NHỮNG MÔN ĐỆ ÂM THẦM
SUY NIỆM TUẦN THÁNH
Tuần Thánh là thời
gian trọng nhất của năm Phụng vụ. Giáo Hội tưởng niệm những sự kiện đặc biệt
của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
Đọc bài Thương Khó nhiều lần, tôi dừng lại nơi cuộc táng xác
Chúa và nghĩ về hai môn đệ âm thầm: Nicôđêmô và Giôxếp.
Việc táng xác Chúa
đựơc cả bốn Phúc Âm tường trình; Giôxếp và Nicôđêmô an táng Chúa (x. Mt
27,57-61; Ga 19,38-42; Lc 23, 50-55; Mc 15, 42-47 ).
Vào chiều tối ngày
Thứ Sáu đau thương, Giôxếp người ở xứ Arimathê đến xin Philatô cho tháo xác
Chúa xuống khỏi thập giá. Sau đó ông cùng với Nicôđêmô táng xác Chúa theo tục
lệ người Do Thái thời đó: tẩm liệm xác Chúa bằng thuốc thơm, quấn khăn liệm và
đặt trong mộ đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ. Mộ đá còn mới của ông Giôxếp và nằm
trong thửa vườn của gia đình ông. Vườn nầy lại gần nơi Chúa Giêsu chịu đóng
đinh. Lúc táng xác Chúa, có Bà Maria Mađalêna và Maria mẹ ông Giôxêt chứng kiến
(Mc 15,47). Chắc là có một số người khác nữa cùng tham dự cuộc táng xác; nhất
là Đức Mẹ, nhưng không thấy Phúc Âm nói đến.
Thật lạ lùng. Khi Chúa bị bắt, bị đánh đòn, bị sỉ nhục, các
môn đệ trốn chạy hết (Mc 14, 50).
Dưới chân thập giá
chỉ có Đức Mẹ, thánh Gioan, bà Maria vợ ông Cơlôpat và bà Maria Mađalêna (Ga
19, 25-26).
Lúc táng xác Chúa, cả bốn Phúc Âm chỉ nói tơi hai người trí
thức Do Thái: Giôxếp và Nicôđêmô. Ông Giôxếp đến xin Philatô và tháo xác, còn
ông Nicôđêmô đem một trăm cân mộc dược trộn trầm hương để tẩm xác Chúa. Ông
Giôxếp cho Chúa ngôi mộ của chính mình. Hai ông đều là thành viên Thượng Hội
Đồng Tối Cao Do thái, có chức quyền và giàu có. Họ đã ái mộ Chúa từ lâu và dấu
kín trong lòng. Đến khi Chúa chết, họ công khai biểu lộ lòng tin.
1. Nicôđêmô.
Trong Tin Mừng Gioan,
Nicôđêmô xuất hiện ba lần:
- Lần thứ nhất trong bài tường thuật (Ga 3,1-21). Ông đến
với Ðức Giêsu "ban đêm" để thảo luận với Ngài về tình yêu Thiên Chúa
và ơn cứu độ. Một người trí thức có địa vị và có thiện chí. Ông lén đến gặp
Chúa vào một buổi tối. Sau đó ông ra đi.
- Lần thứ hai (Ga
7,51), khi các thủ lãnh tôn giáo Do Thái muốn giết Ðức Giêsu. Là thành viên của
Thượng Hội Đồng, Nicôđêmô phản đối quyết định ấy. Ông nói: "Lề luật của
chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì
không?".
- Lần thứ ba (Ga
19,39-40), lúc táng xác Ðức Giêsu. Nicôđêmô đến để tẩm liệm thi hài Ðức Giêsu
một cách sang trọng như người ta tẩn liệm một vị vua: "Ông mang theo chừng
một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy
băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái".
Lần thứ nhất Nicôđêmô
đến với Ðức Giêsu để thưa chuyện với Ngài. Lần thứ hai ông lên tiếng bênh vực
Ngài. Và lần thứ ba ông tôn kính thi hài của Ngài. Nicôđêmô là hình ảnh minh
họa cho hành trình của người tìm đến với ánh sáng: "Ai sống theo sự thật
thì đến với ánh sáng".
2. Giôxếp thành Arimathê
Xuyên suốt Phúc âm không thấy nhắc đến tên ông. Xuyên suốt
cuộc đời Chúa, không thấy bóng dáng ông. Ông chỉ xuất hiện trong nghi thức táng
xác Chúa, và đựơc cả bốn Phúc âm kể lại.
- Theo Matthêu: Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông
này là người thành Arimathê, tên là Giôxêp (27,57).
- Theo Maccô: Ông là người thành Arimathê, thành viên có thế
giá của Hội Đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều đại của Thiên Chúa. Ông
mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu ( 15,43).
- Theo Luca: Khi ấy
có một người tên là Giôxếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương
thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng
Hội Đồng ( 23,50-51).
- Theo Gioan: Ông
Giôxếp này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do
thái (19,38).
Giôxếp là nhân vật
khá đặc biệt. Dựa vào bốn Phúc âm vừa kể, ta thấy ông có những đặc tính:
- Là người giàu có.
- Là người lương thiện, công chính.
- Là thành viên thế giá trong Hội đồng.
- Ông mong đợi Triều Đại Thiên Chúa đến.
- Ông không tán thành quyết định của Thượng Hội Đồng là giết
Chúa.
- Ông mạnh dạn xin Philatô cho tháo xác Chúa.
- Là người liệm xác Chúa.
- Là người cho Chúa mượn mộ của chính mình.
- Là môn đệ Chúa cách kín đáo vì sợ người Do thái.
- Ông chưa bao giờ dám bày tỏ sự thiện cảm của mình khi Đức
Giêsu còn sống.
(xin xem thêm: thư gửi ông Giôxêp, trong cuốn sách "Kẻ đi
tìm", Lm Nguyễn Tầm Thường).
Nicôđêmô và Giôxếp là hai môn đệ đặc biệt của Chúa Giêsu. Họ
là thành phần trí thức, giàu sang và có địa vị xã hội. Như thế không phải chỉ
có những người nghèo, bệnh tật, tội lỗi theo Chúa mà còn có một lớp “quan lại”
trí thức là thủ lãnh thế giá trong xã hội.
Cả hai ông đều theo Chúa cách kín đáo. Theo kín đáo vì sợ
(Ga 19,38). Sợ mất quyền lợi. Quyền thì cao, lợi thì lớn. Tất cả đều được xây
dựng và củng cố bởi cơ chế Do Thái giáo. Cơ chế ấy quá nghiệt ngã. Nó loại trừ
để củng cố. Bị loại trừ thì quyền và lợi bay theo mây khói. Ôi, quyền và lợi!
Đáng sợ vô cùng!
Thế nhưng, điều lạ lùng nữa là khi Chúa chết, cả hai ông
không còn sợ hãi. Ông Giôxếp hạ thi hài Chúa xuống. Ông Nicôđêmô mang đến một
trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Chúa, lấy băng vải
tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái (Ga 19,39). Hai
ông công khai đứng về phía Chúa, chấp nhận mọi mất mát. Hai ông thấy rõ mọi âm
mưu đen tối và bẩn thỉu của Thượng tế và Công nghị. Cả hai ông đều thương cảm
cái chết oan khiên đau đớn tủi nhục của Chúa. Lương tâm ngay thẳng của người
trí thức chân chính không cho phép họ sống hèn. Giôxêp “đã không tán thành
quyết định và hành động của Thượng hội đồng”. Sau cái chết của Chúa “Ông đã
mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu”. Ông phải đến với
Chúa trong giờ phút thương đau để tạ tội vì đã hơi hèn nhát.
Nicôđêmô và Giôxếp
được diễm phúc. Vinh dự như Simon người Cyrênê vác đỡ thập giá giúp Chúa trên
đường thương khó.
Nicodemo + Joseph Arimathea |
3. Nhiều môn đệ âm thầm
Nicôđêmô và Giôxếp là hai môn đệ âm thầm sống trong nội bộ
những người chống Chúa Giêsu. Người có thiện chí, thiện tâm thì ở trong cơ chế
nào, họ cũng là môn đệ của Chúa. (theo Lm Piô Phúc Hậu). Nếu vậy thì có lẽ
những trí thức can đảm như Lữ Phương, Bùi Minh Quốc, Ts Cù Huy Hà Vũ, Tiêu Dao
Bảo Cự, Đào Hiếu, Hà Sĩ Phu, Ts Nguyễn Thanh Giang, Luật sư Lê Trần Luật, Tạ
Phong Tần…và biết bao nhân sĩ khác đã dám vượt qua mọi sự đe dọa, trù dập, trấn
áp cho đến những thủ đoạn thấp hèn quen thuộc là đuổi việc, đuổi học để lên
tiếng cho sự thật…đều là môn đệ của Chúa như Giôxếp và Nicôđêmô!!! Sự sợ hãi
làm cho người ta trở nên hèn nhát. Ơn can đảm giúp người trí thức sống đúng
lương tâm chân chính.
Giữa cuộc đời cũng như trong mọi hình thái xã hội hôm nay,
những Giôxếp và Nicôđêmô hiện diện ở khắp mọi nơi. Rất lặng lẽ. Rất âm thầm.
Nhưng rất tích cực che mưa che nắng để hạt giống Tin mừng nảy mầm và lớn lên.
Chúa Giêsu chết và được mai táng trong mồ. Dầu thơm và hương
liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ. Các phụ nữ im lặng canh thức. Các
thiên thần đứng gác bên mộ. Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh
đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Chúa Giêsu. Nấm mồ bằng đá
nặng nề sẽ vỡ tan như vỏ trứng. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm sẽ mở tung
ra. Như cánh hoa hồng, như đôi môi thắm của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và
bình an. Sự sống mới sẽ xuất hiện ngang qua cái chết.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét