Trang

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

06-09-2012 : THỨ NĂM TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Năm sau Chúa Nhật 22 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 3, 18-23
"Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, đừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: "Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ". Lại có lời khác rằng: "Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền". Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em; nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacob. - Ðáp.

* * *

Alleluia: 2 Tx 2, 14
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 1-11
"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.
Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.


Sự Hiện Diện và Tác Ðộng của Chúa
(Lc 5,1-11)
Suy Niệm:
Sự Hiện Diện và Tác Ðộng của Chúa
Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta nắm bắt được quan niệm của người Do thái về biểu tượng của nước, nhất là của biển cả. Người Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do thái tin rằng chỉ có Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền đê� chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói "đánh lưới người" mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập; trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: "Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả". Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: "Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi". Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người của Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: "Không có Thầy, các con không làm được gì".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo Hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì. Lời nhắn nhủ của Ðức Hồng Y Etchegaray đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người ta dễ chú ý đến tiếng động của cây rừng ngã đổ, mà lại quên đi âm thanh nhỏ bé của những mầm non đang mọc lên.
Nguyện xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào sự hiện diện và tác động của Chúa trong Giáo Hội. Xin Ngài ban cho chúng ta đôi mắt tinh tường bén nhạy để nhận ra biết bao điều cả thể Ngài đang thực hiện trong những biến cố âm thầm, mất mát, thua thiệt của Giáo Hội.
(Veritas Asia )

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: I Cor 3:18-23; Lk 5:1-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người.
Khôn ngoan là một đặc tính cần thiết cho sự sống còn trong cuộc đời. Người khôn ngoan biết suy nghĩ, đắn đo, lựa chọn sao cho đạt được kết quả như lòng mong ước. Nhưng khôn ngoan cũng có nhiều loại, chứ không phải khôn ngoan nào cũng tốt cũng hay; người Việt Nam phân biệt khôn ngoan với ma lanh.
Các bài đọc hôm nay phân biệt khôn ngoan của Thiên Chúa với khôn ngoan của con người. Trong bài đọc I, thánh Phaolô phân biệt rõ ràng sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa sự khôn ngoan của con người. Ngài cũng liệt kê một số các đặc tính để giúp các tín hữu thấu hiểu và tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa hơn là bằng lòng với sự khôn ngoan của con người. Trong Phúc Âm, khi thánh Phêrô bị thử thách để sống theo lối suy nghĩ khôn ngoan nghề nghiệp của mình hay làm theo lời truyền khôn ngoan của Chúa Giêsu, thánh nhân đã chọn làm theo lời truyền khôn ngoan của Thiên Chúa. Hậu quả là Phêrô thu lượm được một mẻ cá lạ lùng vượt quá lòng mong đợi của ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người.

Khôn ngoan của Thiên Chúa là thứ khôn ngoan cao nhất. Lý do đơn giản là vì nó đến từ Thiên Chúa. Khôn ngoan của Thiên Chúa khác với con người ở chỗ nó nhắp tới mục đích tối hậu của cuộc đời và tất cả các suy nghĩ và lựa chọn phải đặt căn bản trên mục đích này; trong khi khôn ngoan của thế gian chỉ nhắm tới các mục đích trần thế. Vì mục đích nhắm tới khác nhau nên nhiều khi khôn ngoan Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với khôn ngoan của con người. Ví dụ: khôn ngoan Thiên Chúa đòi hy sinh mạng sống để theo Chúa trong khi khôn ngoan con người tìm mọi cách để bảo vệ mạng sống mình. Lý do của sự khác biệt này là đích điểm nhắm tới.

Thánh Phaolô cho sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa. Điều này cũng được Chúa Giêsu khẳng định: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?” Thánh Phaolô chỉ cách cho các tín hữu của ngài để có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.”

Khôn ngoan của con người Chúa đều biết cả vì Chúa đã dựng nên con người. Hơn nữa Chúa còn biết con người hơn cả chính con người. Vì thế, khôn ngoan của con người chỉ đánh lừa được con người, nhưng không bao giờ đánh lừa được Thiên Chúa, như thánh Phaolô và sách Job khẳng định: “Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng.”

Đức Kitô chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì vậy, biết được Chúa Kitô là biết được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan Thiên Chúa bao trùm cả thế gian này: sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về những người tin vào Chúa Kitô.

2/ Phúc Âm: Khôn ngoan của Phêrô và khôn ngoan của Chúa Giêsu.

Mặc khải và giảng dạy chiếm một vai trò quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu khi Ngài xuống trần gian, vì qua đó Ngài mặc khải và dạy dỗ cho dân biết những mầu nhiệm và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Phúc Âm tường thuật: Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Gennesareth, dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Ngài xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống, và từ trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông.

Kinh nghiệm khôn ngoan đánh cá của Phêrô bị Chúa Giêsu thử thách khi Ngài bảo ông Simon: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Câu trả lời cho thấy ông Phêrô ít nhất muốn Chúa hiểu: “Con là dân chài lưới và hành nghề thường xuyên trên biển này, cả đêm đã chài lưới mà chẳng bắt được con nào. Giờ đây, lưới đã giặt sạch mà Thầy thì chẳng có kinh nghiệm gì về đánh cá, mà lại bảo con quăng lưới lần nữa. Vì vâng lời Thầy con sẽ làm, nhưng chắc chắn sẽ chẳng được con nào!” Nhưng Phêrô đã lầm to, không những có cá mà còn bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Phản ứng của Phêrô sau khi đã học được bài học quan trọng nhất: Đừng bao giờ tự hào thử thách Chúa vì không có điều gì là không thể với Thiên Chúa. Ông biết Chúa Giêsu đã nhìn thấu tâm hồn khi ông khi ông trả lời Ngài. Vì thế, với tấm lòng khiêm nhường, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Zebedee, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Simon: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."

Đánh cá đã khó, đánh cá người còn khó hơn gấp bội, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa thì không có chi là khó với Ngài. Vì thế, các ông đã từ bỏ mọi sự theo Chúa để học nghề mới: nghề chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta đừng bao giờ tự hào về sự khôn ngoan của con người trước Thiên Chúa. Khi có sự xung đột giữa hai lọai khôn ngoan, chúng ta phải làm theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
- Khi phải làm những quyết định quan trọng, đích điểm của cuộc đời phải luôn là lý do nền tảng cho mọi quyết định của chúng ta.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Thứ Năm tuần 22 thường niên
Sứ điệp:Trong đời sống đức tin, Thiên Chúa thường đòi ta thực hiện những việc làm có vẻ kỳ dị và vô lý. Nhưng nếu làm theo Thánh Ý Chúa, chắc chắn ta sẽ đạt được nhiều kết quả thật bất ngờ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con xác tín rằng tất cả mọi nỗ lực, cố gắng của con đều trở thành vô ích nếu không có ơn Chúa phù trợ. Chúa đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đời sống con.
Nhưng Chúa thường đòi con làm những việc có vẻ kỳ dị vô lý, như các tông đồ lại ra khơi đánh cá khi không bắt được con nào suốt một đêm vất vả. Chúa muốn con tin vào Chúa, chứ không tin vào những suy luận của riêng con.
Đối với con hôm nay, việc có vẻ kỳ dị và vô lý là sống hy sinh giữa thế giới đang lao mình vào hưởng thụ sung sướng, hoặc chấp nhận bị thiệt thòi giữa một xã hội mà ai cũng lo thu quén cho chính mình. Việc có vẻ kỳ dị và vô lý là tự chủ khước từ những đam mê cờ bạc, để dùng tiền của và thời giờ mà phục vụ lợi ích gia đình và xã hội. Việc có vẻ kỳ dị và vô lý là đi đến với bạn bè lối xóm để thăm viếng, nối lại tình thân ái yêu thương.
Lạy Chúa, khi thực hiện những công việc ấy, con cảm thấy e ngại và do dự. Nhưng con muốn cương quyết như thánh Phêrô: “Vì vâng lời Thầy, con xin thả lưới”.
Lạy Chúa, con cũng muốn thực hiện điều ấy trong các giờ kinh lễ hằng ngày. Ước gì những giờ kinh lễ ấy không trở thành những việc “cực nhọc suốt đêm mà không được gì”. Trái lại nhờ thánh lễ, xin Chúa giúp con sáng suốt nhận ra và thực hiện Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để có thể đạt được những thành quả quá lòng ước mong. Amen.
Ghi nhớ : "Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".


06/09/12 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11

LÔGÍC CỦA ƠN CỨU ĐỘ

Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt xuống dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi.”… Đức Giêsu bảo Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.” (Lc 5,8.10-11)

Suy niệm: Phêrô vẫn coi Chúa như một vị Thầy mà ông hết lòng kính mến vâng phục. Ông vẫn lui tới với Thầy, sẵn lòng với Thầy đến mức dâng cả chiếc thuyền mộc mạc của mình để Thầy dùng làm bục giảng, và còn chiều ý Thầy thả lưới thêm một lần nữa dù cả đêm hôm qua chẳng bắt được gì. Thế nhưng ông dừng lại ở đó, kể cả sau mẻ cá lạ lùng này, ông không dám đi xa hơn với Chúa. Phản ứng đó của Phêrô chẳng những hợp lý mà còn khiêm tốn nữa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”.Nhưng lôgíc của ơn cứu độ không chấp nhận dừng lại như thế. Chúa Giêsu hoán cải Phêrô rồi còn muốn ông phải tiến xa hơn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.” Thiên Chúa cứu độ nghĩa là Thiên Chúa yêu thương, yêu cách triệt để, yêu cho đến cùng, yêu ở mức cao nhất (x. Đường Lên Núi Chúa).

Mời Bạn: Ngài cũng kêu gọi bạn đáp lại bằng một tình yêu triệt để như thế. Chẳng phải khi yêu, chính bạn cũng theo một lôgíc như vậy, không dừng lại ở chỗ “bình bình” mà bao giờ cũng muốn “thêm một chút nữa” hay sao?

Sống Lời Chúa: – nán lại thêm ít phút tại nhà thờ để thưa với Chúa thêm một tâm sự yêu thương; - kiềm chế những phản ứng nóng nảy trước những sự xúc phạm người khác gây ra cho mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, quảng đại với Chúa và quảng đại với tha nhân.




Từ nay anh sẽ bắt người.
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc, khỏi những điều tưởng như không thể đổi. Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không? 
Suy nim:
Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng.
Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình.
Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét,
là những con cá quẫy đuôi trong lưới,
là gia đình cần phải chăm nom.
Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả.
Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy,
nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra,
và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới,
một đại dương bao la hơn nhiều,
một gia đình rộng lớn hơn vạn bội.
Chỉ Chúa mới có thể
làm trái tim ông say mê một Ai khác,
yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.
Ðức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên.
Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy.
Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá,
Simon có nhiều lý do để khước từ.
Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình
để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác,
hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơn.
Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu,
Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30).
Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).
Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ.
Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi,
và nhận ra Ðấng ở gần bên.
Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới:
“Ðừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”
Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối.
Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh.
Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người.
Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng.
Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa,
để cho Chúa tự do lôi kéo mình.
Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến.
Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá,
ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc,
khỏi những điều tưởng như không thể đổi.
Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ



"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".

Chấp nhận chính mình
Triết gia hiện sinh Pháp Albert đã có lần nói rằng: "Con người là tạo vật duy nhất không chấp nhận là mình". Ông có ý nói rằng con người không chấp nhận những giới hạn và bất toàn của mình. Con người luôn muốn nổi loạn để vượt qua chính mình. Sự nổi loạn ấy rõ ràng nhất là trong lĩnh vực khoa học. Những khám phá khoa học và những ứng dụng kỹ thuật ngày càng làm cho chính con người chóng mặt. Chúng ta thử nhìn vào dự tính sản sinh con người theo phương pháp vô tính mà hiện một số nhà khoa học đang muốn lao mình vào. Những hệ lụy của một cơn cám dỗ như thế là vô cùng khủng khiếp. Chính tính cách không dự đoán và không lường trước được ấy của những hệ lụy là cho thấy những giới hạn và bất toàn của trí khôn cũng như khả năng của con người. Con người càng tiến bộ lại càng nhận ra giới hạn của mình. Ðây phải là thái độ tự nhiên của con người. Muốn hay không, con người không thể chối cãi được những giới hạn của mình.
Con người chỉ là người khi nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận chính mình. Tin Mừng không ngừng lập lại chân lý ấy. Càng khiêm hạ, con người càng được nâng cao. Càng nhận biết những giới hạn của mình, con người càng nhận ra mối giây liên kết và lệ thuộc của mình với Ðấng Tạo Hóa, con người càng thấy được sự cao cả đích thực của mình. Ðây là lý tưởng mà Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta.
Sau một đêm vất vả, các môn đệ không bắt được một con cá nào. Hơn ai hết, những người đánh cá có kinh nghiệm về thời tiết, về sóng nước và có lẽ cũng hơn ai hết, lênh đênh giữa đại dương mênh mông, họ dễ cảm nhận được thân phận nhỏ bé bất toàn của con người. Nhưng thánh Phêrô chỉ thực sự ý thức được thân phận ấy khi chứng kiến mẻ cá lạ do Chúa Giêsu thực hiện. Ði sâu vào thân phận ấy, thánh nhân không chỉ thấy những giới hạn và bất toàn của mình về phương diện nghề nghiệp hay nhân bản, mà còn nhận ra một sự bất lực khác của bản thân, đó là bất lực trong ơn thánh. Thật thế, thánh Phêrô khám phá ra thân phận tội lỗi của mình.
Con người có thể nhận ra những giới hạn, bất toàn, và ngay cả lầm lỡ của mình, nhưng để thấy mình là người tội lỗi, con người phải nhận ra mối giây liên kết với Ðấng Tạo Hóa. Tội lỗi thiết yếu nói lên mối liên kết với Ðấng Tạo Hóa mà con người đã cắt đứt. Mẻ cá lạ vừa cho thánh Phêrô thấy quyền năng của Ðấng Tạo Hóa, vừa là phơi bày con người tội lỗi yếu hèn của mình. Phản ứng của thánh Phêrô là mẫu mực cho cuộc sống đức tin của người tín hữu Kitô. Phản ứng này cũng là hằng số trong cuộc đời của vị Giáo Hoàng tiên khởi này. Sau này, kinh nghiệm chối Chúa lại càng cho thánh nhân ý thức được thân phận tội lỗi của mình và đồng thời cảm nhận được quyền năng của Thiên Chúa.
Một thi hào người Ðức đã nói: "Ai biết chấp nhận những giới hạn của mình, người đó đang đi gần đến sự hoàn hảo". Thánh Phêrô được nên cao trọng có lẽ không do tài lãnh đạo hay chính sự thánh thiện cá nhân của mình mà trước tiên là ở tấm lòng khiêm tốn sám hối và tin tưởng ở quyền năng và tình yêu của Chúa. Tựu trung, đó cũng chính là tâm tình tôn giáo đích thực của con người. Có tôn giáo thiết yếu là ý thức được thân phận thụ tạo, bất lực và tội lỗi của mình, đồng thời cũng cảm nhận được tình yêu và sự tha thứ của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Chài lưới người
Thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tấ cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô bê và Gio-an, bạn chài với ông Simon cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà đi theo Người. (Lc. 5, 9-11)
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ông Phê-rô tốt lành đã từ kinh ngạc này sang kinh ngạc khác.
Trước hết, Đức Giêsu đã chọn thuyền của ông như là thứ ngai tòa để Người ngồi giảng cho dân trên bờ chú ý nghe Người. Có thể tưởng tượng xem anh ngư phủ này hãnh diện, vinh dự chừng nào được Thầy mà mọi người đã hăm hở đi tìm.
Tiếp theo là một mẻ cá lạ lùng! dẫu bao nhiêu bạn bè với mình suốt đêm vất vả đánh cá mà chẳng được gì. Chẳng ăn gì, chẳng có gì ăn! và này đột nhiên, thật lạ chỉ một lời phán của Đức Giêsu, họ đi kéo lưới. Thật vững chắc, Phê-rô đã làm một cử chỉ đẹp để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu đầy quyền năng. Ông không do dự, lần nữa ông đã thử thời vận ra khơi thả lưới, lưới gần rách, thuyền gần chìm vì cá đầy lưới. Lạ thay phần thưởng lớn lao dành cho một hành động vâng lời nhỏ bé! Phê-rô kinh sợ. Ông té xuống chân Đức Kitô và van nài Ngài xa ông vì ông chỉ là kẻ tội lỗi, quá bất xứng đối với một vị tôn sư cao cả.
Tuy nhiên, Phê-rô không phải kinh sợ đến tận cùng. Đức Kitô chẳng những không lìa bỏ ông mà còn tuyên bố làm thay đổi đời của ông mãi mãi: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ đi chài lưới cứu sống người ta”. Quả thực anh là hạng người vô danh tiểu tốt thất học lại được Đức Kitô trao phó nhiệm vụ lớn lao bao quát cả biển người, anh đã cùng với Ngài và các bạn tông đồ khác không ngừng thực hiện nhịêm vụ cứu vớt người đời cho tới tận thế.
Tại sao có sự chọn lựa này! Tại sao không trao nhiệm vụ lớn lao đó cho người học thức, cho người tiến sĩ các khoa học tôn giáo đương thời của Đức Giêsu. Sự phong ban trao phó nhiệm vụ lớn lao này thật ngược đời, gây quá nhiều bối rối, khúc mắc: Một mầu nhiệm của Đức Giêsu, mầu nhịêm của Giáo Hội. Lý lẽ đức tin, nghịch hẳn lại lý lẽ của lý trí loài người. Đấng Cứu Thế bắt đầu lôi cuốn tất cả về Ngài ngay cả lúc tất cả như xa lánh Ngài như ông tiên tri báo về Ngài. Có thể Ngài đã cho phép xảy ra thách đố như thế.
GF

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
6 THÁNG CHÍN
Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô
Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.
Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).
Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 06-9
1Cr 3, 18-23; Lc 5, 1-11.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.” (Lc 5,3).
          Đối với Chúa Giêsu bất cứ nơi đâu cũng là tòa giảng của Ngài; lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện. Trước đây Ngài giảng dạy trong các hội đường của người Do-Thái, hôm nay Ngài ngồi trên thuyền giảng dạy đám đông. Trong công tác truyền giáo của ngày hôm nay có rất nhiều cơ hội và phương tiện để loan truyền Tin Mừng, và làm chứng nhân. Nhưng cũng chính những cơ hội và phương tiện hiện đại hiện nay, cũng là cớ phản Tin Mừng Nếu mỗi người của chúng ta không ý thức khi tham gia và sử dụng trong tình yêu, cảm thông và cọng tác với nhau để dập tắt cái xấu, cái chia rẽ; nhưng phải biết tôn trọng nhân vị, nhân phẩm của từng con người.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
06 Tháng Chín
Không Mong Ðền Ðáp
Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.
Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.
Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.
Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.
Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?".
Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.
Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại... Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.
Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại... Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.
Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng...
Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt... Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.
(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Ngày 06

Thứ năm đầu tháng

Để trở thành Chi Thể của Đức Kitô qua bí tích rửa tội, người kitô hữu đã học được điều mà ai thuộc về Ngài phải thực hiện trong mầu nhiệm Thánh Thể: Cho đi, hy dâng và từ bỏ cuộc sống của chính mình.

Chúng ta có quyền không cho đi điều mà chúng ta được sử dụng và biểu hiện. Chúng ta không tự phó mình cho Thiên Chúa khi Ngài đến gọi lần đầu tiên: chúng ta trở về với chủ quyền toàn thể của Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ. Điều này giả định rằng chúng ta đã nhận ra sự thu hút của vinh quang Ngài, sự biểu tỏ công trình sáng tạo và cứu độ của Ngài: Thờ phượng và diễn tả đức tin cách sống động. Bernanos đã phải thốt lên rằng: "Sự vâng phục của tôi không phải là muốn điều mình muốn". Ông sẽ không muốn làm điều gì để tôn vinh mình nhưng ông biết phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đó là cái nhìn sâu sắc và tự hào về sự hy sinh tự hiến. Như vậy, sự hy dâng tự nguyện luôn mang giá trị tự nguồn gốc kitô giáo và thần linh cao quý.

Albert-Marie Besnard, o.p 

Thứ Năm 6-9

Chân Phước Claudio Granzotto 

(1900-1947)
S
inh ở Santa Lucia del Piave gần Venice, nước Ý, Claudio là con út trong gia đình chín người con và họ quen với công việc đồng áng thật vất vả. Năm lên chín anh mồ côi cha. Sáu năm sau, anh bị động viên vào quân đội Ý, là nơi anh phục vụ trong ba năm.
Vì có tài trong lãnh vực nghệ thuật, nhất là điêu khắc, nên anh theo học tại Viện Nghệ Thuật Venice và tốt nghiệp năm 1929 với điểm cao nhất lớp. Sau đó, anh đặc biệt lưu ý đến nghệ thuật tôn giáo. Khi Claudio gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn vào bốn năm sau đó, cha sở của anh viết thư giới thiệu, "Nhà dòng không chỉ tiếp nhận một nghệ nhân mà còn là một vị thánh." Sự cầu nguyện, yêu thương người nghèo cũng như say mê nghệ thuật là đặc điểm cuộc đời Claudio, nhưng tiếc thay cuộc đời ấy không kéo dài được lâu vì bệnh ung thư não. Ngài từ trần vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và được phong chân phước năm 1994.

Lời Bàn

Claudio đã phát triển được tài điêu khắc tuyệt vời đến độ các tác phẩm của ngài vẫn còn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Không xa lạ gì với các nghịch cảnh, ngài đã can đảm đối phó mọi trở ngại, phản ánh sự độ lượng, đức tin và niềm vui mà ngài học được từ Thánh Phanxicô Assisi.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Claudio đã dùng tài điêu khắc "như một khí cụ đặc biệt" trong đời sống tông đồ và để phúc âm hóa. "Sự thánh thiện của ngài đặc biệt toả sáng khi chấp nhận đau khổ và cái chết để hiệp thông với Thập Giá Ðức Kitô. Do đó, bởi hiến thân hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa, ngài trở nên gương mẫu cho các tu sĩ, nghệ sĩ trong việc tìm kiếm sự mỹ miều của Thiên Chúa, và gương mẫu cho người đau yếu qua lòng sùng kính Thánh Giá của ngài" (L'Observatore Romano, Tập 47, Số 1, 1994)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét