Ngày
26/04/2013
Thứ Sáu Tuần
IV Mùa Phục Sinh Năm C
Ga 14,1-6 |
BÀI ĐỌC I: Cv 13, 26-33
"Thiên Chúa đã
làm trọn lời hứa khi cho Đức Giêsu sống lại".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, khi Phaolô đến Antiôkia
thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng: "Thưa chư huynh, con
cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa chư huynh, lời cứu độ đó
đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở Giêrusalem và các thủ
lãnh của họ đã không nhìn nhận Đức Giêsu và các lời tiên tri mà họ đọc mỗi ngày
Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên án Người. Và dầu không
thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin Philatô cho giết Người. Và
khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã tháo Người xuống khỏi cây thập
giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi
chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người đã hiện ra với những kẻ đã
cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những kẻ đó là những chứng
nhân của Người trước mặt dân chúng.
"Phần chúng tôi, chúng tôi loan báo cho
chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, Thiên Chúa đã làm hoàn tất
cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, như đã chép
trong thánh vịnh thứ hai rằng: 'Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con'
". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 2, 6-7. 8-9. 10-11
Đáp: Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con
(c. 7).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Chính Ta đã đặt
vương nhi Ta trên Sion, núi thánh của Ta. Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa:
Chúa đã phán bảo cùng Ta: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh
thành ra Con". - Đáp.
2)
Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt
cõi đất làm gia tài. Con sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, như bình thợ gốm,
Con đem nghiền nát chúng ra. - Đáp.
3)
Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết, quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy
kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Người, hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục
Chúa. - Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia,
alleluia! - Chúa Kitô đã sống lại ra khỏi mồ, Người đã chịu treo trên thập giá
vì chúng ta. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 14, 1-6
"Thầy là đường, là sự thật và là sự sống".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.
Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy
đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ
trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi
đâu, các con đã biết đường rồi". Ông Tôma thưa Người rằng: "Lạy Thầy,
chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" Chúa
Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được
với Cha mà không qua Thầy". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Thầy Sẽ Trở Lại
Với Các Con
Anh
chị em thân mến!
Cuộc
"trở lại" nào cũng được khởi đầu bằng sự ra đi. Có ra đi mới có trở
lại. Thế nhưng, cũng có những cuộc ra đi không bao giờ trở lại. Ra đi không trở
lại vì nơi xuất phát của việc ra đi chẳng còn gì có thể lưu luyến người đi. Ði
để cởi bỏ một qua khứ đau buồn, đi để trốn trách nhiệm, đi để tránh những ràng
buộc theo đuổi. Chân vừa cất bước đi thì lòng đã rộn ràng niềm vui.
Những
cuộc ra đi ngày chẳng bao giờ có hứa hẹn. Hoặc nếu có thì cũng chỉ là những lời
giả dối đầu môi để dễ dàng trốn thoát. Hứa hẹn làm gì khi mắt chưa khuất mà
lòng đã xa. Gặp lại nhau làm gì khi đã đào sẵn hố sâu ngăn cách. Người ta chỉ
hứa hẹn khi chân phải bước mà lòng chẳng muốn rời.
Hứa
hẹn là gởi gắm sự hiện diện cho người ở lại. Lời hứa trở lại diễn tả một sự gắn
bó tha thiết, dù mãi tận nơi đâu thì tâm hồn vẫn kề bên với người ở lại. Lời
hứa trở lại có sức xoa dịu nỗi đau bằng viễn ảnh hạnh phúc, ngày tái ngộ lời
hứa sẽ vượt thắng những buồn đau hiện tại. Dù rằng thời gian đợi chờ bao giờ
cũng dài dẳng lê thê.
Khi
Chúa Giêsu sắp từ giã các môn đệ để ra đi trở về cùng Cha, bấy giờ các môn đệ u
buồn xao xuyến. Thật vậy, làm sao mà chẳng có u buồn khi đã có ba năm tình
nghĩa Thầy trò vui buồn sướng khổ bên nhau. Làm sao mà chẳng xao xuyến âu lo
khi trụ cột gia đình vắng bóng, khi chốn tựa nương không còn.
Chúa
Giêsu đã biết trước điều này và các môn đệ cũng đã thấm thía nỗi buồn khi Thầy
họ tuyên bố ra đi. Bởi thế, Ngài đã giải thích cho họ biết về sự ra đi của
Ngài, và nhất là Ngài hứa sẽ trở lại.
Ngài
ra đi không vì bản thân Ngài, nhưng là vì các tông đồ. Ngài ra đi vì để dọn chỗ
cho các môn đệ, và khi đã dọn xong chỗ thì Ngài sẽ trở lại để đem các ông đi
cùng Ngài.
Còn
gì vui sướng cho bằng khi một người ra đi nhận chịu mọi vất vả gian lao, để tất
cả chỉ vì người ở lại. Như thế, người ở lại sẽ không còn mặc cảm là mình bị bỏ
rơi, bị chối từ. Họ hãnh diện sung sướng vì được người ra đi đặc biệt quan tâm
để ý tới. Bởi thế, thái độ xứng hợp của người ở lại chẳng phải là u buồn than
khóc, hoặc ngồi không chờ đợi, nhưng phải góp sức với người ra đi bằng việc
chuẩn bị sẵn sàng để đến lúc hội ngộ, không còn phải đợi chờ làm giảm đi niềm
vui của sự gặp gỡ nữa.
Vì
thế, nếu biết chuẩn bị thì sẽ làm cho người ở hạnh phúc vui mừng biết bao. Và
còn gì bẽ bàng cho bằng khi trở lại mà chỉ gặp toàn những dửng dưng, thờ ơ. Còn
gì làm buồn lòng Thiên Chúa cho bằng khi Ngài đến gõ cửa tâm hồn mà người ta đã
đóng kín.
Vậy,
khi lãnh nhận niềm tin, người tín hữu Kitô cũng được Chúa Giêsu hứa hẹn. Ngài
hứa hẹn là Ngài sẽ trở lại, trở lại với riêng từng người, và chung tất cả mọi
người trên trần thế này. Khi trở lại, Ngài sẽ đem họ lên nơi Ngài đã dọn chỗ.
Họ sẽ hưởng trọn niềm vui mà hiện tại họ chỉ mới cảm nghiệm được lờ mờ như nhìn
hình ảnh phản chiếu trong gương. Giờ trở lại Ngài không báo trước, nhưng Ngài
muốn họ luôn sẵn sàng như tân nương vui mừng chờ đón tân lang.
Lạy Chúa, xin cho con
biết chọn lời hứa trở lại của Chúa, để làm ngọn đuốc hướng dẫn ngày sống hiện
tại của Chúa, nó sẽ là ngọn lửa hy vọng giúp chúng con thoát khỏi mạng lưới u
buồn của cuộc đời giăng mắc xung quanh chúng con, có ánh sáng ngọn lửa hy vọng
soi chiếu, chúng con sẽ không còn cô đơn vì biết rằng Chúa vẫn hằng quan tâm
đến chúng con. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Sáu Tuần
IV PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi điều Thiên Chúa hứa được hoàn thành bởi Đức Kitô.
Con
người ham sống và sợ chết. Nếu phải đổi tất cả những gì con người có để khỏi
phải chết và được sống muôn đời, họ sẽ sẵn sàng đổi; nhưng cái chết là một thực
tại mà mọi người phải đương đầu với. Con người tự hỏi: Tại sao khát vọng sống ở
trong con người mà cái chết luôn đeo đuổi họ? May mắn cho con người, Chúa Giêsu
đến để cung cấp câu trả lời cho con người bằng cách cho mặc khải cho con người
ý định của Thiên Chúa: Ngài dựng nên con người cho cuộc sống bất tử và có sẵn
Kế Hoạch Cứu Độ để thực hiện điều này.
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong Chúa Giêsu; Ngài đến để hoàn thành Kế Hoạch của
Thiên Chúa, và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người. Trong Sách CVTĐ,
Phaolô đưa khán giả ngược giòng lịch sử để nhìn thấy những gì Thiên Chúa hứa
với dân Do-thái được hoàn thành nơi Đức Kitô, qua Cuộc Thương Khó – cái chết –
và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các
Tông-đồ biết về những gì sắp xảy ra cho các ông: Ngài về trời để dọn chỗ và sẽ
trở lại đón các ông về ở với Ngài. Toàn bộ Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa có
thể được tóm gọn trong câu tuyên bố của Chúa Giêsu: "Ta là Đường, là Sự
Thật, và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Điều Thiên Chúa đã hứa với cha ông chúng ta được thực hiện nơi Đức
Kitô.
1.1/
Mọi chuyện xảy ra trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã được loan báo trong
Kinh Thánh.
Phaolô
tiếp tục nói với khán giả trong hội đường tại Antioch, Pisidia: "Thưa anh
em, là con cái thuộc dòng giống Abraham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây,
là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta."
Rồi ông nói về sự luận tội, cái chết, và sự mai táng của Đức Kitô:
(1)
Sự luận tội:
"Dân cư thành Jerusalem
và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giêsu; khi kết án Người, họ đã
làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày Sabbath."
Bốn
Bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa phải chịu đau khổ để hoàn thành sứ vụ
Thiên Chúa trao trong Sách Ngôn Sứ Isaiah, và nhiều Sách ngôn sứ khác dẫn chứng
điều này.
(2)
Cái chết của Ngài: "Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi
Philatô xử tử." Chính Philatô đã mang Chúa Giêsu ra cho dân thấy và nói:
"Ta không tìm thấy nơi người này có tội gì để kết án;" nhưng họ càng
la to hơn: "Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào Thập Giá!"
(3)
Sự mai táng:
"Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ
Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ."
1.2/
Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: Mặc dù con người đã từ chối và đóng
đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá, họ không vô hiệu hóa Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên
Chúa, vì Ngài đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Vì thế, Kế Hoạch Cứu Độ
được hoàn thành, và từ nay, không những Israel và mọi người đều có thể nhận
được ơn cứu độ. Phaolô trưng dẫn những chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh:
(1)
Đức Kitô đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ: "Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra
với những kẻ từng theo Người từ Galilee lên Jerusalem . Giờ đây chính họ làm chứng cho
Người trước mặt dân."
(2)
Phaolô và Barnabas làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh: "Còn chúng tôi,
chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: Điều Thiên Chúa hứa với cha ông
chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho
Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của
Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con."
2/
Phúc Âm: Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu.
2.1/
Tình yêu Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: Đây là những lời tâm huyết của Chúa Giêsu
cho các môn đệ trước Cuộc Thương Khó, như những lời trối trăn của người chết
trên giường bệnh trước lúc hấp hối: "Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào
Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy
đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho
anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng
ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."
2.2/
Đường dẫn đến Chúa Cha:
(1)
Câu hỏi của ông Thomas: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao
chúng con biết được đường?" Câu hỏi của Thomas hợp lý, một người phải biết
đích mình muốn đi, trước khi tìm ra đường để đi tới. Khi hỏi những lời này,
Thomas vẫn chưa tin Chúa Giêsu đến từ trời, nên khi Chúa Giêsu nói Ngài sẽ trở
về cùng Cha, ông không nghĩ là Chúa Giêsu sẽ lên trời. Cho đến khi chính mắt
ông nhìn thấy Chúa khi Ngài hiện ra (Jn 20:26-28), lúc đó ông mới xác tín niềm
tin của ông vào Chúa Giêsu, khi kêu lên: "Lạy Thầy của con! Lạy Thiên Chúa
của con" (Jn 20:28).
(2)
Câu trả lời của Chúa Giêsu: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy." Làm sao một con người có thể
tuyên bố những lời này? Các Tông-đồ có lẽ không hiểu ý nghĩa của câu tuyên bố
này khi Chúa Giêsu nói; nhưng chỉ dưới ánh sáng Phục-sinh, các ông mới có thể
nhận ra ý nghĩa của nó.
Trước
tiên, Chúa Giêsu mặc khải cho con người một "Sự Thật" quan trọng.
Ngài cho con người biết ý định của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn cho con người
không phải chết, nhưng được "Sống" muôn đời. Đây là đích điểm của đời
người, và cũng là đích điểm của Kế Hoạch Cứu Độ. Điều này không lạ, vì Thiên
Chúa dựng nên con người, và Ngài phú bẩm trong linh hồn con người khát vọng
được sống đời đời. Làm sao con người đạt được đích điểm này? Con người không
thể tự mình đạt tới vì con người tội lỗi và không có sức mạnh; nhưng Thiên Chúa
đã chuẩn bị một Kế Hoạch Cứu Độ.
Đây
là "Đường" hay "Cách" mà Thiên Chúa cứu độ con người: Ngài
cho Người Con Một xuống thế gian để gánh tội cho con người. Người Con này hoàn
thành Kế Hoạch bằng cách chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại để mang lại sự
sống đời đời cho con người.
Để
con người có thể đạt đích của cuộc đời, họ phải tin vào Đức Kitô và Kế Hoạch
Cứu Độ của Thiên Chúa; đồng thời, họ cũng phải ngang qua con đường mà Chúa
Giêsu đã đi để chuộc tội cho con người, như thánh Phaolô nói: "Nếu chúng
ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại như Người." Quả
thực, chỉ một mình Đức Kitô có đầy đủ thẩm quyền để nói: "Chính Thầy là
con đường, là sự thật và là sự sống."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
Cuộc
đời chúng ta chỉ có ý nghĩa qua niềm tin vào Đức Kitô. Ngài đến để mặc khải cho
chúng ta ý định của Thiên Chúa, và Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để
chúng ta được sống muôn đời. Tất cả mọi biến cố trong Kinh Thánh và trong cuộc
đời chúng ta chỉ tìm thấy ý nghĩa đích thực qua ánh sáng Phục Sinh của Đức
Kitô.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga
14,1-6
A. Hạt giống...
Bài giáo lý thứ 6 : Chúa Giêsu là đường.
Cũng trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa
Giêsu đang nói cho các môn đệ những lời rất thân tình, tha thiết. Ngài báo cho
họ biết Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi mà họ rất lạ. Nhưng Ngài hứa sẽ trở lại
đón họ để cũng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi "Thưa Thầy, chúng con
không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi ?" Chúa Giêsu đáp
: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà
không qua Thầy". Nghĩa là : mục tiêu cuộc hành trình của mọi người là về
với Thiên Chúa là Cha ; Chúa Giêsu chính là người dẫn đường, hơn nữa Ngài chính
là con đường dẫn ta đến đó.
B.... nẩy mầm.
1. "Sinh ký, tử quy", sống là
gởi, chết là về. Đời này không phải là quê hương mà chỉ là nơi chúng ta gởi
thân trong một khoảng thời gian nào đó. Khi chết, chúng ta sẽ về quê hương
thật. Đó là chân lý. Nhưng nhiều người quên hẳn chân lý đó, họ sống ở trần gian
như là đang ở quê hương vĩnh viễn, không hề nghĩ tới lúc phải rời bỏ cái
"ký túc xá" này, không hề nghĩ tới nơi mình sẽ về.
2. Một người nói chuyện với bạn là một
Kitô-hữu già cả : "Tôi sợ rằng anh gần đất xa trời rồi !" Người kia
nhẹ nhàng đáp : "Tôi biết chứ, nhưng nhân danh Chúa, tôi không sợ, mà tôi
còn đặt hi vọng vào đó." (Góp nhặt)
3. Sống là hành trình. Mà hành trình thì
phải hướng đến một điểm tới. Trong cuộc hành trình tới một nơi tôi chưa từng
biết, nếu tôi tự hướng dẫn thì dễ lạc đường ; tôi đi theo sự hướng dẫn của
người khác thì có thể khá hơn ; nhưng không gì bảo đảm bằng hành trình theo sự
hướng dẫn của Chúa Giêsu : "Không ai lên trời được ngoại trừ Con Người
Đấng đã từ trời xuống" (Ga 1,13).
4. Lạy Chúa, nhiều khi con lo lắng về tương
lai, không biết đời con sẽ về đâu. Chúa bảo "Lòng các con đừng xao xuyến.
Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy". Tương lai, hãy để Chúa dẫn dắt.
Chúa dẫn con dần đến cái chết, không, đúng hơn là Chúa dẫn con ngày càng tới
gần với Chúa Cha. Chúa dạy con hằng ngày sống như Con của Cha và như anh em của
mọi người. Đó là con đường mà nếu con đi thì chắc chắn con sẽ đến Nhà Cha trên
trời.
5. Một Kitô-hữu già cả sắp chết. Một người
đến nói :
- Con đọc cho cụ nghe một câu Thánh Kinh
ngọt ngào nhất nhé !
- Vâng.
- "Trong nhà Cha có nhiều chỗ... Ta đi
dọn chỗ cho các con"
- Không, đó không phải là câu ngọt ngào
nhất. Đọc tiếp đi
- "...Ta sẽ trở lại để Ta ở đâu các
con cũng ở đó với Ta"
- Đó mới là câu ngọt ngào nhất. Điều tôi
cần, không phải là một chỗ, mà là chính Chúa. (Góp nhặt)
6. (những mầm khác)
Lm.Carolo
HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ
26/04/13 THỨ SÁU TUẦN 4
PS
Ga 14,1-6
Ga 14,1-6
CON ĐƯỜNG ĐẾN SỰ SỐNG THẬT
“Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào
Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở.” (Ga 14,1-2)
Suy niệm: Dù nhà Cha trên trời có nhiều
chỗ ở nhưng phải có con đường mới có thể đi về nhà Cha. Con đường về nhà Cha ấy
mang tên Giêsu, vì chính Ngài đã cho Ta biết điều ấy: “Thầy là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến với
Chúa Cha mà không qua Thầy” (c. 6). Nỗi lo của Tôma: “Chúng con không biết thầy đi đâu, làm sao biết đường đi?” đã được giải đáp. Điều thiết yếu cho chúng ta là “hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào
Thầy.”
Mời Bạn: Nhờ Tôma mà Chúa đã tỏ cho ta
thấy con đường đưa đến sự sống thật, sự sống đời đời. Con đường ấy, con đường
hẹp, con đường thập giá, Chúa đã đi qua và đã đến nơi “để dọn chỗ” cho chúng ta. Ngày nay, con
đường hẹp vẫn còn đó, và mỗi người chúng ta vẫn phải vác thập giá mình hằng
ngày mà đi qua đó để đến nơi mà Chúa đã đến. Nhưng giờ đây Chúa đã phục sinh,
chúng ta an tâm tiến bước, không sợ rủi ro bất trắc vì Ngài đã chiến thắng thế
gian.
Chia sẻ: Bạn đã nhận ra Chúa Giêsu là
Đường đưa tới Sự Sống Vĩnh Cửu như thế nào? Là Kitô-hữu, bạn đã sẵn sàng giới
thiệu cho anh chị em mình con đường tin vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất
chưa?
Sống Lời Chúa: Tông huấn “Cửa Đức Tin” mời gọi
chúng ta khám phá niềm vui đức tin. Tôi sống niềm vui đức tin ấy
khi làm việc thờ phượng, và các cử hành phụng vụ cách hân hoan và qua nếp sống
vui tươi thân ái vói mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con vững bước đi
trên con đường Chúa đã đi qua, con đường luôn nhắm đích đến là Nhà Cha trên
trời, nơi Chúa đã đi đến để dọn chỗ cho chúng con.
Thầy là đường
SUY NIỆM
Sách Công vụ Tông đồ có một lối nói đặc biệt để chỉ kitô giáo.
Tôn giáo mới này được gọi Đường của Chúa (Cv 18, 25-26),
hay thường xuyên hơn, được gọi là Đường (Cv 19, 9. 23; 22, 4; 24, 14. 22).
Sách Công vụ cũng có lối nói đặc biệt để chỉ các kitô hữu.
Họ được gọi là những người thuộc về Đường (Cv 9, 2),
và họ đã chịu bách hại vì theo con đường này, theo Đạo này.
Tôn giáo mới này được gọi Đường của Chúa (Cv 18, 25-26),
hay thường xuyên hơn, được gọi là Đường (Cv 19, 9. 23; 22, 4; 24, 14. 22).
Sách Công vụ cũng có lối nói đặc biệt để chỉ các kitô hữu.
Họ được gọi là những người thuộc về Đường (Cv 9, 2),
và họ đã chịu bách hại vì theo con đường này, theo Đạo này.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
chúng ta nghe Đức Giêsu nói : “Chính Tôi là Đường” (c. 6).
Phải chăng vì thế kitô giáo được sách Công vụ gọi là Đường của Chúa,
và các kitô hữu đầu tiên được gọi là những người thuộc về Đường ?
Đối với kitô hữu, theo đạo chính là theo một Con Đường.
Con Đường ấy không phải chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ,
cũng không phải là những minh triết khôn ngoan phải theo.
Con Đường ấy hiện thân nơi một con người.
Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu,
là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu,
Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt.
chúng ta nghe Đức Giêsu nói : “Chính Tôi là Đường” (c. 6).
Phải chăng vì thế kitô giáo được sách Công vụ gọi là Đường của Chúa,
và các kitô hữu đầu tiên được gọi là những người thuộc về Đường ?
Đối với kitô hữu, theo đạo chính là theo một Con Đường.
Con Đường ấy không phải chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ,
cũng không phải là những minh triết khôn ngoan phải theo.
Con Đường ấy hiện thân nơi một con người.
Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu,
là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu,
Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt.
Đức Giêsu không chỉ là người dẫn đường.
Chính Ngài là Đường, là Đạo.
Hơn thế nữa, Ngài là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha.
“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (c. 6).
Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa,
bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời.
Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ.
Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu.
Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa.
Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.
Chính Ngài là Đường, là Đạo.
Hơn thế nữa, Ngài là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha.
“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (c. 6).
Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa,
bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời.
Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ.
Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu.
Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa.
Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.
Khi các môn đệ xao xuyến vì đến giờ chia tay,
Thầy Giêsu cho biết Ngài đi về với Cha để dọn chỗ cho họ (c. 2).
Chỗ ở vĩnh viễn của họ là nơi Thầy trò được ở với nhau mãi mãi.
“Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3; x. 12, 26; 17, 24).
Thiên đàng là nơi Thầy trò được ở bên nhau, không gì ngăn cách nổi.
Tình Thầy trò đã bắt đầu ở đời này và sẽ kéo dài đến vĩnh cửu.
Thầy Giêsu cho biết Ngài đi về với Cha để dọn chỗ cho họ (c. 2).
Chỗ ở vĩnh viễn của họ là nơi Thầy trò được ở với nhau mãi mãi.
“Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3; x. 12, 26; 17, 24).
Thiên đàng là nơi Thầy trò được ở bên nhau, không gì ngăn cách nổi.
Tình Thầy trò đã bắt đầu ở đời này và sẽ kéo dài đến vĩnh cửu.
Là người theo Đạo Giêsu, chúng ta biết mình từ đâu đến và sẽ đi
đâu.
Chúng ta không đi loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Chúng ta biết hạnh phúc đang chờ mình ở cuối đường.
Nhưng nếu chúng ta không có tình bạn thiết thân với Giêsu ở đời này
thì vào thiên đàng để làm gì ?
Chúng ta không đi loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Chúng ta biết hạnh phúc đang chờ mình ở cuối đường.
Nhưng nếu chúng ta không có tình bạn thiết thân với Giêsu ở đời này
thì vào thiên đàng để làm gì ?
LỜI NGUYỆN
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sang
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng long
chạy đi tìm anh bình nơi Chúa.
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sang
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng long
chạy đi tìm anh bình nơi Chúa.
Thánh Âu Tinh
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM Ga 14,1–6
Trong bài Tin Mừng hôm nay, trước hết Đức Giêsu mời gọi
các môn đệ hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài. Đồng thời, Ngài hứa dành chỗ
cho các ông trong Nhà Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là Ngài hứa cho các môn đệ
được ở kề cận bên Ngài trong Nước Thiên Chúa. Và cuối bài Tin Mừng là lời hướng
dẫn quan trọng của Đức Giêsu cho những ai muốn được ‘có chỗ’ trong Nước Thiên
Chúa, đó là: muốn đến được với Chúa Cha, phải nhất thiết đi qua Ngài. Ngài là
con đường.
Trong những lần giảng dạy, Đức Giêsu chỉ ra cách thức để
người ta nhận biết Thiên Chúa và đạt được ơn cứu độ. Nhưng không những là ‘chỉ
dẫn, ‘chỉ đường’, Ngài còn là chính con đường. Ngài đã thực hiện trước những
đòi hỏi của Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là Đường, để ai đi trên Con Đường
này, nghĩa là những ai thực hiện những chân lý mà Ngài đã rao giảng, những ai
bắt chước Ngài, sẽ đến được với Thiên Chúa và Nước Thiên Chúa.
Mong sao, tôi luôn đặt trọn niềm tin vào Giêsu - Đấng vừa
là người chỉ đường, vừa là Con Đường.
Mong sao, tôi biết yêu chuộng Luật Chúa và Lời Chúa, vì
biết rằng Lời Chúa và Luật Chúa là con đường dẫn tôi đến với Nước Chúa, đến với
sự sống.
Lm. AN NAM
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
26
THÁNG TƯ
“Hãy Nhận Lãnh Thánh
Thần”
Trong Mùa
Phục Sinh, chúng ta có dịp trở lại căn gác thượng. Chúng ta nhớ lại những biến
cố của ngày đầu tuần, của Chúa Nhật Phục Sinh.
Đức Giêsu
xuất hiện, dù cửa đóng kín. Người đứng giữa các môn đệ và nói với các ông:
“Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Và
sau khi Người nói những lời ấy, Người thổi hơi trên các ông và nói: “Anh em hãy
nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22).
Đây là cuộc
hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu sau khi Phục Sinh. Đức Giêsu xuất hiện. Người
vẫn như thế; nhưng Người cũng đã thay đổi. Người vẫn là con người đã chịu khổ
nạn, vì Người đã cho các môn đệ thấy các lỗ đinh nơi tay Người và vết thương
nơi cạnh sườn Người. Nhưng Người đã thay đổi. Cửa đóng không thể cản trở thân
xác vinh quang của Người!
Người đã
được thay đổi bởi cuộc Phục Sinh. Giờ đây, Người biểu hiện quyền năng của Thánh
Thần trao ban sự sống nơi thân xác Người. Người xuất hiện trong quyền năng của
Thánh Thần, và Người trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ. Chúa chúng ta trao
ban Thánh Thần, Ôi! Hồng phúc biết bao, các vết thương trong cuộc khổ nạn của
Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
26-4
Cv
13, 26-33; Ga 14, 1-6
LỜI SUY NIỆM: “Nếu
Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy
ở đâu, anh em cũng ở đó.”(Ga 14,3).
Chúa
Giêsu là Chúa của chúng ta, Ngài là Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngài đã yêu thương
chúng ta cho đến cùng; không những tại trần thế này. Ngài trở về bên cạnh Chúa
Cha, Ngài mở ra cho chúng ta một con đường đi về nhà, về nơi cội nguồn của
chúng ta. Vể với Thiên Chúa Cha, và rồi Ngài lại đến dẫn đưa chúng ta về nơi chỗ
mà Ngài đã dọn sẵn để chúng ta được đón nhận vinh quang của Thiên Chúa chiếu
tỏa trọn vẹn, và mỗi chúng ta sẽ chiếu tỏa vinh quang của Ngài. Nơi đó vinh
quang của mọi người sẽ được hiệp thông với nhau một cách trọn vẹn.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
26/4 - Thánh Giuse Cottolengo
(1786
- 1842)
Thánh
Giuse Cottolengo là người con cả trong gia đình 12 người con. Sinh trưởng ở
Bra, gần Turin, Ý Ðại Lợi, sau một thời gian vất vả vì sức khoẻ yếu kém và khó
khăn trong việc học, ngài được thụ phong linh mục trong Ðịa Phận Turin năm
1811.
Trong
quãng đời của Cha Giuse, nước Ý tan nát vì chiến tranh và người nghèo cũng như
người bệnh tật thường bị quên lãng. Ðược khích động bởi cuộc đời Thánh Vinh Sơn
Phaolô và xúc động trước sự đau khổ của những người chung quanh, Cha Giuse đã
thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân, và tuyển mộ các thiếu nữ để điều hành.
Khi công việc ngày càng bành trướng và được nhiều người tham gia, Cha Giuse quy
tụ những người thiện chí trong hai tổ chức là Tiểu Ðệ Thánh Vinh Sơn Phaolô và
Tiểu Muội Thánh Vinh Sơn Phaolô.
Khi
bệnh dịch tả lan tràn năm 1831, tổ chức của Cha Giuse phải đóng cửa và di
chuyển ra ngoại ô thành phố, ở Voldocco, tiếp tục chăm sóc người bất hạnh. Tổ
chức của ngài có tên Nhà Chúa Quan Phòng và phục vụ nhiều loại người khác nhau
(người bệnh, người già, sinh viên nghèo, người bị bệnh tâm thần, người mù). Tất
cả phần tài chánh đều nhờ vào lòng bác ái của mọi người.
Ðể
phục vụ những người kém may mắn, ngài còn sáng lập các tổ chức Nữ Tử Ðấng
Thương Xót, Nữ Tử Ðấng Chiên Lành, Ẩn Sĩ của Chuỗi Mai Khôi, và các Linh Mục
của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bị
mắc bệnh thương hàn, ngài yếu dần và từ trần ở Chieri, nước Ý, và được phong
thánh năm 1934.
Lời Bàn
Làm
thế nào để chúng ta biết được thánh ý Thiên Chúa? Có phải thánh ý đó không thay
đổi? Thánh Giuse Cottolengo chỉ bắt đầu thực hiện công việc bác ái nổi tiếng đó
sau 21 năm làm linh mục. Những năm cầu nguyện và tìm kiếm đã giúp Thánh Giuse
Cottolengo nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong quá khứ, dù chúng ta có
đáp ứng thế nào với nhu cầu của tha nhân đi nữa, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi
chúng ta độ lượng hơn nữa.
(nguoitinhuu.com)
26 Tháng Tư
Người Sói
Một trong những cuốn
phim nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: đó là cuốn phim có tựa đề "người
sói". Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực xảy ra tại Pháp vào
cuối thế kỷ 18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ lúc lọt lòng mẹ.
Mười hai năm sau, khi
người ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào một con thú. Người ta
không thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được. Tất cả những gì một nhà giáo, một
bà vú nuôi có thể làm được chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt vào trong xó bếp để
đứa bé tìm đến và liếm thức ăn như một con thú... Mọi người dường như bó tay,
không còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của nó.
Và một ngày kia, nó đã
trốn thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình... Tình cờ, vì đói, nó đã
trở ra xóm làng và một lần nữa người ta đã bắt lại được nó. Người ta mang nó
đến nhà giáo và người được chỉ định đến gần nó để hỏi han, trò chuyện chính là
vú nuôi. Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình để nói chuyện với đứa bé.
Gương mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi
người, đứa bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và trong thinh lặng.
nó cầm hai tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc đó, người ta chỉ
còn thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai khuôn mặt...
Cuộc
gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài
tất cả những dự đoán và tính toán của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ là đối
tượng của những tính toán khoa học. Thiên Chúa cũng không là kết luận của những
suy tư uyên bác. Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất.
Thiên Chúa ở trong chúng ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của
chúng ta... Nói tóm lại, chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự
vật, nhưng trái lại chúng ta phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong
những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống...
Tin
Mừng cho chúng ta thấy nhiều phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa
Giêsu. Phần đông dân chúng chỉ nhìn thấy nơi Ngài như một người dân quê xuất
thân từ cái miền nghèo nàn là Galilê. Những người trí thức thì nghiên cứu Kinh
Thánh để rồi áp dụng những hiểu biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu.
Và, sĩ nhiên, những gì đã được Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa
Giêsu... Một số khác thì đề nghị bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa
bịp...
Chúa
Giêsu vẫn mãimãi là câu hỏi của chúng ta: "Còn các con, các con bảo Ta là
ai?". Một câu hỏi như thế, chúng ta không chỉ trả lời bằng những kiến thức
đã lĩnh hội được qua giáo lý, thần học, Kinh Thánh... Một câu hỏi như thế chỉ
có thể được trả lời bằng một cuộc gặp gỡ thân tình với Ngài.
Cũng
giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong
thinh lặng và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu
cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.
Ðức
tin đó sẽ luôn là mặt trận chiến dai dẳng trong tâm hồn chúng ta. Có lúc chúng
ta cảm thấy như đi trong ánh nắng chan hòa. Có lúc, tất cả xung quanh chúng ta
như ập phủ xuống và chúng ta không còn thấy gì nữa. Thiên Chúa đến với chúng ta
bằng những câu hỏi mà chúng ta không ngừng nêu lên với Ngài... Tại sao Ngài bỏ
con? Chúng ta hãy không ngừng tra vấn Thiên Chúa. Ðó là dấu hiệu của một cuộc
đối thoại giữa Ngài với ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét