Chúa Nhật 24 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a
"Tôi đã đưa lưng cho
kẻ đánh tôi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thiên Chúa đã mở tai tôi mà
tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã
đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo
cười và những người phỉ nhổ tôi.
Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi
không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.
Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu
toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ
tôi, ai dám kết tội tôi?
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4.
5-6. 8-9
Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của
nhân sinh (c. 9).
Xướng: 1) Tôi yêu mến Chúa,
vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong
ngày tôi kêu cầu Chúa. - Ðáp.
2) Thừng chão tử thần đã quấn
lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu
khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống
con!" - Ðáp.
3) Chúa nhân từ và công minh,
và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi
đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. - Ðáp.
4) Bởi người đã cứu tôi khỏi
tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi
trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18
"Ðức tin không có
việc làm là đức tin chết".
Trích thư của Thánh Giacôbê
Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu ai nói mình
có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế
có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong
anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc
ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có
ích gì?
Về đức tin cũng vậy, nếu
không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói:
"Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm". Anh hãy tỏ cho tôi
thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy
đức tin của tôi.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha
mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 8, 27-35
"Thầy là Ðấng Kitô.
Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các
môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường,
Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại
rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là
một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con
bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người
liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
Và Người bắt đầu dạy các ông
biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các
luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên
bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người
quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì
ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".
Người tập họp dân chúng cùng
các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá
mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu
mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ông Phêrô tuyên xưng Ðức
Giêsu là Ðức Kitô, lời tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai
về sứ mệnh chân chính của Ðức Giêsu. Họ hiểu sứ mệnh theo nghĩa chính trị: Giải
phóng dân tộc, giành được tự do. Vì thế, ngay sau khi ông Phêrô tuyên xưng,
Ngài liền loan báo cho họ con đường thương khó và phục sinh của Ngài.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến
trần gian để thực hiện sứ mệnh theo ý Chúa Cha. Xin giúp chúng con khi nhận
mình là Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, chúng con cũng biết từ bỏ chính mình mà
bước đi theo Chúa trên con đường thập giá, dám can đảm chấp nhận và vượt qua
những thử thách, đau khổ để được vào vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ
kinh gia đình)
Ðức Tin Có Việc Làm
(Ysaia 50,5-9a; Yacôbê 2,14-18; Marcô 8,27-35)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXIV Thường Niên
Năm B
Ysaia 50,5-9a; Yacôbê
2,14-18; Marcô 8,27-35
Chúa nhật trước đã cho chúng
ta thấy Ðức Yêsu chữa lành một người điếc và câm, để thực hiện lời Ysaia loan
báo rằng đến thời cứu độ kẻ điếc sẽ nghe thấy và kẻ câm sẽ nói được. Hơn nữa
phép lạ chữa lành kia còn ám chỉ muốn được ơn cứu độ người ta phải mở tai đón
nhận Lời Chúa và phát biểu lời này ra trong đời sống.
Bài đọc I hôm nay nói ngay
đến người tôi tớ sáng láng lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, không sợ
gian lao khổ sở. Như vậy, giáo huấn của Hội Thánh trong ngày Chúa nhật hôm nay
dường như muốn tiếp nối các bài học của Chúa nhật trước, và sẽ dạy sâu hơn về
đời sống của các tôi tớ Chúa. Mà cách tốt nhất để làm công việc này là hay
giương cao hình ảnh Người Tôi Tớ lý tưởng lên, để tất cả chúng ta cùng bắt
chước. Thế nên Chúa nhậ này thật đáng gọi là "Chúa nhật người tôi
tớ".
Chúng ta sẽ xem hình ảnh
người tôi tớ này ở trong Cựu Ước, rồi Tân Ước, trước khi kết luận chúng ta phải
sống thế nào để trở thành tôi tớ Chúa.
1. Bài Ca Về Người Tôi Tớ
Cựu Ước gọi nhiều người là
tôi tớ Chúa. Abraham, Môsê, Ðavít, các tiên tri đều là những tôi tớ xứng đáng.
Toàn dân Chúa chọn cũng được gọi là tôi tớ của Người. Nhưng trong sách Ysaia có
4 bài ca được mệnh danh là các bài ca về Người Tôi Tớ. Tác giả không nêu tên
người nào: cũng không dứt khoát coi người đó là một cá nhân hay là một tập thể.
Ðoạn văn chúng ta nghe hôm nay là đoạn văn thứ ba.
Nó bắt đầu bằng những nét tả
chính xác về người tôi tớ. Ðó là con người có đôi tai "môn đệ". Sáng
sáng chú tâm nghe lời Chúa. Rồi ông quyết tâm đem ra thực hành, không sợ gì
nguy khó. Phần lớn bài ca hôm nay nói đến những khổ đau mà ông phải chịu vì
trung thành giữ Lời Chúa và nói Lời Chúa. Ông bị người ta đánh đập, giựt râu và
khạc nhổ vào mặt. Khổ đau dường như cứ tăng dần. Nhưng ông vẫn giơ mặt ra cứng
như đá và không hổ thẹn vì ông tin có Chúa hằng nâng đỡ ông.
Tác giả Ysaia muốn nói về ai
đây? Dường như không phải về dân Chúa vì lời văn có vẻ chỉ hợp cho một cá nhân.
Hơn nữa văn mạch cho phép nghĩ ở đây dân Chúa đóng vai trò hành hạ người tôi tớ
thì đúng hơn. Nghĩa là đoạn văn này nói đến một người tôi tớ Chúa bị chính dân
Chúa hành hạ. Người ấy là ai? Một người công chính vô danh bị đời bạc đãi? Hay
lại là một trong số nhiều tiên tri đã bị đồng bào của mình hất hủi? Nhiều người
đã nghĩ đến Yêrêmia, vì nhà tiên tri này quả thật đã bị bắt bớ. Tuy nhiên có lý
do khiến chúng ta suy luận và khẳng định người tôi tớ được nói ở đây, không
phải là một nhân vật đã sống trong quá khứ, hay đang lúc hiện tại cùng thời với
tác giả bài ca này. Người ấy sẽ là một vị sẽ đến trong tương lai, bởi vì các
bài ca về Người Tôi Tớ nằm trong khâu các lời sấm an ủi Israel, tức là đưa về
hậu vận và nói đến thời Thiên Chúa sẽ ra tay cứu độ dân. Người tôi tớ chính là
công cụ mà Người sẽ dùng để làm công việc cứu thế này. Do đó bài ca hôm nay nói
về Ðấng cứu thế là Người Tôi Tớ lý tưởng của Thiên Chúa. Và có lẽ tác giả chỉ
dựa vào cuộc đời đau khổ của một Yêrêmia để gợi lên hình ảnh Người Tôi Tớ lý
tưởng này thôi. Thế nên phụng vụ hôm nay rất có lý khi đọc bài sách Ysaia này
trước bài Tin Mừng Marcô hôm nay về việc Ðức Yêsu chịu đau khổ. Chúng ta ghi
lấy tư tưởng: Người Tôi Tớ của Chúa phải can đảm đi qua gian khổ, để đi vào bài
Tin Mừng.
2. Mạc Khải Về Cuộc Tử Nạn
Thánh Marcô kể: bấy giờ Ðức
Yêsu đang đi với các môn đệ ở vùng Caisaria của Philip, tức là miền cực Bắc đất
Dothái, nơi bắt nguồn của dòng sông Yorđan sẽ chảy xuống phía Nam . Người ta
gọi nơi này là Caisaria của Philip, vì chính Hêrôđê Philip đã xây ở đây một
thành mang tên Caisarê, tức là tên của hoàng đế Lamã. Do đó, đặt chân đến chốn
này, ai cũng phải nghĩ tới hoàng đế và uy quyền thống trị của ông. Và mặc nhiên
người ta cũng phải nghĩ đến thân phận của mình.
Có lẽ vì vậy mà Ðức Yêsu đã
quay sang hỏi các môn đệ: "Theo như người ta nói, thì Ta là ai?". Họ
không ngần ngại trả lời, vì dư luận về Người kể ra đã khá rõ rệt. Ai ai cũng
nghĩ Người là bậc xuất chúng, ít nhất cũng như Yoan Tẩy giả, hoặc như Êlia, hay
một vị tiên tri nào đó. Còn đối với chính họ thì sao? Họ là môn đệ của Người,
luôn ở với Người và được Người chăm sóc. Họ phải có một cái nhìn về Người hơn
những người khác. Thế nên Phêrô đã thay mặt anh em thưa Người rằng: "Ngài
là Ðức Kitô".
Không thể có lời tuyên xưng
nào đúng hơn nữa. Ðó là lời tuyên xưng của Hội Thánh sau khi tin mầu nhiệm phục
sinh đã đưa Người lên làm Chúa. Phêrô hôm ấy nói được như vậy là nhờ ở Thánh
Thần hoạt động trong lòng trí ông. Ông thốt ra lời rất đúng nhưng vượt quá tầm
hiểu biết của ông như nhiều khi các tiên tri phát biểu những lời của Thiên Chúa
mà họ chưa quán xuyến được tất cả nội dung phong phú.
Chính vì vậy mà Ðức Yêsu đã
lập tức cấm môn đệ lập lại lời Phêrô vừa tuyên xưng. Họ không nên nói những
điều họ chưa hiểu biết, kẻo có thể gây ra những sự hiểu lầm. Họ phải đợi đến
khi chân tướng của Người đã lộ ra hết rồi hãy tuyên xưng Người bằng tước hiệu
đúng hơn hết. Vì "giờ" của Người chưa đến. Người ta còn phải chờ đến
giờ đó mới hiểu được Người. Và cái diện quan trọng nhất của Người trong giờ ấy
sẽ là cuộc khổ nạn; thế nên hôm nay và từ nay, Người bắt đầu mạc khải cho môn
đệ biết khía cạnh quan trọng này.
Người nói với họ: "Con
Người phải chịu nhiều đau khổ... và bị giết đi, và sau ba ngày sẽ sống
lại". Người không nói theo kiểu nhìn về tương lai; nhưng coi như đang sống
mầu nhiệm tử nạn và phục sinh này. Ðiều đó làm cho các môn đệ khó hiểu, và nhất
là không thể chấp nhận được. Có lẽ nào Người lại để các niên trưởng phế thải và
giết đi? Thay mặt anh em, Phêrô kéo Người ra và trách Người đã nói như vậy. Vì
nhiệt thành, ông đã quá trớn. Là môn đệ, ông phải đi theo, chứ sao lại muốn dẫn
đầu Người.
Thế nên Người bảo ông trở về
cương vị. Và Người muốn cho tất cả các môn đệ hiểu bài học này, nên Người không
nhìn vào một mình Phêrô, nhưng vào hết thảy bọn họ. Người bảo ý tưởng của họ là
cảm nghĩ do Satan chứ không theo như ý Chúa. Satan đã có lần cám dỗ Người làm
lớn khi bày ra trước mắt Người mọi uy quyền và phú quý của thế gian để xúi
Người vồ vập lấy. Nhưng ý của Thiên Chúa Cha lại không phải như vậy. Những bài
ca về người tôi tớ lý tưởng đang còn đó... Ðức Kitô sẽ phải chịu đau khổ và bị
đóng đinh... và ai muốn theo Người để trở thành môn đệ của Người cũng phải vác
lấy thập giá và đi theo Người đang vác thập giá lên Núi Sọ.
Thật ra không phải hết mọi
môn đệ đều phải vác những thập giá cụ thể bằng gỗ nặng và phải đi đến những nơi
xử hình. Nhưng mọi người, không trừ ai, đều phải từ bỏ mình và sẵn sàng chịu
mọi sự khó vì Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay nói rõ
như vậy, sau khi khẳng định Ðức Kitô phải đi vào con đường khổ nạn. Nó cho
chúng ta thấy các bài ca về Người Tôi Tớ trong sách Ysaia đã muốn nói về ai.
Chính Ðức Kitô là Người Tôi Tớ đau khổ này. Và mọi Kitô hữu cũng một phần nào
là người tôi tớ ấy... Chúng ta chưa hiểu vì sao lại phải như vậy! Nhưng rõ ràng
đó là ý muốn của Thiên Chúa và là kế hoạch cứu thế của Người. Người muốn cứu độ
bằng đường thánh giá; ai muốn được ơn cứu độ của Người, phải bằng lòng đi vào
con đường ấy. Nhiệm vụ của chúng ta hằng ngày là phải tự hỏi Thiên Chúa muốn
cho tôi ngày hôm nay, trong giờ phút này vác thập giá nào đây để tôi được cứu
độ và góp phần vào việc cứu thế? Bài thư Yacôbê không muốn trả lời một cách đầy
đủ, nhưng cũng khá tổng quát và đồng thời cũng khá cụ thể để giúp chúng ta suy
nghĩ và đem ra thực hành.
3. Hãy Liệu Cho Ðức Tin Có
Việc Làm
Như lần trước đã nói, điều
quan trọng là phải có quan điểm tốt. Vác thập giá đi theo Ðức Kitô không phải
là làm việc khó này, chịu sự cực kia; nhưng trước hết là phải có phương hướng
và luôn đi theo phương hướng đó. Mà phương hướng của cuộc đời tín hữu đã được
quy định ngay từ đầu bởi chính niềm tin mà họ đã lãnh nhận. Ðức tin có những
đòi hỏi của nó; nếu không, nó chỉ là một mớ, hay một hệ thống những ý tưởng
trừu tượng, chứ không phải là sự sống đức tin Kitô giáo hơn mọi niềm tin khác,
khi đưa người ta lại gần Ðức Kitô, sát nhập vào với Người, trở nên chi thể của
Người để lãnh được sự sống ở nơi Người, hầu sống ở trong Người và để Người ở
nơi mình. Ðức tin ấy là một sự sống. Và như mọi sự sống nó phải sinh hoạt, phải
làm ra việc này việc khác... Nếu không, nó đã chết tiệt rồi, như lời thư Yacôbê
hôm nay nói.
Như vậy, người có đức tin
phải làm những việc của đức tin. Và chính khi làm những việc này, người ta phải
vác thập giá và đi theo Chúa.
Tại sao vậy?
Thưa vì đức tin đưa người ta
đi vào đường lối cứu thế và là đường lối thương người. Công việc của đức tin
trở thành những công việc của đức ái. Thế nên thánh Yacôbê hôm nay cho chúng ta
một thí dụ. Có người anh chị em đến với chúng ta, mình thân trần trụi và thiếu
thốn lương thực. Nếu chúng ta chỉ bảo người ấy: "Hãy về đi, mặc áo cho ấm
và ăn cho no" mà không giúp đỡ người ấy một tí phương tiện nào thì há
chẳng phải chúng ta đã biết phương hướng phải giải quyết mà đã không làm hay
sao? Và sở dĩ chúng ta đã không muốn làm, chính là vì công việc này sẽ gây
phiền lụy cho chúng ta khiến chúng ta phải khổ. Chúng ta đã tránh vác thập giá
đi theo Ðức Kitô vậy.
Do đó sẽ không ích gì cho
chúng ta và cho ai nếu chúng ta đã hiểu rõ bài sách Ysaia và bài Tin Mừng để
biết rằng Người Tôi Tớ Chúa phải chịu đau khổ, mà lại không thi hành lời thư
Yacôbê để biến niềm tin của chúng ta vào Sách Thánh và vào Ðức Kitô nên đức tin
sống động có việc làm. Và cũng chẳng sẽ ích gì nếu chúng ta chỉ tuyên xưng niềm
tin ở đây, trong lúc này, khi đọc Kinh Tin Kính và các kinh lễ, mà không đem
các lời đó ra thực hành trong đời sống. Chúng ta muốn là những người tôi tớ
thật của Chúa thì hãy làm như Ðức Kitô dạy, là lắng nghe Lời Chúa và đem ra
thực hành, cho dù có gặp khó khăn khổ sở; vì có như vậy mới là Tôi Tớ đau khổ
của Chúa.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Suy Niệm Chúa Nhật XXIV Thường Niên B
Chúa Nhật XXIV nầy được định vị vào trong
viễn cảnh của cuộc Khổ Nạn. Đây là lần đầu tiên Đức Giê-su loan báo cuộc Khổ
Nạn của Ngài theo Tin Mừng Mác-cô.
Isaiah 50:5-9
Bài đọc I trích từ tác
phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị là bài ca thứ ba trong bốn bài ca về Người Tôi
Trung chịu đau khổ; Người Tôi Trung nầy tìm gặp nơi Chúa sức mạnh của mình và
chấp nhận mọi đau thương thử thách.
Gc 2: 14-18
Trong đoạn trích thư
của thánh Gia-cô-bê hôm nay, thánh nhân dạy rằng “đức tin không hành
động là đức tin chết”.
Mc 8: 27-35
Trong Tin Mừng Mác-cô,
sau khi đã nghe lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô”,
Đức Giê-su loan báo cuộc Khổ Nạn sắp đến của Ngài.
BÀI ĐỌC I (Isaiah 50:5-9)
Bản văn nầy được trích
dẫn từ một trong bốn bài thơ về một dung mạo bí ẩn của một Người Tôi Trung thập
toàn của Đức Chúa trong tác phẩm của I-sai-a đệ nhị (Is 40-55). Hai bài thơ sau
cùng đều cho thấy Người Công Chính nầy chịu mắng nhiếc phỉ nhổ (bài thơ thứ ba
mà chúng ta đọc hôm nay), đoạn bị giết chết một cách nhục nhã nhưng tiếp đó
tràn đầy vinh quang (bài thơ thứ tư). Chúng ta gặp thấy ở nơi dung mạo của
Người Tôi Trung chịu đau khổ nầy, dung mạo của Chúa Giê-su, Đấng chịu đau khổ
để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
1. Dung mạo của Người
Tôi Trung chịu đau khổ.
Người Tôi Trung nầy là
sứ giả của Thiên Chúa, ông đã được thông báo cho biết: sứ mạng được trao phó
cho ông không là dể dàng, nhưng ông “không
cưỡng lại cũng chẳng tháo lui”. Sứ mạng này được xác định ở đoạn
trên: “biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời
kiệt sức”. Ông chẳng đón nhận gì ngoài những vô ơn bạc nghĩa: bách
hại, đánh đòn, nhục mạ; ông cam chịu mà không hề than vãn một lời. Sức mạnh và
sự thanh thản của ông đến từ niềm tín thác vào Thiên Chúa, Đấng phù trợ ông,
Đấng tuyên bố rằng ông công chính, Người ở kề bên ông. Vì thế chẳng có gì phải
nao núng cả: “Ai tranh tụng với tôi?
Cùng nhau ta hầu tòa! Ai muốn kiện cáo tôi ? Cứ thử đến đây coi!”.
2. Dung mạo của Đức Ki
tô.
Ở nơi dung mạo của
Người Tôi Trung nầy chúng ta đọc thấy số phận của Đức Ki-tô. Chính Ngài cũng là
Đấng được Thiên Chúa sai đến. Sứ điệp mà Ngài mang đến là Tin Mừng cho những
người nghèo khổ. Ấy vậy, chính Ngài phải gánh chịu muôn vàn đau khổ và bách hại
mà không hề than van một lời. Và cũng chính Ngài công bố: “Ai có thể bắt lỗi tôi điều gì?”. Ngài
biết rằng Chúa Cha sẽ tôn vinh Ngài và Chúa Thánh Thần sẽ minh oan cho Ngài.
BÀI ĐỌC II (Gc 2:
14-18)
Chúng ta tiếp tục đọc
Thư của thánh Gia-cô-bê.
1. Đức tin không hành
động là đức tin chết:
Đoạn trích hôm nay tập
trung vào một chủ đề: “đức tin không
hành động là đức tin chết”. Đức tin tích cực năng động là đức tin
hướng đến việc thực thi đức ái. Lời khuyên bảo của thánh Gia-cô-bê rất thực tế:
lời khuyên nầy được minh họa bởi một ví dụ cụ thể và được trình bày rất thấm
thía. Những lời hay ý đẹp chỉ là như gió thoảng qua, thậm chí chỉ là giả hình,
nếu người ta không đề ra những phương sách cứu giúp những người anh em đau khổ
của chúng ta.
2. So sánh giáo huấn
của thánh Gia-cô-bê và của thánh Phao-lô:
Liệu có nên nghĩ rằng
thánh Gia-cô-bê có lập trường trái ngược với thánh Phao-lô như được trình bày
trong các thư gởi tín hữu Ga-lát và Rô-ma: “Con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy,
nhưng nhờ tin vào Đức Ki-tô” (Gl 2: 16)?. Nói đúng hơn, thánh
Gia-cô-bê cố cảnh giác những người Ki-tô hữu gốc Do thái coi chừng một lối giải
thích lạm dụng giáo huấn của thánh Phao-lô. Người ta không thể trách cứ thánh
Phao-lô là không ca ngợi những việc làm, đặc biệt là đức ái, vì nếu không có
đức ái thì đức tin “chỉ là tiếng phèn
la inh ỏi”.
Tuy nhiên, thánh
Phao-lô, vị Tông Đồ dân ngoại, muốn chứng minh rằng những việc lành phúc đức
của luật Mô-sê không thể đạt được ơn cứu độ, từ nay chỉ có một nguồn ơn cứu độ
duy nhất là “tin vào Đức Ki tô”.
Mục đích của thánh Gia-cô-bê là làm nổi bật những thành quả của luật mới, mà
thành quả hàng đầu là Đức Ái. Đành rằng đức tin là Thiên Ân và nhờ đức tin chứ
không vì công nghiệp mà chúng ta được nên công chính hóa, nhưng việc làm của chúng
ta chứng tỏ rằng đức tin ấy đầy sức sống, chứ không èo uột héo khô.
Liệu có nên nghĩ rằng ở
bên kia những tư tưởng này, có một dư âm nào đó về hai thái độ của hai vị thánh
nầy xuất hiện ở Công Đồng Giê-ru-sa-lem? Thánh Gia-cô-bê bày tỏ lập trường phải
tuân giữ vài mối giây ràng buộc với luật Mô-sê, trong khi thánh Phao-lô muốn
giải thoát các Ki-tô hữu tiên khởi khỏi những thực hành Lề Luật…Có thể lắm chứ.
TIN MỪNG (Mc 8: 27-35)
Chúng ta đang ở giai
đoạn Đức Giê-su tìm kiếm một sự yên tỉnh ngoài biên giới miền Ga-li-lê để được
ở một mình với các môn đệ và dành trọn thời gian vào việc huấn luyện họ.
1. Bối cảnh của cuộc
chuyện trò:
Như chúng ta đã biết,
Đức Giê-su đã rút lui vào vùng Tia, đoạn miền Thập Tỉnh. Bây giờ Ngài rời
Bết-sai-đa để tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp, vùng cực Bắc xứ
Pha-lê-tinh. Lãnh địa nầy không thuộc quyền của tiểu vương Hê-rô-đê, nhưng em
của ông là Phi-líp, một nhà cai trị cẩn trọng và khôn ngoan. Chính Phi-líp là
người xây dựng thành Xê-da-rê mang tên ông để phân biệt với thành Xê-da-rê
duyên hải. Như vậy Đức Giê-su đã dẫn các môn đệ đi sâu vào vùng đất lương dân,
lên đến thượng nguồn của dòng sông Giô-đan.
Trên lãnh địa nầy,
người ta có thể đi lại một cách thanh bình. Đức Giê-su đồng hành với các môn đệ
của Ngài. Những dòng suối của sông Giô-đan thì rất gần, cảnh vật êm ả, chính
trong khung cảnh êm ả và bầu khí thanh bình nầy mà cuộc nói chuyện giữa Thầy
trò diễn ra.
Thánh Lu-ca đặt câu
chuyện nầy vào trong bối cảnh Đức Giê-su cầu nguyện một mình và có các môn đệ ở
đó với Ngài (Lc 9: 18-21: thánh Lu-ca không bao giờ quên kể ra việc Đức Giê-su
cầu nguyện vào những giờ phút trang trọng), trong khi thánh Mác-cô nói với
chúng ta rằng Đức Giê-su và các môn đệ vừa đi vừa trò chuyện với nhau. Đối với
thánh Mác-cô, chính nhờ đồng hành với Đức Giê-su, lắng nghe Ngài, mà chúng ta
có thể hiểu được khuôn mặt đích thật của Ngài hơn.
2. Thăm dò niềm tin của
các môn đệ về Ngài:
Trước hết Đức Giê-su
hỏi các môn đệ về dư luận quần chúng: họ nói gì về Ngài, ngõ hầu giúp các ông
hiểu rõ hơn niềm tin của họ vào Ngài. Các môn đệ đáp: “Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả; có kẻ bảo là ông
Ê-li-a; kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Trong
những dư luận nầy, việc đồng hóa Đức Giê-su với ông Gioan Tẩy Giả thật lạ lùng
nhưng nhắc nhớ lời phát biểu của tiểu vương Hê-rô-đê khi nghe danh tiếng Đức
Giê-su: “Đó chính là ông Gioan Tẩy
Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ” (Matthew 14:1-2). Việc dân chúng nhận biết Đức Giê-su là một
trong những đại ngôn sứ đã là một bước tiến đáng kể trên con đường đức tin rồi,
tuy nhiên vẫn còn xa với chân lý.
Vì thế, Đức Giê-su muốn
trắc nghiệm niềm tin của các môn đệ về Ngài sau những ngày tháng được sống bên
Ngài, lắng nghe những lời Ngài nói và thấy những việc Ngài làm:“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.
Thay mặt cho các môn đệ, ông Phê-rô đáp: “Thầy là Đấng Ki tô”. Tại Mát-thêu, thánh Phê-rô còn nói
thêm: “Con Thiên Chúa hằng sống”.
Tại Lu-ca, thánh Phê-rô nói: “Thầy là
Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Quả thật, đây là một câu trả lời vượt
quá khả năng của thánh Phê-rô mà trong cùng một câu chuyện, thánh Mát-thêu ghi
lại nhận xét của Đức Giê-su: “Không
phải phàm nhân mặc khải cho anh điều nầy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên
trời” (Matthew 16:17). Bởi vì chỉ mới vừa
trước đây thôi Ngài đã quở trách các ông vì lòng trí các ông quá chậm hiểu
trước sứ điệp và con người của Ngài.
Ngay lập tức Đức Giê-su
cấm ngặt các ông không được nói với ai về Ngài. Lệnh cấm nầy được lập đi lập
lại nhiều lần trong Tin Mừng Mác-cô mà các nhà chuyên môn gọi “bí mật Đấng Mê-si-a”. Bí mật Đấng
Mê-si-a nầy thường liên quan đến các phép lạ, bây giờ chính là căn tính Mê-si-a
của Ngài. Tại sao lại có lệnh cấm nầy? Bởi vì Ngài sợ người ta hiểu lầm tước
hiệu Mê-si-a trên bình diện trần thế và chính trị. Mặt khác, lúc nầy các môn đệ
không thể hiểu hết được mầu nhiệm Mê-si-a hàm chứa trong ý định của Thiên Chúa.
Rõ ràng, Đức Giê-su sắp vén bức màn mầu nhiệm này.
3. Loan báo đầu tiên về
cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ngài:
Đây là lần đầu tiên Đức
Giê-su loan báo cho họ cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ngài: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục,
các thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại”.
Cái tất yếu mà Đức Giê-su nêu lên: “Con
Người phải…”, không là tất yếu của định mệnh, nhưng là cái tất yếu
thuộc trật tự thần học, chính là cái tất yếu của chương trình Thiên Chúa. Cuộc
Khổ Nạn không là một tai nạn mà biến cố Phục Sinh sẽ sửa sai, nhưng là một phần
của mầu nhiệm cứu độ nhân loại. Vào giây phút nầy, Đức Giê-su không cho các ông
bất cứ lời giải thích nào khác ngoài cái tất yếu (“phải”) nầy.
4. Phản ứng của thánh
Phê-rô:
Trong lời loan báo đầu
tiên về cuộc Khổ Nạn của Ngài, Đức Giê-su cẩn trọng tránh nói đến việc Ngài bị
đánh đập và bị đóng đinh vào khổ giá. Nhưng như thế cũng đủ gây nên một sự
choáng váng ở nơi các môn đệ. Một cách tế nhị, “thánh Phê-rô liền kéo riêng Người ra mà trách”. Chúng ta có
thể hiểu được phản ứng của thánh Phê-rô. Trong tâm trí, thánh nhân đã hình
thành nên ở nơi Thầy mình một Đấng Mê-si khải hoàn và vinh quang: thánh nhân ôm
ấp những kỳ vọng trần thế; nhưng chắc chắn lời trách cứ của thánh nhân hàm chứa
lòng yêu mến của mình đối với Thầy mình. Không ai có thể chấp nhận người mình
yêu có thể bị đau khổ.
5. Phản ứng của Đức
Giê-su:
Đức Giê-su phản ứng rất
mãnh liệt; thái độ của thánh Phê-rô tái hiện trong tâm trí của Ngài cơn cám dỗ
mà Ngài đã kinh qua trong hoang địa; Đức Giê-su đáp trả vị Tông Đồ của Ngài
cũng bằng những lời mà Ngài đã dùng để trục xuất Tên Cám Dỗ: “Xa-tan kia, xéo đi!” (Matthew 4:10), nhưng với thánh Phê-rô, Ngài còn nói thêm: “Lui ra đằng sau Thầy”, nghĩa là “Anh không hiểu rằng nếu là môn đệ trung thành, anh
phải bước đi theo con đường của Thầy”.
Và với tất cả những ai
muốn làm môn đệ của Ngài, Đức Giê-su cũng căn dặn một lời như vậy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập
giá mình mà theo”. Hễ mỗi lần gợi lên cuộc Khổ Nạn của Ngài, Đức
Giê-su đều liên kết các môn đệ của Ngài, và qua họ, tất cả các Ki tô hữu, vào
con đường đau khổ nầy: “Ai muốn cứu
mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin
Mừng, thì cứu được mạng sống ấy”. Ở đây Đức Giê-su sử dụng một từ
hai nghĩa: “mạng sống” vừa
có nghĩa cuộc sống tạm thời ở đời nầy vừa cuộc sống đời đời ở mai sau.
Những lời nầy âm vang
xuyên suốt nhiều thế kỷ và đã tạo nên niềm tin tưởng và phó thác vô bờ của các
thánh tử đạo mọi thời, hôm qua cũng như hôm nay.
Lm Inhaxiô Hồ Thông
Chúa Nhật tuần 24 thương niên, năm B
Suy niệm: Ông Phêrô tuyên xưng Ðức Giêsu là Ðức Kitô, lời
tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai về sứ mệnh chân chính
của Ðức Giêsu. Họ hiểu sứ mệnh theo nghĩa chính trị: Giải phóng dân tộc, giành
được tự do. Vì thế, ngay sau khi ông Phêrô tuyên xưng, Ngài liền loan báo cho
họ con đường thương khó và phục sinh của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để thực hiện sứ mệnh
theo ý Chúa Cha. Xin giúp chúng con khi nhận mình là Kitô hữu, là môn đệ của
Chúa, chúng con cũng biết từ bỏ chính mình mà bước đi theo Chúa trên con đường
thập giá, dám can đảm chấp nhận và vượt qua những thử thách, đau khổ để được
vào vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Thầy là Ðấng Kitô. Con
Người sẽ phải chịu khổ nhiều".
16/09/12
CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – B
Mc 8,27-38
Mc 8,27-38
“VỚI
CON, THẦY LÀ TẤT CẢ”
Đức Giêsu lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29)
Suy niệm: Nhiều nhân vật nổi tiếng đã có nhận định tốt đẹp về Đức Giêsu. Chẳng hạn sử gia người Anh H. Wells thú nhận: “Tôi là một sử gia, chứ không phải là một tín hữu, nhưng tôi phải thú nhận rằng vị giảng thuyết không một xu dính túi từ Nadarét chính là trung tâm của lịch sử, rõ ràng Đức Giêsu là khuôn mặt nổi bật nhất của toàn bộ lịch sử.” Nhà văn Nga F. Dostoievsky xác tín:“Tôi tin rằng không có ai sâu sắc hơn, dễ mến hơn, thông cảm hơn và hoàn hảo hơn Đức Giêsu - không chỉ chẳng có ai như Ngài, nhưng sẽ không bao giờ có ai được như Ngài.” Cựu Tổng bí thư M. Gorbachev lại cho rằng “Đức Giêsu là con người xã hội chủ nghĩa đầu tiên, người đầu tiên kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.”
Mời Bạn: Vài nhân vật tiêu biểu trên đây đã trả lời câu hỏi Đức Giêsu là ai đối với họ. Tuy nhiên, người quan trọng nhất cần nghiêm chỉnh trả lời câu hỏi này là chính bạn. Hôm nay Đức Giêsu đặt câu hỏi mang tính sinh tử này với bạn. Đáp án đúng nhất không có sẵn nơi sách giáo lý hay kinh Tin kính, nhưng nơi chính cảm nghiệm của bạn về Ngài trong cuộc đời của mình.
Chia sẻ: Đức Giêsu có phải là Chúa, là Thầy, là Anh Cả, là người Bạn thân đối với tôi không?
Sống Lời Chúa: Suy nghĩ và trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu và nỗ lực sống hết mình với câu trả lời ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa tình thương, là bậc Thầy có những Lời đem lại sự sống đời đời, là Anh Cả của một đoàn em đông đảo trong đại gia đình Thiên Chúa, là người Bạn thân thiết nhất của chúng con. Amen.
Anh em bảo Thầy là ai ?
Truyền
giáo là giúp người ta biết đúng và đủ về Ngài. Không phải là cái biết lý thuyết
trong sách vở, nhưng là cái biết thân tình của người môn đệ.
Suy niệm:
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Ðức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các
môn đệ
sau khi họ đã ở với Ngài và được
Ngài sai đi (x. Mc 3,14),
sau khi họ đã thấy việc Ngài làm,
nghe lời Ngài giảng.
Hôm nay Ðức Giêsu cũng đặt câu hỏi
này cho tôi
sau khi tôi đã theo đạo một thời
gian dài,
đã cầu nguyện và tham dự các bí
tích...
“Còn anh, anh bảo Thầy là ai?”
Câu hỏi này nhắm thẳng vào tôi, đòi
tôi phải trả lời.
Tôi không được trả lời qua loa hay
máy móc.
Câu trả lời của tôi phải bắt nguồn
từ một kinh nghiệm,
kinh nghiệm gặp gỡ và quen biết Ðức
Giêsu.
Chẳng nên theo một người mà mình
không quen và tin tưởng.
Ðời tín hữu là một hành trình tìm kiếm không
ngừng
để khám phá ra khuôn mặt luôn mới mẻ
của Ðức Giêsu.
Ngài thật là một mầu nhiệm khôn dò
và quá phong phú.
Chúng ta chỉ mon men đến gần,
nhưng không sao múc cạn được mầu
nhiệm ấy.
Phải thanh lọc những hình ảnh ta vốn
có về Ngài.
Người làng Nadarét cứ nghĩ Ðức Giêsu
chỉ là bác thợ.
Gioan Tẩy Giả nghĩ Ngài là một Mêsia
vinh quang toàn thắng.
Phải gột bỏ cái biết cũ về Ngài
để đón nhận một Ðức Kitô khác, vượt
xa điều mình nghĩ.
“Tư tưởng của anh không phải là
tư tưởng của Thiên Chúa”.
Cần trở nên trẻ thơ để nhận ra khuôn
mặt thật của Giêsu.
Hôm nay, chúng ta dễ dàng trả lời như Phêrô:
“Thầy là Ðức Kitô”,
và hơn Phêrô: “Thầy là Ngôi Lời nhập
thể, là Con Thiên Chúa”.
Nhưng vấn đề không phải chỉ là trả
lời đúng câu hỏi
mà còn là sống tận căn thân phận của
Thầy.
Ngay sau khi loan báo con đường khổ
nạn mình sắp đi,
Ðức Giêsu loan báo con đường dành
cho người môn đệ.
Môn đệ chỉ có một con đường, con
đường của Thầy.
Thầy đã sống phận người với tất cả
bấp bênh tăm tối,
tôi có dám sống phận người của tôi
trong niềm vui không?
Thầy đã chịu chết vì làm chứng cho
sự thật,
tôi có dám hiến mạng tôi vì Thầy và
vì Tin Mừng không?
Thầy đã vượt qua đau khổ để vào vinh
quang bất diệt,
tôi có dám chọn con đường khiêm hạ
và nghèo khó không?
“Người ta bảo Thầy là ai?”
Ta cần biết cái nhìn của con người
hôm nay về Ðức Giêsu.
Nhiều cái nhìn đúng nhưng chưa đủ.
Truyền giáo là giúp người ta biết
đúng và đủ về Ngài.
Không phải là cái biết lý thuyết
trong sách vở,
nhưng là cái biết thân tình của
người môn đệ.
Cuộc sống của ta vén mở căn tính của
Ðức Giêsu.
Dung mạo của ta phải mang nét đặc
trưng của Ngài.
Ðức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).
Chúng ta ao ước nói: “Ai thấy tôi là
thấy Ðức Giêsu”.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm
người như chúng con,
nên Chúa hiểu
gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy
cạm bẫy mời mọc
mà con người
lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc
thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh
sáng,
cũng có những
bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con
mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con
nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn
muốn chết được.
Nếu có lúc con
thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con
nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt
lên : Sao Cha bỏ con ?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành
với con, để con không cô đơn.
Xin cho
con yêu đời luôn
dù đời
chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho
con can đảm
đối diện
với những thách đố
vì biết
rằng cuối cùng
chiến
thắng thuộc về người
có niềm
hy vọng lớn hơn. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ
nhiều".
Đường khó, sao Chúa đi được
Với câu trả lời chính xác, thánh Phêrô được điểm mười. Xứng
đáng được 10, bởi đấy là câu hỏi và trả lời cốt lõi. Chân lý này, là nền tảng
cho niềm tin và cuộc sống cho các tông đồ, cũng như mọi tín hữu sau này. Không
xác định được chân lý này, thì tất cả cuộc sống của người có đạo, sẽ như đổ hết
xuống biển khơi. “Thưa, Thầy là Đấng Kitô”. Nghĩa là: Thầy là Ngôi Hai Thiên
Chúa, đến trần gian, để cứu chuộc chúng con. Chúa Giêsu không phải là một con
người như bình thường; mà Ngài là Thiên Chúa xuống trần gian để làm người. Vì
vậy, mọi việc làm của Ngài, đều có một giá trị vô cùng. Xác định được chân lý
ấy, cho nên Phêrô được khen với điểm mười.
Vui
lòng với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu bắt đầu dẫn các ông đi xa hơn. Ngài chỉ cho
thấy, con đường của Đấng Kitô sẽ đi. Một con đường mà khiến tất cả các môn đệ
đều ngỡ ngàng; đến độ không thể chấp nhận. Bức xúc quá, không chịu được nữa,
Phêrô kéo riêng Chúa ra và cản ngăn oán trách. Thật là có điên không cơ chứ, là
một Thiên Chúa, với đầy quyền năng trong tay, mà sao lại phải đi vào con đường
thua bại, nhục nhã thế. Con đường của tủi hổ, đắng cay, đắng cay cho đến chết.
Một tương lai chìm sâu trong u tối; một viễn tượng chán nản buồn phiền.
Satan,
hãy lui ra xa Ta. Phêrô giật thót mình kinh ngạc. Sao Chúa lại nặng lời với
mình đến thế. Mình muốn điều tốt cho Thầy, chứ mình có làm điều gì sai đâu?
Thực ra, mãi sau này, Phêrô mới hiểu. Ông không thể ngờ rằng, mình đang làm
công việc của Satan, đó là công việc cám dỗ.
Đường
đau khổ, là con đường Chúa Cha, muốn Ngài phải đi, để cứu chuộc nhân loại.
Chính bản thân Ngài cũng thấy ngán. “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống
chén này”. Ai mà chả sợ, khi phải đối diện với khổ đau và cái chết. Nhưng tuy
dù không thích, Ngài vẫn can đảm và hoàn toàn tự nguyện chấp nhận. Phêrô là
người học trò thân tín của Ngài, bây giờ, lại cám dỗ Ngài thay đổi lập trường.
Tuy dù Phêrô không cố ý, nhưng dù sao đó cũng là một cơn cám dỗ ngọt ngào. Lời
cám dỗ ngọt ngào, có thể làm Ngài lung lay thay đổi lập trường. Vì thế, Ngài
phải mạnh tiếng, trong một thái độ cương quyết. Vừa để Phêrô ngạc nhiên, tìm
hiểu và thức tỉnh; vừa để cho ông nhận ra rằng: con đường an thân, thoải mái,
không bao giờ là con đường Chúa đi. Đường Chúa đi, và Ngài cũng muốn những người
theo Ngài phải đi, là con đường gai góc, đớn đau, và từ bỏ đến tận cùng. Một
con đường thật hẹp.
Câu hỏi:
1-
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc. Bạn có nhận thấy bạn cần đến Ngài không?
2-
Đường bạn đang đi, là đường thoải mái hay gập ghềnh cần nhiều cố gắng?
(Suy
niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long
Xuyên số 09/2012’)
Người ta bảo Thầy là ai?
(Suy niệm của Lm Jos.
Tạ Duy Tuyền)
Có một thời người ta đổ xô nhau đi tìm đọc quyển sách
"Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu". Nhiều người cho rằng quyển
sách này đã viết đúng tâm lý của con người, vì tác giả đã mô tả Chúa Giêsu như
một con người thực sự, có khác chăng là người đã vượt thắng được cám dỗ cho tới
giờ phút cuối cùng.
Quyển sách "cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu"
mô tả về một chàng trai Giêsu đầy sức sống. Ðẹp trai và nhiều tài năng. Có một
thiếu nữ rất xinh đẹp đã đem lòng yêu mến chàng, tên là Madalêna. Thế nhưng,
tình yêu đã không đem lại cho chàng hạnh phúc. Chàng luôn bị thôi thúc bởi một
tiếng gọi cao siêu, vượt trên cuộc sống tầm thường như bao bao người khác.
Chàng quyết định từ bỏ người yêu và ra đi rao giảng về một Tin mừng có thể đem
lại cho con người hạnh phúc đời này và đời sau. Mađalêna thất tình đã buông
trôi cuộc đời trong chốn lầu xanh tội lỗi. Còn Giêsu thì thu thập được một số
đồ đệ và hăng say truyền bá lý tưởng cao siêu. Nhưng lý tưởng đó lại không phù
hợp với những mục đích chính trị của các tư tế, biệt phái và luật sĩ. Cho nên
cuối cùng, Giêsu bị họ bắt và kết án đóng đinh. Trong những giây phút hấp hối
trên thập giá, Giêsu bị hôn mê, cơn hôn mê khiến Giêsu nhìn lại cuộc đời của
mình. Chàng mơ thấy mình từ bỏ lý tưởng cao siêu, cưới Mađalêna làm vợ, sinh
được một bầy con ngoan, đẹp, sống rất hạnh phúc với gia đình, nhưng bị các đồ
đệ và các tín đồ nhiếc móc. Giêsu bừng tỉnh dậy lắc đầu xua đuổi cơn cám dỗ ấy.
(Giêsu đã chiến thắng cơm cám dỗ cuối cùng). Và sau đó gục đầu tắt thở.
Tác giả đã dựa vào tâm lý chung của con người để viết về
nhân tính của Chúa Giê-su. Một con người bình thường, sinh ra, lớn lên, rung
cảm với tình yêu đầu đời, nhưng ở chàng thanh niên Giêsu đã từ khước tiếng nói
của con tim để theo đuổi một lý tưởng cao siêu. Ðiều này đáng được con người
kính trọng. Nhưng đáng tiếc, lý tưởng đó bị người đời khước từ vì không thực tế,
và cho dù cuộc sống của Ngài được nhiều người kính trọng nhưng người ta lại
không muốn sống theo lối sống của Ngài.
Thực vậy, con người ngày hôm qua
cũng như hôm nay, luôn cần tiền, cần tiện nghi, cần địa vị và cần cuộc sống bất
tử để hưởng thụ mãi hạnh phúc ở chốn gian trần. Vì thế, người ta không chấp
nhận đường lối của Chúa Giêsu, vì phương thế này không thoả mãn nhu cầu vật
chất của con người. Có chăng, họ chỉ kính trọng một Giêsu thánh thiện, một vĩ
nhân của nhân loại, nhưng đạo của Ngài thiết lập chẳng giúp ích gì cho cuộc
sống thường ngày của họ. Ðôi khi còn trở thành gánh nặng khiến họ không thể
tuân giữ giới răn của Người. Ðôi khi họ còn coi Chúa Giêsu là nguyên nhân gây
nên phiền toái cho họ.
Có người nói rằng theo đạo làm
chi, phải đi lễ hằng ngày, hằng tuần, ngủ cho sướng.
Có người nói rằng theo đạo làm
chi để bị ràng buộc bởi quá nhiều lề luật.
Có người cho rằng theo đạo phải
giữ luật công bằng thì làm sao làm ăn có lời, có lãi.
Có những bà mẹ cho rằng nếu giữ
đúng luật Chúa thì gia đình sẽ mất hạnh phúc, con cái sinh ra ai sẽ nuôi cho
nổi.
Có biết bao cuộc đời là có bấy
nhiêu khó khăn. Càng khó khăn người ta lại đổ tội cho Chúa. Vì Chúa mà họ thiệt
thòi. Vì Chúa mà họ phải sống nghèo đói. Vì Chúa mà họ phải thua kém bạn bè.
Xem ra phần đông nhân loại nhìn Chúa như một quan toà, một cảnh sát chỉ để ngăn
cấm và xét đoán. Và rồi, họ nhìn biết bao nhiêu người không có đạo vẫn sống
hạnh phúc, đôi khi lại giầu có hơn mình, có địa vị hơn mình...
Phải, phần đông nhân loại đã
nhìn Chúa Giêsu như vậy. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Chúa Giêsu vẫn tôn
trọng tự do của các môn đệ. Ngài vẫn hằng tôn trọng tự do của chúng ta hôm nay.
Ngài vẫn đòi hòi triệt để những kẻ tin theo Ngài phải từ bỏ, phải hy sinh vác
thập giá, phải đi qua cửa hẹp và phải sống thanh thoát với của cải trần gian.
Nghĩa là Ngài vẫn đòi hỏi chúng ta phải sống vượt lên trên nhu cầu thể xác tầm
thường, phải sống làm chủ bản năng của mình bằng hy sinh, khổ chế để sống như
những con người tự do đích thực. Không bị những đam mê danh lợi thú ràng buộc.
Không bị những cám dỗ tội lỗi làm mất lương tri, mất phẩm giá cao qúy của con
người.
Với những đòi hỏi đó, phải có
cái nhìn đức tin như Phêrô mới có thể bỏ mọi sự mà theo Thầy, mới có thể tuân
giữ lời Thầy và sống gắn gó mật thiết với Thầy. Phêrô và các môn đệ đã nhìn
thấy Thầy là Chúa, là Ðấng hằng sống và các ông còn hiểu rằng: ai bước đi theo
Ngài sẽ không phải chết đời đời. Các ông đã dám đánh đổi cuộc đời này để đổi
lấy hạnh phúc bất diệt đời sau. Các ông đã dám khước từ vinh hoa phú qúy đời này
để lãnh triều thiên vinh hiển ngày mai.
Vâng cuộc đời này sẽ đi qua.
Tiền tài, danh vọng, lạc thú tất cả chỉ là phù vân. Cái chết sẽ làm chúng ta
đoạn tuyệt tất cả. Nếu cuộc đời chết là hết thì chẳng có gì đáng nói. Nếu chết
là hết thì cuộc đời là một thảm hoạ đối với bản thân và đồng loại. Người ta đâu
cần rèn luyện tài đức. Người ta chỉ cần hơn thiên hạ. Người ta chỉ cần vun quén
cho bản thân, và mặc xác đồng loại. Cuộc sống sẽ là một bãi chiến trường mà con
người là nguyên nhân và cũng là hậu quả của tất cả khổ đau. Nhưng cuộc đời
không dừng lại ở cái chết. Cái chết là ngưỡng cửa mở ra sự sống vĩnh cửu. Và ở
cõi đời đời con người đau khổ hay hạnh phúc lại tuỳ thuộc ở cuộc đời hôm nay.
Vì thế, nếu bạn chọn sự sống đời đời phải từ bỏ tham sân si, từ bỏ mọi đam mê
bất chính. Từ bỏ đòi hy sinh, đòi khổ chế để vượt thắng cám dỗ. Các tông đồ đã
vượt thắng tất cả vì tin rằng Chúa là Ðường là sự thật, là sự sống. Các Ngài đã
từ bỏ mọi sự để theo Chúa, còn chúng ta có dám vì sự sống bất diệt ngày mai bên
Chúa để can đảm từ khước những đam mê bất chính, những bon chen danh lợi thú để
sống theo giáo huấn của Chúa hay không? Hạnh phúc hay đau khổ còn tuỳ thuộc vào
chọn lựa của chúng ta hôm nay?
Ước gì chúng ta có cái nhìn đức
tin như Phêrô để làm chứng cho thế giới hưởng thụ hôm nay về một cuộc sống hạnh
phúc trường sinh mai sau. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
16 THÁNG CHÍN
Hội Thánh Khải Hoàn
Cùng với sự nhận hiểu
quan trọng nói trên về Giáo Hội xét như là cộng đoàn các Kitô hữu, phụng vụ cho
chúng ta thấy đặc tính thần diệu của Giáo Hội xét như là Giêrusalem, Thành
Thánh, “xuất phát từ trời cao, từ nơi Thiên Chúa” (Kh 21,10). Thành Giêrusalem
trên trời là Hội Thánh khải hoàn và được vinh hiển trong Đức Kitô. Nó bao gồm
những ai được vui hưởng phần thưởng sự sống vĩnh cửu nhờ ơn cứu chuộc của Đức
Kitô.
Như Thánh Gioan Tác giả
Sách Tin Mừng, chúng ta cũng phải luôn luôn dõi đôi mắt tâm hồn về Thành
Giêrusalem vinh quang trên trời. Đó là mục tiêu cuối cùng của hành trình cuộc
sống chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn chiêm ngắm “viễn cảnh hoà bình hồng
phúc” này – một viễn cảnh trở thành niềm hy vọng đầy sức khích lệ cho chúng ta.
Những anh chị em đã đạt đến ơn cứu độ đang chờ đợi chúng ta trong Thành Thánh
của Thiên Chúa. Và tại chính ngai toà của Thiên Chúa, họ cầu thay nguyện giúp
cho chúng ta – để sẽ đến ngày chúng ta cũng được sum vầy với họ.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 16-9
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN;
Is 50, 5-9a; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35.
LỜI
SUY NIỆM: Rồi Đức Giêsu
gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.(Mc 8,34).
Đời sống và lời rao giảng của Chúa Giêsu thật là một lý tưởng, tất cả mọi người
khi nhìn vào Ngài đều muốn được như Ngài. Muốn được như Ngài thì phải theo Ngài
với hai điều kiện tiên khởi cũng là suốt cuộc đời mình: “từ bỏ chính mình và
vác lấy thập giá của mình”. Không dễ chút nào, nếu không có ơn gọi và ân sủng
của Ngài ban cho. Bởi trong mỗi một con người luôn có nhiều cái đang đòi hỏi để
phục vụ cái tôi của mình, nhưng khi từ bỏ chính mình thì phải trả lời dứt khoát
mọi điều đó với chữ “Không”; và luôn sẵn sàng thưa: “Vâng” với Chúa trong mọi
sự. Đồng phải biết chấp nhận những thử thách trong cuộc sống để chiến đấu và
chiến thắng nhờ vào ân sủng của Ngài đó là vác thập giá của mình.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
NGÀY 16-09 THÁNH CYPRIANÔ - GIÁM MỤC TỬ ĐẠO (210 - 258)
St.Cyprian |
Thánh Cyprianô là một
khuôn mặt sáng chói trong Giáo hội sơ khai, là một người Phi Châu. Hồi còn là lương
dân, với những tài năng đặc biệt của một giáo sư dạy khoa hùng biện và của một
luật sư, Ngài đã buông mình theo thú vui như một thanh niên thời đó. Nhưng khi
nhờ cha Côcilianô đưa trở lại với đức tin Kitô giáo, Ngài đã hết lòng từ hiến
đời mình để phụng sự Chúa Kitô. Quyết sống độc thân, bán hết gia sản và nhà cửa
để phân phát cho người nghèo. Ngài cũng từ bỏ văn chương để học hiểu kinh
thánh, một số tác phẩm và một số tuyển tập thư tín của Ngài là phần đóng góp
cho nền văn chương Kitô giáo.
Với cuộc sống như vậy,
chẳng lạ gì khi vừa trở lại đạo, Ngài đã được thụ phong linh mục và năm 249
được chọn làm giám mục Carthage, dưới sức ép của hàng giáo sĩ và giáo dân. Ngài
đã có được mọi khả năng và đức tin mà một giám mục có thể có được. Với hết tâm
lực, Ngài tìm cách nâng cao nếp sống luân lý đạo đức của một đoàn chiên sau
nhiều năm phóng túng vì cuộc bách hại. Đặc biệt Ngài đã viết truyền đơn chống
lại sự thế tục của các trinh nữ tận hiến.
Một năm sau khi được
tấn phong, năm 250 hoàng đế Đêciô bắt đầu một cuộc bách hại đầy nguy hiểm vì
được tổ chức có hệ thống. Ong bắt mọi người phải dâng lễ kính thần minh của
ông. Nhiều Kitô hữu đã tuân phục. Một số khác tìm cách mua những giấy chứng
nhận để được yên thân vì nghĩ rằng: Giáo hội không thể thiếu một vị giám mục
khi phải đương đầu với cơn bão táp. Từ nơi trú ẩn Ngài viết thơ hướng dẫn đoàn
chiên.
Cuộc bách hại chấm dứt
sau cái chết của Đêciô. Nhiều người Kitô hữu chối đạo trở về với Giáo hội.
Thánh Cyprianô chủ tọa một công đồng trong đó quyết định rằng: những người dâng
lễ kính thần minh chỉ được tha tội trước khi chết, còn những người chỉ mua giấy
chứng nhận (1a belli), thì được tha sau một thời gian thống hối. Novatô, một
linh mục và Fêlicissimô, một phó tế đã ly khai vì muốn tha ngay, thánh Cyprianô
đã hỗ trợ cho đức giáo hoàng Cornêliô chống lại nhóm ly khai theo Novatianô.
Cùng với nhiều lá thư Ngài gửi cho các Kitô hữu Roma một khảo luận về sự hiệp
nhất Giáo hội "De Unitate Ecclesiae" trong đó Ngài nhấn mạnh tới
thượng quyền của đấng kế vị thánh Phêrô.
Năm 253, một cơn dịch
lan tràn khắp đế quốc. Các Kitô hữu ở Carthage
quảng đại phục vụ các nạn nhân. Nhưng người ta mê tín lại cho rằng: các thần
minh đã giận dữ với người Kitô hữu. Hoàng đế Gallô mở một cuộc bách hại mới.
Một sắc lệnh mới tha tội cho mọi hối nhân để họ đứng vững trong đức tin. Dầu
vậy cuộc bách hại đã không dữ dội ở Carthage
và Đức Cha Cyprianô không bị quấy rầy.
Chẳng may có sự tranh
chấp giữa thánh Cyprianô với đấng kế nhiệm thánh Cornêliô là Đức giáo hoàng
Stêphanô về việc rửa tội lại cho người đã được rửa tội trong lạc giáo. Cuộc ly
khai đã không xảy ra vì Đức Sixtô kế vị đức Stêphanô được giữ tập tục của mình.
Năm 257, hoàng đế
Valêrianô lại khơi dậy cuộc bách hại. Thánh Cyprianô là nạn nhân của cuộc bách
hại này. Các tường thuật về cuộc diện kiến của Ngài trước quan tổng trấn và về
cuộc tử đạo của Ngài dựa tên các tài liệu chính thức của một người đã được mục
kiến. Trước mặt tổng trấn Paternô, Ngài tuyên xưng đức tin và không chịu nộp
danh sách các linh mục. Ngài bị đày đi Curubis, một thành bên bờ biển là nơi
Ngài viết khảo luận cuối khuyên nhủ can đảm chịu chết vì đạo. Vào đêm trước khi
bị lưu đày, Ngài mơ thấy mình bị chặt đầu vào năm sau.
Quả thật, năm sau, vào
mùa thu năm 258 có sắc lệnh xử các giáo sĩ. Ngài bị điệu về trước mặt quan tổng
trấn mới là Galeriô Maximô. Sau một đêm sống với đoàn chiên. Sáng 14 tháng chín
Ngài đứng trước quan tòa và bị chất vấn:
- Ngươi là Thasciô, thượng tế của bọn người phạm thánh phải không ?
- Phải
- Đức hoàng thượng dạy ngươi phải dâng lễ tế các thần minh.
- Tôi sẽ không làm.
- Hãy nghĩ lại đi.
- Quan hãy làm như chỉ thị, khi đường đi ngay thẳng lại phải suy tính làm gì.
- Ngươi là Thasciô, thượng tế của bọn người phạm thánh phải không ?
- Phải
- Đức hoàng thượng dạy ngươi phải dâng lễ tế các thần minh.
- Tôi sẽ không làm.
- Hãy nghĩ lại đi.
- Quan hãy làm như chỉ thị, khi đường đi ngay thẳng lại phải suy tính làm gì.
Quan tòa ra lệnh xử
trảm thánh nhân. Ngài truyền đem 25 tiền vàng thưởng cho lý hình. Các Kitô hữu
thi nhau thấm máu người làm kỷ vật.
Đêm hôm sau các Kitô
hữu đã rước đuốc mang thân thể Ngài mai táng trong phần mộ của Macrôbiô
Condidianô, một quan chức Roma "trên đường Pmappala gần các hồ nước".
Một ít ngày sau quan tổng trấn cũng theo Ngài tới phần mộ. Chúng ta có được bản
ký sự về thánh Cyprianô do Pontiô của Ngài viết.
(daminhvn.net)
++++++++++++++++++
16 Tháng Chín
Sống Là Một Cuộc Chạy
Ðua
Vào khoảng cuố tháng 4
năm 1989, một cuộc chạy việt dã gây quỹ cho thế giới đệ tam đã được tổ chức tại
300 thành phố bên Pháp Quốc. Cuộc chạy bộ này đã cho tổ chức có tên là chống
đói và giúp phát triển thuộc Giáo Hội Pháp đề xướng, và với sự hỗ trợ của Bộ
Thanh Niên và Thể Thao.
Từ năm 1968 đến nay,
hằng năm, tổ chức chống đói và trợ giúp phát triển phát động những chiến dịch
tương tự để gây ý thức nơi giới trẻ về những vấn đề phát triển trên thế giới,
nhất là tại các nước nghèo.
Trong cuộc chạy việt
dã nói trên, các bạn trẻ mang theo trong người những tấm vé số mà họ sẽ bán cho
người lớn. Trung bình, cứ mỗi cây số chạy được, mỗi bạn trẻ bán một vé số. Mỗi
một vé số trị giá gần hai Mỹ kim. Theo dự tính, tổng số cây số mà các bạn trẻ
sẽ chạy được lên đến 120,000 cây số, nghĩa là tương đương với một vòng thế giới
đệ tam.
Số tiền thu được sẽ
trao cho tổ chức chống đói và trợ giúp phát triển để tài trợ cho hai dự án phát
triển tại Colombia: một dự án nhằm tái định cư những nạn nhân của vụ núi lửa
tại Armero cách đây hai năm, và một dự án khác nhằm thiết lập những vườn trẻ
tại thủ đô Bogota.
Nhiều bạn trẻ thuộc
các phong trào Công Giáo tiến hành, các nhóm học giáo lý, các học sinh tại các
trường Công Giáo đã hăng say tham gia vào chiến dịch nói trên.
Trong cuộc sống tại
các nước tân tiến ngày nay, ai cũng thấm thía với câu ngạn ngữ: sống là một
cuộc chạy đua! Buổi sáng, người ta chen lấn nhau để lên xe chạy đến sở làm;
buổi chiều, người ta giành giựt nhau một chỗ trên xe để về nhà sớm. Hàng tháng,
người ta phải chạy đua với sự leo thang của vật giá. Và dĩ nhiên, những tiện
nghi mỗi ngày một mới mẻ cũng khiến cho con người chạy bở hơi tai.
Cuộc chạy đua nào cũng
đưa lại mệt mỏi. Nhưng mệt mỏi hơn cả đó là cuộc chạy đua trong đó con người
không biết mình sẽ đi về đâu... Ðó là hình ảnh của một cuộc sống không có mục
đích.
Thánh Phaolô đã so
sánh cuộc sống của người Kitô với một cuộc chạy đua. Người Kitô cũng cảm nghiệm
được những nhọc mệt trong lộ trình, nhưng họ luôn kiên trì vì biết chắc đích
điểm và phần thưởng đang chờ đợi họ.
Người Kitô cũng kiên
trì chạy đua, bởi vì họ không chạy lẻ loi trong cuộc sống, nhưng họ biết rằng
bên cạnh họ, còn có những người anh em cùng chung sức với họ... Một vòng tay,
một nụ cười, một cử chỉ thân ái, một hành động tương trợ: bao nhiêu cử chỉ ấy
là bấy nhiêu nâng đỡ cho người Kitô trong cuộc hành trình của họ và cũng là bấy
nhiêu ánh sáng soi dẫn trong cuộc chạy đua của họ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 16
CHÚA NHẬT XXIV
THƯỜNG NIÊN
Thánh Cornêlia, giáo hoàng
Thánh Cornêlia, giáo hoàng
Thánh Cyprien, giám mục, tử đạo
Trong
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, có nhiều điều nói về sự kinh ngạc của Phêrô, được
đánh dấu qua những lời chỉ trích mạnh mẽ của sự hiểu biết từ bên trong. Có thể
người ta nhấn mạnh đến cách thức Chúa Giêsu sử dụng như một khoa sư phạm mang
tính huynh đệ, giới thiệu các môn đồ về những yêu sách của cuộc đời theo Chúa.
Niềm tin vào Thiên Chúa phải đầy xác tín: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì
sẽ mất" !
Phản ứng của thánh Phêrô nhắc nhở cho
chúng ta về niềm tin không phải là sự tự phát. Nó làm cho hòa điệu giữa sự khác
nhau của Đức Kitô và các môn đệ qua những phản ứng phòng vệ. Sự mong ước của họ
không bao giờ biến mất trên khuôn mặt và rất mạnh mẽ. Vì vậy, chúng ta cần để
cho những người này bảo vệ những giá trị xã hội luôn được đề cao, và "mọi
thỏa thuận bất trắc", để cảm nhận cuộc sống qua những thách đố của niềm
tin, con đường của ân sủng, mà trên đó Đức Kitô đi trước và luôn đồng hành với
chúng ta.
Khi
chúng ta không màng bảo vệ chính mình là chúng ta dâng hiến sự tự do và hoàn
toàn hành động trong tình yêu. Vào ngày quang lâm, mọi tương quan và hoạt động
đời thường đều được đổi mới, chúng ta và mọi người đi vào trong ý định ngàn đời
của Chúa Kitô. Vậy có dám niêm ấn những sắc màu của niềm tin tự do không ?
Nữ tu
Véronique Thiébaut
Ngày 16 tháng 9
THÁNH CÔRNÊLIÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
(+253)
|
Thánh
Côrnêliô sinh tại Rôma, là người có một lối sống trong sạch thuần khiết và
khiêm tốn sâu xa không thể trách cứ được. Sau khi giữ các phận vụ trong Giáo
hội và được mọi người thán phục, ngài lên ngôi Thánh Phêrô, kế vị Đức Giáo
Hoàng Fabianô, Đấng đã chết vì đạo 15 tháng trước trong cuộc bách hại của
Đêciô. Nhưng lên ngôi ít lâu, ngài đã phải đương đầu với cuộc ly khai đầy
gương mù của một giáo hoàng giả. Nôvatianô là một linh mục đầy tham vọng,
được một linh mục Phi châu là Nôvatô hậu thuẫn. Họ nổi tiếng về triết học và
tài lợi khẩu, đến nỗi có người than phiền vì đã chọn Đức Côrnêliô làm Giáo
Hoàng mà không chọn Nôvatianô. Hai người nổi loạn đã nỗ lực tuyên truyền và
lôi kéo được một số tín hữu và cả một số giám mục. Ba giám mục nước Ý đã đặt
tay tấn phong cho Nôvatianô làm giáo hoàng. Ông liền viết thư cho nhiều Giám
mục chống lại Đức Giáo Hoàng Côrnêliô, trách cứ ngài quá dễ dàng tiếp nhận
lại những người đã dâng hương tế thần.
Sáng
chói trên ngai toà Phêrô, vì các nhân đức của một vị tông đồ chân chính, thánh
Côrnêliô đã dùng cả con đường hiền dịu lẫn cứng rắn mà không lôi kéo được hai
con người bội phản trở lại đường ngay. Thánh Cyprianô, sau khi biết rõ việc
tuyển chọn hợp pháp của thánh Côrnêliô đã trợ lực với ngài hết mình để mang
lại sự hợp nhất cho Giáo hội. Dù có một vài hiểu lầm, thánh Côrnêliô và
Cyprianô vẫn luôn liên kết mật thiết với nhau như những người bạn thiết.
Những sắc lệnh kết án Nôvatô và Nôvatianô được một công đồng ở Rôma chuẩn
nhận.
Khi
Gallô mở lại cuộc bắt đạo, Đức Côrnêliô bị tống giam. Ngài bị đày tới
Contumcella, bây giờ là Civita Vecchina. Trong một lá thư chào mừng, thánh
Côrnêliô viết:
-
Chúng ta cầu nguyện cho nhau trong những ngày bị bách hại này, nâng đỡ nhau
bằng tình bác ái. Nếu ai trong chúng ta được Thiên Chúa ban đặc ân cho qua
đời trước, chớ gì tình thân hữu vẫn tiếp tục trước mặt Chúa và lời cầu nguyện
của chúng ta tiếp tục thúc đẩy Chúa dủ tình thương xót anh chị em của chúng
ta.
Quả
thật, thánh Côrnêliô đã chẳng sống lâu. Ngài đã qua đời trong khi đi đày vào
tháng 6 năm 253, được an táng tại Contumcella, và sau này dời về nghĩa trang
thánh Callistô. Tình bằng hữu của hai thánh Côrnêliô và Cyprianô vẫn còn sống
mãi cho tới ngày nay, và Giáo hội kính nhớ các ngài vào cùng một ngày.
|
16-9
St.Cornelius |
Thánh Cornelius
(c. 253)
au khi
Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời bấy giờ không có giáo hoàng trong
vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo Hội
được điều hành bởi một tập đoàn linh mục. Cyprian, một người bạn của
Cornelius, viết lại rằng Cornelius được chọn làm giáo hoàng "bởi
quyết định của Thiên Chúa và của Ðức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi
giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi
và những người thiện chí."
Trong
thời gian hai năm Ðức Cornelius làm giáo hoàng, vấn đề lớn nhất thời bấy giờ
có liên quan đến Bí Tích Hòa Giải và nhất là vấn đề tái gia nhập Giáo Hội của
các Kitô Hữu đã chối đạo trong thời kỳ bị bách hại. Cả hai thái cực đều bị
lên án. Ðức Cyprian, giám mục của Phi Châu, yêu cầu đức giáo hoàng xác định
lập trường mà Ðức Cyprian chủ trương, đó là người bội giáo chỉ có thể hoà
giải bởi quyết định của vị giám mục (trái với thông lệ thật dễ dãi của
Novatus).
Tuy
nhiên, ở Rôma, Ðức Cornelius lại gặp một quan điểm đối nghịch khác. Sau cuộc
bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành
Giáo Hội) tự tấn phong mình làm Giám Mục Rôma -- giáo hoàng đối lập đầu tiên.
Novatian chủ trương rằng, không những người bội giáo, mà ngay cả những người
phạm tội sát nhân, tội ngoại tình, tội gian dâm hay người tái hôn thì Giáo
Hội cũng không có quyền tha tội! Ðức Cornelius được sự hỗ trợ của hầu hết mọi
người trong Giáo Hội (nhất là Ðức GM Cyprian ở Phi Châu) để lên án chủ thuyết
của Novatian, dù rằng giáo phái này kéo dài trong vài thế kỷ. Vào năm 251,
Ðức Cornelius triệu tập thượng hội đồng ở Rôma và ra lệnh những người
"sa ngã" được hòa giải với Giáo Hội qua "bí tích hoà
giải" thông thường.
Một tài
liệu từ thời Ðức Cornelius cho thấy sự phát triển của Giáo Hội Rôma trong
giữa thế kỷ thứ ba mà lúc ấy gồm 46 linh mục, bảy phó tế, bảy trợ phó tế. Số
Kitô Hữu được ước lượng khoảng 50,000 người.
Thánh
Cornelius từ trần vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita
Vecchia.
Lời
Bàn
Thật
đúng để nói rằng trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều giáo thuyết lầm lạc được
đưa ra vào một thời điểm nào đó. Thế kỷ thứ ba đối diện với một vấn đề mà ít
khi chúng ta để ý đến -- một khi đã phạm tội trọng thì phải sám hối trước khi
giao hoà với Giáo Hội. Những người như Thánh Cornelius và Thánh Cyprian là
công cụ của Thiên Chúa để giúp Giáo Hội tìm ra con đường khôn ngoan giữa hai
thái cực của sự nghiêm khắc và sự lỏng lẻo. Họ là những phần tử của một Giáo
Hội truyền thống đầy sinh động, nhằm đảm bảo tính cách liên tục của những gì
đã được Ðức Kitô khởi sự, và lượng giá những cảm nghiệm mới qua sự khôn ngoan
và kinh nghiệm của những người đi trước.
Lời
Trích
"Chỉ
có một Thiên Chúa và một Ðức Kitô và một ngôi tòa giám mục, được xây dựng đầu
tiên trên Thánh Phêrô bởi quyền năng Thiên Chúa. Do đó, không thể nào đặt ra
một bàn thờ khác hay một tư tế khác. Bất cứ gì người ta thiết lập ra trong
khi tức giận hay hấp tấp, bất chấp quy luật của Thiên Chúa, chỉ là một quy
tắc giả mạo, trần tục và phạm thượng" (Thánh Cyprian, Sự Hiệp
Nhất của Giáo Hội Công Giáo)
|
|
www.nguoitinhuu.com
Lectio: Chúa Nhật XXIV Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 16 Tháng 9, 2012
Làm thế nào để đi theo Chúa Giêsu
Chăm sóc các môn đệ, chữa lành người mù
Mc 8:27-35
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên tuần này trình bày lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu, cho các Môn Đệ, Phêrô cố gắng loại trừ Thập Giá và giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến những hệ quả của Thập Giá cho những ai muốn làm môn đệ của Người. Phêrô không hiểu được đề nghị của Chúa Giêsu liên quan đến Thập Giá và khổ nạn. Ông đã chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng không là Đấng Cứu Thế chịu khổ nạn. Phêrô đã bị nhồi sọ bởi lời tuyên truyền của chính quyền thời bấy giờ nói về Đấng Cứu Thế như một vị Quân Vương vinh hiển. Phêrô dường như bị mù quáng. Ông không thể nhìn thấy bất cứ điều gì và ước mong Chúa Giêsu cũng sẽ giống như ông, Phêrô đã mong ước và hình dung. Ngày nay, tất cả chúng ta đều tin vào Đức Giêsu. Nhưng tất cả chúng ta không hiểu Người trong cùng một cách. Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Vào thời nay, hình ảnh phổ biến nhất về Chúa Giêsu mà người ta có là gì? Thời nay, liệu có lời tuyên truyền nào nhằm xen vào trong cách chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu không? Đối với Đức Giêsu, tôi là ai?
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 8:27-28: Câu hỏi của Chúa Giêsu liên quan đến ý kiến của người dân và câu trả lời của các Môn Đệ
Mc 8:29-30: Câu hỏi của Chúa Giêsu và ý kiến của các Môn Đệ
Mc 8:31-32a: Lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó và cái chết
Mc 8:32b-33: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô
Mc 8:34-35: Những điều kiện để đi theo Chúa Giêsu
Mc 8:34-35: Những điều kiện để đi theo Chúa Giêsu
c) Tin Mừng:
27 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" 28 Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". 29 Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Đấng Kitô". 30 Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
31 Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. 33 Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! Vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người". 34 Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. 35 Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điều nào trong văn bản này làm bạn hài lòng nhất hay đánh động bạn nhất? Tại sao?
b) Ý kiến của dân chúng và của Phêrô về Chúa Giêsu ra sao? Tại sao Phêrô và dân chúng nghĩ như thế?
c) Mối tương quan giữa việc chữa lành người mù, được mô tả trước đây (Mc 8:22-26) và cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Phêrô và các Môn Đệ khác là gì?
d) Chúa Giêsu đòi hỏi gì nơi những ai muốn đi theo Ngài?
e) Ngày nay, điều gì ngăn cản chúng ta không nhận ra và đảm nhận kế hoạch của Chúa Giêsu?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh xưa và nay:
i) Trong câu Tin Mừng Mc 8:27, lời hướng dẫn cặn kẽ của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ bắt đầu, và việc này kéo dài đến chương Mc 10:45. Lúc khởi đầu của lời hướng dẫn cũng như tại phần kết của nó, Máccô đặt việc chữa lành người mù: Mc 8:22-26 và Mc 10:46-52. Tại lúc bắt đầu, việc chữa lành người mù không phải là dễ dàng và Chúa Giêsu đã phải chữa anh ta trong hai giai đoạn. Việc chữa lành sự mù lòa của các Môn Đệ cũng khó khăn không kém. Chúa Giêsu đã phải đưa ra một lời giải thích dài liên quan đến tầm quan trọng của cây Thập Giá để giúp các ông nhìn thấy thực tế, bởi vì nó là cây thập giá đã mang lại sự mù lòa ở họ. Vào đoạn kết, việc chữa lành người mù Batimê là hoa trái của đức tin vào Chúa Giêsu. Nó cho thấy lý tưởng của người Môn Đệ: tin tưởng vào Đức Giêsu và chấp nhận Ngài như chính con người Ngài, không phải như tôi mong muốn hay tưởng tượng.
ii) Vào năm 70, khi Máccô đang viết sách này, tình trạng của các cộng đoàn không phải là dễ dàng thoải mái. Đã có rất nhiều đau khổ, rất nhiều thập giá. Sáu năm trước đó, vào năm 64, hoàng đế Nêrô đã hạ lệnh đàn áp dã man đầu tiên, giết hại rất nhiều Kitô hữu. Trong năm 70, tại Palestine, thành Giêrusalem sắp bị tàn phá bởi người La Mã. Tại các quốc gia khác, sự căng thẳng lớn giữa những người Do Thái cải đạo và những người không cải đạo đã bắt đầu. Mối khó khăn lớn nhất là Thập Giá của Chúa Giêsu. Người Do Thái cho rằng một kẻ bị đóng đinh trên Thập Giá thì không thể là Đấng Cứu Thế được mọi người trông đợi, bởi vì Lề Luật đã khẳng định rằng bất cứ kẻ nào đã bị án xử chết treo trên thập giá thì phải xem kẻ ấy như là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa (Đnl 21:22-23).
b) Bình luận về văn bản:
Mc 8:22-26: Chữa lành người mù
Người ta dẫn một người mù đến và xin Đức Giêsu chữa cho anh ta. Chúa Giêsu đã chữa anh, nhưng theo một cách khác. Thoạt tiên, Người cầm lấy tay anh mù đưa ra khỏi làng, rồi bôi nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: Anh có thấy gì không? Và anh ta thưa: Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại! Anh ta thấy chỉ có một phần. Anh ta trông thấy cây cối và lẫn lộn chúng với người ta, và người ta với cây cối! Chỉ đến lần thứ hai Chúa Giêsu đặt tay trên mắt anh thì anh trông rõ tỏ tường mọi sự và Người nghiêm cấm anh đừng có về làng. Chúa Giêsu không muốn có một cuộc loan truyền nhanh chóng! Bài mô tả này về việc chữa lành người mù là phần giới thiệu về các hướng dẫn sẽ được trao cho các Môn Đệ, bởi vì trong thực tế, Phêrô và các Môn Đệ khác đều bị mù! Và sự mù lòa của các Môn Đệ được Chúa Giêsu chữa lành, mặc dù không phải trong lần đầu tiên. Các ông đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ như một Đấng Cứu Thế vinh hiển. Các ông chỉ nhận thấy một phần! Các ông đã không muốn dính líu với Thập Giá! Các ông đã lẫn lộn cây cối với người ta!
Mc 8:27-30: ĐỂ TRÔNG THẤY: khám phá ra thực tại
Chúa Giêsu hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai? Các ông đáp lại cho thấy dân chúng có nhiều ý kiến khác nhau: “Gioan Tẩy Giả”, “Tiên tri Êlia hay một trong các vị tiên tri”. Sau khi nghe ý kiến của những người khác, Chúa Giêsu lại hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai!” Đó là: “Thầy là Chúa, Đấng mà người ta đang mong đợi!” Chúa Giêsu đồng ý với Phêrô, nhưng nghiêm cấm ông không được nói với ai về điều này. Tại sao Chúa Giêsu lại cấm các ông điều này? Lúc bấy giờ, mọi người đều đang mong đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng mỗi người mong theo cách riêng của mình, tùy theo tầng lớp và địa vị xã hội mà người ấy có: một số mong Ngài đến như một vị Vua, một số khác thì như một vị Thày Cả, Luật Sĩ, Anh Hùng, Đấng Phán Xét hay Tiên Tri! Dường như không ai mong đợi một Đấng Thiên Sai là Người Tôi Tớ, như được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 42:1-9).
Mc 8:31-33: ĐỂ ĐÁNH GIÁ: Xác định rõ tình hình: Lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó
Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy rằng Người chính là Đấng Cứu Thế Tôi Trung được loan báo bởi tiên tri Isaia, sẽ bị bắt và bị giết trong khi thực hiện sứ vụ công lý của Người (Is 49:4-9; 53:1-12). Phêrô với tràn đầy sợ hãi, ông kéo Chúa Giêsu sang một bên và cố gắng can gián Người.
Và Chúa Giêsu quở trách Phêrô: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người!” Phêrô nghĩ rằng ông đã đưa ra câu trả lời đúng. Và, thực ra, ông chỉ nói đúng chữ: “Thầy là Đức Kitô!” Nhưng ông đã không cho từ ngữ này đúng ý nghĩa. Phêrô không thấu hiểu Chúa Giêsu. Ông giống như anh mù ở Béthsaiđa. Ông lẫn lộn người ta với cây cối! Câu đáp lời của Chúa Giêsu rất nghiêm khắc. Người gọi Phêrô là Satan! Satan trong tiếng Do Thái có nghĩa là kẻ tố cáo, là kẻ ngăn trở những người khác đi theo đường lối của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không cho phép bất cứ ai cản trở Người khỏi sứ vụ của mình. Theo đúng từng chữ, Chúa Giêsu nói: “Hãy lui ra sau Ta!” Đó có nghĩa là, Phêrô phải đi đằng sau Chúa Giêsu, phải đi theo Đức Giêsu và chấp nhận con đường hoặc phương hướng mà Chúa Giêsu đã vạch ra. Phêrô muốn là kẻ đứng trước và chỉ hướng. Ông mong muốn một Đấng Cứu Thế theo phương cách và lòng ước muốn của mình.
Mc 8:34-37: ĐỂ HÀNH ĐỘNG: Những điều kiện để đi theo Chúa Giêsu
Chúa Giêsu rút ra những kết luận mà vẫn còn giá trị đến ngày nay: Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo Ta! Vào thời ấy, thập giá là bản án tử hình mà Đế Chế La Mã đã áp đạt cho những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Như thế, vác thập giá mình và đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là chấp nhận bị thiệt thòi bởi hệ thống bất công mà sự bất công đã được hợp pháp hóa. Nó cho thấy một sự đổ vỡ hoàn toàn và triệt để. Như Thánh Phaolô nói trong Thư Gửi các Tín Hữu Galát: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinhvào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gal 6:14). Thập Giá không phải là định mệnh, nó cũng chẳng là nhu cầu cấp bách từ Chúa Cha. Thập Giá là hệ quả của sự kết ước, được Chúa Giêsu đảm nhận một cách tự do để mặc khải Tin Mừng rằng Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha, và do đó tất cả mọi người đều được chấp nhận và được đối xử như anh chị em. Bởi vì lời loan báo mang tính cách mạng này, Người đã bị bách hại và Người không sợ phải hy sinh mạng sống mình. Không có bằng chứng nào về một tình yêu cao quý hơn là việc thí mạng sống mình cho anh em.
c) Phần phụ lục:
Lời hướng dẫn của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ
Ở giữa sự chữa lành cho hai người mù (Mc 8:22-26 và Mc 10:46-52), chúng ta thấy có lời hướng dẫn dài của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ, để giúp cho các ông hiểu về tầm quan trọng của Thập Giá và các hệ quả của nó đối với đời sống (Mc 8:27 – 10:45). Nó dường như là một tài liệu, một loại giáo lý công giáo, được thực hiện bởi chính Chúa Giêsu. Nó nói về thập giá trong đời sống của người Môn Đệ. Nó là một loại lược đồ hướng dẫn:
Mc 8:22-26: Chữa lành người mù
Mc 8:27-38: Loan báo lần thứ nhất về Cuộc Thương Khó
Mc 9:1-29: Hướng dẫn về Đấng Mêssia Tôi Tớ
Mc 9:30-37: Loan báo lần thứ hai về Cuộc Thương Khó
Mc 9:38 – 10:31: Hướng dẫn về cuộc đối thoại
Mc 10:32-45: Loan báo lần thứ ba về Cuộc Thương Khó
Mc 10:46-52: Chữa lành người mù
Như chúng ta có thể thấy, sự hướng dẫn được hình thành bởi ba lần loan báo về Cuộc Thương Khó. Lần thứ nhất ở Mc 8:27-38, lần thứ hai ở Mc 9:30-37 vá lần thứ ba ở Mc 10:32-45. Giữa lần thứ nhất và lần thứ hai, có một loạt các hướng dẫn để giúp các ông hiểu được rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Trung (Mc 9:1-29). Giữa lần thứ hai và lần thứ ba, có một loạt các hướng dẫn để làm sáng tỏ việc hoán cải phải xảy ra trong cuộc sống của những ai chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Trung (Mc 9:38-10:31).
Bối cảnh của toàn bộ lời chỉ dẫn là con đường từ Galilê lên Giêrusalem, từ biển hồ đến thập giá. Chúa Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem, nơi người sẽ bị xử tử. Từ đầu đến cuối của lời chỉ dẫn này, Máccô thông báo rằng Chúa Giêsu đang trên đường tiến về thành Giêrusalem (Mc 8:27; 9:30-33; 10:1, 17-32), nơi mà Người sẽ nhận lấy thập giá.
Trong mỗi lần của ba lời loan báo này, Chúa Giêsu nói về Cuộc Thương Khó, Cái Chết và sự Phục Sinh của Người như là một phần của chương trình của Chúa Giêsu: “Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8:31; 9:31; 10:33). Câu nói cho thấy rằng thập giá đã được công bố trong các lời tiên tri (xem Lc 24:26).
Mỗi một lời loan báo về Cuộc Thương Khó thì được đi kèm với những cử chỉ hoặc lời nói hiểu lầm về phần các Môn Đệ. Trong lần thứ nhất, Phêrô không muốn thập giá và trách cứ Chúa Giêsu (Mc 8:32). Trong lần thứ hai, các Môn Đệ không hiểu Chúa Giêsu, các ông sợ hãi và muốn được làm người lớn hơn cả (Mc 9:32-34). Vào lần thứ ba, các ông sợ hãi, họ kinh hoàng (Mc 10:32), và các ông tìm kiếm sự đề bạt (Mc 10:35-37). Và điều này bởi vì trong các cộng đoàn vào thời Máccô đang viết quyển Tin Mừng của ông, có nhiều người giống như Phêrô: họ không muốn cây thập giá! Họ giống như cá Môn Đệ: họ không hiểu thập giá, họ sợ hãi và lại muốn là kẻ cao trọng nhất; họ sống trong nỗi sợ hãi và mong ước có được sự ủng hộ. Mỗi một trong ba lời loan báo này đã cho họ một lời định hướng về phần Chúa Giêsu, phê phán sự thiếu hiểu biết của các Môn Đệ và giảng dạy về cách cư xử của họ phải như thế nào. Như vậy, trong lời loan báo đầu tiên, Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Người thì phải vác thập giá mình mà theo, từ bỏ chính mình vì tình yêu Người và cho Tin Mừng của Người, không hổ thẹn về Người và Lời của Chúa (Mc 8:34-38). Trong lần thứ hai Chúa đòi hỏi: phải làm người phục vụ mọi người, tiếp đón trẻ nhỏ, những kẻ bé mọn, như là tiếp đón chính Chúa Giêsu (Mc 9:35-37). Trong lần thứ ba Người đòi hỏi: phải uống chén mà Người sắp uống, không được bắt chước những kẻ làm lớn lấy uy quyền mà cai trị dân, nhưng hãy bắt chước Con Người là Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người (Mc 10:35-45).
Sự hiểu biết tổng quát những điều sau đây về Chúa Giêsu không phải được thu nhặt từ lời giảng dạy lý thuyết, mà từ việc dấn thân thực tiễn, cùng đi với Người trên con đường phục vụ, từ miền Galilê đến thành Giêrusalem. Những ai có tâm duy trì ý tưởng của Phêrô, đó là, về Đấng Mêssia vinh hiển không qua thập giá, sẽ không hiểu thấu và sẽ không thành công trong việc đảm nhận thái độ của người môn đệ đích thực. Họ sẽ tiếp tục mù lòa, lẫn lộn người ta với cây cối (Mc 8:24). Bời vì không vác thập giá thì không thể hiểu được Chúa Giêsu là ai và đi theo Chúa Giêsu thì có nghĩa là gì.
Con đường đi theo là con đường của sự tận hiến, từ bỏ, phục vụ, sẵn sàng, chấp nhận xung khắc, biết răng sẽ có sự sống lại. Thập giá không phải là một sự ngẫu nhiên trên đường, mà tạo thành một phần của con đường. Bởi vì trong thế gian, sắp xếp đẳng cấp bắt nguồn từ sự vị kỷ, tình yêu và phục vụ chỉ có thể tồn tại trong việc chịu đóng đinh! Kẻ nào từ bỏ cuộc sống mình mà phục vụ tha nhân, thì gây khó chịu cho những người sống gắn liền với những đặc quyền ưu đãi và kẻ ấy phải chịu đau khổ.
6. Cầu nguyện với Thánh Vịnh 25 (24)
Lạy Chúa, xin hãy chỉ cho con đường lối của Ngài!
Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA.
Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài,
xin Ngài đừng để con tủi nhục,
đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Chẳng ai trông cậy Chúa,
mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,
chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.
Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề,
vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.
Phàm ai kính sợ CHÚA,
Người chỉ cho thấy đường phải chọn.
Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,
và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.
CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi
vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới.
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể,
chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng.
Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con,
đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài.
Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng
che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Israel
thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.
Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA.
Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài,
xin Ngài đừng để con tủi nhục,
đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Chẳng ai trông cậy Chúa,
mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,
chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.
Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề,
vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.
Phàm ai kính sợ CHÚA,
Người chỉ cho thấy đường phải chọn.
Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,
và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.
CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi
vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới.
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể,
chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng.
Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con,
đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài.
Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng
che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Israel
thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
www.dongcatminh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét