Trang

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

17-04-2013 : THỨ TƯ TUẦN III MÙA PHỤC SINH


Ngày 17/04/2013
Thứ Tư Tuần III Mùa Phục Sinh Năm C


BÀI ĐỌC I:  Cv 8, 1-8
"Đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.
Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a

Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.

1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa:  kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. - Đáp.
2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! - Đáp.
3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời. - Đáp.

ALLELUIA:  Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 6, 35-40
"Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Bánh Hằng Sống
Các tu sĩ Tây Ban Nha thường truyền tụng câu truyện về cậu bé tên là Marcellino, nghĩa là bánh và rượu. Mới sinh ra, cậu bị đem quăng trước cửa đan viện, và đã được các tu sĩ nuôi nấng. Vì Marcellino tính tình nghịch ngợm, nên thầy đầu bếp cấm không cho cậu leo lên gác. Nhưng tò mò, một ngày kia Marcellino leo lên gác, cậu ngạc nhiên vì thấy một người khổng lồ bị treo trên Thập Giá. Nghĩ rằng người bị treo trên đó đói nên ngay đêm đó Marcellino vào bếp lấy vài miếng bánh mang lên cho ông, người khổng lồ đưa tay đón nhận bánh của cậu bé và cười với cậu.
Từ đó, ngày nào cậu cũng mang bánh lên cho người khổng lồ. Một hôm ông ôm choàng lấy cậu bé. Ông hỏi:
- Ðiều gì làm cho con thấy thích nhất trên trần gian này?
Cậu nói:
- Con muốn được thấy mẹ con.
Người khổng lồ liền nói với cậu bé:
- Con được thấy nếu con chấp nhận chết.
Hôm sau các thầy không thấy cậu trong nhà, mặc dù đi tìm khắp nơi. Sau cùng thấy cậu bé chết trong tay Chúa Giêsu.
Marcellino là một người trong những câu chuyện đầy ý nghĩa về bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập và để lại cho Giáo Hội như một giao ước muôn đời. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về Bí Tích cao cả ấy. Sau khi đã hóa bánh ra nhiều nuôi hơn 5,000 người, Chúa Giêsu bắt đầu nói về Thánh Thể, bánh mà Ngài đã cho mọi người ăn no nê là dấu chỉ của Bánh Trường Sinh, là chính Ngài. Chỉ có Ngài mới là Bánh nuôi sống con người, chỉ có Ngài mới đem lại hạnh phúc cho con người, chỉ có Ngài mới cho con người được sống trường sinh bất tử.
Chúa Giêsu không ngừng mời gọi con người mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài như Ngài nói với cậu bé Marcellino trong truyện trên. Bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói lên với Chúa Giêsu, cậu bé cũng muốn săn sóc Chúa. Bánh và Rượu Ngài ban trong Thánh Thể cũng là cách Ngài tỏ tình yêu, Ngài muốn nói với chúng ta "Ta yêu thương các con, Ta săn sóc các con". Ngài chính là Bánh và Rượu nuôi sống chúng ta, Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài. Khi chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể thì lúc đó con người mới mở rộng trái tim và bàn tay để đón nhận tha nhân.
Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời được ban xuống để lôi kéo con người lên với Chúa Cha. Người tín hữu Kitô tiếp nhận Thánh Thể để được lãnh nhận tình yêu Chúa và từ đó mới trào sang cho tha nhân, đưa mọi người về với Thiên Chúa. Chia sẻ bàn tiệc với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu cũng chia sẻ cơm bánh cho tha nhân hằng ngày. Thật kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ tình yêu cho tha nhân, họ lãnh nhận được sự sống trường sinh của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn.
Xin Chúa Giêsu Thánh Thể cho chúng con cảm mến được sự sống Trường Sinh và niềm hạnh phúc khi lãnh nhận Thánh Thể, để chúng con trao ban và chia sẻ tình yêu của Chúa cho tha nhân.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần III Phục Sinh

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa

Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Để mọi người có thể tin vào Đức Kitô, cần có những người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Thiên Chúa, như lời thánh Justin nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sẽ trổ sinh niềm tin Công-giáo.” Để có người làm chứng, cần có người bách hại. Vì thế, mặc dù Giáo Hội sơ khai còn non nớt, làn sóng bách hại đạo đã bắt đầu. Thiên Chúa để việc bách hại xảy ra để có người làm chứng; và nhờ việc làm chứng, nhiều người sẽ nhận ra và tin vào Chúa Giêsu. Thiên Chúa là người điều khiển và cung cấp sức mạnh cho các tín hữu để họ giúp bành trướng Giáo Hội khắp nơi.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vì Hội Thánh tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội sau cái chết tử đạo của Phó-tế Stephanô, các môn đệ và các tín hữu phải tản mác về các vùng miền quê của JudahSamaria để hoạt động. Phó-tế Philip xuống vùng Samaria và thành công trong việc rao giảng Tin Mừng tại đó. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải long trọng và rõ ràng thánh ý của Thiên Chúa cho con người: Ngài muốn mọi người tin vào Đức Kitô để khỏi phải chết và được sống muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giáo Hội từ Jerusalem lan rộng tới Samaria.

1.1/ Giáo Hội tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Jerusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền JudahSamaria.”
(1) Các Tông-đồ là những người ở lại để trấn thủ: Có hai lý do tại sao các Tông-đồ ở lại Jerusalem: Thứ nhất, các ông là những người can đảm, các ông ở lại để truyền bá Tin Mừng và củng cố Giáo Hội tại Jerusalem, nơi phát sinh Kitô-giáo và giữ một vị trí quan trọng của thế giới. Thứ hai, các ông ở lại để làm gương sáng cho các tín hữu. Là những người lãnh đạo, các ông không thể bỏ đàn chiên Chúa trao để trốn chạy.
(2) Saolô, tên thánh Phaolô trước khi trở lại: Ông là một trong những người nhiệt thành bắt bớ Giáo Hội sơ khai; chẳng những ông tán thành việc giết ông Stephanô, mà ông còn đi đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.

1.2/ Giáo hội từ Jerusalem bắt đầu lan tràn ra khắp nơi: Vì vậy, các tín hữu phải tản mác đi khắp nơi loan báo lời Chúa. Phó-tế Philip đi rao giảng Tin Mừng tại Samaria. Sách CVTĐ tường thuật kết quả cuộc rao giảng Tin Mừng của ông như sau: “Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philíp giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng.”

Mấy điều cần lưu ý: ông không phải là một trong số 12 Tông-đồ, ông là một trong 7 Phó-tế với Stephanô. Philip cũng được ban sự khôn ngoan và uy quyền làm phép lạ. Điều này chứng minh sự khôn ngoan và uy quyền làm phép lạ không phải chỉ ban cho các Tông-đồ mả thôi.

Chúa Giêsu rất ít khi rao giảng cho các vùng Samaria và Dân Ngoại, lý do như Chúa nói: “Thầy chỉ được sai đến với các chiên lạc nhà Israel.” Tuy những người Samaria bị ghét bỏ và không được giao thiệp với người Do-thái, nhưng họ lại được cảm tình đặc biệt của Chúa Giêsu. Điều này được chứng minh qua các trình thuật của Tin Mừng:
(1) Câu truyện đàm thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria kết thúc bằng việc Bà loan báo cho mọi dân trong làng ra gặp Chúa (Jn 4).
(2) Trong Tin Mừng Luca, người Samaritan nhân hậu là người được Chúa Giêsu khen, vì ông đã hết lòng giúp đỡ người gặp nạn trên đường từ Jerusalem xuống Jericho (Lk 10:30-36).
(3) Một người cùi trong số 10 người được khỏi bệnh trở lại cám ơn Chúa, cũng là người Samaria (Lk 17:11).

Dân nghèo chất phác quê mùa là những người hăng hái đón nhận Tin Mừng; trong khi những người đã biết Chúa và biết Kinh Thánh lâu năm không những làm ngơ, lại còn đấu tố những người rao giảng Tin Mừng.

2/ Phúc Âm: Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.

2.1/ Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh: Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.”
Khi Chúa Giêsu nhập thể và loan báo Tin Mừng cho người Do-thái, họ bị đặt trong tình trạng buộc phải lựa chọn một trong hai điều: tin hay không tin vào Ngài. Nếu họ chọn để tin vào Ngài, họ sẽ đạt được cuộc sống muôn đời. Nếu họ chọn không tin vào Ngài, họ sẽ không đạt được cuộc sống muôn đời.
Bằng sự tự do lựa chọn tin hay không tin nơi Chúa Giêsu, con người tự phán xét lấy mình; vì Thiên Chúa không sai Người Con của Ngài đến luận phạt thế gian, nhưng là để cứu thế gian (Jn 3:16-21). Chúa Giêsu mở rộng vòng tay để đón mọi người: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” Không có sự tiền định cho ai phải lên thiên đàng hay phải xuống hỏa ngục trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.

2.2/ Chúa Giêsu mặc khải thánh ý của Thiên Chúa cho mọi người: “Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

Theo Kế Họach của Thiên Chúa, Ngài muốn cho mọi người được cứu độ, và Máu Thánh của Chúa Giêsu đổ ra là cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nói như thánh Augustinô, để cứu độ con người, Chúa cần sự cộng tác của cá nhân đó bằng cách đòi họ phải tin vào Đức Kitô.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Ngài đã chết và sống lại để hoàn thành Kế Hoạch của Thiên Chúa. Vì thế, mọi người đều có thể được cứu độ nếu họ tin vào Chúa Giêsu.
- Để mọi người tin vào Chúa Giêsu, cần có những người đi rao giảng Tin Mừng và dám làm chứng cho Ngài.
- Tất cả chúng ta có đức tin vì đã được nghe những nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng và hưởng ơn phúc của những chứng nhân đã đổ máu làm chứng cho Chúa. Chúng ta có bổn phận phải tiếp tục loan truyền Tin Mừng và trở thành những chứng nhân, để mọi người nhận biết và tin vào Đức Kitô.
Lm, An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.



HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 3 MÙA PHỤC SINH
Ga 6,35-40

A. Hạt giống...
Nhắc lại : nghe Chúa Giêsu nói tới một thứ lương thực quý trọng hơn cả manna ngày xưa nữa, dân do thái tưởng đó là một thức ăn đặc biệt no lâu nên xin Chúa ban cho họ thức ăn đó mãi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói trắng ra "Chính Ta là bánh ban sự sống".
Chúa Giêsu trở thành bánh ban sự sống cho loài người như thế nào ?
- Khi người ta đến với Ngài : "Ai đến với Ta sẽ không hề đói"
- Khi người ta tin vào Ngài : "Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ"
Thực ra, theo luật của cú pháp sóng đôi, "đến với" và "tin vào" không phải là hai việc khác nhau mà chỉ là 2 cách diễn tả cùng một việc : tin vào Chúa Giêsu, thể hiện bằng thái độ đến với Ngài. Kết quả của việc đó là không hề đói và không hề khát.

B.... nẩy mầm.
1. Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện bằng việc đến với Ngài. Mỗi ngày tôi dành bao nhiêu thời giờ để "đến với" Chúa
2. Chúng ta "đến với" Chúa bằng nhiều cách : tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm, và nhất là tham dự Thánh lễ. Hãy xét mình xem khi chúng ta làm những việc trên, lòng chúng ta có thực sự "đến với" Chúa không ?
3. Khi tâm hồn tôi cảm thấy đói khát, tôi đã "đến với" ai, với cái gì ? Có "đến với" Chúa không ?
4. Buổi sáng bà già ra ngoài. Buổi chiều trở về, bà tìm không thấy chìa khoá.
Biết làm thế nào ? Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khoá của họ mở thử. Chẳng có cái nào hợp.
Cuối cùng, một người góp ý : cứ mở then cái ra xem sao ! Bà mở then và cánh cửa mở toang : khi ra đi bà không khoá !
Câu chuyện trên minh hoạ phần nào thái độ của ta trước Chúa. Ta đứng ngoài, lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này, việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn rộng mở và ưu ái mời ta bước vào (Góp nhặt)
5. "Ý của đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai"
 "... Đức Giêsu và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận "phải" làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh... Rồi chẳng biết từ đâu, Triết đông và Phật giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng sao có sức giật tung những gì mòn mỏi. Tôi nằng nặc đòi nhà Dòng cho ra độc cư trên núi, sống với nắng, gió, mưa, đói, khát, và sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi nhất tâm thất niệm thì vấn đề Đức Giêsu lại vang lên, đeo bám mãi... Một năm, hết phép, thân tàn ma dại, tôi thua cuộc mò về nhà Dòng, tay trắng ! Nhưng Giê-su cứ đeo bám tôi mãi ; đang trong một năm nổi loạn, thất bại và hư hỏng cùng cực đó, tôi được gọi làm... linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời ; tan nát, tôi vào ngồi thù lù trong nhà nguyện như một sự đay nghiến, một sự nức nở bắt đền...
Một đêm, trước khi làm linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát nhà Chầu. Có cái gì hơn là cảm giác, hơn là sự rung động, mà là một sự phủ chụp lấy toàn bộ con người và cuộc đời tôi. Ngay giây phút đó, tôi HIỂU rằng cho dù có là hòn đá hòn sỏi, dù tôi đã lấm bùn bê bết, dù tôi đã thân tàn ma dại, dù tôi đã hỏng  hết cả cuộc đời, thì Đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi, làm tâm hồn bừng sáng huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa của đời tôi..."
Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương và tình yêu Ngài khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata)
6. (những mầm khác)
                                                        
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI- Gp.Cần Thơ

17/04/13 THỨ TƯ TUẦN 3 PS
Ga 6,35-40

CÓ THỨ BÁNH TRƯỜNG SINH
Chúa Giê-su nói :”Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; Ai tin vào tôi , chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)
Suy niệm: Thế giới quảng cáo ngày nay không ngại dùng những từ cường điệu nhất để đề cao chất lượng sản phẩm của mình. Song chẳng có hãng bánh nào dám quảng cáo bánh của mình là bánh trường sinh. Ở đây, Đức Giêsu tuyên bố rõ rằng Người là bánh trường sinh! Điều mà không ai dám mơ, lại hoàn toàn có thật! Đám đông dân chúng lặn lội vượt Biển Hồ, tuốn đến với Đức Giêsu, không phải vì tìm Người cho bằng tìm... bánh! Hôm qua Chúa mới cho trên 5000 người ăn bánh no nê, còn dư 12 thúng đầy. Còn hôm nay Chúa không hóa bánh ra nhiều cho họ nữa; thay vào đó, Người tiết lộ rằng chính Người là Bánh trường sinh. Như một trò chơi lớn đi tìm mật thư, họ được dẫn đi từ thứ bánh thông thường – nhu  cầu mà họ cảm nghiệm rất rõ, rất quen thuộc – đến thứ bánh có một không hai: bánh trường sinh – là nhu cầu thâm sâu nhất nơi mỗi người, song cũng rất thường bị thờ ơ.
Mời Bạn: Trong khi cố gắng đáp ứng những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đừng lãng quên tìm kiếm sự sống tâm linh, sự sống vĩnh cửu, đó mới là nhu cầu quan trọng số một.
Chia sẻ: Chúa Giêsu là bánh trường sinh. Đối với bạn, đâu là thái độ hưởng ứng thích đáng nhất đối với sứ điệp này?
Sống Lời Chúa: Trong lời cầu nguyện trước mỗi bữa ăn, bạn xin Chúa cho mình biết đói khát bánh trường sinh của Chúa.
Cầu nguyện: Hát “Ta là Bánh hằng sống”.

ĐẾN VỚI TÔI, TIN VÀO TÔI

Sự sống vĩnh cửu thực ra đã bắt đầu ngay từ đời này rồi, khi chúng ta đến với Giêsu với niềm tin tưởng: “Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời”.

Suy nim:
Cuộc sống làm người ở đời chẳng mấy dễ dàng. Con người lúc nào cũng phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống. Môi trường sống bị ô nhiễm do bụi, khí thải, tiếng ồn.
Thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày thêm trầm trọng bởi sự biến đổi khí hậu. Dịch bệnh đủ loại thỉnh thoảng lại bất ngờ bùng phát ở một nơi nào đó và có nguy cơ lan rộng toàn thế giới. Khủng hoảng kinh tế lại càng xô đẩy nhiều người đến chỗ đói nghèo. Chiến tranh vẫn kéo dài giữa một số quốc gia, bộ tộc. Căng thẳng trong mối quan hệ giữa người với người, ngay trong gia đình. Có những vấn đề riêng tư mà tự mỗi người không sao giải quyết nổi. Con người lúc nào cũng phải vất vả trăn trở trước cuộc sống.
Kinh Lạy Nữ Vương gọi trần gian là thung lũng đầy nước mắt. Chúng ta thuộc Giáo Hội chiến đấu trước khi thuộc Giáo Hội khải hoàn. Để sống ở cuộc đời chóng qua này một cách tận tụy, nghiêm túc, để sống như một người con xứng đáng của Trời và Đất, người Kitô hữu cần nhận được sự đỡ nâng của ơn trên. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chia sẻ phận làm người ở đời như ta. với đủ mọi cay đắng ngọt bùi của phận người và cái chết trên thập giá. Ngài mong trở nên bạn được đồng hành của chúng ta trên đường đời nhiều thách đố, gai chông và cạm bẫy. Ngài thỏa mãn những khát vọng thâm sâu và thầm kín nhất của ta. “Ai đến với tôi, sẽ không hề đói. Ai tin vào tôi sẽ chẳng hề khát bao giờ” (c. 35). Thiên Chúa Cha muốn gửi gắm chúng ta cho Chúa Giêsu lo liệu. “Tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (c. 39).
Hãy đến với Chúa Giêsu để nhận được sự bảo vệ của Thiên Chúa. Hãy tin vào Ngài và cùng với Ngài đi trên con đường gập ghềnh, bạn sẽ đến được quê hương vĩnh cửu đang chờ đợi bạn. Sự sống vĩnh cửu thực ra đã bắt đầu ngay từ đời này rồi, khi chúng ta đến với Giêsu với niềm tin tưởng: “Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” (c. 40).
Hãy trở thành món quà của Chúa Cha cho Con của Ngài là Đức Giêsu.
Hãy trở thành món quà của Đức Giêsu cho thế giới.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải, để con làm bật rễ khỏi lòng con những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến, chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt để con thấy được thế giới mà mắt phàm không thấy, thấy được Đấng Vô hình, nhưng rất gần gũi thân thương, thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh, dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân, dám tiến bước trong bóng đêm chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa, dám lội ngược dòng với thế gian và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc vì biết những gì đang chờ mình ở cuối đường, sung sướng vì biết mình được yêu ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp qua những cọ xát đau thương của phận người, để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không để tàn lụi niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Thứ tư

(Ga 6,35-40)
Suy niệm
Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đến trần gian là để thi hành thánh ý Chúa Cha: Cứu độ và ban cho họ sự sống muôn đời. Tuy nhiên chỉ những ai đến và tin nhận Ngài là Đấng Thiên Sai là Bánh Bởi Trời mới đáng hưởng sự sống trường sinh mà Ngài mang đến.
Để giúp dân chúng hiểu về thứ bánh trường sinh là chính Chúa, Chúa Giêsu đã mạc khải cho họ biết về nguồn gốc, mục đích và ý nghĩa về Ngài .
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định cho dân chúng biết nguồn gốc về Ngài: “Tôi từ trời mà xuống”, để minh chứng rằng: Nếu ngày xưa Thiên Chúa ban manna từ trời xuống, thì ngày nay, Thiên Chúa cũng ban Chúa Giêsu xuống từ trời.
Như thế Chúa Giêsu chính là Bánh bởi trời ban.
Nếu xưa kia mục đích Thiên Chúa ban mana là để làm lương thực nuôi tất cả dân Do Thái lưu lạc trong sa mạc. Thì ngày nay, Chúa Giêsu cũng cho biết mục đích Ngài đến sa mạc trần gian cũng là để thi hành ý Cha, nuôi sống tất cả mọi người, không để mất một ai.
Nếu xưa kia trong sa mạc, dân chúng đã tin vào Thiên Chúa và nghe lời Môsê xem manna là bánh nuôi sống họ trên đường về đất hứa, thì hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi họ đón nhận và tin vào Ngài chính là tấm bánh trường sinh nuôi dưỡng và thêm sức để họ tiến về quê trời mà Chúa hứa ban.
Khi Chúa Giêsu khẳng định: “Chính Tôi là bánh trường sinh”, Ngài muốn quả quyết rằng, chỉ duy mình Ngài mới là lương thực và là sự sống cho mọi người, vì chính Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và thông ban sự sống cho muôn loài.
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống trần gian và sự sống đời đời. sự sống trần gian được nuôi dưỡng bằng manna và cơm bánh. Sự sống đời đời phải được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa chính là nguồn sống và là Đấng ban sự sống đời đời. Xin cho chúng con biết gắn bó mật thiết với Chúa qua việc tin nhận Thánh Thể Chúa vào lòng, để chính nguồn sự sống đời đời Chúa nuôi dưỡng chúng con.

Lm. Seoka

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG TƯ

Xây Dựng Giáo Hội Trên Đá Tảng Là Đức Kitô

Các chương đầu của Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh cho ta biết bằng cách nào mà nhờ sứ vụ của các Tông Đồ – nhất là của Phê-rô – “càng ngày càng có thêm những người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông” (Cv 5,14).
Chúng ta bắt gặp những biến cố xảy ra vào những ngày đầu tiên sau Phục Sinh: những biến cố khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần đã được đổ tràn trên các Tông Đồ trong căn gác thượng. Giờ đây, qua sứ vụ của các Tông Đồ, nhân danh Đức Giêsu, hàng ngàn người bắt đầu nhận biết về Chúa Kitô – một sự nhận biết có năng lực cứu độ.
Những biến cố ấy hình thành nền móng cho một tương lai lâu dài về sau. Chúng đánh dấu thời đại của Giáo Hội các Tông Đồ – với sứ vụ là công bố lời chứng và rao giảng về quyền năng cứu độ của cuộc Phục Sinh cho mọi thế hệ mới. Công cuộc hệ trọng ấy vẫn tiếp tục trong thời đại chúng ta cho tới hôm nay.
Và xuyên qua mọi thế hệ, vẫn một sự thật bất hủ được công bố: “Người là tảng đá bị anh em, những người thợ xây, loại bỏ – nhưng đã trở thành đá tảng góc tường” (Cv 4,11). Chân lý này, được mô tả dưới một ẩn dụ, mang trong mình nó năng lực ngôn sứ kỳ diệu. Nó xác nhận rằng việc xây dựng Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa từ đầu tiên cho đến cuối cùng của lịch sử Giáo Hội và loài người. Nó đặc biệt xác nhận điều ấy trong thời đại chúng ta – với một mức độ rất sâu xa.
Đức Giêsu Na-da-rét bị loại trừ bởi những người từng được ủy thác “nhà tạm của Thiên Chúa” (Kh 21,3) trong Cựu Ước. Và Giê-su bị loại trừ đó – qua Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người – được mạc khải là “tảng đá góc” của công trình. Công trình được đặt trên nền tảng là chính Người. Công trình phát triển từ chính Người.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17-4
Cv 8, 1b-8; Ga 6, 35-40.


LỜI SUY NIỆM: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài.” (Ga 6,37)

Ơn đức tin, không phải là một sự ngẫu nhiên, hay một cố gắng tìm kiếm của con người mà có được. Nhưng ơn đức tin là do chính Thiên Chúa ban cho những con người có thiện chí và lòng chân thành tìm kiếm chân thiện mỹ. Khi đã được trao ban ơn đức tin, con người còn được hướng dẫn để lãnh nhận những Bí Tích để được nuôi sống trong ân sủng của Chúa. Có sự trợ giúp của Bảy Ơn Chúa Thánh Thần, của cộng đồng Hội Thánh khẩn nguyện và tế lễ, với tình yêu trọn ven của Chúa Giêsu Ki-Tô. Người nhận được ơn đức tin sẽ được Thiên Chúa cho sống muôn đời và chính Chúa Giêsu cho sống lại trong ngày sau hết.

Mạnh Phương

Gương các Thánh

Ngày 17/4: Thánh Benedict Joseph Labré
(1748 - 1783)
Thánh Benedict Joseph Labré thực sự là một con người lập dị, nhưng rất đặc biệt của Thiên Chúa. Là con cả trong gia đình 15 người con, Benedict Joseph Labré sinh ở Amettes thuộc miền bắc nước Pháp. Cha mẹ của cậu làm chủ một nông trại và có một tiệm buôn nhỏ nên đời sống của họ tương đối thoải mái.
Vào năm 12 tuổi, cậu được gửi đến sống với người chú là một linh mục triều ở Erin. Trong thời gian này, Benedict say mê đọc Kinh Thánh và gương thánh nhân đến nỗi người chú phải nhắc nhở cậu về việc học tiếng Latinh, là điều bắt buộc để trở nên một linh mục. Tuy nhiên, cậu nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa trong sự hoàn toàn từ bỏ thế gian. Do đó, sau khi người chú từ trần vì chăm sóc các nạn nhân bệnh dịch tả, Benedict trở về nhà, và đi tìm dòng tu khắc khổ nhất.
Vì sức khoẻ yếu kém và vì thiếu nền tảng học vấn nên Benedict không được nhận vào đời sống tu trì. Sau đó, vào năm 18 tuổi, một thay đổi quan trọng có ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời. Benedict không muốn học hành và từ bỏ ý định đi tu. Ngài bỏ nhà và sống như một vị khổ tu, đi hành hương hết đền thánh này đến đền thánh khác. Ngài mặc quần áo rách rưới và ngủ ngay ngoài trời, thực phẩm của ngài chỉ là mẩu bánh hoặc ít rau trái nhờ vào lòng bác ái của người qua đường hoặc lượm nhặt được từ những nơi phế thải. Ngài không xin ăn và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm dư dật với người nghèo. Ngài đặc biệt sùng kính Ðức Mẹ và bí tích Thánh Thể.
Bất cứ ai gặp ngài đều không thể quên được một người thật rách rưới nhưng biết tiếng Latinh, thông thạo Kinh Thánh, trông như người ăn xin nhưng không bao giờ xin xỏ. Họ bâng khuâng tự hỏi làm thế nào kẻ lang thang ấy lại có đôi mắt thật nhân từ và một lối sống có phẩm giá. Ðiều họ thắc mắc đã là một sứ điệp. Thiên Chúa biết loài người dễ đắm chìm trong sự ích kỷ và Ngài đã đặt trước mắt họ hình ảnh của một ngôn sứ, một phản ánh thực sự của tự do đích thực, không bị ràng buộc vào vật chất thế gian. Benedict là người soi dẫn của Thiên Chúa để cảnh giác những người lầm lạc, và là tia hy vọng cũng như sự an ủi cho những người vô gia cư chỉ vì sự tham lam của người đời.
Vào ngày 16 tháng Tư 1783, có thể nói vì đời sống quá cực khổ, ngài kiệt sức ngã quỵ trên bậc tam cấp của một nhà thờ ở Rôma. Vào chiều tối hôm ấy, khi tiếng chuông vang vọng báo hiệu giờ kinh Salve Regina, ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong một căn nhà gần đó. Các trẻ em chạy khắp đường phố loan báo, "Ông Thánh chết rồi! Ông Thánh chết rồi!" Tin tức ấy được loan truyền trong khi chuông nhà thờ đang rộn rã liên hồi.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1859.



17 Tháng Tư

Sờ Ðược Ðức Kitô

Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã có lần kể lại như sau:
Một hôm, có một cô thiếu nữ đã tìm đến Ấn Ðộ để xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi.
Chúng tôi có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, cũng đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Do đó, tôi đã nói với thiếu nữ đó như sau:
"Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ. Con đã thấy Ngài sờ đến Thánh Thể với chăm chú và yêu thương là dường nào. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà Hấp Hối, bởi vì con sẽ thấy Chúa Giêsu trong suốt ba tiếng đồng hồ". Tôi mới hỏi lại sự thể đã diễn ra như thế nào, cô ta đáp như sau: "Con vừa đến nhà Hấp Hối thì người ta mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối... Con đã đến và đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô".

Có lẽ chúng ta nên tự vấn: chúng ta có tin rằng, tất cả mọi cuộc gặp gỡ với tha nhân đều là một cuộc gặp gỡ với Chúa không? Ðức tin của chúng ta có được diễn đạt qua cuộc sống hằng ngày không? Thánh lễ mà chúng ta tham dự mỗi ngày có được tiếp tục trong cuộc sống hằng ngày không?
Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô, bởi vì Kitô giáo thiết yếu là một sức sống. Người Kitô đến bàn tiệc Thánh Thể để tiếp nhận sự sống và năng lực cho mọi hoạt động của mình.
Là trung tâm của cuộc sống, Thánh Thể được cử hành với đầy đủ ý nghĩa nếu việc cử hành đó gắn liền với cuộc sống. Cắt đứt liên lạc với cuộc sống, tất cả mọi cử hành chỉ còn là những động tác lãng mạn, viển vông.
Do đó, người Kitô sẽ mang đến bàn thờ tất cả cuộc sống của mình và múc lấy từ bàn thờ sức sống mới cho cuộc sống của họ. Hay nói cách khác, Thánh thể là một thu gọn của cuộc sống hằng ngày và cuộc sống hằng ngày là một tiếp nối của Thánh Thể. Ðức Kitô không những chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh Thể và gặp gỡ Ngài trong lúc cử hành, Ngài còn muốn chúng ta gặp gỡ với Ngài qua tất cả mọi sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống.
Bàn thờ trong giáo đường và bàn thờ của cuộc sống phải là một. Ðức tin của chúng ta không chỉ thể hiện trong nhà thờ, nhưng còn phải được tuyên xưng giữa phố chợ. Từng giây từng phút của chúng ta phải trở thành một cuộc gặp gỡ với Chúa. Từng cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người hèn kém nhất, phải là một gặp gỡ với Ðức Kitô.


(Lẽ Sống)
Thứ Tư 17-4

Thánh Benedict Joseph Labré

(1748 - 1783

T
hánh Benedict Joseph Labré thực sự là một con người lập dị, nhưng rất đặc biệt của Thiên Chúa. Là con cả trong gia đình 15 người con, Benedict Joseph Labré sinh ở Amettes thuộc miền bắc nước Pháp. Cha mẹ của cậu làm chủ một nông trại và có một tiệm buôn nhỏ nên đời sống của họ tương đối thoải mái.
Vào năm 12 tuổi, cậu được gửi đến sống với người chú là một linh mục triều ở Erin. Trong thời gian này, Benedict say mê đọc Kinh Thánh và gương thánh nhân đến nỗi người chú phải nhắc nhở cậu về việc học tiếng Latinh, là điều bắt buộc để trở nên một linh mục. Tuy nhiên, cậu nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa trong sự hoàn toàn từ bỏ thế gian. Do đó, sau khi người chú từ trần vì chăm sóc các nạn nhân bệnh dịch tả, Benedict trở về nhà, và đi tìm dòng tu khắc khổ nhất.
Vì sức khoẻ yếu kém và vì thiếu nền tảng học vấn nên Benedict không được nhận vào đời sống tu trì. Sau đó, vào năm 18 tuổi, một thay đổi quan trọng có ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời. Benedict không muốn học hành và từ bỏ ý định đi tu. Ngài bỏ nhà và sống như một vị khổ tu, đi hành hương hết đền thánh này đến đền thánh khác. Ngài mặc quần áo rách rưới và ngủ ngay ngoài trời, thực phẩm của ngài chỉ là mẩu bánh hoặc ít rau trái nhờ vào lòng bác ái của người qua đường hoặc lượm nhặt được từ những nơi phế thải. Ngài không xin ăn và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm dư dật với người nghèo. Ngài đặc biệt sùng kính Ðức Mẹ và bí tích Thánh Thể.
Bất cứ ai gặp ngài đều không thể quên được một người thật rách rưới nhưng biết tiếng Latinh, thông thạo Kinh Thánh, trông như người ăn xin nhưng không bao giờ xin xỏ. Họ bâng khuâng tự hỏi làm thế nào kẻ lang thang ấy lại có đôi mắt thật nhân từ và một lối sống có phẩm giá. Ðiều họ thắc mắc đã là một sứ điệp. Thiên Chúa biết loài người dễ đắm chìm trong sự ích kỷ và Ngài đã đặt trước mắt họ hình ảnh của một ngôn sứ, một phản ánh thực sự của tự do đích thực, không bị ràng buộc vào vật chất thế gian. Benedict là người soi dẫn của Thiên Chúa để cảnh giác những người lầm lạc, và là tia hy vọng cũng như sự an ủi cho những người vô gia cư chỉ vì sự tham lam của người đời.
Vào ngày 16 tháng Tư 1783, có thể nói vì đời sống quá cực khổ, ngài kiệt sức ngã quỵ trên bậc tam cấp của một nhà thờ ở Rôma. Vào chiều tối hôm ấy, khi tiếng chuông vang vọng báo hiệu giờ kinh Salve Regina, ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong một căn nhà gần đó. Các trẻ em chạy khắp đường phố loan báo, "Ông Thánh chết rồi! Ông Thánh chết rồi!" Tin tức ấy được loan truyền trong khi chuông nhà thờ đang rộn rã liên hồi.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1859.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét