Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

PHONG CÁCH VATICAN II


Phong cách Vatican II
Vũ Văn An

Ngày 11 tháng 10 năm nay sẽ đánh dấu 50 năm việc khai mạc Công Đồng Vatican II của Giáo Hội Công Giáo dưới triều Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII. Năm mươi năm, nửa thế kỷ, quả là khoảng thời gian tương đối dài, đủ để nhiều người không biết đến nó, và đủ để những người biết nó cũng chỉ duy trì được một hoài niệm mơ hồ, thậm chí, lẫn lộn về thành quả của nó, trước thật nhiều lối giải thích khác nhau. 

Ba lối giải thích Vatican II

Đối với linh mục John W. O’Malley, S.J., một giáo sư sử học, có đến 3 lối giải thích lớn đối với Vatican II. Lối thứ nhất coi Công Đồng như một sai lạc. Chúa Thánh Thần hình như thiếp ngủ, ít nhất cũng trong một phần nào đó của Công Đồng. Những người ôn hòa hơn trong khuynh hướng này thì tìm cách quên Công Đồng này đi, coi nó như chưa bao giờ xẩy ra. Lối thứ hai dường như là lối đông đảo nhất hiện nay và được mô tả như là bán chính thức. Theo lối này, Công Đồng đem lại các thích ứng trong cách thế ta phát biểu một số giáo huấn cũng như đem lại một số thay đổi khác, nhất là trong lãnh vực phụng vụ, nhưng không tạo ra bất cứ một gián đọan đáng kể nào đối với quá khứ, nhất là trong cách thế ta tiến hành công việc (do business) đến nỗi hiện nay, cũng như trước Công Đồng, ta vẫn tiến hành công việc như thường lệ. Đã đành là trong cái náo nức buổi đầu, đã có những sai lạc, và các sai lạc ấy vẫn đang cần được điều chỉnh. Và không thiếu những người theo lối giải thích thứ ba, cho rằng Vatican II quả có đưa ra nhiều biện pháp có ý nghĩa trong việc gián đoạn với quá khứ. Và họ cho rằng điều này không có chi đáng sợ cả. Bởi vì, các gián đoạn triệt để nhất trong lịch sử vẫn có thể diễn ra trong cái dòng chẩy mạnh mẽ hơn của liên tục. Nước Pháp, chẳng hạn, vẫn là Nước Pháp sau cuộc Cách Mạng Pháp. Và ngay trong lịch sử Giáo Hội, một sự liên tục sâu sắc hơn luôn đánh mốc cho mọi thay đổi vĩ đại. Vì thay đổi vốn là một phần của phận người nên nó không thể phản Công Giáo được. Đàng khác, thay đổi không nhất thiết đem theo việc mất mát bản sắc. Ngược lại, đôi khi nó còn cần thiết để ta bảo đảm bản sắc, nhất là bản sắc của sinh vật. 

Linh mục O’Malley không dấu diếm việc ngài theo lối giải thích thứ ba. Ngài bảo nếu không, chẳng hóa ra công trình vĩ đại của Vatican II mất hết ý nghĩa sao? Theo ngài, công trình này vĩ đại thật, chỉ cần nhìn số trang trong các văn kiện của nó cũng đủ thấy: gần 1,000 trang theo lối dịch Anh Ngữ, dài gần gấp đôi các văn kiện của Công Đồng Trent; và nếu cộng các văn kiện của hai công đồng này lại, thì số trang của chúng vượt hết 19 công đồng còn lại của lịch sử Giáo Hội. Nếu gần 1,000 trang văn kiện đó chỉ bàn đến chuyện “làm việc như thường lệ” thì bao nhiêu nghị lực tâm lý suốt trong bốn năm trời kia hóa ra chỉ để đạt tới một bài giảng rườm rà hay sao? 

Chắc chắn không phải thế, vì ngay sau khi Vatican II kết thúc, các vị trực tiếp tham dự từng xưng tụng nó đã kết thúc thời đại Constantinô và Phong Trào Phản Cải Cách; có vị còn gọi đó là Lễ Hiện Xuống mới nữa. Ngày nay, ai cũng biết những lời xưng tụng ấy có hơi cường điệu. Nhưng rõ ràng hai lời xưng tụng đầu đã được biện minh phần lớn, cho thấy các vị tham dự Công Đồng quả thấy rõ có một điều gì đó thật sâu sắc đã xẩy ra. 


Điều gì đã xẩy ra?

Khá nhiều điều mới mẻ đã xẩy ra tại Vatican II, mà thực tế đã giúp người Công Giáo thực sự thoát được các thực hành trước đó. Ngày nay, họ có thể cầu nguyện với người hàng xóm Thệ Phản hoặc dự đám cưới, đám tang trong các nhà thờ Thệ Phản, những thực hành hoàn toàn bị ngăn cấm trước thời Công Đồng. Trong hơn hai thập niên qua, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI liên tiếp gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu tại Assisi và cầu nguyện với họ tại đó. Trước Vatican II, điều đó không được ai nghĩ tới, quả là điển hình của việc kết liễu thời đại phản Cải Cách. 

Trước đây, trong nền thần học Công Giáo, khó có thể nghĩ tới việc không đặt thành lý tưởng việc thiết lập Đạo Công Giáo làm tôn giáo chính thức tại mọi quốc gia, kể cả Hiệp Chúng Quốc. Sắc Lệnh về Tự Do Tôn Giáo của Vatican II đã thay đổi hẳn não trạng ấy, và khi làm thế, nó đã kết thúc thời đại Constantinô rồi vậy. Tại Công Đồng, các đấu tranh nhân hai sắc lệnh về đại kết và tự do tôn giáo đã diễn ra hết sức sôi động; và đối với những vị chống đối chúng, thì đây gần như là các vấn đề sống chết. Còn đối với những vị ủng hộ chúng, thì đây là những thay đổi quan yếu đến độ không thể khoan nhượng được. Và quả các vị này có lý, đây là những thay đổi lớn lao, dù cách dùng từ của các văn kiện này ít cho người ta thấy các vị muốn chuyển dịch Giáo Hội đi theo con đường mới hẳn. 

Nhưng đấy chỉ là những điểm đặc thù, liệu có chăng một thay đổi bao quát hơn, thậm chí căn bản hơn, một thay đổi ảnh hưởng tới mọi văn kiện của Công Đồng? Linh mục O’Malley tin rằng có. Muốn tìm ra nó, ta phải đặt một loại câu hỏi khác. Không phải loại câu hỏi “điều gì”: Công Đồng dạy Giáo Hội phải là gì? Mà phải là loại câu hỏi “thế nào”: nó dạy Giáo Hội phải nên như thế nào? 

Thay đổi phong cách

Vatican II, xét trong căn bản, là nói về Giáo Hội. Đó là tâm điểm sức hút của nó. Quả nó có đặt câu hỏi: Giáo Hội là gì? Đối với câu hỏi này, Vatican II đã đưa ra các câu trả lời truyền thống, dù không phải là các câu trả lời của thế kỷ 19 coi Giáo Hội như “xã hội hoàn hảo” hay “xã hội chủ yếu thuộc tín lý”. Công Đồng đặc biệt nhấn mạnh tới việc coi Giáo Hội là “Dân Thiên Chúa”. Đây là một nhấn mạnh “mới”, nhưng thực sự không mới mẻ gì vì cho tới thời Cải Cách, định nghĩa tiêu chuẩn về giáo hội trong các sách giáo lý vẫn là “cộng đoàn tín hữu Kitô được Chúa cai quản và dẫn dắt”, nội dung xét ra như nhau: giáo hội là các Kitô hữu hợp thành ra nó, bất chấp vị thứ của họ trong giáo hội. Tuy nhiên, biểu thức trên cho thấy đặc tính chiều ngang của việc nhấn mạnh. Đặc tính này chắc chắn đã dẫn Công Đồng tới một câu hỏi sâu sắc hơn: “Giáo Hội phải nên như thế nào” nghĩa là Giáo Hội nên sử dụng loại thủ tục nào; Giáo Hội nên cổ vũ loại liên hệ nào giữa các thành viên của mình; như một định chế, phong cách (style) của Giáo Hội phải ra sao?

Phong cách? Điều ấy có quan trọng không? Linh mục O’Malley cho rằng có. Phong cách của Hiệp Chúng Quốc là dân chủ. Không có phong cách ấy, là không có Hiệp Chúng Quốc. Điều làm Michelangelo trở thành danh họa không phải là điều ông vẽ mà là cách ông vẽ, phong cách ông vẽ. Phong cách của tôi diễn tả về tôi hay hơn là bản chất của tôi. Tôi là gì, là người đàn ông, Công Giáo, tị nạn Việt Nam, cũng quan trọng đấy, nhưng phong cách mới nói lên cá tính sâu thẳm nhất của tôi. Người ta vốn nói “văn (phong) làm sao, người là vậy”: phong cách làm tôi trở nên người như tôi hiện nay. Tôi là loại người nào? Loại người nhã nhặn ý tứ hay loại người ma quái hợm hĩnh? Đó là câu hỏi về phong cách. Được yêu mến hay không chính là do cái “thế nào” này của tôi. Được lên trời hay không, cũng là do cái “thế nào” này của tôi mà thôi. 

Vậy thì phong cách của Giáo Hội là thế nào? Câu hỏi nổi bật trong tâm trí con người thời nay không phải là “Giáo Hội là gì?” mà là ta muốn Giáo Hội phải như thế nào, thực sự Giáo Hội phải được giả thiết ra sao. Ta muốn Giáo Hội ra sao trong các thủ tục của mình và trong hy vọng, sợ sệt và yêu thương của mọi chi thể? Đây là câu hỏi lớn mà Vatican II đã đặt ra và đã đưa ra câu trả lời. Vatican II đã trả lời bằng một ngôn từ chuyên biệt nhằm phản ảnh và minh nhiên hóa phong cách tiềm ẩn của mình. 

Điều gì làm cho các văn kiện của Vatican II ra độc đáo trong lịch sử các công đồng của Giáo Hội? Chính là phong cách, là văn phong của chúng. Điều này thực ra có ý nghĩa gì không, có đáng để ta bình phẩm hay không? Ai trong chúng ta cũng biết rằng một thay đổi đáng kể như thế trong ngôn từ, một lối “chơi” chữ mới mẻ như thế, có thể nói như vậy, hẳn phải nói lên một thay đổi sâu sắc trong ý thức và nhân cách, chứ không thể chỉ coi đó là một thay đổi trong bút pháp. Đàng khác, ta cũng biết rằng nội dung và cách diễn đạt luôn quấn chặt lấy nhau, không thể có ý tưởng nếu không có diễn tả, mà diễn tả là văn phong, là phong cách vậy. Tóm lại, xử lý văn phong là xử lý nội dung. 

Văn phong, không một khía cạnh nào khác của Vatican II làm nó ra khác một cách đầy ấn tượng đối với mọi công đồng trước đó và do đó cho thấy một gián đoạn nào đó đối với lề lối “làm việc như thường lệ”. Không một khía cạnh nào khác cho ta thấy rõ: một lối giải thích mới cần được đưa ra nếu ta muốn hiểu nó. Một cách đầy ấn tượng, Công Đồng đã hủy bỏ phần lớn ngôn từ cộc lốc, kỹ thuật, luật lệ và đầy đe dọa của các công đồng trước. Phải tin điều này, nếu không! Phải hành xử như thế, nếu không! Không như các công đồng trước, Vatican II không kèm theo bất cứ hình phạt nào đối với việc không thi hành các chỉ thị của nó, và ta cũng không thể đọc nó như một khảo luận về tội phạm và hình phạt như nhiều công đồng trước đó. 

Văn phong của Công Đồng có tính mời gọi. Điều mới của Công Đồng là đã khéo léo mô phỏng văn phong của các giáo phụ trong các bài giảng, khảo luận và bình luận của các ngài trước thời Kinh Viện ở thế kỷ 13. Văn phong Kinh Viện chủ yếu dựa trên khoa biện chứng, tức nghệ thuật tranh biện, nhằm chứng minh điều sai của địch thủ. Trái lại văn phong giáo phụ, làm nền cho Công Đồng, phần lớn đặt căn bản trên khoa tu từ học, tức nghệ thuật thuyết phục, tìm ra cơ sở chung. Đây là một nghệ thuật nhằm giúp cho các bên trước đây bất đồng nhau chịu cùng hành động vì một chính nghĩa chung. Văn phong có tính mời gọi ở điểm nó tìm cách động viên và mời gọi người ta quay về. Văn phong này tìm cách được người ta gắn bó với giáo huấn của mình, chứ không áp đặt giáo huấn này. 

Trên đây là những nét khái quát về văn phong, phong cách nói chung của Vatican II. Sau đây xin xem qua một số ngữ vựng đặc thù. Hạn từ đối thoại xuất hiện thường xuyên trong các văn kiện của Công Đồng. Sau Công Đồng, nó đã được sử dụng bừa bãi làm thuốc bá bệnh chữa đủ các vấn đề khó nghe. Nhưng điều ấy, đối với chúng ta, vẫn không che khuất các hệ luận sâu sắc của nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, các văn kiện chính thức của Giáo Hội cổ vũ việc kính cẩn lắng nghe, coi nó như một phương cách ưu tuyển để tiến hành công việc, như một cách tiếp cận mới của Giáo Hội, hay như một phong cách mới của Giáo Hội. “Tự do ngôn luận” là một giá trị của thế giới hiện đại, tuy bị nhiều lạm dụng như ta đã thấy, nhưng đã đặt căn bản trên lòng kính trọng lương tâm và giá trị của các xác tín cá nhân. Đối thoại cố gắng đem Giáo Hội vào thứ tự do đó. 

Một hạn từ có liên hệ định chế với đối thoại là tính hiệp đoàn (collegiality). Hiệp đoàn và tình đồng nghiệp. Từ ngữ này lấy trong gia tài thần học và giáo luật đáng kính mà từ thế kỷ 16 vốn đã bị lãng quên. Nó hàm nghĩa sự cộng tác giữa các giám mục và các linh mục của các ngài, giữa các giám mục với đức giáo hoàng, hợp tác chứ không chỉ tham khảo. Nó cho thấy một gián đoạn đối với phong cách xử sự lâu đời và vốn thịnh hành lúc đó trong Giáo Hội. Mặc dù các văn kiện của Vatican II, tự chúng, cho thấy rất ít chứng cớ về nó, nhưng do các nguồn khác, ta biết sự thay đổi trong phong cách điều hành của Tòa Thánh, nhất là trong các xử sự của Tòa Thánh với các giám mục, là điều các nghị phụ hết lòng mong ước. 

Phong cách cần thay đổi kia là gì và do đâu phát khởi? Ta biết rằng trong thế kỷ 19, Giáo Hội Công Giáo đã phản ứng kịch liệt chống lại một số khía cạnh của Phong Trào Ánh Sáng, một phong trào được phát biểu rõ ràng nhất trong khẩu hiệu đấu tranh của Cách Mạng Pháp: “Tự Do, Bình Đẳng, và Tình Huynh Đệ”. Khẩu hiệu này đã lật đổ trật tự cũ ở Châu Âu. Cùng với sự sụp đổ của các nền quân chủ, người phối ngẫu của các nền quân chủ này là Giáo Hội cũng cùng chung một số phận. Các tu viện bị cướp phá, các nhà thờ bị phạm thượng, các linh mục và nữ tu bị lên đoạn đầu đài; máu chẩy đầy đường phố. Chủ nghĩa vô thượng đế dường như đã toàn thắng. 

Nếu “Tự Do, Bình Đẳng, và Tình Huynh Đệ” đã lật đổ trật tự xã hội do Thiên Chúa sắp đặt thì cách mạng và các nền triết lý làm nền cho nó phải chịu trách nhiệm. Chống lại chúng, Giáo Hội chỉ có thể có một chủ trương không khoan nhượng. Tự do - bình đẳng – tình huynh đệ trở thành đồng nghĩa với “hiện đại tính” và do đó, chính hiện đại tính cũng phải mặc lấy một câu định nghĩa có tính ý thức hệ. Và khi làm như thế, Giáo Hội, nhất là trong con người của Đức Piô X, đã bác bỏ hiện đại tính một cách rốt ráo chưa từng có. Cơn lốc dân chủ càng lan tràn, ngôi vị giáo hoàng càng bắt đầu vận hành một cách toàn quyền hơn nữa, dù là với chính các vị giám mục. Dưới thời Đức Piô X ở đầu thế kỷ 20, Thánh Văn Phòng Điều Tra (Inquisition) bắt đầu hành xử một cách hăng say như chưa bao giờ có kể từ lúc nó được thiết lập vào thế kỷ 16, bằng cách ra vạ tuyệt thông và ngăn cấm việc thảo luận các vấn để chủ yếu. Tự do báo chí là một sự xấu xa khác của thời hiện đại cần phải bác bỏ và kháng cự lại. 

Các ngôi vị giáo hoàng lúc ấy đều nhấn mạnh tới những nét toàn trị trong truyền thống Công Giáo, đặt Giáo Hội chống lại và lên trên hầu hết mọi người và mọi ý tưởng ở bên ngoài mình. Đã đành, các Đức Bênêđíctô XV, Piô XI và Piô XII đã làm dịu nhiều ý niệm và chính sách, song các yếu tố căn bản trong phong cách thì vẫn như cũ cho tới tận những ngày cận kề Vatican II. 

Phong cách trên đã làm ngơ hay thu nhỏ một cách thảm hại các truyền thống hàng ngang của Đạo Công Giáo từng khiến cho Giáo Hội thời giáo phụ và trung cổ trở thành thực tại sinh động và đầy sáng tạo. Việc kính trọng lương tâm, một việc vốn bắt rễ sâu và một cách tuyệt diệu trong truyền thống Công Giáo, đã bị cho ra rìa một cách tồi tệ vào đúng lúc nó được nhấn mạnh bởi các nhà tư tưởng thế tục và Thệ Phản của thế kỷ 19 và 20.

Vatican II muốn thực hiện một sự thay đổi trong phong cách khép kín, ốc đảo, bí nhiệm, kết án và toàn trị đó. Nếu Vatican II “kết liễu thời Phản Cải Cách”, thì nó cũng nhằm “kết liễu thế kỷ 19”, cái thế kỷ dài đằng đẵng kéo dài tới tận đầu thế kỷ 20. Công Đồng không muốn thay đổi Giáo Hội thành một nền dân chủ vì việc nó khẳng định uy quyền của đức giáo hoàng đã chứng tỏ điều đó. Nhưng quả nó muốn xác định lại việc vận hành của uy quyền đó, ít nhất cũng trong phạm vi kính trọng lương tâm nhằm biến các chi thể của Giáo Hội từ “bầy tôi” thành những người dự phần. Đây chỉ là việc lặp lại nguyên tắc cổ xưa của giáo luật quod omnes tangit ab omnibus approbetur(điều có liên quan đến mọi người phải được mọi người chấp thuận). Vatican II không muốn Giáo Hội từ bỏ vai trò ưu tuyển làm thầy dạy Tin Mừng của mình, nhưng nó nhấn mạnh rằng giống mọi thầy dạy tốt lành khác, Giáo Hội cần học hỏi khi giảng dậy. 


Lời mời gọi của Vatican II

Vậy thì Vatican II đã mời gọi Giáo Hội và mỗi người chúng ta điều gì? Phong cách mới trên đây là phong cách gì? Thiển nghĩ có năm điểm chủ yếu sau đây. Thứ nhất, Công Đồng mời gọi Giáo Hội từ bỏ phong cách xử sự gần như hoàn toàn theo đưởng thẳng từ trên đi xuống để mặc lấy phong cách biết chú trọng nhiều hơn tới các truyền thống hàng ngang vốn có trong Đạo Công Giáo. Lời mời gọi này thấy rất rõ trong lối sử dụng thường xuyên các từ ngữ chỉ hàng ngang như “hợp tác”, “hùn hạp” (partnership) và “cộng tác”, khá mới mẻ trong các văn kiện giáo hội. Phong cách mới nhận được các biểu thức hết sức mạnh mẽ trong từ ngữ “hiệp đoàn tính”. Đây là sự hùn hạp và hợp tác giữa đức giáo hoàng và các giám mục, giữa các giám mục và các linh mục, giữa các linh mục và giáo dân, giữa các giám mục và giáo dân nữa. Khi liên tục mô tả Giáo Hội như “Dân Thiên Chúa”, ta thấy rõ tương quan nội tại giữa văn phong và nội dung, giữa loại câu hỏi “điều gì” và câu hỏi “thế nào”. 

Thứ hai, Công Đồng mời gọi Giáo Hội hướng tới một phong cách và một não trạng đồng âm với phục vụ hơn là với kiểm soát. Một trong các nét tuyệt vời nhất của Vatican II là việc tái định nghĩa mà nó không ngừng muốn bơm vào các hạn từ “nhà cai trị” và “vua chúa”, đồng nghĩa chúng với “người phục vụ”. Các hệ luận mục vụ thì nhiều vô kể. Phục vụ cách hữu hiệu có nghĩa là phải chú ý tới nhu cầu của những người mình phục vụ, không đem lại cho họ các giải pháp tiền chế. 

Thứ ba, có lẽ không có gì tuyệt diệu hơn trong ngữ vựng của Công Đồng, không có gì làm nó khác với các công đồng trước đó cho bằng các từ ngữ “phát triển”, “tiến bộ” và cả “biến hóa” nữa. Đây là dấu chỉ một gián đoạn đối với cái khung tĩnh tụ mà các công đồng trước vốn dùng để hiểu học thuyết, kỷ luật và phong cách trong Giáo Hội. Vatican II không bao giờ dùng chữ “thay đổi” nhưng chính đó là điều nó muốn nói liên quan tới Giáo Hội. Dĩ nhiên, điều này ám chỉ các thay đổi trong tương lai. Nó gợi ý rằng các dự liệu nó đưa ra có tính cách mở cửa, bỏ ngỏ (open-ended). Giải thích và thực thi ra sao thì giải thích và thực thi, nhưng nhất định không được coi các quyết định của nó như tận cùng, như thể “Công Đồng đã nói thế, không bàn bạc gì thêm”. Phong cách của Vatican II, vì thế, là phong cách mở cửa cho tương lai. 

Thứ tư, Công Đồng thay thế ngôn ngữ loại trừ của truyền thống bằng ngôn ngữ bao hàm. Thay vì kết án và tuyệt thông, ngôn ngữ mới này đầy những hạn từ thân hữu như “anh chị em”, “những người đàn ông và đàn bà có thiện chí”. Về phương diện này, cái bắt tay thân hữu không phải chỉ được trao cho các Kitô hữu khác mà cho mọi con người muốn đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn. 

Thứ năm, Công Đồng chuyển dịch từ một ngữ vựng với nghĩa thụ động chấp nhận qua một ngữ vựng với nghĩa tích cực tham dự và dấn thân. Việc tích cực tham dự của toàn thể cộng đoàn vào Thánh Lễ là mục tiêu căn bản và minh nhiên của cuộc cải cách phụng vụ. Nếu cách thế cầu nguyện của ta là qui phạm cho cách thế tin của ta, thì há nó không là qui phạm cho cách thế xử sự của ta hay sao? Nghĩa là, há nó không là thành phần cấu tạo ra phong cách của ta trong tư cách Giáo Hội hay sao?

Fr.John W.O'Malley, SJ.


Theo John W. O’Malley, S.J., The Style Of Vatican II, Tập San America, số ngày 24 tháng 2, 2003. Linh mục O’Malley là giáo sư lịch sử Giáo Hội tại Trường Thần Học Weston của Dòng Tên tại Cambridge, Mass., và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Fordham. Tác phẩm gần đây nhất của ngài là cuốn Trent and All That: Renaming Catholicism in the Early Modern Era, do Harvard University Press xuất bản năm 2000.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét