Trang

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

03-05-2013 : THÁNH PHI-LÍP-PHÊ VÀ GIA-CÔ-BÊ, TÔNG ĐỒ-Lễ Kính


Ngày 3 tháng 5
Lễ Thánh Philípphê và Giacôbê, Tông Ðồ
Lễ Kính


Bài Ðọc I: 1 Cr 15, 1-8
"Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích.
Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.
2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 6b và 9c
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Hỡi Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 6-14
"Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".
Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con".
Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?' Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Thánh Philipphê và Giacôbê hậu, Tông Ðồ
(thế kỷ I)

Thánh Philipphê là người cùng quê với thánh Phêrô và Anrê sinh tại Betsaiđê, một làng trên bờ biển Tibêriát. Trước kia ngài theo thánh Gioan Tiền Hô và đã trở thành một trong những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Chính ngài đã bảo cho Nathan biết Ðấng Cứu Thế đã đến và dẫn ông ta đến gặp Chúa. Phúc Âm đã nói lên mối liên hệ mật thiết giữa ngài với Chúa Giêsu.
Trước khi làm phép lạ bách hóa nhiều, Chúa đã hỏi thử Philipphê tìm kiếm thức ăn cho mọi người. Cũng chính ngài đã được lương dân xúm lại hỏi han và yêu cầu cho xem Ðấng Cứu Thế. Rồi trong bữa tiệc ly, ngài đã xin Chúa Giêsu tỏ Ðức Chúa Cha cho mình và Chúa Giêsu đã trả lời: "Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha".
Sau khi đã nhận lãnh Thánh Thần, ngài đã đem đức tin lại cho toàn thể dân thành Sitti. Sau đó, ngài đến giảng dạy ở Hiêrapoli, xứ Rigie và chịu đóng đinh vì danh Chúa. Xác ngài được các tín hữu ở đó mai táng, sau được đem về Rôma đặt bên mồ thánh Giacôbê.
Thánh Giacôbê hậu (gọi ngài như thế là để phân biệt với thánh Giacôbê con ôngAlphê) là anh em họ với Chúa Giêsu. Ngài là Giám Mục đầu tiên cai quản thành Giêrusalem. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với ngài và chính ngài đã viết một bức thư còn lưu lại trong bộ Tân Ước.
Vì trung thành với đức tin, ngài bị bọn biệt phái và một số người cứng lòng tố cáo và kết án. Ngài bị chúng xô từ trên nóc đền thờ xuống và ném đá cho đến chết. Trước khi chết, ngài còn quỳ gối cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho kẻ thù của mình.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Thánh Philip và Giacôbê, TĐ (Ngày 3 tháng 5)
Bài đọc: 1 Cor 15:1-8; Jn 14:6-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhờ Tin Mừng, anh em được cứu thoát.

Philip là người cùng quê quán với Phêrô và Anrê, sinh ra tại Bethsaida (Jn 1:44). Ông cũng là một trong số những người theo John Baptist khi ông này chỉ vào Đức Kitô và giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian!” Sau khi gọi Phêrô, Chúa Giêsu gặp Philip và gọi ông theo Ngài làm môn đệ với hai tiếng truyền đơn giản “Hãy theo Ta.” Philip vâng lời đáp trả tiếng gọi, và sau đó ông mang Nathaniel đến giới thiệu với Chúa và cũng trở thành môn đệ của Ngài (Jn 1:43-45). Philip có tên trong danh sách của Nhóm Mười Hai, tên của ông đứng hàng thứ năm trong danh sách, sau Phêrô và Anrê, Gioan và Giacôbê (Mt 10:2-4; Mk 3:14-19; Lk 6:13-16). Tin Mừng Thứ Tư tường thuật ba biến cố liên quan tới Philip (Jn 6:5-7; 12:21-23; và trình thuật hôm nay 14:8-9). Ba biến cố này cho chúng ta cái nhìn tổng quát về Philip: ngây thơ, xấu hổ, và hơi bi quan.
Thánh Giacôbê chúng ta mừng hôm nay được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Giacôbê con ông Alpheus để phân biệt với Giacôbê con ông Zebedee (Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13), anh của Gioan; Giacôbê nhỏ để phân biệt với Giacôbê lớn (Mt 27:56); Giacôbê, anh em với Chúa (Mt 13:55; Mk 6:3; Gal 1:19). Không một chút nghi ngờ, ông cũng được nhắc tới trong Thư Galat sau đó (2:2, 9; Acts 12:17, 15:13, 21:18; 1 Cor 15:7). Ông cũng là Giám-mục đầu tiên của Jerusalem (Acts 15 và 21), mặc dù ý kiến này cũng bị nhiều người phản đối.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ.

1.1/ Hoàn cảnh của Phaolô: Ông là một người Pharisee nhiệt thành với Lề Luật, sinh sống tại Tarsus, trong tỉnh bang Cicilia, và hành nghề chế tạo lều. Ông đang trên đường đi Damascus để truy nã các tín hữu của Đức Kitô. Lý do ông truy nã các tín hữu vì ông tin như bao người Do-thái khác: chỉ có người Do-thái mới xứng đáng được hưởng ơn cứu độ bằng cách giữ cẩn thận các luật lệ của tiền nhân để lại. Ông không được nghe trực tiếp từ Đức Kitô; nhưng qua những lời tố cáo của những người khác, ông nhìn Chúa Giêsu và các tín hữu như những kẻ thù đe dọa niềm tin của Do-thái Giáo.
Nhưng biến cố gặp gỡ Đức Kitô trên đường đi Damascus đã thay đổi toàn bộ đời sống của Phaolô. Ông bị té ngựa bởi một luồng sáng cực mạnh từ trời, bị mù lòa, và được nghe tiếng Đức Kitô cho biết Ngài chính là Người mà ông đang truy nã. Ngài cũng cảnh cáo cho ông biết "khốn cho những ai cứ giơ chân đạp mũi nhọn!" Sau đó, ông được sai tới với Ananiah, môn đệ của Đức Kitô, để được chữa lành và trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cách riêng cho Dân Ngoại.

1.2/ Kinh nghiệm của Phaolô: Khi suy niệm về biến cố ngã ngựa đó, Phaolô cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng với tình yêu của Đức Kitô. Thứ nhất, ông là kẻ thù đáng chết của Đức Kitô, vì ông đang truy tố các tín hữu của Ngài; thế mà Ngài đã không bắt ông phải chết, lại còn chữa lành sự mù lòa của ông về thể xác cũng như tinh thần. Ngài cho ông nhìn thấy sự thật về những mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trước đó ông đã lầm lẫn. Thứ đến, Ngài còn ban cho ông đặc quyền được làm tông-đồ. Phaolô thú nhận: "tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa." Sau cùng, Ngài ban muôn ơn thánh để giúp ông hoàn thành sứ vụ được trao phó: "Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi."

1.3/ Phaolô thực thi sứ vụ tông đồ: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô đã gặp nhiều chống đối từ mọi phía: từ phía các tín hữu và từ người Do-thái. Các tín hữu không thể tin Phaolô, một người đang nhiệt thành bắt đạo, có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng. Những người ghen tị tố cáo Phaolô giảng dạy giáo lý sai lạc. Họ nêu lý do vì Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai nên không thấu hiểu đạo lý của Đức Kitô. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô nêu bật những điều quan trọng mà mọi người phải tin: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại đúng như lời Kinh Thánh. Sau đó, Đức Kitô đã hiện ra với nhiều người: với ông Kêpha và với Nhóm Mười Hai, với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ, và sau cùng với chính ông trên đường đi Damascus. Tất cả đều làm chứng Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Phaolô kết luận: "Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy."

2/ Phúc Âm: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.

2.1/ Chúa Cha và Chúa Giêsu là một: Con người chưa bao giờ thấy Thiên Chúa; nhưng khi con người thấy Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, vì như thánh Phaolô nói: "Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình." Trong mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philip, Chúa Giêsu xác tín điều này.
- Ông Philíp yêu cầu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
- Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?""
Chúa Giêsu muốn chứng minh cho Philip 2 điều:
(1) Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha: "Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình."
(2) Những việc Chúa Giêsu làm là theo ý của Chúa Cha: "Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm." Không ai có thể làm những việc Chúa Giêsu đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.

2.2/ Các Tông-đồ có thể làm những việc Chúa Giêsu làm và những việc lớn hơn nữa: Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha."
- Những việc Chúa Giêsu làm: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại, đào tạo môn đệ ... Các Tông-đồ làm được tất cả những điều này nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh sức riêng của mình; vì các ông biết rõ sức con người không thể làm những chuyện đó. Lời bảo trợ của Chúa Giêsu bảo đảm sức mạnh này: "Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó."
- Những việc lớn hơn đây là làm sao cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được cứu độ. Để thực hiện điều này, Chúa Giêsu cần sự cộng tác của con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tin Mừng của Đức Kitô cần được học hỏi cẩn thận trước khi rao truyền cho mọi người. Nếu có sự mâu thuẫn, chúng ta cần khiêm nhường tìm hiểu và sửa chữa cho đúng sự thật.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 15,12-17

A. Hạt giống...
Bài giáo lý thứ 11 : Kitô hữu hãy yêu mến nhau
Lòng "Yêu mến nhau" mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ mình có phải vươn tới những mức độ sau đây :
- "Các con hai yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con"
- "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình"

B.... nẩy mầm.
1. "Yêu thương", "Tình gia đình", "Huynh đệ", "Chia xẻ", "Hiệp thông" v.v. là những từ ngữ được nói quá nhiều nhưng nhiều khi chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản. Chính con cũng rất nhiều lần nói như thế. Từ nay con muốn nói những chữ ấy một cách thật lòng, nhất là nói với những người cùng niềm, cùng lý tưởng với con.
2. Yêu thương, nếu chỉ là một cảm giác dễ chịu thì chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu thật là phải cho đi, phải hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng đúng nghĩa. Bởi thế Chúa Giêsu nói : "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình"
3. "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình". Câu Tin Mừng này khiến tôi liên tưởng tới một câu chuyện tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tựa đề "Anh phải sống" : hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi. Chỉ có một khúc cây đủ sức cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì "em phải sống để lo các con". Người vợ cũng bảo chồng "Anh phải sống". Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.
4. "Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau"
Từ 23 tháng chạp đến tết, đất Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì chuẩn bị cầu phúc. Trong những ngày này, Lố Tấn gặp thím Tường Lâm. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, Cồng sau chết vì thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ... Họ còn đồn rằng mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng coi thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn... Thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn.
Lỗ Tấn thấy thím, tóc trắng toá, tay sách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, tay kia cầm cây gậy trúc đầu dưới toe toé, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên đứa con mình...
Tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vừa lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy quát lên : "Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc ?"
Lạy Chúa, có nhiều người bên con vẫn đang âm thầm đau khổ chỉ vì những suy nghĩ, lời nói và hành động thiếu yêu thương của con. Xin giúp con hiểu và thực thi giới răn yêu thương của Ngài. (Epphata)
5. (những mầm khác)
                                                        
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

03/05/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Th. Philípphê và Giacôbê, tông đồ
Ga 14,6-14

NHÌN THẤY CHÚA CHA !
“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” – “Phi-líp-phê, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,8-9)
Suy niệm: Nhìn thấy Thiên Chúa! Khát vọng khôn nguôi của con người, nền tảng vững chắc cho Đức Tin chúng ta! Lời kêu xin của Philípphê cũng là niềm khao khát của mỗi người chúng ta. Lời mở đầu Tin Mừng Gioan khẳng định: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ!” (Ga 1,18). Nhưng vì tình yêu tế nhị và đầy cảm thông cho niềm tin chúng ta, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình với một gương mặt nhân loại để chúng ta nhìn ngắm Ngài để chúng ta tin: Gương Mặt tuyệt vời  của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”
Mời bạn hãy nhìn ngắm gương mặt rạng ngời của Đấng Phục sinh vinh hiển để chiêm ngắm vinh quang Chúa Cha.
Mời bạn hãy chiêm ngưỡng nét mặt đau thương bị dập vùi trong cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế, để nếm cảm Tình yêu Thiên Chúa là thế đó.
Nhưng cụ thể hơn nữa và cũng thật không kém, xin bạn đừng quên dừng tầm nhìn của bạn trên khuôn mặt những người anh em bé mọn nhất (Mt 25,40) khó thương nhất, khó nhìn nhất; vì chúng ta ai cũng chỉ thích nhìn cái gì đẹp đẽ sang trọng và không muốn nhìn những gì là xấu xí, dơ nhớp, bần cùng… Những người anh em này đang sống quanh bạn; Đức Giêsu chịu đóng đinh đã tự đồng hóa với họ; họ cũng là hình ảnh của Chúa Cha ngàn trùng chí thánh đấy bạn ạ!
Cầu nguyện: Nguyện xin Thánh Tông Đồ Philípphê cầu cùng Chúa ban cho chúng con lòng khao khát tìm nhan thánh Chúa! Amen.

Làm những việc lớn hơn nữa
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin, vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài. Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con 

Suy nim:
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do Thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài:
Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
 yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm Ga 14,6-14
Thánh Philipphê  nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện". Phải chăng là Thánh Philipphê muốn có một kinh nghiệm trong sự gặp gỡ Thiên Chúa mang chiều kính cá nhân. Đây cũng chính là điều mà mỗi người chúng ta đang thiếu, là biết được Chúa Giêsu qua một cảm nghiệm nội tâm thiêng liêng sâu xa trong tâm hồn.

            Sự cảm nghiệm này sẽ dẫn chúng ta đi vào một kinh nghiệm thiêng liêng, cho chúng ta một sức mạnh, một sự biến đổi thực sự trong tình yêu, làm cho chúng ta trở nên một nhân chứng sống động về tình yêu của Chúa đối với con người. Làm chứng cho tình yêu cũng đồng nghĩa với sự tử đạo như Chúa Giêsu.


Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng con Thần Khí và sức sống của Ngài. Xin cho lòng chúng con khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an cho mọi người. Xin cho con tim chúng con biết sống yêu thương, để chúng con trở nên nhân chứng sống động bằng một cuộc sống chứng tá ở mọi nơi mà chúng con hiện diện. Amen
Dmp

Philip và Giacôbê: tông đồ
Kính nhớ thánh Giacôbê Hậu, con ông Alphê, anh em họ với Đức Giê-su. Ngài làm Giám Mục cộng đồng Kitô ở Giê-ru-sa-lem và là thánh tử đạo thứ 36 thánh Stêphanô và Giacôbê tiền anh của thánh Gioan. Cần đọc lại bức thư với lời giới thiệu để tôn vinh Ngài, vì Ngài đã bàn đến nhiều vấn đề.
Tên của Thánh Philip được ghi rất sớm trong Tin Mừng của Thánh Gioan. Ngài được kể là Tông Đồ thứ tư cùng với Thánh Gioan và hai Thánh Anrê và Phêrô dân thành Betsaida xứ Galilê (Ga 1, 43-44), Ngài giới thiệu mấy người Hy Lạp xin gặp Đức Giê-su (12, 21), trước khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su hỏi Ngài: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn?... Ngài đáp: thực có mua đến 200 đồng bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút (6, 5-7) và ở bữa tiệc ly, Philíp nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. (14, 8). Người ta cho rằng Philíp sống hiện thực, giống như những người tiến bộ khoa học thời chúng ta: ông sống theo kinh nghiệm nên đòi được xem, sờ, cảm thấy Chúa Cha, cùng với óc tính toán của ông: có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút!
Không Đức Giê-su không mua 200 đồng bánh, cũng không làm cho Chúa Cha hiện ra. Đức Giê-su có tất cả mọi sự để nuôi tất cả thính giả, để mặc khải Chúa Cha: chỉ mình Người tỏ cho thấy rõ quyền phép của Người và tình yêu của Thiên Chúa. Trong Người, chúng ta có tất cả. Chỉ mình Người nắm giữ tất cả để với những cử chỏ của Người, Người ban cho chúng ta những cảm nghiệm về Thiên Chúa nhờ những dây liên kết của Người với chúng ta.
Hãy nhìn ngắm Đức Giê-su sống thì hiểu biết được Thiên Chúa. Hãy tin vào Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ được bảo phải làm gì để đi vào chương trìng cứu độ.
Nhờ sự cảm nghiệm của bản thân mình về đức tin chúng ta sẽ cảm nghiệm thẩm sâu toàn diện Tin Mừng Thánh Gioan kết hợp với những khuynh hướng hiện đại cũa chúng ta. Các bạn trẻ chúng ta đã cảm nghiệm được những điều thích thú trong sách của Thánh Gioan, thì cần đào sâu những cuộc đàm thoại trong Tin Mừng của Thánh Gioan để khởi đi từ câu thứ nhất: “Hãy theo tôi mà Thánh Philíp chắc chắn đã thấm thía với tất cả ý nghĩa thâm sâu của câu đó, để rồi: “Thấy Thầy, là thấy Cha” “Thế là được mãn nguyện”.
L.P
Thứ Sáu 3-5

Thánh Philípphê và Thánh Giacôbê


Thánh Giacôbê: Chúng ta không biết nhiều về thánh nhân ngoại trừ tên của ngài, và dĩ nhiên, Ðức Giêsu đã chọn ngài là một trong 12 cột trụ của Israel Mới, là Giáo Hội của Chúa. Thánh Giacôbê không phải là Giacôbê Hành Ðộng, con của Clopas, "anh em" với Ðức Giêsu và sau này là Giám Mục Giêrusalem và là tác giả Thư Thánh Giacôbê.
Thánh Philípphê: Ngài cùng quê với Thánh Phêrô và Anrê, ở Bétsaiđa vùng Galilê. Ðích thân Ðức Giêsu gọi ngài, và sau đó ngài tìm gặp ông Nathanaen và nói với ông về "Người mà Môisen đã đề cập đến" (Gioan 1:45).
Cũng như các tông đồ khác, phải mất một thời gian thì Thánh Philípphê mới nhận ra Ðức Giêsu là ai. Trong một dịp, khi Ðức Giêsu trông thấy đám đông theo Người và muốn cho họ ăn, Người hỏi ông Philípphê có thể mua thực phẩm ở đâu cho dân chúng dùng. Thánh Gioan nhận xét, "Ðức Giêsu nói như thế là để thử ông, vì Người biết những gì phải làm" (Gioan 6:6). Ông Philípphê thưa, "Dù có tiền lương hai trăm ngày làm việc mà mua thức ăn cho họ thì cũng không đủ mỗi người một chút" (Gioan 6:7).
Nhận định của Thánh Gioan không phải là sự khinh thường Thánh Philípphê, mà cốt để chúng ta thấy sự khác biệt giữa khả năng của loài người và quyền năng của Thiên Chúa.
Trong một dịp khác, chúng ta có thể cảm được sự bực tức trong lời nói của Ðức Giêsu. Sau khi ông Tôma than phiền là họ không biết Ðức Giêsu đi đâu, Người nói, "Thầy là đường... Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng sẽ biết Cha Thầy. Từ bây giờ trở đi anh em được biết Người và được thấy Người" (Gioan 14:6a, 7). Nhưng ông Philípphê lại hỏi tiếp: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, và như thế là đã đủ cho chúng con" (Gioan 14:8). Thật quá quắt! Ðức Giêsu đáp lại, "Thầy từng ở với anh em bao nhiêu lâu mà anh vẫn chưa biết Thầy sao, hở Philípphê? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Gioan 14:9a).
Có lẽ vì Thánh Philípphê có tên Hy Lạp hoặc vì ngài được coi là thân cận với Ðức Giêsu, nên một số người ngoại giáo muốn theo đạo đã đến với ngài và xin ngài giới thiệu với Ðức Giêsu. Ông Philípphê đến nói với ông Anrê, và ông Anrê nói với Ðức Giêsu. Câu trả lời của Ðức Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan là câu trả lời gián tiếp; Ðức Giêsu nói "giờ" của Người đã đến, có nghĩa trong một thời gian ngắn Người sẽ hy sinh mạng sống cho người Do Thái cũng như Dân Ngoại (xem Gioan 12:21 -- 24).

Lời Bàn

Như trong trường hợp của các tông đồ khác, chúng ta thấy một con người rất bình thường đã trở nên nền tảng của Giáo Hội, và chúng ta cũng được nhắc nhở rằng sự thánh thiện và công cuộc tông đồ thì hoàn toàn do ơn của Chúa, không phải là sự thành đạt của con người. Mọi quyền năng là quyền năng của Thiên Chúa, ngay cả sự tự do của con người để đón nhận ơn sủng của Người. Ðức Giêsu nói với Thánh Philípphê "Con sẽ được mặc lấy sức mạnh từ trời". Nhiệm vụ đầu tiên của các ngài là trục xuất các thần ô uế, chữa lành bệnh tật, loan báo nước trời. Dần dà, các ngài hiểu rằng những dấu chỉ bên ngoài này là các bí tích của một mầu nhiệm cao cả hơn ở bên trong con người -- đó là sức mạnh thần thánh để yêu thương như Thiên Chúa.

Lời Trích

"Người sai họ... như những người được chia sẻ quyền năng của Người để họ có thể làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người, thánh hóa và dẫn dắt dân chúng... Họ được giao cho sứ mệnh này trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. TÐCV 2:1-26) phù hợp với lời Chúa hứa: 'Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất' (TÐCV 1:8). Qua sự rao giảng phúc âm ở mọi nơi (x. Máccô 16:20), và được đón nhận bởi những người nghe nhờ tác động của Thánh Thần, các tông đồ cùng quy tụ lại thành Giáo Hội hoàn vũ, mà Chúa Giêsu đã thiết lập trên các tông đồ và được đặt trên Thánh Phêrô, người đứng đầu, chính Ðức Giêsu Kitô vẫn là đá góc tường tối cao..." (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 19).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét