Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

22-09-2012 : THỨ BẢY TUẦN XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Bảy sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 35-37. 42-49
"Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.
Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: "Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy". Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 55, 10c-11. 12-13
Ðáp: Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).
Xướng: 1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi. - Ðáp.
2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 8, 4-15
"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".
Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Bài dụ ngôn hôm nay nói đến bốn mẫu người, bốn thái độ đối với Lời Hằng Sống. Bài Phúc Âm đã được Ðức Giêsu cắt nghĩa thật rõ ràng, mạch lạc như một tấm gương cho ta soi thấy rõ con người mình. Tôi đã có thái độ nào trước Lời Chúa? Tôi là loại người nào?
Bên cạnh đó, bài dụ ngôn còn hé mở cho ta tính chất lạc quan: Dù cho chỉ một ít hạt giống rơi vào đất tốt, nhưng cũng đã được mùa gặt dư đầy. Ðây là một bài học vừa khuyên nhủ vừa khuyến cáo. Mảnh đất có thể tốt có thể xấu, nhưng việc đón nhận Lời Chúa đòi buộc người nghe phải lắng nghe với tâm hồn lành thánh và trung thực.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, ước gì cuộc đời mỗi chúng con cũng như mảnh đất tốt, để Lời Ngài gieo vào cũng được đơm bông, kết trái nơi tâm hồn chúng con. Xin đừng để những lo âu trần thế, những ăn chơi sa đọa bao phủ đời chúng con như những hạt giống rơi vào bụi gai bị chết ngạt. Nhưng xin cho chúng con biết cảm nghiệm Lời Chúa, để Lời sinh sôi trong tâm hồn chúng con. Và từ những hoa trái đó làm cho danh Thánh Chúa được lan tỏa khắp nơi. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Dụ Ngôn Người Gieo Giống
(Lc 8,4-15)
Suy Niệm:
Dụ Ngôn Người Gieo Giống
Dụ ngôn, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là so sánh, là thí dụ. Trong Tin Mừng, là những câu truyện Chúa Giêsu đưa ra dựa trên những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người nghe, để giúp họ hiểu ý nghĩa những sự thật có liên quan đến niềm tin mà Ngài muốn trình bày.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về người gieo giống.
Trước hết, cần lưu ý đến sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn. Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Thật ra, hai khía cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển, nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể bỏ qua được.
Hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa, Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này không thể bỏ qua được.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa ban để trở thành những mảnh đất tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa. Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 24 TN2

Bài đọc: I Cor 15:35-37, 42-49; Lk 8:4-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hạt giống.

Nhìn một hạt giống nhiều người chúng ta không thể đóan nổi nó là hạt giống gì; khi nó bắt đầu có lá chúng ta có thể đóan dễ hơn; khi nó bắt đầu nở hoa và sinh trái thì đã quá rõ ràng. Tương tự, nhìn một thai nhi trong lòng mẹ, chúng ta không thể đóan đứa trẻ sẽ giống ai; khi nó được sinh ra chúng ta có thể đóan nó giống ai trong gia đình; nhưng vẫn không đóan nổi cuộc đời đứa bé sẽ ra sao cho đến khi chúng thành nhân. Các Bài đọc hôm nay đều nói về hạt giống: Trong Bài đọc I, thánh Phaolô ví việc con người chết như hạt giống gieo xuống đất; làm sao biết được con người sẽ giống ai khi sống lại trong vinh quang Nước Chúa? Trong Phúc Âm, Chúa ví Lời Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất, có thể lớn lên tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả, và có thể sinh quả gấp trăm.



KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hình dạng thân thể con người sẽ như thế nào sau khi sống lại?

Mặc dù Phaolô và các Tông Đồ đã được chứng kiến Chúa Kitô Phục Sinh, họ có thể mô tả tổng quát Chúa Phục Sinh như thế nào; nhưng thể mô tả chi tiết vì họ chưa được mang lấy thi thể đó. Trong Bài đọc này, thánh Phaolô dùng niềm tin, ý tưởng, và ngôn ngữ của con người để cố gắng mô tả điều rất khó mô tả. Câu trả lời của ngài bao gồm 3 điều chính yếu sau:

(1) Như một hạt giống gieo xuống lòng đất, nó phải chết đi trước khi mọc lên, hình thể khi mọc lên khác xa với hình thể khi gieo xuống, tuy hình thể khác xa như vậy, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể được phân biệt với các giống khác; thân xác con người cũng vậy, phải chết đi trước khi sống lại, thân thể khi sống lại rất khác với thân thể khi chết, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể nhận ra đó là cùng một người.

(2) Thân thể khi sống lại khác với thân thể khi chết ở 4 điểm sau: (1) Thân thể trước khi chết sẽ bị hủy họai còn thân thể khi sống lại sẽ không bao giờ bị hủy họai. (2) Thân thể trước khi chết thì hèn hạ còn thân thể khi sống lại thì vinh quang. Có lẽ điều thánh Phaolô muốn nói ở đây là các giác quan và dục vọng của con người khi còn sống, chúng làm cho con người trở thành nô lệ cho tội lỗi. (3) Thân thể trước khi chết thì yếu đuối còn thân thể khi sống lại thì mạnh mẽ. Có lẽ ở đây thánh Phaolô nói về sức mạnh thể lý. Bao lâu còn ở trong thân xác đời này là còn bị chi phối bởi các thứ bệnh tật và môi trường sống. Thân thể khi sống lại sẽ không còn bệnh tật và bị ảnh hưởng bởi môi trường. (4) Thân thể trước khi chết là thân thể có sinh khí còn thân thể sống lại là thân thể có thần khí. Có lẽ ở đây thánh Phaolô muốn chú trọng đến tính vững bền của thần khí: thân xác con người trước khi chết muốn sống theo thần khí nhưng có khi được khi không vì vẫn còn bị chi phối bởi dục vọng; một khi dục vọng hết, con người sẽ hòan tòan sống theo thần khí.

(3) Con người là một tổng thể của cả sinh khí và thần khí: Thánh Phaolô tổng hợp 2 biến cố: Thiên Chúa tạo dựng Adam, con người đầu tiên, và biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu; để suy luận về thân thể con người khi sống lại như sau: “Con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”

2/ Phúc Âm: Lời Chúa được ví như hạt giống gieo xuống đất.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa, Ngài nói: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.”

Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà có lẽ không nhìn thấy, nghe mà có lẽ không hiểu.” Câu trả lời này hơi khó hiểu. Phải chăng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa chỉ được hiểu bởi một số người được chọn? Chắc chắn một Thiên Chúa công bằng sẽ không làm điều đó; và mục đích của dụ ngôn này là nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa. Không phải mọi người có mắt là nhìn thấy, vì có những việc xảy ra ngay trước mắt mà có người vẫn không nhìn thấy; lý do vì họ không muốn nhìn thấy hoặc họ không cố gắng chú ý để nhìn. Không phải ai có tai để nghe cũng hiểu, vì có bao nhiêu giáo dân hiểu được bài giảng các cha giảng mỗi tuần? Họ không hiểu là vì họ không chịu chú ý nghe hay không chịu dùng đầu óc để suy nghĩ những gì các cha cắt nghĩa.

Và Chúa cắt nghĩa dụ ngôn như sau: Hạt giống là lời Thiên Chúa.

(1) Hạt rơi bên vệ đường là những kẻ đã nghe, nhưng quỷ đến cất Lời Chúa ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Đây là lọai người mà chúng ta mới nói tới: họ nghe mà không hiểu.

(2) Hạt rơi trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời Chúa, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Họ quên rằng Lời Chúa phải được mang ra thực hành để đức tin của họ luôn được vững mạnh, có thể đương đầu với mọi hòan cảnh.

(3) Hạt rơi vào bụi gai là những kẻ nghe, nhưng bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Họ muốn làm điều mà Chúa đã cảnh cáo: “Các con không thể làm tôi hai chủ.”

(4) Hạt rơi vào đất tốt là những kẻ nghe Lời Chúa với một tâm lòng tốt lành và quảng đại, giữ Lời Chúa trong lòng, và kiên nhẫn sinh hoa kết quả.



ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta tuy không biết hòan tòan những gì sẽ xảy ra cho con người sau khi chết; nhưng một điều chúng ta biết chắc chắn là con người sẽ sống lại. Một khi đã sống lại, chúng ta sẽ không bao giờ phải chết nữa, thân xác con người sẽ trở nên mạnh khỏe, luôn hướng thiện, luôn sống trong thần khí và sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi bệnh tật hay các dục vọng thấp hèn.

- Để Lời Chúa có thể sinh lợi ích cho cuộc đời mỗi người, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho sốt sắng mỗi khi nghe Lời Chúa, nghiền gẫm Lời Chúa hằng ngày, mang ra áp dụng trong cuộc sống để đức tin ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Đức tin vững mạnh sẽ giúp chúng ta can đảm vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống và sẵn sàng làm chứng cho Chúa: bằng lời giảng cũng như bằng chính cuộc sống.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

****************



Thứ Bảy tuần 24 thường niên



Sứ điệp:Lời Chúa như hạt giống, lòng người như thửa ruộng. Hãy cầy xới mảnh đất tâm hồn để hạt giống Lời Chúa phát triển và sinh ra những hoa trái thánh thiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đang gieo hạt Lời Chúa vào lòng con. Con có nhiệm vụ vun xới cho Lời Chúa nảy mầm, bám rễ vào lòng con. Chúa tin tưởng con, trao phó cho nhiệm vụ vun trồng cây đức tin và hằng ngày đợi chờ con dâng về Chúa những hoa trái việc lành phúc đức.
Con quyết không để lòng mình như vệ đường chai cứng. Con sẽ nghe theo tiếng lương tâm, sống theo lẽ phải. Con sẽ học hỏi Lời Chúa và giáo lý để luyện lương tâm con ngay thẳng, để Lời Chúa nảy mầm nơi tâm hồn con.
Xin cho lòng con đừng trở nên sỏi đá. Có nhiều lúc con muốn thực thi Lời Chúa nhưng lại ngại khó. Xin cho con đừng bỏ cuộc khi Tin Mừng đòi con cố gắng.
Xin cho con biết khai quang tâm hồn con khỏi những bụi gai thói hư tật xấu vốn phát triển nhanh theo tính tự nhiên. Cả những công ăn việc làm, cả những giải trí vui chơi khi đã trở nên đam mê, cũng là bụi gai bóp nghẹt Lời Chúa nơi con. Xin cho lòng con biết hướng về Chúa và vươn tới những điều cao đẹp.
Xin cho con biết siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Giao Hòa và bí tích Thánh Thể, để tâm hồn con trở thành mảnh đất tốt thích hợp cho Lời Chúa trổ sinh hoa trái thánh thiện trong đời sống con. Amen.
Ghi nhớ : "Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

22/09/12 THỨ BẢY TUẦN 24 TN
Lc 8,4-15

CHO LỜI TRĨU HẠT

“Hạt giống là Lời Thiên Chúa.” (Lc 8,11)

Suy niệm: Ngươi gieo giống trong dụ ngôn thật là hào phóng khi gieo vãi hạt giống trên bất kể mảnh đất nào. Kết quả những hạt giống ấy mang lại tùy thuộc mảnh đất mà chúng rơi vào: có hạt bị chim trời ăn khi chưa kịp mọc; có hạt mọc được nhưng rồi lại bị héo khô vì rơi trên đá hay bị gai góc làm cho chết nghẹt; có hạt sinh gấp trăm nhờ rơi vào đất tốt. Chúa giải thích dụ ngôn này trong tương quan với việc đón nhận Lời Chúa. Tùy vào mảnh đất tâm hồn mỗi người mà hạt giống Lời Chúa có trổ sinh bông hạt được không, và trổ sinh nhiều hay ít nữa.

Mời Bạn: Dụ ngôn này nói lên tầm quan trọng của mỗi người trong việc lắng nghe, suy niệm, và làm theo Lời Chúa. Mời bạn xem xét lại thái độ của bạn mỗi khi tiếp cận với Lời Chúa: phải chăng lòng bạn luôn là vệ đường, sỏi đá, gai góc khiến cho Lời Chúa khi được gieo vãi vào tâm hồn bạn đã sớm chết yểu, không có đất sống.

Chia sẻ: Đã đến lúc chúng ta phải sửa đổi cung cách đón nghe và thực hành Lời Chúa, nếu quả thật chúng ta muốn cho hạt giống Lời Chúa gieo vào tâm hồn gặp được mảnh đất tốt để trổ sinh hoa trái.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thực hiện mong đợi của Chúa sau đây: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trơ lên trời nữa, nhưng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu… cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả” (Is 55,10-11).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa biến đổi chúng con thật sự. Xin giúp chúng con noi gương Mẹ Maria, cưu mang Lời trong tâm hồn, đặt Lời trước mắt, và thực hành Lời trên tay chúng con. Amen.





"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Mảnh đất tốt
Mỗi người đồ đệ cần phải cộng tác vào việc làm cho Nước Chúa được ngự đến, và trước hết là nơi chính bản thân mình. Chúa Giêsu giảng giải điều này cho các môn đệ qua dụ ngôn về người gieo giống được Giáo Hội nhắc lại trong ngày hôm nay.
Chúng ta có thể lưu ý đến một chút khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích về dụ ngôn. Khi kể về dụ ngôn Chúa Giêsu xem ra như nhấn mạnh tới sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống chắc chắn thu được thành quả. Có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi trong bụi gai, nhưng có những hạt rơi trên đất tốt và trổ sinh hoa trái gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ thì xem ra như Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa sinh hoa trái tốt. Thật ra hai khía cạnh này không đối nghịch nhau mà ngược lại cả hai cùng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể nào bỏ qua được.
Chính hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn, hạt giống Lời Chúa này tự nó có sức mạnh để trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi, được rao giảng cho mọi người thì liền gặp phải hoàn cảnh đối nghịch, gai góc, đá sỏi tùy thuộc vào thái độ chấp nhận cộng tác của người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây được hiểu là chính Thiên Chúa. Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không cho tất cả mọi người ơn cứu rỗi.
Thiên Chúa đã có sáng kiến ứng trước cho con người nhưng phần con người thì cũng cần cộng tác đáp lại. Hai yếu tố không thể bỏ qua được. Thiên Chúa không áp đặt nhưng kính trọng tự do của con người. Những trở ngại không cho hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái là thái độ hời hợt, xu thời, không kiên trì, lo lắng tích trữ giàu sang vật chất, say mê đi tìm thú vui.
Mỗi người chúng ta cần canh tân đời sống cộng tác với ơn Chúa ban, cố gắng sao để trở thành mảnh đất tốt đón nhận hạt giống Lời Chúa. Một tâm hồn cao thượng, quảng đại và kiên trì giữa những gian nan thử thách của cuộc đời, đó là điều Thiên Chúa hằng mong ước gặp được nơi mọi người đồ đệ của Ngài, nơi mỗi người chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa,
Xin ban cho con được trở nên mảnh đất tốt hàng ngày đón nhận và suy niệm Lời Chúa cũng như sống thực hành những gì Chúa truyền dạy.
Lạy Chúa, xin hãy phán, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Sinh hoa kết quả nhờ kiên trì
“Người gieo giống ra đi gieo hạt giống của mình, trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cũng mọc lên làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe”
Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu njiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để
Chúng nhìn mà không nhìn
Nghe mà không hiểu.” (Lc. 8, 5-9)
Chức vụ Đức Kitô ở Galilê đến hồi kết thúc. Người muốn cho đông đảo dân chúng tụ họ chung quanh hiểu về mầu nhiệm nước trời bằng một dụ ngôn mang ý nghĩa vừa cụ thể vừa cao siêu. Dụ ngôn không có sức gắn liền với trí tuệ, tự nó không bao giờ minh hiển. Nó dự báo chân lý và phải nhờ đường lối của Thiên Chúa mới làm cho tâm hồn nắm bắt được chân lý và trở về với chân lý.
Pascal đã viết: trong tư tưởng của Chúa “Có đủ rõ ràng để soi cho những người được tuyển chọn, và khá tối tăm để giúp họ khiêm hạ. Có đủ tối tăm để làm kẻ thách thức mù quáng, và khá rõ ràng để kết án họ và làm cho họ không thể chối cãi”. Những dụ ngôn của Đức Giêsu chứa đựng vừa sáng vừa tối để họ không thể chiến thắng bằng sức riêng của mình, nhưng cũng để tôn trọng tự do của mỗi người. Đối với dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay cũng thế.
Người gieo ra đi gieo giống, cũng gặp nhiều tai họa! có hạt rơi trên vệ đường bị người và vật dày đạp và sau cùng bị chim trời đến ăn. Có hạt chết khô đét trên đá vì thiếu ẩm ướt. Có hạt bị chết nghẹt trong bụi gai không vươn lên được. Sau cùng rơi vào đất tốt sinh hoa kết quả.
Ai có tai thì hãy nghe.
Sứ điệp Tin Mừng trải qua bao nhiêu thời gian đã bị rơi vào những con tim tin ma thờ quấy, hay nông nổi nhất thời hay ham mê danh lợi thú. Chỉ có những con tim chân thành, khiêm tốn, kiên trì, cao thượng mới sinh hoa kết quả cho những mùa gặt phong phú. Lòng yêu mến của họ sẽ giúp họ nắm giữ và thực hành được lời Chúa, dầu gặp những thất bại, thử thách, đau khổ, chống đối, bắt bớ và phải chết, họ vẫn an tâm vững chí kiên trì cho đến tận cùng. Ngày qua ngày, khiêm tốn họ sống thực hiện những điều đã khám phá do Thiên Chúa ban ơn, họ dần dần đi vào cuộc sống thân mật của Thiên Chúa.
GF.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
22 THÁNG CHÍN
Được Vững Mạnh Nhờ Các Ân Huệ Phong Phú Của Ngài
“Nguyện xin Chúa Thánh Thần dùng các ân huệ dồi dào của Ngài mà làm cho con nên vững mạnh” (Nghi thức Thêm Sức).
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô mở rộng cửa cho Chúa Ki-tô Đấng là “Chứng Nhân Trung Thành” (Kh 1,5) của Thiên Chúa vô hình, Đấng là “Mục Tử Tốt Lành” (Ga 10,11) của linh hồn chúng ta.
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô mở rộng cửa cho Chúa Thánh Thần, Đấng được trao ban cho các Tông Đồ để họ có thể dũng cảm làm chứng cho Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại.
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô hoan hỷ chào mừng tất cả những ai đến dự bàn tiệc của Chúa. Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đặc biệt chào mừng tất cả các bạn trẻ đã lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô chào mừng tất cả các con những người được nên vững mạnh nhờ ân huệ dồi dào của Chúa Thánh Thần. Các con đã được xức dầu thánh hiến. Cha chào tất cả các con với tình cảm dạt dào.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 22-9

1Cr 15, 35-37.42-49; Lc 8, 4-15.
LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu dùng dụ ngôn: Người gieo giống đi gieo hạt giống của mình; những hạt giống đó đã rơi vào bốn thế đất, và trên mỗi thế đất đều có những kết quả khác nhau; Cuối cùng Ngài đã kết thức ngắn gọn: “Ai có tai nghe thì nghe” (Lc 8,8b)
          Bất cứ người nào mang hạt giống đi gieo, cũng đều mong có một mùa bội thu, mặc dù biết rằng: trong khi gieo sẽ không tránh khỏi có những hạt giống rơi vào vùng đất khô cằn, sỏi đá, bụi rậm và đường đi. Nhưng vì nghĩ đến mùa bội thu mà họ sẵn sàng đem hạt giống đi gieo. Trách nhiệm và bổn phận của người Kitô hữu của chúng ta là phải đi rao giảng Tin Mừng, bằng cả ngôn từ cũng như cách sống của chúng ta; đồng thời cũng phải nhìn lại mình, xem mình đang ở vào thế đất nào; khi đón nhận hạt giống. Nếu là “đất tốt” thì khi được nghe Lời Chúa chúng ta cần phải chăm chú, suy gẫm những gì đã nghe cho đến khi tự mình khám phá ra ý nghĩa “Lời ấy” cho đời  mình; Rồi từ đây phải chuyển hóa từ hiểu biết ấy vào cuộc sống hằng ngày của mình bằng ân sủng của Chúa.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
22 Tháng Chín
Người Lính Mù
Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Ðức Quốc Xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã khơi dậy những tiếng reo vui tưởng chừng như không bao giờ dứt.
Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng "Mẹ". Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau... Người mẹ già xót xa: "Làm sao một người mù như con lại có thể tìm đến với mẹ?" Người lính mù ấy đáp: "Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con".
Người ta không chỉ thấy bằng đôi mắt, nhưng còn bằng chính tâm hồn của mình. Người ta không chỉ hiểu biết bằng lý trí, nhưng còn bằng cả con tim của mình nữa.
Chúng ta không những hiểu được thế giới và con người bằng trí khôn của mình, nhưng còn bằng chính Ðức Tin nữa. Với ánh sáng Ðức Tin, chúng ta đi vào mầu nhiệm của sự vật bằng chính sự hiểu biết của Thiên Chúa. Hãy để cho ánh sáng của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta. Hãy nhìn vào con người và thế giới bằng chính cái nhìn của Thiên Chúa.
Lẽ sống
++++++++++++++++++
Ngày 22



Phải chăng ân sủng là kết quả thần thiêng của một lịch sử thánh..? Ân sủng không phải là phần còn lại của tất cả, nó không mặc định trong vai trò nữ thần, hay một ngôi sao nào đó. Ân sủng Thiên Chúa có ngay trong các rnối tương quan mật thiết của Mẹ Maria, khi Thiên Chúa chiêm ngắm và ban cho Mẹ vẻ đẹp của nét dịu hiền, giàu tình thương và sự công chính: ngoài đức tin mạnh mẽ mà Mẹ đã lãnh nhận. Chỉ có sự khiêm tốn mới nhận ra ân huệ của Thiên Chúa mà không giữ lại cho chính mình. Trước khi giao phó sứ mệnh cho tôi tớ Ngài: Mẹ đã mang thai và sẽ sinh hạ con trai...
Thiên Chúa đoái nhìn phận hèn tôi tớ Người và Mẹ đã tiếp nhận mọi sự từ tình yêu của Thiên Chúa. Người không cần một khí cụ nào, nhưng Người cần sự cộng tác của Mẹ...Người muốn sự tự nguyện trong khả năng kết hôn của Mẹ. Maria được Thiên Chúa đoái nhìn để tặng ban ân sủng. Chính điều đó mà từ một người phụ nữ, Mẹ được cân nhắc lên thành trinh nữ thánh thiện và trọn đời đổng trinh, nhờ niềm tin và sự tốt lành của Mẹ, Mẹ có thể thưa lên rằng: "Này Tôi là tôi tá Chúa"...xin hãy thực hiện nơi Tôi điều Người muốn là ban Con yêu dấu cho chúng ta.

Thầy Christophe Lebreton
Hạnh Các Thánh

Ngày 22 tháng 9
THÁNH TÔMA VILLANÔVA
TỔNG GIÁM MỤC THÀNH VALENCIA

Trong khi Giáo hội Đức có Luther phá giới, làm gương mù gương xấu, phản đối Giáo hội và làm ô danh cho dòng thánh Âutinh thì trái lại, ở Tây Ban Nha, một tu sĩ Âutinh khác tên là Tôma Villanôva đã làm sáng danh Giáo hội và đưa lại vẻ vang cho dòng không ít.
Tôma sinh năm 1488, thuộc địa phận Tolêđô. Cha mẹ ngài có một lòng nhân từ hiền hậu, nhất là đối với kẻ nghèo túng, nên được mệnh danh là: “Quan thầy các kẻ khó nghèo”. Riêng bà thân mẫu còn có một lòng đạo hạnh khác thường, bà xưng tội rước lễ hằng ngày, ăn chay kiêng thịt các ngày thứ sáu quanh năm. Mỗi ngày bà lại dành riêng một giờ để dạy giáo lý cho con cái, cháu chắt cùng gia nhân đầy tớ trong nhà.
Cách ăn nết ở của bà đã góp một phần lớn vào việc đào tạo Tôma thành một vị thánh.
Với người nghèo khó, bà quả như một người mẹ hiền, đầy tình thương xót, âu yếm họ như con cái. Một lần kia, bà làm bánh phân phát hết cho người nghèo, chiều tối lại có người đến xin bà làm phúc, bột đã hết, bánh cũng không, bà băn khoăn lo ngại; nhưng cứ tin tưởng vào Chúa, bà sai người nhà vào lấy bột. Họ vâng lời mau mắn đi ngay, vào tới kho, họ phải ngạc nhiên vì các thùng bột ban sáng đã phân phát hết không còn chút nào, giờ đây lại đầy ứ những bột trắng tinh thơm tho. Cả gia đình thấy phép lạ đều ngợi khen, ca tụng Thiên Chúa thương ban cho bột để giúp đỡ người nghèo khổ.
Nhờ người mẹ nhân đức ấy, Tôma đã sớm hấp thụ một nền giáo dục kiện toàn và tập được nhiều nhân đức, đặc biệt hơn cả là đức bác ái. Noi gương mẹ, ngay trong những năm đầu tiên khi còn cắp sách đến trường, Tôma thường nhường phần ăn lót lòng ban sáng của mình cho các học sinh nghèo khổ. Có lần gặp những cậu quá túng thiếu, quần áo rách rưới tả tơi, động lòng thương xót, Tôma đã cởi cả quần áo, giày dép của mình đem cho họ. Lần kia mẹ ngài đi khỏi, ngài phải trông nom coi nhà, một lát sau có sáu người kẻ khó đến ăn xin, tuy không có chìa khóa để lấy bánh lấy bột làm phúc, nhưng không lẽ để họ trở về tay không, ngài liền gọi đàn gà sáu con đến bắt cho mỗi người một con. Khi mẹ về, ngài vui vẻ kể lại mọi điều cho mẹ nghe. Bà thân mẫu âu yếm nhìn con, lòng tràn đầy sung sướng vì thấy con ngoan ngoãn và đầy lòng thương người. Nếu có tiền do chị em hoặc bà con cho, Tôma cũng chỉ dùng tiền đó để mua bánh, mua trứng đem đến tặng các bệnh nhân ở nhà thương.
Lên mười lăm tuổi, Tôma được cha mẹ gửi theo học tại trường đại học ở Alcala. Cậu học một cách rất chăm chỉ, cần mẫn, chỉ trong mấy tháng trời đã trổi vượt chúng bạn về phương diện học vấn cũng như tu đức. Hằng ngày Tôma suy gẫm lời Chúa: “Ai không từ bỏ mọi sự, không thể làm môn đệ Ta”, và lấy lời ấy như tiêu chuẩn cho con đường tu đức của mình. Vì thế, tất cả cách ăn nết ở của ngài đều đem lại cho anh em chúng bạn một ảnh hưởng tốt đẹp.
Trong khi đang theo học, thân phụ qua đời, Tôma đành phải bỏ dở việc học, về quê nhà yên ủi và giúp đỡ mẹ thu xếp việc gia đình. Ngài giữ lại cho mẹ một phần gia tài để sinh sống, còn bao nhiêu đem phân phát cho kẻ nghèo hoặc để làm những việc từ thiện khác.
Khi lên 28 tuổi, Tôma xin nhập tu viện thánh Âutinh và, ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình năm 1516, ngài mặc áo dòng. Cũng vào ngày lễ đó năm sau ngài lại được khấn trọn đời. Sau thời gian tuyên khấn được ba năm, ngài thụ phong linh mục. Vào chính đêm lễ Giáng sinh, Ngài dâng lễ mở tay với tâm hồn sốt sắng phi thường. Sau đó được chọn làm giáo sư thần học, rồi lần lượt được cử giữ các chức bề trên nhà tập, bề trên tỉnh dòng…
Năm 1528, ngài được chọn làm Tổng Giám mục Granađa, nhưng với lòng khiêm nhường, ngài đem hết lý lẽ ra để từ chối. Mười năm sau, toà Tổng giám mục Valencia trống ngôi, ngài lại được cử lên chức Tổng Giám mục, tức ngày 10 tháng 10 năm 1538. Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô III gửi phẩm phục Tổng Giám mục đến cho ngài, ngài hết sức lo lắng bối rối; nhưng Toà thánh không miễn chuẩn, ngài đành cúi đầu phụng lĩnh.
Valencia, một nơi khó khăn cằn cỗi về vật chất cũng như tinh thần đã trở nên sầm uất náo nhiệt từ khi ngài về nhận toà. Các giáo sĩ xưa kia sống theo trần tục, nay trở nên sốt sắng và chuyên cần thi hành chức vụ. Đời sống giáo dân cũng được cải hóa từ chỗ khô khan nguội lạnh, mê dục vọng, tới mức độ thánh thiện khả đáng.
Mặc dầu là Tổng Giám mục, nhưng ngài vẫn sống đơn sơ, nghèo khó hãm mình. Nhờ đời sống đó, ngài đã cải hóa được mọi người giáo dân cũng như giáo sĩ trong toàn địa phận. Để thúc giục con chiên, ngài năng ra thư chung nhắn nhủ mọi người phải thực tâm trở về với Chúa. Ngài đã tổ chức một công đồng hàng tỉnh để nhắc nhở cho các linh mục luật lệ của Giáo hội.
Tất cả công việc ngài làm, đều thấm nhuần một tinh thần đức tin sâu xa, một đức bác ái nồng hậu. Ngài rất lo lắng đến nhiệm vụ giảng dạy các vị chủ chăn. Một đêm, vào năm 1555, ngài sấp mình trước ảnh chuộc tội, cầu nguyện lâu giờ, khóc lóc xin Chúa chóng đem ngài ra khỏi chốn tù đầy trần gian. Bỗng ngài nghe tiếng phán: “Con hãy can đảm, ngày lễ sinh nhật Mẹ Chí Thánh Cha, con sẽ được về yên nghỉ nơi Cha”.
Quả thực, ngày 23 tháng 8 năm 1555, một cơn sốt nặng hành hạ thân xác ngài. Mỗi lúc một nguy kịch. Nhưng tinh thần ngài vẫn tỉnh táo, vì thế ngài ước ao được gặp đông đủ các giáo sĩ trong địa phận, để khuyên họ hãy lo tuân giữ giới răn Chúa, và ăn ở xứng đáng bậc Chúa chọn. Trước ngày từ giã cõi trần, ngài xin một vị linh mục cử hành thánh lễ trong phòng ngài. Sau khi chịu Mình Máu Chúa, ngài than thở: “Lạy Chúa, con xin phó linh hồn trong tay Chúa” và thở hơi cuối cùng chính ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ năm 1555, đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước cho ngài.
Thể theo ý muốn của ngài, người ta đã an táng ngài trong dòng thánh Âutinh, nơi ngài đã tu luyện nhân đức trước khi về nhận toà Tổng Giám mục Valencia. Trên mộ ngài đã xảy ra không biết bao nhiêu là phép lạ; không một ai đến quỳ gối kêu xin ơn này ơn nọ mà phải thất vọng ra về. Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã tôn ngài lên bậc Á thánh ngày 07 tháng 10 năm 1618. Dưới đời Đức Alêxanđê VII, ngài được phong lên bậc hiển thánh và được toàn thể Giáo hội mừng kính vào ngày 22 tháng 9 hằng năm.

Thánh Tôma ở Villanova 

(1488-1555)

T
hánh Tôma sinh ở Castile Tây Ban Nha, và tên Villanova là thành phố nơi ngài lớn lên. Ngài được giáo dục rất chu đáo ở Ðại Học Alcala và trở nên một giáo sư triết của đại học này. 
Sau khi gia nhập dòng Augustine ở Salamanca ngài được thụ phong linh mục và tiếp tục dạy học, mặc dù ngài hay đãng trí và kém trí nhớ. Ngài làm tu viện trưởng và bề trên tỉnh dòng, và là người đầu tiên gửi các cha Augustine đến Tân Thế Giới. Ngài được hoàng đế đề nghị làm tổng giám mục ở Granada, nhưng ngài từ chối. Và khi tòa giám mục trống ngôi thì ngài lại bị áp lực phải chấp nhận. Số tiền ngài được hưởng để sắm sửa cho tòa giám mục thì ngài đã tặng cho một bệnh viện. Ngài giải thích "Khi dùng tiền cho người nghèo ở bệnh viện thì đó là việc phục vụ Chúa tốt đẹp hơn. Một tu sĩ khó nghèo như tôi thì muốn bàn ghế để làm gì?"
Ngài vẫn mặc các bộ quần áo từ khi còn là đệ tử sinh, mà chính tay ngài khâu vá lại. Các giáo sĩ và người trong dòng xấu hổ vì ngài, nhưng họ không thể thuyết phục ngài thay đổi. Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến nhà ngài để được ăn uống và được cho tiền. Khi người ta chỉ trích là ngài bị lợi dụng, ngài trả lời, "Nếu có những người không chịu làm việc thì đó là phần của chính phủ và cảnh sát phải đối phó. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ và an ủi những người đến với tôi." Ngài nhận nuôi các trẻ mồ côi và ngài thưởng tiền cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài khuyến khích những người giầu có hãy bắt chước ngài để trở nên giầu lòng thương xót và bác ái hơn là giầu của cải trần gian. 
Ngài thường bị chỉ trích là không khắt khe và không mau chóng trừng phạt những kẻ có tội, ngài nói, "Hãy để họ (người chỉ trích) tìm hiểu xem Thánh Augustine và Thánh Gioan Kim Khẩu có rút phép thông công hay ra vạ tuyệt thông để ngăn chặn những người say sưa và phạm thượng, là những người mà các ngài đang săn sóc không."
Khi ngài sắp chết, Thánh Tôma ra lệnh lấy tất cả tiền của ngài có mà phân phát cho người nghèo. Các vật dụng của ngài thì được tặng cho văn phòng hiệu trưởng trường cũ của ngài. Thánh Lễ được cử hành và sau khi Truyền Phép, ngài thở hơi cuối cùng với những lời: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa."
Ngay khi còn sống Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người bố thí" và "cha của người nghèo." Ngài được phong thánh năm 1658.

Bài đọc 2 
Hãy dùng lời an ủi như dầu để băng bó vết thương 
Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục, về các mục tử.

Kinh Thánh nói : Chúa có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Hay bạn nói có lẽ bạn sẽ được miễn ? Nếu bạn được miễn không phải chịu đòn, thì bạn cũng sẽ được miễn khỏi ở trong số làm con. Bạn nói : Vậy con nào Chúa cũng đánh đòn sao ? Phải, con nào Người cũng đánh đòn như đã đánh đòn Người Con duy nhất. Người Con duy nhất ấy sinh bởi bản thể của Cha, cũng là Thiên Chúa như Cha, là Lời làm phát sinh vạn vật. Trước kia, Người không có thân xác để bị đánh đòn. Vì thế, Người đã mặc thân xác để có thể chịu đòn. Vậy Người Con duy nhất vô tội mà Cha còn đánh đòn, thì người con nuôi có tội, Cha lại tha chẳng đánh đòn sao ? Thánh Tông Đồ nói chúng ta được gọi làm nghĩa tử, để một khi đồng thừa tự với Người Con duy nhất, thì cũng được làm sản nghiệp của Người : Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng. Người đã nêu gương cho chúng ta trong cuộc thương khó của Người. 
Nhưng để người yếu đuối không nản lòng vì những thử thách sẽ xảy ra, thì đừng lừa dối họ bằng những mối hy vọng hão huyền, cũng đừng làm cho họ bị bẻ gãy vì khiếp sợ. Hãy bảo họ chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Có khi người ấy bắt đầu quỵ ngã, rên rỉ, không muốn đến gặp bạn, bạn đã có câu khác : Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người sẽ không để anh em bị thử thách quá mức. Quả vậy, hứa như thế và nói về những đau khổ sẽ xảy ra, là làm cho kẻ yếu đuối nên vững mạnh. Đối với người quá sợ mà đâm ra khiếp đảm, nếu bạn hứa là Thiên Chúa thương xót họ, không phải vì sẽ không có những thử thách, nhưng vì Chúa không để cho họ bị thử thách quá sức, thì đó là băng bó vết thương cho người bị đánh gãy. 
Quả thật, có những người khi nghe nói đến các sự khốn khó sắp xảy ra, thì càng trang bị kỹ hơn, và như khát uống thứ nước mình thích, họ cho rằng liều thuốc các tín hữu dùng còn ít đối với họ, nên họ khao khát cả phúc tử đạo. Ngược lại, có những kẻ khác, khi nghe nói đến các thử thách chắc chắn phải xảy ra cho Ki-tô hữu, những thử thách mà chỉ ai thật sự muốn là Ki-tô hữu mới cảm thấy, thì lúc những thử thách ấy gần kề, họ bị đổ gãy mà thành què quặt. 
Bạn hãy dùng lời an ủi như dầu để băng bó, hãy băng bó vết thương cho người bị dập gãy. Hãy nói : Đừng sợ ! Đấng mà anh tin tưởng, không bỏ mặc anh trong cơn thử thách đâu. Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người không để anh bị thử thách quá sức chịu đựng. Điều này không phải tôi nói với bạn, mà là thánh Tông Đồ nói ; người nói như sau : Anh em muốn có bằng chứng cho thấy Đức Ki-tô nói trong tôi ư ? Vậy khi nghe những lời này, là bạn nghe chính Đức Ki-tô, bạn nghe chính vị Mục Tử dẫn dắt Ít-ra-en. Quả vậy, có lời nói với Người rằng : Ngài cho chúng con uống nước mắt theo chừng mực. Điều thánh Tông Đồ nói : Người không để bạn bị thử thách quá sức chịu đựng, thì vị Ngôn sứ nói : theo chừng mực. Chỉ cần bạn đừng rời bỏ Đấng vừa sửa trị vừa khuyên lơn, vừa đe doạ vừa an ủi, vừa đánh phạt vừa chữa lành.

(trích bài đọc Giờ Kinh Sách ngày thứ bảy tuần 24 thường niên-bản dịch của nhóm CGKPV) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét