Ngày 15/04/2013
Thứ Hai Tuần III Mùa Phục Sinh Năm C
BÀI ĐỌC I: Cv 6, 8-15
"Họ
không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy,
Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả
thể trong dân. Bấy giờ có nhóm người kia thuộc hội đường mệnh danh là "của
những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria", và những người khác từ xứ
Cilicia và Tiểu Á, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương
đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. Họ xúi giục một số
người nói lên rằng: "Chúng ta đã nghe nó nói những lời lộng ngôn phạm đến
Môsê và Thiên Chúa". Họ xách động dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ; rồi họ
tuôn đến bắt Têphanô điệu tới công nghị. Họ đưa ra những người làm chứng gian
nói rằng: "Tên này không ngớt nói những lời xúc phạm đến nơi thánh và lề
luật, vì chúng tôi nghe nó nói rằng: 'Ông Giêsu Nadarét sẽ phá nơi này, và thay
đổi các tập tục Môsê truyền lại cho chúng ta'". Toàn thể cử toạ trong công
nghị chăm chú nhìn Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 23-24. 26-27. 29-30
Đáp: Phúc cho ai theo
đường lối tinh toàn (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
1) Dầu vua chúa hội lại và buông lời đả kích,
tôi tớ Ngài vẫn suy gẫm về thánh chỉ Ngài. Vì các lời nghiêm huấn của Ngài là
điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. - Đáp.
2) Con đã trình bày đường lối của con và Chúa
nghe con, xin dạy bảo con các thánh chỉ của Ngài. Xin cho con am hiểu đường lối
huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. - Đáp.
3) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và
rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. Con đã chọn con đường chân lý, con
quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và
đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 22-29
"Hãy
ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho
đến cuộc sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Hôm sau, đám người còn
ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà
Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi.
Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh
sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.
Khi đám đông thấy
không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và
đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ
biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?"
Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải
vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê.
Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn
tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi.
Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng:
"Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu
đáp: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài
sai đến". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Hãy
Tin Ðấng Thiên Chúa Ðã Sai
Khởi đầu cho nghề nghiệp phim ảnh của nhà đạo
diễn kiêm sản xuất phim nổi tiếng khá đặc biệt so với những người khác, đó là
Charlot. Năm lên 17 tuổi, Charlot đến New
York để học về âm nhạc, và mộng ước của anh đã toại
nguyện, anh đã trở thành một nhạc sĩ. Nhưng để có tiền ăn học trong thời gian
này, anh đã xin một chân giữ trật tự trong rạp hát. Anh được trao cho một bộ
quần áo đặc biệt với chiếc mũ rộng vành và lên trước sân khấu ra hiệu lệnh:
"Xin quí vị vui lòng vào chỗ ngồi. Buổi chiếu phim bắt đầu".
Charlot chẳng thích mấy câu hiệu lệnh ngắn
ngủi và nhàm chán này. Thay vào đó, anh giới thiệu một vài điều về cuốn phim
sắp chiếu. Khán giả rất hài lòng về cách giới thiệu ấy, và khi cần, hiệu lệnh
vẫn được ổn định. Tuy nhiên, nếu muốn lôi cuốn khán giả, Charlot lại phải tìm
hiểu về phim ảnh nhiều hơn. Và rồi từ giấc mộng trở thành nhạc sĩ, anh đã trở
thành nhà đạo diễn kiêm sản xuất phim lúc nào chẳng hay.
Anh chị em thân mến!
Từ lúc nghe tiếng gọi: "Hãy theo Ta"
và từ lúc theo Ðức Giêsu, chắc chắn các tông đồ chẳng hiểu bao nhiêu về Thầy
mình và những giáo lý của Thầy. Hai thánh tông đồ Philipphê và Giacôbê cũng
không nằm ngoài nhóm ấy.
Ðược gọi là môn đệ của Ðức Giêsu nhưng lại
chẳng hiểu biết bao nhiêu về giáo huấn của Ngài quả là một điều đáng trách. Tuy
nhiên, nó không khiến cho con người bị quở trách cho bằng một thái độ tự mãn và
cố chấp trong những điều không hiểu biết ấy. Như Chúa Giêsu đã không tiếc lời
với biệt phái và luật sĩ, những kẻ tự cho mình là những người nắm giữ chìa khóa
khôn ngoan.
Sai lầm và ngộ nhận là thân phận của con
người, con người sẽ không bị trách phạt về những khiếm khuyết ấy, nếu họ biết
thành thật trao đổi với Ðức Giêsu. Phêrô đã âu lo hỏi Thầy: "Chúng con bỏ
mọi sự mà theo Thầy thì sẽ được gì?" Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ xin cho
được một chỗ ngồi bên phải và bên trái Thầy. Philipphê xin được thấy Chúa Cha.
Khiếm khuyết đã làm cho các ông trở thành đối tượng của khinh ghét, coi thường,
nhưng lại là những cơ hội quí báu cho các ông hoặc cho những ai đang nghe Chúa
giảng được thật sự thấu hiểu về Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài.
Ðằng khác, những thiếu sót và hiểu biết cũng
không cất đi sứ mạng rao giảng của người môn đệ. Không phải đợi đến lúc đầy
kiến thức con người mới giới thiệu Thiên Chúa cho kẻ khác, chỉ cần mới biết về
Ngài là họ đã nhận nhiệm vụ nói về Ngài. Vừa được gặp Ðức Giêsu xong, Philipphê
liền giới thiệu cho Nathanael, và có lẽ suốt thời gian theo Thầy ông cũng không
ngừng giới thiệu Thầy. Vì thế mà nhóm người Hy Lạp lúc về dự lễ tại Giêrusalem
đã nhờ ông dẫn đến gặp Chúa Giêsu.
Rao giảng Ðức Giêsu, đó là nhiệm vụ được trao
ban cho những ai đã được nghe biết về Ngài, dù cho đó chỉ là một lần gặp gỡ, dù
cho đó là thời gian thuận tiện hay không.
Trong cuộc sống hằng ngày, ước mong mỗi người
trong chúng ta sẽ học biết nơi hai thánh Philipphê và Giacôbê thái độ đối thoại
chân thành, không hổ thẹn về các khiếm khuyết nhưng sẵn sàng rộng mở để rồi
chúng sẽ trở thành những cơ hội quí báu được hiểu biết thêm về Chúa và về anh
em. Ðồng thời cũng không quên nhiệm vụ giới thiệu Ðức Kitô cho người khác, một
nhiệm vụ được trao ban từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội.
(Veritas
Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ
Hai Tuần III PS
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tin vào Đấng mà
Thiên Chúa sai đến.
Cùng chứng kiến một sự kiện, nhưng mỗi người
nhìn dưới góc cạnh khác nhau: Có những người nhìn ra sự thật ngay; có những
người mất thời gian lâu dài mới có thể nhận ra sự thật; nhưng cũng có những
người cố giữ thái độ ngoan cố không chịu nhìn nhận sự thật. Trong biến cố Tử
Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô cũng thế: Khi các Tông-đồ và nhiều người Do-thái
nhận ra lầm lỗi của họ, qua việc kết án và đóng đinh Con Thiên Chúa, họ đã ăn
năn sám hối và trở lại làm chứng cho Ngài; nhưng ngược lại, vẫn có những người
ngoan cố không chịu tin, họ tiếp tục dùng sức mạnh và mưu mô để truy tố và luận
tội các môn đệ của Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay vạch ra những cái nhìn sai
trái và hành động không đúng của con người. Trong Bài Đọc I, Phó-tế Stephanô
tranh luận với những người Do-thái thuộc Nhóm nô lệ được giải phóng về giáo lý
của Chúa Giêsu về Đền Thờ và Lề Luật. Dù họ không địch nổi với ông, họ vẫn tìm
người phao tin đồn thất thiệt để có cớ bắt ông trao cho Thượng Hội Đồng. Trong
Phúc Âm, dân chúng đi tìm Chúa Giêsu, không phải vì nhận ra Ngài là Đấng Thiên
Sai, nhưng vì để có lương thực hàng ngày. Chúa Giêsu sửa sai lối nhìn của họ:
“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương
thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban
cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác
nhận.”
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Họ thấy mặt ông giống như mặt thiên
sứ.
1.1/ Xung đột giữa Phó-tế Stephanô và hội đường
của Nhóm nô lệ được giải phóng: Ông là một trong 7 Phó-tế mới được chọn để phục vụ cho các bà
góa theo văn hóa Hy-lạp. Ông được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm
thiêng dấu lạ lớn lao trong dân.
Đối thủ của ông là những người thuộc hội đường
gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Cyrene
và Alexandria .
Họ cùng với một số người gốc Cilicia và Asia ,
đứng lên tranh luận với ông Stephanô; nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan
mà Thánh Thần đã ban cho ông. Khi không dùng trí khôn ngoan để thắng ông được,
họ quay qua dùng những thủ đoạn hèn hạ. Họ bầy mưu tố cáo Stephanô bằng cách
xui mấy người phao lên rằng: "Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm
đến ông Moses và Thiên Chúa."
1.2/ Phó-tế Stephanô bị bắt và buộc tội: Những người này sách
động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội
Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: "Tên này không ngừng nói
những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng
Giêsu người Nazareth
sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Moses đã truyền lại cho
chúng ta." Phó-tế Stephanô có lẽ đã tranh luận với họ về 3 điểm chính:
(1) Nơi Thánh (tức Đền Thờ) phải qua đi để mọi
người có thể thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý (Jn 4:20-24). Sự thật hiển nhiên
là tuy Đền Thờ Jerusalem đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 70 AD, Dân Chúa vẫn
tiếp tục thờ phuợng Chúa ở mọi nơi, mọi thời, và mọi lúc.
(2) Lề Luật phải hướng tới sự làm nên trọn vẹn
của Đức Kitô, và Tin Mừng của Ngài cần được rao giảng cho mọi người; chứ không phải để họ
tự ý phiên dịch Lề Luật, rồi bóc lột dân nghèo và đàn áp những người công
chính.
(3) Ơn Cứu Độ dành cho mọi người: Người Do-thái vẫn tự
tôn nghĩ rằng chỉ có họ mới là con Thiên Chúa và xứng đáng được cứu độ, mọi dân
tộc khác chỉ xứng đáng làm nô lệ cho họ và tiền định để sa hỏa ngục. Họ không
biết rằng đặc quyền Thiên Chúa ban cho họ, là để họ mang nhiều người về cho
Thiên Chúa.
Họ biết ông vô tội qua lời trình thuật: “Toàn
thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Stephanô, và họ thấy
mặt ông giống như mặt thiên sứ.” Nhưng họ vẫn ngoan cố buộc tội ông như đã từng
buộc tội Chúa Giêsu.
2/ Phúc Âm:"Việc Thiên Chúa muốn cho các ông
làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."
2.1/ Dân chúng kéo nhau đi tìm Chúa Giêsu vì muốn
được ăn no:
Trình thuật hôm nay tiếp tục trình thuật Chúa làm phép lạ “Bánh hóa nhiều” cho
dân chúng ăn no nê; sau đó, họ muốn tôn Ngài làm vua. Chúa Giêsu truyền lệnh
cho các Tông-đồ chèo thuyền qua Capernaum
trước, còn Ngài đi lên núi cầu nguyện. Ngài đến cứu các ông khi Biển Hồ dậy
sóng và đưa các ông cặp bến bình an.
Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên
kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng
xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có
những thuyền khác từ Tiberias đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi
Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều
không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Capernaum
tìm Người.
Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói:
"Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?"
Đức Giêsu thấu hiểu những gì trong lòng họ,
nên Ngài đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải
vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”
2.2/ Chúa Giêsu khuyên họ hãy tìm những giá trị
vĩnh cửu.
(1) Lương thực hư nát và không hư nát: Ngài khuyên bảo họ:
“Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có
lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ
ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác
nhận." Lương thực mau hư nát Chúa Giêsu muốn nói ở đây là của ăn uống nuôi
dưỡng phần xác, chúng vào qua cửa miệng rồi tan biến đi. Lương thực không hư
nát là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa như sẽ được đề cập đến gần cuối chương 6;
những lương thực này sẽ nuôi dưỡng phần linh hồn của con người, và giúp họ đạt
đến cuộc sống vĩnh cửu sau này.
(2) Thi hành thánh ý của Thiên Chúa: Họ liền hỏi Người:
"Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" Đức
Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng
Người đã sai đến." Ngoài những lương thực mà Chúa Giêsu sẽ ban cho, họ còn
phải luôn mong muốn chu toàn thánh ý Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã tuyên
bố với các Tông-đồ khi các ông thúc giục Ngài ăn: “Của ăn Ta là làm theo ý Đấng
đã sai Ta” (Jn 4:34). Ý của Thiên Chúa muốn cho mọi người là tin vào Chúa Kitô
để được hưởng ơn Cứu Độ.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải giữ một thái độ khách quan và
thiện chí khi đi tìm sự thật, và cầu xin để Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng
dẫn chúng ta nhận ra sự thật.
- Chúng ta phải dùng sự khôn ngoan của Thiên
Chúa ban để nhận ra và hướng dẫn người khác nhận ra và chấp nhận sự thật. Đừng
bao giờ dùng sức mạnh để bắt ép, và dùng những mưu mô thủ đọan để truy tố những
người công chính.
- Chúng ta hãy ra sức tìm những của ăn không
hư nát: Thiên Chúa, Lời Chúa, Mình Chúa, Ý Chúa, sự thật, cuộc sống đời sau,
công bằng và bác ái… Đừng để những lo lắng và cám dỗ thế gian làm chúng ta quên
đi hay không dám sống cho những giá trị vĩnh cửu này.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 3 MÙA PHỤC SINH
Ga 6,22-29
A. Hạt giống...
Bắt đầu bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể :
Vì đã được ăn bánh nô nê nên dân chúng tiếp tục đi tìm Chúa Giêsu. Sáng hôm
sau, họ tìm gặp Ngài ở phía bên kia biển hồ. Ngài nói với họ : "Các ngươi
tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được
ăn bánh no nê." Rồi Ngài dạy họ tìm một thứ lương thực khác quan trọng hơn
: "Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng
vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".
B.... nẩy mầm.
1. Vì còn mang thân xác nên con người còn
bám víu quá nhiều vào những thứ thỏa mãn các nhu cầu của thân xác. Thế nhưng là
tín hữu, chúng ta đã biết ngoài sự sống thân xác này còn sự sống linh hồn nữa. Lời
Chúa Giêsu nhắc nhở dân chúng ngày xưa cũng là nhắc nhở chúng ta ngày nay :
hằng ngày chúng con thường tìm gì : tìm những thứ thoả mãn như cầu thân xác hay
thoả mãn nhu cầu tâm linh ?
2. Một lời nhắc nhở khác của Chúa : chúng
con thường ra công làm việc vì cái gì : vì thức ăn hay hư nát hay vì thức ăn
tồn tại cho đến cuộc sống đời đời ?
3. "Nhà đấu quyền anh J. Demsey chỉ có
thể thiếp ngủ được vào lúc 2 giờ sáng sau khi đoạt giải vô địch chiều trước đó.
Nhưng ngủ được một tiếng đồng hồ, anh bỗng giật mình thức giấc vì nằm mơ thấy
mình mất chức vô địch. Rồi vì không ngủ được, anh đi ra phố mua tờ báo vừa mới
xuất bản để đọc lại những lời tường thuật trận đấu, hầu trấn an là mình còn giữ
chức vô địch. Demsey ghi lại cảm tưởng của mình thế này : "Sau khi đọc bài
báo, tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ
tưởng trước đó. Sau biến cố, tôi vẫn còn cảm thấy trống rỗng" (...) Có bao
giờ chúng ta cảm nghiệm được như anh Demsey không ? Chúng ta dồn tất cả tài
năng, sức lực cho một danh vọng, một địa vị nào đó. Nhưng cuối cùng chỉ thấy
trống rỗng, vô nghĩa, bởi vì nó không giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đích
thực. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên tiếng cảnh tỉnh : đừng mải mê chạy
theo những điều không đem lại hạnh phúc đích thực" ("Mỗi ngày một tin
vui").
4. "Hãy ra công làm việc không phải vì
lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường
sinh"
Tôi đến nhà thờ mỗi tuần hầu như chỉ vì
thói quen, vì khoe khoang quần áo hay tỏ ra mình là người đạo đức. Tôi đến với
Chúa hầu như để giảm bớt cơn sầu hoặc xin xỏ ơn này ơn nọ.
Mặt khác tôi sống làm việc, học tập chẳng
qua chỉ vì muốn tìm cho mình một việc làm có lương bổng cao, một địa vị kha khá
để mọi người phải kiêng nể.
Tôi nào biết mình đã nhắm sai mục đích. Mục
đích trọng yếu là : "Sư sống đời đời". Điều mà tôi chỉ thoáng nghĩ
tới như một ý nguyện mơ hồ.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết ra đi tìm
kiếm Chúa, biết quy tụ mọi điểm về Chúa, biết kiếm tìm của ăn không hư nát là
chính Chúa và giáo lý của Ngài. (Epphata)
5. (những mầm khác)
Lm.Carolo
HỒ BẠC XÁI- Gp.Cần Thơ
15/04/13 THỨ
HAI TUẦN 3 PS
Ga 6,22-29
Ga 6,22-29
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
“Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, là tin vào Đấng Ngài đã
sai đến.”
(Ga 7,28)
Suy niệm: Khát vọng sâu xa và mãnh liệt
nhất của con người là được trường sinh. Con người đã tìm đủ mọi cách để đạt
được khát vọng đó, nào là: chế tạo những biệt dược cải lão hoàn đồng, nào là
thể dục dưỡng sinh…; nhưng chưa một ai thành công trong việc thoát khỏi quy
luật sinh tử của tạo hóa. Sống mãi trong chính con người của mình không được,
thôi thì tìm cách sống mãi qua con cháu, danh tiếng, sự nghiệp... vậy! Thế
nhưng cả những cách đó cũng không giúp con người đạt được khát vọng. Con người
chỉ có thể trường tồn nhờ hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống. Và để đi vào
hiệp thông với Thiên Chúa, con người phải đi qua “cửa đức tin”: “Việc Thiên Chúa muốn các ông phải làm là tin vào Đấng Ngài sai
đến.”
Mời Bạn: Tin là cửa dẫn vào đời sống
hiệp thông với Thiên Chúa. Để tăng cường đức tin, trong tông thư “Cửa Đức Tin”
ĐTC Bênêđictô đề ra nhiều phương thế: 1. Đừng ai trong chúng ta trở nên lười
biếng trong đức tin. 2. Tái khám phá hành trình đức tin. 3. Trình bày sức mạnh
và vẻ đẹp của đức tin. 4. Tái ý thức chính xác về đức tin của mình. 5. Học giáo
lý. 6. Hoán cải đời sống. 7. Gia tăng suy tư về đức tin. 8. Tăng trưởng đức tin
bằng cảm nghiệm tình yêu. 9. Cử hành đức tin trong phụng vụ. 10. Hiểu biết nội
dung đức tin và tuyên xưng đức tin. 11. Duyệt lại lịch sử đức tin. 12. Tăng
cường chứng tá đức mến. Bạn chọn phương cách nào để sống năm đức tin này?
Sống Lời Chúa: Tín thác vào Chúa là việc đầu
tiên tôi làm khi bắt đầu một ngày sống.
Cầu nguyện: Đọc kinh Tin.
SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III PHỤC SINH
Thứ Hai
(Ga 6, 22-29)
Suy niệm
Làm
việc để tìm kiếm cơm bánh nuôi dưỡng thân xác là mục tiêu cơ bản nhất của con
người. Nhưng con người không chỉ có nhu cầu ăn uống mà còn có nhu cầu tinh thần
và tâm linh. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải vượt lên những
cái tầm thường của cuộc sống mau qua mà vươn lên những giá trị vĩnh cửu. Muốn
vươn lên giá trị sự sống vĩnh cửu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy Đến với Chúa
và hãy Tin vào Ngài.
Đức
Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông, cho thấy Ngài quan tâm
đến nhu cầu của thân xác của con người. Nhưng Ngài không dừng lại ở việc thỏa
mãn nhu cầu cơ bản là “đói cho ăn, khát cho uống”. Cơm bánh chỉ là thứ
lương thực mau qua dành cho thân xác, chứ không phải là thứ lương thực đem lại
sự sống đời đời. Do đó Ngài muốn ban cho con người thứ lương thực trường tồn
đem lại sự sống vĩnh cửu.
Để
có được của ăn mau qua, nuôi dưỡng thân xác, con người phải ra công làm việc
vất vã “đổ mồ hôi xót con mắt ”mới
có của ăn.
Để
có của ăn vĩnh cửu, nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, con người chỉ cần làm hai
việc: "Đến với Chúa Giêsu và Tin vào Ngài".
Cái
đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.
Con
người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.
Con
người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong
nơi sâu thẳm, con người đói khát ai đó để mình yêu mến, tôn thờ.
Đức
Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Hãy đến với
Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật
và Bình an.
Lạy Chúa, Xin cho chúng con biết siêng năng đến với Chúa Giêsu với
niềm tin yêu, để chúng con được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh
Thánh, là thứ lương thực không hư nát và đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.
Lm. Seok
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG TƯ
Niềm Vui Vượt Qua Trào Lên Lời Cảm Tạ
“Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng
thờ Chúa với niềm hoan hỉ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo… bởi vì
Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ vẫn một
lòng thành tín” (Tv 100, 1-2. 5)
Niềm vui Vượt Qua mà chúng ta chia sẻ phải
chứa đầy tâm tình tạ ơn. Giáo Hội mời gọi chúng ta ngắm nhìn bằng con mắt đức
tin tất cả những ân huệ của Thiên Chúa từ ngàn xưa. “Chính Chúa là Thượng Đế;
Người dựng nên ta; ta thuộc về Người. Ta là dân Người, là đàn chiên Người dẫn
dắt” (c.3).
Chúng ta mừng vui bởi vì thế giới không phải
là một khoảng không hoang vu trống rỗng. Chúng ta tràn ngất niềm vui Vượt Qua
bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra thế giới và Ngài đã tạo thành chúng ta. Ngài đã tạo
thành con người giữa một thế giới xinh đẹp. Chúng ta mừng vui và tạ ơn bởi vì
con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – ngay cả dù con người cũng
có nhiều đặc điểm chung với thế giới mà con người sống trong đó.
Chúng ta mừng vui và tạ ơn bởi vì, nhờ đặc
tính độc đáo giống với Thiên Chúa này, con người thuộc về Thiên Chúa. Cuộc Phục
Sinh của Đức Kitô đã xác nhận quyền sở hữu thánh thiêng này. Chúng ta thuộc về
Chúa. Máu của Người đã đổ ra để trả giá và chuộc lại chúng ta từ án phạt của
tội lỗi và sự chết.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
Ngày 15-4
Cv 6, 8-15; Ga 6, 22-29.
LỜI SUY
NIỆM: Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng
Ngưởi đã sai đến.” (Ga 6, 29).
Đã qua hơn hai ngàn năm, điều Thiên Chúa muôn
tất cả mọi con người trong nhân loại này, chưa thực hiện được là bao! Điều này
trong mọi thành phần dân Chúa đều phải tự xét mình lại: Chúng ta đã tự sám hối
để đổi mới đời sống của chúng ta hay chưa? Hay chỉ là người Ki-Tô hữu dưới hình
thức một con chiên ngoan đạo trong nhà thờ, còn ngoài chợ búa chúng ta cũng
chẳng khác với người ta
Mạnh Phương
15 Tháng Tư
Hoàng
Tử Tí Hon
Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Hoàng tử tí hon',
văn hào Pháp Saint Exupery có kể lại chuyện như sau: Máy bay trục trặc, ông đã
phải đáp xuống giữa sa mạc Sahara . Sáng hôm
sau, khi thức dậy, ông thấy có một cậu bé luẩn quẩn bên cạnh mình. Cậu bé cứ
nài nỉ ông vẽ cho cậu một con cừu.
Viên phi công đành phải chiều theo ý của cậu bé. Nhưng con
cừu đầu tiên ông vẽ được lại là một con cừu già nua. Không vừa ý, ông lại tiếp
tục vẽ. Nhưng kết quả chỉ là một con cừu bệnh hoạn. Không biết cách nào làm vừa
lòng cậu bé, ông mới vẽ một cái hộp với nhiều lỗ xung quanh và nói với cậu:
"Con cừu đang ở trong cái hộp này bé ạ".
Viên phi công ngạc nhiên vô cùng, bởi vì ông vừa giải
thích thì cậu đã reo lên: "Ðây chính là điều mà cháu đang chờ đợi... Xem
kìa, con cừu đang ngủ". Nhờ một cái hộp như thế, cậu bé tha hồ tưởng tượng
theo ý thích của nó. Nó còn tin rằng cái hộp này quả thực là hữu ích vì con cừu
mà nó chưa bao giờ thấy vẫn có nơi trú ngụ.
Trong cuộc sống của
chúng ta, có lẽ cũng có nhiều điều tương tự xảy ra như thế. ngay trong Giáo Hội
của chúng ta, cũng xảy ra nhiều điều như thế.
Có lẽ lắm khi chúng ta
cũng xin Chúa Giêsu hãy vẽ cho chúng ta một Giáo Hội, và Ngài đã chiều theo ý
của chúng ta. Ngài đã vẽ cho chúng ta một Giáo Hội. Ngài đã để lại cho chúng ta
nhiều yếu tố về Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội ấy chẳng khác nào một bức tranh mà
các màu sắc được phân tán rải rác khắp nơi... Nơi đây, ngài bảo rằng Giáo Hội
của Ngài là Ánh Sáng muôn dân. Nơi khác nữa, ngài lại loan báo rằng Giáo Hội đó
như một cây vĩ đại có thể dùng làm chỗ cho chim trời đến đậu.
Dĩ nhiên ai trong
chúng ta ai cũng biết rằng Giáo Hội không phải là Ðức Giáo Hoàng, Giáo Hội
không phải là tòa thánh Vatican .
Giáo Hội lại càng không phải là một vị giám mục hay các linh mục... Giáo Hội
của Ðức Kitô là một thực tại gồm những con người, nhưng lại vượt lên trên những
con người.
Bổn phận của mỗi người
Kitô chính là vẽ lại khuôn mặt của Giáo Hội. Giáo Hội đó có thực sự là Giáo Hội
của Ðức Kitô hay không, Giáo Hội đó có thực sự là Giáo Hội của người nghèo hay
không là tùy thuộc ở những nét điểm tô mà chúng ta dành cho Giáo Hội.
(Lẽ Sống)
Thứ Hai 15-4
Chân Phước Caesar de Bus
(1544-1607)
N
|
hư nhiều người trong chúng ta, Caesar de Bus cũng phải vất vả lắm
mới tìm thấy ơn gọi đích thực của mình. Sau khi tốt nghiệp ở trường dòng Tên,
ngài gặp khó khăn khi phải quyết định giữa sự nghiệp của một quân nhân và một
văn gia. Ngài có sáng tác một vài kịch bản nhưng sau cùng an phận trong quân
đội và toà án.
Cũng có lúc cuộc đời thật êm xuôi cho một người lính thủy tài
giỏi. Ngài tin đó là một chọn lựa đúng. Cho đến khi ngài chứng kiến thực tế của
một cuộc chiến, kể cả cuộc thảm sát của người Tin Lành Pháp vào ngày Thánh
Batôlômêo năm 1572.
Ngài lâm bệnh nặng và bỗng dưng nhìn lại những tiên quyết trong
đời, kể cả đời sống tâm linh. Khi bình phục Caesar quyết tâm trở thành một linh
mục. Sau khi được chịu chức vào năm 1582, ngài đảm nhận công việc mục vụ đặc
biệt là dạy giáo lý cho người dân sống trong tình trạng bị quên lãng ở nông
thôn, hoặc các nơi hẻo lánh. Nỗ lực của ngài quả thật cần thiết và được đón
nhận cách nồng hậu.
Cùng với người bà con, Cha Caesar thiết lập một chương trình giáo
lý cho gia đình. Mục đích là để chống với sự lạc giáo của người dân, và mục
tiêu này được sự chấp thuận của đức giám mục địa phương. Từ những nỗ lực này
phát sinh một tu hội mới: các Cha của Giáo Thuyết Kitô Giáo.
Một trong những công trình của Cha Caesar là Huấn Thị Các Gia Ðình
về Giáo Lý Công Giáo, được ấn hành vào 60 năm sau khi ngài từ trần.
Ngài được phong chân phước năm 1975.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét