Ngày
18/04/2013
Thứ Năm Tuần
III Mùa Phục Sinh Năm C
Cv 8,26-40 |
BÀI ĐỌC I: Cv 8, 26-40
"Nếu ông tin hết
lòng, thì được chịu phép rửa".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng
Philipphê rằng: "Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ
Giêru-salem xuống Gaxa. Đường ấy vắng vẻ". Người chỗi dậy ra đi. Và này có
một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là
tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về,
ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: "Hãy
tiến lên và theo cho kịp xe kia". Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc
sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: "Ngài có hiểu được điều ngài đọc
không?" Nhà quan trả lời: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ
giáo cho tôi". Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Đoạn
Thánh Kinh ông đang đọc như sau: "Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người
phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người
chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại
dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian". Viên thái
giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: "Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói
điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?" Philipphê mở miệng
rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Đang đi
dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: "Này nước đây, có gì
ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Philipphê nói: "Nếu ông tin hết
lòng thì được". Nhà quan đáp lại: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con
Thiên Chúa". Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả
hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước,
Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa.
Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô,
ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 65, 8-9. 16-17. 20
Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi chư dân, hãy
chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Đấng
đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té. - Đáp.
2)
Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi
những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi
đã ngợi khen Ngài. - Đáp.
3)
Chúc tụng Chúa là Đấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân
hậu đối với tôi. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 18
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ
vui mừng". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 44-51
"Ta là bánh từ
trời xuống".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng:
"Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy,
và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có
chép rằng: 'Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo'. Ai nghe lời giáo hoá của
Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà
ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự
sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa
mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta
là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ
ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Tin Chúa Sẽ
Ðược Sống Muôn Ðời
Anh
chị em thân mến!
Chúng
ta không phủ nhận sự kiện có nhiều người muốn chối bỏ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa
mà họ đang nắm giữ chưa phải là Thiên Chúa thật, đó mới chỉ là một phác họa của
trí tưởng tượng, một phản ứng của những ước muốn nơi con người. Không chiều
theo sở thích của họ thì họ sẽ sẵn sàng chối bỏ. Muốn khám phá ra một Thiên
Chúa thật, con người phải tìm về cội nguồn là Ðức Kitô, như lời dạy của Ngài
qua tường thuật của thánh Gioan trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Thật
thế, có nhiều cách nghe và nhiều cách phản ứng trước điều đã nghe. Có người
nghe để rồi phê bình chỉ trích, có người nghe rồi chán nản bực mình, nghe để
khiếp sợ xa lánh hoặc nghe chỉ vì không có cơ hội để nói. Tất cả các cách nghe
này đều không phải là cách nghe mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ: "Ai nghe và
học nơi Cha thì đến với Ta".
Nghe
và học là đáp trả đối với tình yêu Thiên Chúa. Vì Lời của Thiên Chúa như mưa
tuyết từ trời sa xuống, nó sẽ không trở lên trời lại nếu đã không thấm nhuần
đất đai, nếu không làm cho đất đai sinh sản nẩy mầm và cho người gieo có giống
cùng cơm bánh cho người ta ăn.
Lời
Chúa là lời phát sinh hiệu quả. Hiệu quả ấy không phải là sản phẩm của trí
tưởng tượng hoặc kết tinh của ước muốn. Nếu chỉ gặt hái được những kết quả như
thế khi tiếp xúc với Thiên Chúa, sớm muộn gì con người cũng sẽ chối bỏ Ngài.
Muốn
gặp được Thiên Chúa thật, con người phải đến với Ðức Giêsu: "Không ai xem
thấy Cha trừ ra Ðấng bởi từ Thiên Chúa Cha mà ra. Ðấng ấy đã thấy Cha và Ðấng
ấy cũng là Thiên Chúa".
Tìm
đến với Ngài là tìm gặp được Thiên Chúa. Nghe và học ở nơi Ngài không chỉ là
việc tiếp nhận từ Ngài các kiến thức khô khan, như các công thức toán học, vật
lý hoặc văn chương triết học. Nghe và học ở Ngài là đón nhận cả con người của
Ngài. Thân thể Ngài trở nên của ăn, Máu Ngài trở nên của uống nuôi sống trần
gian: "Ai đến với Ngài sẽ không hề đói. Ai tin vào Ngài sẽ không hề khát
bao giờ".
Con
người vẫn còn than trách hoặc chối từ Thiên Chúa, vì họ còn giữ mãi cho mình
hình ảnh của một Thiên Chúa do họ nắn tạo ra. Cần phải phá bỏ hình ảnh đó đi,
họ mới có cơ may gặp được Thiên Chúa thật. Người Do Thái đã không từ chối hình
ảnh của Ðấng Cứu Thế theo những gì họ nghĩ tưởng. Thế nên, đứng trước một Ðấng
Cứu Thế thật, họ cũng chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Biệt
phái nghe để phê bình, luật sĩ nhìn để bắt bẻ, thì làm sao có thể nghe và nhìn
để học hỏi nơi Ðức Giêsu. Người tín hữu hôm nay cũng thế, nếu không biết nghe
và học, họ sẽ không gặp được Thiên Chúa. Nghe và học đòi buộc họ phải đến với
Chúa Giêsu, đến với Ngài đòi buộc họ phải đón nhận Ngài. Vì hiểu biết Thiên
Chúa không phải chỉ là mớ kiến thức, nhưng hiểu biết về Ngài là một cảm nghiệm,
một đối thoại trao đổi không ngừng.
Qua
bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta vượt qua hình ảnh
về Thiên Chúa mà bấy lâu nay mỗi người trong chúng ta đã đúc sẵn cho mình. Có
thể đó là một Thiên Chúa nhớ đến lúc nguy nan hoặc như nhãn hiệu gắn bên ngoài
để che mắt người đời. Có như thế, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa thật, Ðấng
hằng mong chờ chúng ta đến để sống với Ngài, để hưởng sự sống đời đời bên Ngài.
Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Năm Tuần
III PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa và Bí-tích là hai nguồn sức mạnh chính của con
người.
Để
một người có thể tin vào Đức Kitô đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố. Về phía
con người, họ phải có lòng thành đi tìm sự thật và phải bỏ giờ để học hỏi. Về
phía Thiên Chúa, Ngài phải tạo cơ hội cho con người bằng cách gởi tới những
người rao giảng Tin Mừng; nhưng quan trọng hơn cả là Thiên Chúa ban Thánh Thần
để soi sáng cho con người hiểu và nhận ra sự thật trong Tin Mừng, đồng thời
thúc đẩy con người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Nếu không có sự trợ giúp
của Thiên Chúa, con người không thể tin vào Đức Kitô.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự trợ giúp của Thiên Chúa để mọi người có
thể tin vào Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, nếu Thiên Chúa không gởi Thánh Thần,
thiên sứ, và Philip, viên quan Thái Giám Ethiopia không có Phó-tế Philip để cắt
nghĩa cho ông những gì trong Sách của ngôn-sứ Isaiah, và ông sẽ không có cơ hội
để tin vào Đức Kitô và được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả
quyết: không ai có thể đến được với Ngài, nếu Cha Ngài không “lôi kéo” người
ấy. Điều mà Chúa Cha lôi kéo đây là cung cấp cơ hội (nghe Chúa Giêsu rao giảng
Tin Mừng), và ban Thánh Thần để thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Quan Thái Giám người Ethiopia
tin vào Đức Kitô.
1.1/
Thiên Chúa sắp đặt cơ hội cho ông quan trở lại.
(1)
Thiên sứ mặc khải cho Philip: Thiên sứ của Chúa nói với ông Philíp: "Đứng lên, đi
về hướng Nam , theo con đường
từ Jerusalem xuống Gaza ; con đường này vắng." Gaza, Ashdod,
và Ashkelon là 3 thành phố của Palestine, nằm trên đường ven biển
Mediterranean, trước khi xuống Ai-cập và đi qua lục địa Phi-châu. Ít người dám
dùng con đường này để đi từ Jerusalem xuống Gaza , vì đường vắng và địa thế gập ghềnh rất khó di
chuyển; đa số sẽ dùng con đường từ Jerusalem
xuống Joppa, rồi lần theo đường ven biển xuống Gaza .
Khi
Philip tới Gaza , ông gặp một viên quan Thái Giám
người Ethiopia , ông là quan
lớn trong triều của bà Candace, Nữ Hoàng nước Ethiopia . Ông này làm tổng quản kho
bạc của bà. Ông đã lên Jerusalem
hành hương và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn
sứ Isaiah. Viên quan này có lẽ là người trở lại theo Đạo Do-thái, nhưng không
phải giữ tất cả mọi Lề Luật. Thần Khí nói với ông Philíp: "Tiến lên, đuổi
kịp xe đó."
(2)
Philip cắt nghĩa Kinh Thánh cho quan Thái Giám: Ông Philíp vâng lời chạy lên; khi ông
nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ Isaiah, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều
ngài đọc không?" Ông quan đáp: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không có
người dẫn giải?" Rồi ông mời ông Philíp lên ngồi với mình.
Đoạn
Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn trong Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung của
Thiên Chúa, Isa 53:7-8: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị
xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của
Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên
trần gian đã bị chấm dứt.” Viên Thái Giám ngỏ lời với ông Philíp: "Xin ông
cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?" Ông
Philíp khởi đầu từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông.
Chúa Giêsu là Người Tôi Trung ấy, Ngài chịu đựng đau khổ cho con người, để cứu
chuộc con người khỏi chết và cho con người được sống muôn đời. Để được hưởng
những đặc quyền này, con người phải tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
1.2/
Philip rửa tội cho quan Thái Giám: Dọc đường, khi các ông tới một chỗ có nước,
viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa
không?" Ông Philíp đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được." Viên
thái giám tuyên xưng: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa." Ông
truyền dừng xe lại. Ông Philíp và viên thái giám cùng xuống chỗ có nước, và ông
Philíp làm phép rửa cho ông quan. Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem
ông Philíp đi mất, và viên Thái Giám không còn thấy ông nữa; nhưng ông tiếp tục
cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philíp thì người ta gặp thấy ở Ashdod . Ông loan báo Tin
Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Caesarea .
2/
Phúc Âm: Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được
sống.
2.1/
Chúa Giêsu dạy dỗ con người: Ngài tuyên bố: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha
là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống
lại trong ngày sau hết.” Có nhiều người dựa vào câu tuyên bố này để bênh vực
chủ thuyết Tiền Định: Tất cả mọi người đã được Thiên Chúa tiền định cho được
lên Thiên Đàng hay phải xuống hỏa ngục. Nếu Thiên Chúa lôi kéo ai, người đó mới
có thể đến và tin vào Đức Kitô, và được lên Thiên Đàng. Nếu Thiên Chúa không
lôi kéo, làm sao một người có thể đến và tin vào Đức Kitô? Hậu quả là người đó
sẽ phải sa hỏa ngục, cho dù có muốn lên Thiên Đàng!
Điều
quan trọng là phải hiểu hai chữ “lôi kéo.” Bằng cách nào Thiên Chúa “lôi kéo”
con người đến với Chúa Giêsu? Thiên Chúa lôi kéo con người đến với Đức Kitô
không phải như người ta xỏ mũi để kéo con bò, hay như bộ máy kéo theo các toa
xe lửa, nhưng Ngài: (1) Cung cấp cơ hội để con người có thể nghe Lời Chúa và
được dạy dỗ, như Chúa Giêsu nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết
mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của
Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” Lời ngôn sứ mà Chúa đề cập đến ở đây là Isa
54:13 và Jer 31:33. (2) Ban Thánh Thần để Ngài hoạt động bên trong con người,
giúp con người nhận ra sự thật, và thúc đẩy con người để mạnh dạn tuyên xưng
niềm tin vào Đức Kitô.
2.2/
Chúa Giêsu nuôi dưỡng con người bằng chính Mình Người: Niềm tin vào Đức Kitô
không phải chỉ một lúc con người tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa; nhưng
trải dài trong suốt cuộc đời các tín hữu. Để giữ đức tin sống động và trung
thành đến cùng, con người cần được nuôi dưỡng như Chúa Giêsu nói với dân chúng:
“Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh
trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh
này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống
từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng,
chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." Bí-tích Thánh Thể không
phải là việc làm cũng được, không làm cũng không sao; nhưng là việc tối quan
trọng: Ai không ăn Mình Chúa, sẽ không có nghị lực để chống trả chước cám dỗ
của thế gian và ma quỉ, và sẽ khó lòng trung thành với Đức Kitô trọn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Sự trở lại của con người và tin vào Đức Kitô nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của
Thiên Chúa: Ngài cho con người có cơ hội để nghe Tin Mừng, đồng thời cung cấp
ơn thánh bên trong để giúp con người nhận ra sự thật và thúc đẩy con người tin
vào Đức Kitô.
-
Chúa Giêsu vẫn không ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời Chúa, và nuôi dưỡng chúng ta
bằng chính mình Ngài qua Bí-tích Thánh Thể. Chúng ta hãy năng chạy đến với hai
nguồn sức mạnh chính này để học khôn ngoan và được nuôi dưỡng hằng ngày.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 3 MÙA PHỤC SINH
Ga 6,44-51
A. Hạt giống...
Tiếp tục ý tưởng hôm qua về "đến
với" và "tin vào" Chúa :
Việc "tin vào" Chúa Giêsu, thể
hiện bằng việc "đến với" Ngài là kết quả của sự hợp tác của hai phía
:
- Phía Thiên Chúa : Thiên Chúa ban ơn
"lôi kéo" con người tin vào Chúa Giêsu và đến với Ngài : "Không
ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy" (câu
44). Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn "lôi kéo" con người đến với Chúa
Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để cho
Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người do thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không
đến được với Chúa Giêsu.
- Phía con người : phải "nghe lời giáo
huấn" của Thiên Chúa. : "Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với
Ta" (câu 45). Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người : "Trong
sách các ngôn sứ có chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn" (câu
45). Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 54 sách Isaia là kinh
nghiệm của dân Isarel vào cuối thời lưu đày : họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn
quyến luyến con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn
mà Thiên Chúa đã ban cho Israel
qua dòng lịch sử. Như thế, "nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa" nghĩa
là ý thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương mình.
Tóm lại, việc "tin vào" Chúa
Giêsu và "đến với" Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương luôn tạo điều
kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình
thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.
B.... nẩy mầm.
1. Hôm qua, chúng ta đã hiểu ích lợi của
việc đến với Chúa ("Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không
hề khát bao giờ"). Nhưng xét mình lại, chúng ta thấy mình ít đến với Chúa.
Ít đến vì một việc xem ra đơn giản như thế lại quá khó với bản tính tự nhiên
của chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu dạy thêm : muốn đến với Ngài thì hãy để cho
tình thương Thiên Chúa lôi kéo và hãy nhớ giáo huấn của Ngài trong lịch sử là
Ngài rất yêu thương loài người. Đừng lì lợm với tình thương ấy, đừng kháng cự
với tình thương ấy.
2. Một buổi chiều rảnh rỗi, văn hào Paul
Claudel thong thả dạo bước nhàn du. Khi đi ngang một nhà thờ, tiếng thánh ca từ
đó vọng ra đã lôi kéo bước chân ông đi vào nhà thờ. Ở đó ông đã gặp Thiên Chúa,
gặp niềm tin. Đó là một cách lôi kéo của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng dùng biết
bao cách khác để lôi kéo chúng ta. Chỉ cần ta đừng cố chấp nhưng ngoan ngoãn
bước theo, thì ta sẽ "đến" được với Ngài. Hãy nhớ lại xem đã bao
nhiều lần, và những lần đó thế nào, tôi đã lỡ mất không ngoan ngoãn bước theo
sự lôi kéo của Thiên Chúa.
3. Người câm không nói được nhưng có cách
làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét
mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải
rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng
ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
4. (những mầm khác)
Lm.Carolo Hồ Bặc Xái-
Gp.Cần Thơ
18/04/13 THỨ
NĂM TUẦN 3 PS
Ga 6,44-51
Ga 6,44-51
BÁNH LÀ ĐỂ ĐƯỢC ĂN !
“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là tôi đây, để cho thế gian được
sống.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Phần trước của diễn từ, Chúa
Giêsu nói Người là bánh trường sinh; tới đây, Người cho biết bánh ấy là thịt
của Người. Đây rõ ràng là một tiên báo về Bí Tích Thánh Thể. Bánh rượu trở
thành Thịt Máu Chúa; ta ăn chính Người. Đức Giêsu hiện diện trong bánh và
rượu như thế nào, đó quả là điều vô cùng khó
hiểu. Nhưng trước hết, nên tự hỏi: Người hiện diện như thế để làm gì? Nếu Người có lý do chính
đáng để hiện diện trong bánh rượu của Bí tích Thánh Thể, thì việc hiện diện như thế nào sẽ không còn là vấn đề nữa –
(vì chẳng lẽ Chúa không làm được điều mà Ngài cảm thấy cần làm?). Cả bài diễn
từ này nói rõ lý do chính đáng ấy: Đức Giêsu hiện diện trong bánh rượu để cho
ta ăn, nhờ đó ta được sống muôn đời, nói cách khác, Người hiện diện trong Bi
Tích Thánh Thể để diễn tả tình yêu hiến thân cứu độ con người.
Mời Bạn: Chẳng ai nhìn bánh bày trong
tủ kiếng mà no. Tiên vàn, bánh là để ăn! Bánh không được ăn là bánh thừa; nó
‘vô duyên’, nó không phát huy hết yếu tính của nó. Bí Tích Thánh Thể có ‘vô
duyên’ đối với bạn không?
Chia sẻ: Thánh Lễ là một bữa ăn, tại
sao ta có thể nói như thế? Bằng cách nào bạn có được khẩu vị tốt để thưởng
thức bữa tiệc Thánh Thể này?
Sống Lời Chúa: Bạn tham dự Thánh Lễ và rước
Thánh Thể cách sốt sắng và biến ngày sống của bạn thành một Thánh lễ kéo dài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì
yêu thương, Chúa đã trở thành tấm bánh cho con. Xin cho con biết khát khao
đón nhận Chúa, và đến lượt con trở thành tấm bánh cho đời. Amen.
|
|
CHÚA CHA
LÔI KÉO
Cuộc
sống người Kitô hữu là cuộc sống giữa những lôi kéo, giằng co, giữa chính và
tà, giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và Xatan. Hãy để cho Cha lôi kéo bằng
cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.
Suy niệm:
Sống ở đời là phải chịu nhiều sự lôi kéo. Thời nay sự lôi kéo lại càng mạnh mẽ và thô bạo. Có sự lôi kéo của khuyến mãi, giảm giá, khiến ta vui vẻ mua cả điều không cần. Có sự lôi kéo của những sản phẩm thuộc đời mới hơn, nhiều
chức năng hơn, khiến chúng ta mê mải chạy theo
và rượt đuổi không ngừng. Có sự lôi kéo của hình ảnh quảng
cáo, của thời trang, của sách báo, khiến chúng ta
chẳng làm chủ được cái nhìn, và dễ đi đến chỗ phạm tội. Để chống lại được sự lôi kéo bên ngoài cần có nội lực bên
trong. Nhiều người sa ngã vì bị kéo bên ngoài, mà bên trong không
vững.
“Không ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha,
Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44).
Đức Giêsu khẳng định về sự lôi kéo của Chúa Cha
trong đời từng người. Cha lôi kéo chúng ta về phía Con
của Ngài là Đức Giêsu, bất chấp những lôi kéo ngược lại
đến từ phía thế gian, ma quỷ, xác thịt. Nếu chúng ta
để cho Cha kéo đi mà không cưỡng lại, thế nào ta
cũng đến được với Giêsu. Và Giêsu lại là Con Đường tuyệt
vời dẫn ta đến với Cha.
“Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự
Sống.
Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 13, 6).
Như thế Cha đưa ta đến với Con:
“Này là Con ta yêu dấu… hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).
Và Con đưa ta lại cho Cha để hưởng sự sống đời đời trong ngày sau hết. Cuộc sống người Kitô hữu là cuộc sống giữa những lôi kéo,
giằng co, giữa chính và tà, giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và
Xatan. Tâm hồn con người là hiện trường của những cuộc giao đấu
không ngơi nghỉ. Hãy để cho Cha lôi kéo bằng cách
nghe và đón nhận giáo huấn của Cha. Lời dạy dỗ của
Cha có khi chỉ nghe được trong thầm lặng. Lời ấy đưa ta
đến với Giêsu, Đấng duy nhất thấy Cha, biết Cha (c. 46). Hãy tin vào Giêsu để được Sự Sống vĩnh cửu (cc. 44. 47). Hãy ăn Tấm Bánh Giêsu để được Sự Sống ngay từ đời này (c.
51).
“Khi nào tôi được giương cao lên khỏi đất,
tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12, 32).
Hãy để Giêsu lôi kéo chúng ta khỏi sự tầm
thường của cái tôi ích kỷ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Chúa đã muốn trở nên con của loài người, con của trái đất, con của một dân tộc. Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa dù họ từ khước Tin Mừng và
đóng đinh Chúa vào thập giá. Xin cho chúng con biết
yêu mến quê hương, một quê hương còn nghèo nàn
lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh, một quê hương đang mở ra trước thế giới nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.Xin cho chúng con đừng nhắm
mắt ngủ yên trong sự an toàn và tiện nghi
vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau, và làm một điều gì đó thật cụ thể cho những đồng bào quanh chúng con. Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước bằng khối óc, quả tim và đôi tay. Và ước gì chúng con biết khiêm tốn cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Thứ năm
(Ga 6,44-51)
Suy niệm
Tiếp
tục đề tài bí tích Thánh Thể,Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu xác quyết chính Ngài
là bánh từ trời xuống, bánh hằng sống; ai ăn sẽ được sống muôn đời. Nhưng để
đến và đón nhận sự sống của Ngài cần phải được Chúa Cha ban ơn trợ giúp.
Xin
Chúa thương ban ơn giúp sức cho chúng ta, để chúng ta tin nhận và đến cùng Chúa
Giêsu nguồn ban sự sống đời đời.
Tin
mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục kêu gọi chúng ta "đến với Ngài"
và "tin vào Ngài", bởi chính Người là bánh từ trời, bánh hằng
sống. Ai đón nhận Ngài thì sẽ được sống đời đời.
Nhưng
để đến được với Chúa, chúng ta phải được Chúa Cha lôi kéo. Tự sức ta không thể
đến với Chúa được, vì con người chúng ta hèn mọn và tội lỗi.
Muốn
được Chúa Cha lôi kéo, chúng ta phải đón nhận giáo huấn của Chúa qua việc lắng
nghe và thi hành Lời Chúa dạy.
Chính
Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha. Lời Chúa Cha là Lời ban sự sống cho con người.
Vì thế đến được với Chúa Giêsu là Lời, ta tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa Cha.
Nhiều
người cho mình đã chọn Chúa, tin kính Chúa và thường xuyên đến với Chúa là do
khả năng và nổ lực của bản thân mình. Nhưng thật sai lầm, vì không ai có thể
tin nhận và đến với Chúa nếu không cậy nhờ ơn ban của Chúa Cha lôi kéo người
ấy.
Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con siêng năng đến với Chúa nơi
Bí Tích Thánh Thể cũng như trung thành lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy. Nhờ
đó chúng con được Chúa ban sự sống đời đời.
Lm. Seoka
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
18
THÁNG TƯ
Đức
Giêsu Có Thể Xóa Tan Các Mối Nghi Ngờ Của Chúng Ta
Chúa
Giê-su phán: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Và khi nói những lời
ấy, Người thổi hơi trên các môn đệ và phán: “Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em
tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc ai thì người ấy bị
cầm buộc”. (Ga 20,21-23)
Từ
ngày đầu tiên ấy, Giáo Hội sống trong hiệu lực của giao ước mới – giao ước vĩnh
cửu. Giáo Hội sống trong hiệu lực của cái chết và cuộc Phục Sinh cứu độ của Con
Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội được Đức Kitô – là chính sự sống của Giáo Hội –
trực tiếp trao cho quyền năng trên sự dữ.
Một
lần nữa, chúng ta được dẫn lên căn gác thượng. Đây là ngày thứ tám sau Phục
Sinh. Đức Giêsu hiện ra cho Tô-ma, một trong Nhóm Mười Hai. Tô-ma được mời gọi
– cùng với các đồng môn của mình – trở thành chứng nhân của Đấng Phục Sinh. Ông
không có mặt cùng với các bạn tám ngày trước đó, khi Chúa hiện ra với nhóm. Ông
phải đích thân trông thấy. Rồi, Chúa Giê-su hiện đến lần thứ hai. Người đến để
thuyết phục sự cứng cỏi của Tô-ma – và Người đã cho ông thấy chứng cứ hùng hồn
của cuộc Phục Sinh của Người.
Tô-ma
bị thuyết phục về sự Phục Sinh khi ông tận mắt nhìn thấy Chúa Giê-su và các vết
thương của Người. Ông không nghi ngờ nữa – và đã thốt lên lời tuyên xưng đức
tin hết sức triệt để: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20,28).
Vâng,
Giáo Hội sống sự sống Phục Sinh của Đức Kitô ngay từ chính những ngày đầu tiên
của lịch sử mình. Giáo Hội sống trong mầu nhiệm Vượt Qua của Thầy và phu quân
của mình. Từ mầu nhiệm này, Giáo Hội nhận lãnh sức mạnh hai mặt: sức mạnh của
lời chứng và sức mạnh của ân sủng có năng lực cứu độ con người. Thời đại của
Giáo Hội chỉ bắt đầu sau Lễ Hiện Xuống. Tuy nhiên, Lễ Hiện Xuống lại khởi đầu
từ chính cuộc Phục Sinh. Thực vậy, ngay trong lần đầu tiên hiện ra với các Tông
Đồ “sau ngày sa-bát”, Chúa Phục Sinh đã nói với các ông: “Anh em hãy nhận lấy
Thánh Thần” (Ga 20,22).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
18-4
Cv
8, 26-40; Ga 6, 44-51
LỜI SUY NIỆM: Xưa có
lời chép trong sách các ngôn sứ: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy
phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” (Ga 6,
45)
Trong
Cựu Ước Khi Thiên Chúa đã tuyển chọn dân riêng cho Ngài, Ngài thường mạc khải
qua từng giai đoạn cho một con người để làm ngôn sứ, có bổn phận loan báo những
giáo huấn của Ngài để toàn dân sống cho đúng những ý định của Ngài, ngôn sứ còn
có trách nhiệm tố cáo những điều tệ hại trong dân để ngăn ngừa, và sửa trị. Tất
cả những gì của Cựu Ước đều là để dọn đường cho Tân Ước. Trong Tân Ước Chúa Giêsu
trung tâm điểm những gì Thiên Chúa đã hứa. Chính Chúa Giêsu đến, Ngài đã làm
cho mọi sự nên hoàn hảo. Ngài là Thiên Chúa Thât. Và những gì Ngài phán bảo đều
là sự thật và cần cho đời sống hiện tại cả mai sau. Tiếng nói của Ngài là tiếng
nói sau cùng của Thiên Chúa với loài người, và không còn tiếng nói khác nào
nữa.. Những ai muốn được sống đời đời phải tin vào Chúa Giêsu Ki-tô.
Mạnh
Phương
Gương
các Thánh
Ngày
18/4 - Chân Phước Pedro de San José Betancur
(1626
- 1667)
Pedro
sinh trong một gia đình nghèo ở Tenerife thuộc
quần đảo Canary. Ngay từ nhỏ, cậu rất muốn trở thành một linh mục, nhưng Thiên
Chúa đã có hoạch định khác cho cậu.
Pedro
làm nghề chăn cừu cho đến khi 24 tuổi, anh thực hiện cuộc du hành sang Guatemala , hy
vọng sẽ tìm được một người bà con đang làm việc cho chính phủ ở đây. Nhưng mới
đến Havana , anh
đã cạn hết tiền. Sau khi phải làm việc để kiếm thêm tài chánh, mãi một năm sau
anh mới đến thủ đô Guatemala .
Ðến nơi, anh quá túng thiếu đến độ phải sống nhờ vào nhà phát chẩn của dòng Phanxicô.
Sau
đó không lâu, Pedro ghi tên theo học trường Dòng Tên với hy vọng sẽ trở thành
một linh mục. Nhưng dù cố gắng đến đâu đi nữa, anh vẫn không thể tinh thông các
môn học; do đó anh phải bỏ dở. Năm 1655 anh gia nhập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ba
năm sau thầy Pedro mở một chẩn y viện cho người nghèo; một trung tâm cho người
vô gia cư và sau đó ít lâu, thầy mở một trường học cho các trẻ em nghèo. Cũng
không quên đến người giầu có ở thủ đô Guatemala, thầy đi vào khu phố của họ,
vừa rung chuông vừa kêu gọi họ ăn năn sám hối.
Dần
dà nhiều người khác đến chia sẻ công việc của Pedro. Không bao lâu, họ thành
lập Tu Hội Bêlem mà tu hội này đã được Tòa Thánh chính thức công nhận sau khi
Thầy Pedro từ trần.
Thầy
thường được coi là người khởi xướng hoạt cảnh Ðêm Giáng Sinh, trong đó Ðức
Maria và Thánh Giuse đi từng nhà để tìm chỗ trọ. Truyền thống này lan ra tới Mễ
Tây Cơ và các quốc gia Trung Mỹ cho đến ngày nay.
Thầy
được phong chân phước năm 1980.
Lời Trích
Ðề
cập đến Thầy Pedro và bốn vị khác cùng được phong chân phước với thầy, Ðức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Thiên Chúa rộng rãi ban phát cho họ sự nhân
hậu và lòng thương xót của Ngài cũng như ban cho họ tràn đầy ơn sủng; Thiên
Chúa yêu thương họ với tình yêu của một người cha, nhưng rất đòi hỏi, mà sự hứa
hẹn chỉ là những khổ nhọc và đau thương. Thiên Chúa mời gọi họ sống cuộc đời
thánh thiện cách anh hùng; Ngài lôi họ ra khỏi quê hương và gửi họ đến các phần
đất xa lạ để loan truyền phúc âm, giữa những khó khăn và cực nhọc không thể
diễn tả được" (L'Observatore Romano).
18 Tháng Tư
Ðôi Tay Cầu Nguyện
Albrecht Durer là một
họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của nước Ðức vào thế kỷ thứ 16. Một trong
những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh "Ðôi tay cầu
nguyện".
Sự tích của họa phẩm
này như sau: Thuở hàn vi, Durer kết nghĩa với một người bạn chí thân. Cả hai đã
thề thốt là sẽ giúp nhau trở thành họa sĩ. Ðể thực hiện ước nguyện đó, người
bạn của Durer đã chấp nhận làm thuê làm mướn đủ cách để kiếm tiền cho Durer ăn
học thành tài. Theo thỏa thuận, sau khi đã thành công, Durer cũng sẽ dùng tiền
bạc của mình để giúp cho người bạn ăn học cho đến khi thành đạt.
Thế nhưng khi Durer đã
thành tài, danh tiếng của anh bắt đầu lên, thì đôi tay của người bạn cũng đã ra
chai cứng vì lam lũ vất vả, khiến anh không thể nào cầm cọ để học vẽ nữa.
Một ngày nọ, tình cờ
bắt gặp đôi tay của người bạn đang chắp lại trong tư thế cầu nguyện, Durer nghĩ
thầm: "Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng khiếu cho đôi bàn tay
này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và lòng biết ơn của ta bằng
cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn ca tụng đôi bàn tay thanh
cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người bạn".
Thế là kể từ hôm đó,
Durer đã để hết tâm trí vào việc thực hiện bức tranh đó. Ðó không phải chỉ là
một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là tất cả tình yêu và lòng biết ơn mà ông muốn
nói lên với một người bạn. Bức tranh đã trở thành bất hủ, nhưng càng bất hủ hơn
nữa đó là tấm lòng vàng của người bạn và tâm tình tri ân của nhà họa sĩ.
Phúc
Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà mà mọi người
đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà ta bị xếp vào loại người tội
lỗi... Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn bà đã tiến đến bên Chúa Giêsu,
đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa Giêsu và dùng tóc lau chân Ngài.
Nhiều
người xì xào, tỏ vẻ khó chịu. Chúa Giêsu đã lên tiếng biện minh cho người đàn
bà và Ngài đã tiên đoán: nơi nào tin Mừng được loan báo thì nơi đó cử chỉ của
người đàn bà được nhắc tới.
Qua
lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: tất cả mọi nghĩa
cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu và làm cho mọi người nhỏ mọn đến đâu, cũng
được ghi nhớ muôn đời.
Tiền
của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng những việc làm bác ái luôn
có giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã nói: trong ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, chỉ
có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đời.
Cuộc
đời của mỗi người Kitô chúng ta cũng giống như một bức tranh cần được hoàn
thành. Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác là một đường nét chúng ta
thêm vào cho bức tranh. Khuôn mặt của chúng ta có thể khô cằn, hoặc rướm máu vì
những cày xéo của những thử thách, khó khăn, đôi tay của chúng ta có thể khô
cứng vì những quảng đại, quên mình. Tuy nhiên, những đường nét bác ái sẽ làm
cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử...
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét