Ngày 25
tháng 4
Lễ Thánh
Marcô, Thánh Sử
Lễ Kính
Bài Ðọc I: 1 Pr 5, 5b-14
"Marcô, con tôi,
gửi lời chào anh em".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, tất cả anh em hãy mặc lấy đức
khiêm nhường để đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn
cho người khiêm nhường. Vậy anh em hãy hạ mình dưới bàn tay uy quyền của Thiên
Chúa, để Người nhắc anh em lên trong thời giờ Người thăm viếng. Anh em hãy trút
bỏ cho Người mọi điều lo lắng của anh em, bởi vì chính Người chăm sóc anh em.
Anh em hãy ăn ở tiết độ và hãy tỉnh thức, vì
kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, nó rình mò chung quanh, tìm kiếm
một ai để nuốt. Anh em hãy vững vàng trong đức tin mà chống lại nó, vì biết
rằng hết mọi người anh em khác trong thế gian đều phải chịu cùng một sự đau khổ
đó. Nhưng Thiên Chúa nguồn mạch mọi ân sủng, Ðấng đã kêu gọi anh em tham dự
vinh quang đời đời của Người trong Ðức Giêsu Kitô, chính Người sẽ làm cho anh
em là những người chịu đau khổ ít lâu, được hoàn thiện, vững vàng và kiên cố.
Nguyện Người được vinh quang và uy quyền đến muôn đời. Amen.
Nhờ Silvanô, người anh em trung tín, tôi cam
đoan như thế, tôi viết vắn tắt thư này cho anh em, để khuyên nhủ và chứng thực
rằng đó là ơn đích thực của Thiên Chúa, và anh em đang tận hưởng. Hội thánh
được tuyển chọn ở Babylon
và Marcô, con tôi, gởi lời chào anh em. Anh em hãy chào nhau trong cái hôn
thánh thiện.
Nguyện
(chúc) ơn Chúa ở cùng tất cả anh em, những người ở trong Ðức Giêsu Kitô. Amen.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 6-7. 16-17
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn
đời (c. 2a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi
tình thương của Chúa tới muôn đời. Qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng
trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn
đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.
2)
Lạy Chúa, trời xanh ca tụng những kỳ công của Chúa, và lòng trung thành Chúa
trong công hội thánh nhân. Vì trên cõi nước mây, ai bằng được Chúa, trong các
con Thiên Chúa, ai giống như Ngài? - Ðáp.
3)
Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan
Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. - Ðáp.
Alleluia: 1 Cr 1, 23. 24
Alleluia,
alleluia! - Chúng tôi rao giảng Ðức Kitô chịu đóng đinh, Ngài là quyền năng và
khôn ngoan của Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 16, 15-20
"Các con hãy đi
khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".
Bài
kết thúc Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ
và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo
vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận
phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ
trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất
độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ
được lành mạnh".
Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên
trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi,
có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ
kèm theo.
Ðó
là lời Chúa.
SUY NIỆM : Sư Tử Có Ðôi
Cánh
Khách du lịch đến
thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng
thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác
phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công
trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia
và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.
Trên con đường tiến
gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng
sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách
Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào
cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:
"Marcô, người
thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự,
về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng,
cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã
giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật
lại lời Chúa một cách có hệ thống".
Marcô là người thông
ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở
cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là "Marcô, người con của tôi".
Ngoài sự gần gũi với
thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu
tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn
Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo
Marcô, là cháu của ông.
Sau đó, trong khi đồng
hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất
đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến
truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba
tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và
Barnaba.
Nhưng trong những ngày
cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê:
"Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm". Bạn
bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh
đồng tử!
Những chi tiết khác
nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là
thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo.
Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại
hài cốt của Ngài.
Trong
cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực
thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công
việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua
kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của
gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng
ngày.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI
NGÀY
Lễ Thánh Marcô Thánh Sử (Ngày
25 tháng 4)
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Theo
truyền thống, Marcô Thánh Ký được đồng nhất với John Mark (Acts 12:12, 25;
15:37; Col
4:10; 2 Tim 4:11; Phi 24). Thánh Phêrô trong bài đọc I hôm nay gọi Marcô là
“con của ngài” (1 Pet 5:13). Marcô là anh em họ (anepsios) của Barnabas (Col 4:10), là con của bà
Mary. Bà này là bạn với thánh Phêrô, sống tại Jerusalem
(Acts 21:12), và là một thành phần quan trọng của giáo hội sơ khai tại Jerusalem . Chính tại nhà
Bà mà thánh Phêrô đến, sau khi được sứ thần của Thiên Chúa giải thoát khỏi ngục
tù (Acts 12:12-13).
Khi
nạn đói xảy ra vào năm 45-46 AD, Barnabas và Phaolô sau khi đã hoàn thành sứ vụ
tại Jerusalem, họ mang Marcô đi với họ trong hành trình trở về Antioch (Acts
12:25). Không lâu sau đó, khi bắt đầu hành trình truyền giáo thứ nhất, họ đem
Marcô theo như một trợ tá (hupereten, Acts 13:5). Theo văn mạch ám chỉ, Marcô
có thể đã giúp hai ông ngay cả trong việc rao giảng Tin Mừng. Khi hai ông tiếp
tục cuộc hành trình từ Perga tiến vào trong vùng trung tâm của Asia Minor,
Marcô bỏ hai ông và trở về Jerusalem (Acts 13:13). Tại sao Marcô trở lại Jerusalem , không ai biết
rõ lý do; nhưng có thể Marcô sợ khổ cực (Acts 15:38). Phaolô không quên biến cố
này, nên ông từ chối cho Marcô đi theo trong hành trình truyền giáo thứ hai. Sự
từ chối này dẫn tới việc phân ly giữa Phaolô và Barnabas, Phaolô tiếp tục cuộc
hành trình, Barnabas và Marcô xuống thuyền tới đảo Cyprus (Acts 15:37-40). Sau biến cố
này (khoảng 49-50 AD), chúng ta mất dấu Marcô trong CVTĐ, cho tới khi Marcô
xuất hiện khoảng 10 năm sau như một bạn đồng hành của Phaolô, và đi theo Phêrô
tại Rôma.
Theo
cuốn Lịch Sử Giáo Hội của Eusebius (III,39), viết khoảng năm 130 AD, đặt căn
bản trên thế giá của một kỳ mục, Marcô là “người thông dịch” (hermeneutes) của
Phêrô, và đã viết cách chính xác, mặc dù không theo niên lịch, giáo huấn của
Phêrô. Nhiều người giả sử chàng thanh niên ở trần trốn chạy từ vườn Gethsemane là Marcô (Mk 14:51). Điều này có thể vì nhà mẹ
của Marcô nằm trong Jerusalem
và là nơi các môn đệ hay lui tới. Ngày chết của Marcô không chắc chắn, thánh
Jerome cho là năm thứ tám của triều đại Nero (62-63 AD). Thánh Marcô là quan
thầy của Alexandria , Ai-cập; và là quan thầy của
thành phố Venice ,
nước Ý.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Hội-thánh ở Babylon ,
và Marcô, con tôi, gửi lời chào anh em.
1.1/
Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
Trình
thuật hôm nay là phần khuyên nhủ và kết thúc Thư I của thánh Phêrô. Ngài tóm
tắt những điều cần khuyên nhủ quan trọng tới các tín hữu.
(1)
Hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh
em khi đến thời Người đã định: Đây là đức tính quan trọng hàng đầu người tín hữu cần
luyện tập; nếu không có đức tính này, họ sẽ dễ dàng rơi vào bẫy giăng của ma
quỉ và sa ngã như ông Adam và bà Eva trong Vườn Địa Đàng
(2)
Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em: Lo lắng làm con người
bất an và nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. Để diệt lo lắng, con người cần
tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, chẳng lẽ Ngài bỏ rơi con cái trông
đợi nơi tình thương của Ngài!
(3)
Hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm
thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé: Tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa
không có nghĩa con người không cần phải làm chi cả. Thánh Phêrô khuyên con
người hãy tập luyện để biết sống tiết độ. Nói cách khác, con người cần tập
luyện nhân đức mới có thể thắng vượt các chước cám dỗ của ba thù.
(4)
Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần
gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế: Đức tin cần được thử
thách bằng những gian khổ, ai cũng phải trải qua tiến trình rèn luyện để vượt
qua những gian khổ. Người chiến thắng là người kiên vững trong đức tin cho dù
phải gian nan, đau khổ, ngay cả phải chấp nhận cái chết.
1.2/
Phần thưởng của các tín hữu là cuộc sống mai sau: Các Kitô hữu phải chịu đau khổ để thử
luyện đức tin trước khi được lãnh nhận vinh quang: “Thiên Chúa là nguồn mọi ân
sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức
Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh
em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.”
Ân
sủng của Thiên Chúa đủ cho các tín hữu: Khi phải chịu thử thách nặng nề, thay
vì kêu trách Thiên Chúa và tha nhân, các tín hữu cần chạy đến với Thiên Chúa để
xin gia tăng ơn thánh, hầu có thể đứng vững trong đức tin. Thánh Phêrô, cũng
như thánh Phaolô, tin chắc ơn thánh của Thiên Chúa ban đủ sức giúp các tín hữu
vượt qua mọi trở ngại trong cuộc đời: “Tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em và
làm chứng rằng đó thật là ân sủng của Thiên Chúa: anh em hãy sống vững vàng
trong ân sủng đó.”
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ.
2.1/
Trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương
thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ
được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án." Khi Chúa Giêsu phục sinh
và lên trời, Ngài đã hoàn tất sứ vụ mang lại ơn cứu độ cho con người. Giờ đây
Ngài trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, để các ông mang ơn cứu độ này
cho mọi người sống trên trần thế. Để được hưởng ơn cứu độ, con người cần tin
vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
3.2/
Ban uy quyền cho các môn đệ để khán giả tin vào lời các ông rao giảng: Chúa hứa với các nhà
rao giảng: "Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh
Thầy, họ sẽ:
(1)
Khai trừ quỷ:
Phaolô truyền cho quỉ xuất khỏi người đầy tớ tại Philippi
(Acts 16:18)
(2)
Nói được những tiếng mới lạ: Các Tông-đồ nói tiếng của thổ dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần
(Acts 2:1-11)
(3)
Tránh được nguy hiểm: "Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc,
thì cũng chẳng sao."
(4)
Chữa lành:
"Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh
khoẻ." Điều này đã được làm bởi Phêrô, Phaolô, và rất nhiều môn đệ.
"Nói
xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ
ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu
lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Trung thành theo Chúa đến cùng không phải là điều dễ dàng vì chúng ta phải
đương đầu với ba kẻ thù nặng ký là ma quỉ, thế gian và xác thịt.
-
Để có thể vượt qua các thử thách, con người cần tập luyện nhân đức và cầu
nguyện xin Thiên Chúa ban ơn thánh. Chúng ta phải trỗi dậy sau mỗi lần bị ngã
và tiếp tục tiến bước. Ngoài ra, chúng ta cũng phải giúp nhau để trung thành
trong ơn gọi của mình.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên,
OP.
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 13,16-20
A. Hạt giống...
Bài giáo lý thứ 5 : Chủ đề Đón nhận.
Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa
chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ, Chúa Giêsu
dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi kitô hữu : hãy biết đón nhận những kẻ Chúa
sai đến với mình : "Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy ; và ai đón
nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy"
B.... nẩy mầm.
1. "No man is an island", đó là
tựa đề một quyển sách (Không ai là một hòn đảo). Ai sống cũng có những người
khác sống chung quanh. Cuộc sống đầy những dịp gặp gỡ. Khi tôi đến gặp ai, nếu
người ta lạnh nhạt với tôi, tôi có khó chịu không ? Thế thì tại sao khi người
ta đến với tôi, tôi lại không đón nhận. Huống chi Chúa Giêsu còn muốn tôi coi
những người đến với tôi là do Chúa sai đến.
2. Sau khi lãnh Bí tích Rửa tội, người kitô
hữu gia nhập một cộng đoàn gồm những anh chị em mới trong Đức Kitô, và những
người lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn mình. Đó là những người mà Chúa sai đến
với mình và Chúa muốn mình đón nhận. Tôi đã đón nhận anh chị em như thế nào ?
Tôi có luôn vui vẻ đón nhận sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm hướng
dẫn tôi không ?
3. Đón tiếp hay đón nhận đòi tôi phải hy
sinh thời giờ, công việc và có khi của cải tiền bạc nữa. Không muốn hy sinh
những thứ đó thì không phải là đón tiếp và đón nhận, hoặc chỉ là đón tiếp cách
thờ ơ lãnh đạm.
4. Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức
giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi
vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai
khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho
anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.
Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn
tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe
được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra
mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người
phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân
người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run
lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được
sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ
Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà.
Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường
về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho
người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu
phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé
và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.
Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có
người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ
tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt
suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm
anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa
đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa
nói với anh : "Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn
đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta
ngày hôm nay" (Trích "Món quà giáng sinh")
5. "Ai đón tiếp người Thầy sai đến là
đón tiếp Thầy ; và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy"
Chị tôi có một anh bạn cùng lớp. Tôi không
ưa kiểu nói năng gàn dở của anh. Một hôm anh đến chơi, chị nhờ tôi pha nước. Mê
coi ti-vi, bực mình vì quấy rầy, tôi đã pha cho anh ly nước mật chua và khoái
chí khi thấy bộ mặt nhăn nhó của anh.
Chúa đã phục sinh gần hai ngàn năm, nhưng
con người vẫn cứ ngụp lặn trong thế giới cũ mèm của hận thù, đố kỵ. Thế giới
này sẽ đẹp hơn, nếu như mọi người biết bao dung và khoan dung cho nhau, yêu thương
và phục vụ lẫn nhau.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người
con gặp là một sứ giả của Chúa, Người mang đến cho con bài học về lẽ yêu
thương. Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp họ, để cả hai chúng con được
sống trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài. (Epphata)
6. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
25/04/13 THỨ NĂM TUẦN 4
PS
Th. Máccô, tác giả sách Tin Mừng
Mc 16,15-20
Th. Máccô, tác giả sách Tin Mừng
Mc 16,15-20
HÃY MAU LOAN BÁO TIN MỪNG
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho
mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Giáo Hội Hàn Quốc đang thực
hiện chương trình Loan Báo Tin Mừng Hai Mươi Hai Mươi, nghĩa là mọi người Công Giáo
phải nỗ lực truyền giáo để đến năm 2020, số tín hữu Công Giáo chiếm tỉ lệ 20%
tổng số dân Nam Hàn, đạt 10 triệu người Công Giáo, gấp đôi số tín hữu hiện nay.
Đang khi ấy ở Việt Nam, các số liệu cho thấy năm 1960, tỉ lệ người Công Giáo
chiếm 7,17% dân số và cuối năm 2010 tỉ lệ này là 7,18%! Thật đáng tiếc và cũng
đáng trách, việc loan báo Tin Mừng của chúng ta không được quan tâm đúng mức,
nên chưa làm tăng được 1% tỉ lệ dân số trong 50 năm qua! Vì thế, hôm nay mệnh
lệnh loan báo Tin Mừng của Đức Gisu cần phải được mọi người Công Giáo Việt Nam
khẩn cấp thực hành.
Mời Bạn: “Truyền giáo chính là kể câu
chuyện về Đức Giêsu như các Tông Đồ xưa”(Sứ điệp Đại Hội Truyền Giáo Á
Châu năm 2006). Đó là một Giêsu chính bạn đã cảm nghiệm trong cuộc sống bản
thân, một Giêsu Phục Sinh đang đồng hành với con người. Bạn kể về Ngài bằng
ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu được diễn đạt bằng mọi lãnh vực của cuộc
sống: tinh thần lẫn vật chất. Cuối cùng, câu chuyện về Đức Giêsu ấy được kể
trong Nhiệm Thể Ngài là Giáo Hội, khi bạn cộng tác, phối hợp và liên kết với
các hội đoàn, nhóm... trong giáo xứ, giáo phận của mình.
Sống Lời Chúa: Tôi suy nghĩ xem sẽ kể câu
chuyện về Đức Giêsu bằng phương cách nào (x. Mời Bạn) và quyết tâm thực hiện mỗi
ngày.
Cầu nguyện: Sốt sắng hát bài “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ
gặt...”
Loan
báo Tin Mừng
Marcô
đã kể chuyện về Giêsu bằng ngòi bút, viết trên giấy da hay giấy cói. Chúng ta
có nhiều phương tiện nhanh hơn, rộng hơn, để kể chuyện về Giêsu. Làm sao để
cuộc đời chúng ta trở thành một cuốn...
Suy niệm:
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Marcô, tác giả
sách Tin Mừng. Ngài thường được coi là người
viết cuốn sách Tin Mừng đầu tiên. Ngài đã thu
tập những tài liệu có trước, rồi sắp xếp lại thành một câu chuyện. Marcô muốn kể một câu chuyện lý thú về Đức Giêsu. Dù khả năng viết tiếng Hy lạp của ngài không thuộc loại
giỏi, nhưng bù lại, ngài là một nhà kể chuyện có tài. Ngài cho chúng ta một khuôn mặt Đức Giêsu rất sống động và
rất người. Đức Giêsu ấy biết giận dữ, biết xao xuyến, biết ngạc nhiên
như người khác. Marcô đã cầm bút viết tác phẩm
của mình về Thầy Giêsu trong một giai đoạn đen tối của
Giáo hội sơ khai. Vào năm 64, bạo chúa Nêrô đốt
thành Rôma và đổ tội cho các kitô hữu.
Cuộc bách hại dữ dội bắt đầu tại Rôma. Vậy mà tại nơi ấy, giữa thời điểm căng thẳng ấy, Marcô viết
sách Tin Mừng
dành cho những kitô hữu không phải là người Do
Thái.
“Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên
Chúa” (Mc 1,1):
Marcô đã bắt đầu tác phẩm của mình như thế. Sách này thật là Tin Mừng nâng đỡ các tín hữu bị chao đảo
bởi bách hại.
Đức Giêsu vác thánh giá mời gọi người ta trung
tín bước theo Ngài. Ngài đã chết nhưng hẹn gặp lại
các môn đệ ở Galilê sau khi Ngài phục sinh.
Bài Tin Mừng hôm nay, tuy không phải do thánh
Marcô soạn thảo, nhưng lại hợp với ngày lễ mừng
thánh nhân.
Đấng sống lại kêu gọi nhóm Mười Một đi khắp thế
giới để rao giảng Tin Mừng. Đó là Tin Mừng về Đức
Giêsu bị đóng đinh nhưng nay được phục sinh,
được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (c.
19). Các tông đồ đã vâng lời, đi rao giảng khắp nơi. Chúa lên trời nhưng Ngài vẫn cùng làm việc với họ như xưa. Ngài giúp họ có khả năng trừ quỷ, chữa bệnh, nói những thứ
tiếng mới. Ngài bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy do rắn rít hay thuốc độc
(cc.17-18).
Giáo Hội hôm nay cần nhiều kitô hữu say mê rao
giảng Tin Mừng. Trên quê hương vẫn còn nhiều nơi
vắng tiếng chuông nhà thờ buổi sáng. Marcô đã kể
chuyện về Giêsu bằng ngòi bút, viết trên giấy da hay giấy cói. Chúng ta có nhiều phương tiện nhanh hơn, rộng hơn, để kể
chuyện về Giêsu. Làm sao để Giêsu đến gặp con
người qua internet, sách báo, phim ảnh…? Làm sao để
cuộc đời chúng ta trở thành một cuốn sách Tin Mừng để ai đọc cũng gặp được Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha
nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã
được cứu chuộc.
Xin Cha
thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ
niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới
thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con
thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những
người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và
tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể
của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái.
Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM : Thánh Marcô, Thánh sử
Thánh
Marcô, mặc dù mang tên Roma, nhưng lại là người Do Thái, và còn được gọi theo
tên Do Thái là Gioan. Tuy không thuộc nhóm Mười Hai Tông Đồ, nhưng rất có thể
ngài đã quen biết Chúa Giêsu. Nhiều văn gia Giáo Hội phát hiện ra chữ ký kín ẩn
của thánh Marcô trong Phúc Âm của ngài, trong trình thuật người thanh niên bỏ
chạy với một mảnh vải trên người, khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu: ý
nghĩa ở đây là chỉ có mình thánh Marcô đề cập đến chi tiết ấy. Điều này còn
trùng hợp với một chi tiết khác: Marcô là con trai bà Maria, một góa phụ giàu
có, sở hữu ngôi nhà, nơi các tín hữu Jerusalem
tiên khởi thường tụ họp. Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này chính là
ngôi nhà có phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly và thiết lập bí
tích Thánh Thể.
Marcô
có bà con với thánh Barnabas; ngài đã đồng hành với thánh Phaolô trong cuộc
truyền giáo lần thứ nhất, và ở bên cạnh vị Tông Đồ dân ngoại trong những ngày
cuối đời của ngài. Tại Roma, Marcô còn làm môn đệ của thánh Phêrô. Trong Phúc
Âm của ngài, với ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh Marcô đã trung thành trình
bày giáo huấn của vị Tông Đồ trưởng. Theo một truyền thống cổ xưa được thánh
Jerome kể lại, sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, thánh Marcô đã
sang Alexandria, giảng đạo, thành lập giáo đoàn và trở thành giám mục tiên khởi
ở đó. Vào năm 825, thánh tích của ngài được dời từ Alexandria
về Venice ,
thành phố hiện nay nhận ngài làm quan thầy.
1. Marcô, người phụ tá của thánh Phêrô.
Ngay
từ khi còn rất trẻ, Marcô đã thuộc vào nhóm các tín hữu tiên khởi ở Jerusalem,
những người quen biết và được sống bên cạnh Đức Mẹ và các Tông Đồ. Mẹ của ngài
là một trong những phụ nữ đã lấy tài sản chu cấp cho Chúa Giêsu và mười hai
Tông Đồ. Marcô cũng có bà con với thánh Barnabas, một trong những nhân vật
chính yếu trong thời kỳ đầu, và là người đầu tiên dìu dắt ngài trong công cuộc
rao giảng Phúc Âm. Marcô đồng hành với thánh Phaolô và thánh Barnabas trong
hành trình truyền giáo lần thứ nhất,1 nhưng khi đến đảo Cyprus, Marcô cảm thấy
không thể tiếp tục được nữa nên đã từ giã và trở về Jerusalem.2 Thánh Phaolô
dường như rất thất vọng về tính thay đổi của Marcô. Về sau, khi trù định cho
hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Barnabas muốn đem theo Marcô, nhưng
thánh Phaolô nhất định không chịu vì nhớ lại sự việc trước đó. Cuộc tranh luận
giữa thánh Phaolô và thánh Barnabas căng thẳng đến nỗi sau cùng hai vị đã chia
tay, mỗi người tiến hành chương trình của riêng mình.
Khoảng
mười năm sau, chúng ta lại thấy Marcô tại Roma, lần này ngài giúp đỡ thánh
Phêrô. Lời thánh Phêrô đã viết trong thư: con tôi là Marcô,3 minh chứng mối
liên hệ lâu bền và gần gũi giữa hai vị. Thời gian ấy, Marcô là thông dịch viên
cho vị Tông Đồ trưởng, việc này đem lại một lợi điểm mà chúng ta nhận ra trong
Phúc Âm được ngài viết sau đó ít năm. Mặc dù không ghi lại một bài giáo huấn
dài nào của Chúa, nhưng bù lại, thánh Marcô đã mô tả rất sinh động về những
biến cố trong cuộc sống của Chúa Giêsu với các Tông Đồ. Trong các trình thuật
của ngài, chúng ta thấy hiện lên những thị trấn nhỏ ven bờ biển Galilê; chúng
ta cảm nhận được những lời bàn tán của đám đông đi theo Chúa Giêsu, chúng ta
như thể tiếp xúc với những cư dân của các địa phương ấy, nhìn thấy những việc
kỳ diệu của Chúa Giêsu, và những phản ứng tự phát của nhóm Mười Hai. Tóm lại,
chúng ta thấy mình như giữa đám đông dân chúng, được chứng kiến các biến cố
Phúc Âm. Qua những mô tả sinh động, thánh Marcô đã in đậm vào linh hồn chúng ta
một hấp lực dịu dàng nhưng không sao cưỡng lại của Chúa Giêsu mà dân chúng và
các Tông Đồ đã cảm nghiệm được trong cuộc sống với Thầy Chí Thánh. Thánh Marcô
đã trung thành ghi lại những hồi tưởng thân mật của thánh Phêrô với Thầy Chí
Thánh: những ký ức ấy không phai nhòa theo năm tháng, nhưng càng ngày càng sâu
đậm và sinh động hơn, càng thấm thía và hứng thú hơn. Có thể nói Phúc Âm thánh
Marcô là tấm gương sinh động về giáo huấn của thánh Phêrô.4
Thánh
Jerome cho chúng ta biết, theo thỉnh nguyện của các tín hữu Roma, Marcô, môn đệ
và thông ngôn của thánh Phêrô, đã viết Phúc Âm theo những gì ngài đã được nghe
thánh Phêrô giảng dạy. Và chính thánh Phêrô, sau khi đã duyệt bản Phúc Âm ấy,
đã dùng quyền bính chấp thuận cho sử dụng trong Giáo Hội.5 Đây thực sự là sứ
mệnh chính trong cuộc đời thánh Marcô: trung thành ghi lại những lời giảng của
thánh Phêrô. Ngài đã để lại cho hậu thế biết bao ích lợi! Ngày nay, chúng ta
thực sự phải mang ơn thánh Marcô vì nhiệt tâm ngài đã đặt vào công việc và lòng
trung thành với ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần! Ngày lễ kính thánh Marcô là
dịp để chúng ta xét lại việc hằng ngày chúng ta đọc Phúc Âm, lời Chúa nói trực
tiếp với chúng ta, như thế nào. Chúng ta có thể tự hỏi đã bao lần chúng ta đã
sống như người con hoang đàng, hoặc áp dụng cho mình lời cầu khẩn của anh mù
Bartimaeus: Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy – Domine, ut videam! Hoặc lời
thỉnh nguyện của người cùi: Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, xin cho tôi được sạch –
Domine, si vis, potes me mundare! Bao lần chúng ta cảm thấy tận đáy lòng rằng
Chúa Kitô đang nhìn và mời gọi chúng ta hãy sát bước theo Người, kêu gọi chúng
ta hãy vượt thắng một thói xấu nào đó làm chúng ta xa cách Người, hoặc như các
môn đệ trung thành, hãy sống nhân ái hơn nữa với những người khó hòa hợp với chúng
ta?
2. Là khí cụ của Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện
một cuộc khởi đầu mới.
Thánh
Marcô đã giúp đỡ thánh Phêrô nhiều năm tại Roma, ở đó, chúng ta còn thấy ngài
phụ giúp thánh Phaolô nữa.6 Quả thế, con người mà thánh Phaolô thấy không thể sử
dụng trong hành trình truyền giáo lần thứ hai thì nay lại là một niềm an ủi7 và
một người bạn trung thành. Vào khoảng năm 66, thánh Tông Đồ đã viết cho
Timothy: Con hãy đem Marcô đi với con, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục
vụ của cha.8 Sự kiện đảo Cyprus
một thời hết sức ảm đạm, thì nay dường như đã bị quên lãng hoàn toàn. Giờ đây,
thánh Phaolô và thánh Marcô là bạn hữu và đồng sự của nhau trong công cuộc quan
trọng là mở rộng vương quốc Chúa Kitô. Thực sự đây là một tấm gương lớn lao và
cũng là một bài học tuyệt vời cho chúng ta học biết: đừng bao giờ kết luận dứt
khoát về một ai, khi nào cần thiết một ai, chúng ta hãy biết cách nối lại mối
dây thân hữu mà đã có lúc xem như đã tan rã hoàn toàn!
Giáo
Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Marcô. Thật là một hy vọng và ủi an khi
chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối,
nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ
Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc
nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa
Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.
Chúng
ta đừng để những bất toàn nên cớ làm chúng ta xa cách Chúa hoặc từ bỏ sứ mạng
tông đồ, mặc dù đôi khi chúng ta đã không đáp ứng đúng mức với ơn Chúa, hoặc
chúng ta đã ngần ngại khi được nhờ cậy. Những hoàn cảnh như thế, nếu có khi nào
xảy ra, chúng ta không nên ngạc nhiên, bởi vì như lời thánh Phanxicô Salê đã
nói, Không có gì phải ngạc nhiên vì bệnh tật là bệnh tật, yếu đuối là yếu đuối,
và gian ác là giac ác. Tuy nhiên, hãy hết sức gớm ghét điều bạn đã xúc phạm đến
Chúa, và với lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, hãy quảng đại quay
lại con đường mà bạn đã từ bỏ.9
Những
thất bại và những hành vi nhát đảm rất quan trọng. Chúng khiến chúng ta trở về
bên Chúa để nài xin ơn tha thứ và trợ giúp của Người. Nhưng Chúa vẫn tin tưởng
chúng ta, và chúng ta vẫn cậy trông ơn Chúa, nên chúng ta hãy lập tức làm lại
và quyết tâm trung thành hơn trong tương lai. Với ơn phù trợ của Đức Mẹ, chúng
ta sẽ biết cách rút ra điều hữu ích từ những yếu đuối, nhất là khi kẻ thù,
những kẻ không bao giờ nghỉ ngơi, ra sức làm chúng ta thất đảm và từ bỏ cuộc
chiến. Chúa Giêsu muốn chúng ta thuộc về Người mặc dù chúng ta đã có một lịch
sử yếu đuối với những sai phạm.
3. Sứ vụ tông đồ.
Hãy
đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.10 Hôm nay, chúng ta đọc
những lời này trong Ca Nhập Lễ. Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Marcô
đã ghi lại. Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng
lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Phúc Âm: Các tông đồ ra đi và
rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng
bằng những phép lạ kèm theo.11 Đó là những lời thánh Marcô kết thúc Phúc Âm của
ngài.
Thánh
Marcô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh
Phêrô: Hãy đi khắp thế gian. Chính thánh Marcô và Phúc Âm của ngài đã là một
thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt
cho thời đại chúng ta. Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng
và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng
và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ
ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân
loại.
Sứ
mạng của thánh Marcô - cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của
các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình - chắc chắn
không phải là một sứ mạng dễ dàng. Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn
thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong
việc theo bước Chúa.
Chúng
ta hãy cám tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và
niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta. Mọi thế hệ
Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ
lại cho người khác. Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Non est abbreviata manus
Domini – Cánh tay Chúa không bị thu ngắn.12 Người tín hữu biết Chúa đã thực
hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực
hiện.13 Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ
nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống
trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.
(Trích
‘dongcong.net’)
Thứ Năm 25-4
Thánh Máccô
Những gì chúng ta biết về Thánh Máccô thì trực tiếp từ Kinh Thánh
Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Máccô trong Tông Ðồ Công Vụ 12:12 (Khi
Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).
Phaolô và Barnabas muốn đem theo Máccô trong chuyến truyền giáo
đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Máccô đã ở lại Giêrusalem một mình.
Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Máccô,
bất kể sự nài nỉ của Barnabas, điều đó chứng tỏ Máccô đã làm phật lòng Phaolô.
Sau này, Phaolô yêu cầu Máccô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy
sự bất hòa giữa hai người không còn nữa.
Là phúc âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc Âm, Máccô nhấn
mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên
Chúa. Phúc Âm Thánh Máccô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rôma -- sau
cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô khoảng giữa thập niên 60 và 70.
Cũng như các thánh sử khác, Máccô không phải là một trong 12 tông
đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Ðức Kitô một cách cá biệt hay không. Một số
sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị
bắt ở Giệtsimani: "Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn
vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần
truồng" (Máccô 14:51-52).
Nhiều người khác cho rằng Máccô là giám mục đầu tiên của
Alexandria, Ai Cập. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, cho
rằng Thánh Máccô là quan thầy của thành phố này; một vương cung thánh đường vĩ
đại ở đây được coi là nơi chôn cất thánh nhân.
Dấu hiệu của Thánh Máccô là sư tử có cánh, do bởi đoạn Máccô diễn
tả Gioan Tẩy Giả như một "tiếng kêu trong hoang địa" (Máccô
1:3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Ðôi cánh của
sư tử là vì người ta dùng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh mà áp
dụng cho các thánh sử.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Máccô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời
gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Ðặc biệt, phương
cách của Thánh Máccô là qua sự viết văn. Những người khác có thể loan truyền
Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay
trong gia đình.
Lời Trích
Hầu hết những gì Thánh Máccô viết đều có đề cập đến trong các Phúc
Âm khác -- chỉ trừ bốn đoạn. Sau đây là một đoạn: "... Chuyện nước trời
cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy
có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người
ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ
đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem
liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa" (Máccô 4:26-29).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét