Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Đức Phanxicô: nội trị và ngoại giao


Đức Phanxicô: nội trị và ngoại giao


Hơn một tuần lễ đã qua kể từ ngày Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng, lấy hiệu là Phanxicô. Điều đặc biệt là ngài vẫn còn cư ngụ tại Nhà Thánh Marta, chưa dọn vào Tông Tòa, và có người cho rằng ngài rất thận trọng trong việc bổ nhiệm các chức vụ trọng yếu cho giáo triều, nhất là chức vụ quốc vụ khanh. Cho đến nay, toàn bộ giáo triều dưới thời Đức Bênêđíctô XVI vẫn được lưu dụng cho tới khi có chỉ thị mới.

Nội trị

Sự thận trọng của Đức Phanxicô, theo Sandro Magister, một phần do ngài muốn người ta thấy các nguyên tắc hướng dẫn việc cải tổ trước đã. Điều này thấy rõ ngay từ lần ngài xuất hiện đầu tiên tại bancông Nhà Thờ Thánh Phêrô sau khi được bầu: ngài muốn hai vị hồng y đứng bên cạnh ngài. Đó là Đức HY Agostino Vallini, đại diện của ngài coi sóc Giáo Phận Rôma, và Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Dòng Phanxicô, cặp bài trùng nhân cách hóa chương trình của ngài.

Đức Tân Giáo Hoàng muốn trước nhất là giám mục Rôma. Điều này thấy rõ ngay từ Chúa Nhật đầu tiên trong triều đại ngài: Ngài cử hành thánh lễ tại giáo xứ Thánh Anna, giữa số giáo dân hân hoan của mình. Ngài sẽ đi hết giáo xứ này tới giáo xứ nọ, thăm viếng từ trung tâm ra ngoại biên, “để phúc âm hóa thành phố hết sức tươi đẹp này”. Ngài sẽ tiếp xúc trực tiếp với mọi thành phần của giáo phận mà nay đã trở nên “nàng dâu” của ngài.

Rõ ràng, ngài muốn tự gọi mình là “giám mục Rôma” trước nhất. Nhưng ngay sau đó, ngài nói thêm rằng “Giáo Hội Rôma là giáo hội chủ trì mọi giáo hội khác trong yêu thương”. Đây là câu nói của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, giám mục tử đạo thế kỷ thứ hai, một câu nói vốn được dùng làm kim chỉ nam cho thế cân bằng quyền lực hết sức khó khăn giữa vị kế nhiệm Thánh Phêrô, giám mục Rôma, và các vị kế nhiệm của đoàn tông đồ, tức các giám mục thế giới, giữa việc thừa hành quyền tối thượng giáo hoàng và việc thừa hành tính hợp đoàn giám mục. Vào đầu thiên niên kỷ thứ hai, thế cân bằng này đã bị đánh đổ bằng cuộc ly giáo tách lìa các giáo hội Phương Đông ra khỏi Giáo Hội Rôma.

Nhưng trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, quyền tối thượng giáo hoàng đang chờ được cân bằng bởi hiệp đoàn giám mục. Việc này vốn đã được Công Đồng Vatican II tha thiết kêu gọi, nhưng ít được áp dụng trên thực tế. Và gần đây, vấn đề ấy đã được Đức Bênêđíctô XVI mạnh mẽ đặt ra trong một bài diễn văn chỉ trước khi ngài tuyên bố từ nhiệm ít lâu. Đức Phanxicô đã cho thấy rõ đó là điều ngài có ý định thực hiện.

Và để làm việc đó, ngài đã có sẵn thượng hội đồng giám mục thế giới. Nó gồm khoảng 2 trăm giám mục, đại diện cho khoảng gần 5 ngàn giám mục khắp thế giới. Các giám mục đại diện này họp 2 năm một lần ở Rôma để thảo luận một vấn đề khẩn trương đặc thù đối với đời sống Giáo Hội.

Thẩm quyền của nó chỉ có tính cách tư vấn và 28 lần họp xưa nay kể từ lần đầu tiên năm 1967, nó chỉ mới thoát được sự tẻ nhạt mà thôi. Đức Phanxicô rất có thể biến nó thành tham nghị (deliberative), dĩ nhiên “cùng với và dưới” thẩm quyền tối thượng của ngài. Nhưng trên hết, ngài có thể biến nhóm giám mục hạn chế gồm 3 giám mục cho mỗi châu lục được thượng hội đồng bầu lên để chuẩn bị cho thượng hội đồng kế tiếp thành một “hội đồng hoàng gia” (council of the crown) đích danh và thường trực.

Đối với một vị giáo hoàng như Đức Phanxicô, người muốn cảm nhận nhịp đập của Giáo Hội hoàn vũ từ Rôma, thì cơ chế này hẳn phải là khí cụ lý tưởng. Cũng cần ghi nhận rằng 12 vị được thượng hội đồng mới đây bầu lên đều là những tên tuổi sáng ngời như Timothy Dolan của New York, Odilo Scherer của São Paulo, Christoph Schönborn của Vienna, Peter Erdö của Budapest, George Pell của Sydney, Luis Antonio Gokim Tagle của Manila.

Tụ họp quanh mình các đại diện tối cao của giám mục đoàn thế giới ấy, mỗi tháng một lần, thậm chí thường xuyên hơn, bằng sự hiện diện thể lý ngay tại Rôma hay bằng hội nghị viễn liên (videoconference), hẳn Đức Phanxicô sẽ cai quản Giáo Hội như lòng mong muốn của Vatican II: nghĩa là với sự hỗ trợ hiệp đoàn thường trực trong các quyết định tối hậu với tư cách người kế nhiệm của Thánh Phêrô.

Sau đó, mới tới giáo triều. Đem nó trở lại với các trách vụ phục vụ khiêm tốn hơn, thay vì vai trò quyết định vốn không thuộc trách nhiệm của nó. Đức Hồng Y Hummes đã ngầm diễn tả điều này hai ngày sau khi Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng: “Rất nhiều người đang chờ đợi một cuộc cải tổ giáo triều và tôi chắc chắn ngài sẽ thực hiện điều đó, dưới các nguyên tắc cốt yếu, đơn giản và khiêm nhường như Tin Mừng đòi hỏi. Luôn luôn theo chân vị thánh mà ngài nhận tên. Thánh Phanxicô có lòng yêu mến cao độ đối với Giáo Hội phẩm trật, đối với đức giáo hoàng: ngài muốn các tu sĩ của ngài phải Công Giáo và vâng lời ‘ngài giáo hoàng’ (Lord pope) như ngài quen gọi”.

Nhắc đến Thánh Phanxicô ở đây không phải là việc tầm thường, đối với một vị giáo hoàng được chờ mong “sẽ sửa chữa lại Giáo Hội”. Trong cái huyền thoại giả tạo và duy bần về Phanxicô mà mấy ngày nay, nhiều người vốn áp đặt lên vị tân giáo hoàng, người ta tưởng tượng ra một Giáo Hội tháo bỏ mọi quyền lực, cơ cấu và giầu có để biến mình hoàn toàn thành tâm linh. Thực ra, đó không hẳn là lý tưởng sống của Thánh Phanxicô. Trong giấc mơ của Đức Innocentê III do Giotto vẽ, Thánh Phanxicô đâu có phá đổ Giáo Hội, trái lại ngài cõng Giáo Hội trên vai. Và chính Nhà Thờ Gioan Latêranô, tức nhà thờ chính tòa của Rôma, lúc đó vừa được trùng tu và trang hoàng tráng lệ, nhưng ra sấu xa do tội lỗi con người, cần được thanh tẩy. Rất ít môn đệ của Thánh Phanxicô rơi vào chủ nghĩa duy linh và lạc giáo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô được trường phái Dòng Tên cổ kính đào luyện vững chắc. Ngài chưa bao giờ nghĩ tới việc phá sập giáo triều. Nhưng dọn sạch nó thì có. Trong bài giảng lễ vào buổi sáng hai ngày sau khi được bầu, ngài có nhấn mạnh tới chữ “không thể quở trách được” với một số ít hồng y. Ngài luôn thận trọng giữ một khoảng cách đối với giáo triều, nhưng ngài hiểu rõ các bất trật tự và tội lỗi của nó. Ngài sẽ đòi sự trung thành hữu hiệu của mọi nhân viên giáo triều, một sự trung thành từng bị vi phạm một cách đầy tai tiếng trong mấy năm gần đây với việc rò rỉ những tài liệu cơ mật nhất, kể cả tài liệu riêng của Đức Bênêđíctô XVI. Ngài sẽ đòi một thi hành trung tín và nhanh chóng mọi chỉ thị của ngài. Ngài sẽ yêu cầu việc tái duyệt chi tiêu vì ngân sách năm 2012 có nguy cơ thâm thủng trở lại, theo các dự phóng được trình bày cho các hồng y trước khi dự cơ mật viện.

Khởi đầu, Đức Bênêđíctô XVI đã cố gắng đơn giản hóa giáo triều như phối hợp hai hội đồng văn hóa và đối thoại liên tôn, cả các hội đồng công lý và hoà bình, cũng như di dân nữa. Nhưng rồi, mọi sự trở lại như cũ khi nhiều bộ sở khác được tạo ra, như bộ tân phúc âm hóa do TGM Rino Fisichella đứng đầu. Tuy nhiên, bất đoàn kết mới là điều tồi tệ hơn cả. Mọi sở bộ đều tự tranh đấu cho mình, đôi khi sau lưng của Đức Giáo Hoàng. Vụ mưu toan xin Đức Bênêđíctô chấp thuận nghi thức phụng vụ quái dị của Neocatechumenals là một. Rất may khám phá ra, Đức Bênêđíctô đã yêu cầu Bộ Giáo Lý Đức Tin duyệt lại nghi thức đó.

Ngoại giao

Về ngoại giao, người ta tin rằng các ưu tiên của Đức Phanxicô sẽ không khác chi nhiều so với vị tiền nhiệm, chỉ khác ở phong cách mà thôi.

Giống các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô sẽ tiếp tục tranh đấu cho các Kitô hữu bị bách hại, cho tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Ngài sẽ tiếp tục nhắc nhở thế giới không được loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi khu vực công cộng.

Ngài sẽ tiếp tục bồi đắp các mối liên hệ với Do Thái Giáo, Hồi Giáo và các tôn giáo khác, tìm ra các cơ sở chung để hợp tác. Có thể ngài sẽ tìm cách mở liên hệ ngoại giao với những quốc gia chưa có liên hệ chính thức với Tòa Thánh như Trung Quốc và Saudi Arabia.

Việc ngài nhấn mạnh tới Thánh Phanxicô hứa hẹn sẽ là một lôi cuốn lớn: che chở người nghèo, cổ vũ hòa bình, bảo vệ môi sinh và trên hết trình bày với thế giới một viễn kiến thực sự có tính Công Giáo về công lý và hòa bình. Mặt khác, tính đơn thành mà Đức Phanxicô sử dụng để áp dụng các giá trị này vào việc giải quyết các vấn đề thế giới, nghĩa là lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, chắc chắn sẽ rất hữu hiệu.

Tuy nhiên, sự cởi mở của ngài, sự ấm áp và tự phát của ngài cộng với việc tuyệt đối trung thành với Huấn Quyền nhất định có ảnh hưởng nhiều hơn cả. Một nhà ngoại giao ẩn danh của Vatican mới đây cho Hãng Tin Zenit hay: vị này thấy trước sự liên tục đối với ý muốn khôn nguôi của Đức Bênêđíctô trong việc truyền bá sứ điệp Tin Mừng và giúp người ta nhận biết Chúa Kitô; nhưng tin rằng nhờ tính ấm áp và gần gũi đối với dân chúng của Đức Phanxicô, người ta càng trở nên “ý thức hơn đối với ơn thánh đã tiếp nhận”.

Vị chức sắc này nói thêm: “Đức Phanxicô có đủ mọi đức tính để trở thành nhà ngoại giao rất tốt vì điều quan trọng hơn cả nơi một nhà ngoại giao là yêu dân chúng và yêu Thiên Chúa. Nhưng ngài cũng mạnh mẽ về tín lý mà không mất đi sự cởi mở và gần gũi đối với dân chúng”. Vì nếu không gần gũi dân chúng, thì chỉ còn là giả tạo hay ngạo mạn mà thôi.

Trong tư cách giáo hoàng, Đức Phanxicô đã loại bỏ nhiều cái vướng vít trông thấy của quyền lực giáo hoàng và đặt mình về phía dân chúng. Vào ngày thứ Tư, khi nói chuyện với các đại biểu anh em, ngài đã tỏ lòng hết sức kính trọng, gọi Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew là “em Anrê của tôi”, vì Thượng Phụ vốn là người kế nhiệm của Thánh Anrê, em Thánh Phêrô. Nhưng nhân dịp này, Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì liên hệ với các tín hữu ngoài Kitô Giáo. Cách tiếp cận này vốn là đặc điểm rõ rệt thời ngài còn là TGM tại Buenos Aires. Người ta đã chứng kiến cảnh các đại biểu Do Thái Giáo và Hồi Giáo ôm hôn ngài thắm thiết như thế nào vào ngày thứ Tư qua. Sự thắm thiết ấy cũng thấy rõ trong cái hôn của ngài với Nữ Tổng Thống Argentina, Cristina Kirchner, dù hai bên từng “sống mái’ trong cuộc tranh đấu về hôn nhân đồng tính.

Chắc chắn ngài sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp khởi đầu từ Đức Phaolô VI là tông du ngoại quốc, trong đó, chuyến đi đầu tiên, chắc chắn là Ba Tây để chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Nhiều nước đã đặt lời mời ngài sang thăm viếng, như Argentina, Zimbabwe…

Về các tranh chấp hiện nay như tranh chấp Falkland chẳng hạn, chắc chắn Đức Phanxicô sẽ theo đường lối ngoại giao của các vị tiền nhiệm bằng cách giữ trung lập. Chính Phủ Anh đang rất quan tâm về lập trường của ngài lúc còn là TGM Buenos Aires. Nhưng thiển nghĩ lúc ấy, là một công dân Argentina, ngài không thể phát biểu khác hơn được. Và khi tình thế trở nên nghiêm trọng khiến đôi bên đi tới chiến tranh, chắc chắn ngài sẽ sử dụng một viên chức ngoại giao trung lập của Vatican để môi giới, như chân phúc Gioan Phaolô II từng làm lúc xẩy ra cuộc chiến Falkland trong thập niên 1980. Giống Đức Bênêđíctô XVI, chắc chắn ngài sẽ cố gắng lập liên hệ ngoại giao với những quốc gia như Saudi Arabia và Trung Quốc. Phong thái dễ dãi và kỹ năng ngoại giao tự nhiên của ngài chắc chắn sẽ đem lại nhiều thành công hơn trong lãnh vực này.

Tuy nhiên, các nguồn tin của Vatican cho hay đây không hẳn là ưu tiên số một của ngài, đúng hơn ưu tiên ấy là tình hình nội bộ của Giáo Hội. Việc này dĩ nhiên bao gồm liên hệ với đoàn ngũ giám mục hoàn cầu và giáo triều như trên đã nói.

Về nội bộ giáo triều, tuy các câu truyện tranh dành quyền lực, tham vọng trần tục thường bị báo chí thế tục cường điệu hóa, nhưng các viên chức Tòa Thánh nhìn nhận có sự thiếu thông đạt giữa các bộ sở với nhau. Cụ thể là các rò rỉ có tên Vatileaks phần lớn chỉ được các viên chức này biết đến qua báo chí thế tục. Nội bộ giáo triều không biết gì cả. “Chúng tôi chỉ biết tới các bề trên của mình, chứ hàng ngang thì không biết chi hết… không biết điều gì xẩy ra ở sở bộ bên cạnh”.

Đúng như nhận định của Đức Phanxicô lúc còn là TGM ở Buenos Aires, phần đông giáo triều gồm những người có nhiệt tâm. Phần đông các nhân viên này cho Zenit hay họ không thấy thối nát ở đâu cả và họ không hề coi việc làm tại giáo triều như một nghề nghiệp, mà là một ơn gọi, nên lúc nào cũng cố gắng hồi tâm với ơn gọi ấy. Ngoài giờ làm, họ tới các giáo xứ lân cận để phụ giúp về mục vụ.
Vũ Văn An 3/21/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét