Trang

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

19-04-2013 : THỨ SÁU TUẦN III MÙA PHỤC SINH


Ngày 19/04/2013
Thứ Sáu Tuần III Mùa Phục Sinh Năm C


BÀI ĐỌC I: Cv 9, 1-20
"Người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Đamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ, ông trói đem về Giêrusalem. Đang khi đi đường lúc đến gần Đamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi". Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Đamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Đamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: "Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán: "Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện". (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa". Nhưng Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta". Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Đấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần". Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Đamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Hoặc đọc: Alleluia.

1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Đáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 16

Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. - Alleluia.


PHÚC ÂM: Ga 6, 53-60 (Hl 52-59)
"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Lương Thực Linh Hồn
Anh chị em thân mến!
Có một thương gia Công giáo người Ðức sang đảo Greenland, Bắc cực vào thời gian đạo Công giáo còn bị cấm đoán ở đây. Vì công việc làm ăn, ông phải lưu lại đảo cả mùa Giáng Sinh. Biết được ông là người Công giáo, một gia đình mời ông tham dự giờ cầu nguyện lén lút của họ vào đêm Giáng Sinh.
Không quản ngại cái lạnh giá của khí hậu Bắc Cực, họ âm thầm lần mò trong đêm tối đến tụ họp trong nhà của một bô lão tuổi khoảng thất tuần. Sau lời chào chúc, và một vài lời nguyện qua Kinh Thánh, ông lão kéo hộc bàn và lấy ra một chiếc hộp nhỏ. Trong hộp có chiếc khăn thánh đã vàng úa theo thời gian. Vừa nâng chiếc khăn thánh lên, ông lão vừa run rẩy cất giọng:
"Anh chị em thân mến! Cách đây 50 năm, Thánh lễ cuối cùng trên mảnh đất của chúng ta được dâng tiến trên chiếc khăn thánh này. Lúc ấy, tôi là cậu bé giúp lễ và chiếc khăn này là vật duy nhất còn lại khi ngôi thánh đường bị thiêu rụi. Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa Giêsu đã ngự trên chiếc khăn này. Ðoạn ông mời gọi mọi người quì gối và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con được thông phần vào Mình Máu Thánh Chúa".
Lời cầu của ông bị cắt ngay bởi tiếng nức nở, chẳng một ai cầm được nước mắt. Và đôi mắt của người thương gia người Ðức cũng đã ngấn lệ chẳng biết từ bao giờ. Lòng ông bồi hồi cảm xúc với ước muốn tha thiết được nhận lãnh Thánh Thể. Một sự khao khát mà trước đây ông chưa hề có, dù hằng ngày ông vẫn đến nhà thờ dâng Thánh Lễ.
Anh chị em thân mến!
Có lẽ phần đông chúng ta hoặc chính mình hoặc được nghe kể lại kinh nghiệm về cảm giác trống vắng phải xa bàn tiệc Thánh Thể. Như thương gia người Ðức ở trên, có lẽ vì quá gần gũi hằng ngày, chúng ta chẳng lưu tâm để ý tới. Chỉ khi nào xa cách, chúng ta sẽ hiểu được giá trị: "Mình Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Mình Ta và uống Máu Ta thì sẽ ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy".
Nhiều người hoài nghi cho rằng Lời Chúa Giêsu không mang ý nghĩa thực mà chỉ là một hình ảnh diễn tả hy tế Thập Giá. Ðây cũng là phản ứng của đám đông Do Thái: "Làm sao ông này có thể lấy Thịt Mình cho chúng ta ăn được?"
Chúng ta không phủ nhận ý nghĩa về Thánh Lễ trên Thập Giá của đoạn Tin Mừng hôm nay, vì Thánh Lễ cũng là một hy tế tái diễn hy tế Thập Giá. Trong lễ hy tế, vật hy tế chính Thịt và Máu Chúa. Trong Thánh Lễ, bánh và rượu - hay nói cách khác - Thịt và Máu Chúa Giêsu được dùng của lễ.
Tuy nhiên, nếu hy tế Thập Giá có giá trị cứu rỗi đặc biệt thì đòi hỏi người tham dự có một thái độ đặc biệt: "Ai không ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ không có sự sống". Lệnh truyền này còn được nhắc lại rất trang trọng trong nghi thức thiết lập phép Thánh Thể ở Nhà Tiệc Ly: "Hãy cầm lấy mà ăn... Hãy cầm lấy mà uống". Ăn uống bây giờ không còn là ăn bánh uống rượu để kỷ niệm mà là đón nhận chính Mình Máu Chúa Giêsu.
Vì thế, thánh Phaolô đã nhắc nhở: "Hễ ai ăn uống cách bất xứng, chẳng phân biệt thân thể Chúa, thì người ấy ăn uống án phạt cho mình". Sự sống đời đời đã trở nên hình phạt vì thái độ bất xứng của kẻ lãnh nhận. Bởi thế, lãnh nhận Thánh Thể không đơn thuần là việc ăn uống để có được sức mạnh, nhưng còn đòi hỏi con người phải biết hiến dâng qua việc chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.
Theo ngôn ngữ của Phúc Âm Gioan, giờ của Ngài tức là lúc Ðức Kitô được treo lên, lúc Ngài trở thành hiến vật để cứu sống muôn người. Trong cuộc sống mỗi người Kitô hữu cũng sẽ có những giờ đòi buộc họ là chịu khổ đau Thập Giá. Ðây sẽ là cơ hội quí báu để họ góp phần vào hy tế của Chúa Giêsu được tái diễn mỗi ngày qua Thánh Lễ.
Lạy Chúa, không ít lần vì thiếu chuẩn bị con đã đón rước Chúa một cách hững hờ, bất xứng, khiến cho sự sống đời đời chẳng sinh hậu quả hoặc đã trở nên hình phạt. Xin cho con biết dùng những đau khổ trong cuộc sống là con đường dẫn đến Núi Sọ, để một khi đã góp phần vào hy tế Thập Giá con cũng được hưởng nhờ hiệu quả do hy tế Thập Giá mang lại. Amen.
(Veritas Asia)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần III PS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có thể làm chuyện không thể đối với con người.

Con người thường lấy những gì mình suy nghĩ để áp dụng cho Thiên Chúa. Họ quan niệm Thiên Chúa cũng giống như họ: nếu họ không thể làm được, Thiên Chúa cũng không thể làm được. Họ quên đi một điều là Thiên Chúa khác và vượt xa con người: Ngài làm được mọi sự và không có điều gì là không thể đối với Ngài. Tiên-tri Isaiah nhắc nhở con người phải luôn nhớ điều này: “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Isa 55:9).

Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy những kỳ công Chúa thực hiện. Trong Bài Đọc I, Chúa biến đổi ông Saul từ một người Pharisees dữ dằn và khốc liệt truy tố các tín hữu, trở thành một người hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng chết để làm chứng cho Ngài; một điều không thể xảy ra với sức con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Tất cả những ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ được sống muôn đời; người Do-thái ngạc nhiên thắc mắc: “Làm sao ông ấy có thể lấy thịt cho chúng ta ăn được?”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa tạo cơ hội cho Saul ăn năn trở lại.

1.1/ Xung đột ý kiến giữa Thiên Chúa và Saul.

(1) Ý của ông Saul: Ông đi Damascus với mục đích là để đi bắt các tín hữu theo Đạo mới về để trị tội, như Sách CVTĐ tường trình: “Ông Saul vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damascus, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Jerusalem.”

(2) Ý của Thiên Chúa: Ngài không ghét Saul đến nỗi phải tiêu diệt ông như thói quen của con người thường làm; nhưng Ngài muốn dùng lòng nhiệt thành của ông để rao giảng Tin Mừng của Ngài cho Dân Ngoại. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Damascus, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông nói: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì."

“Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. Ông Saul từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Damascus. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.” Biến cố này được lặp lại 3 lần trong Sách CVTĐ vì là một biến cố quan trọng không những cho bản thân Saul, mà còn cho tất cả mọi người.

1.2/ Không ai có thể cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa.

(1) Làm sao một người bắt đạo như thế có thể ăn năn trở lại: “Bấy giờ ở Damascus có một môn đệ tên là Hananiah. Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: "Hananiah!" Ông thưa: "Dạ, lạy Chúa, con đây." Chúa bảo ông: "Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Judah tìm một người tên là Saul quê ở Tarsus: người ấy đang cầu nguyện.” Ông Hananiah thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Jerusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa."

(2) Kế họach của Thiên Chúa cho Saul: Nhưng Chúa phán với ông: "Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta."

Ông Hananiah liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Saul và nói: "Anh Saul, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần."

Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saul, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu Phép Rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại. Lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường rằng Người là Con Thiên Chúa.

Saul đi Damascus với mục đích để bắt các tín hữu; khi ông trở lại Jerusalem là để rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Đấng ông đã không nương tay bắt bớ. Điều này chứng minh: Chẳng có chuyện gì là không thể đối với Thiên Chúa!

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có thể nuôi dưỡng con người bằng Mình Ngài.

2.1/ Chuyện không thể đối với con người: Người Do-thái có thể hiểu “bánh từ trời xuống,” vì cha ông họ đã từng ăn Manna trong sa mạc; nhưng khi Chúa Giêsu đồng hóa “bánh từ trời xuống” với thịt của Ngài (sárk), họ liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?"

Chúa Giêsu cắt nghĩa chi tiết hơn: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Không những chỉ dùng hai danh từ thịt (sárk) và máu (aima), Ngài dùng hai động từ nhai (trogein) và uống (piein), như khi con người ăn và uống lương thực phần xác. Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu muốn nói tới nghĩa đen, chứ không còn là nghĩa biểu tượng nữa. Con người qua mọi thời vẫn chối bỏ sự hiện diện sống động và đích thực của Chúa Giêsu qua Bí-tích Thánh Thể: có người cho Bánh đây là Lời Chúa, có người cho sự hiện diện chỉ có tính cách thiêng liêng; đơn giản vì họ cho việc nuôi dưỡng bằng thịt và máu Chúa là điều không thể!

2.2/ Phải ăn Mình Chúa mới có thể sống muôn đời: Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh tới sự cần thiết của Bí-tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." Sự sống Chúa Giêsu muốn đề cập tới ở đây không chỉ là sự sống thể lý (psyche), nhưng là sự sống thần linh và muôn đời (zoe). Điều khác biệt giữa hai lương thực: lương thực phần xác chỉ có thể đem lại sự sống thể lý; nhưng Mình và Máu Chúa sẽ mang lại cho con người sự sống thần linh, và họ sẽ được sống muôn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta đừng bao giờ giới hạn Thiên Chúa vào sự hạn hẹp của con người. Khi nào chưa hiểu những điều Thiên Chúa làm, hãy lấy đức tin bù lại.

- Chúng ta phải luôn tin tưởng Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Hãy mau mắn thi hành những gì Ngài truyền; nhất là năng lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể.

- Những ai chống lại Thiên Chúa thì cũng giống như người đưa chân đạp mũi nhọn: chân sẽ rách nát chảy máu mà mũi nhọn chẳng hề hấn gì!

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 3 MÙA PHỤC SINH
Ga 6,52-59

A. Hạt giống...
Tiếp tục bài giáo lý về bí tích Thánh Thể : Chúa Giêsu càng nói rõ hơn về bánh ban sự sống, đó là Thịt và Máu Ngài : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời".
- Ở cuối đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã nói rõ : "Bánh ta sẽ ban chính là thịt ta đây" (câu 51).
- Câu đó đã khiến những người do thái tranh luận với nhau. Sở dĩ họ tranh luận vì trong họ có người hiểu theo nghĩa đen (ăn thịt sống của Chúa Giêsu), có người hiểu theo nghĩa bóng (tin vào Ngài).
- Phần Chúa Giêsu, Ngài muốn hiểu theo nghĩa nào ? Thưa theo nghĩa đen. Bởi đó Chúa Giêsu dùng những động từ rất mạnh và cụ thể. Động từ "ăn" nguyên gốc là Trôgô nghĩa là "nhai", lấy răng mà nhai một thức ăn nào đó. Và động từ trôgô này được lặp đi lặp lại nhiều lần (các câu 53-54). Tới câu 55 Ngài tuyên bố dứt khoát "Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống".
- Như thế là Chúa Giêsu nói tới bí tích Thánh thể, trong đó Ngài ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người.
- Hiệu quả của việc rước lễ : "Ai ăn thịt Ta và uống máu ta thì có sự sống đời đời... thì ở trong ta và ta ở trong kẻ ấy".

B.... nẩy mầm.
1. Đến đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói rõ ràng về bí tích Thánh Thể và khuyên tín hữu cần lãnh nhận Thịt và Máu Ngài, nhờ đó Ngài ở trong họ, họ ở trong Ngài và có được sự sống đời đời.
Thánh lễ quả là dịp rất quý giá để chúng ta ăn uống Chúa, nhờ đó được ở trong Ngài và chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Thế nhưng các lễ nghi Thánh lễ vẫn cứ lặp đi lặp lại hầu như ngày này cũng như ngày khác. Điều đó khiến chúng ta quá quen đến nỗi không còn chú ý. Việc Rước lễ cũng thế, có nhiều ngày nó chỉ là một hành động theo thói quen không chút ý thức.
Thỉnh thoảng ta cần phải làm sống lại ý thức khi tham dự Thánh lễ và Rước lễ.
2. "Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng ta đã thờ ơ lãnh đạm hoặc không chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón nhận Chúa" ("Mỗi ngày một tin vui")
3. Khi Mẹ Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin lập một chi nhánh của Dòng bà, bà đã kiên trì xin cho bằng được có một Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Bà giải thích lý do : sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần và nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Thánh Chúa mà họ rước mỗi ngày. "Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống".
4. "Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống".
Hằng đêm, mỗi khi thành phố lên đèn, mọi người hối hả trở về công sở, trường học...
Những bước chân hối hả qua lại...
Bên vệ đường, một bà lão khô quắt, nằm cong queo như cố thu mình trốn cái không khí se lạnh. Bà kiệt sức vì đói. Những bước chân vẫn đi qua, đi qua...
Và rồi, đôi chân con bước tới, ngập ngừng... rồi lại bước đi
Trên ti vi, người ta nói đến lũ lụt. Cảm động, con dự định... rồi lại thôi !
Con là thế ! Từ thuở lọt lòng mẹ, đã biết nắm tay lại.
Lạy Chúa, trên thánh giá Ngài đã giang rộng đôi tay và khi phục sinh, Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại được sống.
Xin cho con luôn biết cho đi, cho đi mãi
không chỉ vật chất, nhưng cho cả bản thân. (Epphata)
5. (những mầm khác)
                                                        
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

19/04/13 THỨ SÁU TUẦN 3 PS
Ga 6,52-59

CHÚA LÀ MỤC TỬ TÔI
“…không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 5,48)
Suy niệm: Ngày này năm 2005 Đức Bênêđitô XVI được bầu làm Giáo Hoàng. Chúng ta nhắc lại để cảm phục sự can đảm, để tỏ lòng yêu mến và cầu nguyện cho ngài. Ngài đã quyết định từ nhiệm vì lý do tuổi cao, một quyết định làm nhiều người ngỡ ngàng. Đức Giáo Hoàng và các vị mục tử trong Hội Thánh ý thức nhiệm vụ của mình là hướng dẫn con người đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, Đấng ban sự sống đời đời cho con người: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Bánh mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là Thân Thể Ngài, Thân Xác vinh hiển của một Đấng Phục Sinh. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Vĩnh cửu mới có thể ban sự sống muôn đời cho con người mà thôi.
Mời Bạn: Đôi khi bạn không tha thiết với Thánh Thể vì bạn thấy khó tin quá. Nhà toán học triết gia Blaise Pascal chia sẻ rằng: “Hãy xem họ đã khởi đầu như thế nào mà noi theo. Cứ làm mọi sự như thể mình đã có niềm tin: tham dự thánh lễ, sử dụng nước phép… điều đó sẽ khiến bạn trở thành “ngây thơ” và đưa bạn đến với đức tin” (Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay, tr. 183). Tôi và bạn sẽ thực hành, để xem kết quả thế nào nhé!
Sống Lời Chúa: Được làm con Chúa, được Thánh Thể Chúa nuôi sống, tôi sẽ luôn ca ngợi: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 22,1).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con ghi nhớ và tạ ơn Chúa đã ban Bánh Trường Sinh là Thịt Máu Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con sốt sắng mỗi khi tham dự thánh lễ hay chầu Thánh Thể, để đáp lại sự dâng hiến Chúa dành cho chúng con.Amen.


Nhờ tôi mà được sống 
Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần. Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt, thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn.

Suy nim:
Tin Mừng theo thánh Gioan không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, nhưng lại giải thích cách sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay. Câu 51 là một bước chuyển quan trọng trong bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Lần đầu tiên thịt được nhắc đến trong bài giảng này. Thịt của Đức Giêsu chính là bánh từ trời được ban cho thế gian. Ngôi Lời đã vào đời làm người, đã thành thịt (Ga 1, 14). Bây giờ chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như bánh hằng sống. Đức Giêsu không bằng lòng với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá. Điều đó chỉ làm giảm cơn đói thân xác trong một thời gian. Ngài muốn nuôi cả thế giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài, nuôi bằng trọn cả con người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.
Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54).
Ăn thịt và uống máu một người là điều làm người Do thái ghê sợ. Chúng ta chỉ hiểu được những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, khi Đức Giêsu mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao mà Ngài lại nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy. Đức Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của Ngài qua thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu. Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau. Hãy đến ăn và uống lương thực thần linh Ngài dọn cho ta. Hãy đến với lòng tin và sự trân trọng trước món quà quý giá. Nhưng dự tiệc Thánh Thể không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa, mà còn là gặp gỡ tiếp xúc với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi
thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).
Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm giữa hai ngôi vị.
“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c. 57).
Rốt cuộc, qua việc ăn uống mình máu Chúa, chúng ta được tham dự vào mối tương quan thân tình giữa Cha và Con. Chúng ta được sống bằng cùng một dòng sự sống xuất phát từ Cha. Chúng ta được diễm phúc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần. Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt, thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn. Trong mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi đón lấy Bánh hằng sống, Tấm Bánh Lời Chúa và Tấm Bánh Mình Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, Chúa là thức ăn, thức uống của con. Càng ăn, con càng đói; càng uống, con càng khát; càng sở hữu, con lại càng ước ao. Chúa ngọt ngào trong cổ họng con hơn cả tầng mật ong, vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời. Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao, vì con không sao múc cạn được Chúa. Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài? Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con, con cảm thấy cả hai. Chúa đòi con nên một với Ngài, đòi hỏi đó làm cho con đau đớn, vì con không muốn từ bỏ những thói quen của con để ngủ yên trong tay Chúa. Con chỉ biết tạ ơn Chúa, ca ngợi và tôn vinh Chúa, bởi đó là sự sống đời đời cho con.
(Ruy Broeck)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ sáu

(Ga 6, 52-59)
Suy niệm

Thiên Chúa dựng nên con người có hồn và xác. Phần xác muốn sống phải ăn cơm bánh hằng ngày, phần hồn muốn sống còn phải rước Mình Máu Thánh Chúa.
Mình Máu Thánh Chúa chính là của ăn nuôi sống linh hồn ta. Xin cho chúng ta biết yêu mến và quý trọng của ăn thiêng liêng mà Chúa Giêsu tặng bằng cách dọn mình xứng đáng và siêng năng đến rước Chúa nơi bàn tiệc Thánh.
Trong một thành ngữ rất quen thuộc của tiếng Anh: “Ăn gì thì trở thành cái đó”, là một thực tế của sự sống luân chuyển trong thân xác con người và các tạo vật.
Những gì ăn vào thì ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình sự sống không chỉ trong thân xác mà còn thay đổi cả sự trưởng thành đời sống tinh thần. Chẳng hạn khi ăn thịt nhiều thì áp xuất máu sẽ bị thay đổi tăng lên, đồng thời cũng làm tính nóng trong tinh thần tăng lên theo. Ngược lại ăn rau và hoa trái nhiều, thì cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng dễ tiêu hóa, đồng thời tính tình cũng điềm đạm hơn. Đó là kinh nghiệm bình thường ở những cơ thể cũng bình thường, ngoại trừ những cơ thể bất thường thì có thể khác.
Căn cứ vào kinh nghiệm dinh dưỡng nhân loại ấy, chúng ta có thể hiểu được lời Chúa Giêsu khi Ngài phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống... Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy".
Đúng vậy, Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ có bản tính nhân loại, mà còn mang bản tính Thiên Chúa trong Ngài, nên Thịt và Máu Ngài ở trong trạng thái của sự sống đời đời.
Khi ăn thịt và uống máu Ngài, một kiểu nói khiến những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu phải rùng mình sợ hãi và bỏ Ngài, và những người thời nay không tin Chúa Giêsu thì cho đầu óc những người Công Giáo là điên rồ, nhưng ngược lại, lại rất quen thuộc thường tình và trở nên vô cùng quan trọng đối với sự sống tinh thần và thiêng liêng của mọi Kitô hữu, nhất là những người Công Giáo. Họ chẳng những tin vào Lời Chúa Giêsu phán về việc ăn thịt và uống máu Ngài, nhưng còn có kinh nghiệm ăn thịt và uống máu ấy hằng ngày, để cảm nghiệm sự trưởng thành trong đời sống tinh thần của mình ở mức độ đời đời thế nào.
Nếu phải chia sẻ kinh nghiệm ấy, thì tất cả các tín hữu Công Giáo đều sẽ đồng loạt tuyên bố: "Thịt và Máu Chúa Giêsu dưới hình bánh và hình rượu sau lời truyền phép, chính là nguồn sự sống và hạnh phúc cho họ chẳng những ở trần gian, mà nhất là trở nên bảo đảm quí giá cho sự sống bất diệt trên trời".
Vì thế trên cả thế giới, cứ vài giây đồng hồ lại có một Thánh Lễ để cung cấp cho trên tỷ người Công giáo sự sống trường sinh là thịt và máu Chúa Giêsu.
Bất cứ ai đến ăn thịt và uống máu Ngài, đều cảm nhận sự bình an khôn tả, nhiều khi nhận được cả sự chữa lành thể xác nữa. Họ chính là đoàn người đông đảo ca tụng hạnh phúc bất diệt trong món quà Thịt và Máu Chúa Giêsu trối lại trên Bàn Thờ hằng ngày, vì biết rằng khi ăn uống món quà vô giá ấy, họ cũng trở nên những Kitô khác mang trong mình sự sống trường sinh như chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa.

Lm. Seoka


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG TƯ

Thoát Khỏi Ách Thống Trị Của Sự Chết

Nếu chúng ta không thuộc về Thiên Chúa như các chứng nhân và các môn đệ của Đức Kitô, thì chúng ta sẽ hoàn toàn thuộc về thế giới đã sa ngã này. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ dẫn đến sự chết. Qua cái chết, thế giới vật chất sẽ khống chế hoàn toàn phẩm giá của chúng ta trong tư cách là những con người, làm cho chúng ta trở thành ‘bụi đất’ không hơn không kém. Nếu không có đức tin vào Chúa Kitô, thì đấy sẽ là viễn tượng duy nhất của cuộc sống con người. Sự hiện hữu của con người sẽ thật là ảm đạm.
Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô giải thoát chúng ta khỏi một viễn tượng tối tăm như thế. Cuộc Phục Sinh ấy giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của sự chết. Đó là lý do tại sao niềm vui Phục Sinh của chúng ta tiên vàn là một niềm vui bật ra từ mầu nhiệm sáng tạo. Bởi đó, chúng ta vui mừng, vì Chúa là Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên chúng ta, vì chúng ta thuộc về Ngài.
Chúng ta vui niềm vui Phục Sinh vì chúng ta là dân của Thiên Chúa, là đàn chiên do Ngài dẫn dắt. Trong Mùa Phục Sinh, hình ảnh Đức Kitô là Chúa Chiên Lành hiện lên rõ ràng. Người nói về chính mình: “Ta là mục tử tốt lành. Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta.” (Ga 10,14)

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19-4
Cv 9, 1-20; Ga 6, 52-59.


LỜI SUY NIỆM: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 57).

Chúng ta là những Ki-Tô hữu, chúng ta cần phải biết rằng các Bí Tích mà chúng ta đã và đang lãnh nhận giúp cho sự sống của Chúa trong chúng ta ngày càng chín chắn hơn, thâm sâu hơn và vững vàng hơn. Những ơn ích do bởi các phép Bí tích mang lại cho chúng ta một sự tác động tỉnh thức để dễ nhận ra tiếng nói của Lương tâm ngay thẳng của chúng ta và làm cho chúng ta luôn cậy trông vào sức mạnh của Chúa để chiến thắng những cám dỗ. Đặc biệt với Bí Tích Thánh Thể, trước khi chúng ta lãnh nhận luôn phải có những chuẩn bị cần thiết. Khi đã đón nhận chúng ta có tin thật như Lời Chúa Giêsu đã nói: Chúa sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn Mình Máu Thánh Chúa cũng sẽ được sống như vậy. Ước gì tất cả chúng ta đều xác tín điều này, để năng chạy đến với Bí Tích Thánh Thể.

Mạnh Phương

Gương các Thánh

Ngày 19/4 - Chân Phước Luchesio và Buonadonna (c. 1260)


Ông Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô. Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô -- có lẽ năm 1213 -- họ đã thay đổi đời sống. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.
Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.
Vào thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.
Ðể đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ðầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Ðức Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.
Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân.
Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông, "Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?" Ông Luchesio trả lời, "Tôi đang cõng Ðức Giêsu Kitô." Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.
Hai ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư 1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là "chân phước" dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.

Lời Bàn

Thật dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như "sự đau khổ tiềm ẩn" của Ðức Kitô. Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích -- người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần, người lớn tuổi, người thất nghiệp -- do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một mức độ đại lượng trong cuộc sống chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Ðức Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.

Lời Trích

Thánh Phanxicô thường nói, "Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương đến Ðức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Ðấng đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta" (1 Celano, #76).


19 Tháng Tư

Trò Chơi Hòa Bình

Một ngày kia, trên con đường đi bách bộ ngang qua một sân chơi, ông Marschak, một nhà văn Liên Xô, dừng lại quan sát các trẻ em vừa lên sáu, lên bảy đang chơi đùa với nhau trên sân cỏ.
Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi: "Này các em, các em đang chơi trò gì đó?". Bọn trẻ nhôn nhao trả lời: "Các em chơi trò đánh nhau".
Nghe thế, ông Marschak hơi cau mày. Rồi ra dấu cho các em đến gần, ông ôn tồn giải thích: "Tại sao các em chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các em biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh có gì đẹp đẽ đâu. Các em hãy chơi trò chơi hòa bình xem nào".
Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên: "Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao". Rồi cả bọn kéo nhau chạy ra sân, chụm đầu nhau bàn tán. thấy chúng chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn Marschak tỏ vẻ hài lòng, mỉm cười tiếp tục cất bước. Nhưng không được bao lâu, ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông nghe một giọng trẻ em hỏi: "Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao? Chúng cháu không biết".

Vâng, làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình khi chúng chỉ thấy người lớn "chơi trò chiến tranh". Khi chúng thấy các anh lớn lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự trong lúc đất nước không còn một bóng quân thù.
Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi mỗi ngày chúng thấy trên truyền hình, trên các mặt báo hình ảnh của những người lớn bắn giết nhau, thủ tiêu nhau, ám sát nhau.
Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi trong chính gia đình chúng thấy anh chị, thậm chí đôi khi cả cha mẹ chúng lớn tiếng cãi vã, mắng chửi nhau. Có khi họ dùng cả tay chân để thay lời nói. Trong thức tế, bầu khí người lớn tạo ra để cho các trẻ em lớn lên không phải là bầu khí hòa bình.
Ðến bao giờ thế giới của người lớn mới hiểu và thực tâm tìm phương thế giải quyết sự mâu thuẫn: là hằng ngày thế giới của người lớn bỏ ra cả tỷ Mỹ kim cho việc nghiên cứu và trang bị về vũ khí.
Trong khi đó, trên thế giới có 800 triệu người sống dưới mức tối thiểu cần thiết cho con người, nghĩa là họ đang bị đe dọa chết đói. Có 600 triệu người trên thế giới đang bị mù chữ. Chỉ có 4 trong số 10 trẻ em được cắp sách đến trường tiểu học trong hơn ba năm. Và cứ 10 đứa trẻ sinh ra trong cảnh cơ hàn thì 2 trẻ bị chết trong năm đầu tiên.
Vâng, thế giới người lớn phải bắt đầu loại bỏ chiến tranh và xây dựng hòa bình, nếu họ muốn trẻ con cũng noi gương chơi trò chơi ấy.

(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét