Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

11-03-2013 : THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY


THỨ HAI 11/03/2013
Thứ Hai sau Chúa Nhật IV Mùa Chay


 Bài Ðọc I: Is 65, 17-21
"Thiên hạ sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa".

Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Thiên Chúa phán: "Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa, vì người chết trăm tuổi cũng còn gọi là chết trẻ, người không sống đến trăm tuổi, kể là bị chúc dữ. Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho".

Ðó là lời Chúa.

 Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11e-12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. - Ðáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.

 Câu Xướng Trước Phúc Âm: Lc 15, 18

Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.

 Phúc Âm: Ga 4, 43-54
"Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: "Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình". Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.
Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: "Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin". Viên quan chức trình lại Người: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi". Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.
Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: "Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt". Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: "Con ông mạnh rồi", nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm : Chữa Con Vệ Sĩ

Ông giám đốc xưởng kỹ nghệ nơi anh Sorny làm là một người không tin có Thiên Chúa và cũng chẳng tin vào tin thần trách nhiệm của các công nhân trong xưởng. Vào một buổi sáng nọ, hơn 1,000 công nhân trong xưởng được thông báo là ông giám đốc lên đường đi công tác nơi xa, mà sớm lắm thì cũng một tháng sau ông mới trở về được. Nhưng tối đến, ông giám đốc âm thầm trở về xưởng.
Sáng hôm sau, ông đứng trên văn phòng ở lầu hai, quan sát các công nhân làm việc. Bộ mặt thật của mỗi người đều bị lộ. Ai ai cũng lười biếng, làm việc qua loa, câu giờ. Duy chỉ có một anh công nhân lúc nào cũng làm việc tận tụy hăng say. Tên anh là Sorny, người Công giáo duy nhất trong xưởng. Anh Sorny được gọi lên văn phòng, ông giám đốc tươi cười nói với anh: "Anh Sorny! Tôi hết lòng ngợi khen anh. Anh là một công nhân tốt. Tôi không thấy đức tin của anh, nhưng nhìn qua công việc lao động và thái độ sống của anh, tôi cũng hiểu được phần nào về đời sống đạo của anh". Vài tháng sau, các công nhân trong xưởng nghe tin ông giám đốc bắt đầu học giáo lý Công giáo.

Anh chị em thân mến!

Ðức tin sống thật có sức mạnh khơi dậy lòng tin đưa anh chị em trở về nhìn nhận và tôn vinh Thiên Chúa. Trên con đường canh tân của Mùa Chay này, chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống đức tin của mình. Tôi thật sự đang cố gắng để sống đức tin trong hoàn cảnh cụ thể, hay tôi không còn màng chi đến đức tin nữa? Hoặc tôi chỉ còn là một người có tên gọi, có danh hiệu bên ngoài là người Kitô hữu mà thôi. Nếu như vậy thì có thể chúng ta sống thua xa những anh chị em không tin Chúa Kitô. Do đó, chúng ta không còn nhậy cảm trước những thực tại thiêng liêng, không còn mộ mến đối với những giá trị đẹp dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến dấu chỉ kỳ diệu Chúa Giêsu thực hiện cho một quan chức ngoại giáo. Ðó là việc Chúa Giêsu chữa lành con của viên chức này, khiến cho ông và toàn thể gia quyến tin nhận Chúa.
Ðể thử thách lòng tin của người chạy đến với mình, Chúa Giêsu muốn làm nổi bật thái độ sẵn sàng của viên quan chức. Ông mong đợi Chúa Giêsu đáp lại bằng cách đích thân Chúa đến nhà ông để chữa lành người con của ông đang bị đau. Nhưng Chúa Giêsu đã đáp lại bằng cách khác, Ngài chỉ phán một lời: "Ông hãy về đi, con ông đã mạnh khỏe rồi". Liệu chúng ta có sẵn sàng nghe Lời Chúa dạy như viên quan ngoại giáo này không?
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" mời gọi mỗi người chúng ta hãy kiểm điểm lại đức tin của mình như sau:
Xem hành động của con, phản ứng của con, đủ biết đức tin của con sống động hay là một đức tin nhãn hiệu. Hãy có một đức tin sắt đá, con sẽ làm được tất cả. Vì mỗi lần làm phép lạ thì Chúa hỏi: "Con có tin không?"; "Ðức tin của con chữa con được lành". Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống đức tin.

Lạy Chúa, xin hãy đến củng cố đức tin còn non yếu của con. Xin thương giúp con nhìn thấy sự hiện diện và tác động của Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để con được trung thành theo Chúa đến cùng. Amen.
(Veritas Asia)

Thứ Hai Tuần IV MC
 Bài đọc: Isa 65:17-21; Jn 4:43-54.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vào Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.

Có một sự khác biệt to lớn giữa người có và không có niềm tin: Người có niềm tin luôn lạc quan hy vọng, ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, như khi phải sống trong đau khổ, bệnh tật, hay phải đối diện với thần chết. Người không có niềm tin sống mà không biết hướng về đâu. Họ không có nghị lực để đương đầu với đau khổ, bệnh tật, và đứng trước cái chết, họ không dễ dàng chấp nhận. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự khác biệt của những con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc I, tuy sống cực khổ trong nơi lưu đày, tiên-tri Isaiah tin tưởng Chúa sẽ xóa sạch mọi tang thương quá khứ, để sáng tạo một trời mới đất mới. Như Ngài đã xóa sạch tội lỗi nhân lọai trong trận Lụt Hồng Thủy, Ngài sẽ xóa sạch tội lỗi và cho dân hồi hương để tái thiết quốc gia và xây dựng lại Đền Thờ. Hơn nữa, tiên-tri Isaiah cũng nhìn thấy trước ngày Đấng Thiên Sai sẽ tới và gánh tội cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành người con trai của viên sĩ quan Dân Ngọai, không bằng việc đặt tay, nhưng bằng đức tin của người cha. Viên sĩ quan năn nỉ Chúa Giêsu về nhà chữa trị cho con ông, Chúa Giêsu bảo: “Ông về đi, và con ông sống!” Ông tin tưởng trở về; và đang khi còn trên đường, đầy tớ của ông chạy ra báo tin con ông đã khỏi bệnh vào đúng thời gian mà Chúa Giêsu hứa với ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới.

1.1/ Thiên Chúa sẽ sáng tạo mọi sự mới: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo.” Cụm từ “trời mới đất mới” được dùng nhiều trong các Sách Ngọai Thư và Tân Ước (x/c 2 Edr 6:16, 7:30, 2 Bar 32:16, I Enoch 91:16, 2 Cor 5:17, 2 Pet 3:10-13, Rev 21:1). Nghĩa của cụm từ thay đổi: Trong Thư Corintô, Thánh Phaolô muốn nói trong Chúa Kitô, con người trở thành một tạo vật mới, con người cũ cùng với tính hư nết xấu đã qua đi, con người mới cùng với các nhân đức xuất hiện nhờ ân sủng của Đức Kitô. Trong Thư Phêrô II và Sách Khải Huyền, “trời mới đất mới” chỉ những gì sẽ xảy ra sau Ngày Cánh Chung, nơi công lý của Thiên Chúa ngự trị. Theo tiên-tri Isaiah, “trời mới đất mới” chỉ cả hai: những gì mới được tái tạo sau Thời Lưu Đày và những gì mới do Đấng Thiên Sai mang lại.
Jerusalem sẽ trở nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng: Đền Thờ sẽ được tái thiết và dân Chúa sẽ lại có cơ hội thờ phượng Thiên Chúa. Jerusalem cũng là nơi Dân Ngọai sẽ qui tụ về để cùng hợp với dân Do-Thái làm thành dân của Thiên Chúa. Như một người Cha, Thiên Chúa sẽ hoan hỷ vì Jerusalem, khi nhìn thấy con cái Ngài được qui tụ thành một mối.

1.2/ Thiên Chúa sẽ xóa sạch tất cả đau thương của quá khứ: Dân chúng khóc than vì chết chóc trong thời chiến tranh và khổ cực trong Thời Lưu Đày; nhưng Thiên Chúa sẽ xóa sạch tất cả. Ngài hứa với dân 3 điều sau đây:
- Họ sẽ không còn phải chịu đau khổ của kiếp lưu đày;
- Họ sẽ không còn sợ chết vì chiến tranh;
- Họ sẽ được hưởng cuộc sống an tòan: “Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái.”

2/ Phúc Âm: "Ông cứ về đi, con ông sống."

Khỏang cách từ Capernaum tới Cana khỏang 20 dặm, một khỏang cách dài cho người đi bộ. Đi và trở về ngay phải mất khỏang 20 tiếng. Có một trình thuật tương tự trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 8:5-13, Lk 7:1-10). Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa 2 trình thuật: Trong Tin Mừng Nhất Lãm, viên sĩ quan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Trong trình thuật của Gioan, Chúa bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Chúng ta có thể học được nhiều điều qua thái độ của viên sĩ quan này:
(1) Khiêm nhường: Viên sĩ quan, tiếng Hy-lạp dùng chữ “basilikos” có nghĩa là “ông vua nhỏ.” Có nhiều bức tường ngăn cách giữa Chúa Giêsu và viên sĩ quan này:
- Bức tường ngăn cách xã hội: Ông là người có địa vị cao trong hòang gia, khiêm nhường đi bộ đến cầu xin với Chúa Giêsu, một người không có địa vị trong xã hội.
- Bức tường ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngọai: Người Do-thái không muốn có bất kỳ liên hệ gì với Dân Ngọai. Ông biết ông có thể bị mất mặt nếu Chúa Giêsu từ chối.
Tuy nhiên, lòng thương con đã thắng vượt tất cả, ông sẵn sàng hy sinh mọi sự để có thể cứu vãn sự sống của con ông.
(2) Vượt qua thử thách: Đức Giêsu nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!" Ngài dùng số nhiều “các ông,” có lẽ muốn nói với ông và những người chung quanh. Chúa Giêsu muốn nói lên một thực tại của người Do-thái: họ sẽ không tin khi không nhìn thấy dấu lạ. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng muốn cho những người Do-thái xem niềm tin không dựa trên việc chứng kiến phép lạ của viên sĩ quan Dân Ngọai. Khi viên sĩ quan năn nỉ van xin Chúa Giêsu xuống Capernaum chữa bệnh cho con ông, Chúa thử đức tin của ông, Ngài không đi với ông, nhưng bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Người Do-thái chắc phải ngạc nhiên vì niềm tin của ông khi thấy: “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về.” Trong trình thuật của Matthêu, Chúa Giêsu khen viên sĩ quan: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.”
(3) Đức tin được kiện tòan bởi lý trí: Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Đối với một người vô tâm, họ sẽ vui mừng khi biết con còn sống và quên hết mọi sự khác; nhưng viên sĩ quan còn đang sống trong tiến trình của đức tin, nên ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt."
Ông nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: "Con ông sống." Đức tin của ông vào Chúa Giêsu được kiện tòan. Ngài hứa với ông và lời hứa đã thành sự thực, ông tin vào Ngài.
(4) Ông và cả nhà đều tin: Không dễ cho một viên sĩ quan công khai thú nhận niềm tin vào Chúa Giêsu vì sợ ảnh hưởng của dư luận. Nhưng viên sĩ quan này đã có một niềm tin được sự trợ giúp của lý trí. Ông muốn không những chỉ có ông, nhưng còn cả nhà tin vào Chúa Giêsu. Điều này thông thường đối với dân thời đó: Gia trưởng có quyền quyết định mọi chuyện trong nhà. Khi nhận ra điều gì tốt, người gia trưởng có quyền bắt tất cả người trong nhà phải làm theo. Ví dụ, Tổ-phụ Abraham bắt mọi người trong nhà phải cắt bì.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa không muốn nhớ tới dĩ vãng tội lỗi và đau thương của con người. Ngài luôn mời gọi chúng ta nhìn về tương lai và hy vọng bước tới. Như một người Cha, Ngài mừng vui khi thấy con cái được vui vẻ, hạnh phúc.
- Thiên Chúa muốn con người luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài, ngay cả những lúc chưa nhìn thấy kết quả, hay những đêm tăm tối của cuộc đời; vì những gì Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY
Ga 4, 43 - 54

1 Ghi nhớ: Lời Chúa là thần trí và là sự sống

2 Suy niệm:  Nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh của viên sĩ quan này, chúng ta sẽ hành xử ra sao ? Một người thân đau nặng sắp chết, lặn lội tìm thầy thuốc với tất cả hy vọng rằng chỉ có ông ta mới có thể cứu con mình thoát chết. Thế mà lại nhận được chỉ một câu :"ông cứ về đi, con ông sống". Liệu chúng ta có dám tin mà trở về hay không ? Nên nhớ rằng : "tin" ở đây được cược bằng một sinh mạng.

Đây chính là một khẳng định rỏ nhất về lòng tin: ai tin sẽ được cứu. Ông đã tin và trở về mà không cố nài nỉ cho được Chúa Giêsu đến tận nhà chữa bệnh cho đứa con ông và ông đã thấy được hiệu quả của lòng tin khi người nhà báo rằng con ông đã khỏi và qua đó ông "tin" ở cấp độ cao hơn nữa.

Tin vào Đức Kitô là tin vào Đấng cứu độ, chúng ta sẽ sống đời đời.

3 Sống Lời Chúa:  Chúa có lời ban sự sống đời đời

4 Cầu nguyện:  Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin kiên cường, để không một thử thách nào thắng nổi được con.


11/03/13 THỨ HAI TUẦN 4 MC
Ga 4,43-54

TIN VÀO LỜI CHÚA
Đức Giê-su bảo :”Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Chúa nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)
Suy niệm: Thoạt đầu, có lẽ viên sĩ quan chỉ tin vào Đức Giêsu một cách cầu may. Có lẽ ông đã tìm thầy chạy thuốc nhưng tất cả đều đành bó tay. Nghe nói về Chúa Giêsu và những “điềm thiêng dấu lạ” Ngài thực hiện, ông đánh liều đến xin. Biết đâu, may mà được. Ít ra, ông cũng đặt niềm tin tưởng vào Đức Giêsu, dù đó mới chỉ là “một thoáng đức tin”. Chúa Giêsu chấp nhận đức tin còn non yếu của ông, để nâng cấp trở thành niềm tin đích thực: Ngài không đến Caphácnaum để chữa con ông theo như ông yêu cầu, nhưng đã thanh luyện đức tin của ông chỉ bằng vỏn vẹn một lời, Lời có sức cứu sống, có quyền năng sáng tạo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông đã tin không phải vì thấy những “điềm thiêng dấu lạ” nữa, nhưng chỉ dựa vào Lời Chúa mà thôi.
Mời Bạn: Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đức tin, để càng ngày chúng ta càng nhận ra Chúa một cách nhanh chóng và rõ ràng dù những dấu chỉ khả giác được tinh giản đến mức tối thiểu: qua Lời Chúa trong Thánh Kinh và qua hình Bánh-Rượu nơi Bí tích Thánh Thể.
Chia sẻ: Người ta không thể dùng phương pháp thực nghiệm để phân tích những mầu nhiệm, đối tượng của đức tin. Có phải vì thế mà đức tin trở thành mơ hồ hay vô lý và không đáng tin hay không?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy làm một cử chỉ diễn tả niềm tin của mình: hôn kính sách Lời Chúa hoặc bái chào Mình Thánh Chúa một cách thật cung kính.
Cầu nguyện: Lặp lại nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con.”

Sống Lời Chúa - Thứ hai (Ga 4, 43-54)


Dẫn
Đức tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật cho con người.
Chính đức tin, viên sĩ quan đã đặt trọn hy vọng nơi Chúa. Chính đức tin mà phép lạ Chúa được thực hiện và con ông được cứu chữa.
Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng ta.

Chia sẻ
Tin là đặt trọn hy vọng vào Chúa.
Ông viên sĩ quan trong bài tin mừng hôm nay đã tin vào Chúa Giêsu nên ông đã đặt trọn niềm hy vọng của mình vào Chúa.
Vì hy vọng vào Chúa, nên ông đã ra đi tìm đến Chúa Giêsu.
Hy vọng nơi Chúa, ông đã không ngại kêu xin và kiên nhẫn nài nỉ Chúa đến nhà cứu sống con ông.

Hy vọng ở Chúa, ông đã khiêm tốn đón nhận mọi thử thách: “ Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu”. Dẫu bị mỉa mai, nhưng ông vẫn khiêm tốn kiên nhẫn kêu xin.

Cũng chính niềm hy vọng rất nhiều vào Chúa, ông tin nhận Lời Chúa: “ cứ về đi, con ông sống”. Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình và ra về.

Nhờ lòng tin mạnh mẽ của viên sĩ quan ngoại giáo mà con ông đã được Chúa cứu khỏi chết và cả gia đình ông được ơn đức tin.

Tin chính là đặt hết niềm hy vọng vào Chúa. Trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khó.

Con cái là món quà quý giá và là kho báu vô tận. Đau đớn, bệnh tật con cái là nỗi đau vô cùng của cha mẹ. Nhưng chính lúc đau khổ ấy, viên sĩ quan ngoại giáo đã có được niềm tin. Gặp gỡ Chúa niềm tin của ông lại vững mạnh hơn. Niềm tin của ông đã trở nên niềm tin cứu rỗi cho cả gia đình ông.

Chúng ta cũng vậy, niềm tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức tin chúng ta được vững mạnh hơn, không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như người cha trong bài tin mừng hôm nay. Điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà những người chung quanh và trong gia đình có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.

Trong cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn Đức Tin. Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Mùa chay này, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.
www.gpcantho.net

CON ÔNG SỐNG

Hãy nhìn lên thánh giá để khỏi mất lòng tin. Hãy chấp nhận đi vào những nẻo đường lạ lẫm mà Chúa đang mời gọi. Như viên sĩ quan, ta sẽ gặp tin vui ngay trên đường về nhà.
Suy nim:
Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường gặp nỗi sợ hãi, lo lắng của những bậc cha mẹ trước căn bệnh hiểm nghèo của con mình. Ông trưởng hội đường Giairô khẩn khoản nài xin Đức Giêsu “Con bé nhà tôi gần chết. Xin Thầy đến và đặt tay trên nó” (Mc 5, 23). Bà dân ngoại gốc Canaan kêu lên: “Xin thương xót tôi, vì con gái của tôi bị quỷ ám trầm trọng lắm” (Mt 15, 22). Người cha có đứa con bị động kinh cũng nài van Đức Giêsu: “Xin Thầy chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22). Trong bài Tin Mừng hôm nay viên sĩ quan, có lẽ của vua Hêrôđê, cũng năn nỉ: “Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất !” (c. 49). Bệnh tật và cái chết đang đe dọa đứa con khiến cha mẹ khổ đau và bối rối. Họ không muốn mất đứa con đã trở nên một phần của đời họ. Họ vội vã đến với Đức Giêsu như đến với một nơi có thể cấp cứu kịp thời. Họ tin vào sự hiện diện của Ngài, vào sự chữa lành mà Ngài đem lại. Lòng tin của viên sĩ quan đã lớn lên từ từ. Ông tin nhờ nghe người ta nói về những gì Đức Giê su đã làm ở vùng Giuđê. Ông gặp Ngài vì tin Ngài có thể chữa đứa con trai đang nguy tử của ông bằng cách đi với ông về nhà ở Caphácnaum (c. 49). Nhưng sau đó ông tin vào uy quyền của lời Đức Giêsu : “Ông cứ về đi, con ông sống!” nên ông vâng lời đi về nhà một mình (c.50). Chẳng cần sự hiện diện, chỉ cần lời của Ngài nói từ xa cũng đủ con ông khỏi bệnh. Lòng tin của ông được vững vàng hơn khi ông kiểm chứng và biết rõ chính vào giờ Ngài nói thì con mình được chữa lành (c. 53). Bây giờ hẳn ông đã tin trọn vẹn vào chính con người Đức Giêsu. Lòng tin ấy lôi cuốn cả gia đình ông tin theo. Sau khi dấu lạ xảy ra, không thấy nói gì về thái độ ngạc nhiên của gia quyến. Kết quả tuyệt vời của dấu lạ là chính lòng tin của mọi người trong nhà. Họ sẽ được ông kể cho nghe từng chi tiết câu chuyện gặp gỡ.
Trong tiệc cưới ở Cana, lòng tin của Đức Maria đã dẫn đến dấu lạ đầu tiên. Dấu lạ này đã khiến các môn đệ Đức Giêsu tin vào Ngài (Ga 2, 11). Trong dấu lạ thứ hai này ở Cana, lòng tin của viên sĩ quan, của một người cha, đã dẫn đến lòng tin của những người thân thuộc. Lòng tin thật sự bao giờ cũng có khả năng thu hút, lôi kéo, lan rộng.
Ngay trước đoạn Tin Mừng này, chuyện người phụ nữ Samari cũng cho ta thấy điều đó. Từ lời chứng của chị, dân thành Xykha đã tin vào Đức Giêsu (Ga 4,39). Đời chúng ta cũng có những lúc tưởng như tuyệt vọng, khi ta thấy tuột khỏi tay mình những gì rất quý mà mình muốn ôm giữ. Hãy nhìn lên thánh giá để khỏi mất lòng tin. Hãy chấp nhận đi vào những nẻo đường lạ lẫm mà Chúa đang mời gọi. Như viên sĩ quan, ta sẽ gặp tin vui ngay trên đường về nhà.
Cầu nguyn:

Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con. Con tin Cha là Tình yêu, và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con. Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa, cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt, cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân, con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái. Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại, chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro. Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến, để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi".

Giờ của Đức Giêsu

Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” (Ga. 4, 50-52)
Một quan chức nhà vua có đứa con đau nặng, ông nghe tin Đức Giêsu đang ở trong miền gần đó. Ông tự nhủ: “Đây là lúc Người có thể chữa con mình”. Ông chỉ nghe theo niềm cậy trông của ông và ông tìm đến Người. Ông gặp Người, và khẩn khoản nài xin Người. Đức Giêsu kêu trách ông như mọi người chỉ muốn xin điềm lạ và những điều phi thường. Nhưng sự hất hủi đó không làm ông tủi hờn chút nào. Ông càng khẩn xin như không nghe thấy gì: “Lạy Ngài, xin xuống trước khi con tôi chết”. Đức Kitô cảm động và nói với ông: “Được rồi, ông cứ về đi, con ông sống đấy”.
Mừng như điên, lập tức ông tin lời Đức Giêsu, ông về như bay, và giữa đường ông gặp đầy tớ báo tin con ông đã khỏi. Ông hỏi: “Nó khỏi giờ nào?”. Họ đáp: “Lúc bảy giờ hôm qua”. Ông tự nhủ: “Đúng vào giờ Đức Giêsu nói với mình”. Đó là cú đánh ân huệ. Giờ ban ơn cứu chữa ông và cả gia đình ông. Giờ của Đức Giêsu. Giờ ban ơn trở lại. Giờ cứu độ.
Đối với người được đức tin, chính là giờ của Đức Giêsu. Người đến để cải tạo và làm cho họ trở thành dụng cụ bác ái đối với người lân cận. Biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa và những đường lối quan phòng của Ngài trong mọi thứ thử thách như trong bệnh tật, đau khổ về gia đình như xé nát tâm can, trong xao xuyến lo âu về tương lai yêu quý, trong bấp bênh về đời sống kinh tế, đó là sống cái giờ của Đức Giêsu, và như Đức Giêsu đã chấp nhận với bao nỗi sầu khổ của thân phận làm người và chỉ mình Người mới có thể làm cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa được mầu nhiệm khổ nạn khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Người đã cảm nghiệm được suốt cuộc đời Người và nhất là lúc bị đóng đinh trên thập giá.
Giờ của Đức Giêsu, cũng chính là những cơ hội cho chúng ta được dịp an ủi, nâng đỡ, khuyến khích, soi sáng và đem bình an cho người khác. Vì mỗi lần chúng ta cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ đói rách ăn mặc, thăm hỏi kẻ tù đầy, an ủi kẻ tuyệt vọng, thì đó là chúng ta đã làm cho chính Chúa, Người đã nói trong Tin mừng như vậy.
G.F
Thứ Hai 11-3

Thánh Gioan Ogilvie

(1579 - 1615)

Thánh Gioan Ogilvie sinh trong một gia đình Tô Cách Lan mà nửa Công Giáo, nửa Tin Lành Presbyterian. Cha ngài theo phái Calvin (*) và cũng muốn Gioan trở thành người của giáo phái ấy nên đã gửi ngài vào đất liền để đi học. Ở đây Gioan thích thú theo dõi những cuộc tranh luận giữa các học giả Công Giáo và Calvin. Bị hoang mang về những tranh luận của các học giả Công Giáo, ngài tìm đến Kinh Thánh. Hai câu sau đây đã thức tỉnh ngài: "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu chuộc, và nhận biết chân lý," và "Hãy đến cùng Ta những ai mệt mỏi và ê chề, Ta sẽ thêm sức cho ngươi."
Dần dà, Gioan hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo yêu quý tất cả mọi người. Trong những người ấy, ngài nhận thấy có nhiều vị tử đạo. Ngài quyết định trở thành người Công Giáo và được đón nhận vào Giáo Hội tại Louvain, nước Bỉ, năm 1596 khi 17 tuổi.
Gioan tiếp tục việc học, đầu tiên với các cha dòng Biển Ðức, sau đó là một sinh viên của học viện Dòng Tên ở Olmutz. Ngài gia nhập dòng Tên và trong 10 năm kế tiếp, ngài chăm chỉ rèn luyện tâm linh cũng như kiến thức. Ðược thụ phong linh mục ở Pháp năm 1610, ngài gặp hai linh mục dòng Tên vừa mới từ Tô Cách Lan trở về, sau khi bị bắt và bị cầm tù. Các ngài thấy ít có hy vọng thành công trong việc rao giảng Tin Mừng dưới sự khắt khe của chính quyền nước ấy. Nhưng một ngọn lửa đã nhen nhúm trong lòng Cha Gioan. Trong hơn hai năm kế đó, ngài đã khẩn khoản xin đi truyền giáo ở Tô Cách Lan.
Ðược bề trên cho phép, ngài bí mật vào Tô Cách Lan giả dạng người buôn ngựa hoặc một quân nhân trở về từ cuộc chiến Âu Châu. Thấy không thể thi hành được việc gì đáng kể cho thiểu số Công Giáo ở Tô Cách Lan, Cha Gioan trở về Balê để hội ý bề trên. Bị khiển trách vì đã tự ý bỏ nhiệm vụ ở Tô Cách Lan, ngài được sai trở lại đó. Lần này, ngài hăng say hơn và có một vài thành công trong việc hoán cải cũng như kín đáo phục vụ người Công Giáo Tô Cách Lan. Nhưng không bao lâu, ngài bị phản bội, bị bắt và bị đưa ra toà.
Phiên xử ngài kéo dài đến 26 giờ đồng hồ mà ngài không được ăn uống gì. Ngài bị cầm tù và không cho ngủ. Trong tám ngày và đêm, ngài bị lôi đi như một con vật, bị đâm bằng cây vót nhọn, và tóc bị giật ra từng mảng. Tuy nhiên, ngài vẫn không chịu tiết lộ tên các người Công Giáo hoặc chấp nhận luật lệ của vua về vấn đề tôn giáo. Ngài trải qua phiên tòa lần thứ hai và thứ ba nhưng vẫn cương quyết giữ vững lập trường. Trong phiên tòa cuối cùng, ngài quả quyết với các quan tòa: "Trong tất cả những gì liên hệ đến vua, tôi sẽ vâng lời một cách mù quáng; nếu quyền lực trần thế của vua bị tấn công, tôi sẽ đổ giọt máu cuối cùng vì vua. Nhưng trong những luật lệ tôn giáo mà vua đã áp đặt cách bất công, tôi không thể và cũng không phải vâng theo."
Bị kết án tử hình về tội phản quốc, ngài đã trung tín cho đến cùng, ngay cả khi đứng trên đoạn đầu đài và được hứa sẽ trao trả tự do nếu từ chối đức tin. Ngài bị treo cổ ở Glasgow năm 1615 lúc ba mươi sáu tuổi.
Cha Gioan Ogilvie được phong thánh năm 1976, là vị thánh Tô Cách Lan đầu tiên kể từ năm 1250.
* Phái Calvin là một phương thức giải thích Phúc Âm theo John Calvin. Calvin sống ở Pháp trong thập niên 1500 đồng thời với Martin Luther, người phát động phong trào Cải Cách Tin Lành.
Phương thức Calvin bám vào các điểm cực đoan của phúc âm và tìm cách đưa ra các công thức thần học chỉ dựa trên lời Chúa. Họ nhắm đến sự tối thượng của Thiên Chúa, khẳng định rằng Thiên Chúa thì có thể và sẵn sàng thể hiện bất cứ điều gì Ngài muốn đối với tạo vật, vì Ngài thông suốt mọi sự, ở khắp mọi nơi và toàn năng. Họ cũng cho rằng trong Phúc Âm có các dạy dỗ sau: Thiên Chúa, qua ơn sủng tối cao, Ngài tiền định cho con người được ơn cứu độ; Ðức Giêsu chỉ chết cho những ai đã được tiền định; Thiên Chúa tái sinh những ai mà Ngài thấy họ có thể và muốn chọn theo Thiên Chúa; và những người đã được cứu độ không thể nào mất ơn ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét