-su là nhập cuộc vào thế gian này để giang tay cứu độ hết muôn người và dẫn họ về với Chúa Cha. Ma quỷ không muốn thế. Để giảm thiểu tầm hoạt động của Chúa, nó đề nghị giải pháp “qui hoạch” “khoanh vùng” mà thực tế là để nó tự do tung hoành: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” Đối với nó việc Chúa đến để tiêu diệt nó là một việc “dài tay”, ngoài phận sự, tốt nhất chuyện ai nấy làm.
Mời Bạn: Cảnh giác với tinh thần tục hóa có đặc điểm là coi vật chất tự nó đủ cho con người, không cần ơn cứu độ của Chúa Giê-su, không liên hệ gì với sự thiêng thánh; coi những giáo huấn của Chúa không dính dáng gì đến trần thế. Chúng ta được mời gọi đem “đạo” vào “đời”, lấy Phúc Âm Chúa Giê-su thấm nhiễm các thực tại trần thế.
Chia sẻ: Bạn gặp khó khăn nào khi phản ứng lại sự ác đang hoành hành nơi bạn sinh sống, làm việc? Sự hiện diện của bạn ở giữa anh em lương dân có trở thành một lời mời gọi mọi người hướng tới sự thánh thiện không?
Sống Lời Chúa: Tham gia phục vụ công ích với tinh thần Phúc Âm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin cho con theo chân Chúa trên khắp nẻo đường truyền giáo để lấy Tin Mừng soi sáng và cứu độ tha nhân.
LỜI CÓ
UY QUYỀN.
Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài. Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy
và cho chúng ta được tự do.
Suy niệm:
Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là
một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày
sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt
trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c.
32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị
quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa:
“Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Ông đến tiêu
diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu,
làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến
không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là
ai.
Nó biết được điều mà dân chúng không biết về
căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).
Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và
Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát
mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này!”
Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi
miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải
xuất ra.
Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên
người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không
làm hại được anh.
Người trong hội đường kinh ngạc, không vì
chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói
của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng
nghe.
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị
bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn
mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi
những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào
mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con
người.
Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế
trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không
đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến
thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể
giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi
đầu.
Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài
khiến nó phải tháo lui.
Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong
đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng
ta được tự do.
Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có
thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự
ô uế ra khỏi đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô
lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo
ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do
trước đam mê của trái tim,
tự do
trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải
phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ
nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy
cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa
Giêsu,
xin cho
chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự
do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa
đồng bàn với người tội lỗi
và chữa
bệnh ngày Sabát.
Chúa tự
do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa
không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự
do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa
yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho
chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng
con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Tôi
biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa".
Bộ mặt đích thực của Giáo Hội
Khi
Giáo Hội sống đúng ơn gọi và sứ mệnh của mình, Giáo Hội là một sức mạnh tinh
thần khiến cho các chế độ chính trị phải trọng nể hay lo sợ. Sức mạnh ấy không
tới từ thế giới hay những phương tiện Giáo Hội có trong tay.
Giáo
Hội múc lấy sức mạnh từ chính uy quyền của Ðấng sáng lập là Chúa Kitô. Thật
thế, Chúa Kitô đã hứa ngay cả cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi Giáo Hội. Chúa
Giêsu đã phú bẩm cho Giáo Hội uy quyền của chính Ngài. Tin Mừng hôm nay ghi lại
phản ứng của dân chúng khi họ lắng nghe lời giảng dạy của Ngài và nhất là khi
Ngài trừ quỉ. Họ thán phục vì Ngài giảng dạy như Ðấng có uy quyền.
Trong
cách đánh giá thông thường, một người xem là có uy tín khi tài năng hay đức độ
của người đó được nhìn nhận, lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục
người khác, việc làm có uy tín của một người có thể tạo được niềm tin nơi người
khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm thường đi đôi với
nhau, hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo. Chúa Giêsu
giảng dạy như Ðấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã
sống và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi
cuộc sống và những việc làm của Ngài. Ðây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc
cho Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa
Giêsu khi Giáo Hội sống và rao giảng những gì Ngài đã sống và rao giảng. Giáo
Hội chỉ thực sự thể hiện được bộ mặt đích thực của mình khi sống phục vụ mà
thôi. Càng thể hiện được bộ mặt thật ấy, Giáo Hội càng tỏ ra là một sức mạnh có
sức đạp đổ mọi thứ khí giới và sự dữ và trở thành chỗ dựa cho mọi người.
Là
thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu có nghĩa vụ phải bày tỏ bộ mặt đích
thực của Giáo Hội. Sức mạnh và uy quyền của Giáo Hội được thể hiện không phải
qua con số các tín hữu hay qua các biểu dương của số đông mà thiết yếu qua cuộc
sống có tính thuyết phục của các tín hữu. Giữa một xã hội trống rỗng những giá
trị đạo đức, các tín hữu Kitô phải thể hiện một niềm tin có sức mang lại ý
nghĩa cho cuộc sống. Giữa một xã hội băng giá về ích kỷ, các tín hữu Kitô cần
phải sống một tình mến có sức sưởi ấm tâm hồn con người. Giữa một xã hội chao
đảo về thiếu định hướng, các tín hữu Kitô phải bày tỏ một niềm hy vọng có sức
soi rọi vào tăm tối của cuộc sống mọi người.
Nguyện
xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy với uy quyền, củng cố niềm tin, gia tăng đức mến
và bảo toàn niềm trông cậy nơi chúng ta.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Một người đầy uy quyền
Trong hội đường có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên
rằng: “Ông Giêsu Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu
diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”
Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”quỷ vật người
ấy xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. (Lc.
4, 33-35)
Ngay
từ buổi đầu cuộc giảng đạo công khai, Đức Giêsu tỏ ra một người đầy uy lực. Lời
và hành động của Người biểu lộ quyền bính phi thường.
Chỉ
trong một thời gian ngắn, Đức Giêsu đã tỏ ra là bậc thầy dạy một giáo lý vững
chắc có sức đáng động và gây ấn tượng mạnh ngay tại những người Do-thái chịu
ảnh hưởng của nhiều trường luật sĩ giảng dạy rất đông đệ tử. Dân chúng say mê
nghe lời Người. Không phải chỉ nhờ lời nói hay. Người còn liên kết sứ điệp của
Người với quyền phép trừ quỷ bằng một sức mạnh làm những người chứng kiến kinh
ngạc.
Từ
hai ngàn năm, Đức Giêsu không bao giờ ngừng tạo thế lực vừa bằng đạo lý, vừa
bằng hành động giải phóng nhân loại, không chỉ cứu thân xác bệnh hoạn mà nhất
là cứu tâm trí con người được hạnh phúc. Ngày nay hơn bao giờ hết, Người lôi
cuốn mọi người khám phá về Người. Không bao giờ người ta nói về Người nhiều như
ngày nay, hoặc để thử loại bỏ Người, chối không có Người hoặc bảo vệ Người rất
nhiệt tình. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, sách vở, nghệ thuật âm nhạc,
quảng cáo đã thấm nhập về Đức Kitô và tuyên truyền làm cho người ta hiểu biết
về Đức Kitô một cách tiêu cực hay tích cực.
Dù
người ta nói gì, Người vẫn là một bậc Thầy vĩ đại trong các bậc Thầy cho mọi
người trên trái đất phải suy nghĩ. Đúng như câu kết thúc đoạn Tin Mừng hôm nay:
“Tiếng
đồn về Người lan ra khắp mọi nơi”. Và như ông Si-mê-on đã nói tiên tri: “Thiên
Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en, vấp ngã hay được
chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà,thì một
mũi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người
phải lộ ra”. (Lc. 2, 34-35)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
4 THÁNG CHÍN
Cắm Rễ Thâm Sâu Trong
Thiên Chúa
Ý nghĩa của việc “củng
cố mạnh mẽ con người nội tâm” – là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng
chúng ta – được giải thích rõ trong thư gửi tín hữu Eâphêsô: “Xin cho anh em
được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để có đủ sức thấu hiểu và
nhận biết tình yêu của Đức Kitô vốn vượt quá mọi sự hiểu biết. Như vậy anh em
sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa”. (Ep 3,17-19).
Điều đó chỉ có thể được
hoàn thành bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong tinh thần con
người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khai phóng cho chúng ta sự viên mãn
của con người nội tâm như được tìm thấy nơi tấm lòng của Đức Kitô. Chỉ có Ngài
mới có thể làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng hấp thu năng lực từ nguồn viên
mãn này. Tâm hồn chúng ta – tức con người nội tâm – không thể chỉ dừng lại nơi
những ưu tư về các thực tại chóng qua. Không, chúng ta phải “bén rễ sâu” trong
tình yêu không bao giờ hư mất.
Nguyện xin Nữ Tì khiêm
cung của Thiên Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để trái tim nhân loại
của chúng ta có thể “bén rễ sâu” trong Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài là tình yêu
không bao giờ hư mất. Và tình yêu này được mạc khải nơi trái tim nhân loại của
Đấng được sinh bởi cung lòng Đức Maria.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04-9
1Cr 2, 10b-16; Lc 4, 31-37
LỜI
SUY NIỆM: Người xuống
Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày Sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ
sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời Người có uy quyền.” (Lc 4, 31-32)
Những người đến nghe Chúa Giêsu giảng dạy, họ chứng kiến những lời nói của Ngài
có đầy quyền năng trên các bệnh nhân, trên các người mang tật nguyền, trên cả
thiên nhiên như với sóng biển với cuồng phong, nhất là trên những người bị quỷ
ám, cả trên những kẻ đã chết cũng được sống lại khi đã nặng mùi. Nhất là người
có quyền tha tội. Những lời Ngài nói không dựa vào bất cứ ai. Uy quyền của Ngài
chính tự nơi Ngài. Ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng đang sống với chúng ta. Hãy đến
với Ngài bất cứ nơi đâu bất cứ lúc nào; Ngài đang chờ đợi, chính Ngài sẽ giảng
dạy và trò chuyện với chúng ta bằng tình thương của Ngài và Ngài sẽ chúc lành
cho chúng ta với quyền năng của Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
04 Tháng Chín
Người Ta Sao, Tôi Vậy!
Theo khuynh hướng tự
nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để hành động.
Chúng ta thử quan sát
trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ hành cũng phải
tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người ta thường thấy
các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài của những xe
cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh để qua đường.
Quan sát cho kỹ, thỉnh
thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất bình thường: nếu có
một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc không đủ kiên nhẫn,
đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ, thì lúc đó, một số
người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ băng qua đường ngay
giữa lúc đèn còn đỏ... Những người đi theo này có lẽ không nhìn thấy những dấu
hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối với những người này,
dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà là gương của người
khác.
Trong cuộc sống hằng
ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động, không cư xử
theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo gương kẻ
khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường của
chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường chỉ làm một hành động cá
nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho không biết bao nhiêu
người làm theo.
Không ai có thể tự phụ
sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời
nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một chấn động nào đó
với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống như một hòn đảo, mà là một
dấu hiệu đối với người khác.
Riêng với những môn đệ
của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật thế, Chúa Giêsu
đã quả quyết: "Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian".
Ước gì cuộc sống chứng
ta của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự
cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức trở thành dấu hiệu
của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người khác, người Kitô
cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sống theo
Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến với Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 04
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng các hoạt động
của mình không tham dự vào chương trình kếhoạch của Thiên Chúa. Ngay khi chúng
ta làm việc và học hành, thì Thiên Chúa luôn tỏ mình thật gần gũi với con
người. Ngài đem lại niềm vui cho tâm hồn và trong đời thường của chúng ta.
Phải chăng Thiên
Chúa ở gần ta như một người câm? Người đến và bịt tai, che mắt lại đối với con
người ? Người hành động qua những cử chỉ và thái độ lạ lùng, đã làm cho chúng
ta bị sốc, Người đã bỏ qua những gì mà con người thường hay đặt lại vấn đề.
Phải chăng Thiên Chúa gần gũi, như trong câu chuyện Người bảo, hãy để trẻ em
đến với Người, một cách nào đó để minh họa? Thiên Chúa, Đấng đến gần để ôm hôn
con trẻ. Nụ hôn của Thiên Chúa khơi dậy sự ngây thơ đơn sơ. Phải chăng Thiên
Chúa đến gần là để thăm dò?
Đối với bạn
"Tôi là ai"? (Mc 8,27-29). Câu hỏi đó đang muốn tìm câu trả lời.
Chúng ta hãy
nhắm mắt suy tư để tiếp nhận Thiên Chúa của niềm hy vọng. Hãy đánh dấu về những
sự vô thường mà tiếp nhận Lời Chúa, Lời Ngài sẽ biến đổi bạn. Và hôm nay chúng
ta được Thiên Chúa tái sinh, nơi chúng ta đang hiện hữu, chỉ đơn giản là cầu
nguyện cho con tim của nhân loại được sống nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài.
Bemadette Mélois
Thứ Ba 4-9
Thánh Rosa ở Viterbo
(1233-1251)
T
|
hánh Rosa đạt được sự thánh thiện
trong cuộc đời ngắn ngủi 18 năm. Ngay từ khi còn nhỏ, Rosa
đã ao ước thiết tha muốn cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo. Khi còn trẻ, ngài
đã bắt đầu hãm mình. Ngài độ lượng với người nghèo bao nhiêu thì lại khắt khe
với chính bản thân bấy nhiêu. Vào lúc 10 tuổi, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô
và không lâu sau đó, ngài đi rao giảng về vấn đề tội lỗi và sự đau khổ của Chúa
Giêsu.
Thành phố Viterbo, nơi ngài sinh trưởng, đã nổi dậy chống đối đức
giáo hoàng. Khi Rosa đứng về phía đức giáo
hoàng chống với hoàng đế, ngài và gia đình bị đuổi ra khỏi thành phố. Cho đến
khi phe bênh vực đức giáo hoàng chiến thắng ở Viterbo, Rosa
mới được phép trở về. Vào năm 15 tuổi, ngài cố gắng thành lập một tu hội nhưng
thất bại, sau đó ngài trở về với đời sống cầu nguyện và hãm mình tại nhà của vị
thân sinh, cho đến khi lìa đời năm 1251. Rosa
được phong thánh năm 1457.
Lời Bàn
Danh sách các thánh dòng Phanxicô dường như bao gồm một ít người
không thành đạt được điều gì đáng kể. Thánh Rosa là một trong những người ấy.
Ngài không có ảnh hưởng đến đức giáo hoàng hay các vị vua, chưa bao giờ làm
phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi người đói, và chưa bao giờ thành lập được tu hội
như mơ ước. Nhưng ngài đã biến cuộc đời thành một nơi đầy ơn sủng của Thiên
Chúa, và như Thánh Phanxicô, ngài coi cái chết như cửa ngõ dẫn đến sự sống mới.
Lời Trích
Di chúc mà Thánh Rosa để lại cho cha mẹ có viết: "Con chết
với niềm vui, vì con khao khát được kết hợp với Thiên Chúa. Hãy sống sao để
đừng sợ chết. Vì những ai sống tốt lành ở đời này thì không sợ chết, nhưng cái
chết sẽ đáng quý và ngọt ngào."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét