Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

21-04-2013 : (Phần II) CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH năm C


CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM C
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành – Ngày cầu cho ơn Thiên Triệu
Sách Tồng Đồ Công Vụ Cv 13,14.43-52 13, 14, 43-52; Sách Khải Huyền 7, 9,14-17
và Phúc Âm Thánh Gioan 10, 27-30


I.     Giáo Huấn P.Â.:

     Để làm chiên, phải:
     NGHE tiếng chủ chiên  THEO chủ chiên.
    
     Để làm chủ chiên, phải:
     BIẾT chiên  BAN cho chiên sự sống đời đời.
    
II.Vấn nạn P.Â.  

          Chúa Nhật IV Phục Sinh
     Chúa Nhật Chúa Chiên Lành
     Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
    

     Chúa Nhật IV Phục Sinh - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành     
     Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, Chúa Giêsu được gọi là chủ chiên của đàn chiên Giáo Hội. Trước Công Đồng Vatican II, năm 1962-1965, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành được xếp vào Chúa Nhật II Phục Sinh, gọi là Quasimodo, coi như Chúa Nhật thường (low Sunday) Gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên lành vì xử dụng bài Phúc Âm Thánh Gioan chương 10. Trong đó Chúa Giêsu được diễn tả như một Mục Tử mẫu mực nhân hậu: Ngài thí mạng sống vì đàn chiên Giáo Hội. Ngày nay, theo lịch Phụng Vụ mới, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành được xếp vào Chúa Nhật IV Phục Sinh và được  dành riêng để cầu nguyện cho ơn thiên triệu.

     Ngày 11 tháng 4 năm 1964 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập và dành riêng ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh hàng năm, ngày Chúa Chiên Lành để cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Xin Chúa Giêsu là Chúa Chiên nhân hậu chọn gọi nhiều người tiếp tục theo bước chân Ngài, làm mục tử nhân hậu chăm sóc đàn chiên Chúa. Ngày 11 tháng 4 năm 1964 là ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh đầu tiên để cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Trong ngày ấy Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dâng lời cầu nguyện như sau, như một tuyên bố chính thức thành lập ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu:
     Lạy Chúa Giêsu, Vị Mục Tử thần thánh, ngày xưa Ngài đã kêu gọi các tông đồ và biến đổi các Ngài thành những ngư phủ đánh bắt người. Ngày nay, xin Ngài tiếp tục lôi cuống các bạn trẻ đầy lòng sốt mến và quảng đại, để họ cũng trở thành những người nối bước Ngài và thi hành sứ mạng Mục Tử trên chúng tôi. Amen
          Tính cho đến nay, đã gần năm mươi năm, các Đức Giáo Hoàng tiếp tục dành riêng ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh hàng năm, ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và đời sống tận hiến trong các dòng tu. Từ ơn kêu gọi phát xuất từ tiếng La tinh VOCARE, trước thế kỷ thứ 16, có nghĩa là ơn Chúa kêu gọi phổ quát: Mọi người được mời gọi để nhận lãnh ơn cứu độ. Nói theo Thánh Phaolô: Con người được tiền định để nhận lãnh ơn cứu độ (Thư gửi Êphêssô 1,11)Nên ơn thiên triệu tiềm ẩn trong sáng tạo. Sáng tạo là để cứu độ, để được hưởng hạnh phúc chứ không phải để bị tiêu diệt hay luận phạt. Mọi người đều được kêu gọi để chọn một bậc sống phù hợp với khả năng Chúa ban để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và cứu độ nầy. Nhiều người được kêu gọi sống đời sống gia đình. Nhưng cũng có những người chọn đời sống độc thân giáo sĩ hay tu sĩ. Tất cả đều là ơn kêu gọi và có giá trị ngang nhau. Nhưng qua thời gian, người ta hiểu từ vocaretheo nghĩa hẹp hơn: Ơn Chúa kêu gọi để chọn bậc sống tu trì cụ thể và đặc biệt là ơn gọi linh mục để tiếp tục công việc chăn dắt đàn chiên Chúa.     
          Chiên phải
     NGHE tiếng chủ chiên và THEO chủ chiên
      
     Như chiên trong đàn chiên Chúa, chúng ta có thể nghe tiếng Chúa và theo Chúa bằng nhiều cách:
     Nghe tiếng Chúa và theo Chúa bằng cách đọc và suy niệm Lời Chúa trong Kinh Thánh. Con người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh nhưng còn bằng chính lời từ miệng Chúa phán ra (Mt.4,4)
     Không có quyển sách nào được dịch ra hầu như tất cả các thứ tiếng như Kinh Thánh.
     Không quyển sách nào được đọc nhiều như Kinh Thánh.
     Không quyển sách nào được chú giải, suy niệm, phê bình nhiều như Kinh Thánh.
     Không quyển sách nào phong phú và thành thức ăn cho con người như Kinh Thánh.
     Không có quyển sách nào trình bày chân lý ngàn đời bất di bất dịch như Kinh Thánh.
     Kinh Thánh là chính Chúa.
     Chúa có LỜI ban sự sống như Phêrô tuyên xưng trong Phúc Âm Gioan 6,67
     Chúa là đường là sự thật và là sự sống như trong Phúc Âm Gioan 14,6.
     “Ai sống và tin Ta sẽ không bao giờ chết” như trong phúc Âm Gioan 11,26
    
     Nghe tiếng Chúa vào theo Chúa bằng cách nghe giảng dạy, tuân giữ những giáo huấn của Chúa qua những chủ chăn có thẩm quyền trong Giáo Hội Chúa.  Chiên phải tin chủ chiên được sai đến để “chiên được sống và sống dồi dào” như trong Phúc Âm Gioan 10,10. Những chủ chiên trần thế cũng là con người có nhiều sai sót như chúng ta. Nhưng chúng ta tin rằng: Khi các Ngài truyền giảng từ ngài tòa Phêrô, các Ngài thủ đắc quyền bất khả ngộ về mặt đức tin và luân lý (Matt.16,18) Nên chúng ta buộc phải nghe.

     Nghe tiếng Chúa và theo Chúa bằng cách tìm ra Thánh Ý Chúa qua những biến cố vui buồn trong đời sống cá nhân hay trong những thay đổi của đất nước và của xã hội.
      
          Chủ chiên phải BIẾT chiên và BAN cho chiên sự sống đời đời.

     Chủ chiên với chiếc gậy có ngoéo đi trước dẫn đường và đàn chiên lũ lượt theo sau.
     Chủ chiên với đàn chiên đông đảo băng qua nhiều cánh đồng để tìm đến đồng cỏ xanh.
     Chủ chiên dẫn đàn chiên tìm đến suối nước trong, uống nước thỏa thuê và năm nghĩ bên bờ suối mát.
     Khi chiều đến, chủ chiên lùa chiên vào chuồng, đứng dạng chân rộng để kiểm từng con chiên và cho chúng vào chuồng.
     Khi đã đếm đủ số chiên, chủ chiên đốt lửa sưởi ấm bầy đàn, đuổi xa thú dữ và nằm chắn ngay cửa chuồng chiên vừa bảo vệ vừa canh chừng đàn chiên.

     Đây là những hình ảnh quen thuộc xảy ra hàng ngày trên đất Do Thái, một đất nước cằn cỗi, đá nhiều hơn đất, nên số khá đông dân chúng sống về chăn nuôi bầy đàn.
     Đây là một hình ảnh đẹp nói lên sự gắn bó giữa người chăn chiên và đàn chiên.
     Đây là một hình ảnh hoàn hảo để diễn đạt Chúa Giêsu, như mục tử nhân hậu dám hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên Giáo Hội.

     Giám Mục địa phận và Linh Mục trong nhiệm vụ cha sở được coi là mục tử đàn chiên Chúa phảiBIẾT chiên mình. Không có cách nào biết người khác cho bằng gần gũi, tiếp xúc thường xuyên và sinh hoạt chung với nhau. Nên Giáo Luật điều 533 yêu cầu Cha sở phải sống trong nhà xứ gần nhà thờ và không được vắng giáo xứ quá một tháng trong một năm. Cha sở được yêu cầu phải thăm viếng mục vụ gia đình giáo dân và quan tâm đặc biệt những gia đình thiếu thốn nghèo khổ hay nguội lạnh bê trễ.

     Giám Mục địa phận và Linh Mục trong nhiệm vụ cha sở được coi là mục tử đàn chiên Chúa phảiBAN cho chiên mình sự sống đời đời. Giáo Luật điều 519 nói rằng: Những vị chủ chăn trong Giáo Hội phải thực hành quyền giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn giáo dân. Đây là những phương dược ban cho giáo dân sự sống đời đời. Quyền thánh hóa, tức nhiệm vụ ban bí tích: Linh mục trong nhiệm vụ Cha sở không có quyền từ chối ban bí tích cho người có đủ điều kiện để lãnh nhận (lấy nguồn từCanonical and Pastoral Guide for Parishes được Hội Đồng Giám Mục Giáo Tỉnh Québec chấp thuận)
         
III.         Thực hành P.Â.:

          Cầu cho được nghe tiếng chủ chiên: Ngày Chúa Nhật Chúa Chiên lành nên đặc biệt cầu nguyện cho có nhiều tâm hồn quảng đại hy sinh đời mình cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Thật sự không cần cầu nguyện cho tăng thêm số đông chủng sinh hay linh mục. Việt Nam có 7 Đại chủng viện: Hà Nội – Vinh Thanh – Huế - Sao Biển – Xuân Lộc – Sàigon và Cần Thơ. Tổng số Thầy Đại chủng sinh không duới 1500. Hàng năm có khoảng 150 tân linh mục. Sẽ có không dưới 1500 linh mục trong 10 năm tới. Đã có những địa phận thặng dư linh mục.
          Nhưng ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh cầu nguyện cho ơn thiên triệu vẫn cần và đáng duy trì. Duy trì để cầu cho có nhiều tâm hồn quảng đại hy sinh đời mình sống đời linh mục trọn vẹn, sống đời sống chủ chăn đích thực: Biết hy sinh sống chết cho đàn chiên. Số đông linh mục không cần thiết cho bằng số mục tử đích thực. Mục tử đích thực là:
          Cho chiên nghe thấy tiếng chủ chiên: đó là tiếng hướng dẫn, tiếng bảo ban dạy dỗ, tiếng ân cần chăm sóc và nâng đỡ.
          Nhiều nơi, chiên không có dịp nghe thấy tiếng chủ chiên. Chủ chiên vắng họ đạo nhiều quá. Chủ chiên bận đi nước ngoài du lịch hay đi Sàigon làm ăn.
          Nhiều nơi, chiên toàn nghe tiếng quát tháo nóng giận của chủ chiên.
          Nhiều nơi, chiên toàn nghe tiếng chủ chiên than phiền là đóng góp quá yếu, không sao có đủ chi phí cho Nhà Chúa, nhà Cha.
          Nhiều nơi, chiên không theo kịp chủ chiên, chủ chiên đi toàn xe con sang trọng. Chủ chiên thật cao sang quyền quí.
          Nhiều nơi, chiên ít thấy chủ chiên trong nhà thờ, nhưng trong các nhà hàng với các cán bộ cấp quận, cấp tỉnh và uống rượu mạnh, đắt tiền.
          Nhiều nơi, chiên phải nghe những bài giảng “vũ như cẩn” tức vẫn như cũ, bổn cũ soạn lại từ năm nầy sang năm khác. Chủ chiên quá bận không có giờ để suy niệm Lời Chúa hay soạn bài giảng.
          Nhiều nơi, chiên nghèo, chiên rối rắm, chiên tội lỗi không sao có giờ tâm sự hay thưa chuyện riêng với chủ chiên. Chủ chiên bận bàn thảo chuyện đại sự với những gia đình có thế giá hay giàu có hay hậu hĩnh với chủ chiên.
          Chủ chiên ơi! Chúng tôi là những chiên còn trong đàn. Chúng tôi mong nghe tiếng Ngài.
          Chủ chiên ơi! Chúng tôi là những chiên bệnh, cần Ngài đến thăm hỏi xức dầu.
          Chủ chiên ơi! Chúng tôi là những chiên nghèo, cần Ngài quan tâm an ủi.
          Chủ chiên ơi! Chúng tôi là những chiên lạc tội lỗi, đang sa xuống hố! Mong cái ngoéo cây gậy Ngài kéo vực chúng tôi lên.
          Chủ chiên ơi! Chúng tôi là những chiên đói khác Lời Chúa và Mình Máu Thánh chúa. Xin ban cho chúng tôi lương thực thần thiêng ấy.
          Chủ chiên ơi! Xin hãy là chủ chiên đích thực sống chết vì đàn chiên. Amen
                        Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 


 CHÚNG THEO TÔI 

Hội Thánh hôm nay vẫn cần đến những người của Chúa: cần bóng linh mục cho những họ lẻ, bị lãng quên, cần bước chân mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng, cần sự trầm mặc của người đắm mình trong chiêm...

Suy nim:
Hỡi các thiên thần trên trời, các thiên thần của Chúa, các thiên thần của bình an và hoan lạc, xin hãy ném cho nhau những bông hồng, bông súng, những bài hát du dương và những nốt nhạc ngát hương; và xin hãy đổ tràn nhân đức, can đảm và hạnh phúc trên những nữ tì của Chúa.”
Ðó là câu kết của một bài văn viết bằng tiếng Pháp, thấy nằm trong túi áo của Hàn Mạc Tử lúc ông qua đời. Ông đã viết bài này gần ba tuần trước khi mất để ca ngợi lòng tận tụy của các nữ tu Phan sinh đã chăm sóc ông trong những ngày cuối đời ở Quy Hòa. Màu áo dòng trắng, sự tươi tắn và những lời ca êm dịu đã làm nhẹ nỗi đau của chàng thi sĩ mắc bệnh phong. Thế giới hôm nay vẫn cần ai đem đến cho nó chút hương thơm của Tuyệt Ðối, chút ngọt ngào của Vô Cùng, để thiên đàng chẳng phải là chuyện xa xôi, huyễn hoặc, Thiên Chúa chẳng phải là huyền thoại vu vơ. Hội Thánh hôm nay vẫn cần đến những người của Chúa: cần bóng linh mục cho những họ lẻ, bị lãng quên, cần bước chân mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng, cần sự trầm mặc của người đắm mình trong chiêm niệm cần bàn tay nhẹ nhàng xoa dịu mọi vết thương, và trên hết cần những trái tim không san sẻ, dám yêu hết mình, dám sống hết tình, hết mình cho Thiên Chúa, hết tình cho mọi người, đặc biệt cho những ai đã đánh mất mọi hy vọng. Cả nước ta có gần 4.000 linh mục và khoảng 12.500 tu sĩ, một con số khiêm tốn trong đất nước gần 86 triệu dân.
Trong Chúa Nhật đặc biệt cầu cho ơn thiên triệu, chúng ta nài xin Chúa hãy gọi nhiều tâm hồn và hãy giúp cho họ nghe được tiếng gọi ấy. Chiên trong bài Tin Mừng hôm nay để chỉ các Kitô hữu, nhưng cũng có thể hiểu về những người sống đời thánh hiến. Họ là người được Chúa biết từ trong lòng mẹ, và họ cảm nhận được cái biết đầy yêu thương đó.
Họ là người nghe tiếng của Chúa Giêsu, một giọng nói với tất cả nét đặc trưng quen thuộc. Tiếng ấy đã nhiều lần vang lên, thân thương và cuốn hút. Tiếng ấy mời gọi họ lên đường để theo sát Ngài hết sức có thể, một Chúa Giêsu nghèo khó, vâng phục và khiết tịnh. Họ vui lòng bỏ lại những gì họ quý yêu. Nhờ bỏ lại mà họ được tự do thanh thoát. Nhờ sống nghèo, họ được giải thoát khỏi cái tôi ưa chiếm đoạt. Nhờ vâng phục, họ được ra khỏi cái tôi muốn bành trướng. Nhờ khiết tịnh, họ có thể yêu mọi người đến vô cùng.
Như thế ràng buộc của đời tu lại đem đến tự do. Họ có thể được Chúa âu yếm gọi là chiên của tôi, bởi lẽ họ thuộc về Ngài cách đặc biệt. Ước gì không ai cướp được họ khỏi tay Chúa!
Cầu nguyn:
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành, đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái. Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả. Xin cho họ biết quên hạnh phúc và tương lai của mình để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở. Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức, cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương, thấy được những mất mát của bao người đau khổ, và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng. Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu, sống như Ngài đã sống và tiếp tục làm những gì Ngài đã làm trên trần gian. Cũng xin Cha gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con, thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội, để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

21/04/13 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – C 
Cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục tu sĩ 
Ga 10,27-30

ĐƯỢC GÌ KHI LÀM CHIÊN CHÚA
“ Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi.”
(Ga 10,27)
Suy niệm: Trong xã hội nặng về nông nghiệp-chăn nuôi như xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, hình ảnh con chiên luôn được nhắc đến và ví von. Làm chiên trong đàn của Chúa là một hạnh phúc, vì vậy không có chuyện mất mát, thua thiệt. Chiên được nghe, đượcbiết và được bước theo Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành. Hơn thế nữa, chiên cònđược sống đời đời do Chủ Chiên là Chúa Cha ban cho. Thậm chí có khi chiên bị què quặt, lạc đường, Chúa đi tìm, vác lên vai mà đem về chuồng săn sóc. Có hạnh phúc nào hơn đối với một con chiên khi mà lông của nó chưa làm nổi một chiếc áo khoác, và thịt của nó cũng chưa nuôi nổi mấy miệng ăn trong một tuần mà Chúa lại ưu ái đến thế!
Mời Bạn: Bạn là chiên được Chúa yêu thương. Bạn có ý thức được điều đó chăng? Bạn có đường để bước theo, có tiếng để nghe, có đất để sống, có tương lai để không bị ngập ngừng. Hạnh phúc được làm chiên của Chúa cần được loan báo, chia sẻ, thông truyền cho người khác. Hoạt động này được gọi là loan báo Tin Mừng. Tin Mừng chỉ được loan báo cách hữu hiệu khi người lãnh nhận cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc từ Tin Mừng, như chiên cảm nhận được sự săn sóc ân cần của chủ chiên.
Sống Lời Chúa: Ơn thiên triệu là ơn được Chúa chọn gọi để sai đi. Ta cầu nguyện để có nhiều người đáp lại và sẵn sàng dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho hàng giáo sĩ, tu sĩ chu toàn sứ mệnh cao quí của mình, cho các tín hữu sống bậc gia đình luôn nỗ lực làm cho đoàn chiên Chúa mỗi ngày càng thêm đông số.

Lectio: Chúa Nht IV Phc Sinh (C)

Chúa Nhật, 21 Tháng 4, 2013
Chúa Giêsu vị Mục Tử Nhân Lành
Con chiên Người nhận biết Người
Ga 10:27-30


1. Bài đọc

a) Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến và đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, xin hãy ban cho chúng con ân sủng để đọc đi đọc lại trang này của sách Tin Mừng một cách sốt sắng, ghi nhớ một cách trìu mến và thực hành trong cuộc sống chúng con.  Chúng con ước ao được đến gần đến sự mầu nhiệm của Con Người của Chúa Giêsu được chất chứa trong hình ảnh của một người Mục Tử. Vì việc này, chúng con khẩn khoản cầu xin Chúa hãy mở lòng mở trí chúng con để chúng con có thể hiểu biết được quyền năng sự Phục Sinh của Chúa.  Lạy Chúa Thánh Thần của sự sáng, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con có thể hiểu được Lời của Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên Tốt Lành; xin hâm nóng trái tim chúng con để chúng con có thể nhận thức được rằng những lời này không quá xa vời với chúng con, rằng chúng chính là chìa khóa cho kinh nghiệm của chúng con trong hiện tại.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến, vì nếu không có Chúa, Tin Mừng chỉ là những dòng chữ vô hồn; với Chúa, Phúc Âm trở thành Thần Khí của Sự Sống.  Lạy Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, xin hãy ban cho chúng con; chúng con cũng cầu xin điều này cùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là mẹ chúng con, và tiên tri Êlia, ngôn sứ của Chúa, vì danh Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.  Amen!

b)  Đọc Tin Mừng:

27  Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng:  “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng, và chúng theo Tôi; 28 Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp chúng khỏi tay Tôi. 29 Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. 30 Tôi và Cha Tôi là một.”

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Sự im lặng bảo vệ ngọn lửa của Lời Chúa đã thấm nhập vào trong chúng ta qua việc lắng nghe Lời Người.  Nó giúp chúng ta duy trì được ngọn lửa sốt sắng trong lòng.  Hãy dừng lại giây lát trong thinh lặng, hãy lắng nghe để chúng ta có thể tham dự vào quyền năng sáng tạo và tái sáng tạo của Ngôi Lời.

2. Suy Niệm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài Phúc Âm của Chủ Nhật tuần này được trích ra từ chương 10 của Tin Mừng viết theo thánh Gioan, một bài giảng dạy của Chúa Giêsu trong một ngày lễ của người Do Thái kỷ niệm sự thánh hiến Đền Thờ Giêrusalem được tổ chức vào cuối tháng mười hai (lễ kỷ niệm việc tái thánh hiến Đền thờ, vốn đã bị tàn phá bởi người Syria gốc Hy Lạp, do công trình xây dựng của Giuđa Máccabê vào năm 164 trước Công Nguyên).  Lời của Chúa Giêsu liên quan đến mối quan hệ giữa người Chăn Chiên (Chúa Kitô) và đoàn chiên (Giáo Hội) thuộc về một cuộc tranh luận thực sự và riêng tư đã xảy ra giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái.  Họ hỏi Chúa một câu hỏi rõ ràng và đòi hỏi Người phải trả lời cũng cụ thể và công khai như thế:  “Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai sự thật cho chúng tôi biết” (10:24).  Sách Phúc Âm của thánh Gioan trong những đoạn khác cũng có viết về việc những người Do Thái cố ý tìm cho bằng được một sự khẳng định rõ ràng từ Chúa Giêsu liên quan đến danh tính của Người (2:18; 5:16; 8:25).  Trong các sách Phúc Âm Nhất Lãm, một câu hỏi tương tự cũng đã được đặt ra khi Chúa Giêsu bị điệu ra trước mặt các thượng tế (Mt 26:63; Mc 14:61; Lc 22:67).  Câu trả lời của Chúa Giêsu được trình bày trong hai giai đoạn (các câu 25-31 và 32-39).  Chúng ta hãy xem xét một cách sơ lược bối cảnh của giai đoạn đầu tiên nơi mà lời phụng vụ của chúng ta được trình bày.  Người Do Thái đã không hiểu được dụ ngôn Người Mục Tử (Ga 10:1-21) và bây giờ họ muốn Chúa Giêsu cho một sự mặc khải rõ ràng hơn về danh tính của Người.  Về điều này, lý do việc cứng lòng tin của họ không phải là vì thiếu sự rõ ràng mà bởi vì họ từ chối thuộc về đoàn chiên của Người, để trở thành con chiên của Người.  Một câu nói tương tự của Chúa Giêsu có thể soi sáng thêm ý nghĩa này khi chúng ta đọc đoạn Tin Mừng của thánh Máccô 4:11:  “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn.”  Lời của Chúa Giêsu là ánh sáng chỉ dành cho những ai đang sống trong cộng đoàn giáo hữu, còn đối với những ai quyết định đứng ngoài thì những lời này chỉ là những ẩn ngữ rời rạc.  Đối với việc không tin của người Do Thái, Chúa Giêsu phản đối hành vi của những kẻ thuộc về Người và những kẻ mà Chúa Cha đã ban cho Người; và cũng là mối quan hệ với họ.


Ngôn ngữ của Chúa Giêsu không nhất thiết hiển nhiên ngay lập tức đối với chúng ta; chứ không phải việc so sánh những tín hữu với một bầy chiên làm chúng ta lúng túng.  Trái lại, chúng ta không hề xa lạ gì với đời sống của những người làm nông và chăn chiên, và đây không phải là một điều dễ hiểu rằng đoàn chiên nào sẽ đại diện cho một dân tộc và ai là những người chăn chiên.  Mặt khác, đối tượng mà Chúa Giêsu nhắm vào khi dùng ngụ ngôn này chính là những người mục tử.  Điều hiển nhiên là dụ ngôn được hiểu từ quan điểm của một người muốn chia xẻ gần như tất cả mọì thứ với đoàn chiên của mình.  Ông biết đoàn chiên của mình: ông thấy được mọi ưu và khuyết điểm của từng con; các con chiên cũng hiểu được sự hướng dẫn của người chăn chiên: chúng nghe theo lời người chăn và những chỉ dẫn của ông.

i)  Các con chiên của Chúa Giêsu thì lắng nghe tiếng Chúa: đây là một câu hỏi không chỉ dành cho người đang nghe ở bên ngoài (3:5; 5:37) mà nó còn dành cho từ người đang chăm chú lắng nghe (5:28; 10:3) đến người lắng nghe vâng phục (10:16-27; 18:37; 5:25).  Trong bài giảng về người mục tử, sự lắng nghe này thể hiện lòng phó thác và hiệp nhất của đoàn chiên với người mục tử (10:4).  Tĩnh từ và sở hữu từ “của tôi” không chỉ cho thấy sự sở hữu đơn giản các con chiên, mà nó còn cho thấy rằng các con chiên thuộc về người chăn chiên, và chúng thuộc về gần như là người chăn chiên chính là chủ của chúng (10:12).

ii)  Kế đến, điều này tạo nên một mối giao tiếp mật thiết giữa Chúa Giêsu và các con chiên:  “và Tôi biết chúng” (10:27). Đây không phải là một câu hỏi về kiến thức trí tuệ; theo ý nghĩa Kinh Thánh “để biết ai đó” có nghĩa là, điều quan trọng hơn cả là phải có một mối quan hệ cá nhân và cách nào đó sống trong cảm thông với người ấy.  Một sự hiểu biết không loại trừ các đặc tính của loài người như sự đồng cảm, yêu mến, cảm thông tự nhiên.

iii)  Trong đức tính của sự hiểu biết về tình yêu này, người mục tử kêu gọi đoàn chiên của mình đi theo mình.  Việc lắng nghe theo Vị Mục Tử cũng liên quan đến một nhận thức rõ ràng, bởi vì trong nhiều tiếng gọi có thể khác nhau, các con chiên phải chọn lựa nghe theo tiếng gọi tương ứng với một Đấng cụ thể (Đức Giêsu).  Noi theo sự nhận thức này, lời đáp trả sẽ tích cực, cá nhân và trở thành sự vâng phục.  Đây là kết quả từ sự lắng nghe.  Vì vậy, giữa việc lắng nghe và việc chọn lựa theo người Mục Tử là sự nhận biết về Đức Giêsu.

Sự nhận biết mà các con chiên có về Đức Giêsu đã mở lối cho một hành trình dẫn đến tình yêu:  “Ta cho họ sự sống đời đời”.  Đối với tác giả Phúc Âm, đời sống là ân sủng của sự hiệp thông với Thiên Chúa. Trong các sách Phúc Âm Nhất Lãm, khi nói về “sự sống” hay “sự sống đời đời” thì liên quan đến tương lai; trong Tin Mừng của thánh Gioan, nó chỉ về một sự sở hữu thực sự.  Điều này được thường xuyên lặp đi lặp lại trong lời diễn giải của Gioan:  “Ai tin vào Con Người thì được sự sống đời đời” (3:36); “Thật, Tôi bảo thật các ông: ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời” (5:24; 6:47). 

Mối quan hệ tình yêu của Chúa Giêsu cũng trở nên cụ thể bởi kinh nghiệm của sự bảo vệ mà Người có dịp trải qua:  đó là việc mà những con chiên “sẽ không bao giờ bị hư mất”.  Có lẽ, điều này muốn nói đến hình phạt đời đời.  Và sau đó còn được thêm rằng “không ai có thể cướp được chúng”.  Những câu nói này cho thấy vai trò bàn tay của Thiên Chúa và của Đức Kitô đã ngăn không cho trái tim của những người này bị cướp đi bởi các quyền lực tối tăm khác. Trong Kinh Thánh, bàn tay, trong một số bối cảnh, còn là một ẩn dụ chỉ về sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng bảo vệ (Đnl 33:3; Tv 31:6).  Mặt khác, động từ “cướp mất” (harpázö) gợi ý cho ta biết rằng công đoàn của các môn đệ cũng sẽ không tránh khỏi được những cuộc tấn công của ma quỷ và của cám dỗ.  Nhưng những chữ “không ai có thể cướp được chúng” cho thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô bảo đảm cho cộng đoàn một sự ổn định chắc chắn không nao núng để họ có thể vượt qua được mọi cơn cám dỗ của sợ hãi.

b)  Một vài câu hỏi gợi ý:

Giúp chúng ta chuẩn bị cho phần suy niệm và cập nhật:

i)  Thái độ đầu tiên làm cho Lời của Chúa Giêsu hiển nhiên là loài người phải “lắng nghe”.  Động từ này trong ngôn ngữ Kinh Thánh thật là phong phú và xác đáng:  nó ngụ ý sự vui mừng tuân theo nội dung của những gì đã được nghe, sự tùng phục với người đang nói, sự chọn lựa về cuộc sống của Đấng đang gửi gấm tâm ý với chúng ta.  Bạn có thật sự đang đắm chìm trong việc lắng nghe Lời Chúa không?  Có những khoảng không gian và thời gian nào trong đời sống thường nhật của bạn mà bạn dành riêng ra, một cách đặc biệt, chỉ để lắng nghe Lời Chúa không?

ii)  Cuộc đối thoại hoặc sự thông tri thân mật và sâu sắc giữa Đức Kitô và bạn đã được xác định bởi bài Tin Mừng trong phần phụng vụ của ngày hôm nay bởi một động từ tuyệt vời trong Kinh Thánh: “biết”.  Động từ này liên quan đến toàn bộ một con người: lý trí, trái tim, và ý muốn.  Ý thức của bạn về Đức Kitô đã đóng khung vững chãi ở mức độ lý thuyết trừu tượng chưa hay là bạn sẽ để cho mình được biến đổi và hướng dẫn bằng tiếng nói của Người trên cuộc hành trình của đời bạn?

iii)  Những người đã lắng nghe và biết đến Thiên Chúa thì “đi theo sau” Đức Kitô như là hướng dẫn viên duy nhất của đời họ.  Việc đi theo sau của bạn có tiếp diễn hằng ngày và liên tục không?  Ngay cả khi ở cuối chân trời thấp thoáng có các mối đe dọa hoặc cơn ác mộng của các tiếng nói khác hoặc các ý tưởng khác mà chúng đang cố gắng cướp lấy chúng ta khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa không?
                                                    
iv)  Trong phần suy niệm bài Phúc Âm hôm nay có hai động từ khác xuất hiện:  chúng ta sẽ không bao giờ bị “hư mất, án phạt đời đời” và không ai sẽ có thể “cướp” chúng ta ra khỏi sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng bảo vệ cuộc sống chúng ta.  Đây là nền tảng và động lực cho sự bảo đảm đời sống hằng ngày của chúng ta.  Ý tưởng này được thể hiện theo một phương cách rõ ràng qua lời thánh Phaolô:  “Tôi chắc rằng không có gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu với Đức Kitô: dù cho là sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù thế giới trên trời hay thế giới bên dưới – không có một loài thọ tạo nào sẽ có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).  Khi một mối liên hệ giữa người tín hữu và Ngôi Lời Giêsu được thiết lập bởi lời mời gọi và sự lắng nghe, thì cuộc sống tiến hành được tin chắc sự thành công và trưởng thành thiêng liêng sẽ đạt được.  Nền tảng thật sự cho điều bảo đảm này nằm trong việc khám phá ra được mỗi ngày thiên tính của vị Mục Tử, Đấng là sự bảo đảm cho đời sống chúng ta.  Bạn đã có trải qua kinh nghiệm về sự bảo đảm và thanh thản này khi bạn cảm thấy bị vây hãm bởi sự dữ chưa?

v)  Những lời của Chúa Giêsu “Tôi cho chúng được sống đời đời” bảo đảm với bạn rằng lúc kết thúc cuộc hành trình của bạn như một Kitô hữu, thì sẽ không tối tăm hoặc mờ mịt.  Đối với bạn, sự sống đời đời có chỉ về số năm mà bạn có thể sống không, hay là nó gợi nhớ lại đời sống hiệp thông của bạn với Thiên Chúa?  Có phải kinh nghiệm được đồng hành với Chúa trong đời bạn là một lý do cho niềm hân hoan không?

3.  Đáp ca

a)  Thánh vịnh 100:2,3,5

Phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ,
Vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.
Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế,
Chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
Ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.
Bởi vì Chúa nhân hậu,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
Qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.

b)  Lời Nguyện Kết:

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa hiển lộ với mỗi người chúng con như Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng tái lập nhờ quyền lực của sự Mầu Nhiệm Phục Sinh, Đấng tự hữu, với sự hiện diện tinh tế của Người, cùng với tất cả quyền năng của Chúa Thánh Linh.  Chúng con cầu xin Chúa hãy mở mắt chúng con, để chúng con có thể biết Chúa hướng dẫn chúng con như thế nào, hỗ trợ ý muốn của chúng con đi theo Chúa đến bất cứ nơi nào Chúa muốn dẫn chúng con đi.  Xin hãy ban cho chúng con ân sủng không bị cướp đi từ bàn tay của Đấng Chăn Chiên Tốt Lành và không bị quyền năng của sự dữ đe dọa chúng con, khỏi những chia rẽ từ nơi khuất lấp hay chỗ tàng ẩn từ trong trái tim chúng con.  Ôi lạy Chúa Kitô, Vị Mục Tử, Người dẫn đường của chúng con, là gương mẫu của chúng con, là nguồn an ủi của chúng con, là người anh của chúng con.  Amen!
                                                                                                                  
4.  Chiêm Niệm

Hãy suy niệm Lời của Đấng Chăn Chiên Tốt Lành trong đời bạn.  Các giai đoạn trước của phần Lectio Divina, tự chúng đều quan trọng, sẽ trở thành thực hành, nếu được sắp xếp để sống thực sự với Lời Chúa.  Con đường của “Đọc Lời Chúa” không thể được xem là kết thúc nếu nó không được nối tiếp để dùng Lời Chúa trở nên trường đời cho bạn.  Một mục tiêu như thế sẽ đạt được khi bạn lãnh hội được hoa trái của Chúa Thánh Linh.  Đó là:  sự bình an trong tâm hồn được làm triển nở trong niềm hân hoan và trong sự hứng thú vì Lời Chúa; khả năng để phân biệt giữa việc cần thiết và việc của Thiên Chúa và giữa việc vô ích và việc của các điều dữ; giữa lòng can đảm của sự chọn lựa và của hành động cụ thể, theo giá trị của trang Kinh Thánh mà bạn đã đọc và suy niệm về nó.


21-4

Thánh Anselm

(1033-1109)

L
à một thanh niên lãnh đạm với tôn giáo, Thánh Anselm đã trở nên một trong những nhà lãnh đạo và thần học gia vĩ đại của Giáo Hội. Ngài có danh xưng "Ông Tổ Phái Kinh Viện" vì những cố gắng phân tích và làm sáng tỏ các chân lý đức tin qua sự hỗ trợ của lý lẽ.
Thánh Anselm sinh trong một gia đình quyền quý ở Aoust, thuộc Piedmont. Ngài được người mẹ đạo đức chăm sóc và dạy dỗ về giáo lý, và ảnh hưởng tốt đẹp ấy đã kéo dài suốt cuộc đời ngài. 
Khi 15 tuổi, Anselm muốn gia nhập một đan viện, nhưng bị từ chối vì người cha phản đối. Sau thời gian mười hai năm sống trong sự thờ ơ tôn giáo và theo thói đời, sau cùng ngài đã trở thành một đan sĩ như lòng mong ước. Ngài gia nhập đan viện Bec ở Normandy, ba năm sau ngài được bầu làm đan viện trưởng, và 15 năm sau ngài được bầu làm viện phụ.
Ðược coi là một nhà tư tưởng độc lập và độc đáo, Ðức Anselm được mọi người thán phục vì sự kiên nhẫn, hiền hòa và tài giảng dạy của ngài. Quả thật, ngài hiểu biết nhiều về thực chất và sự đam mê của con người đến độ dường như ngài đọc được tư tưởng và hành động của họ, bởi đó ngài nhìn thấy các nhân đức cũng như tật xấu của họ và khuyên bảo họ một cách thích hợp. Dưới sự lãnh đạo của ngài, Ðan Viện Bec trở nên trường đào tạo các đan sĩ, có ảnh hưởng đến các tư duy triết học và thần học thời ấy.
Trong những năm này, theo lời yêu cầu của cộng đoàn, Ðức Anselm bắt đầu công bố các công trình thần học của ngài, có thể sánh với các văn bản của Thánh Augustine. Công trình nổi tiếng nhất của ngài là cuốn Cur Deus Homo ("Tại Sao Thiên Chúa Làm Người").
Khi 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Ðức Tổng Giám Mục của Canterbury vào năm 1093, trái với ý muốn của ngài. Việc bổ nhiệm ngài, lúc đầu bị vua nước Anh là William Rufus chống đối nhưng sau đó phải chấp nhận. Rufus cố chấp từ chối cộng tác với các nỗ lực cải cách Giáo Hội.
Sau cùng Ðức Anselm phải đi lưu đầy cho đến khi Rufus từ trần năm 1100. Ngài được gọi về nước Anh bởi Henry I, là em và là người kế vị Rufus. Tuy nhiên, Ðức Anselm lại bất đồng với Henry về việc nhà vua nhúng tay vào các vấn đề của hàng giám mục, do đó ngài lại phải đi lưu đầy ba năm ở Rôma.
Không chỉ lưu tâm đến hàng quý tộc, Ðức Anselm còn để ý và lo lắng cho người nghèo. Ngài là người đầu tiên trong Giáo Hội chống đối việc buôn nô lệ. Và ngài đã được Hội Ðồng Quốc Gia Westminster thông qua đạo luật cấm buôn bán con người.
Ngài từ trần ở Canterbury, Anh Quốc năm 1109, và được phong thánh năm 1494.
Lời Bàn
Thánh Anselm, cũng như bất cứ môn đệ trung kiên nào khác của Ðức Kitô, đã phải vác thập giá của mình, nhất là dưới hình thức chống đối và xung đột với những người đang nắm quyền chính trị. Mặc dù bản tính là một người hiền hòa và yêu chuộng hòa bình, Thánh Anselm không nhượng bộ trước sự đàn áp và mâu thuẫn với các nguyên tắc đang bị đe dọa.
Lời Trích
"Trên thiên đàng không ai có sự khao khát nào hơn là thánh ý Thiên Chúa; và sự khao khát của một người sẽ là sự khao khát của mọi người; và sự khao khát của mọi người cũng như mỗi người sẽ là sự khao khát của Thiên Chúa" (Thánh Anselm, Opera Omnis, Thư 112).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét