Thứ Sáu sau Chúa Nhật 25 Quanh Năm
*
* *
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gv 3, 1-11
"Vạn vật dưới bầu trời
đều trải qua thời gian của chúng".
Trích sách Giảng Viên.
Mọi sự đều có thì giờ của
chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian
sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời
gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa
lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc
lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời
gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian
gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có
thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có
thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì
cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận
ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.
Con người còn được gì do công
lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái
loài người phải chịu đựng.
Chúa tác tạo vạn vật trong
thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con
người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 143, 1a và 2abc.
3-4
Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)
Xướng: 1) Ôi Ðá Tảng của con,
chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải
phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, nhân loại là chi
mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như
hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi
hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 18-22
"Thầy là Ðấng Kitô
của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu
cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông
rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng:
"Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác
thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi
các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô
thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các
ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau
khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng
ngày thứ ba sẽ sống lại".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ngày xưa, Ðức Giêsu đã hỏi
các môn đệ: Ngài là ai đối với họ. Chắc chắn hôm nay Ngài cũng đang đặt câu hỏi
đó với mỗi người chúng ta. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ trả lời Ngài như
thế nào? Chúng ta có tin rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa, là Ðấng làm chủ cuộc đời
chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng sống cho Ngài và theo Ngài không? Ðức
Giêsu có chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của ta không? Hay chỉ có vật
chất, lợi lộc, hưởng thụ mới là điều quan trọng?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, thế giới ngày
nay đang đưa con người vào cuộc sống tiến bộ vượt bậc: giàu sang, văn minh,
hưởng thụ, tiện nghi... thế nên, con người mải mê chạy theo nó và quên mất
Chúa, loại Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Xin Chúa thức tỉnh và canh tân nhân loại
chúng con. Chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thực mà trần gian này không thể
cho chúng con được. Xin cho cuộc sống của chúng con luôn hướng về Chúa trong
tâm tình yêu mến, phụng sự và tín thác. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Thầy
Là Ðức Kitô
(Lc 9,18-22)
Suy Niệm:
Thầy Là Ðức Kitô
Trong số các trò chơi để trắc
nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em
xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào
trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với
các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính
Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô
là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu vốn là một vấn đề
khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh
là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý
của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một
ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có
nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào
trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một
ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra
Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.
Chúa Giêsu đã bị dư luận quần
chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu
trả lời chính xác: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa". Phêrô đã nhìn
thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có
nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định
vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết
thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai
đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng
của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết;
chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai,
mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài.
Xin Chúa cho chúng ta biết
lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: "Thầy là Ðức Kitô
Con Thiên Chúa" để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm
chứng cho Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 25 TN2
Bài đọc: Eccl 3:1-11; Lk 9:18-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con
người không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong
lịch sử.
Sống trong trần gian,
con người cảm thấy khả năng hạn hẹp của mình vì bị lệ thuộc vào trời đất, thời
gian, hòan cảnh, và môi trường sinh sống. Nếu biết trước và họach định làm sao
cho phù hợp với các yếu tố này, con người sẽ thành công; nếu không, sẽ nắm chắc
phần thất bại. Khác hẳn với con người, Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời
đúng lúc vì Ngài biết mọi sự và không bị tùy thuộc vào bất cứ một yếu tố nào.
Các Bài đọc hôm nay dẫn chứng những ví dụ cụ thể về hai sự khác biệt này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thời nào việc đó. Chìa
khóa thành công: phải biết 4 đúng: đúng thời, đúng nơi, đúng người, đúng chất
liệu.
1.1/ Con người cần phải
biết làm việc hợp thời đúng lúc để đạt được kết quả mong muốn. Người Việt-Nam chú
trọng đến 3 yếu tố cần phải có để bảo đảm thành công trong bất cứ lãnh vực nào
của cuộc đời: thiên thời – địa lợi – nhân hòa; nếu thiếu một trong 3 yếu tố sẽ
nắm chắc thất phần bại.
(1) Thiên thời: là thời gian của Trời.
Con người cần phải biết thời gian của Trời qua các hiện tượng và trật tự trong
trời đất: nắng, mưa, gió, tuyết, xuân, hạ, thu, đông. Để dễ hiểu, chúng ta lấy
một ví dụ về nông nghiệp: Biết những điều này sẽ giúp con người biết phác họa
kế họach khi nào cầy đất, khi nào gieo mạ, khi nào cấy, bao lâu phải chờ đợi,
và khi nào phải gặt. Người không hiểu biết thời gian của trời sẽ gieo khi phải
gặt, và vì thế đã đi sai với thời gian của Trời, làm sao có kết quả được? Hơn
nữa, con người còn cần phải kiên nhẫn chờ đợi sau khi đã gieo trong một thời
gian cần thiết: không thể gặt sớm quá hoặc để lâu quá. Gặt sớm quá sẽ chưa đủ
chín và để lâu quá sẽ ủng thối.
(2) Địa lợi: là cơ hội xảy đến với
con người trên thế gian. Vẫn theo ví dụ về nông nghiệp, nếu con người mua được
mảnh đất tốt: nằm chỗ không cao quá để khỏi bị khô cằn, không sâu quá để khỏi
bị lụt lội. Rồi còn phải tùy thuộc vào phân bón, thuốc diệt sâu rầy… Nếu con
người không biết nắm lấy những cơ hội xảy đến trong cuộc đời để biết cách đầu
tư cho hợp thời thì cũng sẽ không thành công.
(3) Nhân hòa: là lòng người hòa
thuận. Con người phải biết cách cư xử sao cho hợp tình, hợp lý, và hợp nơi
chốn. Không thể cười nơi đám ma và khóc trong đám cưới như Sách Giảng Viên dạy:
“một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để
múa nhảy.” Hơn nữa, con người nào phải áp dụng cách cư xử đó; không thể áp dụng
một cách cư xử cho hết mọi người. Sách Giảng Viên dạy: “một thời để làm thinh,
một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời
để gây chiến, một thời để làm hoà.” Lòng người rất phức tạp và thay đổi. Nếu
không biết cư xử sao cho phù hợp lòng người cũng nắm chắc phần thất bại.
1.2/ Trái với con người,
Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời và đúng lúc vì Ngài không lệ thuộc vào
thời gian và thời gian của con người nằm trong tay của Ngài. Ngài cũng chẳng bị tùy
thuộc vào cơ hội vì Ngài biết tất cả những gì xảy ra và Ngài tạo cơ hội cho con
người. Ngài không bị lệ thuộc vào con người nhưng tất cả mọi người phải tùy
thuộc nơi Ngài. Tác giả của Sách Giảng Viên xác quyết: “Thiên Chúa đã làm mọi
sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ
trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình
Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.”
2/ Phúc Âm: Đúng người: Thánh Phêrô
tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô!
Câu hỏi “Đức Giêsu là
ai?” không phải chỉ quan trọng cho Tiểu Vương Hêrôđê mà còn quan trọng hơn cho
các Tông Đồ, những người đang theo Chúa Giêsu. Nếu các Tông Đồ không biết đúng
Ngài là ai thì làm sao các ông có thể tiếp tục sứ vụ của Chúa ở trần gian sau
khi Chúa Giêsu từ giã cuộc đời để về với Chúa Cha? Nhất là khi các ông phải đối
diện với những đau khổ và cái chết sắp tới của Ngài. Trình thuật của Luca đặt
câu hỏi này trong bối cảnh Chúa cầu nguyện một mình, Ngài cầu xin Thiên Chúa để
các Tông Đồ biết nhận ra Ngài là ai.
2.1/ Câu hỏi đầu tiên
Chúa đặt cho các ông: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là
ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlijah, kẻ khác lại cho là một
trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." Tất cả những câu trả lời này tuy
có nói lên được sự tôn kính và uy quyền của Chúa, nhưng vẫn không phải là câu
trả lời Chúa mong muốn, vì những nhân vật này chỉ là những người dọn đường cho
Đấng Thiên Sai tới mà thôi. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn câu hỏi thứ nhất:
"Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô thưa: "Thầy là
Đấng Kitô của Thiên Chúa." Đây mới thực sự là câu trả lời Chúa Giêsu muốn
nghe, vì các ông biết đích xác Ngài là Đức Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu
để làm vua. Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai, vì
người Do-Thái đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai khác với những gì Ngài sắp mặc
khải cho các Tông Đồ.
2.2/ Kế họach cứu độ của
Thiên Chúa: Các
Tông Đồ không chỉ cần biết Chúa Giêsu là ai, mà còn cần phải biết kế họach cứu
độ của Thiên Chúa, vì cuộc Thương Khó của Ngài sắp diễn ra tại Jerusalem. Như
những người Do-Thái khác, các ông đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền, sẽ
đánh dẹp tất cả các kẻ thù của người Do-Thái, cai trị họ trong công lý, và
triều đại của Người sẽ vô tận. Nhưng kế họach cứu độ của Thiên Chúa thì rất
khác với dân, Chúa Giêsu tiên báo cho các ông cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài
lần đầu tiên: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế
cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." Chúng ta
sẽ thấy trong các chương sau, không dễ cho các Tông Đồ hiểu và chấp nhận kế
họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường Thập Giá.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Để đạt được kết quả
như lòng mong ước, con người cần phải biết và làm đúng thời gian, đúng nơi
chốn, và hợp lòng người.
- Để đạt được mục đích
của cuộc đời, chúng ta cần biết Chúa Giêsu là ai, hiểu những gì Ngài mặc khải,
và làm những gì Ngài truyền.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Thứ Sáu tuần 25 thương
niên
Sứ điệp:Chúa Giêsu đã mở lối cho
các tông đồ xác định cuộc đời của Ngài. Qua đó, Chúa cũng mời gọi từng người
Kitô hữu khám phá ra khuôn mặt của Chúa. Chúng ta cần phải nỗ lực khám phá từng
ngày, vì hình ảnh Chúa Giêsu là một mầu nhiệm.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, con đã
được nghe nói nhiều về Chúa, hoặc đã được học biết về Chúa. Nhưng có thể chính
bản thân con chưa một lần gặp Chúa. Vì thế, con cũng chưa bao giờ có thể trả
lời được câu hỏi Chúa đã đặt ra: “Con bảo Thầy là ai?”.
Hôm nay, con muốn gặp Chúa thực sự bằng cách tự
nguyện giơ tay ra nắm lấy tay anh chị em con. Con tin rằng khi sống trong bầu
khí hiệp nhất yêu thương là con đang làm sống dậy hình ảnh của Chúa, là
con đang khám phá ra khuôn mặt dịu hiền của Chúa. Xin Chúa giúp con đủ nghị lực
và can đảm thực hiện điều này, để khuôn mặt của Chúa luôn sáng tỏ nơi cuộc đời
con.
Lạy Chúa Giêsu, không những con nhận ra nét đẹp
khuôn mặt Chúa khi cùng nắm tay nhau, nhưng con còn khám phá được những nét đẹp
đáng yêu khi con mau mắn giơ tay ra giúp đỡ những người cô đơn túng thiếu. Họ
là hình ảnh sống động của Chúa. Đồng thời, con cũng mang hình ảnh Chúa nơi cuộc
đời mình. Chúa đang ẩn mình trong từng cử chỉ, từng lời nói của con. Xin Chúa
giúp con đừng bao giờ bôi nhọ khuôn mặt đáng yêu của Chúa, đừng bao giờ làm méo
mó biến dạng khuôn mặt thánh thiện của Chúa. Nhưng mỗi ngày, xin Chúa giúp con
tô đẹp thêm và làm sáng tỏ khuôn mặt của Chúa, như những lần giới thiệu Chúa
cho anh chị em mình. Amen.
Ghi nhớ : "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu
nhiều đau khổ".
28/09/12
THỨ SÁU TUẦN 25 TN
Th. Venxétlao, tử đạo
Lc 9,18-22
Th. Venxétlao, tử đạo
Lc 9,18-22
ĐẤNG
KITÔ, CON THIÊN CHÚA
“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” (Lc 9,19)
Suy niệm: Người Do Thái có khâm phục Chúa Giêsu thì cũng chỉ coi Ngài là một ngôn sứ nào đó, cao lắm thì ngang tầm Gioan Tẩy giả hay Êlia là cùng. Nói chung Ngài có được coi như một bậc vĩ nhân, thì cũng chỉ là một con người; còn việc nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa, đối với họ là một điều phạm thánh. Ngay cả Phêrô khi tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” thì cũng còn vương vấn hình ảnh một Đấng Cứu Thế theo kiểu thế tục. Chúa Giêsu phải bổ sung ngay lập tức bằng cách thêm vào quan niệm ấy hình ảnh thập giá: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều,... bị giết chết và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy.” Vì thế, lời của viên đại đội trưởng lúc ở dưới chân thập giá Chúa Kitô mới là lời tuyên xưng xác thực và đầy đủ: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).
Mời Bạn: Tinh thần thế tục của thời đại ngày nay dễ làm cho chúng ta mất đi niềm tin vào Con Thiên Chúa. Chính vì thế lời tuyên xưng Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa vẫn luôn cần thiết cho chúng ta hôm nay. Hẳn nhiên lời tuyên xưng ấy đòi buộc chúng ta cần sống và thực hành niềm xác tín trong việc trung thành với niềm tin đã tuyên xưng.
Sống Lời Chúa: Trước mỗi công việc, bạn làm một cử chỉ (dấu Thánh Giá, lời nguyện tắt...) để làm việc đó với tinh thần đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước bao cám dỗ của trào lưu thế tục trong xã hội hôm nay, xin cho con luôn vững vàng tin tưởng vào Chúa và tuyên xưng niềm tin ấy bằng một cuộc sống trung thành theo giáo huấn Chúa truyền dạy.
Anh em bảo Thầy là ai ?
Trả lời
câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng. Điều quan trọng là sống
câu trả lời của mình. Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện
một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các
môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền
năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở
gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng
Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần
công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không
được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là
Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong
đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng
Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng
Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực
trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết
chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người
Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy
của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy,
nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng
mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của
cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau,
dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng
mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra
những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác
nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng
sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn
đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu
hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và
để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để
tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm
người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm
hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn
đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của
Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài
cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian
ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách
độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.
Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta )
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Thầy
là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".
Cầu nguyện như Chúa
Lời
tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa
hằng sống" được nhắc lại trong đoạn Phúc Âm hôm nay. Lời tuyên xưng đó
chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong cuộc đời của Chúa Giêsu, giai đoạn được
bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để hoàn tất công trình cứu chuộc
nhân loại.
Ðoạn
Phúc Âm được chia ra làm ba phần:
-
Chúa Giêsu hỏi các tông đồ xem người ta nghĩ gì về chính Ngài và hỏi các tông
đồ xem các ông nghĩ như thế nào về Chúa.
-
Lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa"
-
Chúa Giêsu loan báo lần đầu tiên về cuộc thương khó của Ngài. Biến cố này cũng
được kể như Phúc Âm theo thánh Marcô và Mátthêu, nhưng Luca có ghi thêm chi
tiết đặc biệt, đó là việc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ về
thực thể mình là ai?
Chúng
ta biết rằng thánh sử Luca luôn luôn ghi lại chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện
trong những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa. Chúa cầu nguyện khi lãnh
nhận phép rửa của Gioan tiền hô để bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng; Chúa
cầu nguyện suốt đêm trước khi gọi riêng mười hai tông đồ; rồi Chúa cầu nguyện trước
khi hỏi các môn đệ: "Các con nghĩ Thầy là ai?"; Chúa Giêsu cầu nguyện
trước khi dạy các tông đồ kinh Lạy Cha; Chúa Giêsu cầu nguyện nơi vườn cây dầu
trước khi bước vào cuộc thương khó và Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá. Việc
Chúa cầu nguyện cho những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa, mời gọi chúng
ta tự vấn về đời sống thiêng liêng của mình: "tôi thường cầu nguyện lúc
nào và trong những giây phút quan trọng của cuộc đời tôi có cầu nguyện hay
không và cầu nguyện như thế nào?"
Biến
cố Chúa Giêsu tra hỏi các môn đệ về thực thể Ngài là ai để cuối cùng đi đến lời
tuyên xưng đức tin: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" là
một biến cố quan trọng. Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi bắt đầu tra hỏi các
môn đệ: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" để theo Chúa trọn
vẹn, không cần biết rõ cái chết của Chúa cho bằng có được mối tương quan thân
tình mật thiết với Chúa. Chúa Giêsu không hỏi các môn đệ về giáo lý nhưng về
chính mình, về chính thực thể Ngài là ai đối với họ. Và để trả lời được cho câu
hỏi này thì cần phải trả lời hai điều: thứ nhất là biết Chúa và thứ hai là yêu
mến Chúa. Ðây không phải là vấn đề biết Chúa một cách trí thức qua sách vở,
nhưng là biết cảm nghiệm trực tiếp giữa người với người, giữa Chúa và đích thân
mỗi người, biết Chúa như biết một người bạn; đây không phải là vấn đề giáo
thuyết nhưng là vấn đề cụ thể con người, hoặc trực tiếp tiếp xúc với con người
Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hằng luôn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta.
Do đó, cần phải có đức tin và tình yêu thương thì ta mới có thể trả lời đúng
cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Một người không có đức tin hay ít đức
tin, sống nguội lạnh thì quả thực là khó để trả lời cho câu hỏi của Chúa.
Lạy
Chúa,
Xin
thương ban cho con được ơn trưởng thành trong đức tin và trong tình thương
Chúa. Xin cho con luôn được trung thành với lời tuyên xưng "Thầy là Ðấng
Kitô" để rồi có thể múc lấy từ đó sức mạnh để dấn thân phục vụ Chúa và anh
chị em chung quanh trong mọi hoàn cảnh.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Môn đệ có cái nhìn đúng
Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông
Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (Lc. 9, 20)
Phải, môn đệ có cái nhìn đúng, môn đệ này chính là
Phê-rô. Phê-rô này có lúc rất sáng suốt, có lúc lại té ngã lạc đường, thất
vọng. Tuy nhiên chính ông đã xé được bức màn mầu nhiệm về con người của Đức
Giêsu.
Một hôm, Đức Giêsu, như mỗi lần trước một biến cố quan
trọng sắp xảy đến, Người đi cầu nguyện không xa các môn đệ lắm, các ông cũng
tôn trọng những lúc Thầy chí thánh nói chuyện với Thiên Chúa. Tự nhiên, Người
tiến đến với các ông và hỏi: “Đám đông nói Thầy là ai?” Tại sao Đức Kitô lại
quan tâm lo lắng về dư luận quần chúng? tại sao Người coi đó là quan trọng? chả
nhẽ Người hồ nghi về sứ mệnh của Người sao? sự oán ghét của đồng hương đối với
Người là một thử thách khiến người bối rối đến nỗi phải tìm đến các môn đệ để
tìm an ủi và nâng đỡ sao? hay Người sợ các ông sẽ bị lôi cuốn theo những kẻ đói
nghịch đang công khai tìm mọi cơ hội truy lùng Người chăng?
Cần phải biết ý nghĩ thầm kín của Đức Kitô mới có thể trả
lời tất cả các câu hỏi trên. Có phải Người lo âu hay chỉ muốn biết một cách
chắc chắn người ta nghĩ gì về mình thôi chăng? bản văn của Thánh Lu-ca kể quá
gọn và khô, không cho biết gì hơn nữa.
Các tông đồ cũng đơn giản trả lời Người: Kẻ thì bảo Người
là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại nói là Ê-li-a hay một ngôn sứ thời xưa. Nhưng
Phê-rô, người một ngày kia sẽ trở thành “sếp” hướng đạo các bạn, đã đứng lên
trả lời Đức Kitô đã hỏi cảm nghĩ của các ông về Người rằng: “Thầy là Đấng Kitô
của Thiên Chúa”. Đó chính là điều mà Đức Kitô muốn khẳng định về mình khi Người
giải thích Kinh Thánh ở hội đường Nagiarét trong ngày sabát. Vậy Phê-rô đã hiểu
và các bạn khác cũng thế! các ông đã không bỏ Người vì các ông biết Người như
thế và các ông tin vào Người. Người hỏi các ông, tuy nhiên, Người vẫn im lặng
về căn tính của mình. Người không muốn người ta hiểu lầm Người là Đấng Kitô
nhất thời ở trần thế, nên Người nói thêm: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ,
bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ
sống lại”.
GF.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
28 THÁNG CHÍN
Vai Trò Của Những Người
Đỡ Đầu
Tôi mời gọi tất cả anh
chị em, những người hiện diện trong nghi lễ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức của các
bạn trẻ, hãy nhớ lại biến cố hồng phúc này. Biến cố này rất quan trọng trong
đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Anh chị em hãy nâng đỡ và hãy góp lời cầu nguyện.
Tôi đặc biệt muốn bày tỏ lời kêu gọi này với những người đỡ đầu – là những vị
tự nguyện sát cánh với người bạn trẻ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức khi các bạn ấy
bước qua ngưỡng trưởng thành trong Đức Kitô.
Những người đỡ đầu, anh
chị em là những người được ủy thác đặc biệt ân sủng này của Chúa Thánh Thần, ân
sủng mà các bạn trẻ được Thêm Sức hôm nay vốn đã lãnh nhận lần đầu tiên trong
Bí Tích Rửa tội. Giờ đây Chúa Thánh Thần lại một lần nữa được trao ban cho các
bạn trẻ này. Anh chị em được mời gọi giúp đỡ các bạn ấy – là những người đang
bắt đầu thực sự trưởng thành trong Đức Kitô và đang đứng trước nhiều bổn phận
và trách nhiệm mới. Các bạn ấy rất cần sự nâng đỡ của anh chị em.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28-9
Thánh Venceslaô, tử đạo, Thánh Laurensô Ruiz và các bạn tử đạo; '
Gv 3, 1-11; Lc 9, 18-22.
LỜI
SUY NIỆM: Hôm ấy, Đức
Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông
rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” (Lc 9,18).
Hôm nay sau một thời gian Chúa Giêsu đã dạy cho dân chúng về Nước Trời, về
Thiên Chúa, một Vị Thiên Chúa đầy lòng yêu thương, một Vị Thiên Chúa là Cha của
hết mọi người. Một Vị Thiên Chúa luôn chờ đợi những người tội lỗi biết sám hối
trở về, Một Vị Thiên Chúa hằng tha thứ; Và về chính con người của Ngài. Chúa
Giêsu muốn biết giữa đám đông ấy, những người đã chứng kiến và những người nhận
lãnh trực tiếp các phép lạ Ngài đã làm; có ai nhận ra Ngài Là Đấng Kitô? Đấng
được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và sai đến với con người không? Hôm nay mỗi
người đều phải mở lòng trí và miệng lưỡi để tuyên xưng Ngài là Ai? Đối với bản
thân mình; và với cả thế giới
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
NGÀY 28-09 THÁNH VENCESLANÔ - TỬ ĐẠO (907 - 935)
Thánh Venceslao cai trị
Bôhêmia vào thời mà miền này mới chỉ có một phần theo Kitô giáo. Cha Ngài, ông
Vratilar, là người khôn ngoan dũng cảm lương thiện, một Kitô hữu nhân đức nhưng
bà Drahomira mẹ Ngài lại ngã theo lương dân. Em Ngài là Boleslao. Ludmila, bà
nội của hai con trẻ, thấy rõ sự nguy hiểm cho cháu nên đã lo giáo dục
Venceslao. Còn thánh Venceslao, con người có nhiều đức tính đáng phục đã đáp
ứng hoàn toàn sự lo lắng của bà nội. Từ đó Ngài đã có lòng mộ mến các nhân đức,
siêng năng tìm hiểu lẽ đạo để sống thành một Kitô hữu chân chính.
Chẳng may ông Vratilar từ
trần trong một trận chiến. Bà Drahomira lên nắm quyền nhiếp chính. Độc ác và
gian xảo, bà đã sát hại các Kitô hữu, triệt hạ các nhà thờ, cấm hành đạo công
khai và dạy giáo lý cho trẻ em. Các Kitô hữu có chức phận bị cách chức, nhường
chỗ cho lương dân.
Đau lòng vì sự dữ lan
tràn, bà Ludmila thuyết phục Venceslao lên nắm quyền. Nhưng để tránh cuộc tranh
chấp tương tàn, người ta chia đôi lãnh thổ, một phần trao cho Boleslaô. Lên cai
trị với sự tán đồng của dân chúng, thánh Venceslaô chỉ mong cho thần dân được
hạnh phúc. Ngài cai trị bằng lòng nhân từ hơn là bằng sức mạnh. Ngài lo trợ
giúp mọi cô nhi quả phụ, mọi người nghèo khổ. Thỉnh thoảng trong đêm tối, Ngài
vác củi đến cho người bất hạnh, Ngài phóng thích các tù nhân hay đêm tối tìm
đến an ủi họ. Nếu phải kết án, chính Ngài đã khóc thương. Đầy lòng kính phục
các linh mục, Ngài tự trồng nho ép rượu và giúp lễ.
Đêm đêm, Ngài đi chân
không đến viếng các nhà thờ. Trong một cuộc hành hương như vậy, người hầu cận
cho biêt chân mình đã tê cóng không thể đi thêm được nữa. Thánh nhân dặn, hãy
đạp lên vết chân Ngài. Anh ta đã vâng theo và cảm thấy ấm áp toàn thân.
Drahomira tức giận vì sự
êm ấm trong miền Bôhêmia theo Kitô giáo. Bà quyết sát hại Ludmila, người bà
nhân đức làm cố vấn cho Venceslao. Hai kẻ sát nhân đã hành sự ngay dưới chân
bàn thờ. Sau đó đến lượt thánh Venceslao, người mẹ ác đức đã xúi Radislas nổi loạn.
Ong này tập trung một đạo quân hùng hậu đến gây chiến. Khi hai bên giáp trận,
thánh Venceslao đã đơn phương độc mã lâm trận chiến như một David giáp mặt
Goliath. Thế nhưng Radislas đã xin dầu hàng. Ong ta thấy thiên thần trợ chiến
cho Venceslao.
Phải đến tham dự một cuộc
họp ở Worm theo lệnh của hoàng đế Othon I, thánh Venceslao đã tới trễ. Ngài
muốn dự hai thánh lễ. Hoàng đế bực tức vì sự chậm trể này, quyết định sẽ không
đứng dậy khi thánh nhân đến. nhưng rồi khi Ngài tới nơi ông bỗng đíung lên và mời
ngồi bên cạnh mình. Ông cũng đã thấy hai thiên thần hộ vệ và bao phủ Ngài bằng
một thánh giá vàng.
Boleslanô, theo lời
khuyên của mẹ, quyết hạ sát thánh nhân, hắn lấy tình nghĩa để che lấp ý đồ đen
tối của mình. Được mời tới để mừng lễ hai thánh Cosma và Đamianô, thánh
Venceslao không một chút nghi ngại gì.
Buổi lễ thật linh đình.
Đêm sau thánh Venceslao đến nhà thờ cầu nguyện như thói quen. Boleslaô tàng
hình theo sau và đã hạ sát thánh nhân ngày 28 tháng 9 năm 935. Trước cửa đền
thờ, miệng khẩn cầu ơn tha thứ cho em mình. Thánh nhân từ trần trên vũng máu
đào. Sau cái chết, thánh Venceslao được dân chúng tôn kính như một vị tử đạo và
trổ thành Đấng thánh bảo trợ cho xứ Bôhêmia, nay là Czecheslavia.
(daminhvn.net)
++++++++++++++++++
28 Tháng Chín
Con Vật Ðầu Ðàn
Một khách lữ hành đi
về những vùng núi xứ Tô Cách Lan, một hôm dừng chân lại bên cạnh một đàn cừu.
Bỗng ông ta chú ý đến một con cừu đang được người mục tử chăm sóc một cách đặc
biệt. Con vật nằm dài trên mặt đất. Chủ nó vừa vuốt ve vừa nói chuyện với nó
một cách dịu dàng, trong lúc tay vẫn không ngừng băng bó một chân của nó. Người
khách bộ hành lại gần và hỏi xem cho biết việc gì. Thoạt tiên, người chăn chiên
tỏ vẻ khó chịu vì phải trả lời. Nhưng sau đó vẻ thân mật của người bộ hành đã
làm cho anh vững lòng, vì thế anh ta không ngần ngại giải thích:
"Con cừu này có
những đức tính tuyệt hảo của một người hướng đạo. Khi còn lành mạnh, nó luôn
dẫn đầu đàn cừu, biết cách làm cho những con vật khác vâng lời nó và theo nó.
Khổ thay vì quá tự tin nên nó không theo lệnh của tôi và dẫn đàn cừu theo sở
thích riêng của nó. Tôi đã tìm đủ mọi cách để thay vào chỗ của nó một con đầu
đàn khác nhưng vô hiệu, vì hễ con nào có vẻ như muốn thay nó đều bị nó đánh và
xua đuổi. Tình trạng của đàn cừu do đó trở nên nguy ngập. Tôi buộc lòng phải áp
dụng một phương pháp khá đau đớn".
Nói đến đây người chăn
chiên ngừng lại như bị cảm xúc mạnh. Anh giải thích tiếp như sau: "Tôi
đành phải bẻ gãy chân nó. Kể từ lúc đó, con vật bị thương nên hoàn toàn tùy
thuộc vào tôi. Mỗi buổi sáng, tôi vác nó lên vai ra đồng cỏ. Và buổi chiều về
tôi lại vác nó trên vai đem về. Nó không thể tự mình đi ăn cỏ được. Vì thế, từ
một tháng nay, nó ăn giữa lòng bàn tay của tôi. Những săn sóc liên tục của tôi
đã tạo nên giữa tôi và nó một sự liên hệ vô cùng mật thiết. Bây giờ có lẽ nó
hiểu rằng sau khi đã làm cho nó bị thương, tôi đã tìm đủ mọi cách để làm giảm
bớt sự đau đớn của nó. Về phần tôi, tôi cũng biết rằng sẽ không tìm được trong
tất cả đàn cừu một con cừu biết vâng lời tôi hơn nó. Trong vài ngày nữa, khi nó
khỏe mạnh, tôi sẽ phục hồi nó lại trong địa vị cũ của nó".
Hình ảnh trên đây gợi
lại phần nào Tình Yêu của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta. Cựu ước
đã không ngần ngại so sánh Thiên Chúa với một người mục tử. Người mục tử săn
sóc từng con chiên, người mục tử uốn nắn từng con chiên, người mục tử sửa trị
từng con chiên... Nhưng tất cả chỉ vì sự yêu thương đàn chiên của mình.
Thiên Chúa có thực sự
yêu thương chúng ta không? Ðó là câu hỏi mà chúng ta có quyền đặt ra trong
những mò mẫm tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta. Cuộc sống xem chừng như không
diễn ra một cách xuôi chảy cho từng người. Chúng ta không bao giờ được thỏa mãn
hoàn toàn. Ðau khổ, thất bại như những bóng mờ lúc nào cũng chực sẵn để ập phủ
trên chúng ta... Chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, tai ương đã trở thành như
tất yếu đối với chúng ta. Một Thiên Chúa nhân từ, một Thiên Chúa quan phòng,
một Thiên Chúa quyền năng lẽ nào lại để cho đau khổ đè bẹp con người?... Bí ẩn
của đau khổ luôn gợi lên trong chúng ta những thắc mắc về Tình Yêu của Thiên
Chúa.
Người Kitô chúng ta
chỉ có thể tìm thấy câu trả lời trong Mầu Nhiệm Thập Giá của Ðức Kitô. Thánh
Gioan đã viết: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Và
Người Con Một đó đã yêu đến nỗi đã tự phó nộp mình và chết trên thập giá.
Tình Yêu của Thiên
Chúa gắn liền với Thập Giá của Ðức Kitô. Ðau khổ đã trở thành ánh sáng chiếu
rọi vào Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người. Nói như thế không có nghĩa
là Thiên Chúa muốn con người phải chịu đau khổ, Thiên Chúa cũng không tạo ra
đau khổ để sửa trị con người. Nhưng qua đau khổ, Thiên Chúa như muốn hé mở cho
con người thấy Ngài là Ðá Tảng, là nơi nương tựa duy nhất của con người.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 28
Tháng Venceslao, tử đạo
Thánh
Laurensô Ruiz và các bạn tử đạo
Cộng đoàn
chúng ta có lý do để cảm nhận ơn Chúa, vì chúng ta sống trong tình yêu. Đó là
tình yêu của Đức Kitô đã kết hợp chúng ta. Nền tảng sự hiệp nhất là câu trả lời
cho mỗi người và cho tất cả chúng ta. Khi chúng ta hiệp nhất trong Ngài và nhờ
Ngài, Ngài vẫn luôn ở giữa chúng ta.
Nhờ tình yêu
hiệp thông và chia sẻ, Cộng đoàn chúng ta trở nên một trong Thiên Chúa Ba Ngôi:
là món quà ân sủng cho chính mình và mọi người. Hơn nữa, cộng đoàn của đức tin
được sinh ra bởi tình yêu, tình yêu là yếu tố chính để trở thành cộng đoàn
huynh đệ.
Đây là bài
hát của niềm vui mà trong thánh vịnh 132 đã mang lại cho chúng ta: "Ngọt
ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau
Kinh
nghiệm của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi được biến đổi, đó là niềm vui của
"con tim và linh hồn nên một" (Công vụ 4,32).
Một
Con Người đã thể hiện vinh quang của Chúa Cha. Một Ngôi Vị đã tự nguyện từ bỏ
và vâng phục của Chúa Con, mối giây tình yêu liên kết sự hiệp nhất của Chúa Thánh
thần.
Pedro Arrupe, s.j.
Ngày 28 tháng 9
THÁNH VENCESLA TỬ ĐẠO
THÁNH LÔRENSÔ RUY VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
THÁNH VENCESLA TỬ ĐẠO
(+ 929)
Nếu trên dòng lịch sử xứ Bohemia
luôn hãnh diện là trung tâm văn hóa kỳ cựu của lục địa Âu châu, thì cũng tại
đây, lòng người dân vẫn dâng lên một niềm hân hoan ngưỡng mộ gương mẫu vị thánh
anh hùng Vencesla. Tên thánh nhân đương nhiên thành lời nguyện tắt sốt sắng
thốt ra từ miệng mọi người trong mọi trường hợp.
Thánh nhân chào đời năm 907,
thân sinh ngài là lãnh chúa Vrastislas, bấy giờ cai trị một phần Bohemia dưới quyền của
người anh ruột là tiểu vương Spitignier. Giữ chức chẳng được bao lâu thân phụ
Vencesla ngã bệnh và từ trần năm 920. Và ngài phải sống với bà nội là thánh nữ
Ludmira. Chính bà đã hun đúc cho Vencesla những đức tính của một vị lãnh chúa
lương thiện và mở đạo. Ngoài những buổi cắp sách đến trường, Vencesla còn học
riêng La văn với một linh mục ẩn danh, cũng là cha linh hướng của thánh nữ
Ludmira. Nhờ sự săn sóc chu đáo của gia đình, Vencesla chóng nổi tiếng là một
trang thanh niên văn võ kiêm toàn.
Nhưng đau đớn thay, đang lúc say
mê với sự nghiệp tương lai, người thanh niên số một của xứ Bohemia kia ngoài số phận mồ côi cha, còn
phải chịu một cảnh thương tâm và tàn nhẫn: Bà thân mẫu tên là Drahomira đã phản
đức tin đi theo bè rối. Hơn thế, chính bà, vì nghe quân thù của Giáo hội xúi
xiểm, đã đang tâm giết mẹ chồng là thánh nữ Ludmira. Ai có thể tả được nỗi khổ
tâm của Vencesla lúc này! Dầu vậy, người ta vẫn thấy vị lãnh chúa trẻ tuổi xứ Bohemia hăng hái, tin
tưởng sống theo đức tin. Ngài chỉ muốn một mình Thiên Chúa là chứng nhân độc
nhất của tâm hồn. Phản bội đức tin rồi, bà Drahomira còn chưa lấy thế làm thoả
mãn. Vịn lý do chính trị phải biệt lập với tôn giáo, bà đã vận động với các
lãnh chúa khác bắt Vencesla sống xa các nhà cầm quyền công giáo.
Vì thế, các linh mục chỉ có thể
đến gặp thánh nhân lén lút vào ban đêm. Vencesla phải sống những ngày cô độc về
tinh thần. Nhưng ơn Chúa vẫn đủ cho người công chính giầu thiện chí. Năm 915,
trong một buổi đại hội đủ mặt các lãnh chúa có chân trong bè rối, thánh
Vencesla đã mạnh bạo lên tiếng đòi quyền tự do tín ngưỡng. Ngài nói: “Tôi xin
hỏi các ông, tại sao các ông cấm đoán tôi học hỏi luật thánh và vâng giữ các
giới răn Chúa Kitô truyền dạy? Có phải vì các ông ghét bỏ Thiên Chúa, nên các
ông có quyền cấm người khác mến yêu Người không? Riêng cá nhân tôi, tôi không
thể liên kết với các ông, không bao giờ tôi chấp nhận những ý kiến càn dỡ của
các ông, mà chỉ ước ao phụng sự Thiên Chúa với tất cả tấm lòng yêu mến của
tôi”.
Ngoài ra, Vencesla cũng tuyên bố
bất hợp tác với bà mẹ xấu nết cho tới khi nào bà hối cải trở về với đức tin
công giáo. Thánh nhân còn tổ chức lễ quốc táng cho bà nội một cách trọng thể
tại Bragne. Sau hết, ngài hội các linh mục lại, xin các ngài bình tĩnh trước
thời cuộc và hăng hái bảo vệ cánh đồng Phúc âm khỏi sự tàn phá của bè rối.
Đức tin anh dũng của lãnh chúa
Vencesla còn biểu lộ rõ rệt trong đời sống khổ hạnh. Suốt mùa chay, ngài đi chân
không, chỉ ăn bánh khô với nước lã và mặc áo nhặm có gai nhọn. Người ta nói
thời khóa biểu của ngài chỉ gồm có làm việc và cầu nguyện. Ngài dự lễ và rước
Mình Thánh Chúa mỗi ngày để có thể sống đời sống của một “con chiên giữa đàn
sói rừng là lãnh chúa khác”.
Càng nhiệm nhặt với bản thân,
thánh Vencesla càng quảng đại với tha nhân, ngài chỉ biết lấy tình cha nhân
hiền để đối xử với con dân, lấy lòng từ tốn và đức nhẫn nại cảm hóa họ và đưa
họ về với đức tin. Ngài cương trực với những con người bất chính, nhưng thành
tâm thương giúp lớp người đau yếu và nghèo đói. Vì thế, hình ảnh ngài còn sống
mãi trong tâm trí và ký ức của dân miền Bohemia .
Họ cầm mình sao được mỗi khi thấy vị lãnh chúa ăn mặc đơn sơ, tận tụy trao của
bố thí cho từng người nghèo túng... Trong khi những lãnh chúa kia tung tiền ra
để xây cất những hí trường và rạp hát để lôi dân chúng đến dịp tội nhiều hơn là
mua vui, thì thánh Vencesla lại dành dụm từng đồng dựng lên cho Thiên Chúa
nhiều thánh đường nguy nga làm nơi rung cảm cho những con tim cùng rung theo
một nhịp điệu “Tin Yêu” như ngài.
Tuy nhiên, không phải chỉ mải mê
đến những việc đạo đức mà ngài lãng quên nhiệm vụ của một lãnh chúa là trị quốc
an dân, lo cho dân giàu nước mạnh. Trái lại, thánh Vencesla hằng lưu tâm cách
riêng đến việc hùng hậu hóa dân tộc. Với những đoàn quân binh tinh nhuệ anh
dũng. Từ nhỏ, ngài vẫn tỏ ra là một người có tài binh đao, nên mỗi khi có quốc
biến, chính ngài thân chinh điều khiển quân lực. Cho đến ngày nay, người dân
xưa Bohemia còn chuyền miệng nhau câu truyện lý thú sau đây, chứng tỏ lòng bác
ái và đời sống thánh thiện của vị lãnh chúa: Trong một trận kịch chiến, người
ta thấy trên trán thánh nhân nổi lên một thánh giá, rồi như bị quật ngã bởi sức
siêu nhiên, võ quan chỉ huy đoàn quân đối phương quẳng gươm đến phủ phục dưới
chân thánh nhân xin hàng vô điều kiện. Với lòng độ lượng, khoan dung bác ái,
lãnh chúa Vencesla cúi xuống nâng vị võ quan dậy rước về hoàng cung, và sau đấy
trả lại tự do cho ông. Một mặt ngài cương quyết bảo vệ đất nước với bất cứ giá
nào, nhưng mặt khác ngài lại khôn ngoan dè dặt tránh cho dân những cuộc đổ máu.
Vì thế năm 929, khi quân Đức kéo đến xâm lăng lãnh thổ, biết thế yếu không
chống nổi, ngài đã ôn hòa nhượng bộ và xin triều cống hằng năm.
Nhưng thói thường “Đức khôn
ngoan của người công chính” khác nào cái gai nhọn chọc vào mắt những kẻ bất
lương khiến họ bực tức căm thù. Câu truyện sau đây chứng tỏ điều đó. Quận công
Boleslas, em họ của lãnh chúa Vencesla, nổi tiếng háo danh, đã phát khùng vì
cách xử ôn hòa của thánh nhân. Ông ghép cho ngài tội phản quốc, và nhất định
tìm cách sát hại. Vậy nhân ngày lễ kính hai thánh tử đạo Côximô và Đamianô,
lãnh chúa được mời tới dự tiệc trà tại tư dinh quận công Boleslas. Bắt đầu
tiệc, Vencesla nâng chén chúc mừng quận công và khách dự tiệc: “Nhân danh Tổng
lãnh Thiên Thần Micae, xin Người đổ tràn tâm hồn chúng ta sự bình an và hoan hỷ
muôn đời”. Tất cả khách dự tiệc đều hân hoan thưa “Amen”, trừ một mình quận
công Boleslas. Ông cho đó là phạm thượng. Hôm sau, khi lãnh chúa Vencesla vào nhà
thờ cầu nguyện thì thấy quận công Boleslas đã cầm gươm chờ sẵn trước cửa.
Với lòng ngay thật, lãnh chúa
chúc mừng: “Chớ gì Chúa Kitô cho ngài được dự yến tiệc vĩnh cửu của Người”.
Boleslas nóng mặt trả lời: “Hôm qua tôi đã hết sức tiếp đãi ngài và bây giờ tôi
đến để xin sự sống của ngài”. Nói rồi ông tuốt gươm toan chém đầu lãnh chúa
Vencesla. Nhưng lãnh chúa đã nhanh tay đỡ lấy gươm và từ tốn hỏi: “Ô! Sao? Em
mưu toan làm điều ác ư?”. Không trả lời, Boleslas đưa gươm chém lãnh chúa rồi
tẩu thoát! Sau nửa giờ ngã qụy trên vũng máu, thánh Vencesla đã tắt thở êm ái.
Hôm ấy là ngày 28 tháng 9 năm 929.
Cái chết anh hùng của lãnh chúa
Vencesla làm náo động cả xứ Bohemia .
Càng bất mãn vì hành động mù quáng của quận công Boleslas, người ta càng ca
ngợi lòng trung trực của thánh Vencesla. Chính Thiên Chúa cũng làm nhiều phép
lạ để tán thưởng lòng trong sạch của thánh nhân. Ngay khi vừa mới tắt thở, xác
thánh nhân đã chiếu ra nhiều ánh quang mang hương thơm đến cho mọi người. Trong
số những người đến viếng có hơn mười người bệnh được chữa khỏi nhờ công nghiệp
thánh Vencesla. Xác thánh nhân được mai táng rất trọng thể tại nhà thờ hai
thánh Côximô và Đamianô ngày 4.3.932, sau lại được cải về nhà nguyện thánh Guy.
Dân chúng rất mến tiếc ngài và
đã coi ngài như một vị tử đạo. Nhiều văn sĩ đã viết những bài ca tụng đời sống
thánh thiện, tài cai trị, yêu nước và chí anh hùng của ngài. Thế nên thánh nhân
nghiễm nhiên được suy tôn là vị thánh anh hùng của dân tộc. Nhiều nhà thờ được
dựng lên dâng kính thánh nhân. Cũng từ đó, triều thiên các vua xứ Bohemia được gọi bằng
một tên riêng là: “Triều thiên thánh lãnh chúa Vencesla”.
Dựa vào những phép lạ Chúa đã
làm và lòng sùng kính của giáo dân với lãnh chúa Vencesla, năm 976, Giáo hội đã
chính thức phong ngài lên bậc hiển thánh và định lễ vào ngày 28 tháng 9 hằng
năm.
Trong ngày đó, giáo dân xứ
Bohemia cùng dâng lên một lời ca sáng tác từ thế kỷ XIII: “Lạy thánh Vencesla,
vị lãnh chúa anh minh xứ Bohemia, xin cầu cho chúng con trước toà Chúa, xin cầu
cho chúng con. Người là vị thừa kế đất Bohemia ,
xin hãy nhớ tới dòng dõi người và đừng để chúng con và con cái chúng con phải
lầm than tiêu diệt! Xin cầu cho chúng con. Lạy thánh Vencesla, chúng con xin
người hô vực chúng con khi nghèo khổ, yên ủi chúng con khi sầu muộn và hộ vực
chúng con khi bị gian nan cực khốn! Xin cầu cho chúng con. Nước trời là lâu đài
tuyệt mỹ, chớ gì chúng con cũng được lên hưởng với Người trong nơi vĩnh cửu
chan hòa ánh sáng của Chúa Thánh Linh. Xin cầu cho chúng con. Amen”.
* THÁNH LÔRENSÔ RUY
THÁNH ĐAMINH IBANHÊ ÊQUIXIA
THÁNH GIACÔBÊ KIUXÊI TÔMÔNAGA VÀ
CÁC BẠN TỬ ĐẠO
Đoàn tử đạo 16 vị này thuộc các
năm 1633, 1634, 1637; tất cả đều đã góp phần vào việc xây dựng Hội thánh ở
Nagasaki, với đủ thứ tác vụ có hoặc không có chức thánh, lại cũng đã chịu chết
ở đây rất dữ tợn, bị kẹp cổ trên cây giá hay bị chôn sống, xác bị thiêu đốt,
hài cốt liệng tứ tung...
Các vị tử đạo này gồm chín người
Nhật, bốn người Tây Ban Nha, trong số này có cha Đaminh Ibanhê Êquixia, người
được phúc tử đạo đầu tiên (14.8.1633), một người Pháp và một người Ý. Sau hết
là Lôrensô Ruy quê tại Manila, một giáo dân có gia đình, vị tử đạo tiên khởi
của Hội thánh Philippin (29.9.1637). Mười ba vị thuộc gia đình Đaminh, ba vị
khác có liên hệ với Dòng.
Đức Gioan Phaolô II đã long
trọng suy tôn các ngài lên bậc hiển thánh ngày 18.10.1987.
* Trích thư thánh Đaminh Ibanhê
Êquixia, linh mục tử đạo gửi từ Nhật bản về cho cụ thân sinh ngày 18.10.1630.
“Tháng 5 vừa qua, người ta đã
bắt được một trợ sĩ dòng Phanxicô. Như vậy tới nay, năm tu sĩ đã bị bắt cùng
với đông đảo dân chúng, tất cả chừng 400 người đã được phúc tử đạo. Tháng trước
nữa, nhiều người bị thiêu sinh, và chừng 30 người bị xẻ thân mình bằng những
thanh nứa.
Những hình khổ người ta dùng để
ép buộc bỏ đạo thật dã man: có người bị dội nước sôi lên đầu từ từ, bồi thêm
diêm sinh, nhựa thông, dầu, hoặc các chất khác để nạn nhân thêm đau khổ. Có
người bị đóng đinh vào thập giá, người khác bị dìm xuống sông nước lạnh cho
chết rét, người khác bị chôn đứng nửa người, rồi người ta lấy cưa tre xẻ thân mình,
cuộc hành hình kéo dài trong bảy tám ngày. Cho tới nay các tu sĩ chỉ bị thiêu
sống: người ta để những đống củi cháy vây quanh làm cho nạn nhân không bị lửa
đốt cháy, nhưng chết ngạt từ từ.
Hiện con có nguy cơ rất lớn bị
bắt; con linh cảm đây là lá thư cuối cùng đời con. Thưa cha rất yêu mến của
con, chúng ta phải sống sao để sẽ được gặp nhau vĩnh viễn trên trời, chẳng còn
sợ phải xa cách nhau”.
Thứ Sáu 28-9
Thánh Wenceslaus
(907? - 929)
N
|
ếu các thánh được mô tả một cách sai lầm là những người
"thuộc thế giới bên kia," thì cuộc đời Thánh Wenceslaus là một minh
chứng cho sự khác biệt đó: Ngài bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa những mưu
đồ chính trị mà đó là đặc điểm của Bohemia
vào thế kỷ thứ 10.
Ngài sinh năm 907 gần Prague , con
của Công Tước Bohemia .
Bà nội thánh thiện của ngài là bà Ludmilla, đã nuôi nấng và dạy dỗ ngài với hy
vọng là ngài sẽ cầm quyền ở Bohemia
thay cho mẹ của Wenceslaus, là người ưa thích các bè phái chống đối Kitô Giáo.
Hiển nhiên là bà nội Ludmilla bị giết, nhưng các lực lượng Kitô Giáo mạnh thế
đã chiến thắng, và Wenceslaus đã nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong chính phủ.
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn
kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Ðức, nhưng
chính vì thế ngài đã gặp khó khăn với những người chống-Kitô Giáo. Em của ngài
là Boleslav đã nhúng tay vào một âm mưu, và trong tháng Chín 929, ông mời
Wenceslaus đến Alt Bunglou để dự lễ các Thánh Cosmas và Damian. Trên đường đi
dự lễ, Boleslav đã tấn công chính anh mình, và trong cuộc ẩu đả, Wenceslaus đã
bị giết bởi bộ hạ của Boleslav.
Mặc dù cái chết của ngài là hậu quả chính yếu của biến động chính
trị, Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin, và mộ của
người trở nên trung tâm hành hương. Thánh nhân được xưng tụng là quan thầy của
người Bohemia
và người Tiệp Khắc trước kia.
Lời Bàn
"Vua Wenceslaus Nhân Từ" đã cụ thể hóa Kitô Giáo
trong một thế giới đầy xáo trộn chính trị. Trong khi chúng ta thường là nạn
nhân của một loại bạo lực nào đó, chúng ta cũng có thể đồng hóa với sự tranh
đấu của thánh nhân nhằm đem lại sự hài hoà cho xã hội. Mọi Kitô Hữu đều được
mời gọi tham dự vào việc thay đổi xã hội và sinh hoạt chính trị, vì các giá trị
phúc âm rất cần thiết cho thế giới ngày nay.
Lời Trích
"Trong khi công nhận thẩm quyền của các thực thể chính
trị, Kitô Hữu nào tham gia sinh hoạt chính trị phải cố gắng có những quyết định
phù hợp với phúc âm và, trong khuôn khổ của một tập thể chính đáng, phải làm
chứng cho đức tin của mình bởi sự phục vụ hữu hiệu và vô vị lợi" (Ðức
Giáo Hoàng Phao-lô VI, Lời Mời
Gọi Hành Ðộng, 46)
Bài đọc 2
Ngày 28 tháng 9: Thánh Ven-xét-lao, tử đạo
Thánh nhân sinh quãng năm 907 tại
Bô-hê-mi (Tiệp). Khoảng năm 925, người được phong công tước. Giữa triều đình,
giữa xa hoa, người vẫn giữ nếp sống thật khắc khổ và rất yêu thương người
nghèo. Người bị người em ám sát lúc chưa đầy ba mươi tuổi (935). Người sớm được
kể vào số các vị tử đạo và là bổn mạng chính của dân Bô-hê-mi.
Vua nào xét xử công mình cho người nghèo
thì ngai vàng muôn đời bền vững
Trích truyện cổ tích trong giai đoạn đầu
của dân Xi-la-vô-ni-a xưa.
Khi phụ vương là Vơ-ra-tít-lao băng hà,
dân Bô-hê-mi tôn thái tử Ven-xét-lao lên làm vua. Nhờ ơn Chúa, vua sống đức tin
một cách hoàn hảo. Quả thật, vua làm phúc cho mọi người nghèo, cho kẻ mình trần
áo mặc, cho kẻ đói khát có của ăn thức uống, tiếp đón khách lữ hành theo lời
Tin Mừng dạy. Người không chịu để cho các bà goá chịu thiệt thòi. Người yêu
thương hết mọi người, nghèo cũng như giàu, phục vụ những ai lo việc thờ phượng
Chúa và chỉnh trang nhiều nhà thờ.
Nhưng một số lãnh chúa Bô-hê-mi bất mãn
đến nói với Bô-lét-lao, bào đệ của vua rằng : “Vua Ven-xét-lao, bào huynh của
ngài, cùng với thái hậu và các lãnh chúa theo vua đang âm mưu giết ngài.”
Vua Ven-xét-lao có thói quen đi thăm tất
cả các thành phố trong những dịp lễ cung hiến đền thờ, tại những thành phố đó.
Một ngày Chúa nhật kia, nhằm lễ thánh Cót-ma và Đa-mi-a-nô, vua vào thành phố
do bào đệ Bô-lét-lao cai quản. Lễ xong, vua muốn quay về Pơ-ra-ha. Nhưng với dã
tâm phạm tội ác, Bô-lét-lao giữ vua lại mà rằng : “Bào huynh ơi, sao lại bỏ về
?” Sáng hôm sau, người ta kéo chuông nguyện kinh sáng. Vừa nghe tiếng chuông,
vua liền nói : “Lạy Chúa, ngợi khen Chúa đã cho con sống đến sáng hôm nay.” Rồi
vua đứng lên đi dự kinh sáng.
Lập tức, Bô-lét-lao đón vua ở cửa. Vua
Ven-xét-lao nhìn ông và nói : “Bào đệ ơi, hôm qua bào đệ tiếp đón chúng tôi
thật chu đáo !” Nhưng ma quỷ rỉ tai Bô-lét-lao, làm cho lòng dạ ông ra xấu xa.
Ông tuốt gươm và nói : “Bây giờ đệ muốn chu đáo hơn nữa !” Nói xong ông chém
vào đầu vua.
Vua Ven-xét-lao quay lại và nói với ông : “Bào đệ tính làm gì thế ?” Rồi vua túm lấy ông quật ngã xuống đất. Nhưng một cận thần của Bô-lét-lao chạy đến chém vào tay vua Ven-xét-lao. Bị thương ở tay, vua buông người em ra và chạy trốn vào nhà thờ. Nhưng vừa tới cửa, vua bị hai tên gian ác giết tại đó. Một tên khác chạy tới, lấy gươm đâm vào cạnh sườn vua. Vua Ven-xét-lao trút linh hồn ngay lúc đó, miệng thốt lên : “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.”
Vua Ven-xét-lao quay lại và nói với ông : “Bào đệ tính làm gì thế ?” Rồi vua túm lấy ông quật ngã xuống đất. Nhưng một cận thần của Bô-lét-lao chạy đến chém vào tay vua Ven-xét-lao. Bị thương ở tay, vua buông người em ra và chạy trốn vào nhà thờ. Nhưng vừa tới cửa, vua bị hai tên gian ác giết tại đó. Một tên khác chạy tới, lấy gươm đâm vào cạnh sườn vua. Vua Ven-xét-lao trút linh hồn ngay lúc đó, miệng thốt lên : “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.”
Lời
nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh tử đạo Ven-xét-lao biết can đảm lựa chọn : thà làm dân Nước Trời hơn làm vua trần thế. Vì lời chuyển cầu của thánh nhân, xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình mà hết lòng gắn bó cùng Chúa. Chúng con cầu xin..
Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh tử đạo Ven-xét-lao biết can đảm lựa chọn : thà làm dân Nước Trời hơn làm vua trần thế. Vì lời chuyển cầu của thánh nhân, xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình mà hết lòng gắn bó cùng Chúa. Chúng con cầu xin..
(trích bài đọc giờ Kinh Sách lễ thánh
Ven-xét-lao-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét