Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Đức Phanxicô: tuy bất đồng, anh em vẫn thương yêu nhau


Đức Phanxicô: tuy bất đồng, anh em vẫn thương yêu nhau

Càng ngày càng có nhiều chuyện lý thú về Đức Phanxicô. Trên trang mạng http://reflectionsofaparalytic.com của Chelsea Zimmerman, có giai thoại sau đây trích từ ấn bản trực tuyến của tờ La Nacion, tờ báo lâu đời nhất và danh tiếng nhất của thủ đô Argentina: buổi sáng nào, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio cũng tới một sạp báo gần nhà thờ chính tòa Buenos Aires để mua báo đọc. Gần tới ngày Cơ Mật Viện bầu tân giáo hoàng, người chủ sạp báo nói đùa với ngài: “phải Cha sắp đi Rôma để lãnh gậy chỉ huy phải không?”. Ngài trả lời: “Gậy chỉ huy cái gì, roi sắt nung đỏ thì có! Đừng có ngưng giữ báo cho tôi đó, tôi sẽ trở lại trong ba tuần”. Bởi vậy, sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã điện thoại cho người chủ sạp báo để từ biệt và yêu cầu đừng giữ số báo cho ngài nữa!

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyện lý thú ấy vẫn đang dai dẳng lời tố cáo ngài đồng loã với độc tài quân sự Argentina trong thập niên 1970, lúc còn là giám tỉnh Argentina của Dòng Tên. Số là năm 2005, một luật sư nhân quyền đã chính thức khởi tố Đức Hồng Y Bergoglio, lúc còn là giám tỉnh Dòng Tên, đã liên lụy tới việc Hải Quân bắt cóc hai linh mục Dòng Tên vào năm 1976, giữa thời có Cuộc Chiến Bẩn Thỉu. Lời khởi tố của luật sư này không nói rõ bản chất việc liên lụy của Đức Hồng Y, và phát ngôn viên của Đức Hồng Y đã cực lực phản bác lời tố cáo này. Bởi thế, vụ án đã bị hủy bỏ.

Hai linh mục ở đây chính là hai cha Orlando Yorio và Franz Jalics. Hai cha bị tra tấn, nhưng 5 tháng sau, người ta thấy các ngài còn sống, bị đánh thuốc mê và gần như trần truồng. Cha Yorio tố cáo rằng trên thực tế, giám tỉnh Bergoglio đã nộp các ngài cho lý hình bằng cách không chịu nói với chế độ là mình ủng hộ việc làm của các ngài. Yorio sau đó đã bỏ Dòng, và qua đời năm 2000, nhưng trong một cuộc phỏng vấn năm 1999, ông cho hay: ông tin giám tỉnh Bergoglio đã không làm gì “để giải cứu chúng tôi, thực tế, ngài đã làm ngược lại”. Cha Jalics thì từ chối thảo luận về lời tố cáo này, sau khi vào sống ẩn dật tại một đan viện Đức. Tuy nhiên, ngày 15 tháng 3, sau khi Đức HY Bergoglio được bầu làm giáo hoàng, ngài đã đưa ra lời tuyên bố xác nhận vụ bắt cóc và qui nguyên nhân cho một đồng nghiệp giáo dân. Anh này trở thành một du kích quân, rồi bị bắt và đã khai Yorio và Jalics với nhà cầm quyền khi bị tra vấn đã man. Cha Jalics còn cho rằng “Tôi không thể bình luận gì về vai trò của Cha Bergoglio trong các diễn trình này” và cho hay đã làm hòa với ngài. Cha cũng coi như vụ việc đã được xếp lại.

Ấy thế, nhưng một số báo chí vẫn trì chí nhắc lại chuyện cũ với ẩn ý bôi lô vị giáo hoàng mà không phải chỉ có người Công Giáo mới hết lời ca tụng. Sự thực là chính phủ quân sự trước đây của Argentina đã để lại cho người dân nước này một vết thương sâu xa đến nỗi nay vẫn chưa lành. Hầu như ngày nào cũng có một vụ án xử các viên chức cũ về tội vi phạm nhân quyền. Hơn 600 người đã bị kết án về các tội ác như tra tấn, đánh cướp trẻ thơ, giam cầm trái phép và sát nhân. Đức Hồng Y Bergoglio từng ra làm chứng cho hai vụ, nhưng không bao giờ bị điều tra cả. Hiện không có chứng cớ gì cho thấy ngài hợp tác với chế độ quân phiệt ấy, dù gần đây, cơ quan tư pháp của Argentina cho rằng Giáo Hội có đồng lõa trong nhiều lạm dụng. Có điều, Đức HY Bergoglio hồi ấy không phải là thành viên của hàng giáo phẩm.

Tuy nhiên, có lẽ để trả lời cho hai cuộc điều tra của báo chí năm 1986 và 2005 với kết luận cho rằng ngài gần gũi với chế độ quân phiệt, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 2010 với các người viết tiểu sử của ngài, Đức HY Bergoglio hoàn toàn bác bỏ các lời tố cáo thuộc loại này. “Trái lại, tôi đã cố gắng giúp đỡ nhiều người vào lúc đó”. Thậm chí, ngài còn đưa cả căn cước cho một người trông giống ngài để họ có thể trốn khỏi Argentina.

Chính Alicia Oliveira, một cựu chánh án Argentina, cũng cho biết: “Ngài phê phán kịch liệt chế độ độc tài. Tuần nào, ngài cũng tới nhà tôi hai lần, cho tôi thấy mối quan tâm của ngài đối với các linh mục đang hoạt động xã hội trong các vùng ổ chuột. Khi hai linh mục bị bắt cóc, ngài gặp Emilio Massera, lúc đó đang chỉ huy Hải Quân, để xin thả hai vị này ra”. Và sự thực nữa là hai Cha Yorio và Jalics đã được thả hồi tháng Mười năm 1976.

Graciela Fernández Meijide, một thành viên của Nghị Hội Thường Trực cho Nhân Quyền, cũng cho rằng không có chứng cớ nào liên kết Bergoglio với chế độ độc tài. Bà cho hay: “không có một tư liệu nào và Bộ Tư Pháp không thể chứng minh được điều đó. Tôi đã ở trong Nghị Hội suốt các năm của chế độ độc tài và từng tiếp nhận hàng trăm lời chứng. Nhưng không lời nào nhắc đến Bergoglio. Điều này cũng đúng đối với Ủy Ban Quốc Gia về Người Mất Tích. Không ai nhắc đến ngài như người xúi giục hay chủ mưu cả”.

Một nhân chứng giá trị khác là Adolfo Perez Esquivel, người được giải Nobel về Hòa Bình năm 1980, và rất am tường thời kỳ này trong lịch sử Argentina. Lúc đó, ông là một nhà tranh đấu cho nhân quyền và bị chế độ quân sự bắt giam năm 1977, bị giam bí mật 14 tháng và bị tra tấn rất dã man. Ông cho Mundo của Đài BBC hay: “có một số giám mục đồng loã với chế độ quân sự, nhưng Bergoglio thì không. Ngài bị tố cáo không cố gắng đủ trong việc đưa hai linh mục ra khỏi tù, nhưng đích thân tôi biết có nhiều giám mục yêu cầu độc tài quân sự thả tự do cho một số tù nhân mà nào có được. Nhất định không có liên hệ nào giữa Bergoglio và độc tài”.

Dĩ nhiên, ngài cũng chẳng thân thiện gì với các nhóm cấp tiến, đấu tranh xã hội. Đơn giản vì ngài là người dứt khoát bác bỏ các chủ trương ủng hộ hôn nhân đồng tính hay cho phép phá thai. Dù phát ngôn viên của Tòa Thánh cho rằng những lời tố cáo chống lại Đức Hồng Y Bergoglio phát xuất từ “một số thành phần phe tả chống giáo sĩ”, nhưng như Raymond Arroyo, giám đốc tin tức của hệ thống EWTN, phát biểu trên Đài CNN ngày 13 tháng 3, phe tả này không hẳn chỉ là chống giáo sĩ mà còn phát xuất từ chính hàng ngũ giáo sĩ nữa, những giáo sĩ Dòng Tên cấp tiến, quá khích, ngả theo Thần Học Giải Phóng, rất nhiều hồi ấy.

Về điều trên, linh mục “cấp tiến” Thomas Reese, Dòng Tên, nguyên chủ bút tạp chí America, phải từ chức vì áp lực của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, nay là chuyên viên tại Trung Tâm Thần Học Woodstock tại Washington D.C., nhận định trên tờ National Catholic Reporter, ngày 17 tháng 3, rằng Dòng Tên đầy những người thông minh, hết sức nồng nhiệt đối với các suy nghĩ và việc làm của mình, nên lẽ dĩ nhiên họ có những tranh luận và bất đồng với nhau như bất cứ gia đình nào. Tôi từng có những cuộc tranh luận to tiếng với các tu sĩ Dòng Tên khác trong cả các bữa ăn, nhưng điều ấy không có nghĩa tôi không yêu thương họ và không sẵn sàng chết cho họ. Chúng tôi là một gia đình”. Huống hồ, Bergoglio còn là cha giám tỉnh lúc Yorio và Jalics bị bắt cóc!

Một trong các bất đồng trên là Thần Học Giải Phóng mà hồi ấy “được nhiều tu sĩ Dòng Tên Châu Mỹ La Tinh ủng hộ”. Nhưng linh mục Reese cho rằng bất đồng gì thì bất đồng, cả hai “phe” trong Đạo Công Giáo ở Nam Mỹ đều đã tranh đấu cho người nghèo. Jorge Mario Bergoglio là một điển hình như thế nào trong lãnh vực này, bất luận ai cũng phải thừa nhận.

Bất đồng nữa là phản ứng đối với chế độ quân sự tại Argentina. Theo linh mục Reese, là một giám tỉnh, dĩ nhiên Bergoglio chịu trách nhiệm về sự an toàn của anh em mình. Ngài sợ Yorio và Jalics gặp nguy hiểm, nên muốn hai người rời bỏ khu hoạt động. Dĩ nhiên, họ không nghe theo. Rồi họ bị bắt cóc, do một đồng nghiệp giáo dân tố cáo. “Độc tài quân phiệt không nhận tin tức gì từ Bergoglio. Trái với tin đồn, ngài không xóa tên họ khỏi Dòng, họ vẫn được Dòng che chở, vì họ là tu sĩ Dòng Tên khi bị bắt”.

Nhà sử học Dòng Tên là Cha Jeff Klaiber có phỏng vấn một linh mục Dòng Tên là Cha Juan Luis Moyano, người từng bị chế độ quân sự Argentina cầm tù và trục xuất. Klaiber cho hay: Bergoglio quả có vận động cho hai tu sĩ Dòng bị bắt.

Linh Mục Reese cũng kể một tố cáo khác cho rằng Bergoglio cung cấp tư liệu về các tu sĩ Dòng Tên cho chế độ quân phiệt. Nhưng thực ra việc cung cấp tư liệu này diễn ra nhân dịp Bergoglio xin gia hạn thông hành cho một trong các tu sĩ Dòng Tên. Việc này không những xẩy ra sau khi các tu sĩ này đã bị bắt, mà còn đã được thả ra và đã an toàn ở ngoài xứ sở. Ngài không nói bất cứ điều gì có hại cho họ, và không nói bất cứ điều gì mà chính quyền chưa biết. Ngài chỉ cố gắng thuyết phục nhà cầm quyền gia hạn thông hành cho tu sĩ đó để ông tiếp tục ở lại Đức mà thôi, khỏi phải trở về Argentina.

Mary Anastasia O’Grady, một phóng viên kỳ cựu và là một chủ bút của tờ Wall Street Journal, trong một bài ngày 17 tháng 3, thì cho rằng những con chó săn của chính phủ Argentina hiện nay chính là người đã mở ra chiến dịch bôi lọ Đức Phanxicô. Điều gây ngạc nhiên, là ngài đã hôn má người cầm đầu chính phủ ấy, bà Cristina Fernandez de Kirchner, khiến bà ta phải kêu lên “Trời đất, tôi chưa bao giờ được một giáo hoàng hôn má”. Về điều này hình như báo chí thế tục khó có thể hiểu nổi, bởi họ vẫn lên tiếng dè bỉu việc ngài tiếp đón tên cùng đinh chính trị (pariah) của Âu Châu: Tổng Thống Robert Mugabe của Zimbabwe.

Vũ Văn An 3/20/2013-vietcatholic.org



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét