Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

24-09-2012 : THỨ HAI TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Hai sau Chúa Nhật 25 Quanh Năm
* * *


Bài Ðọc I: (Năm II) Cn 3, 27-34 {hoặc 27-35}
"Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối".
Trích sách Châm Ngôn.
Hỡi con, con chớ ngăn cấm người có thể làm việc lành; nếu con làm được việc lành, thì chính con hãy làm. Con chớ nói với người bạn của con rằng: "Hãy đi rồi trở lại, mai ta sẽ cho ngươi", khi con có thể cho ngay.
Con chớ mưu toan gây ác cho bạn hữu của con, khi nó tin tưởng vào con. Con chớ cạnh tranh với người ta cách vô cớ, khi chính người đó không làm điều gì ác cho con. Con chớ ganh tị với người bất chính, và chớ noi theo đường lối của nó. Vì Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối, và Chúa ở thân mật với những kẻ đơn sơ. Chúa gửi đến nhà kẻ gian ác sự khó nghèo, còn nhà người công chính sẽ được chúc phúc. Chính Chúa nhạo báng những kẻ gian dối, và ban ơn cho những kẻ hiền lành. [Người khôn ngoan sẽ thừa hưởng vinh quang, nhưng phường ngu xuẩn sẽ chuốc lấy ô nhục.]
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Lạy Chúa, người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa (c. 1b).
Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. - Ðáp.
2) Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. - Ðáp.
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng; lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 8, 16-18
"Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Mỗi người Kitô hữu chính là ngọn đèn được Thiên Chúa thắp sáng. Chúng ta có bổn phận làm cho ánh sáng của Chúa ngày càng sáng hơn và chiếu tỏa ra cho anh em để họ cũng được hưởng ánh sáng ấy.
Lời Chúa chính là ánh sáng hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa, biết để cho Lời Chúa chiếu soi những tối tăm của tội lỗi, của đam mê tham vọng trong con người của chúng ta, Lời Chúa sẽ biến chúng ta thành ánh sáng cho thế gian.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, ngọn đèn cháy sáng trong ngày rửa tội tượng trưng cho ánh sáng mà Chúa trao cho chúng con. Ðó là ánh sáng đức tin, và lời Chúa luôn soi dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết chiến đấu không ngừng với tội lỗi để duy trì ánh sáng mà Chúa đã thắp lên trong chúng con. Hầu chính chúng con và anh chị em chúng con cùng nhận biết Chúa. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Ngọn Ðèn Ðức Tin
(Lc 8,16-18)

Suy Niệm:
Ngọn Ðèn Ðức Tin
Bất cứ du khách nào sau một lần viếng thăm nước Mỹ, cũng đều phải thán phục tinh thần làm việc và óc thực dụng của người Mỹ: tất cả những nghiên cứu của đại học đều được kỹ nghệ đỡ đầu, tất cả những phát minh mới của khoa học đều tìm được ứng dụng trong kỹ nghệ. Người Kitô hữu có thể nhìn vào đó để rút ra bài học cho đời sống đức tin của mình không?
Thánh Yacôbê Tông đồ đã viết: "Một đức tin không có việc làm là đức tin chết". Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hàng ngày phải chăng không là đức tin chết?
Trong Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm.
Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 25 TN2

Bài đọc: Prov 3:27-34; Lk 8:16-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tội lỗi và nhân đức.
Thánh Thomas Aquinas định nghĩa: “Nhân đức là những thói quen tốt có được nhờ kiên nhẫn tập luyện hằng ngày. Tội lỗi là những thói quen xấu bám vào con người vì khinh thường không chịu sửa ngay từ đầu.” Để sửa tội lỗi, cá nhân không chỉ lọai bỏ những thói quen xấu, nhưng còn cần phải tập luyện một nhân đức ngược lại với tội lỗi, ví dụ: nhân đức bác ái cho tội ích kỷ. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những đức tính cần luyện tập và những tật xấu cần tránh
Sách Châm Ngôn là tổng hợp những sự khôn ngoan của con người ở mọi nơi mọi thời qua kinh nghiệm của cuộc sống. Sách được viết bằng tiếng Hy-Lạp, sau thời gian lưu đày Babylon, có lẽ khỏang 500 BC, khi nền văn minh Ba-tư thống trị khắp vùng Cận Đông. Tác giả có lẽ đã góp nhặt lại và đặt nó trong sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Điều này có thể hiểu được vì dưới con mắt đức tin, tất cả khôn ngoan của con người đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì thế, để hiểu Sách Khôn Ngoan, người đọc không chỉ hiểu nó qua kinh nghiệm cuộc sống, nhưng còn phải hiểu nó theo những giáo huấn của Thiên Chúa. 
(1) Lòng thương người: là trọng tâm của các tôn giáo Đông Phương. Đạo Phật được mệnh danh là Đạo Từ Bi. Tuy niềm tin của họ vào Chúa còn mơ hồ, nhưng họ tin “ở hiền gặp lành.” Vì thế, cần phải làm việc lành để được Trời chúc phúc. Tục ngữ Việt-Nam dạy: “Thương người như thể thương thân.” Sách Châm Ngôn dạy: “Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành cho ai đáng được hưởng. Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: "Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh."” Chúa Giêsu cũng tổng hợp mọi điều răn trong hai giới răn “mến Chúa yêu người.” Sở dĩ phải cho ngay vì con người thường có khuynh hướng tiếc của; nếu không cho ngay con người sẽ tìm ra nhiều lý do để không cho nữa. 
(2) Tránh điều ác: Song song với việc làm phúc, con người còn phải tránh hết sức để đừng làm thiệt hại tha nhân vì “ác giả ác báo.” Sách Châm Ngôn dạy: “Đừng mưu hại tha nhân, hại người đang cùng con sống yên ổn. Đừng cãi cọ với ai vô cớ, khi họ chẳng làm gì để hại con. Chớ ghen tị với kẻ hung dữ, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi.” Sống an bình với những người chung quanh là điều kiện để cuộc sống của mình được bình an hạnh phúc. Một khi mình quấy phá sự bình an của họ thì họ cũng chẳng để cho mình được bình an. Đối với kẻ hung dữ, cách tốt nhất là tránh xa họ vì họ có thể gây thiệt hại và khuấy động cuộc sống của mình.
(3) Con người tốt lành không chỉ có quan hệ tốt với tha nhân mà còn có quan hệ tốt với Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn đề cập tới hai nhân đức quan trọng:
- Công minh chính trực là sống thành thật với mọi người: “Vì đối với Đức Chúa, kẻ gian tà là đồ ghê tởm; còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao. Đức Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác, nhưng tuôn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh.”
- Khiêm nhường là nhận ra chỗ đứng của mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Người khiêm nhường nhận ra những gì mình có được là quà tặng Chúa ban và không bao giờ dám khinh thường tha nhân vì “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.” 
2/ Phúc Âm: Cuộc sống của Kitô hữu. 
Đọan Phúc Âm tuy rất ngắn nhưng cho chúng ta 3 tư tưởng chính tương ứng với 3 câu: 
(1) Đời sống của Kitô hữu là làm gương sáng cho mọi người chung quanh. Chúng ta có thể rao giảng bằng Lời Chúa hay bằng chính cuộc sống của chúng ta. Điều mong ước nhất là làm sao cho có cả hai như tục ngữ Việt Nam dạy: “Lời nói phải đi đôi với hành động.” Nếu không được cả hai, rao giảng bằng việc làm vẫn hữu hiệu hơn; vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Nhưng có người lại cho rằng Chúa đã từng sửa trị các Kinh-sư và Biệt-phái về tính phô trương làm việc lành của họ; vì thế không nên làm điều tốt trước mặt mọi người. Đúng, nhưng có sự khác biệt giữa làm việc tốt trong thinh lặng và khua chiêng trống khi làm việc tốt cho người khác biết. 
(2) Đời sống của Kitô hữu là biết sống thành thật: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.” Có 3 trường hợp con người muốn che giấu: Con người có thể giấu chính mình bằng cách không chấp nhận sự thật. Ví dụ, biết mình có tội nhưng vẫn cứ tìm lý do để tự biện hộ cho mình và không coi đó là tội. Con người có thể giấu tha nhân, nhưng con người sẽ không hạnh phúc vì lúc nào cũng lo sợ bị người khác khám phá. Sau cùng, có người nghĩ họ có thể giấu được Thiên Chúa như trường hợp của Cain khi Chúa hỏi “Em ngươi đâu?” 
(3) Đời sống Kitô hữu là cuộc sống không ngừng cố gắng để trở nên hòan thiện, “Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” Điều này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp: Trong lãnh vực tri thức nhất là ngọai ngữ: Nếu cố gắng trau dồi mỗi ngày thì khả năng sinh ngữ sẽ mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn, nhưng nếu không dùng tới thường xuyên, vốn liếng đã có sẽ từ từ tàn lụi đi và mất hẳn. Trong lãnh vực đức tin cũng thế như Chúa đã ví việc nghe và thực hành Lời Chúa như người xây nhà trên đá: Nếu cố gắng sống đức tin theo những gì Chúa dạy, thì đức tin mỗi ngày một lớn mạnh hơn, và có thể đứng vững trước những phong ba của cuộc đời; nhưng nếu lười biếng không chịu thực hành đức tin, thì đức tin sẽ mỗi ngày một tàn lụi đi và sẽ bị bão táp cuốn đi như người xây nhà trên cát. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nguyên tắc căn bản của luân lý là “làm lành lánh dữ” trong cách đối xử với tha nhân. Chúng ta phải tập cho có thói quen làm việc lành và tránh xa điều gian ác để có sự bình an trong tâm hồn và trở nên bạn tâm giao với Chúa.
- Chúng ta đã lãnh nhận ngọn nến cháy sáng khi chịu Bí-tích Rửa Tội và đã hứa trước mặt Hội Thánh sẽ giữ ngọn đèn cháy sáng mãi cho tới ngày ra đón Chúa Kitô khi Ngài trở lại. Ngọn đèn sáng là đức tin của chúng ta: Nó phải luôn tỏa gương sáng cho mọi người chung quanh bằng cuộc sống tốt lành và thành thật. Nó cũng phải được luôn tăng trưởng mỗi ngày để có thể đứng vững trước mọi thử thách đau khổ của cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************

Thứ Hai tuần 25 thường niên
Sứ điệp:Hình ảnh cái đèn đặt trên giá cao để chiếu sáng, ám chỉ đến sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và của những ai tin vào Ngài. Mỗi tín hữu phải là ngọn đèn cháy sáng cho đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng của Chúa Cha hằng soi sáng cho gian trần. Chính Chúa đã phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
Trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, con được trao ban cây nến cháy sáng, để chỉ rằng: từ nay, con được ánh sáng của Chúa soi chiếu cho trong cuộc đời, con phải giữ gìn ngọn đèn luôn cháy sáng, và đặt trên giá cao để soi sáng cho muôn người.
Lạy Chúa, ánh sáng tự nó không thể che giấu, nhưng luôn chiếu sáng. Là nhân chứng của Chúa, con không thể không rao giảng Tin Mừng. Vâng, lạy Chúa, rao giảng là làm chứng tá cho Chúa, là ơn gọi và là sứ mệnh Chúa đã trao phó cho con. Xin cho con luôn biết sống Phúc âm hằng ngày để làm chứng tá cho Chúa.
Xin cho con biết nhẫn nại thực hiện cách phi thường những công việc bổn phận hằng ngày, như chiếc đèn trong âm thầm lặng lẽ, không quên nhiệm vụ của mình là luôn giương cao ánh sáng cho muôn người.
Xin cho con biết sống đời phục vụ bác ái, vì trong mọi thời, ngôn ngữ của tình thương luôn dễ hiểu, và việc làm của tình thương luôn chiếu sáng.
Và giữa những đêm đen của đau khổ thất vọng, giữa những sương mù của cuộc đời phong ba bão táp, xin cho con là ngọn hải đăng đem lại niềm tin yêu và thắp sáng cho cuộc đời hôm nay. Amen.
Ghi nhớ : "Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng".

24/09/12 THỨ HAI TUẦN 25 TN
Lc 8,16-18

LÀ ÁNH SÁNG SOI CHIẾU


“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che hay đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế...” (Lc 8,16)

Suy niệm: “Anh hùng là người khơi lên ngọn lửa lớn trong thế giới, đốt lên những ngọn đuốc cháy sáng trên nẻo đường tối tăm của cuộc đời cho con người. Thánh nhân là người đi qua những con đường đen tối của thế giới, chính ngài là ánh sáng” (F. Adler). Không phải mọi Kitô hữu đều có thể trở thành anh hùng, nhưng mọi Kitô hữu có bổn phận trở thành thánh nhân. Cuộc sống của người Kitô hữu tự nó là ánh sáng. Khi ta sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật, nỗ lực thực hiện Lời Chúa ta đã nghe và suy gẫm, cuộc đời ta trở nên ánh sáng, thứ ánh sáng có sức chiếu tỏa cho người chung quanh. Khi ta cố gắng thực thi điều răn mến Chúa yêu người, ánh sáng sẽ bừng lên nơi ta.

Mời Bạn: “Cái gì phát tỏa ánh sáng đều phải chịu cháy đi” (V. Frankl). Cái phải chịu đốt cháy là những đam mê vô độ, tính cầu an tiêu cực, khuynh hướng tìm an toàn, an nhàn cho bản thân, và đặc biệt sợ sự khác biệt với đa số chung quanh. Nhiều môn đệ Chúa Kitô không dám sống đúng niềm tin của mình vì sợ lời xì xầm, cười chê của người lân cận. Lời Chúa hôm nay là nguồn sức mạnh để bạn thêm can đảm là ánh sáng.

Sống Lời Chúa: Vượt lên sự sợ hãi với dư luận cũng như nỗi sợ mất sự an toàn của bản thân, tôi sẽ mạnh dạn sống các giá trị Tin Mừng theo Tám Mối Phúc Thật: khó nghèo, quảng đại, trong sạch, xót thương người, xây dựng hòa bình...

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã tin tưởng kêu mời chúng con trở thành ánh sáng cho con người. Xin cho chúng con mạnh dạn thực hành Lời Chúa mỗi ngày, nhờ vậy, chúng con thật sự là ánh sáng cho người lân cận.

Cách thức anh em nghe.
Thái độ của Kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng. Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng, để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu. 

Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có ba câu có vẻ rời rạc.
Ba câu này thánh Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống.
Vậy ta phải hiểu các câu này trong bối cảnh của dụ ngôn trên,
một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Sống Lời Chúa cách nghiêm túc là thắp lên một ngọn đèn (c. 16).
Vào thời xưa, người ta dùng đèn dầu, làm bằng đất nung.
Hẳn nhiên ý hướng của người thắp đèn là soi sáng.
Ngọn đèn sáng để soi đường cho “những kẻ khác” vào nhà,
những người chưa được biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 10).
Vì thế thật vô lý nếu có ai sau khi thắp đèn, rồi lấy cái hũ mà đậy lại,
hay đặt ngọn đèn dưới gầm giường.
Dù có lúc ánh sáng đó như bị che khuất hay trở nên leo lét,
nhưng đời Kitô hữu vẫn mãi mãi là ngọn đèn sáng đặt trên giá đèn
cho một thế giới mà bóng tối không ngừng vây bủa tấn công.
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha trên trời.”
Dù có lúc họ phải sống ẩn núp trong hang toại đạo,
hay phải chịu sống như Giáo hội thầm lặng,
nhưng giữ bí mật hay che giấu lén lút
lại không phải là thái độ thường xuyên của người Kitô hữu (c. 17).
Rồi đến ngày cái bí mật phải được vén mở,
cái che giấu phải được đem ra ánh sáng công khai.
Chúng ta có những hiểu biết về Thiên Chúa, về thân phận con người,
về ý nghĩa của khổ đau và cái chết.
Chúng ta có đức tin và niềm hy vọng, có niềm vui và bình an.
Chúng ta biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu.
Kitô hữu không thể cất giấu kho tàng đức tin của mình được.
Họ có nghĩa vụ phải chia sẻ cho một thế giới đang khát khao.
Lời Chúa như nén bạc không được phép chôn giấu.
“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (c. 18).
Có cách nghe kiểu vệ đường, nước đổ lá khoai,
có cách nghe không bám rễ vì sỏi đá,
có cách nghe bị chết ngộp vì cái tâm đầy vọng động.
Nhưng cũng có cách nghe của người giữ chặt lấy Lời
trong trái tim tốt lành và nhẫn nại (c. 15).
Ai nghe Lời Chúa cách hữu ích, người đó sẽ được lợi ích thêm.
Khi ta mở rộng cửa cho Lời Chúa tác động,
Lời sẽ xâm nhập vào đời ta càng lúc càng mạnh mẽ.
Còn ai cứng cỏi từ khước, thì ngay từ đầu, họ đã mất cả chì lẫn chài.
Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực, dấn thân.
Thái độ của Kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng.
Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng,
để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Đó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.
Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng".

Ánh sáng Chúa Kitô
Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng chiếu soi cho mọi người mặc dù ánh sáng đó đôi khi gặp phải sự khước từ của phần nhân loại không tin. Thánh Gioan, nơi đầu sách Tin Mừng của ngài đã nhận định như sau: "Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người đến ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người". Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi mọi người mang đến ơn cứu rỗi cho mọi người, cho mọi người được chứa chan niềm vui khi họ mở rộng tâm hồn tin Người và chấp nhận những sự thật do Người mạc khải. Niềm vui vì biết được sự thật, niềm vui vì sống theo sự thật, niềm vui được biến đổi bởi ánh sáng Chúa Kitô và cũng được trở nên ánh sáng, niềm vui đó phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô. Ðây là căn bản của niềm hy vọng nơi mỗi người tin Chúa được trở nên ánh sáng trong Chúa, Ðấng là ánh sáng. Không phải chỉ có Chúa Kitô là ánh sáng mà thôi nhưng mọi đồ đệ Chúa cũng được biến đổi để trở thành ánh sáng. Nơi Phúc Âm thánh Mátthêu chương 5, câu 14 trở đi, chúng ta đọc được những lời xác quyết trực tiếp của Chúa Giêsu: "Chúng con là ánh sáng thế gian, ánh sáng chúng con phải chiếu sáng được trước mặt mọi người để họ nhờ những việc làm tốt của chúng con, mà ngợi khen Cha chúng con trên trời".
Trở nên ánh sáng, không phải là đặc ân của một nhóm nhỏ mà là ân ban cho tất cả mọi người chấp nhận tuân theo Chúa, chấp nhận ánh sáng của Chúa. Ðây là lời mời gọi dấn thân, lời nhắc nhở trách nhiệm của người Kitô: ánh sáng phải chiếu sáng, phải phục vụ. Người Kitô phải là ánh sáng cho anh chị em bằng những việc tốt như Chúa Kitô là ánh sáng: "Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng có ánh sáng ban sự sống". Ánh sáng của Chúa Kitô được trao ban cho chúng ta để được cháy sáng, được phát triển luôn mãi trên bình diện thiêng liêng. Có được ánh sáng Chúa Kitô, không phải là tình trạng thụ động, mà là tích cực sinh động, mỗi ngày cần được phát triển thêm: "Ai có thì sẽ được cho thêm, ai không có thì cái mình tưởng là có cũng sẽ bị lấy mất đi". Ai có kho tàng đức tin và tình thương, có thiện chí và sức mạnh làm việc tốt thì sẽ được Chúa ban cho thêm những ân lành nhiều hơn nữa để cháy sáng thêm nữa nhờ lắng nghe Lời Chúa; ngược lại ai không có tình thương và thiện chí, không lo thực hiện việc tốt thì cả đức tin được trao ban cho cũng sẽ bị mất đi, không còn có đức tin nữa. Người Kitô nào không thực hành đạo thì sớm muộn gì cũng sẽ mất luôn cả đức tin.
Ước chi lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta trước trách nhiệm sống đức tin, làm việc tốt để được luôn luôn lớn lên trong Chúa Kitô, trở thành ánh sáng trong ánh sáng Chúa Kitô.
Lạy Cha
Chúng con cảm tạ Cha vì đã ban cho chúng con Chúa Giêsu Kitô làm ánh sáng soi dẫn chúng con, và cho chính chúng con được biến đổi, được trở thành ánh sáng trong ánh sáng của Chúa giữa thế gian. Xin giải thoát chúng con khỏi những bóng tối tật xấu, tội lỗi, làm che mờ hình ảnh Chúa nơi chúng con; xin giúp chúng con thoát khỏi ảnh hưởng xấu của hận thù, mánh mung, láo khoét, buồn chán. Xin cho chúng con luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa cho đến ngày chúng con được đạt đến vương quốc ánh sáng vĩnh viễn muôn đời, nơi chúng con sẽ được kết hợp với Chúa mãi mãi muôn đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Đèn sáng đặt đúng chỗ
“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” (Lc. 8, 16)
Chắc chắn không ai đốt đèn để đặt dưới gầm giường. Ai cũng biết thế. Nhưng nếu Đức Kitô phải khổ tâm nói với chúng ta điều đó, chính vì Người thấy có người làm như kẻ đốt đèn đem đặt dưới gầm giường.
Ai cũng biết đốt đèn rồi đặt trên đế để soi sáng cho mọi người đi lại trong nhà. Đối với Thánh Lu-ca, đèn đây hẳn là lời Chúa.
Trước hết chúng ta cần quan tâm tìm cách giúp mình thấm nhuần lời Chúa mới mong giúp người khác sống lời Chúa. Càng sãn sàng đón nhận lời Chúa, càng được ánh sáng thấu suốt, sưởi ấm và gieo rắc có hiệu quả.
Lời của chúng ta có thành ánh sáng chiếu soi ra chung quanh có được hay không tùy mức độ chúng phản ảnh ánh sáng của Chúa. Nói cách khác, lời của chúng ta như lệnh vỡ kêu lạc điệu, nó không thể là tiếng vang lọt tai người khác. Ánh sáng của nó chập chờn leo lét như bình điện chì sắp hết hơi. Nó như đứa trò hề khua chuông gõ mõ, lập đi lập lại lời Chúa một cách máy móc, vô hồn. Thế giới ngày nay lột mặt nạ nhanh chóng hạng giả hình và càng ngày càng ít mắc lừa.
Làm sáng tỏ không đủ, còn phải biết soi sáng vào đâu và cách nào nữa. Đức Kitô đã dạy rất hay về điều đó. Người vừa nói mạnh mẽ, vừa tỏ ra tôn trọng vô cùng đối với mọi người. Người ta không dùng võ lực hay cưỡng bách để đưa lời Chúa đến cho con tim và khối óc được. Cũng không chiếu đèn pha làm mù mắt người ta. Chỉ có ánh đèn vừa phải kín đáo và sàng lọc hợp với yêu cầu mới làm cho dễ đón nhận. Những mầu êm dịu nhiều khi có hiệu quả hơn những mầu quá sống.
Một chiếc đèn đặt ở vị trí tốt là cả một nghệ thuật!.
GF

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
24 THÁNG CHÍN
Một Đức Tin Trưởng Thành Trong Đức Kitô
Qua việc trao ban Bí Tích Thêm Sức, Giáo Hội đẩy đến mức viên mãn sự sống ân sủng mà chúng ta đã tham dự vào nhờ Phép Rửa. Để điều này có thể trở thành một thực tại sống động, chúng ta lặp lại những lời cam kết đức tin trong giao ước với Thiên Chúa – là giao ước được ký kết vào ngày chúng ta lãnh nhận Phép Rửa.
Ngày lãnh nhận Phép Rửa, những lời cam kết đó đã được cha mẹ và người đỡ đầu nói lên thay cho chúng ta. Giờ đây chính chúng ta sẽ tuyên bố giao ước này. Chúng ta tuyên bố từ bỏ Satan và tuyên xưng đức tin của mình. Chúng ta đạt đến một đức tin cá nhân và trưởng thành vào Đức Ki-tô. Chúng ta có thể nói: “Đó là đức tin của tôi!”.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24-9
Cn 3, 27-34; Lc 8, 16-18
LỜI SUY NIỆM: “Chẳng ai đốt đèn, rồi lấy hủ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” (Lc 8, 16)
          Trong cuộc sống, khi đứng trước những con người dám hy sinh bản thân mình để bảo vệ một người cô thế đang bị áp bức, đang bị hành hung, đang bị làm nhục, hoặc những người chuyên phục vụ những người nghèo, chỉ vì họ là người nghèo. Mọi người đều cúi đầu khâm phục; Cũng như những việc tốt những việc đúng ai cũng muốn, nhưng lại không làm. Chân lý ai cũng cố tìm kiếm, nhưng khi cần phải bảo vệ chân lý thì lại ái ngại và tìm cách tránh né để bản thân được an toàn. Chúa Giêsu luôn mời gọi mỗi chúng ta phải nêu cao ngọn cờ công lý, Phải trở nên ánh sáng, để những ai đang ở trong bóng tối, được nhìn  thấy con đường để đi.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
24 Tháng Chín
Hãy Có Ánh Sáng
Năm 1963, trên màn ảnh truyền hình, dân chúng Hoa Kỳ đang hồi hộp theo dõi hai phi hành gia Armstrong và Aldrin đặt chân xuống mặt trăng, thì tại Houston thuộc tiểu bang Texas, một cậu thanh niên tên là Thomas Franklin Caraway bị đưa lên ghế điện vì tội cướp của, giết người... Cậu vừa lên 18 tuổi.
Trước đó, trong thời gian chờ đợi bị xử tử, cậu đã đọc và nghiền ngẫm quyển kinh thánh mà một người nào đó đã tặng cậu. Khi một ký giả hỏi cậu thích đoạn nào nhất, cậu giở lại trang đầu quyển kinh thánh và đọc đoạn: "Hãy có ánh sáng và tức thì ánh sáng đã có". Cậu lặp đi lặp lại: "Và đã có ánh sáng. Ngày càng trôi qua, tôi càng nghĩ đến điều đó. Tất cả ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đó: ánh sáng đã che chở chúng ta khỏi những đêm dài tăm tối".
Giữa bốn bức tường đen tối của nhà tù, Tình Yêu của Thiên Chúa đã đánh động được Thomas. Không có sự dữ nào mà Thiên Chúa không thể biến thành sự thiện... Thiên Chúa quyền năng không bao giờ mong muốn và tạo nên sự dữ cho con người, nhưng Tình Yêu của Người mãnh liệt đến nỗi có thể biến sự dữ thành một cơ may phúc lộc cho con người.
(Lẽ Sống)
+++++++++++++++++


Ngày 24
 
Khi tuyên bố sự cần thiết của việc thực thi các lệnh truyền, Chúa Giêsu đã loan báo và hứa ngày Quang Lâm sẽ đến trong quyền năng của Chúa Thánh Thẩn. Thông điệp này đã biến đổi tất cả. Đối với ân huệ thần linh, Ngài không phải là một nhân vật bất kỳ, nhưng chính Ngài luôn bảo trợ chúng ta. Ngài là Đấng hằng có, ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con, Đấng đã tác thành và sáng tạo thế giới. Ngài là Thần Chân Lý, đã làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại. Ngài là Tình Yêu, Đấng tha thứ hết mọi lỗi tội cho con người. Chính Ngài đã biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô.
 
Không thể bảo đảm rằng, chúng ta có thể thực hiện cách trọn vẹn tất cả những điều sẽ làm no thỏa tâm hổn chúng ta, trong sức mạnh và hơi thở của Thánh Linh. Đó là lý do tại sao Giáo Hội thường dùng những đoạn Tin Mùng để nhấn mạnh vai trò và các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta. Sự hiện diện và bảo trợ của Ngài rất cần thiết cho đời sống chúng ta cũng như các môn đệ của Đức Kitô.
 
Trung tâm của kinh nguyện Thánh Thể, sau lời truyền phép bánh và rượu, chúng ta cẩu xin Thiên Chúa ban Thần Khí Ngài cho chúng ta, liên kết chúng ta trong Ngài, và làm cho chúng ta trở nên mộn đệ Đức Kitô.
Jean-Yves Garneau
Hạnh Các Thánh

Ngày 24 tháng 9
THÁNH GIÊRAĐÔ, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO
Thánh Giêrađô sinh tại Vênitia vào khoảng năm 970. Từ lúc niên thiếu, Giêrađô đã có lòng đạo hạnh và một tâm hồn đơn sơ thanh sạch đặc biệt hơn mọi trẻ. Khi lên năm tuổi, cậu lại được cha mẹ gửi vào tu viện Biển Đức, để được thụ huấn bên cạnh các tu sĩ. Sẵn thiên tài và trí khôn sáng suốt, Giêrađô học các môn khoa học rất mau lẹ, đồng thời với tâm hồn trong trắng, cậu càng bước tới trên con đường thánh thiện.

Vào thế kỷ XI, phong trào hành hương viếng đất thánh rất náo nhiệt. Từng đoàn giáo dân lũ lượt kéo nhau về đất thánh như nước chảy, nhất là ở Ý và Pháp. Giêrađô cũng xin nhập bọn với một phái đoàn hành hương đi viếng những nơi Chúa Kitô đã trải qua xưa trong cuộc đời trần gian của Người. Trở về mang theo một tâm hồn truyền giáo rất mãnh liệt, nên ngài hằng ước ao được đi rao giảng Phúc âm cho lương dân.

Lúc ấy ở Hungari còn nhiều người chưa được diễm phúc biết đạo Chúa Kitô, họ còn say mê sùng kính ngẫu thần. Được ơn Chúa thúc đẩy, Giêrađô đã lặn lội đến những hang cùng ngõ hẻm, dù có phải nguy hiểm đến tính mạng, để mang tin lành đến cho những người đói khát lời Chúa. Nhưng tiếc thay, chưa gặp hoàn cảnh thuận tiện, ngài không thể thi hành được ý định như lòng mong ước. Ngài bèn tìm bãi sa mạc hoang vu tĩnh mịch để suốt ngày đêm liên lỉ cầu nguyện cho nước Hungari được trở lại. Để lời cầu nguyện được kết quả, ngài kèm theo những việc hy sinh, hãm mình, phạt xác. Ngài sống giữa chốn hoang địa không một bóng người lui tới, chẳng lấy gì sinh sống hằng ngày. Nhưng Chúa nhân từ, đã chẳng bỏ kẻ đã hết lòng tin tưởng Người; hằng ngày Người cho chim đưa lương thực đến cho ngài, như thánh Phaolô trên rừng vắng xưa. Qua một thời gian cầu nguyện, ngài liền trở về đất Hungari để thực hiện ý định truyền giáo, đem ánh sáng Phúc âm chiếu mọi nẻo đường đất Hungari.

Trở về với đất Hungari, ngài được chọn làm Giám mục cai quản một địa phận. Sau khi nhận chức, ngài hăng hái đi khắp địa phận để lo việc truyền giáo và giảng dạy mọi người. Lời ngài giảng rất sốt sắng và cảm động, đã thu hút được nhiều tâm hồn. Các nhà nguyện, thánh đường mọc lên như nấm thay thế cho bao đền thờ ngoại giáo. Để ghi ơn Đức Mẹ, Đấng ngài đã thành thực sùng kính hết lòng yêu mến, hết dạ trung thành từ tuổi thơ ấu, ngài đã cho xây cất một đền thờ rộng rãi nguy nga cung hiến Đức Trinh Nữ.

Toàn thể giáo dân mộ mến ngài như cha hiền. Kẻ giàu sang cũng như người nghèo hèn chạy tới ngài rất đông đúc, kẻ xin ngài dạy dỗ để tiến tới trên đường tu đức, người đến xin ngài giơ tay làm phúc bố thí. Ngài tiếp đón rất nồng hậu theo tình cha con, khiến mọi người khi ra về đều được thoả mãn.

Riêng đối với bậc quan quyền vua chúa không biết thương dân trị nước, ngài lại thẳng tay chê trách, không sợ hãi vị nể ai. Một bằng chứng cụ thể là ngài đã thẳng thắn cảnh cáo, ra vạ và khai trừ Aba, ông vua gian hùng hà hiếp dân chúng. Aba phải xấu hổ một phen, lòng đầy căm hờn, quyết báo thù Giám mục Giêrađô. Nhưng Chúa hằng che chở ngài, Aba đã phải chết một cách đau thương.

Aba qua đi, người kế vị ông là vua Amatô cũng không kém phần độc ác như ông. Dân chúng càng thêm thất vọng chán nản. Chính ngài đã đến khuyên, nhưng cũng không đem lại kết quả nào, trái lại vua càng thêm oán hờn giận ghét. Sau khi bị ngài ra vạ tuyệt thông, Amatô càng thêm giận ghét, hành hạ, bắt bớ các giáo hữu, ngăn cấm việc giảng đạo, triệt hạ các nhà thờ... và nhất định phá hủy đức tin công giáo. Một cơn bách hại ác liệt đã diễn ra trên đất Hungari, nhưng nhờ Giám mục Giêrađô, Giáo hội Hungari như có một vị tướng lãnh tài ba để đương đầu với cơn thử thách cam go. Giáo hội Hungari trong thời này, đã góp một số đông các thánh tử đạo. Các ngài đã hiên ngang xưng đức tin, dù phải gông cùm xiềng xích, máu chảy đầu rơi cũng không chút nao núng.

Nhiều linh mục và tu sĩ dòng bị tử hình; nhiều thánh đường nguy nga rực rỡ, biến thành những cung điện của quỷ thần; của cải Giáo hội bị tịch thu, xung vào quỹ quốc gia. Mặc dầu trong tình trạng ngặt nghèo này, Đức giám mục Giêrađô vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa Quan phòng, đêm ngày ngài lo đọc kinh cầu nguyện và yên ủi các giáo hữu. Lần kia, trong lúc cầu nguyện giữa đêm khuya ngài than thở: “Lạy Chúa, xin che chở bênh vực con cái Chúa, xin Chúa cất những khốn khổ nặng nề cho chúng con. Xin Chúa mau cứu Giáo hội Hungari khỏi cơn lầm than”. Vừa dứt lời, ngài nghe như có tiếng Chúa phán:

“Giêrađô, con đừng sợ, hãy can đảm lên, ngày hôm nay Chúa sẽ cho con triều thiên tử đạo”. Thánh nhân rất hân hoan, ngày đêm những mơ ước nhận triều thiên quý giá đó. Sáng hôm sau, khi vạn vật còn đang triền miên trong giấc ngủ, ngài đã lên đường đi thăm một họ đạo đang phải khốn cực. Dọc đường ngài bị một toán quân xông vào bắt trói, đánh đập và làm đủ cực hình. Gặp ngài, chúng xông vào cấu xé chẳng khác chi những con hổ đói gặp mồi ngon.

Cuối cùng chúng đem ngài lên một mỏm đá cao định xô ngài xuống vực thẳm cho chết, nhưng Chúa đã làm phép lạ cứu chữa khiến ngài lăn xuống đáy vực nhẹ nhàng như một cánh hồng, nên toàn thân không bị một vết sây sát.

Trông xuống thấy thánh nhân đang quỳ gối chắp tay cầu nguyện dưới đáy vực, chúng liền lăn một tảng đá thật to xuống cho đè chết ngài; nhưng như có sức mạnh nào đó đã không cho tảng đá rơi trúng chỗ ngài quỳ. Thấy phép lạ Chúa làm để cứu mình và cho quân lính biết uy quyền Thiên Chúa, ngài càng sốt sắng cầu nguyện, đội ơn Chúa, và xin Chúa tha thứ cho kẻ thù địch, xin Chúa gìn giữ Giáo hội Hungari qua cơn bão táp.

Không còn phương thế làm hại ngài, chúng đem ngài lên lấy gươm đâm chết. Trước khi chết ngài đã lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin chớ chấp tội lỗi chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Vừa dứt lời, ngài tắt thở, linh hồn bay về thiên quốc lĩnh triều thiên tử đạo như lời Chúa đã hứa cho ngài trong đêm cầu nguyện.

Thánh Giêrađô đã thắng trận khải hoàn ngày 24 tháng 9 năm 1046. Thi hài ngài được an táng ở nhà thờ Đức Mẹ. Năm 1083, người ta đào hài cốt lên phân phát cho các nhà thờ khắp nước Hungari giữ làm bảo vật.

Lạy thánh Giêrađô tử đạo, xin cầu cho chúng con đang phải chiến đấu dưới trần gian này, để một ngày kia được về thiên quốc cùng với ngài ca khúc khải hoàn mừng Chúa vinh quang.
Thứ Hai 24-9

Thánh Pacifio ở San Severino 

(1653 -- 1721)

P
acifico sinh trưởng trong một gia đình đặc biệt ở San Severino trong vùng Ancona thuộc miền trung nước Ý. Sau khi gia nhập dòng Tiểu Ðệ, ngài được thụ phong linh mục. Ngài dạy triết học trong hai năm và sau đó bắt đầu sứ vụ rao giảng một cách thành công.
Pacifico là một người khổ hạnh. Ngài ăn chay trường, sống bằng bánh mì và nước hoặc xúp. "Áo nhặm" của ngài được làm bằng sắt. Sự khó nghèo và vâng phục là hai đức tính mà các anh em tu sĩ nhớ đến ngài nhiều nhất.
Vào năm 35 tuổi, Pacifico bị bệnh nặng khiến ngài bị điếc, bị mù và bị què. Ngài dâng sự đau khổ này để cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại, và ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân đến với ngài. Pacifico cũng là bề trên tu viện San Severino. Ngài được phong thánh năm 1839.

Lời Bàn

Thánh Pacifico sống sát với những lời của Thánh Phanxicô. Lời ngài rao giảng và cuộc sống có liên hệ với sự hy sinh hãm mình đền tội.
Thánh Phanxicô khuyến khích các tu sĩ rao giảng Lời Chúa mà không phô trương ầm ĩ hoặc vì tư lợi. Và vì thế, lời của họ mới thực sự là lời của Chúa và hướng đến phúc lợi của người nghe. Ðời sống của Thánh Pacifico đã thể hiện lời ngài rao giảng, và người nghe nhận ra sức mạnh trong lời của ngài.

Lời Trích

"Ngoài ra, tôi khuyên bảo và nhắc nhở các tu sĩ rằng trong sự rao giảng, lời nói của họ phải được nghiên cứu và minh bạch. Họ phải nhắm đến ích lợi và sự thăng tiến tâm linh của người nghe, nói một cách ngắn gọn về tính tốt cũng như tính xấu, sự trừng phạt và sự vinh quang, vì chính Chúa chúng ta cũng nói ngắn gọn khi ở trần thế" (Thánh Phanxicô, Quy Luật 1223, Ch. 9).

Bài đọc 2 
Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện 
Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục, về các mục tử.

Chiên đi lạc, các người không đem về ; chiện bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Như vậy, một cách nào đó, chúng tôi cũng ở trong tay quân trộm cướp và giữa hàm răng sói dữ, và vì gặp nguy hiểm như thê, nên chúng tôi xin anh em hãy cầu nguyện. Cũng có những con chiên cứng đầu. Khi chúng tôi đi tìm những chiên lạc, thì chúng nhận ra là chúng lìa xa chúng tôi và hư mất do lầm lỗi của mình ; nhưng chúng lại nói : “Việc gì đến các ông ? Việc gì các ông phải tìm chúng tôi ?” Làm như thế là chuyện chúng lầm lỗi và hư mất không phải là chính lý do khiến chúng tôi phải khắc khoải đi tìm. “Tôi muốn lầm lạc đó, tôi muốn hư mất đó.” 
Bạn muốn lầm lạc, muốn hư mất như thế ư ? Tôi lại càng không muốn điều đó. Thật sư, tôi dám nói : Tôi đang gây phiền hà đây. Tôi nghe thánh Phao-lô nói : Hãy rao giảng lời Thiên Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Thuận tiện cho ai ? Không thuận tiện cho ai ? Dĩ nhiên là thuận tiện cho kẻ muốn, không thuận tiện cho kẻ không muốn. Thật sự tôi đang gây sự phiền hà, tôi dám nói : “Bạn muốn lầm lạc, bạn muốn hư mất, nhưng tôi không muốn thế.” Cuối cùng, Đấng làm tôi khiếp sợ cũng chẳng muốn thế. Nếu như tôi có muốn, thì hãy xem Người nói gì., Người quở trách thế nào : Chiên đi lạc, các ngươi không đưa về ; chiên bị mất, các người không chịu đi tìm. Tôi sợ bạn hơn sợ người sao ? Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Chúa Ki-tô. 
Tôi sẽ gọi kẻ lầm lạc trở về, tôi sẽ đi tìm kẻ hư mất. Bạn muốn hay không muốn, tôi vẫn cứ làm. Và nếu đi tìm mà tôi có bị gai rừng cào xé, thì ngóc ngách nào tôi cũng len lỏi, bụi rậm nào tôi cũng khua : tôi sẽ rảo khắp nơi, tuỳ theo sức mà Đấng làm tôi phải sợ, ban cho tôi. Nếu bạn sẽ gọi kẻ lầm lạc trở về, sẽ đi tìm kẻ hư vong. Nếu bạn không muốn là tôi sẽ bị khổ, thì đừng đi lạc, đừng hư vong. Tôi có phải khổ vì bạn lầm lạc và hư vong thì có sao đâu. Chỉ e rằng : tôi mà lơ là đối với bạn, là tôi cũng giết luôn cả chiên khoẻ mạnh. Quả vậy, bạn hãy xem câu Kinh Thánh tiếp theo thế nào : Chiên béo tốt, các ngươi đã giết thịt. Nếu như tôi bỏ mặc kẻ lầm lạc và hư vong, thì người khoẻ mạnh cũng thích lầm lạc và hư vong.


Lời nguyện 
Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
(Trích giờ kinh sách thứ hai tuần 25 thường niên-bản dịch của nhóm CGKPV) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét