Trang

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

14-03-2013 : THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY


Thứ Năm Ngày 14/03/2013
Thứ Năm Tuần 4 Mùa Chay Năm C

BÀI ĐỌC I: Xh 32, 7-14
"Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa".


 Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: "Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập". Chúa phán cùng Môsê: "Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại".
Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa đừng để cho người Ai-cập nói rằng: "Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và huỷ diệt họ khỏi mặt đất". Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: "Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi". Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người. Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 105, 19-20. 21-22. 23

Đáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).

1) Họ đã đúc con bò tại Horeb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ. - Đáp.
2) Họ đã quên Thiên Chúa là Đấng cứu độ mình, Đấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Đấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Đỏ. - Đáp.
3) Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận và đừng tiêu diệt họ. - Đáp.

 CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ed 33, 11

Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".

 PHÚC ÂM: Ga 5, 31-47
"Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: "Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Đấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Đấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Đấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.
Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?" Đó là lời Chúa

SUY NIỆM : Lời Chứng Bởi Gioan
Trong lịch sử Giáo Hội có vị tu sĩ danh tiếng tên là Luther, thuộc dòng Augustinô bên Ðức, và khi mới 35 tuổi đã mang chức vụ Giám Tỉnh. Vị Giám Tỉnh Luther này lại quá ham hoạt động, chỉ vì tìm danh tiếng bên ngoài. Ông thường nói: "Tôi quá bận, nào là phải dạy học, giảng thuyết, viết sách, nên không có giờ đọc kinh, không có giờ để cám ơn Chúa, có khi tôi phải bỏ luôn cả lễ". Hậu quả là vì quá hăng say hoạt động, nên Luther đã dẫn đến những chủ trương lạc thuyết, bất chấp lời khuyên bảo của Tòa Thánh, cuối cùng đã ly khai khỏi Giáo Hội, ra khỏi dòng và đã kết bạn, lôi kéo nhiều người khác theo mình, làm cho Giáo hội phải thiệt hại nặng nề.
Ở nước Pháp cũng có một giáo sĩ lỗi lạc, đồng thời là một văn hào danh tiếng, tên là Lamèleir. Ông có đường lối sống như Luther. Suốt ngày lo lắng nhiều việc, bỏ bê giờ cầu nguyện, chỉ cậy vào trí khôn mình mà không tìm kiếm ánh sáng nơi Thiên Chúa. Kết quả cũng không khác gì Luther: kiêu căng, bất tuân phục, đưa bản thân vào sự khốn khổ tinh thần, lôi kéo nhiều người cùng xuống vực thẳm.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" nhắn nhủ như sau: Tiếng gọi vẫn tiếp tục nhắc nhở con trong mọi việc nhỏ là "Hãy Theo Thầy", và lời thưa "Vâng" của con vẫn tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng. Hãy bỏ mình vác Thập Giá mỗi ngày và đóng đinh mình trên Thánh Giá với Thầy. Mỗi ngày con bớt đi "tự ái" mà thêm "bác ái". Mỗi ngày con hãy bớt sự tin vào mình mà hãy tin vào Chúa. Thời đại nào cũng có những người tự xưng mình là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ có Chúa Giêsu tự xưng là đường, chỉ có Ngài mới đem lại hy vọng với kích thước của thế giới. Hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Hãy làm chứng nhân cho Ta đến tận cùng thế giới. "Tin" là chấp nhận Chúa Giêsu cách vô điều kiện và quyết tâm sống chết với Ngài.

Anh chị em thân mến!

Nếu không hướng thượng, không cộng tác với ơn soi sáng của Chúa, chúng ta dễ chạy theo những thần tượng tâm hồn. Thời đại nào cũng có người tự hào cho là tiên tri, tự xưng mình có đủ khả năng để giải quyết những vấn đề của xã hội. Nhưng lịch sử Giáo Hội đã chứng minh rằng: "Ai muốn xây dựng những gì ở ngoài Thiên Chúa hay không cần Thiên Chúa thì sẽ thất bại".

Lạy Chúa, xin thương ban tràn đầy Thánh Thể của Ngài xuống trong tâm hồn con, để con biết lắng nghe Lời Chúa và trung thành chu toàn thánh ý Ngài cho đến cùng. Amen
(Veritas Asia)


. Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần IV MC

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Nhà lãnh đạo phải trung thành yêu thương dân đến cùng.

Các nhà lãnh đạo tinh thần dễ nản chí khi nhìn thấy những vong ân, bội nghĩa của những người mình hướng dẫn; nhưng Thiên Chúa đòi họ phải kiên nhẫn và yêu thương họ đến cùng. Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những mẫu gương của các nhà lãnh đạo sẵn sàng hy sinh cho dân chúng.

Trong Sách Xuất Hành, Thiên Chúa muốn thử Moses nên nói với ông hãy để Ngài tiêu diệt họ và Ngài sẽ ban một dân khác lớn hơn; vì họ đã phản bội Thiên Chúa qua việc đúc con bê bằng vàng để thờ lạy. Ông Moses bầu cử cho dân khỏi bị tiêu diệt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu có thể để cho người Do-thái chết trong sự cứng lòng của họ, nhưng Ngài chọn con đường kiên nhẫn thuyết phục họ tin vào Ngài, bằng cách đưa ra các nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, tiếng Chúa Cha làm chứng từ trời, các công việc Ngài làm, và bằng chứng Kinh Thánh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông Moses bầu cử cho dân trước Thiên Chúa.

1.1/ Dân chúng phản bội Thiên Chúa: Thờ lạy bụt thần là tội vi phạm trầm trọng tới điều răn thứ nhất. Điều khôi hài hơn nữa là thay vì cám ơn Thiên Chúa đã dùng uy quyền đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập, họ lại cho là công ơn của con bò vàng mà tay họ làm nên, sụp lạy nó, và nói: "Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." Chúng ta rất ghét người vô ơn; và ghét hơn nữa người đánh cắp công lao của chúng ta. Thế mà rất nhiều lần chúng ta đã không biết cám ơn Thiên Chúa về những công ơn Ngài làm cho chúng ta, lại còn cho công ơn ấy vào sai chỗ như: Thần Tài, người khác, hay chính sức mình!

Tiên tri Isaiah nhận xét rất đúng về những hạng người vô ơn này khi nói: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3). Nói cách khác, con người vô ơn còn thua lòai bò lừa. Đó là lý do tại sao Đức Chúa phán với ông Moses: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn."

1.2/ Ông Moses bầu cử cho dân: Mặc dù không đồng ý với việc của dân làm; nhưng ông Moses xin Thiên Chúa tha thứ đừng tru diệt họ, vì hai lý do sau:
(1) Vì danh Thiên Chúa: Nếu Thiên Chúa tru diệt họ, người Ai-cập lại có thể rêu rao: “Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất.”
(2) Vì lời hứa với các tổ phụ: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Abraham, Isaac và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”

Đức Chúa đã thương, Ngài không giáng phạt dân Người như Người đã đe. Lãnh đạo dân, nhất là trong hòan cảnh khó khăn như thời gian lang thang trong sa mạc 40 năm, không dễ. Moses không luôn luôn liên nhẫn với dân đâu, chính ông cũng đã từng than phiền với Thiên Chúa vì sự cứng lòng và độc ác của dân khi họ không tìm được nước uống: "Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!"

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kiên nhẫn thuyết phục người Do-thái.

Trong ba năm công khai rao giảng, Chúa Giêsu đụng độ nhiều lần với các kinh-sư và biệt-phái. Thông thường, con người thường cho người khác tối đa là 3 lần để hiểu sự thật; sau đó sẽ không cần cắt nghĩa nữa nếu họ vẫn ngoan cố không chịu tin. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn với họ trong việc giải thích Người là Đấng Thiên Sai mà họ đang mong chờ. Chúa Giêsu biết: Nếu Ngài làm chứng về chính mình, thì lời chứng của Ngài không dễ cho họ tin. Vì thế, Ngài phải theo cách của Lề Luật đòi: ít nhất phải có hai nhân chứng để chứng nhận một điều là sự thật. Ngài liệt kê các nhân chứng của Ngài như sau:
(1) Gioan Tẩy Giả: làm chứng cho Chúa Giêsu nhiều lần. Ông đã chỉ vào Chúa Giêsu và nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.”
(2) Các phép lạ Chúa đã làm: Người Do-thái đã chứng kiến hay nghe nói về những phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Phép lạ mà họ mới chứng kiến là Chúa chữa lành một người bại liệt đã 38 năm. Những phép lạ này đòi hỏi người làm phải có uy quyền hay đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu giải thích cho họ: “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.”
(3) Tiếng Chúa Cha làm chứng từ trời và trong lòng mọi người: Hai lần Chúa Cha đã làm chứng từ trời cho Chúa Con bằng tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người” khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa và khi Ngài Biến Hình. Hơn nữa, Chúa Cha vẫn làm việc trong tâm hồn người Do-thái cũng như các tín hữu, nếu họ để tâm nghe Người. Họ không nhận ra tiếng Chúa Cha là vì: “Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.”
(4) Kinh thánh làm chứng cho Chúa Giêsu: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.”
(5) Ý hướng tốt lành của Chúa Giêsu: Nếu một người chỉ mong muốn và cố gắng hết sức để cho người khác được điều tốt lành, và không muốn bất kỳ một sự tôn vinh hay trả ơn; người đó thực sự yêu người khác. Chúa Giêsu thuyết phục họ hãy tin vào Ngài để được sống, vì Ngài thực sự yêu thương và lo lắng cho họ. Nếu họ không có ý hướng tốt lành: chỉ tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, họ sẽ không thể tin vào Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Nhà lãnh đạo tinh thần phải kiên trì chịu đau khổ để đưa dân về với Thiên Chúa. Họ phải kiên nhẫn học hỏi và cắt nghĩa cho những người được họ hướng dẫn.
- Phần thưởng mà họ nhận được không phải là sự tôn vinh cá nhân hay những lợi lộc vật chất; nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui được làm vinh quang Cha trên trời.
- Dân chúng không nhận ra sự thật vì rất nhiều lý do: quá đau khổ, không có kiến thức căn bản, chước cám dỗ của ba thù. Nhà lãnh đạo may mắn được Thiên Chúa ban cho hiểu biết và có sức mạnh hơn để vượt qua. Họ phải gánh chịu đau khổ và tha thứ cho dân như Chúa Cha, Chúa Giêsu, và Moses đã gánh chịu và tha thứ cho dân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Sống Lời Chúa - Thứ năm (Ga 5,31-47)


Dẫn
Tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối.
 Dù những người Do Thái, nhất là nhóm Biệt Phái đã chứng kiến biết bao điều lạ Chúa Giêsu đã làm, nhưng họ vẫn không tin nhận Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. .Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kiên nhẫn đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng về Ngài. Nhưng vì thiếu lòng yêu mến Chúa và cứng lòng, họ vẫn không tin.
 Xin cho chúng ta biết nhận ra sự hiện diện của Chúa qua các dấu chỉ của thời đại và qua Thánh Kinh. Và với lòng khiêm tốn thi hành ý Chúa trong đời sống hằng trong tin yêu. Tin chắc rằng Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Chia sẻ
Để ứng cử và thi hành nhiệm vụ HĐND hay Đại Biểu Quốc Hội, người ta cần được sự giới thiệu của địa phương và được cử tri tín nhiệm cao.
 Để làm Linh Mục và thi hành sứ vụ tông đồ, cần có người giới thiệu, được đấng bản quyền chuẩn nhận, cho phép.
 Còn Chúa Giêsu trái lại, khi thi hành sứ mạng Chúa Cha giao phó là cứu độ nhân loại, thì chẳng có sự chuẩn nhận nào của Giáo Quyền cũng như Chính Quyền. Nên không lạ gì Ngài luôn bị khước từ và chống đối.
 Nếu ta ở vào trường hợp của họ lúc ấy, chúng ta cũng khó lòng chấp nhận Đấng Cứu Thế là ông Giêsu đến từ Nazarét. Một Đấng Cứu thế xem ra không phù hợp với quan niệm, suy nghĩ của con người.
 Thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu xem ra không hợp pháp theo quan niệm con người, nhưng đó lại phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài vượt lên trên và không phụ thuộc vào những ràn buộc của thế quyền.
 Nhưng để cho thế quyền chấp nhận, Chúa Giêsu sẵn sàng đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng về thân thế và sứ mạng của Ngài qua bài tin mừng hôm nay.

Thứ nhất: Bằng chứng của Gioan Tẩy Giả: “Đấng đến sau tôi, nhưng quyền thế hơn tôi. Tôi rửa anh em bằng nước, nhưng Đấng ấy sẽ rửa anh em trong Thánh Thần”.
 Thứ hai: Chính lời Tôi nói và những việc Tôi làm:
Có ai làm cho người mù mới sinh được khỏi như Chúa Giêsu.
Có ai làm cho một người phong cùi được sạch.
Có ai làm cho một đứa bé đã chết được sống lại.
Có ai làm cho đứa con trai của bà goá thành Naim bị cột chặt trong vải liệm và đang khiêng đem chôn được hồi sinh.
 Có ai làm cho ông Lazarô chết 4 ngày được chỗi dậy.
Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm những điều ấy.
 Thứ ba: Chúa Cha làm chứng về Ngài: “ Này là Con Chí Ái của Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”.
 Thứ tư: Bằng chứng của Thánh Kinh và Môsê đã loan báo về Ngài chính là Đấng Messia.

Tuy Chúa đã đưa ra những bằng chứng xác thực như vậy, nhưng người Do Thái không nhìn nhận Ngài.

Lý do: Vì họ không có lòng yêu mến Thiên Chúa và vì tính ích kỉ, hám danh. Vì thế họ đã không còn khả năng mở lòng đón nhận Ngài.
 Dù họ có tin hay không tin, thì sự thật Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người. với tất cả nhân tính và Thiên tính nơi Ngài.
 Suốt hơn hai ngàn năm qua, không ai có thể để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử như Chúa Giêsu.
 Không nhà cách mạng tài ba nào có thể biến đổi thế giới được như Ngài.
Không có vị tôn sư nào có` một dòng dõi môn đệ đông đảo như Ngài.
Không có tên ai được nhắc một cách cực trong như tên Ngài.
Không có một ân nhân nào được yêu mến say mê như Ngài.
Thế mới rõ Đấng vĩ đại ấy chính là một người, nhưng là người Chúa, vì Ngài là Con Thiên Chúa.

Xin cho chúng con và hết mọi người biết khiêm tốn tin nhận Đức Kitô là Chúa lòng mình và nổ lực hết lòng sống theo lời Người chỉ dạy với tình yêu mến. Amen.


THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY
Ga 5, 31 - 47

1 Ghi nhớ: Nếu tôi làm chứng về mình thì lời chứng của tôi không thật.

2 Suy niệm:  Sự thật thì bao giờ cũng thật, nhưng sự thật không thể tự biện bạch cho chính mình mà được biện hộ bằng sự việc.

Trong cuộc sống, sự thật thường bị xuyên tạc, bị bóp méo, uốn cong....bởi sự giả trá, giàn tà khiến nhiều người bị hiểu lầm. Kẻ thù của sự thật thì đông vô số. Chỉ có sự việc phát xuất từ sự thật mới là đông minh, là luật sư biện hộ cho sự thật. Thế nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho sự thật được phơi bày.

Binh quý hồ tinh bất quý hồ đa. Chỉ cần sống theo sự thật thì chúng ta sẽ không sợ bất cứ thế lực nào. Chỉ sợ lòng ta không kiện cường mà nghiêng ngã thôi.

3 Sống Lời Chúa:  Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi.

4 Cầu nguyện:  Xin Chúa giúp con luôn tin rằng sự thật sẽ chiến thắng để con không vì sợ hãi mà ngã theo giả trá, gian tà.


14/03/13 THỨ NĂM TUẦN 4 MC
Ga 5,31-47

SAO CỨNG LÒNG THẾ!
“Các ông nghiên cứu Kinh Thánh vì rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời, mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.” (Ga 5,39-40)
Suy niệm: Toàn bộ Kinh Thánh mạc khải Thiên Chúa và tập trung vào con người Đức Giêsu Kitô. Người Do Thái đọc Kinh Thánh và thuộc lòng các sách luật. Các Kinh sư và Biệt phái thì xúng xính trong bộ áo thụng với những hộp ghi những câu Kinh Thánh đeo lủng lẳng đầy người; ấy thế mà họ đã không nhận ra và cũng chẳng tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Họ chai lì đến độ Đức Giêsu phải nói cho họ: “Chính Kinh Thánh làm chứng về tôi, các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống đời đời.” Đáng tiếc thay họ nắm giữ kho tàng mạc khải mà họ không nhận ra Ngài, Đấng là chính Lời Mạc Khải!
Mời Bạn: Lời Chúa đem lại sự sống đời đời, nhưng cũng là lời chất vấn chúng ta. Đừng khép chặt lòng mình trong những câu chữ của ngôn ngữ, những thành kiến, tập tục cứng nhắc, nhưng biết khiêm tốn cởi mở cõi lòng để Thần Khí thúc đẩy bạn đến với Đức Kitô. Bạn cần đọc Lời Chúa với con tim và bằng sự nhận biết của lòng tin.
Chia sẻ: Bạn đã giúp gia đình bạn cầu nguyện và sống lời Chúa thế nào ?
Sống Lời Chúa: Trung thành đọc kinh chung gia đình với việc suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và xin cho Lời Chúa biến đổi tâm hồn bạn trong Mùa Chay này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm ra những giây phút trầm lặng để gặp gỡ Chúa qua Tin Mừng, và để Lời Chúa nuôi dưỡng niềm tin của chúng con trong cuộc sống chao đảo hôm nay.
www.5phutloichua.net
CHÚA CHA LÀM CHỨNG CHO TÔI
Làm sao ta có thể ra khỏi những thành kiến để đón lấy sự thật, ra khỏi những tư lợi ích kỷ để dám tin vào tình yêu, ra khỏi cái tôi chật hẹp để dám sống cho người khác.

Suy nim:

Để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc từ đầu chương năm. Đức Giêsu chữa anh bất toại bên hồ nước gần Đền thờ Giêrusalem (cc. 1-9). Anh được khỏi và vác chõng đi vào ngày sabát theo lệnh Đức Giêsu. Chuyện đó dẫn đến việc người Do thái chống đối Ngài (c. 16). Khi nghe Ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” họ tìm cách giết Ngài, vì cho rằng Ngài mắc tội phạm thượng, dám gọi Thiên Chúa là Cha và coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (c. 18). Không chút sợ hãi, Đức Giêsu khẳng định quyền mình đã nhận được từ Cha: quyền làm cho kẻ chết sống lại và quyền phán xét trong ngày sau hết (cc. 19-30). Dù có quyền, lúc nào Ngài cũng là Con làm theo ý Cha, Đấng sai Ngài.
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu như người bị đứng trước tòa, bị kết án tử. Vì không được tự làm chứng cho chính mình, nên Ngài phải tìm những lời chứng để biện hộ cho lời nói, việc làm của Ngài. Trước hết là lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35). Ông là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Đức Giêsu (Ga 1, 8-9). Nhưng người ta đã không đón nhận lời chứng ấy. Kế đến là những công việc Cha giao mà Ngài đã hoàn thành (c. 36). Lẽ ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy Ngài được Cha sai. Cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40). Cha làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39). Nhưng họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40). Những lời chứng trên đây trở nên vô ích đối với những ai không có lòng yêu mến Thiên Chúa (c. 42), không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ tôn vinh lẫn nhau (c.44). Đức Giêsu đã phải chấp nhận sự từ khước này mà Ngài biết cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.
Làm sao ta có thể ra khỏi những thành kiến để đón lấy sự thật, ra khỏi những tư lợi ích kỷ để dám tin vào tình yêu, ra khỏi cái tôi chật hẹp để dám sống cho người khác. Hãy tin vào Giêsu, Đấng được Cha sai (c. 38). Hãy đến với Giêsu để được sống (40).
Cầu nguyn:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tôi biết rõ các ông
Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
Chính Người cũng đã làm chứng cho tôi.
Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người,
Cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.
Các ông không giữ lời Người ở lại trong lòng,
Bởi vì chính các ông không tin
Vào Đấng Người đã sai đến
Các ông nghiên cứu kinh thánh,
Vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được
Sự sống đời đời
Mà chính kinh thánh lại làm chứng về tôi!. (Ga. 5, 37-39)
Một lần nữa, Chúa còn làm cho chúng ta ý thức về sự thật tỏ tường mà chúng ta đã từ chối. Nếu chúng ta liệng bỏ đời sống do Thiên Chúa ban, thì chính chúng ta lên án chính mình. Đức Kitô sẵn lòng hiện diện và luôn hoạt động, dù Người không cần gì phải bảo vệ.
Tất cả sứ điệp của Đức Kitô tóm lại trong hai thái độ nền tảng và bất khả phân ly này là: đức tin và tình yêu. Hoặc là chúng ta đón nhận cả hai hoặc là không. Đó là điều căn bản. Đừng lấy làm lạ khi người ta thấy khó theo Đức Kitô. Thật đáng buồn khi bị Ngài từ chối do những thái độ sống nửa vời, sống khô khan, hòa hoãn bủn xỉn, hẹp hòi.
Đức tin đặt nền tảng trên sự thật vào Đấng chúng ta tin, vào Đức Kitô của Chúa Cha: “Lời Ngài làm chứng về Tôi là lời chứng thật”.
Đức tin đặt nền tảng trên công việc mà Đức Kitô đã hoàn tất nhân danh Chúa Cha: “Chính những việc Tôi làm đó làm chứng cho Tôi rằng Chúa Cha đã sai Tôi”.
Đức tin đặt nền tảng trên Kinh thánh, chúng ta biết rằng Thánh kinh đã được linh ứng bởi Thiên Chúa: “Chính Kinh thánh lại làm chứng về Tôi”.
Chúng ta có đức tin không? Làm sao chúng ta có thể nói: “Tôi tin”, nếu chúng ta không sống theo Đức Kitô, mà giáo huấn của Người từ Chúa Cha đến với chúng ta? Chúng ta không tin Thiên Chúa nếu không tin Đức Giêsu Kitô. Tóm lại, Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng: “Các ông không tin Chúa Cha vì các ông không tin Đấng Chúa Cha sai đến”.
Chúng ta nghe lời cảnh cáo của Đức Kitô, lời bày tỏ một lòng thương xót lớn lao đối với những người là anh em bạn hữu của Người. Và những lời này chắc chắn cũng nói với các bạn và tôi nữa. Chúng ta hãy nghe lời Đức Kitô sắp kêu lên một lời than thở dường như thất vọng: “Quả thật, Tôi biết rõ các anh, tình yêu Thiên Chúa không ở trong các anh”.
Và Người nói tiếp: “Không, các anh không tin Tôi, nhưng lại tin kẻ lường gạt đến đầu tiên”. Có phải Người đã chết vì điều đó chăng? Đức Kitô đã nói với chúng ta rằng: “Phải, Tôi chết vì những trò dại dột của các bạn, vì những mê tín dị đoan của các bạn, để các bạn có ánh sáng. Thật khó khăn tin vào Tôi, Tôi rõ ràng hiển nhiên như thế đó. Tôi chết đi để cho các bạn có thể được gặp Cha chúng ta, ước mong các bạn là tín hữu trung thành”.
J.M
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
14 THÁNG BA
Hãy Đến Và Hãy Gặp
Nước hằng sống – nước đem lại sự sống đời đời – đã biến đổi cuộc sống của người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy như thế nào? Nếu chúng ta xem xét sự chuyển biến tâm linh của người phụ nữ này, chúng ta có thể thấy rằng cuộc gặp gỡ của chị với Đức Kitô sản sinh hoa trái tâm linh rất lớn lao. Thực vậy, chúng ta có thể nhận ra nơi chị một cuộc hoán cải đích thực – cuộc hoán cải đưa chị đến chỗ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a: “Các người hãy đến và hãy gặp con người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm! Chắc hẳn người ấy phải là Đấng Mê-si-a!” (Ga 4,29).
Người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy đã loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ cho hàng xóm và bạn bè chị. Chị nói với họ về cuộc hoán cải của chị và về quyền năng cứu độ của Đức Giêsu. “Ông ấy đã kể cho tôi về mọi sự mà tôi đã làm”. Chị biểu lộ một nghị lực và niềm vui mới có sức thúc bách chị loan báo cho người khác về sự thật và về ân sủng mà mình đã nhận được. “Các người hãy đến và hãy gặp” – chị bảo họ như thế. Có thể nói, chị đã trở thành một sứ giả của Đức Kitô và của Tin Mừng cứu độ, như trường hợp Maria Mác-đa-la vào buổi sáng ngày Phục Sinh.
Cũng vậy, chúng ta được mời gọi uống thứ nước hằng sống có thể thanh tẩy tâm hồn ta và biến đổi cuộc sống ta. Và cũng vậy, chúng ta có thể trở thành những sứ giả của Tin Mừng. Như trường hợp người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy, chúng ta cũng phải để cho Đức Kitô đưa dẫn mình tới một cuộc khảo sát nghiêm túc lương tâm mình, nhờ đó chúng ta có thể quay lưng lại với tội lỗi và được ngập tràn niềm vui. Rồi chúng ta sẽ muốn chia sẻ cho người khác niềm vui về ơn cứu độ mà mình đã lãnh nhận được nơi Đức Kitô.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14-3
Xh 32, 7-4; Ga 5, 31-47
LỜI SUY NIỆM: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được.” (Ga  5,44).
Như chúng ta đều biết người Pharisêu và các kinh sự họ muốn được người ta ca ngợi, thích người khác chào mình nơi công cọng; được ngồi ghế đầu trong các hội đường và người ta gọi là thầy. Họ luôn đem mình so sánh với người khác, kể cả trong lúc họ cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Họ tự thỏa mãn và tự tách ra khỏi mọi người, đứng trên mọi người. Bởi họ tự cho là tốt hơn mọi người khác và đánh giá mọi người chung quanh là thấp kém, là tội lỗi, là dân đất. Ước gì mỗi người Ki-tô hữu chúng ta đừng bao giờ đem mình ra so sánh với những người chung quanh rồi tự cho mình là tốt và tự mãn. Nhưng chúng ta phải biết so sánh những gì Chúa Giêsu đòi hỏi: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12); hay “ Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em là Đấng trọn lành” Sẽ giúp chúng ta khiêm nhường trước mặt Chúa và người đời.
Mạnh Phương
14 Tháng Ba

Tôi Muốn Con Tôi Sống
"Tôi muốn con tôi sống" đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu? Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.
Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: "Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước". Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: "Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm". Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa... Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: "Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống".
Tấm gương hy sinh cao cả của bà mẹ trên đây có thể gợi lên Tình Yêu của Ðấng đã nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì người mình yêu".
Cũng giống như một người mẹ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để cho đứa con được sống. Chúa Giêsu cũng đã hy sinh chính mạng sống của mình cho con người được sống. Sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn thông ban cho con người cũng chính là tình yêu của Ngài. Chịu treo trên thập giá, đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng, Chúa Giêsu chỉ muốn cho con người được sống và sống trong tình yêu. Ai sống trong tình yêu, người đó đang sống thực sự, bởi vì người đó đang sống trong Chúa.
Nhờ phép Rửa Tội, người Kitô chúng ta đang sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Ðó là kết quả của những giọt máu của Ðấng đã chịu chết vì chúng ta trên thập giá... Những giọt máu thần linh ấy một cách nào đó, đang châu lưu trong chúng ta. Máu ngừng chảy, máu không châu lưu, tình yêu không được san sẻ cho người khác, cũng sẽ làm cho con người chết khô cằn... Bao lâu chúng ta khước từ không san sẻ tình yêu cho người khác, chúng ta cũng chối bỏ chính tình yêu của Chúa.
(Lẽ Sống)
Thứ Năm 14-3

Thánh Maximilian

(c. 295)

N
gay từ thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta may mắn có được một tài liệu quý báu và hầu như không một chút thêm thắt trong bài tường thuật tử đạo của Thánh Maximilian ở Algeria ngày nay.
Bị điệu ra trước quan thống đốc Dion, Thánh Maximilian từ chối không chịu gia nhập đạo quân La Mã với lý luận như sau, "Tôi là Kitô Hữu, tôi không thể làm sự dữ, tôi không thể phục vụ trong quân đội."
Dion trả lời: "Ngươi phải phục vụ hoặc là chết."
Maximilian đáp lại: "Tôi không bao giờ phục vụ. Ông có thể chém đầu tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ là một người lính của thế giới này, vì tôi là một người lính của Ðức Kitô. Tôi thuộc về đạo binh của Thiên Chúa, và tôi không thể chiến đấu cho thế giới này. Tôi đã nói với ông, tôi là một Kitô Hữu."
Dion hỏi: "Dưới quyền của Diocletian và Maximian, Constantius và Galerius, cũng có những người lính là Kitô Hữu phục vụ thì sao."
Maximilian trả lời: "Ðó là vấn đề của họ. Tôi cũng là một Kitô Hữu, nhưng tôi không thể phục vụ."
Dion hỏi: "Nhưng làm lính thì có thiệt hại gì?"
Maximilian trả lời: "Ông biết rõ điều đó."
Dion nói: "Nếu ngươi không thi hành nghĩa vụ ta sẽ kết án tử hình vì sự khinh thường quân đội."
Thánh Maximilian trả lời: "Tôi sẽ không chết. Khi tôi từ giã cõi đời, linh hồn tôi sẽ sống với Ðức Kitô là Thiên Chúa của tôi."
Lúc ấy Thánh Maximilian 21 tuổi và ngài đã vui mừng dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Sau khi chứng kiến sự hành quyết, cha thánh nhân vui mừng trở về nhà, ông cảm tạ Thiên Chúa vì có được một món quà thật tốt đẹp để dâng lên Thiên Chúa.
www.nguoitinhuu.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét